Đi qua mấy hiệu sách ở Hà Nội

09:21 05/03/2009
ĐÀO XUÂN QUÝĐã lâu lắm, có đến hơn hai năm, kể từ khi bị tai nạn ở chân tôi chưa đi vào các hiệu sách, kể cả các hiệu sách ở Nha Trang. Đi tới các hiệu sách thì xa quá, đi bộ thì không đi nổi, mệt và nóng lắm, mà đi xe thuê thì cũng khó, vì họ không phải chỉ đưa mình tới nơi mà còn phải đợi hàng giờ khi mình phải tìm chọn sách nơi này nơi nọ, quầy này quầy khác v.v...

Nay có dịp ra Hà Nội, tôi nhờ mấy cháu đưa đi thăm mấy hiệu sách lớn Tràng Tiền, Đông Tây và Đông Đô (tuy không lớn nhưng cũng nhiều sách) – Riêng về phần văn học, triết học thì ở các hiệu sách này có một hiện tượng chung rất đáng suy nghĩ. Suy nghĩ hay lo nghĩ cũng được. Hầu hết sách bày ở đây, có đến 95% đều là sách dịch, từ những sách cổ nhất như Tứ thư, Ngũ kinh đến những quyển sách mới nhất như H.Potter mà các nhà xuất bản đang kiện nhau dành lấy bản quyền, vì nó là loại best seller hiện nay ở Việt Nam. Còn văn học Việt thật vô cùng vắng vẻ. Và trong cái cảnh vắng vẻ đến ghê rợn đó thì phần ưu tiên lại dành cho các vị “tiền chiến”: Lan Khai, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao. Văn học hiện nay chỉ lèo tèo có mấy quyển truyện ngắn của Hồ Anh Thái, nhà văn đang rất ăn khách ở Hà Nội và của Bùi Ngọc Tấn ở Hải Phòng. Đặc biệt trong cả ba hiệu sách này không đâu thấy bóng dáng một tập thơ nào cả. Hội Nhà văn đã vận động tổ chức những ngày hội thơ ở khắp nơi, quảng cáo ầm ĩ, thành tựu lớn lao v.v... Sau đó còn cho xuất bản cả một chuyên san Thơ nữa.Vậy mà tuần báo nào BáoVăn nghệ cũng có những trang thơ kín mít... thế thì nên hiểu hiện tượng này như thế nào đây? Chẳng lẽ độc giả Việt yêu thơ đến nỗi tập thơ nào ra đời cũng vội vội vàng vàng mua hết ngay chăng? Được thế thì may cho các nhà thơ của chúng ta biết bao nhiêu!

Tôi đang cố tìm trên các giá sách thì thấy có quyển sách dày ngót 300 trang,  ngoài bìa in chữ to: Thơ Xuân Quỳnh. Thấy sách đã khó tin rồi: Xuân Quỳnh làm gì có nhiều thơ như thế này! Mở sách ra, lại còn tệ hơn nữa! Suốt cả quyển sách không có bài thơ nào của Xuân Quỳnh cả. Chỉ có những bài theo kiểu “giây leo”  về Xuân Quỳnh tập hợp đem in thành sách và mượn cái tên cho dễ bán!
Sách này ở đây - không rõ nhằm vào đối tượng nào – đều in rất sang, bìa cứng, tên sách mạ vàng, giá bán phải từ 50.000đ trở lên đến 100.000đ/quyển hoặc hơn nữa. Những bộ Tứ thư, Chiến tranh và Hoà bình, Đỏ và Đen v.v... đều như thế cả. Các nhà văn, các nhà trí thức, các sinh viên, học sinh thật khó có thể “đụng” đến những quyển sách như thế này. Nó thật quá xa với tầm tay của họ! Thôi thì cứ nói thẳng ra là quá xa đối với túi tiền, với đồng lương của họ!

