Dì Ty

09:17 29/08/2008
HOÀNG THÁI SƠN Dì Ty khép cửa rồi ngồi vào góc giường lôi tiền dưới gối ra đếm. Hai tờ hai mươi ngàn, một mới, một cũ gấp đôi gần đứt rời; hai tờ mười ngàn, một mới, một cũ dính vẩy cá; một tờ năm ngàn quăn góc; hai tờ một ngàn dính mực và âm ẩm. Sáu mươi bảy ngàn cả thảy. Đếm lần nữa: sáu mươi bảy ngàn. Rồi dì mở rương, xếp tiền vào từng ô.

Có tất cả tám ô để tám loại tiền hiện hành, trong đó loại năm trăm trở xuống để chung một ô. Ô nào cũng xếp ngăn nắp, trừ ô tiền trăm hơi lộn xộn, vì nó còn được dùng chi tiêu hàng ngày. Không có ngân phiếu hoặc đô- la, dì Ty chỉ có một đội quân tiền Việt xếp hàng rất tề chỉnh. Thỉnh thoảng dì lại mở rương điểm binh một lần với cặp mắt sáng rực như đang nói chuyện với những tờ giấy đầy quyền thế.
Đậy nắp rương, khoá lại, rút chìa ra, dì lắc thử ổ khoá. Gà gáy. Nhiều đêm gà gáy hiệp một thì cũng là lúc dì Ty bỏ tiền vào rương, đậy nắp, khoá lại, rút chìa ra rồi lắc thử ổ khoá như thế. Dì ra giếng. Trời lạnh cóng, nước như cắn vào da thịt. Bên kia rào thưa, một bóng đen xuất hiện, thì thào nói chõ qua "Cưng, cưng ơi!". Dì Ty không ngạc nhiên, không giật mình, chỉ khép đôi bắp vế trắng ngần dưới trăng theo phản xạ giới tính tự nhiên rồi róc rách dội nước làm vệ sinh. Dì đang lau dấu nước bọt thối hoắc thằng cha nào để lại giữa rốn thì cái bóng đen bước qua, ôm lấy. Trong nhà, ngọn đèn hạt đỗ vẫn im lặng thức sáng một vùng bé nhỏ.

