Đêm Ô Lâu

08:24 26/12/2012

TRẦN CẢNH YÊN

Chúng tôi về đến Phong Chương lúc mặt trời đã ngả chiều. An, trưởng ban trinh sát tỉnh đội đi cùng tôi như reo lên khi nhìn thấy một con thuyền nhỏ dưới bến. “Chiếc thuyền là của bà Tư đó, nhà ở ngay trên bến kia” - Một phụ nữ gặp chúng tôi ở bờ sông nhanh nhảu mách rồi chỉ cho chúng tôi lối rẽ vào một ngôi nhà nhỏ nằm phía trên bến sông.

Minh họa: ĐẶNG MẬU TỰU

Bà Tư dáng chừng đã ngoài tuổi bảy mươi, trong nhà còn có một cô gái rất trẻ. Khi thấy chúng tôi mang theo mấy bó hương cùng một giỏ hoa tươi và hỏi mượn con thuyền dưới bến, bà Tư dường như tỏ chút nghi ngại:

- Mấy chú cần thuyền mần chi, mà trời sắp tối rồi?

Khi biết chúng tôi mượn thuyền đi thả hoa trên sông để tưởng niệm những đồng đội hy sinh hồi chiến tranh đã nằm lại dưới lòng sông này thì bà Tư lặng đi rồi như muốn bật khóc. Bà lẩy bẩy đi đến bên chiếc bàn thờ, loay hoay mãi bà mới thắp được một nén nhang rồi lầm rầm khấn vái. Lát sau bà Tư quay lại, đôi mắt còn nhòe lệ, bà nói với chúng tôi giọng thảng thốt:

- Con Út nhà tôi, má của con Trang đây… cũng nằm dưới lòng sông này.

Cô gái có tên là Trang bỗng ôm chặt lấy bà Tư, trong cơn nức nở nghẹn ngào, Trang thốt lên mấy tiếng “má Duyên ơi…”! Tôi dường như không tin vào tai mình - thật kỳ lạ, tôi như nghe có tiếng ai đó vọng về từ một miền ký ức rất gần khi bỗng nghe cô gái gọi tên “má Duyên”! Và còn kỳ lạ hơn, cái tên “má Duyên” và khuôn mặt cô gái tên Trang bỗng gợi lại trong tôi bóng hình của một cô Út thân thương ngày nào - Trang giống Út đến lạ lùng, đã hơn hai mươi năm nhưng tôi vẫn không thể quên được khuôn mặt của Út… Như có sự mách bảo của một đấng siêu nhiên nào đó, tôi chồm dậy lao về phía cô gái có tên là Trang:

- Đây là con của Út Duyên… - rồi tôi quay lại phía bà Tư: - Má… là má của Út Duyên…?

Bà Tư ôm chặt đứa cháu gái và nhìn chằm chằm vào tôi như chờ đợi một điều gì thật hệ trọng đang đến. Tôi ngồi như hóa đá, mắt cứ ngó trân trân vào cô gái tên Trang. Không thể tin được lại có sự sắp đặt của số phận kỳ lạ đến thế.

- Vậy là hai đứa bay cũng biết con Út, biết má con Trang… Hai đứa bay có biết Ba con Trang là ai không? Nó cũng là bộ đội giải phóng người miền Bắc, nghe tin nó đã hy sinh ở thành cổ Quảng Trị năm bảy hai rồi. Ký Hiệp định Bảy Ba được mấy ngày thì con Út sanh con Trang đây…! - bà Tư nói giọng thảng thốt và khuôn mặt bà như trắng bệch ra.

Tôi như muốn ôm chầm lấy cô gái tên Trang nhưng liền kịp dừng lại. Tôi quay sang nắm lấy tay bà Tư, giọng líu ríu: “Má à… con có biết cô Út… hồi Bảy Hai…”!

An cũng láng máng nhận ra có một câu chuyện bí mật kì diệu đang xảy ra giữa ba người nhưng vẫn làm như vô tình, anh bước đến nói nhỏ với tôi: “Chuyện chi nói sau, mình đi thả hoa đã kẻo trời tối mất”.

