Di động

09:46 14/10/2009
NGUYỄN THỊ THÁIVào hội Văn học Nghệ thuật được gần năm, đây là lần thứ hai tôi được đi thực tế. Lần thứ nhất cách đây hai tháng.

Minh họa: Đặng Mậu Tựu

Nếu đi những nơi mà được ngắm hoa thơm cảnh đẹp thì lần này chắc chẳng đến phần tôi. Vì hội viên quá đông, họ lại ở gần hội, có điện thoại nằm điện thoại đi, thông tin nhanh nhạy, không xa xôi tít mù như tôi.

May hôm đó lên phố thăm cậu mợ, lâu ngày, thôi, trước ghé hội. Tôi như người đi chợ muôn gặp ngày hàng ế. Không mấy người đăng ký chuyến đi thực tế này. Cũng phải thôi, đi thực tế thường được sang tỉnh này qua tỉnh nọ chỉ chỏ, khen chê, ăn của ngon, mua vật lạ. Đằng này đã không ra khỏi tỉnh còn tới chi cái huyện nghèo nhất tỉnh, xa nhất tỉnh, đất xấu nhất tỉnh, nước khan hiếm nhất tỉnh. Mấy cái nhất chẳng hay ho gì, nhưng từng đó chưa khiến hội viên vái dài không đi. Còn hai cái nhất độc đáo hơn nữa kia, đó là người nhiễm chất độc màu da cam nhiều nhất tỉnh và đương nhiên đi đôi với trẻ khuyết tật dị dạng nhiều nhất tỉnh. Thì đúng là không ít người vái quên cả nón.

Tôi thì ở đó, việc gì không đăng ký, mất gì đâu. Việc chưa xin được, đang rảnh rang ăn bám ngoại lại ở gần trường nuôi dạy trẻ khuyết tật. Đoàn thực tế chi khỏi tới thăm. Danh chính ngôn thuận theo đoàn tới thăm chứ không phải xách giùm ngoại mấy quả bầu bí sang biếu nhà bếp, không chừng ngoại còn được nở mày nở mặt ấy chứ.

Ngày tập trung đi, thâm tâm tôi hơi oán hội. Chi rồi cũng xuống đây, việc gì bắt tôi đi cả trăm cây số lên đó tập trung tốn xe đò xe buýt từ tinh mơ. Lên tới coi bộ tôi là người chót bẹt. Ngoài Chủ tịch, chánh văn phòng, thêm bốn hội viên và tôi còn có ba người lạ hoắc mà sau nghe chủ tịch giới thiệu mới biết: một bác sĩ chỉnh hình, một thương gia đại, một chuyên thần kinh. Họ đi để làm dự án chăm sóc trẻ khuyết tật và nhiễm chất độc màu da cam.

Sau lời chào hỏi giới thiệu của chủ tịch hội tôi hết oán chuyển gam liền. Tự hào lắm! Không ngờ lại được đi thực tế hoành tráng ý nghĩa thế này, đúng là thánh nhân đãi kẻ khù khờ.

Vậy mà tôi phung phí quá nhiều thời gian để đa nghi, tủn mủn vô duyên, thật non đời quá! Chuyện chẳng dính dáng chi đi thực tế. Thu hoạch chuyến đi thì tôi đã nộp lên hội một tùy bút - Đây. Tay em bé xòe ra. - được ngoại khen hay trả nhuận bút liền bằng bao bắp đỏ, bảo còn bao bắp, chừ rảnh khỏ cho xong mai phơi lại cất vô lu kẻo mọt.

Còn chuyện kia là vầy, ba ngày trên xe, đúng ra năm ngày kia, hai ngày sau ghét quá định bụng kiếm cớ đổi chỗ, tôi ngồi cạnh cái ông luống tuổi chuyên thần kinh học. Được ngồi cạnh người trình độ càng tốt chứ sao, thường người ta hay thiếu tự tin khi ngồi cùng người có trình độ cao so với mình. Tôi thì cứ cái sách biết thì thưa thốt không biết dựa cột mà nghe, chả sao cả. Nhưng chuyện kia chẳng liên quan gì đến trình độ cao thấp.