Thiên hạ chửi dì Ty là con đĩ già. Mẹ tôi thì chửi đầy đủ hơn. Nghe mẹ tôi chửi, cha tôi quẹt que đóm vào nõ điếu cày:
- Hoàn cảnh mà! Thiên hạ ghét, ta ghét nữa, thì ai thương!
- Ngựa quen đường cũ - Mẹ tôi oang oang - Cái đồ trời đánh!
Cha tôi phà thuốc lào mù mịt:
- Túng phải tính bà ạ.
- Nó bôi xấu cả họ - Mẹ tôi càng nổi điên - Ra đường tôi phải úp nón vào mặt mà đi!
Dì Ty đẹp nhất vùng. Từ mười lăm tuổi, hễ dì qua chuyến đò ngang nào, là chuyến ấy suýt chìm. Tôi lớn lên thì dì đã biến khỏi làng từ hồi nào, mọi chuyện chỉ nghe kể lại. Thuở ấy chiến tranh, thông tin mọi thứ chắp vá, nhưng dì đi đâu thì ai cũng thông tỏ. Nghe nói dì đi khắp, Hà Nội có, Nghệ An có; không làm gì ra làm gì nhưng áo quần là lượt, son phấn thơm lừng, lúc nào cũng phong lưu với cái miệng cười trắng loá hàm răng ngà ngọc làm chết mệt đám mày râu. Trong số đàn ông mê dì, đâu như có cả các ông tướng, các ông to, có ông bị vợ đánh ghen mà mất cả cơ đồ sự nghiệp.
Sau hoà bình thống nhất, dì dông vô Sài Gòn. Ba mươi tuổi, cao mét sáu bảy, mềm mại và khoẻ khoắn, uyển chuyển và rực rỡ như Nữ Thần Ái Tình. Trời phú cho dì quyền sai khiến những con đực, buộc bọn họ phải cung phụng dì ăn chơi đã đời, chán rồi lạnh lùng chia tay một đi không trở lại. Đến với dì phải là loại "râu hùm hàm én", đám chuột nhắt quấy đuôi vào hũ mỡ thì đừng có bén mảng. Có anh giàu sụ nhưng thấp choằn choặn, mặt như đĩa đèn đến tán tỉnh, dì cười nhẹ: "Anh có dám chồng tiền lên mà đứng cho cao ngang bằng tôi không? Cho hôn cái mà đi nè". Anh nọ xấu hổ quá chẳng còn mặt mũi nào nữa mà hôn với hít. Có anh rủ dì đi Mỹ, dì đã toan đi, nghĩ lại lại thôi. Dì về lục tỉnh, một ông chủ hãng xe đưa dì đi hết Cà Mau lên biên giới, sang Phnôm-Pênh; ông nọ cạn túi vì phải chịu dì xài sang, đành bán rẻ cái xe "đưa nàng về kinh"...
Thế rồi năm nọ, vừa Tết ra, làng đang tổ chức tế thần cho ngành văn hoá quay phim chụp ảnh, thì dì Ty đột ngột về. Tôi ra ga xách hộ dì hai cái va ly. Biết tôi sắp sửa vào đại học, dì cho một cái, còn một cái, dì nói: "Cái này của em, sau này nó đi học xa". Dì mang về một thằng bé lên năm rất đẹp. Thằng bé con ông nào, ở đâu, mọi người cứ rì rầm hỏi nhau, không dám hỏi dì; trong lúc dì lại nói nhỏ với mẹ tôi: "Bố nó làm to, nhưng tử rồi. Em cho nó mang họ Trần nhà mình, Trần Minh Nguyên, thế là đủ".
