Đêm rượu Na Rì

09:54 25/05/2012

NHẤT LÂM 

Trời đã sang thu, ngồi bên sông Héc Gieng chảy qua thị trấn Na Rì lộng gió mà uống rượu về đêm thì thật quá thú. Khúc sông này hẹp, bãi cát vàng hun dưới trăng, và bên kia sông là dãy núi trùng điệp chạy mãi tận Cao Bằng.

Một góc huyện Na Rì (Bắc Kạn) - Ảnh: cema.gov.vn

Rượu ở Na Rì được bà con dân tộc dùng men lá, ai chưa quen thì khó uống, nhưng sau vài lần thì thấy hay. Ăn và uống chỉ là thói quen cả thôi, tất nhiên nhiều món đặc sản địa phương này có mà nơi khác thì không, hoặc có chỉ là vay mượn. Món nhậu là cá bọp dân làm chài lưới bán trong chiều, loại cá này rất béo nấu chua với măng le thì quên cả trời đất.

Nhiều người cứ tưởng sông Héc Gieng là cách gọi khác đi của sông Hát Giang, và nghi ngờ trận chiến giữa quân Hai Bà Trưng với tướng nhà Hán là Mã Viện xảy ra ở đây. Hai bà thua trận và sông Hát trở thành huyệt mộ thiên thu lưu giữ thi hài hai nữ anh hùng dân tộc.

Có người lại kỳ công đi tìm đồng trụ mà viên tướng nhà Hán này chôn bên sông với sáu chữ đe nẹt dân tộc này:

“Đồng Trụ chiết Giao Chỉ diệt”.

Chẳng biết thiệt hư thế nào, Đồng Trụ thì chẳng thấy, mà nếu thấy thì chẳng còn. Dân ve chai đồng nát cái gì mà chẳng mua chẳng lấy. Có điều dân tộc này không hề bị diệt mà còn phát triển rực rỡ, để sau đó hàng trăm năm, sứ thần Đại Việt đã đối lại rất đau khi Bắc Triều nhắc lại chuyện xưa bằng câu đối:

Đồng Trụ chí kim đài sĩ lục

Sứ ta đối lại:

Đằng Giang tự cổ huyết do hồng

Chiến công trên sông Bạch Đằng, máu quân xâm lược Nam Hán, Nguyên Mông bây giờ còn đỏ. Oai hùng thật. Biết đâu con sông Héc Gieng từ ngày xa xưa dựng nước, dân tộc ta đã làm phòng tuyến chống quân Bắc từ Cao Bằng tràn xuống phương Nam. Sông Héc bắt nguồn từ núi cao ở Cao Bằng, vòng vèo qua thị trấn Na Rì của tỉnh Bắc Kạn, rồi chảy qua bên đất Cao Bằng. Sông nước ngoài Bắc do địa hình, khác với những con sông ở miền Trung chảy xuôi dòng từ nguồn phát tích về với biển cả.
 

Người dân Na Rì thu hoạch chè - Ảnh: backan.gov.vn


Cư dân thị trấn Na Rì phần nhiều là người Hoa sinh sống lâu đời trở thành Thổ hóa, Tày hóa. Sinh hoạt, tập tục pha phách qua lại với nhau. Một bộ phận người miền xuôi lên định cư theo mấy cuộc kinh tế mới sau ngày Pháp thua trận...

Muốn vào Na Rì chỉ có đường duy nhất theo quốc lộ 3 Thái Nguyên - Bắc Kạn phía Nam mấy cây số, qua sông Cầu vượt đèo Áng Tòng, khoảng 60 cây số gian nan đường đá nguyên sơ. Có lẽ ngày trước đường được mở cho ngựa thồ muối từ miền xuôi lên. Dưới chân đèo Áng Tòng có rừng trúc vàng óng rất đẹp, có lẽ ai đi qua đây ngồi nghỉ dưới rừng trúc này thì quên hết mệt nhọc, để rồi leo đèo Áng Tòng mà vô Na Rì. Vào được Na Rì thì ngại ra.