Như đã nói ba ngày tôi ngồi cạnh ông luống tuổi là hơn hai ngày tôi khó chịu trong bụng. Hơn hai ngày bởi vì ngày đầu tiên qua bốn giờ chiều mới khiến tôi coi thường ông ta. Còn sáng, trưa chưa sao cả, ông ít nói nên tôi cũng không được dựa cột mấy. Bắt đầu bốn giờ chiều là điện thoại của ông kêu liên tục: vui vẻ, cằn nhằn, nghiêm túc, cười đùa, chỉ đạo đủ các kiểu. Ngồi bên tôi đoán được là ai gọi qua trạng thái và câu trả lời của ông ta. Cái này mới là tôi đây - xen kẽ giữa các cuộc điện thoại là mấy cuộc có tiếng chuông khác hẳn, chắc dành đánh dấu số đây, hễ nghe tiếng chuông đó là bấm tắt ngay không trả lời một lần nào. Tôi quyết không làm thằng mắt lé chứ tôi mà liếc một cái là đọc được tên chi hoặc số di động hay bàn ngay, mắt trai tơ mà.

Huyện nghèo thì nghèo vẫn có khách sạn, nhà nghỉ như ai, có điều không sang bằng và hơi… bụi vì đất nhiều hơn nhựa. Tuy nhà ở đây nhưng có dịp được ở khách sạn đường hoàng thì ở, đi cả ngày  về tắm vòi nước nóng cho sướng, dại chi về.

Xe mới dừng trước khách sạn ông đã bảo:

- Cháu với bác một phòng nha!

Chưa kịp mở miệng chủ tịch hội nhìn tôi tiếp luôn:

- Ừ, cháu ở tiện cho bác ấy.

Một cháu giữa hai ông bên bác bên chú dám nói không. Nên tôi mới cực cái lỗ tai ba đêm. Ăn cái tát nhớ đời.

Lúc tới bàn lễ tân lấy phòng, ông hỏi lễ tân:

- Phòng có điện thoại không cô?

- Dạ có. Ông lại hỏi.

- Gọi đường dài được không cô?

- Dạ được.

Vô phòng ông rửa ngay cái tay cái mặt hối tôi:

- Cháu tắm đi, bác tối mới tắm.

Tôi dạ, soạn quần áo trong túi ra giường, đi tắm.

Mới chút thôi mà thiệt tình không thích ở với ông ấy tí nào. Giá tôi được ở với một ai đó trong hội thì vui biết mấy, dù ít gặp nhưng đã quen. Ngoài phòng ông đang gọi điện cho ai đó, nói rất to tôi e phòng bên và hành lang đều nghe được.

- Ờ anh đây! Em ăn cơm chưa? Ờ ăn cho đúng giờ đúng giấc, giữa bữa phải uống sữa nghe chưa. Anh ở với cậu sinh viên mới ra trường, lúc nào về anh kể cho em nghe. Ờ anh rất yêu em, hôn em nhiều, tối anh gọi lại kẻo đau tai.

Ông gác máy nói với vào:

- Cháu tắm xong xuống ăn cơm, bác xuống trước.

Ông đi rồi, tôi vừa nhẩn nha luận về cuộc điện thoại. Đau tai, ai đau hì, ông ta đau hay cô ta đau, không biết cô hay bà đây, nhưng già rồi chẳng lẽ xưng hô nói năng với vợ lại ngọt ngào tình tứ thế, chắc cô bồ thôi. Trên xe thì tắt không trả lời về phòng thì gọi cho bồ oang oang. Kể ra chứng kiến mấy cảnh này cũng vui.

Ăn cơm xong, ông ngồi nói chuyện với chủ tịch hội và hai ông thương gia bác sĩ một lát rồi về phòng. Tôi ngồi ngoài ghế đá với một anh hội viên nên tôi không thấy.

Tám giờ tôi mở cửa phòng. Hình như ông giật mình. Ông ngồi dậy đi tắm. xong ra làm việc gì đó trên máy tính, tôi nằm đọc báo ngủ luôn. Gần mười giờ đêm ông oang oang như hồi chiều, tình tang hôn hít chúc em ngủ ngon làm tôi giật cả mình. Vậy đã hết đâu, năm giờ rưỡi sáng lúc tôi đang ngon giấc thảo nguyên ông lại dựng cái não tôi dậy mà véo von.


- Em dậy lâu chưa? Ừ dậy nhưng đừng ra ngoài sớm, tám chín giờ nắng ấm đã rồi mở cửa sổ. Anh nhớ em lắm, anh yêu em. Anh đi tập thể dục đây.

Ôi chao! A Di Đà Phật cho con lại hồn.

Tôi muốn vung mạnh một cái cho bõ thì ông nhỏ nhẹ như ngoại tôi:

- Dậy rửa mặt đi thể dục cháu! Tôi đáp lỏn chỏn.