Làng phục hồi cái chợ ngoài bờ sông, xưa gọi là chợ Hà. Dì Ty dựng một căn lều bán mỹ phẩm, vải hoa, áo quần thời trang, rặt hàng lạ mắt, đám choai choai chen nhau mua. Dì xin đất dựng một mái nhà tranh ba mươi mét vuông đầu chợ đủ để đặt một cái giường, một cái bàn và một cái bếp. Vì sao dì Ty từ bỏ thói đi hoang về lại làng quê thì không ai rõ; chỉ biết là trông dì cũng thảnh thơi như ai, son phấn không còn nhưng đẹp vẫn đẹp. Có anh giữa đường đứt gánh ngỏ ý cùng nhau chắp lại đường tơ, nhưng dì trả lời: "Tôi ở thế nuôi con thôi, lấy chồng thì tôi đã không về làng". Có anh lân la tán tỉnh, tưởng dì là gái làm tiền, bị dì mắng: "Tôi chưa làm cái nghề bẩn thỉu ấy bao giờ. Anh là cán bộ xã, anh phải gương mẫu". Nói rồi dì quay mặt vào tường bưng miệng cười. Từ đó không còn ai dám bờm xơm với dì nữa, mọi đàm tiếu, thêu dệt trong thiên hạ cũng theo thời gian biến mất.
Sau lễ tế thần năm kia, làng tôi được kết luận là làng có truyền thống văn hoá lâu đời, bèn cho sửa sang ngôi đình, phục hồi phường hát bội và trùng tu ngôi chùa Viên Phúc mấy mươi năm không hương khói cạnh chân núi. Từ đó ngày rằm hàng tháng các bà lại lên chùa dâng hương, lễ bái vì hai cuộc chiến tranh đã xoá hết những sinh hoạt văn hoá truyền thống ở quê tôi. Dì Ty lễ chùa thành tâm và rất khéo, dì làm sao, các bà cứ thế mà làm theo, nhất là mẹ tôi khoái ra mặt. Dì xướng lên việc xây lại ngôi nhà thờ họ Trần, rồi nhất định xin góp tiền, mặc dù đàn bà không phải góp. Có chuyện vui thế này: Ngành Giáo dục có công văn yêu cầu các cô giáo đến trường phải mang áo dài. Dân quê tôi có biết mang áo dài là gì đâu. Dì Ty dẫn các cô đến tiệm may. Cô nào mang màu gì, tất cả đều do dì lựa chọn. May xong áo, họ thẹn, không ai dám mang. Thế là dì Ty đóng bộ tím hoa cà có đủ dây chuyền, vòng xuyến dẫn cả đàn bươm bướm xanh đỏ tím vàng lên huyện lỵ chơi nhân ngay Quốc khánh, từ đó thành quen...
Mẹ tôi nức nở khen dì Ty, lại nói cười ra kiểu xin lỗi vì lâu nay hiểu sai về đứa em. Dì tâm sự:
- Em lông bông một đời, cũng coi như hư hỏng, giờ phải tập trung cho con ăn học nên người để bù lại. Vì thế em phải về làng, ở thành phố phức tạp quá, sợ nó hư đốn thì đời em coi như cũng hết!
Dì Ty bỏ chốn phồn hoa về quê là để nuôi mộng đẹp. Mẹ con nuôi nhau. Mẹ nuôi con bằng đồng tiền góp nhặt từ góc chợ quê, con nuôi mẹ bằng viễn cảnh của một con người. Thằng Minh là đứa trẻ ngoan, học giỏi. Mỗi năm mỗi lớp, thấm thoắt đã vào lớp mười hai. Dì soi gương thấy tóc đã vài sợi bạc, dì thở dài rồi gọi:
- Minh ơi, Minh.
- Mẹ gọi con? Có việc gì ạ?- Thằng Minh từ cổng chạy vào, ngơ ngác.
Dì cười:
- Không gì hết, là mẹ gọi con thế thôi.
Rồi dì ôm con vào lòng như sợ mất nó. Đôi lúc giữa canh khuya, dì bật dậy, vén màn coi mặt thằng Minh trong bóng trăng chiếu qua ô cửa.
