Di sản Huế -10 năm hội nhập và phát triển

08:35 09/06/2009
PHÙNG PHUCách đây vừa tròn 10 năm, ngày 11 tháng 12 năm 1993 đã đánh dấu một sự kiện quan trọng đối với Huế và với cả nền văn hóa lâu đời của dân tộc Việt Nam: Quần thể Di tích Cố đô Huế đã chính thức được UNESCO ghi tên vào danh mục Di sản Văn hoá Thế giới với dòng chữ “Ghi tên vào danh mục này là công nhận giá trị nổi bật toàn cầu của một tài sản văn hoá hoặc thiên nhiên để được bảo vệ vì lợi ích của nhân loại”. Lịch sử vùng đất Phú Xuân- Huế với Di sản Văn hóa Thế giới đầu tiên của Việt Nam mở ra một trang mới, giang rộng vòng tay đón bè bạn trong và ngoài nước đến tham quan, nghiên cứu và truyền đạt kinh nghiệm trong công việc bảo tồn và phát huy giá trị.

Với một hệ thống di tích kiến trúc nghệ thuật dày đặc trên phạm vi hơn 500ha bao gồm thành quách, cung điện, vườn cảnh, cầu, hồ..., Kinh thành Huế là nơi hội tụ của những giá trị đặc sắc về kiến trúc, cảnh quan độc đáo. Vượt ra ngoài phạm vi của kinh thành, các di tích khác của Huế trải dài theo một vùng núi Ngự sông Hương thơ mộng với hàng loạt các lăng tẩm, nhà vườn, chùa chiền..., hình thành nên một quần thể di tích đa dạng mang phong cách đặc trưng của vùng Huế.

Theo thống kê tổng hợp từ điều tra di tích do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế  (TTBTDT CĐ Huế) thực hiện thì toàn bộ khu di tích lịch sử và văn hoá Huế có tổng diện tích là 5.696.237,65m2. Số liệu thống kê năm 1982 cho thấy hơn một nửa trong tổng số 147 công trình ở khu vực Đại Nội, nơi tập trung các cung điện nguy nga tráng lệ nhất, đã trở thành phế tích; hầu hết các kiến trúc gỗ còn lại đều bị mối mọt hủy hoại. Hàng chục ngàn mét vuông sân vườn bị hoang phế, gần một trăm nghìn mét khối ao hồ cần được nạo vét, phần lớn hệ thống thoát nước, đường, cầu,...bị hư hỏng. Hậu quả của chiến tranh kéo dài hơn nửa thế kỷ thật vô cùng nặng nề. Niềm tự hào khi Quần thể Di tích Cố đô Huế được chính thức ghi nhận là địa danh thứ 410 trong danh mục Di sản Thế giới cũng đồng nghĩa với việc Nhà nước và Chính quyền địa phương cũng như nhân dân Thừa Thiên Huế với những người trực tiếp quản lý Di sản chính thức gánh vác trách nhiệm vô cùng to lớn trước dân tộc và nhân loại về sứê mệnh bảo tồn và khôi phục Di sản ấy để xứng đáng với tầm vóc quốc gia và quốc tế.

Ngày 12/2/1996, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức phê duyệt Dự án Quy hoạch bảo tồn và Phát huy giá trị di tích Cố đô Huế (1996-2010) kèm theo Quyết định 105/TTg với ba nội dung cơ bản: khẳng định quan điểm bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Văn hoá Huế; xác định rõ ba mục tiêu phải bảo tồn: văn hóa vật thể, phi vật thể và cảnh quan thiên nhiên gắn liền với đô thị; xác định tổng vốn đầu tư là 720 tỉ đồng với 3 giai đoạn trong thời gian từ 1996 đến 2010. Quyết định này đã tạo cơ sở pháp lý cho UBND Tỉnh Thừa Thiên- Huế, Bộ Văn hoá - Thông tin và các Bộ, Ban ngành trung ương phối hợp triển khai chỉ đạo TTBTDT CĐ Huế triển khai thực hiện có hiệu quả dự án nêu trên nhằm tạo bước phát triển bền vững cho công cuộc bảo tồn Di sản Văn hoá Huế.

