Dĩa rau khoai

14:51 15/01/2015

KIMO

Rau Khoai là một loại rau rất dễ trồng cũng như cây rau Mồng Tơi, các bạn cứ thử trồng theo cách trồng rau của Kimo xem có được không nhé.

Sáng thứ bảy cách đây một tháng Kimo đi chợ Farmer market mua một bó rau khoai về luộc ăn, Kimo lựa những cọng rau già ngâm vào nước vài ngày, thế là rễ trắng mọc ra tua tủa đẹp lắm; Kimo đem những cọng rau trồng nơi im mát có ẩm nước và chỉ cần sau hai tuần là đã có một dĩa rau thật ngon.

Đây là món ăn trưa của Kimo. “Rau khoai luộc” nghe đơn giản và thú vị quá phải không? Thêm một ly nước dừa nữa, tuyệt vời trên cả tuyệt với nhưng tuyệt vời hơn nữa là dĩa rau khoai này hái từ vườn nhà Kimo. Cách luộc rau, không biết các bạn luộc rau như thế nào để có một dĩa rau xanh thật xanh. Phương pháp luộc rau của Kimo giản dị lắm. Kimo nấu một nồi nước nhỏ, cho một phần ba muỗng café muối, nửa muỗng café đường, để nước sôi thật sôi cho rau vào, dùng đũa nhấn rau xuống dưới mặt nước khoảng chừng hai phút, đảo rau ngược lên rồi để thêm hai phút rồi vớt rau ra, thế là có một dĩa rau ngon. Không cần phải cao lương mỹ vị, có khi chỉ cần một món ăn rất đơn thuần đã đi sâu vào lòng và mang đi cho đến hết cuộc đời vẫn không quên đó là “Dĩa Rau Khoai”.

Dĩa rau khoai luộc làm Kimo nhớ đến những năm tháng cuối cùng sống trên vùng kinh tế mới Lại Uyên thuộc cây số 17, tỉnh Long Thành. Làm sao quên khi Kimo nhớ hết đường đi nẻo về cho dù rời xa gia đình hơn ba mươi năm. Nhìn những cọng rau xanh mướt lại nhớ đến Ba. Ông cụ đã qua đời 27 năm, thế mà hôm nay nhìn dĩa “rau khoai”, Kimo tưởng chừng như mới hôm qua. Một khoảng thời gian đẹp hạnh phúc bên gia đình song lại như mơ hồ. Cái mơ hồ với quằn quại ngày qua ngày khoai với sắn nhiều hơn cơm của trưa và tối. Kimo bây giờ “ăn chay” một năm không bằng cha già ăn chay một ngày. Khi nhìn ba mỗi một ngày nuốt từng miếng cơm gọi là “ăn chay” chẳng có gì ngoài vài cọng rau khoai chấm với muối tiêu chứ chẳng có nước tương mà chấm như Kimo bây giờ, chén muối tiêu khô khan như những nếp nhăn in sâu từng ngày trên khuôn mặt “đẹp trai” hào hoa phóng khoáng của một thời.

Kimo không biết đó là những ngày tháng cuối cùng hạnh phúc, những ngày hạnh phúc trong khắc khoải. Ngày đó ba của Kimo rời Huế, từ một thương gia trở thành một nông dân cầm cuốc đi phá rừng trồng đậu, trồng lúa. Kimo không biết là ba có kinh nghiệm trong công việc đồng áng cuốc đất trồng khoai không? Khi ông nội của Kimo là một điền chủ có ruộng lúa cò bay thẳng cánh, còn ba “chỉ tay năm ngón”, mạ nâng khăn sửa túi và người làm dâng nước hai tay. Xóm chợ Vinh Hưng có món gì ngon nhất, tươi nhất là đem đến mời “ôn”, ôi, tiếng “ôn” ngày đó nghe không có một cảm giác gì nhưng bây giờ nhớ lại sao nghe mà dễ thương quá rứa, cái dễ thương của một thời đong đầy kỷ niệm ray rứt khó quên.

