Đêm đêm rì rầm tiếng đất

14:21 31/08/2022

Kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Công an nhân dân

NGUYỄN QUANG HÀ

Ảnh: internet

Khách vãng lai đến Huế, họ nao nức thăm lăng tẩm, điện đài. Gót chân nườm nượp của họ không có gì lạ.

Huế với chúng tôi có khác đôi chút. Chúng tôi thường sống với Huế về đêm. Huế đó, mảnh tường rêu phong, kỳ đài ngạo nghễ, Văn Lâu khiêm nhường... cùng đèn điện ban đêm kỳ ảo đổ xuống sông Hương lặng lờ. Bên cạnh cái Huế ấy, chúng tôi còn có một Huế riêng, ấy là Huế trong tâm tưởng của mình.

Đêm đêm Huế trở về trong tâm trạng chúng tôi, đúng như cách nói của một nhà thơ:

"Đêm đêm rì rm trong tiếng đất
Những buổi ngày xưa vọng nói về"

Quả thật nhiều lúc, y như mình thả hồn theo tiếng đất đai mà đi.

Trong tiếng sương lành lạnh, trong tiếng lá xào xạc, trong tiếng gió luồn lách qua đình tạ, điện đài, tôi nghe như ba tiếng súng của Nguyễn Xuân Thưởng bắn L.Q.P, Giám đốc an ninh Trung kỳ ngay trước cổng nhà của hắn. P. ngã nhào vào trong nhà. Rơi cả xách tài liệu cầm tay, P. thoát chết, nhưng hồn xiêu phách lạc, ngay lập tức, ngày hôm sau P. đệ đơn từ chức, đi khỏi Huế! Nghe nói P. cạo đầu đi tu tại một ngôi chùa nào đó trên cao nguyên Nam Trung phần. Dẫu ở đâu, P. vẫn cứ giật mình thon thót mỗi khi nghe súng nổ.

Trở lại Huế lần thứ hai, Pháp ngông nghênh tổ chức lại nền đô hộ. Tiếng súng của Nguyễn Xuân Thưởng giữa kinh thành là lời tuyên bố: Cách mạng đang còn đây. Khát vọng độc lập tự do không thể gì ngăn lại.

Nguyễn Xuân Thưởng nhận lệnh diệt T.Đ.H, tên thanh tra mật thám Trung kỳ, một trong những tên tay sai đắc lực của Pháp ở Huế. Bên cạnh chiến công vang dội, bạn bè nhắc mãi tình nghĩa của anh.

Linh tính chăng, trước lúc lên đường, anh lấy tấm áo duy nhất còn lại và con gà chọi mà anh yêu quí trao lại cho đồng đội của mình: "Nhớ mùa xuân này đưa gà đi chọi đó nghe".

Vào trận, Thưởng vẫn giữ lối đánh táo bạo: giết kẻ thù ngay trước cổng nhà hắn. Anh có dụng ý lấy đó làm lời cảnh cáo: Kẻ bán nước không có chỗ nào sống an toàn. Thực hiện được phương án ấy phải là người dũng cảm lắm.

Tính giờ H. đi làm về đúng qui luật, Thưởng đi đến cổng nhà H., vừa lúc H. đạp xe đạp về tới nơi. Thưởng nắm ngay ghi đông xe H. nói: "Thưa ông, cho tôi hỏi ạ” câu nói vừa dứt, hai viên đạn chính xác đã găm vào ngực H.. H. chết tại chỗ, nằm sóng soài trên mặt đất, chiếc xe đạp văng qua một bên.

Thưởng vụt chạy nhưng không kịp nữa rồi. Từ bốn phía địch quây lại. Một viên đạn bắn gãy chân anh. Kẻ thù không dám tới gần. Từ xa chúng nhả đạn trên thân thể người không chạy được nữa.

Bên nấm mộ anh, có người thiếu nữ cứ đúng giờ Ngọ tới thắp hương cho anh và xõa tóc bên mộ đúng 100 ngày. Bà con nói sau này gặp cô trên chiến khu. Cô đã đi tiếp con đường anh chọn.

Tiếp sau Nguyễn Xuân Thưởng, tiếng súng diệt ác giữa thành phố Huế đã trở thành nỗi khiếp đảm của kẻ thù. Bắt sống L.V.H ở ga Huế, diệt B.H tại nhà hắn giữa đường Chi Lăng. Bắn C.H.T trong khu tam giác. Nổ súng vào giữa đám đánh bài mạt chược trong nhà Phạm Đình Trấp tại dinh bộ Lễ... Những chỗ yên ổn nhất của chúng, tưởng quân cách mạng không thể động tới được lông chân, không ngờ chính ở những chỗ đó, lại là chỗ súng cách mạng nổ ròn rã nhất, lập nên những chiến công vang dội giữa kinh thành.