Như chợt bừng tỉnh, tôi giục An xin bà Tư chặt mấy khúc chuối trong vườn kết thành ba chiếc bè rồi cắm hoa lên đó mang xuống bến sông.

- Ngoại ơi, để con chèo thuyền cho mấy chú, con xin cùng đi thả hoa cho má Duyên, cho… ba con! Nói rồi Trang ôm bó hương chạy theo chúng tôi cùng xuống bến. Bà Tư gọi với theo: “Chèo thuyền cẩn thận nghe Trang”!

Khi mọi người đã lên thuyền, Trang mở dây buộc thuyền ra khỏi gốc cây trâm bầu, cô lẹ làng vẩy chèo đẩy con thuyền nhỏ rời bến. Phía tây, mặt trời sắp lặn, những ráng mây chiều đỏ ối hắt bóng xuống dòng Ô Lâu mênh mang. Nhìn về phía đuôi con thuyền, mặt nước nhuốm hồng xao động lóng lánh, thuyền trôi xuôi như kéo theo cả một dải lụa màu khổng lồ!

Đã đến khúc sông vắng, hoàng hôn bắt đầu buông phủ, mặt sông tím sẫm, tĩnh lặng, chỉ còn nghe tiếng nước vỗ ì oạp bên mạn thuyền. Đi thêm một quãng nữa tôi ra hiệu cho Trang ngừng chèo. Cố kìm nén xúc động, tôi nói đủ cho An và Trang nghe: “Đây là bến Ô Lâu”! Trong lúc Trang ghìm chèo cho thuyền dừng lại, tôi và An đốt những bó hương cắm lên các bè hoa. An quỳ xuống trước ba chiếc bè hoa đang nghi ngút hương. Tôi nghe An khấn rành rọt tên của Út Duyên, tên của o Lành và nhiều đồng đội đã hy sinh vĩnh viễn nằm lại dưới lòng sông Ô Lâu này.

Trời đã tối hẳn, mặt sông như tím đặc lại, gió từ phía hạ lưu thổi tới làm những bó hương cháy bùng lên soi rõ những cánh hoa đang run rẩy! Cả ba chúng tôi đều rùng mình vì một cảm giác lành lạnh. Đợi cho con thuyền xoay ngang, tôi nói như ra lệnh: Chuẩn bị thả hoa! An chuyền cho tôi một bè hoa, tôi khẽ chạm môi hôn vào những cánh hoa rồi từ từ hạ xuống mặt sông. An và Trang cũng lần lượt làm theo. Ba chiếc bè hoa chầm chậm trôi xuôi, những đốm lửa hương lập lòe thỉnh thoảng lại cháy bùng lên khi có một đợt gió thổi tới. Cả ba chúng tôi đều căng mắt dõi theo những đốm lửa cho đến khi chúng mất hút trong màn đêm đặc quánh. Tôi không còn khái niệm rõ ràng về không gian, thời gian nữa, chỉ thấy mình như đang bồng bềnh trôi trong một miền ký ức.

Trang đã cho thuyền quay mũi trở lại. Từ nãy An vẫn ngồi bó gối giữa lòng thuyền giờ mới khẽ lên tiếng: “Anh hai và cô Út chắc có nhiều kỷ niệm ở bến sông này?”. Trang rụt rè ngồi xuống cạnh tôi rồi cũng đánh bạo hỏi: “Hồi chiều chú nói có biết má Duyên, chú quen má con hồi nào vậy?” Giọng của Trang run rẩy như khẩn cầu làm tôi chột dạ và lúng túng: “Mai mốt giải phóng, anh nhớ tìm Út nghe…”! Tôi như nghe tiếng của Duyên thì thầm bên tai. Tôi châm thuốc lá rít liền mấy hơi để trấn tĩnh lại và cố xua bớt nỗi ám ảnh của một lời nguyền đã theo tôi suốt hai mươi năm nay.