Cuối năm lớp mười hai, thằng Minh lăn ra ốm. Nó ôm bụng mà gào, đi hết ba tuyến viện mới hay bị bệnh lồng ruột, một căn bệnh ít gặp và rất nan giải. Chuyến ấy dì phải bán hết tư trang cho một cuộc đại phẫu thuật để cứu con, rất may là nếp gỗ chuẩn bị làm nhà tính bán mà không phải bán.
Minh thi ba trường đại học, đậu hai cuối cùng quyết định vào đại học Kinh tế - Tài chính thành phố Hồ Chí Minh. Nó thì nhập nhằng, đó là dì tôi quyết. tính toán sít sao cỡ tám trăm ngàn đồng một tháng. Vài tháng sau cu cậu xin mẹ học thêm Anh văn và Tin học. Dì gật rất vui vẻ: "Học gì cứ học, miễn đừng vào vũ trường, quán bar". "Mẹ yên tâm. Ngay sinh nhật bạn bè trong lớp, con cũng không muốn đi, vì tốn kém vì thấy hình thức quá". "Sinh nhật là nét văn hoá đẹp, rất nên tham gia. Đến lượt, mình cho con tổ chức đàng hoàng". "Từ nay...từ nay... một tháng phải gần triệu bạc cơ mẹ ơi!". "Nhiều nhỉ. Nhưng con yêu ạ, mẹ sẽ lo. Một triệu sử dụng đúng vẫn nên bỏ ra chứ không được chi dù một cắc vào chuyện lung tung". "Con thương mẹ lắm, chỉ lo mẹ ốm". "Mẹ không có quyền ốm, nếu con chưa học xong!"... Hàng tháng dì Ty ra quầy dịch vụ điện thoại gọi cho con một lần. Không lần nào nói ngắn mà đủ, có khi cúp máy rồi, dì lại quay gọi nói chuyện tiếp mà vẫn chưa hết chuyện. Có lẽ chuyện thì cũng cần, nhưng dì cần hơn là được nghe giọng thằng Minh, kể cả hơi thở của nó như lúc nào cũng nóng hổi qua cái tổ hợp.
Triệu bạc một tháng! Thật lè lưỡi! Dì tôi nuốt ực một cục nước bọt xưa nay chưa từng có. Quầy hàng ở chợ của dì bị thiên hạ "tranh giành thị phần" quá mạnh, có buổi chỉ bán được một bộ đồ lót như cái nhau mèo. Vét hết tiền tiết kiệm, cũng chỉ lấp đầy 6 tháng. Thế nên thượng vàng hạ cám, những gì bán được dì đem bán tất, từ món nữ trang cuối cùng cho đến bộ cột, kèo, đòn tay, rường xà, rui mè chuẩn bị lâu nay. Một năm làm nhà ba năm sắm gỗ; rồi kêu bán trong một khắc, để rồi cũng lại một mái tranh ba chục mét vuông, một cái giường, một cái bếp và có thêm con mèo kể từ ngày thằng Minh đi học xa. Nhưng cái mái tranh bát úp ấy cũng không yên, nó bắt đầu dở chứng rung rinh. Đất dì làm nhà nghe nói nằm trong quy hoạch xây dựng của địa phương, cụ thể là rồi cái chợ sẽ mở rộng ra; lúc xin người ta cho ào, không lẽ bây giờ giở lý ra thì dì thất thế. Một buổi sáng người ta đến cắm một cái cột mốc vào ngay đầu hồi nhà, cái cột mốc mang hình một cây thập tự. Chủ tịch xã ngồi chồm hổm trước sân phì phèo thuốc ba số. Dì phải một anh, hai anh mời gãy lưỡi, ông ta mới uể oải vào nhà. Sau lần gặp ấy, dì tôi buộc lòng tô lại một chút môi son!