Cũng như thơ, trên tất cả các quầy sách, không đâu có thể tìm ra một quyển thuộc loại lý luận, phê bình hay nghiên cứu văn học cả! Mà nghĩ cũng phải thôi. Văn học như thế, thì lấy đâu ra mà phê bình, mà nghiên cứu.
Trở về Nha Trang tôi cũng nhờ đưa đi các hiệu sách ở quê nhà. Tình trạng cũng không hơn gì. Còn có phần tệ hơn nữa: Sách “lá cải” quá nhiều!
Tôi không dám nói tình trạng văn học của chúng ta đúng là như tôi đã thấy qua các hiệu sách. E có vội vàng quá chăng! Biết đâu còn nhiều tiềm lực lớn hơn, còn ẩn náu mà chưa biết hết; và biết đâu không có những kiệt tác đã xuất bản, đã bán hết nên lúc mình đến không còn thấy nữa. Có nhiều giả thiết có thể đặt ra được. Nhưng muốn gì thì muốn hiện tượng này không phải là hiện tượng cá biệt của riêng một hiệu sách nào mà vì vậy tôi vẫn có thể nghĩ rằng đó là hình ảnh ít nhiều chân thực của văn học chúng ta hiện nay: bằng phẳng, vắng vẻ quá! Không có tác phẩm nổi bật lên, làm cho mọi người phải chú ý. Vì sao vậy? Đó là điều chúng ta phải suy nghĩ, phải tìm hiểu.

Có phải lực lượng đã đến lúc cạn kiệt, “nhân tài như lá mùa thu” chăng? Đúng là các anh các chị lớp trước và “lớp giữa” đã mất đi khá nhiều trong những năm gần đây. Nhưng số còn lại không phải là quá ít. Có điều là nhiều người đã rất lâu, và có thể là vì nhiều lẽ, không thấy viết gì nữa, hoặc, chính xác hơn là không thấy xuất hiện trên các báo, tạp chí văn học nữa. Nhiều người có thực tài, có tên tuổi, có thanh thế nữa, nhưng xem chừng cũng gặp không ít khó khăn khi muốn xuất hiện. Còn “lớp trẻ”? Xin thú thực tôi chưa biết được gì đáng kể về lớp nhà văn này. Ở xa, lượng thông tin có ít, sách báo không có bao nhiêu ngoài những tờ báo của Hội Nhà văn,  không đủ để giúp đánh giá cao cho chân xác cả một thế hệ kế tục này. Ngoài một số tên tuổi đã quen biết từ lâu rồi – nay chắc cũng không còn “trẻ” nữa – cho đến nay vẫn chưa thấy có người mới tiếp vào.

Những tờ báo của Hội Nhà văn vẫn không đủ giúp đánh giá tình hình văn học hiện nay, ngược lại nhiều lúc đã làm người đọc hiểu sai tình hình văn học nữa. Như đêm Thơ do Hội Nhà văn tổ chức chẳng hạn, theo Tuần báo Văn nghệ thì đó là những thành công rực rỡ, chưa từng có trong hoạt động thơ, trong khi các báo khác thì không tiếc lời chê trách, coi như một đêm thơ ồn ào, lộn xộn mà hết sức nhạt nhẽo, vô vị (Báo An ninh Thế giới ngày 20/2/2000 với bài Thật tiếc, Nàng thơ cũng nhạt của Nguyễn Hà có những tiểu mục Trống Thơ cũng gõ một tiếng buồn Những lời chúc mừng mua sẵn). Hoặc như Hội nghị lý luận phê bình văn học ở Tam Đảo, được coi như một Đại hội nhà văn thu nhỏ, nhưng thực ra chỉ là một nơi để phô trương học hàm, học vị và chửi bới lẫn nhau, không đem lại được một điều gì bổ ích cho người theo dõi cả! Chưa hết! Tiếp theo đó còn những Hội nghị nhà văn phía Bắc, Hội nghị nhà văn phía Nam, Hội nghi Thơ Đồng bằng sông Cửu Long tốn kém thì rất nhiều mà kết quả thật vô cùng đạm bạc.