An lại giục: kể chuyện trinh sát nằm vùng địch hậu, chuyện về cô Út đi anh Hai! Tôi đặt tay vỗ nhẹ lên vai An rồi quay lại cầm lấy một bàn tay của Trang, tôi nói với hai người mà dường như tâm sự với dòng sông:

- Những gian khổ hiểm nguy của những người hoạt động trong vùng địch tạm chiếm ở Trị - Thiên thì nhớ sao xiết! Nhưng chuyện của cô Út thì tôi còn nhớ như in, như mới xảy ra ngày hôm qua vậy…

*

Đó là một ngày cuối tháng 7 năm 1972, khi chiến dịch phản kích mang tên “Tái chiếm lãnh thổ” của quân ngụy Sài Gòn bước vào giai đoạn quyết liệt nhất thì tổ trinh sát của chúng tôi được lệnh luồn vào bổ sung cho toán quân báo địch hậu của Trung đoàn. Tôi cùng với hai trinh sát viên là Thân và Danh được lệnh gọi lên Ban chỉ huy đại đội nhận nhiệm vụ gấp. Cùng đi với chúng tôi còn có một nữ du kích rất trẻ.

- Các đồng chí sẽ vào tăng cường cho toán của anh Phùng, Danh phụ trách tổ, cô Út dẫn đường, vào đến nơi, Út sẽ ở lại với cơ sở trong đó. Đại đội trưởng trinh sát đưa cây bút chì trỏ vào một điểm đã được đánh dấu trên bản đồ rồi nói tiếp: Cô Út vừa ở trong đó ra chắc còn nhớ rõ đường đi, nhớ là phải dẫn tổ tránh xa con lộ 8, xa các ấp Thanh Hương, Đại Lộc để phòng địch phục kích. Đến gần bờ sông thì ngược lên một đoạn, vượt ở điểm này là tương đối an toàn hơn cả.

Cả tổ chụm đầu vào tấm bản đồ, xem xét kỹ các điểm đã được đánh dấu, đại đội trưởng nhắc chúng tôi lần cuối: “Các đồng chí phải hết sức cẩn trọng trên đường đi, giấy tờ, thư từ, ảnh của người thân nhất thiết phải gửi lại hậu cứ”. Những quy định và những lời dặn dò như vậy đối với lính trinh sát chúng tôi là chuyện thường tình, nhưng lần này nghe đại đội trưởng nói, ai cũng ý thức được những khó khăn thử thách khôn lường đang chờ chúng tôi ở phía trước.

Công việc chuẩn bị đã xong, đúng 17 giờ chiều chúng tôi xuất phát. Đoạn đầu, đường đi còn nằm trong vùng giải phóng nên chúng tôi chỉ việc ngụy trang tránh tụi máy bay trinh sát L-19 và trực thăng vũ trang của địch. Khi đã đến sát tiền duyên, chúng tôi tìm một nơi bí mật ém vào nghỉ chân để chờ trời tối đi tiếp. Nhìn vào bản đồ, tôi nhận ra vị trí hiện đang trú ẩn là ấp Phước Điền, cách ranh giới địch tạm chiếm dăm cây số theo đường chim bay.

Bây giờ tôi mới có dịp quan sát kỹ cô du kích có tên là Út: dáng cô thật mảnh mai, làn da trắng xanh càng nổi bật trong bộ bà ba đen. Lúc này Út đang tựa cái gùi vải dã chiến ngả lưng vào một gốc cây trước mặt tôi. Cô ngửa cổ về phía sau, đôi tay mảnh dẻ xanh xao đang bá lấy nòng khẩu AK báng gập. Sau một chặng hành quân, đôi gò má Út đã ửng hồng lên đôi chút, Út đang thiu thiu ngủ, khuôn mặt thần tiên ấy thanh thản đến kỳ lạ. Tôi có cảm nghĩ dường như Út chưa từng biết đến, chưa từng nghĩ đến một cuộc chiến khốc liệt khủng khiếp mà cô đang can dự. Trước mặt tôi, Út như một thiên thần nhỏ bé đang mơ màng trong giấc ngủ thần tiên!