Nội dung chính của Giai đoạn 1 (1996-2000) và giai đoạn II(2001-2005) bao gồm:
-Lập hồ sơ của tất cả các di tích hiện tồn và đã mất;
-Xác định rõ phạm vi ranh giới các khu vực quản lý bảo vệ, thực hiện giải pháp dãn dân và di dân ở các khu vực trọng điểm;
-Bảo quản tất cả các di tích đang bị xuống cấp (chống sập, chống dột, chống mối mọt, chống cây cối xâm thực); tu bổ khẩn cấp và tu bổ hoàn nguyên những công trình kiến trúc thuộc ưu tiên I đã có đủ căn cứ khoa học;
-Cải tạo và nâng cấp cơ sở hạ tầng, trước hết là hệ thống thoát nước, đường, điện ở các di tích (khu vực Đại Nội, Bảo tàng, các lăng...);
-Kiểm kê, phân loại, bảo quản hiện vật;
-Thực hiện có hệ thống chương trình nghiên cứu khoa học, tuyên truyền giáo dục.

Kết thúc giai đoạn đầu tiên và những năm đầu của giai đoạn hai (1996-2003), sự nghiệp bảo tồn Di sản văn hoá Huế đã đạt được những thành tựu rất đáng khích lệ. Tất cả các di tích đều đã được bảo quản cấp thiết và gia cố chống hư hại. Hầu hết các công trình di tích và cơ sở hạ tầng có mức độ hư hỏng từ 40 % đến 70% đã được lập dự án tu bổ và được phê duyệt, trong đó có GẦN 80 công trình đã được tiến hành tu bổ với nhiều mức độ khác nhau: tu bổ từng phần (điện Long An, Ngọ Môn, điện Thái Hòa, điện Long An, Kỳ Đài...), tu bổ hoàn nguyên (Quảng Đức, Cung Diên Thọ, điện Minh Thành, hệ thống kè hồ Kim Thuỷ...), tu bổ, tôn tạo thích nghi và tái sử dụng (Duyệt Thị Đường, hệ thống sân Đại Triều, quảng trường Ngọ Môn, vườn cảnh...), nâng cấp hạ tầng để tạo điều kiện cho việc quản lý, bảo vệ và tham quan ở khu vực Đại Nội, cải tạo và nâng cấp hệ thống điện chiếu sáng tại các di tích khác như lăng Minh Mạng, lăng Tự Đức, lăng Khải Định, đàn Nam Giao, lắp đặt hệ thống bia biển hướng dẫn du khách...

Hướng tới các nguyên tắc khoa học về bảo tồn và đáp ứng các điều luật của công ước quốc tế, việc tu bổ, tôn tạo di tích được thực hiện với sự phối hợp của các nhà khoa học, các chuyên gia trong lĩnh vực bảo tồn, các kỹ sư, kiến trúc sư, các nghệ nhân truyền thống...Từ năm 1999, công tác tu bổ đã gắn liền với hoạt động thám sát khảo cổ học mà nổi bật làì 8 công trình tiêu biểu gắn liền với sự hợp tác của các cán bộ, chuyên gia khảo cổ thuộc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam:

Cung Diên Thọ
Lầu Tứ phương Vô sự
Cung Trường Sanh
Hồ Tịnh Tâm
Vườn Thiệu Phương
Trường lang
Duyệt Thị Đường
Nhà hát Cửu Tư Đài (cung An Định)

Tổng kinh phí đầu tư cho công tác tu bổ trong 10 năm qua (từ 1993-2003) là 179 tỷ đồng, trong đó:
Ngân sách Trung ương: 94 tỷ VNĐ
Ngân sách địa phương: 57 tỷ VNĐ
Tài trợ quốc tế: tương đương 28 tỷ VNĐ (cả trang thiết bị và hiện vật)

Tính từ năm 1990 đến nay, nhiều công trình đã nhận được sự giúp đỡ quý báu về mặt tài chính cũng như sự ủng hộ nhiệt tình về mặt tinh thần của cộng đồng quốc tế, bao gồm nhiều tổ chức và quốc gia trên thế giới: Nhật Bản, Pháp, Canada, Lào, Thái Lan, Mỹ, Ba Lan, Anh, các công ty của Anh, của Pháp, tổ chức CODEV (Pháp), tổ chức UNESCO, Toyota Foundation, Ford Foundation, Hội Thương mại Việt Mỹ (Honolulu, Mỹ), World Monuments Fund, UB Di sản Thế giới của UNESCO, tổ chức CECI (Canada)...