Bóng đen và dì Ty dìu nhau rời khu giếng đi vào nhà. Ngọn đèn hạt đỗ vụt tắt. Hắn vật dì Ty đang ướt mèm ra giường. Đó la vị chủ tịch xã, chính là cái anh mười mấy năm trước, lúc dì mới về từng tới gạ gẫm, đã bị dì tạt cho một gáo nước bùn: "Anh là cán bộ xã, anh phải gương mẫu". Giờ gã tìm cách trả thù. Gã là một trong số rất ít khách làng chơi "miễn phí" của dì. Bất kể lúc nào, hễ chủ tịch xã đến, là dì phải vui vẻ tiếp. Bốn mươi bảy tuổi chưa phải tàn xuân với một giai nhân. Dì Ty không còn con đường nào khác hơn phải bán mình nuôi con ăn học. Cũng biết đồng tiền kiếm được là không sạch sẽ; nhưng ngẫm thấy ở đời, lắm anh giàu sang khả kính, đạo mạo oai phong vô cùng nhưng xem ra đồng tiền trong tay họ cũng có gì sạch sẽ, thậm chí nó còn vấy máu. Lại nghĩ nhắm mắt làm tiền nuôi con ăn học dư luận sẽ dành cho một sự thông cảm hơn là làm tiền để xây nhà lầu, tậu xe hơi... Dì tôi lao vào những cuộc bán mua cười chảy nước mắt. Gần, xa, sang, hèn... thôi thì đủ cả. Không chê bất kỳ ai, tiền lành, tiền rách, một chinh, một cắc... "ô kê" tất. Khách chơi nhà quê áo hôi mùi ruộng phèn, bàn tay cầm cày ráp như da thuộc:
chấp nhận. Có đứa thua dì một giáp, có cụ con cháu sửa soạn mừng thọ: chấp nhận. Với đối tượng nào dì cũng phải đóng kịch, nào quằn quại rên xiết, nào nũng nịu dỗi hờn, nào ước hẹn chỉ non, thề bể; phải đưa mọi ngón nghề ăn chơi ra mà nắm lấy hầu bao của những đứa ngu lâu. Căn nhà nhỏ của dì tôi bên xó chợ Hà nhiều khi thành sân khấu diễn tích tuồng Nghêu Sò Ốc Hến!
Mẹ tôi chửi từ ngõ chửi vào trong lúc dì Ty đang tự nhuộm lấy mái tóc ngắn kiểu gái chạy bàn, luống cuống hất đổ lọ thuốc ra ghế.
- Mày bôi tro trát trấu lên cả cái họ Trần! Nhớ là họ Trần xưa từng có ông Trần Tích là quan thượng thư, ông Trần Tán là quan phòng thành biết bao là danh giá. Còn như bố mày là ông Trần Quảng, từng làm chủ tịch lâm thời thôn. Mày làm nhục ông cha, mà cứ nhơn nhơn! Đồ lạc loài!
Dì Ty thu mình vào xó nhà, định cãi, rằng ông Trần Tích chỉ án sát, còn như ông Tán chỉ là lính phòng thành tỉnh Đông nhưng sau bị đày phát vãng vì tội bao che quân trộm cướp, thì danh giá gì!
- Đồ bán trôn nuôi miệng. Ngứa nghề cho đến lúc vào hòm chắc? Ngứa thì ra gộc tre mà cà. Mày có thấy tiền trong tay mày là thứ tiền bẩn thỉu không hở cái con đĩ thập thành kia!
Dì Ty chui ra:
- Chị cho vay lãi cắt cổ tiền ấy sạch a?
Mẹ tôi xắn quần lên, nhưng do hơi bị béo nên khá vất vả:
- A cái con này! Mày bảo tao ăn bẩn chứ gì? Tao cho vay, bàn dân thiên hạ ai cần, thì vay, có ai ép ai. Mày đừng vơ đũa cả nắm, đừng đánh bùn sang ao!
Chửi no mẹ tôi lạch bạch ra về, tuyên bố từ đứt không chị em ruột rà gì nữa, đồng thời đòi phải đuổi ngay đứa dâm phụ ra khỏi họ Trần vô cùng cao quý!
Dì Ty ôm con mèo tam thể ngồi tựa cửa đếm thời gian. Ngày dài như tháng, tháng dài như năm, và một năm là cả một kiếp nhân sinh. Mùa mưa mới buồn tệ buồn hại. Ngôi nhà như sụp xuống trong le lói ánh chớp và rào rào nước tuôn xối xả. Có lúc tưởng muốn chết. Từng thấy người nhảy lầu tự tử, nghĩ khó thế sao họ làm được. Té ra chết rất dễ. Giờ mới hiểu vì sao người ta không muốn sống nữa, và đúng chết là giải thoát như lời Đức Phật Thích Ca...
Nhưng dì tôi không cầm giữ số phận mình!