- Cháu không đi.

Ông đi rồi tôi đã tỉnh ngủ hẳn lại luận về điện thoại. Tại sao phải nói to vậy hì, mà sao không gọi di động? Vẫn thấy ông gọi di động cho người khác đấy thôi. Thôi đúng rồi, đúng là mèo mỡ gọi di động sợ người ta biết số khó chuồn đây, mà không đúng những tay chơi mèo rành lắm, chỉ cần mua cái sim dành cho người đó, cắt cầu là bỏ sim. Điện thoại khách sạn mà đa năng có lưu số thì mình biết ông ta gọi số gì liền. Chẳng lẽ tò mò xuống hỏi lễ tân, nhưng làm vậy để làm gì. Quyết không làm thằng thóc mách tọc mạch.

Tự dưng thương cái cô nào chiều qua gọi mãi đều bị không trả lời. Còn cái cô đang được gọi đây rồi cũng bị đối xử vậy thôi. Tôi vênh mặt, mình quyết không làm gã đàn ông như thế!

Tôi đánh răng rửa mặt, thay quần áo, đang soi gương thì ông tập thể dục về. Vệ sinh xong, ông hỏi han tôi đủ chuyện nhưng chẳng dính chi tôi cả. Hỏi tới hỏi lui vẫn xoay quanh mấy đứa khuyết tật, mấy người nhiễm chất độc da cam rồi lan sang chuyện huyện có thường xuyên đến thăm trường khuyết tật, trường đó nước non, sân chơi phòng ở tốt không… Nói chung toàn những câu tôi trả lời xuôi hết, bởi thứ thì ti vi đài huyện, thứ thì loa truyền thanh xã, cộng thêm cái đài rất bền từ thế kỷ trước chuyển sang là ngoại tôi, nghe, nói, nhìn cực tốt. Đợi lúc tôi ăn cơm ngồi phát thì thứ chi quanh cái huyện nghèo này mà tôi không biết. Tôi phấn chấn hẳn, khoe khéo là hay giúp ngoại xách bầu bí, rau củ trong vườn sang biếu nhà bếp trường. Tôi thấy mắt ông sáng lên, miệng cười tựa ông bố hài lòng về đứa con. Trời à, nhưng ngay sau đó ông bố nhấc máy để chào em yêu đi ăn sáng. Tôi như trái mít rơi bịch trả lại hết phấn khích.

Những ngày tiếp theo ngoài việc đến một số nơi, chủ yếu để ba ông khách làm việc thì cứ bốn giờ chiều điện thoại ông kêu, lại tắt máy số chuông riêng, về phòng oang oang đúng quy trình. Thôi thì chuyện của người ta, tôi chăm chú tới chuyến đi hơn, nó giúp tôi nhìn thấy một số điều của huyện mình và trên xe nghe mọi người thốt tôi cũng hốt được mớ kiến thức.

Ở với ông ba ngày tôi đã thích ứng. Những lúc ông oang oang tôi coi như nhà mình gần ga xe lửa, giờ tàu đến thì còi hụ. Thế thôi!

Bỗng tôi bị lộn ngược như dơi đu. Do ông sai lập trình, còi hụ lúc quá nửa đêm, hai giờ sáng…

- Không sao đâu, em cứ tưởng thế chứ không phải đâu. Ừ anh cũng nhớ em, ngày mai xong việc sớm là anh về với em ngay. Cố gắng ngủ đi, anh hôn em, ngủ đi ừ ngủ đi.

Mấy chữ ngủ đi, ngủ đi ông hạ giọng du dương như ru. Kiểu này đành phải phá tàu thôi. Tôi vùng dậy:

- Bác vừa phải thôi, bồ bịch yêu đương ra đường mà gọi.

Bốp! Tôi mất thăng bằng chân, mông rớt ịch xuống giường. Ông đến ngồi tựa trên chiếc ghế vuông có tay vịn nhìn tôi rỉ rả.