Hơn 10 cuộc Hội thảo có tầm cỡ quốc gia và quốc tế bàn về vấn đề Bảo tồn Di sản Văn hoá Huế và định hướng phát triển cho công cuộc bảo tồn đã được tổ chức tại Huế, với sự tham gia của nhiều đại diện từ các châu lục khác và những ý kiến đóng góp hết sức giá trị. Ngoài ra còn có nhiều  Hội nghị báo cáo khoa học, Lễ đón nhận tài trợ của các tổ chức quốc tế, các Kỳ họp của Nhóm công tác Huế-UNESCO...được tổ chức với sự tham gia và đóng góp chủ đạo của TTBTDT CĐ Huế.

Song song với công tác trùng tu di tích, các ngành nghề thủ công truyền thống phục vụ công tác tu bổ cũng được chú trọng bảo tồn. Xưởng Sản xuất vật liệu truyền thống của TTBTDT CĐ Huế đã sản xuất thành công và cung cấp ngói tráng men Thanh lưu ly và Hoàng lưu ly cho 30.000m2 mái lợp của các cung điện. Ngành nghề sơn thếp, nề ngoã, hội họa, lắp ghép sành sứ, mộc, đúc đồng truyền thống. Đặc biệt là việc phục hồi các y phục cung đình cũng như các đồ thờ tự tại cung điện và các nghệ nhân nghề thủ công của địa phương được hỗ trợ, tạo việc làm để khuyến khích phục hồi và phát triển theo định hướng bảo tồn, mang lại hiệu quả thiết thực.

Bên cạnh đó, một trong những mục tiêu của công cuộc bảo tồn Di sản Văn hoá Huế là bảo tồn các giá trị văn hoá phi vật thể, cụ thể là các giá trị văn hoá truyền thống cung đình, bao gồm: nhạc cung đình, múa cung đình, tuồng cung đình và lễ hội cung đình. Trong những năm qua, TT BTDT CĐ Huế đã kết hợp với các trường Đại học, Trung học Nghệ thuật, các nghệ nhân nhạc truyền thống ở Huế và chuyên gia Nhật Bản đào tạo diễn viên, xây dựng nội dung và thành lập Nhà hát Nghệ thuật Cung đình. Sau 9 năm thành lập (1994-2003), Nhà hát đã đạt được một số thành tựu đáng kể, tập trung vào các khía cạnh:

-  Sưu tầm nghiên cứu và bảo tồn 10 nhạc chương trong lễ Tế Giao, 9 nhạc chương trong lễ tế Miếu, 5 nhạc khúc trong lễ Đoan Dương, Vạn Thọ và Tết Nguyên đán, 40 nhạc khúc thường được diễn tấu với đội Tiểu nhạc, 14 nhạc khúc kèn dùng trong Đại Nhạc, 10 nhạc khúc diễn tấu khi vua ngự.... Ngoài ra, 15 điệu múa cung đình cũng đã được sưu tầm nghiên cứu, trong đó phục hồi được 7 điệu múa như: Trình tường tập khánh,  Nữ tướng xuất quân, Lân mẫu xuất lân nhi, Song phụng, Vũ phiến, Hoa đăng lục cúng, Long hổ hội; dàn dựng 13 điệu múa nâng cao như Huyền Trân, Lộng Điệp, Xẩm Huế, Phách nhịp du xuân...

- Nghiên cứu dàn dựng 2 vở tuồng Ngọn lửa Hồng sơn (tuồng cổ) và Người khởi nghiệp Đàng Trong (tuồng lịch sử); 13 trích đoạn tuồng phục vụ cho lễ hội và giao lưu văn hoá nghệ thuật,

- Ghi băng hình tư liệu về các nghệ nhân biểu diễn nhạc và tuồng Huế

- Lập hồ sơ khoa học điệu múa cung đình Tam quốc Tây du Long hổ hội;

- Nghiên cứu, chọn lọc, biên soạn kịch bản và chuẩn bị phục hồi lễ Truyền lô (lễ Xướng danh Tiến sĩ), lễ Tế Giao, lễ Tế đàn Xã Tắc