Trên đây là nói về phần lực lượng sáng tác và lãnh đạo sáng tác. Còn một khâu nữa, một khó khăn không kém phần quyết định đối với các nhà văn. Đó là khâu xuất bản. Kiếm được tiền rồi, nhưng muốn cho bản thảo lọt được vào “mắt xanh” của các nhà xuất bản, thật không đơn giản chút nào. Trước hết bản thảo phải bảo đảm an toàn cho ông Giám đốc: nhìn trước, nhìn sau, nhìn trên, nhìn dưới không thấy có điều gì đáng phải lo ngại thì mới đặt bút ký vào giấy phép. Phần còn lại in ấn, phát hành; tuy cũng không dễ chút nào, nhưng gánh nặng cũng đã đỡ được rất nhiều rồi, và phần đó cũng là phần “khả thi”.
Tất cả những hiện tượng trên đây, phải chăng đã tạo nên diện mạo của nền văn học của chúng ta trong những thập niên vừa qua, và các hiệu sách quả là đã phản ánh đúng cái diện mạo đó: vắng vẻ, lạnh lẽo, và buồn, rất buồn!...

Tôi viết đến đây thì nhận được Tuần báo Văn nghệ số 17 (2004) trong đó có bài Thực trạng đáng lo của Nguyễn Đức Thiện. Ý kiến của anh Nguyễn Đức Thiện, có nhiều chỗ đã gặp ý kiến của tôi trong bài này. Anh Thiện còn nhấn mạnh thêm: Ở một đất nước hàng mấy chục triệu dân, mà sách in ra số lượng cao nhất cũng chỉ đến 1000 quyển, còn thì thông thường là 500 – 700 quyển. Tác giả phải bỏ tiền ra in, khi nhận sách về thì chồng cõng một ít, vợ cõng một ít, con cõng một ít đem đi bán, có khi chỉ tặng thôi cũng đã hết. Nó làm người ta nhớ lại cái cảnh Tản Đà đem văn ra bán Chợ Trời ở một thuở nào quá đỗi xa xôi rồi. Nhưng nay nó đã trở lại, hiện thực và xót xa hơn rất nhiều! Đó là chưa kể khi có một tác phẩm “hơi có máu mặt”, thì lập tức bị “để ý”, bị coi là “có vấn đề” và kèm theo đó là bao nhiêu chuyện rối ren, phiền phức nữa!...
Đúng như anh Nguyễn Đức Thiện đã nói, thực trạng đó thực rất đáng lo ngại! Phải chăng đây là một tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng trong văn học mà những người có trách nhiệm không muốn hoặc không dám nhìn ra; tệ hơn nữa, còn muốn che lấp dưới một lớp sơn “phồn vinh giả tạo” nữa!

Đó là về mặt văn học. Còn một điều nữa cũng đáng suy nghĩ khi đi qua các hiệu sách. Sách về các học thuyết Khổng Mạnh bỗng dưng xuất hiện không bình thường trên các quầy sách. Nhà Xuất bản Quân đội nhân dân vừa cho ra bộ Tứ Thư (năm 2003) dày ngót 800 trang, với bốn chương Đại học, Trung Dung, Luận Ngữ, Mạnh Tử, sách in sang trọng, số lượng cao (2.000 quyển). Ngoài ra, nhà nghiên cứu văn học Hoàng Ngọc Hiến, nhà văn Nguyên Ngọc cũng đã dành nhiều công sức dịch mấy quyển của Françoi’s Jullien, nhà triết học Pháp hiện nay, chuyên về Đông phương học. Những học thuyết này cách đây hơn 40 năm, các vị học giả Đặng Thai Mai, Cao Xuân Huy, Đào Duy Anh, Ngô Tất Tố đã có những công trình nghiên cứu, dịch thuật được người đọc chú ý, mến mộ. Bẵng đi một thời gian rất lâu, không mấy ai bàn tới nữa, coi như tất cả đều đã yên vị rồi, thì nay bỗng dưng thấy nó đột ngột xuất hiện trở lại dưới một hình thái mới. Vì sao vậy? Vì lý do học thuật, hay vì lý do nào nữa, như lý do đạo đức, xã hội chẳng hạn? Đó là điều mà người đọc thấy cần phải suy nghĩ.