Trời tối dần, Danh nhắc lại kí ám hiệu cuối cùng cho tổ, xốc lại trang bị, chúng tôi rời Phước Điền tiến về hướng nam khi trời đã tối hẳn. Cô Út đi trước, Danh và Thân đi so le hai bên, tôi đi cảnh giới sau cùng. Đã qua ấp Thanh Hương, cô Út dừng lại và ra hiệu cho tổ chuẩn bị vượt con lộ 8. Bỗng “xoẹt…xoẹt” - hai, ba quả pháo sáng vụt lên xanh lè nổ lục bục rồi bung ra một thứ ánh sáng quái đản! Một vài loạt đạn vu vơ bắn ra từ phía Đại Lộc. Chúng tôi tranh thủ quan sát đoạn đường sắp vượt. Khi pháo sáng đã tắt hẳn, nghe ngóng không có dấu hiệu gì khả nghi, Danh búng tay ra hiệu, cô Út bò qua con lộ lẹ làng như một con mèo. Được Út cảnh giới, cả ba chúng tôi cũng vượt qua lộ 8 trót lọt. Sợ không kịp đến địa điểm vượt sông trước khi trời sáng, Danh ra hiệu cho tổ hành quân nhanh hơn.

Thần kinh tôi như vừa chùng xuống lại căng lên, tôi hồi hộp vì biết sắp sửa tới điểm hẹn vượt sông. Ôi, một chốc nữa thôi, tôi sẽ được bơi trên dòng Ô Lâu - Tôi chợt nhớ và nhẩm đọc mấy câu thơ hồi còn học cấp một: “Đêm nay bên bến Ô Lâu…” thì đột nhiên “pằng, pằng…pằng”. Tiếng súng nổ chói tai, đất đá dưới chân cày lên bắn tung tóe vào mặt, tôi nghe tiếng ai đó rú lên. Khẩu súng máy của một ổ phục kích địch hất ngược chúng tôi chạy thục mạng trở lại. Tôi hoa mắt mũi chạy bám theo cái bóng loi nhoi của Út. Ra đến bãi cát thì phải nằm lại vì pháo sáng của địch bắn lên rựng trời. Đạn M-79, cối 81 ly của địch nổ chát chúa dọc con lộ 8. Chỉ còn trơ lại tôi và Út, chúng tôi nằm chờ súng địch lắng xuống và hy vọng Danh và Thân cũng sẽ quay lại. Nhưng càng chờ càng vô vọng, tôi hoang mang nghĩ rằng hai đồng đội của mình đã trúng đạn của địch tại ổ phục kích. Một cảm giác “Lạnh lưng hở sườn” đã làm cho tôi một thoáng lo sợ và do dự. Tôi định bàn với Út quay trở ra báo cáo với đại đội xin thêm người rồi sẽ quay vào chuyến sau.

Pháo sáng địch tắt hẳn, mặt đất đã yên ắng trở lại, đêm lại khoác chiếc mành đen lành lặn lên mọi tĩnh vật. Gió từ biển thổi lên mát rượi, cát dưới chân mơn man như làm dịu bớt cảm giác căng thẳng hoang mang ban nãy của tôi. Út cũng đã trấn tĩnh lại, cô ghé sát vào tai tôi thì thào: “Ta vẫn đến điểm hẹn vượt sông chứ anh Hai”? Quên phắt ý nghĩ do dự bạc nhược của mình lúc nãy, tôi kéo tay Út đứng dậy giục: “Đi thôi kẻo muộn mất, biết đâu gặp Danh và Thân ở điểm hẹn bờ sông”. Gần một giờ đồng hồ mò mẫm tránh những nơi nghi có ổ phục kích của địch, chúng tôi cũng tới được địa điểm dự định vượt sông. Phía bờ nam gà đã gáy le te. Tôi áp tai nghe ngóng nhưng chỉ nghe thấy tiếng gió u u thổi lên từ mặt sông và tiếng côn trùng rên ri rỉ… Chờ thêm một hồi nghe động tĩnh nhưng không có dấu hiệu gì của Danh và Thân, trời đã sắp sáng, phải nhanh chóng vượt sông.