Các tiết mục của Nhà hát đã được tham gia biểu diễn tại các liên hoan sân khấu trong và ngoài nước: Liên hoan nghệ thuật tại Nha Trang (1996), Hội thi Âm nhạc dân tộc tại Tp. Hồ Chí Minh (1998), biểu diễn ca múa nhạc chào mừng Sài Gòn 300 năm (1998), Hội nghị Kêu gọi đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế tại Hà Nội (2002), biểu diễn phục vụ Quốc hội và Chính phủ (2002), Liên hoan sân khấu quốc tế lần thứ nhất tại Hà Nội (2002), Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp khu vực miền Trung tại Đà Nẵng (2003), biểu diễn tại Hàn Quốc, Philippin...Nhiều tiết mục đã đoạt huy chương vàng, bạc, đồng trong các kỳ hội diễn.

Hàng chục cuộc trưng bày triển lãm giới thiệu văn hoá Huế đã được tổ chức trong và ngoài nước, trong đó có triển lãm Tuần Văn hóa Huế nhân kỷ niệm 5 năm Huế - Di sản Văn hóa Thế giới tổ chức tại Huế và Hà Nội; triển lãm 300 năm Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh tại thành phố Hồ Chí Minh; triển lãm Kỷ niệm 25 năm ngày giải phóng Thừa Thiên-Huế; triển lãm 990 năm Thăng Long-Hà Nội tại thủ đô Hà Nội; triển lãm Các đô thị Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh, triển lãm Kỷ niệm 25 năm ngày Quốc khánh nước CHCDND Lào tại nước bạn Lào; Hội chợ quốc tế ở Vương quốc Bỉ; triển lãm Mùa xuân tôn vinh văn hoá dân tộc tại Hà Nội...

UNESCO cũng phối hợp với TTBTDT CĐ Huế tổ chức nhiều cuộc triển lãm Di sản Văn hoá Huế ở Việt Nam cũng như ở nhiều nước trên thế giới như Pháp, Bỉ, Nhật Bản, Thái Lan, Mỹ... Hiện nay, một số cổ vật của di tích Huế cũng đang cùng với cổ vật của các bảo tàng Việt Nam khác tham gia một cuộc Triển lãm quốc tế mang tên “Việt Nam-Qúa khứ và Hiện tại” (Vietnam-the past and present) tổ chức tại Bảo tàng Lịch sử và Mỹ thuật Hoàng gia Bruxelle (Vương quốc Bỉ) và sau đó là Bảo tàng Dân tộc học Viên (Áo) để giới thiệu về con người và đất nước Việt Nam.

Bên cạnh đó, không thể không kể đến những thành tựu đã đạt được trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và nâng cao giá trị Di sản Văn hoá Huế. Bộ hồ sơ đệ trình lên UNESCO để Quần thể di tích Huế được chính thức ghi tên vào danh mục Di sản Văn hoá Thế giới là một nỗ lực to lớn của công tác nghiên cứu khoa học, tạo nền tảng cho những bước tiếp theo trên chặng đường dài giữ gìn và phát huy các giá trị của Di sản. Từ đây, các hoạt động nghiên cứu khoa học thực sự đi vào chiều sâu và có tính thực tiễn, làm cơ sở cho các hoạt động khác. Hàng trăm bộ hồ sơ khoa học phục vụ cho công tác tu bổ đã được thực hiện, trong đó có Dự án Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích Cố đô Huế 1996-2010 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hồ sơ về Nhạc Cung đình Huế xin công nhận là Kiệt tác Văn hoá phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại, cùng hàng chục hồ sơ khoanh vùng bảo vệ và hàng ngàn hồ sơ hiện vật, gần 80 dự án khả thi đã được UBND tỉnh, Bộ VHTT và Chính phủ phê duyệt, các dự án phục vụ cho việc chỉnh trang nội thất các cung điện Huế: dự án chỉnh lý trưng bày nội thất Thế Tổ Miếu, dự án phục chế đồ sứ, phục chế y phục cung đình... Hàng loạt sách nghiên cứu, sách tham khảo, tập san, tạp chí, tuyển tập đã được TTBTDT CĐ Huế xuất bản. Nhiều công trình được đánh giá cao, thể hiện thái độ nghiên cứu nghiêm túc, khoa học. Bản thân đội ngũ cán bộ làm công tác chuyên môn cũng đã chọn được những đề tài hay, bổ ích và đã có những ấn phẩm, những bài viết đăng trên các tạp chí, tập san...trong và ngoài nước.