Kimo không biết ba trồng những vồn khoai từ lúc nào. Làm sao quên một mái nhà tranh vách đất, ngôi nhà nằm giữa khuôn viên rộng. Sau vườn là những vồn khoai xếp hàng tuần tự trông đẹp mắt lắm, nhất là những đọt khoai mọc ra mơn mởn quanh co trên vồn. Chung quanh vườn làm hàng rào bao bọc bằng những cây “mít lưu niên”. Có những cây mít ướt trái chưa kịp chín đã bị mất trộm, trong suốt tám tháng ở đó Kimo may mắn lắm mới được ăn một trái mít thơm ngon cho dù ông cụ đã trồng quanh vườn hơn một trăm cây mít. Bên hông trái là một vườn sắn, bên phải là những loại cây ăn trái như mãng cầu, đu đủ và trước sân nhà được trồng một loại dược thảo gọi là cây bobo, cây nầy ba đem phơi khô rồi rang cho vàng để uống thay trà và vào rừng hái thêm cây hà thủ ô về làm thuốc uống để tóc không bị bạc.

Mỗi buổi sáng Kimo ra vườn hái đọt rau khoai, chỉ hái đọt thôi vì những dây rau khoai cần phải đắp lên vồn thì khoai mới có củ. Khi những lá khoai già nua ngả màu hơi vàng úa, là lúc những củ khoai bên dưới cũng vừa lớn để ăn, những củ khoai lòng tím mà bây giờ được gọi là “khoai dương ngọc” thật ngọt và có một mùi thơm ngát khi được hấp chín với cơm.

Nhìn dĩa “Rau Khoai” luộc bây giờ mượt mà xanh mướt lại nhớ những giây phút đầm ấm. Không đùa đâu khi nói Kimo ăn rau đến độ tóc xanh như rau, mướt như những cọng rau. Hồi đó những dĩa rau sáng trưa chiều tối làm cho da của Kimo trắng mịn màng, thiên hạ quanh xóm xì xầm mỗi khi Kimo có dịp ra đường đón xe về thành phố.

Thế mới cho dù mỗi một ngày qua đi làm cho mình già nua, nếp nhăn mỗi một ngày in dấu chân chim trên khóe mắt, nhưng kỷ niệm vẫn là kỷ niệm sống mãi, sống còn trong kí ức cho đến khi được đánh thức bằng những hiện thực quanh mình.

Mùa đông Cali 2014
K.M
(SDB15/12-14)






 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • ÐÔNG HÀ

    Tôi là người sinh ra sau chiến tranh, lớn lên bằng những bài học lịch sử. Thế hệ chúng tôi yêu Tổ quốc theo những bài học ông cha để lại qua những trang sách cộng thêm chút tính cách riêng của chính bản thân mỗi người. Mỗi người chọn cho mình một cách thể hiện tình yêu đó khác nhau.

  • CHẾ LAN VIÊN

    Hồi ký về Đoàn Nghệ thuật Xây dựng (Huế 1946)

  • NGUYỄN QUANG HÀ
                              (Bút ký)

    Ông Lê nguyên giám đốc sở Văn hoá Bình Trị Thiên, một lần về Thủy Dương lấy  tài liệu viết tuyên truyền cho vụ lúa mùa, đã cụng đầu với ông bí thư xã.

  • TẠ QUANG BỬU
                    (Hồi ký)

    Tôi đã học ở trường Quốc Học bốn năm từ năm 1922 đến 1926, cách đây đúng 60 năm.
     

  • TRỊNH BỬU HOÀI

    Đất trời đang mặc chiếc áo mới cho trần gian. Con người cũng thay chiếc áo mới cho mình. Chiếc áo khoác trên đôi vai sau một năm oằn gánh công việc. Chiếc áo phủ lên tâm hồn ít nhiều khói bụi thế nhân.

  • NHỤY NGUYÊN

    Một câu trong Kinh Cựu ước: Khởi thủy là lời. Tôi không dám khoác thêm bộ cánh mới, mà chỉ muốn tìm cho nó một mỹ từ gần gũi: Khởi thủy là mùa Xuân.

  • ĐÔNG HƯƠNG

    Trí nhớ tôi tự dưng quay trở về với tuổi thơ, tuổi ba mẹ vừa cho đi học. Ờ! Lâu quá rồi, cái Tết đối với tôi không còn ý nghĩa gì nữa, trí nhớ lơ mơ trở lại khoảng đời thơ ấu, có lẽ đẹp nhất trong đời của mỗi con người của chúng ta.

     

  • TRẦN HỮU LỤC (Tùy bút)

    Tháng Chạp ở quê tôi là tháng của hoa mai. Dường như màu của hoàng mai tươi thắm khắp mọi nẻo đường. Những chậu mai kiểng, vườn mai chùa, vườn mai nhà, đường phố mai, công viên mai, những thung lũng mai núi… đến thì lại nở đẹp một màu vàng mỏng nhẹ trong sương sớm.