Phải nói rằng các loại sách này đều không phải là sách đọc trong lúc nhàn rỗi, mà đều là loại “khổ độc” cả. Khó vì những vấn đề, những khái niệm được nêu ra trang sách đã đành, nhất là với những người mới lần đầu tiên tiếp xúc với những học thuyết này. Còn  khó ở nhiều từ ngữ rất xa lạ nữa. Anh Nguyên Ngọc cho biết chỉ với cái tên sách không thôi, anh đã phải bỏ ra không biết bao nhiêu công sức tra cứu, sưu tầm mới dịch thoát ra được là Minh triết Phương ĐôngTriết học Phương Tây, phần nào có rõ hơn, dễ hiểu hơn cái tên trong nguyên bản Un sage est sans idée ou l’autre de la philosophie. Cái tên trong bản dịch đã tạo thành một sự so sánh mà đó có lẽ cũng là dụng ý của tác giả, khi ông nói: “... bằng cách dựng lại minh triết một cách hữu cơ như một cực đối nghịch của triết học (!)...” Có thể là đến nay các nhà triết học phương Tây mới thấy được hết tầm sâu rộng,  phong phú của minh triết phương Đông, nên đã tìm đến để mong “có thể nhìn nhận lại triết học từ một cái bên ngoài nào đó... để có thể lần ngược trở lên những thiên kiến của nó...

Nếu sự trở lại này mà đúng là vì lý do học thuật như vậy thì may mắn và đáng quý biết bao nhiêu. Và như thế, thì hãy còn nhiều việc cần phải làm nữa. Một cuộc hành hương trở về nguồn vừa sâu, rộng hơn, lại vừa có thêm rất nhiều điều mới mẻ nữa.
Nhưng bên cạnh đó tôi vẫn còn cứ nghĩ có thể hãy còn có một lý do nữa,  xin cứ được mạnh dạn nói ra, đó là lý do đạo lý. Đạo lý của chúng ta hiện nay đang có nhiều chuyện phải bàn. Quan hệ cha con, vợ chồng, thầy trò, bè bạn v.v..., nói chung là quan hệ giữa người với người từ lâu đã không còn dựa trên cơ sở nhân nghĩa nữa. Tất cả đều lấy đồng tiền làm gốc. Có tiền thì mọi việc đều êm đẹp. Còn không thì thôi, đừng nói chuyện gì nữa, vô ích. Đến như khi vào bệnh viện, nếu không có phong bì thì dù có là cấp cứu cũng cứ phải nằm đợi đó, còn nếu có phongthì một ca bình thường cũng được cứu chữa ngay. Ở trong cơ chế thị trường này như GS. Hoàng Tụy có lần đã nói: tất cả đều trở thành hàng hoá, từ học hàm, học vị, bằng cấp đến chức tước và những thứ bên ngoài trông có vẻ cao cả, thiêng liêng nữa cũng vậy.