Kẻ địch bị nhiều bất ngờ, song có điều chúng không thể ngờ tới người chiến sĩ an ninh đầu tiên giữa đất Cố đô, sau khi Huế vỡ mặt trận lại là Tráng Thông, cháu gọi Cường Để bằng chú ruột. Anh vẫn đàng hoàng giữ một chức vụ quan trọng trong chính quyền bấy giờ: Trưởng Ty an ninh Thừa Thiên. Những bí mật của địch đến đây đều bị phá sản. Những kế hoạch hoạt động táo bạo từ đây bùng nổ. Những tổ chức mặt trong nội thành từ đây được hình thành, lớn dậy. Tiếc rằng anh giữ chức đó không được lâu như ý muốn chỉ vì một sơ suất tùy hứng của anh Bạch Văn Quế. Quế gửi thơ cho bồ trong nội thành, ngoài bì đề:

"Thương nhớ gửi Hoài.
(Nhờ anh Năm, Trưởng Ty an ninh Thừa Thiên Huế chuyn giúp).

Người liên lạc từ chiến khu về bị địch bắt. Lá thư lọt vào tay chúng. Chúng không biết anh Năm là bí danh của Tráng Thông. Song cũng đủ nghi ngờ để chúng chuyển anh sang một cơ quan khác. Thật là một tùy hứng chết người. Tiếc thay, nếu không, biết đâu sẽ chẳng có những chiến công vang dội khó lường...

Tuy vậy, có những chiến tích đã năm chục năm qua, dân Huế vẫn kể với nhau như vừa đâu đó ngày hôm qua vậy. Ấy là vụ lấy bộ đồ mổ mới đưa từ Pháp qua Bệnh viện Huế, bị Việt Minh vào lấy liền. Nghe nói cả một đại đội Việt Minh vào bệnh viện dày đặc lính tuần canh, chưa làm chúng kinh hoàng bằng khi mở phòng y tá trực, hai cô bị trói hai chân bàn, nối chặt hai cô bằng sợi dây mỏng manh, giữa dây treo một quả lựu đạn đã mở chốt an toàn, đụng vào không khéo nổ mất xác. Mở phòng y sĩ trực, y sĩ bị trói nằm, tay chân căng ra, buộc vào bốn chân ghế. Quả mìn dẻo có sức công phá rất lớn cột vào tay y sĩ.

Cả Bệnh viện xôn xao. Ai cũng sợ mìn nổ bệnh viện sụp đổ tan tành. Bọn Pháp phải điều tới một viên sĩ quan công binh để tháo gỡ mìn. Hắn cũng mặt cắt không còn hột máu khi nhắc tới loại mìn dẻo của Việt Minh. Đầu tiên hắn bò chậm chạp tới quả lựu đạn, hắn cẩn thận nắm chốt an toàn lại, rồi ném ra thật xa. Quả đạn không nổ, xem kỹ, hóa ra lựu đạn thối. Đến quả mìn trên tay y sĩ, hắn không dám tới gần, dùng cây sào chọc. Đầu sào làm rách giấy gói, cái lõi bên trong rơi bịch xuống đất. Không phải mìn dẻo mà là nửa viên gạch chỉ mốc meo. Cả bệnh viện được bữa cười bể bụng.

Mãi sau này chuyện mới vỡ ra. Lực lượng hành động của ta chỉ có bốn người, anh Lâm Bình chỉ huy, anh Lưu cùng hai cô y tá trực là hai chị Mẫu Đơn và Lệ Chi. Đâu có một đại đội Việt Minh. Đó là kế uy hiếp đối phương của Lâm Bình, khi anh hỏi Lưu: "Đại đội của anh đã bố trí lực lượng xong chưa". Lưu đáp dọa: "Báo cáo, xong". Viên y sĩ trực nghe vậy tưởng là thật, nên răm rắp nghe lời trao chìa khóa cho Lâm Bình mở tủ lấy bộ đồ mổ. Song nói về mưu trí và lòng dũng cảm thì những chiến sĩ an ninh mật có thừa. Sau này đồng chí Hoàng Anh Bí thư tỉnh ủy Thừa Thiên ra Việt Bắc, báo cáo với Bác Hồ về hoạt động của chiến sĩ an ninh Thừa Thiên, Bác cởi ngay chiếc áo bông đang mặc gửi tặng các chiến sĩ điệp báo của thành phố Huế. Điều đó khẳng định một vinh dự lớn lao.

Sang thời kháng chiến chống Mỹ, hoạt động của ngành an ninh gian lao hơn nhiều. Bởi vì Mỹ vừa mạnh vừa giàu, tình báo của Mỹ có kinh nghiệm. Huế được coi là địa bàn quan trọng ở đầu múi phía Bắc, giáp giới vùng giới tuyến. Phương tiện kỹ thuật Mỹ đổ vào đây như nước, và có thời gian quân Mỹ - Ngụy tập trung ở Thừa Thiên đông đến nỗi cứ mười người dân thì có một lính Mỹ - Ngụy canh chừng.

Thực sự cuộc đối đầu quyết liệt ở Thừa Thiên Huế là cuộc đọ trí, đọ sức tại Huế! Cho nên khi phân địa bàn tỉnh chia cả Hương Thủy, Phú Vang, Hương Trà cho Huế để làm địa bàn hoạt động. Chứ ngay trong thành phố đã có chỗ nào đâu để đứng chân.