- Bác xin lỗi đã đánh cháu. Nhưng hãy nghe để đừng bao giờ ăn nói hồ đồ với người khác khi chưa rõ. Bác biết mình gọi điện khuya khoắt lại lớn tiếng sẽ ảnh hưởng đến giấc ngủ của cháu nhưng bác không thể đừng. Vợ bác sắp bị điếc hẳn, lỗi do bác nên bác rất ân hận. Cô ấy không biết vậy, tưởng mình sẽ lành thôi. Bác phải nói những lời yêu đương không phải cách nói dành cho lứa tuổi bác bởi không lâu nữa, vợ bác sẽ không bao giờ được nghe những câu như thế nữa. Tại không ngủ được, cô ấy hoang mang lo sợ vì tai đau nên gọi cho bác, bác không thể cầm di động ra đường hay lên sân thượng bởi tần sóng di động làm ảnh hưởng tai cô ấy hơn, bác đành làm phiền cháu.

Tôi cảm giác như thân mình lún xuống, lún xuống nhưng sao vẫn thấy gương mặt ông ngang tầm mắt. Cái miệng tôi lúc ấy không xứng với ông. Chỉ ngẩn người ngạc nhiên ngồi như tượng, loại tượng tạc chưa hoàn thành, mặt tượng láng lẩy quá. Dưới ánh đèn ngủ màu vàng đỏ, tượng tôi như phỗng bột bày ra không ai mua.

Ông ngồi đó nói thầm thì vào tai tượng:

- Tai vợ bác không chữa được nữa. Bác rất đau lòng. Bác cần có người bên cạnh, bác nghĩ cháu trẻ trung sẽ làm người khác vui lây. Bác phải sống cuộc sống vui vẻ, khỏe mạnh, biết hài hước để chăm sóc vợ mình. Mỗi lần đang trên đường nghe tiếng chuông của cô ấy, tắt máy mà không gọi lại ngay được bác rất lo. Thương cô ấy còn trẻ, không biết sẽ thế nào khi không còn nghe được nữa.

Màu đèn vàng ợt bởi trời sắp sáng. Ông ngồi dựa dài vào ghế, nhìn góc trần răng cắn vào nhau làm những đường gân cổ căng lên, mắt ứa ra, hạt nhỏ, đục như mồ hôi đá núi...

Tháng 12- 2008
N.T.T
(247/09-09)

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • TRẦN KIÊM ĐOÀN Ngôi nhà một thời là tổ ấm trên đồi bỗng trở thành rộng gấp đôi, gấp ba và vắng vẻ như một tòa lâu đài cổ từ khi Bé Út dọn ra khỏi nhà để lên miền Bắc học. Đứa con 18 tuổi trên đất Mỹ nầy rời nhà đi học xa thường có nghĩa là đang bước vào đời, ra khỏi vòng tay cha mẹ, thật khó lòng về lại. Những bước tiếp nối là học ra trường, kiếm việc làm, chọn nhiệm sở như cánh buồm đưa tuổi trẻ ra khơi. Bất cứ nơi nào có thể an cư lạc nghiệp trên 50 tiểu bang sẽ là nơi đất lành chim đậu. Tuổi thành niên tiêu biểu của văn hóa Âu Mỹ là tự lập, gắn liền với  vai trò chuyên môn và xã hội chứ không phải quanh quẩn với đời sống gia đình.

  • ĐỖ PHẤNĐêm rất khuya dưới chân núi H. Khó khăn lắm chúng tôi mới tìm được một con đò bằng tôn móp méo xác xơ. Chẳng hiểu ban ngày trông nó thế nào. Có lẽ đây là chiếc đò bị cấm lưu hành? Không thể có mặt ở bến vào ban ngày. Cũng là cấm làm phép. Dòng suối không có chỗ nào đủ sâu để có thể chết đuối.

  • ĐỖ KIM CUÔNGBây giờ bạn bè ít được gặp anh lang lang trên phố. Thảng hoặc dăm bữa nửa tháng, có khi hơn mới tóm được anh. Ấy là khi anh phải ra khỏi nhà đi nạp bài cho những tờ báo mà anh thường cộng tác, hoặc đi nhận nhuận bút một vài bài thơ lẻ in trên báo.

  • VŨ NAM TRỰC           Truyện ngắn

  • TRẦM NGUYÊN Ý ANHÔng Nhâm bước chầm chậm theo con đường tráng xi-măng ngoằn ngoèo trong con hẻm nhỏ. Căn nhà ông ở cuối xóm, một trệt, một lầu... mới tinh. Cánh cửa sắt đóng im ỉm. Ông ngồi bệt xuống nền xi-măng vì chân ông đã mỏi. Lẽ ra, khi mấy đứa con ông chưa bàn nhau cất lại căn nhà, ông đã có thể đẩy cánh cửa rào bằng tre và đàng hoàng bước vào nhà mình.