Và còn những tệ nạn xã hội nữa! Thật không sao kể hết. Chưa bao giờ những tệ nạn mại dâm, ma tuý, tham nhũng, trộm cắp, lừa bịp, cướp đường, cướp chợ nhiều và trắng trợn đến như thế cả. Mà cũng chưa phải là hết. Giờ đây lại còn thêm những hình thái mới lạ “cơm tù” “mãi lộ” nữa. Người dân thật đã phải chịu đựng quá nhiều!
Tôi nói như vậy, e có quá bi quan chăng? Nhưng sự thực cứ hàng ngày hiển hiện ra trước mắt thì biết làm sao bây giờ! Mà đó cũng mới chỉ là những điều tôi biết được “công khai” trên các phương tiện thông tin Nhà nước và trong cuộc sống đó thôi. Còn biết bao nhiêu chuyện “trong thâm cung” nữa! Ai cũng biết “bên trong còn lắm điều hay”, nhưng vì đã được giữ “quá kín” nên không ai biết được đó là những điều gì. Chỉ riêng trong dịp bầu cử Hội đồng nhân dân vừa rồi thì cũng đã thấy. Đề xướng ra việc kê khai tài sản, nhưng rồi không ai dám kê khai cả! Và khó chịu nhất là cách lý giải của những người có trách nhiệm. Họ khinh dân quá! Họ coi dân như một đám trẻ con, muốn nói sao cũng được. Thực ra, không có ai nhầm cả. Ai cũng biết các ngài đang lâm vào thế bí, và cứ nói liều đi cho xong chuyện, dù biết rằng đó là đã quá trơ trẽn rồi.

Có phải vì cái lý do đạo lý đó mà phải mời đến các thầy Khổng, Mạnh trở về để chấn chỉnh lại trật tự xã hội và thức tỉnh lương tri của con người không? Trên bìa bốn quyển Tứ thư, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân đã có ghi rõ: “... Từ những đấng quân vương thời xưa đến những chính trị gia ngày nay đều đã biết tận dụng và phát huy giá trị căn bản trong Tứ thư để thu phục nhân tâm. Từ bậc túc nho thuở trước tới giới trí thức ngày nay cũng căn bản dựa vào đó  để sửa mình và xác định hướng tiến thủ. Cha mẹ dựa vào Tứ thư để dạy dỗ con cái, con cái nhờ đọc Tứ thư mà trở nên hiếu đễ với người đã sinh thành ra mình. Vợ chồng dựa vào Tứ thư để sống hoà hợp. Thầy dựa vào Tứ thư để luyện trò, làng xã dựa vào Tứ thư để duy trì sự ổn định...”

Dụng ý và thiện chí nữa của Nhà xuất bản đã rõ. Và cái lý do thứ hai như trên kia tôi đã nói, lý do đạo lý, là một lý do có thật. Tuy nhiên những lời hay, ý đẹp, những lời dạy bảo khuyên răn thì chúng ta không thiếu, mà thiếu cái khác kia. “Tri và hành” cũng như “ngôn và hành” có “hợp nhất” thì mới có thể đem lại được kết quả mong muốn. Còn nếu mỗi bên cứ rẽ theo một lối thì cuối cùng sẽ chẳng đi tới đâu cả. Ở đây, dù sao những thiện chí đó cũng hãy còn nằm trên trang giấy, trong quyển sách. Mà những loại thiện chí như vậy, thì từ lâu chúng ta đã quen, quá quen rồi!
Qua các hiệu sách đã thấy lộ rõ cái “tình trạng đáng lo ngại” là như vậy đó. Tình trạng khủng hoảng văn học, tình trạng khủng hoảng đạo lý!
Nha Trang, 30/4/2004
Đ.X.Q

(nguồn: TCSH số 195 - 05 - 2005)

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • JEAN-CLAUDE GUILLEBAUDLà một nhà báo - nhà văn Pháp thuộc “thế hệ Việt Nam”, thế hệ những người Pháp mà dấu ấn của cuộc chiến Đông Dương đã và sẽ in đậm trong suốt cuộc đời. Ông có mặt ở Việt Nam vào nhiều mốc lịch sử trước 1975, và từ đó ý định trở lại đất nước Việt Nam vẫn luôn thôi thúc ông. Cuốn “Cồn Tiên” được viết sau chuyến đi Việt Nam từ Nam chí Bắc của ông năm 1992. Bản Công-xéc-tô vĩnh biệt này, có thể nói, nó là nỗi ám ảnh của người pháp về Điện Biên Phủ ở Việt Nam. Hiện Guillebaud đang công tác tại Nhà Xuất bản Le Seuil (Paris).