Khác tâm trạng của mẹ, với thằng Minh, thời gian trôi đi lúc nào không biết. Vèo cái đã xong bốn năm trên ghế giảng đường trường đại học. Đứng trước gương, cu cậu phát hiện ra mình có một hàng ria xanh trên đôi môi đỏ. Lạ thật, mình mọc ria từ lúc nào nhỉ? Lấy tay sờ coi, rõ ràng là đã có hàng ria.
Thằng Minh sẵn thông minh, lại chăm chỉ, chịu khó và biết sử dụng đồng tiền thấm đẫm nước mắt của mẹ đúng mục đích, nên cuối cùng cu cậu đã toại nguyện. Minh tốt nghiệp với điểm số cao, liền lọt vào "mắt xanh" công ty nọ với lương tháng trả bằng đồng Mỹ kim. Cậu gửi trọn tháng lương đầu tiên về cho mẹ như là báo công. Dì Ty ấp gói tiền vào ngực, bật khóc. Trời có mắt, con ơi! Cha ông dạy sông có khúc, người có lúc mà. Mẹ chết rồi, nhưng giờ đây con đã cho mẹ được hồi sinh! Mẹ chịu đựng bao năm để bây giờ có được niềm đại hạnh này thì cũng bõ công... Dì Ty cứ đứng giữa nhà mà khóc cùng bốn bức vách nứa tả tơi gió lùa và căn bếp đằng đẵng bao năm một hình một bóng bên ngọn lửa hiu hắt. Rồi dì mở gói tiền ra, soi lên ánh sáng, chậm rãi đếm từng tờ với đôi tay hãy còn run rẩy. Tối hôm ấy, có lẽ do ma quỷ xui khiến, vị chủ tịch xã mò đến nhà dì Ty rất sớm. Thấy trong nhà điện bật sáng choang, gã lấy làm lạ. Bước vào sân, gã hỏi:
- Cả đời không thấy điện đóm gì, hay cưng vừa trúng số giải đặc biệt?
Ngồi trên giường, hai chân duỗi dài, dì Ty không hề ư hử. Gã sấn tới, nhanh chóng hôn chụt lên má dì một cái, tức thì bị ngay một cái tát! Gã giật lùi, xửng rửng, cặp mắt ti hí nhìn láo liếng:
- Cưng đùa... quá tay hí.
- Từ nay thôi cái trò ấy đi. Đủ rồi!
- Cưng nói... nói là sao?
- Bước khỏi đây ngay!
Đến đây thì gã biết không còn chuyện đùa nữa:
- Thật à? Nghĩa là cô không cần tiền nữa?
Dì Ty phẩy tay:
- Không!
Chủ tịch xã móc ra một nắm tiền mới cứng cột vòng cao su màu xanh, đưa ngón trỏ rẽ kêu tanh tách:
- Tôi có tiền, nhiều lắm, mà không ai cần, thật là phí.
- Đi sắm lấy cái áo quan kẻo muộn!
Gã xanh mặt:
- Cô rủa độc tôi sắp bị khởi tố rồi chứ gì?
- Đáng kiếp! Đất cát làng này ông tự do bán xới lấy tiền ăn nhậu, phá phách những bao nhiêu? - Dì Ty nhổ toẹt xuống nền nhà - Mời ông ra khỏi đây cho tôi còn thay đồ đi theo công chuyện.
Son phấn, những lọ thuốc nhuộm tóc màu đen, những lọ thuốc nhuộm móng tay móng chân màu hồng và những thứ bí mật chốn đèn mờ quán gió dì đem gói lại một cục rồi ném xuống dòng sông chảy xiết.
Lâu lắm dì Ty không lễ chùa, cũng không bén mảng tới trước nhà thờ họ, vì nghĩ mình không xứng đáng đặt chân tới những nơi tôn nghiêm ấy. Thế rồi dì tắm gội sạch sẽ, chải chuốt tươm tất, khăn áo gọn gàng mạnh dạn đến thưa với chư vị thần phật chùa Viên Phúc và ông trưởng họ Trần, thành tâm xin được trở lại làm một tín đồ ngoan đạo và thành viên của dòng họ, mặc dù chưa ai lần nào cấm cửa dì.
Một độ sau, dì bỏ tiền xây cái am nhỏ cạnh cái cột mốc hình thập tự giá trong vườn. Nghe đồn rằng quy hoạch xây lại chợ Hà sẽ thay đổi, và mảnh đất dì tôi đang ở lại vẫn cứ là đất dì tôi vẫn ở. Mà nói thế, chứ cái cột mốc vẫn đang còn kia, nghĩa là cái am và cái cột mốc cái nào sẽ tồn tại, thì vẫn chưa ai nói trước được. Dì Ty nhờ bố tôi trông coi thợ thầy thi công, ông tỏ ra vui lắm, cứ cười tủm tỉm. Đúng ngày rằm, dì sắm sanh đồ lễ đặt lên bàn thờ trong am rồi quì xuống khấn vái rất lâu.
Mẹ tôi hơn dì Ty sáu tuổi, nhưng tóc mới có đôi ba sợi bạc, còn dì thì đã trắng xoá từng mảng lớn. Lâu nay dì nhuộm kỹ, không biết, hoá ra tóc dì bạc nhanh quá.
H.T.S
(nguồn: TCSH số 162 - 08 - 2002)