  • XUÂN CHUẨNĐể rồi tôi kể cho ông nghe về lai lịch cái quạt, để ông ông khỏi coi tôi là Thằng Bờm có cái quạt mo. Cái thời quạt điện quạt đá, máy lạnh mà cứ bo bo cái quạt kè, thỉnh thoảng lại đạp phành phạch như mẹ hàng cá thách lên giữa chợ. Cũng chẳng có gì li kỳ, hay mùi mẫn rơi lệ, chỉ là chuyện đời tầm phào.Hai ông trải chiếu ngồi giữa sân, nhâm nhi chén trà, ông Thân nói với đại tá Tiến về hưu như vậy khi đại tá ngỏ ý thích cái quạt kè của ông.

  • TRẦN THỊ TRƯỜNG  Bim chào đời vào lúc kém 19 phút. Trăng hạ tuần phun nhẹ màu đục của sữa vào bầu trời. Hôm sau trời lất phất mưa. Bố nói với bà ngoại trước khi đi làm: "Nếu không thấy con về thì bà giúp con cùng nhà con nuôi cháu". Câu nói ám ảnh làm trí tưởng tượng của bà ngoại nhiều lần thắt lại. Sau này nhiều khi bà ngoại sợ cả cái bóng của mình.

  • NAM TRUNG Ông Hãnh cứ đi tới đi lui trong phòng khách nhà ông, vừa đi vừa quạu cọ lẩm bẩm: thằng Hùng nó nói vậy là nó có ý coi thường mình, nó dám trứng khôn hơn vịt. Rồi mày sẽ biết tay ông. Ông sẽ cho mày còn lâu mới được vào Đảng, ông sẽ bác tất cả những đề xuất về mày...

  • HOÀNG THÁI SƠNKhi tôi lớn lên thì nội tôi đã mất từ lâu nhưng thỉnh thoảng dân làng vẫn nhắc đến người với niềm cảm mến về những chuyện không ít ly kỳ. Ông tôi rất khoẻ, người tròn vo, đen như sừng, tục danh Cu Trắt - phương ngữ vùng quê tôi nghĩa là nhỏ và rắn chắc. Ông ham mê võ thuật, thạo côn quyền, thuở trai thường đóng vai ông địa trong đám múa lân. Đám múa năm nào hễ thiếu ông là coi như nhạt trò, dân làng chẳng ai buồn xem. Người ta đồn ông tôi tài ba lỗi lạc, như có thể đi trên lửa, nhảy qua nóc nhà, còn những thứ chui vào hậu cung đình làng mà không cần dở ngói là xoàng... Kho chuyện về ông ngày càng dày do mồm miệng dân gian thêu dệt thêm, tuy nhiên trong đó nhiều chuyện là có thật.

  • PHAN XUÂN HẬUTôi trở về quê sau mười năm xa cách. Quê tôi nằm cuối con sông Vẹn, con sông này là nhánh của sông Dinh, bắt nguồn từ dãy núi Gám, chảy qua bến Dền. Nơi đây xưa kia là kinh đô của vua Dền. Vua Dền tụ tập lực lượng chống lại nhà Trần khi đó đang trấn áp nhà Lý. Vua Dền là hậu duệ của Lý Thái Tổ, ông không chịu sự chuyên quyền của vua tôi Trần Thủ Độ bèn lập căn cứ ở miền Tây Yên Thành, tức quê tôi, và Dền là kinh thành của ông, dân quen gọi ông là vua Dền.

  • NGUYỄN VĂN VINHTết Mậu Thân năm ấy tôi tròn mười sáu tuổi. Soi gương, tôi thấy y xì một con bé tóc lơ xơ hoe nắng, xấu tệ.

  • CHÂU DIÊNĐơn vị của tôi đi bộ từ một tỉnh miền Trung, lên qua Mường Phăng thì Điện Biên đã giải phóng. Sau một tháng đi bộ nhưng gần như chạy bộ, chúng tôi được phép nghỉ lại hai ngày ở một bản, hồi đó bản này nằm khá sâu trong rừng, nhưng nay thì nó đã ở bên một nhánh đường mới làm dẫn ra phố huyện Tuần Giáo để nối vào con đường số 6 chạy tuốt lên Điện Biên Phủ.