Việc xã hội hoá công tác bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Văn hóa Huế cũng được đẩy mạnh bằng các cuộc thi tìm hiểu về di tích Huế trong học đường, thi thiếu nhi vẽ tranh về di tích Huế, khuyến khích sưu tầm các tài liệu, hiện vật liên quan đến di tích, ghi băng hình các nghệ nhân hoặc thu thập thông tin từ các chứng nhân sống đã từng làm việc tại các di tích Huế...

Những thành tựu trong tu bổ di tích và bảo tồn Di sản Huế đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát huy các giá trị văn hoá, làm động lực để phát triển du lịch địa phương. Lượng khách tham quan đến Huế tăng từ 243.000 người năm 1993 đến 1.335 337 người năm 2002 (chưa tính lượng khách tham quan thuộc các đối tượng miễn giảm như thương binh, cán bộ hưu trí, sinh viên học sinh, cựu chiến binh...), với tổng doanh thu năm 2002 là 33.697.267.000VNĐ. Sáu tháng đầu năm 2003, do ảnh hưởng của dịch SARS, lượng khách đến Huế cũng có phần giảm sút so với cùng kỳ năm 2002, nhưng vẫn ở mức 637.708 782 người, nhiều gấp ba lần lượng khách đến Huế trong cả năm 1993. Tính chung từ năm 1991 đến nay, số khách du lịch đến Huế tăng với nhịp độ 63%/năm đối với khách du lịch quốc tế và 21%/năm đối với khách du lịch nội địa. Doanh thu từ khách du lịch tăng bình quân 65%/năm, tạo nguồn thu đáng kể trong tổng GDP của Tỉnh, trong 10 năm 1993-2003 thu được 198,685 tỷ đồng

Ngoài các hình thức thu hút khách tham quan bằng tuyên truyền qua sách báo, biểu diễn âm nhạc, Trung tâm còn thực hiện phương án mở cửa Đại nội 2 lần/tháng vào các ngày 1 và 15 (ÂL) với các chương trình ẩm thực, ca nhạc truyền thống... phục vụ du khách. Nhà hát Hoàng gia Duyệt Thị Đường được tu bổ, tôn tạo thích nghi và tái sử dụng thành điểm tham quan cho khách du lịch, góp phần làm phong phú thêm nội dung tham quan.

Các giá trị Di sản Văn hoá môi trường cảnh quan đô thị và thiên nhiên gắn liền với di tích cũng là một mục tiêu cần phải đạt tới. Hệ thống hạ tầng của khu vực Đại Nội bao gồm hệ thống cấp thoát nước và hệ thống chiếu sáng đã được tập trung đầu tư khôi phục. Xa hơn nữa, các di tích khác trong khu vực Kinh thành và các lăng tẩm cũng được chú trọng tôn tạo sân vườn, đẩy lùi không gian hoang phế, 35 ha thông đã được trồng tại các di tích, 10 sân chầu được trang trí, hàng ngàn các loại cây cảnh và hoa được ươm trồng để làm đẹp cảnh quan di tích.

Tháng 2 năm 1998, sau khi đánh giá những thành quả đạt được trong công cuộc gìn giữ và phát huy Di sản Văn hoá Huế, TS. Richard Engelhardt, Cố vấn của Tổng Giám đốc UNESCO tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương kết luận: “...tình hình bảo tồn di tích ở Huế thực sự rất tốt, nhờ vào những cố gắng không ngừng của Ban Giám đốc và toàn thể CBCNV của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Bộ Văn hoá- Thông tin, UBND Tỉnh Thừa Thiên Huế. Chúng tôi có thể tuyên bố rằng tình trạng cứu nguy khẩn cấp của Quần thể di tích Huế đã qua đi. Khu Di sản Thế giới của Huế đang ở trong tình trạng an toàn và được bảo quản tốt. Chúng tôi có thể bảo đảm với cộng đồng quốc tế rằng, xét trên cơ sở quan tâm liên tục mà tất cả  các di tích lich sử đòi hỏi phải có, Huế sẽ "mãi mãi được giữ gìn”.