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • HOÀNG THÁI SƠN        Đời bắt nguồn từ những hoàn cảnh không ngờ tới (LOUIS ARAGON)Từ bên này con lạch, Sung bước chậm rãi, thỉnh thoảng anh lại đưa mắt ngó qua bên kia. Nhiều lúc anh bước quá chậm, hay dừng hẳn lại khiến An phải kêu lên.

  • NGUYỄN PHƯỚC THỊ LIÊNKhông ai ngờ trước kia nơi đây chỉ là bến đậu tự phát của mấy tên thương hồ tứ xứ tới lui mua bán, ngủ nghỉ trong những căn lều che chắn tạm bợ. Và quán cóc. Nay đã thành một công viên sông, có con đường lát gạch khá rộng chạy ra tới biển mà bên dưới là bờ kè bảo vệ, bên trên là thành lan can inox chắn giữ.

  • DẠ NGÂNLúc ấy đã gần trưa. Những thời khắc cam go nhất của một ngày đang sắp qua đi. Một ngày ở đây bắt đầu từ rất sớm với những phập phồng quen thuộc.

  • BẠCH NHẬT PHƯƠNGNgày ấy, vào năm 1981!Rời phiên tòa ra về, thiếu phụ cảm thấy quãng đời còn lại như một cuộc thách đố. Nàng không buồn phiền nhiều mà cảm thấy bực bội và vô cùng lo lắng. Nàng bực vì thái độ nhỏ nhen của người đàn ông mà nàng đã từng là vợ trong suốt 13 năm qua. Nàng lo lắng vì 3 đứa con của nàng từ nay trông cậy vào chỉ một mình nàng!

  • NHẤT LÂMTrời về tối lúc tạnh lúc mưa, lại có gió nên càng mịt mờ như khuya khoắt, nhà nào cũng ăn cơm lúc chập choạng, bởi mưa gió chẳng biết làm gì. Tháng mười chưa cười đã tối. Mùa mưa miền Trung vốn tự cổ xưa đã não nề, những năm chiến tranh càng buồn hơn.

  • HOÀNG QUỐC HẢI              Truyện ngắn lịch sửNăm Nhâm Thân (1392) mùa hạ, thượng hoàng Trần Nghệ Tông xuống chiếu “CẦU LỜI NÓI THẲNG”Thường trong nước mỗi khi có đại sự, nhà vua ban chiếu cầu hiền. Mục đích tìm người tài cho nước.

  • KIỀU VƯỢNGĐêm giữa thu. Hà Nội se lạnh. Sao chới với nhưng mây vẫn vũ làm nền trời như khô khốc, nhạt nhòa. Một hồi còi tàu rú dài như thả thêm vào đêm luồng khí lạnh. Quang nhìn đồng hồ sân ga dã quá mười hai giờ khuya.

  • CAO HẠNHTôi sinh ra ở làng quê, lớn lên cũng ở làng quê. Tôi là hạt máu đỏ rơi xuống bùn đất mọc lên một thằng người cùng với ngọn cỏ lá rau, cây lúa và những sinh linh khác. Tôi cùng chịu đựng chia xẻ với chúng ngọn gió Lào cát trắng và những trận mưa dầm dề của xứ miền Trung khắc nghiệt.

  • HỒ ANH THÁI Tác giả thấy cần phải tóm tắt chuyện cô bé quàng khăn đỏ trước, rồi mới kể tiếp phần hậu cô bé quàng khăn đỏ. Con sói đến lừa bà cô bé, nuốt sống bà, rồi mặc váy áo của bà, trùm khăn giả vờ làm bà. Cô bé về nhà, thấy bà rởm mà không biết, cứ hỏi vớ hỏi vẩn sao tai bà to thế, sao mắt bà to thế, sao mồm bà to thế. Sốt ruột. Con sói bèn nuốt chửng luôn cô bé. Nhưng rồi quần chúng tiến bộ tập hợp lại đấu tranh, con sói phải nôn cả bà lẫn cháu ra, hứa cải tà quy chính. Từ đây bắt đầu phần hậu cô bé quàng khăn đỏ…

  • PHẠM XUÂN PHỤNGHọ như không còn trẻ. Người lớn tuổi hơn có khuôn mặt thanh thản vì đã giãn mềm những nếp nhăn. Người trẻ tuổi khuôn mặt nhuốm già bởi màu từng trải và những nét khắc chán chường.

  • MAI HUY THUẬTNằm cuộn tròn trong cái rọ lợn Cuội mới có thì giờ ngẫm nghĩ về cái thân phận của mình. Cả cuộc đời dối trá, lừa gạt bây giờ bị tù hãm sau mấy cái nan tre tưởng như mong manh thế mà càng cựa quậy càng trầy da rách áo, không thể nào thoát được.