  • PHẠM THỊ ANH NGA15-12-2002Hình như trong đám đông tôi vẫn luôn là một bóng mờ. Một bóng dáng nhạt mờ, lẩn trong vô vàn những bóng dáng nhạt mờ khác, mà giữa trăm nghìn người, ai cũng có thể “nhìn” mà không “thấy”, hoặc có vô tình “thấy” cũng chẳng bận lòng, chẳng lưu giữ chút ấn tượng sâu xa nào trong tâm trí.

  • PHẠM THỊ CÚC                       KýTôi sinh ra ở một làng quê, không những không nhỏ bé, hẻo lánh mà còn được nhiều người biết đến qua câu ca dao "Ai về cầu ngói Thanh Toàn/ Cho em về với một đoàn cho vui".

  • HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG                                        Bút kýNhiều lần thức giấc trong mùi hương rạo rực của ban đêm, tôi chợt phát hiện ra rằng Huế là một thành phố được dành cho cỏ. Tôi không hề có ý xúc phạm, chỉ muốn lưu ý thêm về vai trò của cỏ trong quy hoạch đô thị. Thật vậy, không nơi nào trên thế giới mà những công trình kiến trúc của con người lại mọc lên giữa cỏ hoang như ở Huế. Đà Lạt cũng được xây dựng trên những ngọn đồi; nhưng ở đấy, hình tượng của cây anh đào và cây thông đã khiến người ta quên mất sự có mặt của cỏ dại.

  • THÁI VŨ        Ghi chépNhững năm đầu kháng chiến chống Pháp, từ Quảng Nam- Đà Nẵng vào Bình Thuận lên Tây Nguyên được chia ra làm 3 Quân khu thuộc Uỷ ban Kháng chiến miền Nam Việt Nam, cụ Cố vấn Phạm Văn Đồng là đại diện của Trung ương Đảng và Chính phủ. Qua năm 1947, 3 Quân khu (QK 5, 6 và Tây Nguyên) hợp nhất thành Liên khu (LK) 5.

  • PHƯƠNG HÀ                     (truyện ký)Cho anh em trong phân đội trở về các vị trí giấu quân xong thì trời cũng vừa sáng. Đang giăng võng để ngủ lấy sức sau một đêm trinh sát, tôi chợt nhớ phải đến thăm Hoà vì Hoà sắp đến ngày sinh nở. Chúng tôi đang ở ngay làng của mình nhưng làng không còn nhà, dân bị giặc lùa đi hết, muốn tìm nhau thì phải tìm đến những căn hầm.

  • LÊ TRỌNG SÂMTrong cuộc đời của mỗi chúng ta, khi Bác Hồ còn sinh thời, được gặp Bác một lần đã quý. Trong cuộc sống của tôi, do có nhiều hoàn cảnh, nhiều duyên may lại được gặp Bác đến ba lần thì càng quý biết bao nhiêu. Tự đáy lòng, tôi thầm cảm ơn Đảng, cảm ơn Bác đã cho tôi ba lần vinh dự như vậy. Và những kỷ niệm đó vẫn còn tươi nguyên.