Khí hậu ở Na Rì khá đặc biệt, mát mẻ về mùa hè, ngủ không bao giờ chán, dậy lúc nào cũng được. Thực phẩm bán ở chợ là khuôn đậu, sản vật địa phương, rau cà quá rẻ. Nhưng nhiều hơn cả là rượu men lá. Đêm ở Na Rì mùa hè lúc nào cũng se lạnh rất dịu, đêm thu thì lạnh như mùa đông dưới xuôi. Trời ấy mà uống rượu bên bếp lửa ăn sắn nướng thật độc chiêu. Hôm nào kiếm được cá hay thịt rừng là uống thâu đêm. Và bây giờ nhóm chúng tôi đang uống chia tay. Ngày mai tôi chia tay với các bạn Na Rì. Một thời gian dài các bạn lang thang với tôi tìm đất sét làm gốm giúp bà con có đồ dùng bằng chum vại, tôi là chuyên gia địa chất. Và kết quả là có đất sét làm được gốm đã qua sản xuất thử thành công hơn cả dự kiến. Những sản phẩm làm ra lứa đầu, được biếu tặng làm bà con nức lòng.

- Đêm nay phải cho anh Tư say mới vui.

- Muốn say thì có rượu thơm mồi ngon.

Cậu Minh nói vậy và đưa mắt hỏi Chấn. Chấn hăng hái bảo Minh:

- Mồi à, lo gì, khi chiều mua cân hơi thịt trâu tơ ngon lắm đang ướp sả.

- Thế thì hay, nhưng kiếm con cá bọp nấu chua mới uống lâu được. Tớ đi lấy rượu đây.

Minh đạp xe đi ngay. Phía ấy là thị trấn, phải qua sông, mùa khô lội được.

Thị trấn chỉ có con đường chạy qua, và nhà kiểu xưa mái ngói úp như đúc một lò. Nhà dài hun hút sâu, có lẽ nhiều nhà làm từ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Dân thị trấn bày bán đủ thứ, giấy ngũ sắc, các loại kẹo bột, bánh khảo, đường đen nấu lên bằng mía ép tại huyện, khuôn đậu, rượu trang. Cũng có vài quán ăn, phở thịt trâu, thịt lợn... Năm ngày họp chợ một lần, người dân đến từ rất sớm, đến để mua để bán và để hẹn hò. Tôi đã lang thang bao buổi chợ phiên Na Rì và suy nghĩ vẩn vơ về đời sống ở miền núi bao đời nay. Người dân thiếu quá nhiều thứ, hạt muối còn quý hơn gạo. Nhiều chuyến xe lên được chân đèo Áng Tòng phải nằm chờ, huyện huy động dân ra gánh bộ để bà con khỏi đói muối.
 

Nông dân Na Rì thu hoạch lúa mùa sớm - Ảnh: baobackan.org.vn


Ngược lại thời gian thập kỷ 40, trong lúc mà Việt Minh hoạt động mạnh chuẩn bị cao trào tháng 8 năm 1945. Bọn Pháp tìm mọi cách đàn áp giết hại cán bộ. Ở Cao Bằng có ông Hứa Nam Tiến, Pháp treo giải thưởng ai chém được đem đầu về thì được lãnh hai tạ muối. Ông lánh qua Na Rì xây dựng tổ chức. Sau này ông Tiến chuyển ngành làm giám đốc nhà máy cơ khí, tôi là thư ký cho ông. Một hôm cấp trên về kiểm tra kế hoạch, hai vị to tiếng với nhau. Ông Tiến đập bàn trả đũa và thách thức:

- Cái đầu Tiến này hai tạ muối, đâu dễ kỷ luật!

Tôi chỉ biết ngồi nghe chẳng biết ất giáp gì. Cấp trên cho ông về hưu, Đó là thời điểm Mỹ chuẩn bị đánh phá miền Bắc ác liệt bằng B52 - con bài cuối cùng trước khi ký Hiệp định Paris. Ông bảo tôi cùng đi Hà Nội. Chỉ 80 cây số từ Thái Nguyên về Hà Nội, mà đạp xe gần một ngày, vì báo động dọc đường. Ngày hôm sau từ rất sớm đã có mặt ở Cửa Bắc. Người lính trước cửa nhìn sang, tôi không dám đến gần, còn ông Tiến thì đi chậm đến cửa. Người lính thấy ông già coi bộ quê mùa liền hỏi gặp ai.

- Tôi xin gặp anh Giáp.

- Anh Giáp nào?

Ông Tiến ngập ngừng một lúc rồi mới nói ra anh Giáp Đại tướng...

Người chiến sĩ cảnh giác và nhìn ông Tiến như một người “ngoài hành tinh” đến Hà Nội vào lúc này. Nhưng rồi một sĩ quan từ đâu xuất hiện như có phép lạ, nhìn ông già ăn mặc áo quần không phải là dân Hà Nội mà có cái gì đó phảng phất chất núi rừng.