  • NGUYỄN TRƯỜNGLàng Hạ nằm phía hạ nguồn sông La Ngà. Đất chật. Người đông. Đói nghèo thành nếp. Hồi hai bên đánh nhau, nơi đây là vùng địch hậu. Giải phóng hơn chục năm mà làng Hạ đói nghèo vẫn hoàn nghèo đói. Không ít người bỏ làng đi xa chẳng thèm ngoái cổ nhìn lại. Vậy mà hơn mười năm lại đây, nhờ vực dậy cái nghề tơ tằm truyền thống vốn có từ xưa, làng Hạ đang trở thành một làng nghề giàu có nhất nhì trong vùng. Nhà cũ lỗi thời phá đi xây mới. Đường làng bùn lầy được thay bê-tông. Trường tiểu học tranh tre nứa lá hồi nào nay lên hai tầng. Điện lưới dọc ngang khắp làng đã đẩy năng suất ươm tơ kéo sợi lên cao chưa từng thấy. Chất lượng tơ tằm đạt chuẩn xuất khẩu. Hàng bán chạy hơn cả tôm tươi. Thu nhập người dân ngày một cao.

  • LÊ TRÂMNgồi với tôi và Kh là một đôi nam nữ còn khá trẻ. Chàng thanh niên, theo lời gã, vừa mới về từ Thái Lan sau khi trúng một hợp đồng béo bở. Gã là đại diện của một công ty xuất nhập khẩu nổi tiếng ở bên ấy.

  • NGÔ TỰ LẬPCó lẽ tôi đã ngủ rất lâu trước khi bị lay dậy một cách dữ dội. Tôi cố nằm thêm, mặc dù đó không phải là thói quen của một người lính cũ. Thường thì tôi bật dậy ngay. Trước khi tôi vào lính, cha tôi, một đại tá từng trải ba cuộc chiến tranh, chỉ dặn mỗi một câu: “Hãy chồm dậy ngay tiếng còi báo động đầu tiên!”. Lời dạy của ông tôi làm theo trong suốt thời gian tại ngũ và cả khi giải ngũ. Nhưng có những lúc ta không làm chủ được mình. Tôi thấy mình đau ê ẩm và phải một lúc khá lâu sau tôi mới chậm chạp mở mắt.

  • PHẠM THỊ CÚCTừ những ngày thơ bé còn cắp sách đến trường cho đến khi đã bước vào đời, con cái đã khôn lớn và trưởng thành, trong ký ức của tôi vẫn luôn lưu giữ những hình ảnh sinh động và kỳ diệu của hàng ngàn con cò trắng rợp cả cánh đồng bát ngát, những cánh rừng và vườn cây trĩu nặng vô vàn chim chóc, hình ảnh chim cò thân thiết đậu cả trên vai người, trên đầu người, quẩn dưới chân người... là chuyện của Vùng Đồng tháp Mười qua những trang viết hấp dẫn của các nhà văn Sơn Nam và Đoàn Giỏi.

  • MAI NINHTrong khoảng giữa buổi chiều thăm viếng cơ sở và dạ tiệc, tôi chạy về nhà thay quần áo. Dưới vòi nước ấm, tôi nao nao xúc động nhớ lại từng khuôn mặt bạn bè. Ngoài một hai người thỉnh thoảng gặp nhau nhờ ở lại nơi này sau khi tốt nghiệp, còn hầu hết thì sau một phần tư thế kỷ đã qua đi, bây giờ mới tái ngộ. Làm sao không ngẩn người trước những tên bạn ngày xưa mặt mũi căng hồng tí tửng nhố nhăng, giờ đây làn da gấp nếp, râu ria đạo mạo, ra dáng sếp lớn sếp nhỏ cả rồi. Và dấu chân chim của thời gian càng rõ rệt hơn nữa, nơi những cô đầm bạn gái của tôi.

  • MAI NINH- Rối, Rối ơi! Dậy đi nào. - Nằm mãi đây cũng đừng hòng có ai lượm xác đem chôn. - Dậy đi! Rối ơi.

  • ANH DƯƠNGCòn sống đến nay, ông tôi phải hơn trăm tuổi. Trước ngày chết, ông kể cho tôi câu chuyện thương tâm này.

  • NGUYỄN XUÂN HOÀNG1. Từ Huệ nằm thiêm thiếp bên cạnh án thư. Tóc râu chàng bạc trắng. Đêm qua, ngoài trời mưa gió to quá. Chàng không làm sao ngủ được. Từ Huệ sợ mưa, sợ phải nghe thấy những âm thanh cuồng nộ của trời đất. Điệu luân vũ ấy là nỗi ám ảnh khi chàng còn là một anh khóa vô danh.