Tôi lập cập cởi quần áo và trang bị gói làm phao bơi. Út cũng đã làm xong, tôi giật thót người khi thấy Út mặc quần cộc, nửa người phía trên như để trần, hai tay Út đang khư khư ôm bọc phao bơi dã chiến trước ngực. Tôi ra hiệu cho Út cùng lội xuống nước, gác súng lên túi phao rồi đẩy người bơi ra giữa dòng. Như hai con “liu điu” giữa bốn bề sông nước, tôi có cảm giác mặt sông Ô Lâu như trải ra vô tận! Út bơi giỏi hơn tôi tưởng và bỏ tôi một đoạn khá xa. Tôi cố sức bơi lên bám sát Út. Kia rồi, những lùm cây phía bờ nam đã hiện ra. Chỉ còn vài chục mét nữa là tới bờ thì bất thình lình hai chiếc ca nô tuần tiễu của địch từ phía hạ lưu xé nước chạy tới. Ánh đèn pha cực mạnh của nó quét loang loáng cả mặt sông. Tôi gọi Út: “Bỏ phao bơi lặn vô bờ”! Tôi buông mình đẩy bọc phao bơi trở lại rồi ôm súng lặn một hơi dài về phía bờ nam. Bọn giang thuyền đã phát hiện ra chúng tôi thi nhau bắn như vãi đạn. Cô Út đã vọt được lên bờ, bọn địch bắn theo, tôi nghe Út ối lên một tiếng, khịu xuống rồi lại vọt lên chạy tiếp. Tôi cũng bám kịp Út luồn ra giữa cánh đồng, gặp một bãi nghĩa địa thì vừa lúc Út đã kiệt sức. Út nằm vật xuống, tôi dìu Út ngồi tựa vào một ngôi mộ.

- Út bị thương… anh Hai ơi - Út nói giọng đứt quãng và kéo tay tôi đặt vào chỗ bắp chân mình, nơi có vết đạn rạch qua nhơm nhớp máu. Bông băng để trong phao bơi đã trôi sông, cả hai gần như ở trần; tôi cuống lên chưa biết phải làm gì thì Út đã xoay lưng lại giật chiếc áo con trên người mình đưa cho tôi nói như ra lệnh: “Buộc chặt chỗ vết thương cho Út”. Buộc xong vết thương, tôi lóng ngóng không biết làm gì thì đã thấy Út moi đất ướt bôi kín người, tôi cũng bắt chước Út làm “ngụy trang”.

- Đi thôi anh Hai, sắp sáng rồi, coi chừng tụi bảo an đi tuần đó - Út nói rồi chống súng đứng lên, miệng bỗng bật ra một tiếng rên rất khẽ. Biết Út đau lắm định ghé tay dìu Út nhưng Út đẩy ra. Tôi vừa đi vừa chạy theo cái bóng tập tễnh của Út. Đến gần bìa ấp Phù Nông thì Út không gắng được nữa, Út ngồi vật xuống: “Nghỉ một lát ngó tình hình đã anh Hai”. Tôi nằm dán xuống mặt ruộng căng mắt, dỏng tai nghe ngóng. Đêm vẫn im ắng, Út đã lấy lại sức, bò đến cạnh tôi thì thào: “Nhà má Bảy ở ngay dưới gốc cây dương cao nhất đó. Đến bờ mương kia anh cảnh giới để Út lẻn vô bắt liên lạc với má Bảy”. Tôi gật đầu rồi xách súng bò theo Út. Đến bờ ruộng, Út dừng lại ra hiệu cho tôi cảnh giới, cô dóng cổ lên quan sát. Nhà má Bảy ngay sát bìa ấp, cây cối quanh nhà um tùm, có mấy khóm chuối ăn tận ra phía bờ mương rất thuận tiện cho chúng tôi đột nhập.