- Bác đi theo tôi.

Sau này về Thái Nguyên và lên Na Rì thăm lại bà con cưu mang mình thời dựng nước ông Tiến cảm động kể lại:

- Trung úy đội trưởng bảo ông chờ và đi sâu vào trong, anh ấy gặp cấp trên, ông biết vậy thôi chứ có biết cấp trên là đại tá chánh văn phòng Bộ. Năm 1972 hết sức căng thẳng. Đại tướng thì căng thẳng gần như suốt ngày đêm bởi trên mọi chiến trường luôn có tin sốt dẻo báo về và còn bao kế hoạch tác chiến khác. Hệ thống bảo vệ ở cơ quan Bộ và giờ làm việc được sắp xếp hết sức chính xác. Được chánh văn phòng tiếp cũng là quá vinh dự.

- Anh Tiến này, anh thông cảm cho, đồng chí Đại tướng...

- Thưa anh, tôi biết vậy, nhưng đây là sinh mạng con người, vả lại cho tôi được gặp một phút thôi. Sau này có chết cũng không ân hận. Tôi là một trong 36 đội viên của anh Văn năm ấy.

- Vậy thì anh chờ may ra...

Đại tá báo cáo với Đại tướng khi ông đang xem bản đồ ở chiến trường B, và chủ động kéo tấm rèm che tấm ảnh phóng to nơi làm việc của Đại tướng. Đại tướng đứng dậy, chỉ nháy mắt ông đã nhận ra.

- Đúng rồi, đồng chí thứ 15, Hứa Nam Tiến, mời anh Tiến vào.

Phút gặp gỡ thật cảm động, Đại tướng ôm hôn cấp dưới với tình yêu đồng chí, người em.

- Anh thông cảm nhé, công việc chưa cho phép tôi gặp mặt các anh được, nhưng tôi luôn nhớ đến tất cả.

Anh Tiến quá xúc động đến trào nước mắt. Đại tướng ân cần:

- Thì giờ có hạn, anh cần gì nói ngắn gọn.

Ông Tiến càng xúc động hơn và khóc thành tiếng.

- Dạ, họ bảo tôi phải có anh xác nhận mới giải quyết chế độ những năm 1945 trở về trước.

- Khi phong quân hàm, anh được...

- Thưa anh, tôi được phong thượng úy, năm 1965 ra quân chuyển ngành làm giám đốc xí nghiệp cơ khí địa phương. Họ bảo trình độ thấp cho về hưu. Tôi vui lòng về thôi. Bây giờ chỉ mong anh xác nhận cái thuở ở đơn vị với anh, được gặp Bác Hồ, anh Chinh, anh Việt...

Đại tướng rút tờ giấy viết thư in sẵn và viết rất nhanh như một sự xác nhận thời gian anh Tiến hoạt động cách mạng ở Cao Bằng, ở đơn vị Cứu Quốc quân, Giải Phóng quân do Đại tướng thành lập và trực tiếp chỉ huy, rồi ký tên và đưa cho chánh văn phòng.

Đại tá chánh văn phòng đưa anh ra đường trong thành cũ. Trưa hôm ấy chánh văn phòng mời cơm, rồi nghỉ trưa và chiều có người dẫn anh đi tham quan vài nơi theo kế hoạch. Áo quần cũ được thay có người giặt, và được mặc áo quần bộ đội mới, ka ki Tô Châu, cùng giày mũ như sĩ quan cấp tá.

Tối phu nhân Đại tướng mời cơm tại gia đình, cơm thịt gà uống bia hiệu Hữu Nghị. Đại tướng uống chưa đầy ly và bảo anh Tiến ăn cơm tự nhiên còn ông phải đến nơi cần. Phu nhân Đại tướng hỏi thăm gia cảnh các cháu trai gái hết sức tỉ mỉ. Cơm bia ngon vậy mà cảm động nên ăn chẳng được mấy. Một trung tá cùng dự đưa anh qua đoàn nghệ thuật Tổng cục Chính trị đang tổng duyệt để biểu diễn xa. Ngồi xem toàn các vị tướng, có nhà thơ Tố Hữu.

Sáng hôm sau, một xe u oát đã chờ sẵn, đại tá Hiếu, phu nhân Đại tướng có mặt tiễn. Xe đạp đã buộc sau đít ô tô. Một trung úy trẻ cùng đi, mời anh Tiến lên xe, phu nhân Đại tướng chuyển lời ông hỏi thăm gia đình, cùng các anh trong đơn vị thuở chiến khu Trần Hưng Đạo ở Cao Bằng.