Ngành an ninh của tỉnh rất mỏng nhưng nhiệm vụ lại hết sức nặng nề. Vừa phải tổ chức lực lượng lại vừa phải xây đựng địa bàn. Vừa phải bảo đảm hành lang giữa chiến khu với tiền phương, vừa phải bảo vệ đầu não của cuộc kháng chiến. Ta chưa có kinh nghiệm nhiều, thiếu trăm thứ về kỹ thuật, vũ khí, nhưng ý chí quyết chiến quyết thắng phải được quán triệt cho mỗi cá nhân mình và cho mỗi việc làm. Điều đó lý giải vì sao tất cả các mệnh lệnh đều được chấp hành.

Lệnh phải mở được địa bàn ở quân trấn Phú Lương, một quân trấn lớn của Mỹ - Ngụy. Có sân bay, có đồn trú, có căn cứ, có trường huấn luyện. Văn Viết Kiểu đã tìm được cơ sở, nằm ngay trên đường quốc lộ, kề bên chợ Phú Bài. Lệnh phải gây được tiếng nổ trong thành phố, gây uy tín cho cách mạng, đánh vào chỗ hoang mang nhất của kẻ thù. Võ Hồng Sơn cùng tổ an ninh của mình, giữa ban ngày đột nhập vào trụ sở xã Thủy Trường nổ mìn, đốt thùng phiếu bầu Thượng viện, Hạ viện của Ngụy quyền, tuyên bố giải tán bầu cử. Suốt ngày hòm phiếu Thủy Trường không một bóng người.

Lệnh phải diệt ác ôn nới lỏng ách kìm kẹp của kẻ thù. Phú Vang nhằm tên B.T, Tổng trưởng, Bí thư quận bộ đảng Cần lao nhân vị huyện Phú Vang. B.T. vốn xưa là người của ta, đã đầu hàng giặc. Hắn đã từng lùa dân đi tố cộng dữ dội nhất. Đã từng đào trăm bộ hài cốt để ở trụ sở xã Quảng Xuyên vu khống cách mạng tàn sát dân lành. Khuôn viên nhà B.T rào chắc như rào ấp chiến lược. Trong nhà luôn luôn có một trung đội dân vệ canh phòng. Hắn bắt một chị phụ nữ trong xã có chồng tập kết lấy con hắn để bôi lem cách mạng. Việc diệt B.T, Công an Phú Vang giao cho Trần Xuân Ngạn. Chị Ngạn chính là người phụ nữ kia, nên Ngạn căm B.T lắm. Lấy tình chị em, Ngạn ra vào nhà B.T thường xuyên, lính gác ngoài cổng không để ý việc ra vào của anh. Cứ sau bữa ăn chiều, lúc nhá nhem tối lũ lính dân vệ xúm nhau đánh bạc. B.T thường nằm ngả bên ghế phô tơi trước hiên nhà đọc báo. Ngạn bí mật nằm trong vườn chuối. Đúng giờ thuận lợi, Ngạn nổ súng, B.T chết ngay trên ghế của hắn. Anh Ngạn bí mật thoát ra ngoài an toàn trước khi nhà B.T đóng cổng. B.T chết, những tên ấp trưởng khét tiếng của Phú Vang không dám ngủ ở nhà nữa, đêm đêm kéo nhau lên Huế "lánh nạn".

Dù bất cứ trong hoàn cảnh nào, đã có mật lệnh là người chiến sĩ an ninh lập tức hoàn thành nhiệm vụ của mình. Kỷ luật quân lệnh như sơn. Với cấp trên mệnh lệnh là bí quyết chiến thuật sáng suốt. Còn với cấp dưới mệnh lệnh là quyết tâm sắt đá và sáng tạo. Không có những người lính, mệnh lệnh không còn ý nghĩa gì. Giá trị thiêng liêng của người chiến sĩ ở chỗ đó. Người chiến sĩ an ninh thường độc lập tác chiến, sự sáng tạo trở thành yếu tố tuyệt vời. Không đủ sức quyết đoán, thời cơ thoảng qua như gió bay. Song sự sáng tạo ở chỗ biết tạo ra thời cơ cho mình.

Trần Xuân Ngạn là một trong những người như thế. Được giao nhiệm vụ diệt tên V., ấp trưởng T.T. Sau vụ B.T chết, hắn càng trở nên khôn ngoan. Tối lên Huế ngủ. Tám chín giờ sáng mới về ấp. Đi đâu một bước cũng có cả trung đội lính nghĩa quân đi trước dọn đường. Đồng thời bất cứ ở đâu, lúc nào cũng có hai tên tay sai đắc lực nhất ở bên che sườn.

Dù không biết mặt V., anh vẫn mai phục quán bên đường. Phía trước có cơ sở làm tín hiệu. Ngạn để trung đội nghĩa quân đi qua. Thấy ba chiếc xe đạp, đạp thủng thẳng theo sau. Anh xuất hiện, đi ngược chiều chúng đang đi. Còn cách chừng trăm mét, tên đeo kính đen vẫy anh lại: "Ê thằng kia, tới đây". Ngạn tiến về phía hắn, chỉ cách hắn mấy mét, bất thình lình Ngạn rút súng bắn! Tên đeo kính ngã chỉ kịp rên rỉ: "ôi, tôi chết mất". Hai tên đàn em bị bất ngờ, vừa rút súng chạy, vừa bắn lại. Được đà, Ngạn đuổi theo. Sực nhớ nhiệm vụ, anh quay lại, băn khoăn không biết tên mình vừa bắn chết có phải V. không. Chợt nhớ tên này chột mắt, Ngạn lột chiếc kính dâm. Lộ một hố mắt đen ngòm. Lòng anh reo thầm. Đến lúc này Ngạn mới nhớ mình phải nhanh chóng thoát thân.