Những thành tựu của chặng đường đầu tiên đã tạo tiền đề vững chắc cho giai đoạn tiếp theo- giai đoạn phát triển bề vững. Mục tiêu của giai đoạn này là: Tập trung tu bổ chuẩn mực một số di tích chọn lọc trọng điểm (chùa Linh Mụ, Kinh Thành, các lăng tẩm...); thúc đẩy công tác nghiên cứu khoa học; nâng cao nghệ thuật cung đình; tôn tạo cảnh quan; phát huy giá trị trong du lịch và dịch vụ.vv..

Điều đó cũng có nghĩa là, chấm dứt giai đoạn cứu nguy khẩn cấp đối với di tích Huế không đồng nghĩa với việc kết thúc mọi nỗ lực bảo tồn, mà chính là sự mở đầu của một giai đoạn mới với những thách thức mới, đòi hỏi sự nghiệp bảo tồn Di sản Huế phải được thực hiện tốt hơn, tích cực hơn, đáp ứng được những tiêu chuẩn cao nhất về bảo tồn để di tích Huế vừa giữ được tính nguyên gốc, vừa được đem lại sinh khí mới để hoà nhập với đời sống của cộng đồng, đóng góp vào sự phát triển đời sống kinh tế xã hội của địa phương. Đây cũng là nhân tố quan trọng nhất để đảm bảo cho Huế luôn là một vùng đất của sự kết hợp hài hòa giữa quá khứ và hiện tại, là một biểu trưng độc đáo của sức mạnh văn hoá Việt Nam.

P.P

(175/09-03)

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • TRẦN VĂN QUYẾNTrong quá trình đi điền dã thu thập tư liệu Hán Nôm ở huyện Phú Lộc Thừa Thiên Huế, chúng tôi đã được tiếp cận hai đạo sắc phong cho người có công trị thủy ở từ đường dòng họ Lê Kim, thôn Đông, làng Bàn Môn, xã Lộc An.

  • PHAN THANH HẢIDưới thời quân chủ, hầu như ở tất cả các nước phương Đông đều có tục tế giao. Tế giao tức là tổ chức nghi lễ cúng để con người có thể giao tiếp được với trời, đất và các bậc thần linh.

  • LÊ NGUYỄN LƯUI. QUAN NIỆM VỀ SỐNG CHẾT

  • HUỲNH ĐÌNH KẾT

    Di tích cảnh quan Huế là một bộ phận cấu thành diện mạo văn hoá Huế. Ngày nay, di tích cảnh quan được quan niệm là loại hình văn hoá vật thể (Tangible culture) trong hàm nghĩa phân biệt với văn hoá phi vật thể (Intangible culture). Dẫu sao cũng chỉ tương đối.

  • LIỄU THƯỢNG VĂNCố đô Huế, một trong những trung tâm văn hoá, lịch sử của Việt Nam. Không những thế, Huế còn là một tổng thể di tích quan trọng, sánh hàng kì quan trên thế giới. Cố đô thơ mộng mang đầy tính nghệ thuật lẫn với cái nét sâu thẳm, ẩn bóng của học thuật Đông phương và truyền thống dân tộc…

  • NGUYỄN HÀO HẢITrong lịch sử, việc làm những đồ nghệ thuật giả chỉ bắt đầu xuất hiện ở những xã hội có đời sống kinh tế, đời sống văn hóa tinh thần khá phát triển.

  • NGUYỄN TRƯƠNG ĐÀNChuyện xưaGiờ đây, những vị tham gia biên dịch Mục lục Châu bản Triều Nguyễn (MLCBTN) trong Uỷ ban phiên dịch sử liệu Việt Nam thuộc Viện Đại học Huế những năm sáu mươi của thế kỷ trước, đã lần lượt quy tiên. Chỉ còn lại một người cuối cùng đang dưỡng lão trong một ngôi nhà khá yên tĩnh dưới bóng những lùm cây sớm chiều toả mát trong một xóm ven sông Cẩm Lệ, thuộc huyện Hoà Vang, ngoại ô Đà Nẵng. Đó là bác Ngô Văn Lại, năm nay ngoài tuổi bảy mươi.