Hơn 10 giờ xe đến Thái Nguyên, trung úy chủ động gặp lãnh đạo tỉnh. Mọi giấy tờ được đại tá chánh văn phòng chuẩn bị chu đáo, giờ được trao cho người có trách nhiệm. Anh Tiến được giữ một bản, xe chạy về Đồng Bẩm nơi gia đình anh Tiến cư trú. Trung úy hỏi thăm chị Tiến, chuyển quà của gia đình Đại tướng. Quà là áo quần cho các cháu, cho chị Tiến. Riêng anh Tiến ngoài hai bộ áo quần có cái đài bán dẫn 3 băng hiện đại nhất. Gia đình rất cảm động giữ trung úy và lái xe ăn cơm trưa, nhưng trung úy xin phép vì đại tá đã chỉ thị về gấp, xe cần cho công vụ. Vợ chồng anh Tiến cảm ơn và nhìn xe chuyển bánh.

Một tháng sau, theo lệnh của tỉnh, Sở xây dựng chở đến một vạn viên gạch, gỗ, ngói, xi măng... để vợ chồng anh Tiến xây ngôi nhà 3 gian diện chính sách...

Minh đem rượu về, và chúng tôi lai rai uống, lai rai đủ thứ chuyện. Đêm rượu càng về khuya càng lắng lại, Minh, Chấn, Hách còn trẻ, ngồi nghe tôi kế chuyện Na Rì, chuyện kháng chiến chống Pháp như chuyện cổ tích xa xưa về quê hương mình.

Phía ấy là Cao Bằng, đi về Nam là Lạng Sơn, đi theo quốc lộ 3 thì về Thái Nguyên. Nơi huyện Bắc Sơn và huyện Võ Nhai là hai huyện đã cướp chính quyền sớm nhất từ năm 1941. Bất ngờ tôi nhớ bài hát của nhạc sĩ Đỗ Nhuận và khẽ hát trong trạng thái pha trộn cảnh trời sông núi Na Rì và chất men rượu bạn bè quanh đêm. Ca từ thật diết da hào hùng cái thời Bắc Sơn khởi nghĩa.

“Còn đâu trên chiến khu trong rừng chiều, bên đèo tiếng suối reo đạn bay vèo.

Đêm nay đây vai vác súng trong mây trăng gió buồn đứng...

Hỡi chiến khu đoạn chiến khu với chiến khu, thân ta dù trong mưa nắng với sương mù....

Hỡi chiến sĩ chàng đau thương có cứu thương vết thương chàng đem băng bó em băng giùm”.

Đêm ở chiến khu Ba Lòng, Đá Nổi, ao ước một ngày nào đó tôi được đến cánh rừng già Cao Bắc Lạng. Bây giờ đã có mặt nơi cần đến và đang uống rượu tại Na Rì, bên con sông Héc Gieng. Rượu cũng đã khô mà đêm chưa tàn, có lẽ ở núi rừng đêm dài hơn miệt biển. Tôi tiếp tục kể những ngày ở Phủ Thông, Đèo Dàng, đèo Cô lê a, đèo Gió rồi Thất Khê, Đồng Đăng.

Minh định đi lấy rượu thêm, nhưng lại tiếc vì câu chuyện hấp dẫn tôi đang kể. Tôi nhìn ở phía Cao Bằng có vầng sáng như trời đã rạng, và khuyên các bạn trẻ dừng cuộc chơi. Nhưng Chấn không chịu, đêm đang vui, biết bao giờ mới gặp lại nhau như hôm nay. Em sẽ đi mua rượu để anh kể chuyện cho bọn em là quý rồi. Minh nói xong là đi ngay. Chấn bảo: ở đây không có văn công, nửa năm mới xem phim một lần buồn lắm.

Chỉ cần mấy khúc nửa đập dập làm môi là lửa cháy hông lên rất vui. Ở giữa rừng có lửa là ấm áp và sự sống được bùng lên xua đi cô đơn. Chuồng gà khuất sau cái nhà dùng làm nơi ngủ tập thể, chừng 30 mét, nhưng lại khó thấy. Chấn đi một lúc thì nghe tiếng gà kêu rất gắt... Chờ mãi chẳng thấy Chấn, chúng tôi gọi: Chấn ơi... Chấn ơi... Chẳng có tiếng trả lời. Chúng tôi đi ra nơi chuồng gà, và cho rằng có gì đó đã xảy ra với Chấn.