Gà trong ấp đã xao xác gáy, phía đầu hồi nhà má Bảy một chú gà trống cũng vỗ cánh phành phạch rồi cất một tiếng gáy dài đĩnh đạc! Tiếng gà gáy trong nhà má Bảy như một tín hiệu báo yên, chúng tôi càng vững dạ. Cô Út lẹ làng bò qua mương, lẫn vào khóm chuối rồi mất hút. Được một lúc, tôi bỗng nghe tiếng ho khan trong nhà vọng ra, đoán là tín hiệu an toàn của má Bảy, tôi bò men theo khóm chuối rồi lẻn vô cửa sau, Út đón tôi rồi cả hai chui vào buồng của má Bảy. Má Bảy dúi cho tôi một bộ quần áo rồi ra hiên canh chừng, Út cũng đã tươm tất trong bộ bà ba đen rộng thùng thình. Má Bảy quay vào giục:

- Sáng rồi, hai đứa tạm lánh xuống hầm đợi tao tin cho thằng Phùng tối mai đến đón, lẹ lên.

Chúng tôi theo má Bảy đi lại gần một khóm chuối rậm sau vườn. Loay hoay một lúc má mới tìm được nắp của chiếc hầm bí mật, má Bảy nâng nắp hầm đặt sang một bên rồi giục: “Xuống đi”. Tôi tụt xuống hầm rồi đưa tay lên đỡ Út xuống theo. Má Bảy đã quay lại dúi xuống cho một cái mền mỏng, một tấm vải mưa cùng chiếc bi đông nước và cái túi nhỏ đựng thuốc men, đồ ăn. “Gắng nghe con”! - Má Bảy nói rồi đậy nắp hầm, một thứ mùi ẩm mốc xộc lên, tôi thấy ngột ngạt khó chịu như muốn ngạt thở. Út bật đèn pin cho tôi lau lại vết thương, may mà vết thương của Út chỉ bị phần mềm chỗ bắp chân. Tôi thấm cồn bôi vào chỗ đau, Út co rúm người lại, cô gục đầu vào vai tôi la lên: “Ui… cha, đau quá anh Hai”! Tôi dừng tay vỗ về: “Ráng chịu chút nữa, sắp được rồi”. Út ngẩng lên, giọng ngấn nước mắt: “Để Út rên một tý cho đỡ đau anh Hai à”. Băng xong vết thương, tôi giục Út ăn miếng lương khô cho lại sức để uống thuốc kháng sinh.

Bây giờ mới thấy hai đứa chúng tôi ở gần nhau quá chừng, căn hầm bí mật chỉ dành cho một người mà lúc này phải “nuôi” đến hai người! Tôi cảm giác hơi thở của Út như phả vào ngực mình. Ánh sáng yếu ớt của cây đèn pin như làm cho nước da của Út xanh xao hơn. Tôi thương Út đến nao lòng…

Út tựa đầu vào vai tôi, mắt nhắm nghiền, giọng Út run run: “Nghỉ một lát đi anh, Út buồn ngủ quá”. Nói rồi Út quơ tay tắt đèn pin, bóng tối trong hầm đột nhiên đặc quánh lại như bịt lấy mắt và ùa vào mồm, vào mũi. Tôi rùng mình một cái rồi buột miệng: “Y như dưới địa ngục” (!).

Út bật cười khúc khích rồi dụi đầu vào ngực tôi: “Em thì lại thấy y như đang ở thiên đường…”. Hơi thở của Út phả ra nóng hổi, giọng Út run rẩy. Tôi gắng xua cái cảm giác ngột ngạt đang hiện hữu trong căn hầm và cố nhớ lại những gì vừa xẩy ra trên mặt đất mới tối hôm qua, nhưng càng cố tôi càng thấy mình bất lực. Chiến tranh dường như đã lùi xa lắm rồi… căn hầm đã biến thành chiếc nôi thần diệu đang ru giấc ngủ cho tôi và em!