  • NGUYỄN HỮU THÔNGCó những câu hỏi đặt ra, Huế mãi không có câu trả lời thuyết phục:* Tại sao mặt hàng lưu niệm trong thị trường du lịch, trong các lễ hội Festival là nghèo nàn đến thế! Sản phẩm thủ công Huế lác đác chen chúc khuất lấp trong lớp lớp hàng Trung Quốc và các tỉnh khác trong nước?* Tại sao trong quá trình trùng tu, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế lại phải mời thợ từ "Đàng Ngoài" trong nhiều khâu kỹ thuật từ sơn, thếp, mộc, làm ngói men, gạch bát tràng...?* Tại sao nhà phục chế Trịnh Bách lại phải sống ở Hà Nội, để gửi vào Huế những tấm long bào, long cổn, hia, mão và kể cả những phiên bản phục chế men lam thời Nguyễn?...

  • HOÀNG ĐẠO KÍNHVăn hoá xứ Huế là một hiện tượng: sinh sôi và thịnh vượng trong khoảng thời gian và không gian địa lý hạn hẹp. Cả hai nhân tố, vật thể lẫn phi vật thể, đều kịp đạt đến trình độ cao và thấm đậm những cái riêng, so với các thời kỳ lịch sử trước đó và so với các miền đất khác. Di sản văn hoá xứ Huế không chỉ phong phú, không chỉ đặc sắc, mà còn kiệt xuất, bởi nó sở hữu rất nhiều những cái duy nhất.

  • BEATRICE KALDUN         (Nhân viên chương trình Văn hoá của UNESCO tại Bangkok)Xin chào quý vị đại biểu!Hôm nay, tôi xin bày tỏ sự vui mừng khi có mặt tại đây, đại diện cho Ngài Richard Engelhardt, Cố vấn Văn hóa khu vực châu Á - Thái Bình Dương tham gia cuộc Hội thảo về vấn đề bảo tồn và phát triển hội nhập của Huế, một trong những di sản quý giá nhất của Việt Nam và Thế giới.

  • PHAN THUẬN ANSự quan hệ công tác giữa UNESCO với Việt Nam đã bắt đầu có từ hơn 50 năm về trước. Nhưng, sự hợp tác chặt chẽ để mang lại những hiệu quả thiết thực và hữu ích cụ thể thì chỉ mới diễn ra trong vòng vài chục năm trở lại đây. Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và Bộ Văn hóa Thông tin nước chủ nhà đã đóng góp những vai trò xúc tác quan trọng trong mối quan hệ làm việc giữa tổ chức UNESCO đóng tại Paris và các quan chức Việt Nam ở những tỉnh có di sản văn hóa và di sản thiên nhiên nổi bật.

  • PHAN TIẾN DŨNGHuế một vùng non sông kỳ tú, với sự sáng tạo của con người đã lưu giữ trong lòng mình những tài sản vô cùng quý giá. Một trong những giá trị nổi bật mang tính toàn cầu là Quần thể Di tích Huế đã được công nhận vào Danh mục Di sản Văn hóa Thế giới (World Heritage List) ngày 11-12-1993. Bên cạnh đó, Huế còn là hội điểm về những di sản vật thể vừa phong phú vừa đa dạng. Từ mảnh đất này đã hình thành nên những phong cách, tạo nên nhiều loại hình nghệ thuật, đã sinh thành nhiều tài năng, đã hội tụ nhiều danh nhân để góp phần nên một Huế vừa mang đặc trưng bản sắc Việt Nam, vừa có sắc thái riêng của một vùng đất Cố đô.

  • NGUYỄN VĂN MỄ                    (Trích)Huế - thành phố lịch sử, một trung tâm văn hóa du lịch, là vùng đất có bề dày văn hóa với những tầng văn hóa khác nhau: di chỉ Khảo cổ học thời Tiền, Sơ sử; các dấu tích của văn hóa Sa Huỳnh; văn hóa Chămpa; văn hóa Đại Việt... và vô cùng quan trọng là hệ thống di tích Cố đô được xây dựng dưới vương triều Nguyễn.