- Cái gì vậy?

Chấn nằm co ro không phải vì rét mà cái thế nằm, chúng tôi hốt hoảng và cho rằng Chấn đã bị nạn, vùng này có loại rắn cực độc hay bò đi ăn đêm, Chấn đã bị rắn cắn rồi. Nhưng nếu vậy thì cũng la lên một tiếng chứ. Đằng này Chấn nằm yên coi bộ như ngủ say, thở đều và có ngáy mới lạ chứ. Dùng nứa đốt sáng lên thì thấy Chấn nằm ngủ chẳng xảy ra chuyện gì, có điều là tay Chấn ôm con gà rất chặt khiến nó chết trong tư thế hết sức kỳ lạ. Phải một lúc, chúng tôi mới lấy được con gà ra khỏi tay Chấn, và ngón tay chấn đỏ lòm máu.

Chấn ngủ say và có lẽ đã quá say do ngấm rượu. Chúng tôi đưa Chấn vào nhà đắp chăn. Chấn nằm yên chẳng biết trời đất Na Rì đang dần chuyển sáng và bạn của Chấn đang tiếp tục cuộc chơi. Có lẽ rượu đã ngấm vào tận từng tế bào, nên Chấn mới như vậy. Nhưng say mà ngủ yên cũng là tốt. Tôi ngồi dưới vòm trời Na Rì và thắc mắc tại sao Chấn đi được đến chuồng gà, ôm chặt con gà rồi lăn đùng ra nằm như chết?

Chân trời đã hồng lên, dãy núi bên kia sông màu xanh đã nhạt dần. Chúng tôi cụng chén trước bình mình, cho đến giọt rượu cuối cùng.

Hôm sau Chấn tỉnh dậy và lời đầu tiên Chấn hỏi:

- Còn rượu không?

N.L  
(SH279/5-12)









 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • LÊ QUANG THÁI

    Ngày sinh, nơi sinh, ngày mất, nơi mất, nơi an táng, nơi cát táng là những mốc thời gian quan trọng, đáng nhớ của đời người và con cháu vì dân gian coi đó là việc thể hiện hiếu đạo đối với người đã mất, với tổ tiên, ông bà: Sống nhà thác mồ.

  • (SHO). Nhiều ngày qua, báo chí và cộng đồng dân cư mạng đã bày tỏ lòng kính yêu Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua những tin tức, đề xuất về việc lựa chọn đường đặt tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp

  • (SHO). Bộ VHTTDL đã có công văn gửi UBND các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước về việc phối hợp hoàn thiện hồ sơ di tích quốc gia đặc biệt Hệ thống di tích đường Hồ Chí Minh.

  • NGUYỄN VĂN DẬT 

    Quê hương là chùm khế ngọt
    Cho con trèo hái mỗi ngày.

                       (Đỗ Trung Quân)

  • KỶ NIỆM 10 NĂM THÀNH LẬP CẢNG CHÂN MÂY

    NGUYỄN HỮU THỌ
    (Chủ tịch, Giám đốc Công ty TNHH Một Thành Viên Cảng Chân Mây)

  • LÊ XUÂN THÔNG 

    Vai trò của nhà Nguyễn với Phật giáo Ngũ Hành Sơn
    Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) vốn đã là một trung tâm Phật giáo của Việt Nam thời chúa Nguyễn, nơi hình thành sớm các đạo tràng với sự tu chứng của các bậc danh sư, và đặc biệt nhận được sự quan tâm hỗ trợ của triều đình.

  • PHAN THUẬN AN

    Một sự tình cờ đã xảy ra trong lịch sử cận đại Việt Nam: có hai tướng Ngô Văn Sở sống cùng một thời kỳ. Xin tạm gọi nhân vật thứ nhất là tướng Ngô Văn Sở ấy, và nhân vật thứ hai là danh tướng Ngô Văn Sở triều Tây Sơn.

  • NGUYỄN NHÃ TIÊN
                         Tùy bút

    Đi trong tiết trời ngập tràn gió lạnh mùa xuân Côn Sơn, con đường hun hút xuyên giữa cánh rừng thông thoảng nhẹ từng làn mây khói mỏng mảnh bay lượn lờ, như dẫn dắt con người vào một thế giới xa xăm thanh vắng.