- Út chưa ngủ à?

- Không ngủ được. Anh Hai ngủ đi!

Tôi bỗng nhận thấy Út khẽ rùng mình rồi em cố xoay hẳn người lại vòng tay níu chặt lấy cổ tôi. Giọng Út nghe như ở tận một miền xa lắm: “Tên em là Duyên, mai mốt giải phóng anh nhớ tìm em… Ngủ đi anh”! Tôi ôm chặt Út vào lòng và nhắm mắt lại, miệng lắp bắp: “Bây giờ… anh đã thấy được thiên đường của em rồi… Mai mốt giải phóng, còn sống anh sẽ đi tìm em…”. Cả hai chúng tôi cùng lịm đi và như bồng bềnh trong chiếc nôi đất mẹ…

*

- “Má…! má Duyên… của con…”! - Trang gục đầu vào vai tôi từ lúc nào và đang nấc lên nghẹn ngào. Tôi cũng không nhớ đã ôm lấy Trang từ bao giờ…

Trăng hạ tuần đã lên cao trải ánh vàng xuống khắp nhân gian. Gió từ biển thổi lên, con thuyền nhỏ dập dềnh trên mặt sông lấp lánh như dát bạc… Ô Lâu, dòng sông hoa lửa: Khúc bi tráng cuối cùng - Hãy là chứng nhân cho câu chuyện huyền thoại về những người du kích Phong Chương, về Út Duyên của tôi; và hãy là chứng nhân cho cuộc trở về hội ngộ dù là muộn mằn của những con người được sống thay cho những người đã chết.

T.C.Y
(SH286/12-12)







 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • GIAO CHỈ    Bão tố thường nổi dậy từ biển khơi hùng vĩ và kể cả. Những hút gió sấn sổ táp xuống mặt đất bao la quăng dội, tàn sát điên cuồng cho hả những cơn giận dồn góp lâu dài.

  • NGUYỄN ĐẶNG MỪNG Những người thắt đáy lưng ongVừa khéo chiều chồng lại khéo nuôi con                                                     (Tục ngữ)

  • TRẦN THÙY MAIỞ tuổi bốn mươi da mặt nàng vẫn trắng hồng, chưa thoáng một nếp nhăn. Ai nhìn kỹ lắm mới thấy những vết hằn bắt đầu hiện ra quanh cổ, thường được che rất khéo bởi những chuỗi hạt trang nhã. Mà đâu ai nhìn kỹ làm gì. Đứng trước một người đàn bà, dại gì không dán mắt vào vẻ đẹp mà lại đi săm soi tìm khuyết điểm.

  • NHẤT LÂMKinh thành Huế năm Bính Thìn, thiên hạ xôn xao vì một vụ án đại hình gây bất bình trong cả nước, và để lại cho hậu thế một nỗi tiếc thương khôn nguôi cho hai nhà chí sĩ.

  • XUÂN ĐÀILàng Tân Mỹ Đông nằm dưới chân núi Tịnh Hồng, trước năm 1975 là vùng của quốc gia, nói cho ngay ban ngày quốc gia điều khiển về hành chính, ban đêm “việt cộng” kiểm soát mọi mặt. Trong làng nhiều người đi lính hai phía, phía nào cũng có sĩ quan cấp tá, cấp úy và binh nhất, binh nhì…

  • TRẦN DUY PHIÊN1. Xuống tới biền, Lê và tôi thấy chú Phip và hai con bò đứng bên giàn cày. Chẳng chào hỏi, chúng tôi bắt tay vào việc. Tôi tiếp tục đắp bờ mương ngăn đất trồng rau với cái tum đổ nước vào sông Dakbla, còn Lê lo chỉ việc cho chú ấy.

  • QUỲNH VÂN"Lục bình vừa trôi vừa trổ bôngLục bình không kịp dừng để tím..."