  • DƯƠNG PHƯỚC THU (Bút ký lịch sử)

    Nhiều năm men theo dấu chân của nàng Huyền Trân, công chúa nhà Trần mở đất Ô, Lý, hễ có dịp là tôi lại hành hương đất Bắc. Viếng đền thờ các vua nhà Trần ở làng Tức Mặc - nơi ấy nay thuộc phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định.

  • HÀ THÚC HOAN

    Những ai đã từng là học sinh trường Quốc Học - Huế đều có Một thời Quốc Học(1). Thời Quốc Học của tác giả bài viết này là ba năm học tập ở các lớp đệ tam (lớp 10), đệ nhị (lớp 11) và đệ nhất (lớp 12), từ năm 1956 đến năm 1959.

  • TRẦN HUY MINH PHƯƠNG (Tùy bút)

    Thoáng một cái, xài hết ba trăm sáu mươi lăm ngày mà hổng biết. Bao dự tính giằng co rồi dang dở, chưa kịp nghĩ thấu, chưa xiết làm xong, phân vân nhiều nốt lặng, yêu người chưa sâu nặng, nợ người chưa trả xong… ngày giũ vội qua đi. Ngẩn ngơ, mùa về!

  • THIẾU HOA Hắn! Một vị khách không mời mà đến. Hắn đến viếng nhà tôi trong một đêm mưa to gió lớn. Cả nhà ai cũng biết sự có mặt của Hắn. Đêm đầu tiên cứ nghĩ Hắn chỉ trốn mưa tạm thời rồi hôm sau sẽ đi. Nhưng đến nay đã qua một mùa xuân, Hắn vẫn còn ung dung tự tại ở trong nhà, lại ở đúng trong phòng của tôi như một thành viên chính thức trong gia đình.

  • PHAN QUANG                Trích hồi ký ... Đến thị xã Sơn La chiều hôm trước, sáng hôm sau trong khi chờ đến giờ sang làm việc với Khu ủy Tây Bắc, đồng chí Nguyễn Chí Thanh - mà các đồng chí gần gũi đều quen gọi bằng tên thân mật: anh Thao - cho mời chủ nhiệm nhà khách của khu tới.

  • VÂN NGUYỄN                 Tùy bút “Nghe mưa nơi này lại nhớ mưa xa...” (Trịnh Công Sơn)

  • PHAN THỊ THU QUỲ Ba tôi - liệt sĩ Phan Tấn Huyên, Nguyên Chánh Văn phòng Ủy ban Hành chánh Kháng chiến Thừa Thiên - thường dặn tôi mấy điều: dù khó khăn đến mấy cũng không được ngừng nghỉ phấn đấu học hành bởi tri thức là sức mạnh; dù như thế nào đi nữa cũng phải giữ cho được bản sắc văn hóa Huế rất đỗi tự hào của mình...

  • TẤN HOÀI Một khung trời mây Một dải gương lung linh cuộn quanh hoàng thành cổ kính. Trầm mặc và ưu tư. Tưởng chừng như thế!...

  • XUÂN HOÀNG Tôi được Hội Nhà văn Việt Nam cử đi thăm hai nước Ru-ma-ni và Bun-ga-ri đúng vào những ngày đầu xuân Mậu Thân, sôi động.

  • HỮU THU & BẢO HÂN                                     Ký   Đến bây giờ nhiều người vẫn chưa quên hình ảnh hãi hùng mà cơn bão mang tên Cecil tàn phá vào cuối tháng 10 của năm 1985 ở miệt phá Tam Giang của tỉnh Thừa Thiên-Huế.

  • PHẠM THỊ CÚC Thầy dạy lớp Nhì Thầy dạy lớp Nhì tên Thanh. Người thầy roi roi, hơi thấp và nhỏ con. Bù lại, thầy rất nhanh nhẹn và vui vẻ, hoạt bát, nụ cười luôn nở trên môi.

  • VĨNH NGUYÊN Biết sở Ngoại thương có đến năm ông vua, tôi tặc lưỡi - chà, thời buổi này tiếng vua quan nghe có vẻ mai mỉa làm sao ấy? Nhưng lên được ngôi vua đâu phải đơn giản? Dẫu vua ác, vua hiền, vua tài ba hay bất lực, vẫn là vua một thời và khối kẻ mong ước được "một ngày tựa mạn thuyền rồng"...