  • PHẠM THỊ CÚC                         Ký…Tôi chưa thấy ai hay ở xứ nào làm các tác phẩm mỹ thuật từ cây với dây... Nếu gọi là tranh thì là một loại tranh ngoài trời, lấy tạo hoá, thiên nhiên làm cốt, không giới hạn, dãi nắng, dầm mưa, đu đưa theo chiều gió, màu sắc cũng thay đổi từng giờ, từng phút, tuỳ theo ánh sáng mặt trời hay mặt trăng. Cho nên, tác phẩm rất linh động…

  • LÊ VĨNH THÁI                Ghi chép Sau chặng đường dài gần 20 km vượt qua các con dốc cao ngoằn ngoèo, hiểm trở, tôi đã đến “hành lang” công trình hồ Tả Trạch, nằm giữa vùng rừng núi bạt ngàn thuộc xã Dương Hoà, huyện Hương Thuỷ. Công trình hồ Tả Trạch được khởi công xây dựng ngày 26/11/2005, là công trình trọng điểm của Thừa Thiên Huế và của cả nước, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quản lý đầu tư từ nguồn vốn trái phiếu của Chính phủ, với tổng mức đầu tư khổng lồ 2659 tỷ đồng. Đây là một trong những công trình lớn của vùng Đông Nam Á.

  • TRƯƠNG ĐÌNH MINH                                 Ký Đợt này trở lại Trường Sơn, tìm hiểu thêm các tấm bê tông xi măng vắt qua đỉnh Trường Sơn, lượn quanh các đèo U Bò, Cù Đăng, A Dớt - A Tép mưa mù phủ trắng... Có đỉnh như đỉnh Sa Mù cao trên 1400m mà đợt tháng 3/2003 vừa rồi chúng tôi đã có mặt. Song do mưa liên miên, xe vận chuyển vật liệu, vật tư đi lại co kéo quá nhiều, đường lầy lội. Các đơn vị thi công chưa hoàn thiện phần nền...

  • DƯƠNG PHƯỚC THU                              Bút kýNhiều năm rồi tôi vẫn nghe, đồng chí đồng đội, nhân dân Dương Hoà và những người từng ở hoặc đã qua lại nơi đây trước chiến tranh, khẳng định rằng: Sau khi hy sinh, thi hài liệt sĩ Ngô Hà được đơn vị tổ chức an táng tại sườn tây núi Kệ, nơi có khe suối Ngân Hàng chảy qua thuộc vùng chiến khu Dương Hoà. Trước ngày giải phóng miền Nam, mỗi lần ngang qua chỗ ông nằm mọi người lại tự ý đắp thêm một viên đá nhỏ, để cho ngôi mộ ấy sớm trở thành hòn núi như mới mọc lên từ đất, ghi dấu chỗ ông yên nghỉ ... Chờ ngày chiến thắng.

  • ĐỖ KIM CUÔNGNăm cuối cùng của bậc học phổ thông, tôi được học 2 tiết văn giới thiệu về "Dòng văn học lãng mạn Việt Nam 1930 - 1945". Cũng không có tác phẩm thơ hoặc văn xuôi được tuyển chọn để phân tích, bình giảng như bây giờ. Ngày ấy - những năm chống Mỹ cứu nước, thơ văn lãng mạn được xem là điều cấm kỵ.

  • TRƯỜNG ANChúng ta đang sống giữa những ngày rực lửa truyền thống hào hùng của Tháng Năm trong lịch sử cách mạng Việt và thế giới. Trước hết, hãy nhắc đến một sự kiện lớn của giai cấp công nhân quốc tế. Ngày 1.5.1886, do yêu cầu không được đáp ứng một cách đầy đủ, công nhân trên toàn nước Mỹ đã tham gia bãi công nhằm gây áp lực buộc giới chủ thực hiện yêu sách của mình. Đầu tiên là cuộc bãi công tại thành phố Chicago với biểu ngữ “Từ hôm nay không người thợ nào làm việc quá 8 giờ một ngày! Phải thực hiện 8 giờ làm việc, 8 giờ nghỉ ngơi, 8 giờ vui chơi!”.

  • PHẠM THỊ ANH NGA       Gởi hương hồn bạn cũTôi qua đến Pháp ngày hôm trước thì hôm sau ba tôi mất. Cái tin khủng khiếp đó đối với tôi vẫn không đột ngột chút nào, bởi từ những ngày hè về thăm nhà, tôi đã biết trước ba tôi sẽ sớm ra đi.