Trường hợp tên T., chi trưởng cảnh sát quận N. đêm đêm về ngủ trà trộn trong đám thanh niên bị dồn đến ngủ tập trung tại một nhà ở An Cựu vẫn bị tử hình tại chỗ. Tôi hỏi Văn Viết Kiểu:

- Không biết mặt T. sao anh bắn trúng?

Kiểu đáp:

- Khó gì. Tôi chơi đòn tâm lý. Khi đột nhập đúng địa điểm, tôi bật đèn và nói thật lớn như ra lệnh: "Tên T., nghe đây!". Nghe gọi đúng tên giật thột, tên T. ngồi nhỏm dậy. Chỉ cần có thế thôi, đủ là một bằng cớ của kẻ lúc nào cũng nơm nớp lo sợ để nhận một bản án tử hình. Điều quan trọng, chúng tôi muốn cho chúng thấy rằng, kẻ tàn ác dù trốn đằng trời cũng không thoát khỏi bàn tay chiến sĩ an ninh.

Càng gần các anh tôi càng hiểu rằng không thông minh quả cảm không thể trở thành một chiến sĩ an ninh được. Nếu có khoác cái áo an ninh thì cũng chỉ là "đồ nhổm" mà thôi. Cách xoay xở tình huống của họ như thần.

Ban đêm, đi công tác ở Lợi Nông về, gặp ba tên Mỹ đang đi trên đường. Một gần quận Hương Thủy. Hai tên đi trước, một tên đi sau, Kiểu nấp vào bụi cây, chờ tên lính sau đi tới, nhảy ra, chộp cổ áo và dí súng vào bụng nó kéo đi. Tên lính Mỹ bị bắt sống không kịp kêu một tiếng báo cho đồng bọn biết.

Trần Xuân Tịnh bắt tên H. ác ôn dễ như trở bàn tay. Tên H. vừa quật hai hầm bí mật, bắt bốn chiến sĩ ta. Trần Xuân Tịnh biết H. cứ bốn giờ chiều vượt làng tẩu thoát. Rủi cho tên này hay lén đi một mình. Anh Tịnh cùng Tranh giả người giữ trâu đứng đón đường. H. vừa ra đến điểm trống, Tịnh cho trâu phóng qua trước mặt hắn ào ào, bụi cát tung mù mịt. Lợi dụng tình thế ấy, Trần Xuân Tịnh ném cát vào mặt H., H. đang lúng túng tìm cách mở mắt thì Tịnh và Tranh đã kịp thời khóa tay hắn dẫn đi.

Hồ Ngọc Ba cũng đã bắt C.V.B bất thình lình như vậy. B. là trưởng ban an ninh quận Phú Lộc. Bấy giờ ranh giới giữa Phú Vang và Phú Lộc hay bị địch phục kích. Ba muốn bắt B. để khai thác âm mưu của chúng. Vừa được tin cơ sở báo chiều ngày hai chín B. sẽ về thăm bồ nhí ở Vinh Hà. Muốn đến Vinh Hà, B phải qua đò Truồi. Ba, Cát, Tranh giả làm người đi đánh cá. Đò Truồi sắp tới nơi, Ba ra hiệu cho lái đò dừng để các anh thu lưới đã. Đò vừa dừng, Ba nhảy ngay lên bắt cóc B.! Về căn cứ, B. khai ba tên chỉ điểm. Ba tên chỉ điểm bị bắt và xử lý. Từ đấy các vụ phục kích giữa đường biên Phú Lộc, Phú Vang không còn nữa.

Những kỷ niệm cứ trở về thầm thì trong đêm. Nhớ tới địa danh nào là địa danh ấy sống lại, từng lá cây ngọn cỏ. Tôi chợt hiểu tại sao những người già thường gắn bó với đất đai. Trong ngôn ngữ tư duy của họ thường bắt đầu bằng hai chữ tưởng như vô nghĩa: "Ngày ấy...". Người hiểu được, nghe được âm vang của cái chữ "Ngày ấy..." hầu hết là những người đồng thời, có cùng một cung bậc tâm trạng.