  • NGUYỄN VĂN VINH Thường thường, mỗi sớm tôi và các bạn gặp nhau ở quán cà phê vỉa hè. Ngồi vệ đường, không tiếng nhạc quấy phá phút tĩnh tâm để ngẫm ngợi sự đời, quả thú vị! Tôi biết các loại quán đều tiêu phí thời giờ của mình, nhưng quán cà phê ít tốn, ít nguy hiểm hơn quán bia ôm và các toan tính, bon chen trong vòng danh lợi gươm đao nên tôi không bỏ uống cà phê buổi sáng, ngày mình giết một tí, lại được chuyện vãn với nhau: nào thời sự, tin tức trên trời dưới biển, cũng vui!

  • LINH CHIKhi chỉ mới là giọt máu, sự kết hợp của hai nhiễm sắc thể XY bám vào dạ con của mẹ, nó đã không được công nhận. Chào đời, mẹ con nó ở với ông bà ngoại cùng các cậu, các dì cho đến năm nó tròn bảy tuổi. Nhà ngoại nó ở ven triền núi của vùng đồi miền trung du hẻo lánh độ chừng vài ba chục nóc nhà rải rác trên mấy quả đồi đầy hoa sim, hoa mua tím. Chiều chiều nó thường hay tha thẩn trước sân nhà ngắm nhìn những đàn chim bay về tổ, thả hồn theo những đám mây màu cánh vạc đùn lên phía sau dãy núi đối diện nhà ngoại và tưởng tượng, ước ao…

  • TRẦN CHINH VŨAnh nghĩ là mình có thể ngủ được trong đêm nay - ngủ ngon là khác nữa - Đêm qua anh đã ít ngủ rồi - Hơn nữa, cùng với cậu em trai anh lại vừa có cuộc đi chơi đêm ở công viên Đầm Sen, đến muộn mới về. Vậy mà cho đến lúc này, đã qua nửa đêm được ít phút, mắt anh vẫn cứ trơ ra, cứ như thể nó chưa biết khép lại bao giờ.

  • ĐÔNG TRIỀUMười hai giờ đêm.Tôi bước ra khỏi rào lưới sắt còn ngoảnh lại nhìn căn trọ, nơi cửa sổ vẫn phụt ra luồng sáng trắng bởi đèn điện. Tất cả đã im lặng. Tiếng cót két của đôi cánh cửa gỗ mà người thiếu phụ vừa khép lại hòa vào nhịp rơi lộp độp của những giọt sương trên lá, tiếng côn trùng trỗi lên cùng thanh âm mà con chim cú đâu đây vẫn bỏ tiếng rúc đều đều nghe rợn người.

  • PHẠM NGỌC TÚY“Ngày...tháng...nămDòng nhắn tin trên báo cho em biết rằng em đã tìm thấy anh. Cuối cùng thì chúng mình cũng nhận ra nhau. Anh thân yêu. Hôm nay trời không mưa và không nắng. Từ cửa phòng em nhòm ra có một cây trạng nguyên. Cây này nhô lên cao giữa khoảng trời xanh hiếm hoi. Những chiếc lá đến mùa, đỏ thắm màu xác pháo. Nó là cây hoa độc nhất ngoài cửa phòng em.

  • NGUYỄN BẢNHắn đến tôi, mặt thẫn thờ ngơ ngác như người vừa mất của. Tôi hỏi ngay:- Có chuyện gì vậy?- Không, không có chuyện gì.

  • ĐÔNG LA       Sài Gòn mùa mưa, trời lúc nào cũng âm u. Những tán cây sẫm hơn, không khí nóng rát của những tháng cuối mùa khô đã được làm nguội lại, dịu mát. Mấy ngôi nhà cao lênh khênh dường như chỉ cần kiễng chân lên một chút là có thể gội đầu được trong những đám mây sũng nước, là là bay trên đầu.

  • ĐÀO PHONG LAN         Tôi là đứa con gái duy nhất của cha mẹ, và trời cũng ban cho tôi một nỗi bất hạnh để tương xứng với niềm hạnh phúc của một đứa con chắc chắn được cưng chiều: Tôi bị liệt hai chân từ bé.

  • MAI HUY THUẬTCon tàu Thống nhất nhả Văn xuống ga Huế vào một trưa mưa tầm tã khiến Văn chợt thấm thía một câu thơ Tố Hữu:...“ Nỗi niềm chi rứa Huế ơiMà mưa xối xả trắng trời Thừa Thiên?”...