  • NGUYỄN VĂN QUẢNG - ĐÀO LÝ

    Thành Hóa Châu là một tòa thành có vai trò rất lớn trong lịch sử, chính vì thế nó đã thu hút sự quan tâm nghiên cứu từ rất sớm của các sử gia.

  • NHỤY NGUYÊN

    Làng cổ Phước Tích quyến rũ với phong cảnh nhà vườn xanh mát. Cây thị gần ngàn năm tuổi tỏa bóng bên ngôi miếu cổ là một phần hồn vía của làng cùng nhiều mẩu chuyện thú vị về những di chỉ Chăm.

  • MẠNH TIẾN

    Rời Mèo Vạc về Đồng Văn, ngồi sau lưng anh xe ôm người Hmông, tôi vượt Mã Pì Lèng trong một sáng mùa hè mưa rả rích. Cung đường núi hiểm trở, liên tục gấp ngược khủy tay. Cheo leo. Một bên thăm thẳm đá, cao vun vút. Một bên hun hút sâu, những thung lũng.

  • NGUYỄN VĂN DẬT

    Theo gia phả của thợ đúc xứ Đàng Trong để lại thì từ thời Lê Trịnh mà thợ đúc xứ Kinh Bắc ra đi theo Đoan Quận Công Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa lập nghiệp vì nhiều lý do mà trong gia phả nguyên bản bằng chữ Hán được soạn từ thời Cảnh Hưng (1740-1786), rồi tục soạn các đời tiếp Gia Long, Tự Đức đã ghi như sau:

  • LÊ TRÍ DŨNG

    Tôi vẫn phải thưa với bạn đọc rằng suy nghĩ dọc đường thì bao giờ cũng trục trà trục trặc, lục cà lục cục, lủng cà lủng củng và nó cũng gập ghềnh theo nhịp bánh xe lăn, nhất là lúc qua ổ trâu, ổ gà...

  • NGUYỄN QUANG HÀ - NGUYỄN VĂN DŨNG

    Muốn nhìn bức tranh thiên nhiên dựng khung cảnh hoành tráng của Bạch Mã, phải lùi đủ độ xa mới thật chiêm ngưỡng hết dáng vẻ uy nghi của nó.

  • NGUYỄN QUANG LẬP

    Thế rồi Ăm Hươn chống gối đứng dậy, lảo đảo tiến về vách trái nhà sàn đan dày bằng tre ca lay. Nơi đó có cái ca dóc như một búp măng ám khói, đang treo rủ ngược xuống, Ăm Hươn tiến tới gần, dướn lên, với tay lấy ca dóc nhưng không được. Lại dướn lên.. lại không được.

  • TRẦN NGUYỄN KHÁNH PHONG

    Các dân tộc thiểu số anh em sống nép mình bên những dãy Trường Sơn hùng vĩ ở Thừa Thiên Huế và Quảng Trị, có rất nhiều nét văn hóa độc đáo và riêng biệt. Trong đó có nét đẹp của nghệ thuật làm đẹp mà những chủ nhân của nó hiện ít nhiều còn giữ lại hoặc hồi tưởng qua kí ức.

  • LÊ QUANG THÁI

    Chi thứ 5 trong 12 chi là THÌN, tượng cho con Rồng, chữ Hán viết LONG (龍), còn đọc là “thần”, có nghĩa lý như chữ “Thần” (宸), dị âm đồng nghĩa. Chữ này còn có nghĩa là cung vua. Cung điện sơn màu đỏ là vì thế.

  • VŨ TRƯỜNG AN

    Xưa nay, biểu tượng rồng thường được ứng với những bậc thiên tử, còn những người dân bình thường, chỉ có thể ví với thảo cỏ hay là hàng tôm tép, con bống, con cò..., ví mình với rồng dễ phạm tội “khi quân”.

  • PHẠM XUÂN PHỤNG (Ghi chép)

    Ngày 02 tháng 5 năm 2011, Ban tổ chức Trại sáng tác văn học Quy Nhơn (do hai tạp chí Văn nghệ Quân đội và Sông Hương đồng tổ chức dưới sự tài trợ của Binh đoàn 15) đã tổ chức một chuyến đi thực tế tại Đức Cơ-Gia Lai, nơi có 3 công ty lớn của Binh đoàn đang làm ăn tại đó. Nhân tiện, tôi rẽ ngang vào Plei-Ku, nơi có 3 người đồng nghiệp cũng là học trò của tôi.

     

  • NGÔ MINH Kỷ niệm 50 năm Đường Hồ Chí Minh trên biển (23/10/1961 - 23/10/2011)