Nói với lớp trẻ vào cái "ngày ấy..." đó, không dễ gì họ cảm nhận được. Cũng như họ khó hiểu tại sao mãi tận năm 1966 - 1967 lúc ấy ta mới áp sát tấn công vào thành phố mạnh mẽ. Một cô gái đi ở, làm thuê cho một quán ăn tại bến xe An Cựu bây giờ, cô Trần Thị Lý, dám cài mìn vào xe Zép của tên cố vấn Mỹ, xe chạy về đến cơ quan an ninh, mìn nổ, người và xe tan tành. Nhìn Nguyễn Thị Mua bây giờ, họ không thể nào tin được người phụ nữ ngờ nghệch ấy, chậm chạp và ngơ ngác chừng kia, dám cặp kè với một sĩ quan ngụy, ban phát trái ngọt cho khách xung quanh, dưới đáy xắc lại có quả mìn cực mạnh cô đưa vào đặt trong rạp chiếu bóng Tân Tân, nơi mấy trăm sĩ quan ngụy đang tổ chức "Mừng chiến thắng Lam Sơn". Mìn nổ, dập tắt hẳn một cuộc tuyên truyền xuyên tạc. Chưa hết, Mua còn táo bạo đem mìn đặt ngay trụ sở cảnh sát đặc biệt của Ngụy tại 42 Duy Tân. Bị phát giác, Mua bị bắt. Tra tấn đủ cực hình, cả bắt rắn bỏ vào quần, người con gái ấy vẫn cắn răng chịu đựng tất cả, phản cung tất cả. Tòa án binh của ngụy không kết tội được Mua, phải thả cô ra. Họ không thể tưởng được rằng tên tuổi của Mua đã một thời là niềm kiêu hãnh của thành phố Huế này.

Gặp Trần Phong giữa thành phố hôm nay, nếu không được giới thiệu đó là anh hùng lực lượng vũ trang thời đánh Mỹ, ở anh chỉ toát lên dáng vẻ một lão nông khù khờ. Vâng, con người "khù khờ" ấy đã từng suốt ngày ngâm mình dưới nước sình lầy, ban đêm vào dân len lỏi móc mối cơ sở xây dựng phong trào. Có lúc nằm hầm bốn năm tháng trường đói cơm, rách áo, mắt mờ kiệt sức để chuẩn bị lối vào, đường ra an toàn cho đơn vị đặc công mang bí danh chị Thừa Hai vào đánh giặc tại khách sạn Hương Giang, nơi được gọi bằng cái tên: câu lạc bộ sĩ quan Mỹ. Chúng đang đú đởn nhảy múa thì thủ pháo nổ xé trời, diệt hàng trăm sĩ quan Mỹ. Bẻ gãy trận càn chúng đang chuẩn bị tấn công lên phía Tây thành phố.

Tôi hỏi Trần Phong:

- Nay đã về hưu rồi, có điều gì day dứt trong anh không?

Trần Phong đáp:

- Có chứ. Chúng tôi được tặng danh hiệu này, danh hiệu kia, lên cấp này chức nọ, rùm beng lắm. Song người nuôi nấng chúng tôi, lo đậy hầm, bới xách cho chúng tôi từng miếng, tạo điều kiện cho chúng tôi lập nên chiến công thì lại rất lặng lẽ, âm thầm. Nhiều khi họ chấp nhận hy sinh cả tính mạng mình cho cách mạng, không hề tính toán mảy may. Nhiều chiến sĩ an ninh đã hy sinh, đến nay, những gia đình cơ sở ấy không có ai xác định công lao cho mình, vẫn cứ sống âm thầm chịu đựng như người đứng ngoài cuộc. Nhẫn tâm lắm phải không anh? Tôi rất ân hận nhưng không biết làm thế nào bây giờ.

Trần Phong thở dài.

Nghe tiếng thở dài não ruột ấy, tôi bỗng nhớ Cường và Luận. Hai anh vừa đi xây dựng cơ sở về, sao mai đã mọc ngang đầu. không thể về kịp nơi đặt hầm bí mật của mình. Rẽ vào mấy nhà cơ sở. Nhà nào cũng trống huếch, trống hoác, không thể ở được. Hai anh quyết định vào nhà ông Đoan: "Trời sáng rồi. Quay lui, quay tới đều lỡ cả. Có cách nào đó cho chúng tôi trốn ở đây". Nhà ông Đoan cạnh đường đi. Phía sau là ruộng. Im lặng hồi lâu, ông nói: "Chỉ có thửa ruộng chưa cắt. Hai chú vô đó nằm chắc được". Đường cùng, phải nhận lời. Dẫn ra ruộng cách nhà hơn trăm mét, bố trí ẩn nấp xong, ông bảo: "Hai chú chịu nhịn đói ngày hôm ni. Không thể tiếp tế chi được đâu". Cường, Luận gật đầu, chấp nhận tình huống. Có chỗ nương thân qua ngày là may lắm rồi. Không ngờ mới mờ sáng, ông Đoan ho ngoài bờ ruộng. Cường lo quá, không hiểu tín hiệu ấy là gì. Anh bò ra, ông Đoan đưa cho anh gói bánh quy và bình nước: "Ráng chịu đựng nghe hai chú". Vậy đã là quý. Ai dè, chừng mười giờ, có tiếng bà Đoan ngoài bờ. Cường lại bò ra. Bà Đoan cắp chậu quần áo mang ra hói giặt. Thấy Cường, bà đặt chậu, lật quần áo lên, đưa cho anh mo xôi, một con vịt luộc và bình tông nước.