  • TRÚC PHƯƠNGÔng già ngồi trên chiếc ghế bố làm bằng manh bao phía dưới bóng cây đa lão – trụ sở của Hội những người bán máu kia, sinh năm 1919, tròn 82 tuổi.

  • NGUYỄN THỊ THÁI Ngoài vườn có tiếng đánh sạt. Lại một chiếc tàu cau rơi. Con Vàng buồn bã đứng dậy, thất thểu đi ra. Hình như tiếng rơi khiến nó đau lòng.

  • HÀ KHÁNH LINH "Con gái PhổỞ lỗ trèo cau"

  • TÔ VĨNH HÀChỉ còn ít phút nữa, cái công việc căng thẳng, vừa đơn điệu vừa nặng nề của chúng tôi sẽ kết thúc: Buổi chấm thi sau cùng của một mùa tuyển sinh đầy sóng gió…

  • TRẦN DUY PHIÊN - Cắp vở qua bên chú Kỳ nhờ chú chỉ cho mà học! - Mẹ tôi nói. Tôi vẫn giả bộ không nghe. Những con tò he bằng đất do tôi nặn lấy chưa khô. Tôi mà bỏ đi có người phá - Nói thế mà không thủng tai ư? - Mẹ đảo mắt tìm một vật gì đó làm roi.

  • HOÀNG THÁI SƠN Dì Ty khép cửa rồi ngồi vào góc giường lôi tiền dưới gối ra đếm. Hai tờ hai mươi ngàn, một mới, một cũ gấp đôi gần đứt rời; hai tờ mười ngàn, một mới, một cũ dính vẩy cá; một tờ năm ngàn quăn góc; hai tờ một ngàn dính mực và âm ẩm. Sáu mươi bảy ngàn cả thảy. Đếm lần nữa: sáu mươi bảy ngàn. Rồi dì mở rương, xếp tiền vào từng ô.

  • NGUYỄN THANH VĂN"Làm sao em biết bia đá không đau…"

  • PHẠM NGỌC TUÝTất cả chỉ vì con nhỏ đó: Nó tên thật là gì, tôi không rõ. Tú gọi nó là nhỏ Mai, nó gầy và xinh. Nói rằng nó xinh, e chưa đủ. Nó ngầu, nó phá, nó là con bé nghịch như quỷ.

  • MẠC DO HÙNGBố nhắn tôi mời Sĩ về làng tu sửa bức tượng Thành Hoàng. Sĩ nghe tôi nói, trầm ngâm: "Cho mình thời gian suy nghĩ, Bỏ nghề lâu quá rồi, không hiểu đôi tay có còn cảm giác!"

  • TRÚC PHƯƠNGDừng lại nghỉ chân, chị Dần tựa lưng vào gốc cây cơm nguội râm bóng bên con đường ngoằn ngoèo dẫn lên dốc Lưng Mây. Mấy cô gái Stiêng quảy gùi đi ngược ra phố trấn chốc chốc gởi lại nụ cười tự nhiên như hoa cỏ cho người phụ nữ miền xuôi đi thăm người nhà trong trại.

  • LÊ GIA NINHMột danh nhân nào đó đã nói rằng: "Người đàn bà có hai lần dễ thương. Một lần trên giường cưới và một lần trên giường chết". Riêng tôi, tôi thấy mỗi tháng người đàn bà có thêm một lần dễ thương nữa. Đó là kỳ nhận lương của chồng.

  • QUỐC THÀNH Năm ấy lên cao nguyên thăm anh bạn, biết tôi lần đầu đến anh dẫn ra trung tâm xã coi cho biết, cũng là lúc dân đi rẫy về. Ngược chiều chúng tôi là một ông già, mắt nhìn xuống miệng cứ lẩm bẩm: "Muộn rồi, Muộn rồi". Tôi nghĩ ông vội đi đâu đó, chắc nóng lòng lắm.

  • ĐÀO DUY HIỆPNgày xưa có một chàng trai rất lịch sự. Anh thường có nhiều khách đến nhà chơi.