  • TÔ VĨNH HÀEm hẹn gặp tôi ở quán cà phê Trung Nguyên. Đó là địa điểm em tự chọn. Cái tên ấy cho tôi biết rõ là giữa hai chúng tôi không có gì nhiều hơn một cuộc trao đổi bình thường. Tuy nhiên, sự mách bảo từ nơi nào đó của linh cảm và cả ước muốn, cứ làm cho tôi tin rằng đó là điểm khởi đầu. Đêm cuối xuân, Huế gần như ít buồn hơn bởi cái se lạnh của đất trời. Huế bao giờ cũng giống như một cô gái đang yêu, đẹp đến bồn chồn. Nếu được phép có một lời khuyên thì chắc hẳn tôi đã nói với tất cả những người sẽ được gần nhau rằng, họ hãy cố chờ đến một đêm như thế này để đến bên nhau. Bầu trời mà Thượng đế đã tạo ra sẽ cho mỗi con người biết cách đến gần hơn với những lứa đôi.

  • CAO SƠNChuyện xưa: Vua Hùng kén tìm phò mã cho công chúa Ngọc Hoa, đồ lễ vật phải có gà chín cựa ngựa chín hồng mao? Thôi thúc Lạc dân xưa kia, đánh thức tiềm năng người dân phải tìm hiểu, lặn lội từ đời này sang đời kia chưa thấy. May sao với thú đi để biết, anh Trần Đăng Lâu, cựu chiến binh, hiện Giám đốc vườn quốc gia Xuân Sơn tỉnh Phú Thọ cho hay: Vườn quốc gia nguyên sinh anh Lâu đang quản lý, mới phát hiện giống gà lạ ấy. Con vật đặc biệt chưa có ai biết tới, chưa được phổ biến rộng rãi, thương trường chưa có cuộc trao bán...

  • NGUYỄN HỮU THÔNG                             Bút ký"Buổi mai ăn một bụng cơm cho noChạy ra bến đòMua chín cái tráchBắc quách lên lò

  • TRẦN NGUYỄN KHÁNH PHONG                                                Bút kýTrong hồi ức của một số cán bộ lão thành cách mạng ở A Lưới kể lại rằng: “Hồi đó có một số người ở đồng bằng tản cư lên sống cùng đồng bào; qua họ, đồng bào nghe đến tên Cụ Hồ, nhưng đồng bào chỉ biết đầy đủ về Bác cũng như thấu hiểu được những điều Bác dạy qua các cán bộ người Kinh lên hoạt động ở đây vào khoảng những năm 1945-1946. Cán bộ bảo: Cụ Hồ muốn nhân dân mình học lấy cái chữ để biết bình đẳng. Muốn bình đẳng còn phải đánh Pháp. Nếu đoàn kết đánh Pháp thì ai ai cũng đánh Pháp và khi đó đồng bào ta nhất định thắng lợi” (1)

  • PHAN TÂM        (Kỷ niệm 240 năm sinh thi hào Nguyễn Du 1765-2005)Tháng Hai 1994:Từ Vinh qua cầu Bến Thủy, rẽ trái độ mười cây nữa, đến xã Xuân Tiên (Tiên Điền), huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.Khu đất cao ráo ở ngay đầu xã, bên bờ sông Lam, cạnh bến Giang Đình, là khu nhà cũ, khu lưu niệm Nguyễn Du.

  • LTS: Phát hành tới hàng trăm ngàn bản, Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm là cuốn sách duy nhất (có thể nói như vậy) gây được xúc động cho các thế hệ độc giả trong và sau chiến tranh, cho cả hai phía xâm lược và chống xâm lược nhờ tính chân thực của nó.Sông Hương trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc một số trang trong cuốn Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm và hai bài viết liên quan đến cuốn sách