Lòng dân là như thế. Chỉ cần thằng địch phát hiện che giấu, tiếp tế cho cách mạng lập tức cả nhà tan hoang. Có người đào hầm bí mật nuôi cán bộ trong nhà. Coi như đó là cái án tử hình treo lủng lẳng trên đầu rồi còn gì. Trần Phong lo không đáp công, trả nghĩa hết cho nhân dân là phải. Cách mạng làm nên sự nghiệp hôm nay, công đầu phải thuộc về nhân dân. Cách mạng phải cám ơn nhân dân. Bởi vì không có nhân dân, người tài ba đến mấy, sự nghiệp không thể mơ màng đạt tới chói lọi vinh quang.

Những người chiến sĩ kiên cường kia là ai? Không là ai khác, đó là những đứa con nhân dân đứt ruột đẻ ra, nuôi dưỡng trưởng thành và hiến dâng máu xương ấy cho cách mạng. Những giọt máu trong giờ phút nan nguy của họ tô cho ngọn cờ thêm thắm tươi.

Trần Xuân Ngạn bị thương gẫy chân. Anh chiến đấu đến viên đạn cuối cùng. Tháo từng bộ phận hai khẩu súng trên tay, quăng vung vãi mỗi nơi mỗi mảnh để vũ khí khỏi rơi vào tay kẻ thù. Còn quả lựu đạn cuối cùng anh tháo chốt an toàn, ngồi đè lên mỏ vịt. Hai tên lính xốc tới bắt sống anh. Anh dùng hết sức trì lại để chúng không thể kéo anh lên nổi, chúng gọi thêm hai tên nữa vào hè nhau khiêng anh đi. Lúc ấy, thời cơ diệt thêm được hai tên địch nữa, anh mới chịu nhổm đít lên. Quả lựu đạn bùng nổ. Ngạn hy sinh. Cả bốn tên địch cũng chết theo. Bà con Nam Dương vừa nhặt từng nhúm thịt của anh đặt vào quan tài vừa khóc. Khóc thương anh và tự hào về anh.

Hồ Văn Ba, người chiến sĩ an ninh cao giá nhất trong cuộc đặt cược của kẻ thù. Ai bắt được anh, được thưởng 2.500.000 đồng, cắt được đầu anh, được thưởng 2.000.000 đồng. Ở một trận chiến đấu không cân sức, anh hy sinh khi trong tay không còn một viên đạn. Bọn địch đã thòng dây vào xác Hồ Vân Ba, buộc vào sau xe, kéo đi suốt ba xã Phú Đa, Vinh Thái, Vinh Hà. Nhưng ý chí anh sống mãi với đất đai.

Đến mảnh đất chót mũi phía nam Phú Vang bao giờ tôi cũng nhớ anh đầu tiên. Quên sao được, vào ấp vận động quần chúng tới quá nửa đêm, nghe cơ sở báo một đại đội lính ngụy sắp vượt phá cần vào Vinh Hà. Anh lập tức chạy bộ cả chục cây số, đến mai phục trước. Mờ sáng chúng đã mò đến nơi. Để chúng tiến sát thật gần, anh vừa bắn, vừa ném lựu đạn, đánh gẫy đợt tấn công lần đầu. Một mình anh chạy quanh địa hình mai phục, chỗ này bắn một tràng đạn, chỗ kia nổ súng áp đảo. Rồi anh hô: "Toán đại đội xung phong". Địch tưởng ta đông, lên thuyền máy rút quân. Hồ Văn Ba thủng thẳng ra lượm súng chiến lợi phẩm, vừa khoác từng khẩu súng lên vai, vừa tủm tỉm cười một mình.

Tôi cũng không quên Tôn Thất Cảnh. Ông là nhân viên Bưu điện Huế. Bị địch nghi có lòng yêu nước. Bị thải hồi, ông tiếp tục hoạt động cách mạng và trở thành chiến sĩ an ninh. Ba người con trai ông lần lượt hy sinh cho cách mạng. Trong một chuyến đi công tác, ông bị địch bắt ở Hạ Lang. Chúng đánh ông, máu rỉ rỉ chảy đầy người, không moi ở ông được một tin tức, chúng lôi ông ra phơi nắng, cho ruồi bâu và kiến cắn từng vết thương của ông. Tôn Thất Cảnh không chịu khuất phục. Ông vạch dần tội ác của chúng, và chửi không tiếc lời bọn bán nước cầu vinh. Uất ức vì những nguyền rủa sâu cay ấy, chúng đã bắn ông tại chỗ.

Bằng khen của Bác Hồ tặng ông Tôn Thất Cảnh và Chiếc áo bông của Bác Hồ tặng Ban Điệp báo TP Huế trong kháng chiến chống Pháp - Ảnh: Phan Tử Long



Nghe tin Tôn Thất Cảnh chết, Hồ Chủ tịch tiếc thương và cảm phục, viết tặng ông tám chữ vàng: "MỘT NHÀ TRUNG NGHĨA, MUÔN THUỞ THƠM DANH".

Trong báo cáo của Công an thành phố Huế, có những con số làm tôi bàng hoàng: "Sau hiệp định Giơ-ne-vơ, tổ công tác an ninh thành phố chỉ có 8 người. Quân số cao nhất vào đầu năm 1968 khoảng trên 500 người. Trong suốt quá trình chiến đấu từ 54 đến 75 tổn thất hy sinh của an ninh thành phố là hết sức to lớn và cao cả? Có đến 70 phần trăm cán bộ chiến sĩ hy sinh và bị thương (chưa kể số cơ sở của an ninh hy sinh và bị thương trong khi làm nhiệm vụ)".