  • LƯU TRẦN TIÊUHiếm có một miền đất nào mà ở đó những giá trị văn hóa lại đậm đặc, phong phú, đa dạng và đặc sắc như ở Huế. Từ góc nhìn địa - chính trị - văn hóa, xứ Huế xưa như là một vị trí chiến lược trọng yếu, vừa là cầu nối, vùng đất mở, vừa là nơi diễn ra sự chồng lấn, dung hợp, tiếp biến các vùng văn hóa, các dòng văn hóa để tạo dựng thành một trung tâm văn hóa trên cái nền chung của văn hóa Việt Nam, lóng lánh những nét riêng đặc sắc của mình.

  • NGUYỄN QUỐC HÙNGNăm nay, chúng ta kỷ niệm 10 năm Quần thể Di tích Kiến trúc Huế được ghi vào Danh mục Di sản Văn hóa Thế giới của UNESCO, 10 năm với rất nhiều thành tựu đổi thay. Nhớ lại chỉ sau 5 năm trở thành Di sản Văn hóa Thế giới, Tiến sĩ Richard Engelhardt chuyên gia về văn hóa khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO đã mạnh dạn tuyên bố: “tình trạng cứu nguy khẩn cấp của khu di tích Huế đã qua đi” và “chúng ta chuyển từ giai đoạn khẩn cấp sang giai đoạn ổn định trong chiến dịch vận động bảo tồn di tích Huế”(1)

  • NGUYỄN KHOA ĐIỀMTrong các di sản văn hoá ở nước ta, Huế giữ một vị trí đặc biệt. Chính vì thế mà ngay sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, giữa bộn bề công việc, Đảng và Nhà nước ta vẫn dành cho di sản văn hoá Huế sự quan tâm thích đáng. Dù chưa tập hợp được hồ sơ đầy đủ, chưa có được nguồn kinh phí thoả đáng, nhưng từ năm 1979, Nhà nước ta đã có văn bản đặc cách quy định việc bảo vệ di tích thành nội Huế.

  • TRƯƠNG THỊ CÚCSau Hiệp định Paris năm 1973, Thành uỷ Huế chủ trương phải xây dựng thêm các tổ chức cách mạng biến tướng để tập hợp lực lượng trí thức, văn nghệ sĩ, sinh viên ở nội thành; tạo cho được những hoạt động công khai, hợp pháp nhằm thu hút quần chúng ở vùng địch tạm chiếm hướng đến mục tiêu đấu tranh giải phóng dân tộc, đòi dân sinh, dân chủ, tiến tới đòi thi hành Hiệp định Paris.

  • TRƯƠNG THỊ CÚCCách đây gần tròn 50 năm, từ Đại hội Anh hùng Chiến sĩ Thi đua lần thứ 3 năm 1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động chiến dịch “Vì miền Nam ruột thịt”. Thực hiện chủ trương nầy, năm 1957 Bộ Văn hoá và Thư viện Quốc gia Việt Nam đã chính thức chỉ đạo 26 thư viện các tỉnh và thành phố ở miền Bắc xây dựng trong lòng mỗi thư viện một “Thư viện Kết nghĩa” vì miền Nam ruột thịt theo quan hệ kết nghĩa giữa các tỉnh, thành Bắc-Nam.

  • PHAN THANH HẢISông Hương là báu vật mà trời đất đã ban tặng cho Huế. Đã tự bao giờ, sông Hương đã được xem là dòng sông của thi ca, nhạc họa, của kiến trúc, nghệ thuật xứ Huế. Đã có nhà văn từng thốt lên: “Nếu một ngày nào đó sông Hương đột nhiên biến mất, thì Huế có còn là Huế nữa không?!”...

  • BỬU ÝMột đất nước có lịch sử lâu đời hẳn nhiên thừa hưởng di sản phong phú và đủ loại.Trước hết, vấn đề di sản không nhất thiết đi đôi với Festival. Di sản có thể nằm  một cõi, mà Festival lại nằm một nơi. Cũng có thể phát huy riêng rẽ, phục vụ quần chúng khác nhau, nhưng cùng chung một trục văn hoá để cùng được bảo tồn và phát huy. Nhưng nếu di sản sánh đôi với Festival thì đó là một cuộc nên duyên như được dành sẵn.