Có lúc lực lượng an ninh thành phố Huế chỉ còn 2 người. Trước những con số này, chỉ những kẻ không có lương tri mới không suy ngẫm.

Cùng với nhân dân và bộ đội, biết bao máu các anh đã thấm trên đất đai này. Lời thề: "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh" của các anh còn đó, nhưng thân xác các anh đã tan vào đất đai. Linh hồn trong sáng, diệu kỳ của các anh đã nhập vào sông núi. Đã hóa thành một phần của núi sông. Đất đai này trường tồn mãi mãi. Tinh thần các anh đã thành một phần đất đai ấy, cũng sẽ mãi mãi trường tồn...

Đêm đêm trên miền thành quách điện đài trầm lắng này, trên đôi bờ sông Hương tĩnh lặng này, vẫn trong đêm những ngôi sao lấp lánh muôn thuở kia, tôi cứ nghe âm vang trong đất về một thời đã qua, tưởng hình ảnh mỗi con người, mỗi thước đất quê hương cũng lấp lánh âm thầm trong ký ức tôi như những ngôi sao trời tỏa sáng đêm đêm.

Một nhà thơ nước ngoài nói rằng: "Kẻ nào bắn vào quá khứ bằng súng lục, thì tương lai sẽ bắn vào hắn bằng đại bác". Tôi hiểu câu đó: Kẻ nào phụ bạc quá khứ, thì chính kẻ đó sẽ bị tương lai lãng quên như lãng quên một dấu bụi mờ.

Tôi nói thế, không phải đêm đêm tôi nhớ tới các anh để mai này cháu con sẽ nhớ đến tôi đâu. Mà tôi nhớ đến các anh chỉ là biểu hiện của đạo lý Việt Nam. Đạo lý "uống nước nhớ nguồn".

"Cứ đi, cứ đi, có lắm âm thanh mới lạ", cuộc hành trình vào âm thanh của đất, tôi đã tự hái lượm được cho mình được một điều rất đáng mừng rằng: mình đã không là kẻ vô ơn, mình cảm thấy được sống ngày hôm nay đây hạnh phúc biết nhường nào. Những rác rưởi vương vãi ở đời không thể làm mình bận lòng. Bởi nửa thế kỷ qua là nửa thế kỷ đẹp đẽ và hùng tráng biết bao.

N.Q.H
(TCSH78/08-1995)

 

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • BỬU Ý

    Hàn Mặc Tử (Nguyễn Trọng Trí) từng sống mấy năm ở Huế khi còn rất trẻ: từ 1928 đến 1930. Đó là hai năm học cuối cùng cấp tiểu học ở nội trú tại trường Pellerin (còn gọi là trường Bình Linh, thành lập năm 1904, do các sư huynh dòng La San điều hành), trường ở rất gần nhà ga tàu lửa Huế. Thời gian này, cậu học trò 17, 18 tuổi chăm lo học hành, ở trong trường, sinh hoạt trong tầm kiểm soát nghiêm ngặt của các sư huynh.

  • LÊ QUANG KẾT
                   

    Giai điệu và lời hát đưa tôi về ngày tháng cũ - dấu chân một thuở “phượng hồng”: “Đường về Thành nội chiều sương mây bay/ Em đến quê anh đã bao ngày/ Đường về Thành nội chiều sương nắng mới ơ ơ ơ/ Hoa nở hương nồng bay khắp trời/ Em đi vô Thành nội nghe rộn lòng yêu thương/ Anh qua bao cánh rừng núi đồi về sông Hương/ Về quê mình lòng mừng vui không nói nên lời…” (Nguyễn Phước Quỳnh Đệ).

  • VŨ THU TRANG

    Đến nay, có thể nói trong các thi sĩ tiền chiến, tác giả “Lỡ bước sang ngang” là nhà thơ sải bước chân rong ruổi khắp chân trời góc bể nhất, mang tâm trạng u hoài đa cảm của kẻ lưu lạc.

  • TRẦN PHƯƠNG TRÀ

    Đầu năm 1942, cuốn “Thi nhân Việt Nam 1932-1941” của Hoài Thanh - Hoài Chân ra đời đánh dấu một sự kiện đặc biệt của phong trào Thơ mới. Đến nay, cuốn sách xuất bản đúng 70 năm. Cũng trong thời gian này, ngày 4.2-2012, tại Hà Nội, Xuân Tâm nhà thơ cuối cùng trong “Thi nhân Việt Nam” đã từ giã cõi đời ở tuổi 97.

  • HUYỀN TÔN NỮ HUỆ - TÂM
                                      Đoản văn

    Về Huế, tôi và cô bạn ngày xưa sau ba tám năm gặp lại, rủ nhau ăn những món đặc sản Huế. Lần này, y như những bợm nhậu, hai đứa quyết không no nê thì không về!

  • LƯƠNG AN - NGUYỄN TRỌNG HUẤN - LÊ ĐÌNH THỤY - HUỲNH HỮU TUỆ

  • BÙI KIM CHI

    Nghe tin Đồng Khánh tổ chức kỷ niệm 95 năm ngày thành lập trường, tôi bồi hồi xúc động đến rơi nước mắt... Con đường Lê Lợi - con đường áo lụa, con đường tình của tuổi học trò đang vờn quanh tôi.

  • KIM THOA

    Sao anh không về chơi Thôn Vỹ
    Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên        
          
                       (Hàn Mạc Tử)

  • NGUYỄN VĂN UÔNG

    Hôm nay có một người du khách
    Ở Ngự Viên mà nhớ Ngự Viên         
     

    (Xóm Ngự Viên - Nguyễn Bính)

  • HOÀNG THỊ NHƯ HUY

    Tôi biết Vân Cù từ tấm bé qua bóng hình người đàn bà gầy đen, gánh đôi quang gánh trĩu nặng trên vai, rảo khắp các xóm nhỏ ở Thành Nội, với giọng rao kéo dài: “Bún…bún…ún!” mà mẹ đã bao lần gọi mua những con bún trắng dẻo mềm.

  • LÊ QUANG KẾT                
                      Tùy bút

    Hình như văn chương viết về quê hương bao giờ cũng nặng lòng và giàu cảm xúc - dù rằng người viết chưa hẳn là tác giả ưu tú.

  • TỪ SƠN… Huế đã nuôi trọn thời ấu thơ và một phần tuổi niên thiếu của tôi. Từ nơi đây , cách mạng đã đưa tôi đi khắp mọi miền của đất nước. Hà Nội, chiến khu Việt Bắc, dọc Trường Sơn rồi chiến trường Nam Bộ. Năm tháng qua đi.. Huế bao giờ cũng là bình minh, là kỷ niệm trong sáng của đời tôi.

  • LÊ QUANG KẾT

    Quê tôi có con sông nhỏ hiền hòa nằm phía bắc thành phố - sông Bồ. Người sông Bồ lâu nay tự nhủ lòng điều giản dị: Bồ giang chỉ là phụ lưu của Hương giang - dòng sông lớn của tao nhân mặc khách và thi ca nhạc họa; hình như thế làm sông Bồ dường như càng bé và dung dị hơn bên cạnh dòng Hương huyền thoại ngạt ngào trong tâm tưởng của bao người.

  • HUY PHƯƠNG

    Nỗi niềm chi rứa Huế ơi
    Mà mưa trắng đất, trắng trời Thừa Thiên         
                          
                                              (Tố Hữu)

  • PHAN THUẬN AN

    Huế là thành phố của những dòng sông. Trong phạm vi của thành phố thơ mộng này, đi đến bất cứ đâu, đứng ở bất kỳ chỗ nào, người ta cũng thấy sông, thấy nước. Nước là huyết mạch của cuộc sống con người. Sông là cội nguồn của sự phát triển văn hoá. Với sông với nước của mình, Huế đã phát triển theo nguyên tắc địa lý thông thường như bao thành phố xưa nay trên thế giới.

  • MAI KIM NGỌC

    Tôi về thăm Huế sau hơn ba thập niên xa cách.Thật vậy, tôi xa Huế không những từ 75, mà từ còn trước nữa. Tốt nghiệp trung học, tôi vào Sài Gòn học tiếp đại học và không trở về, cho đến năm nay.

  • HOÀNG HUẾ

    …Trong lòng chúng tôi, Huế muôn đời vẫn vĩnh viễn đẹp, vĩnh viễn thơ. Hơn nữa, Huế còn là mảnh đất của tổ tiên, mảnh đất của trái tim chúng tôi…

  • QUẾ HƯƠNG

    Năm tháng trước, về thăm Huế sau cơn đại hồng thủy, Huế ngập trong bùn và mùi xú uế. Lũ đã rút. Còn lại... dòng-sông-nước-mắt! Người ta tổng kết những thiệt hại hữu hình ước tính phải mươi năm sau bộ mặt kinh tế Thừa Thiên - Huế mới trở lại như ngày trước lũ. Còn nỗi đau vô hình... mãi mãi trĩu nặng trái tim Huế đa cảm.

  • THU TRANG

    Độ hai ba năm thôi, tôi không ghé về Huế, đầu năm 1999 này mới có dịp trở lại, thật tôi đã có cảm tưởng là có khá nhiều đổi mới.

  • TUỆ GIẢI NGUYỄN MẠNH QUÝ

    Có lẽ bởi một nỗi nhớ về Huế, nhớ về cội nguồn - nơi mình đã được sinh ra và được nuôi dưỡng trong những tháng năm dài khốn khó của đất nước, lại được nuôi dưỡng trong điều kiện thiên nhiên vô cùng khắc nghiệt. Khi đã mưa thì mưa cho đến thúi trời thúi đất: “Nỗi niềm chi rứa Huế ơi/ Mà mưa xối xả trắng trời Trị Thiên…” (Tố Hữu). Và khi đã nắng thì nắng cho nẻ đầu, nẻ óc, nắng cho đến khi gió Lào nổi lên thổi cháy khô trời thì mới thôi.