Đêm của bướm

08:52 24/07/2009
LÊ TRÂMNgồi với tôi và Kh là một đôi nam nữ còn khá trẻ. Chàng thanh niên, theo lời gã, vừa mới về từ Thái Lan sau khi trúng một hợp đồng béo bở. Gã là đại diện của một công ty xuất nhập khẩu nổi tiếng ở bên ấy.

Minh họa: Đặng Mậu Tựu

“Bay về hồi trưa, mới lên đây khi chiều”, gã nói mà chẳng nhìn ai. Nghĩa là đi theo một lộ trình đã sắp xếp sẵn. Bà Nà đã được gã chọn ngay từ khi còn bên đất Thái? Hay vì cô gái đang ngồi bên cạnh gã? Tôi, và cả Kh chẳng thể nào đoán được nàng đến từ đâu. Từ một công ty nào đó dưới thành phố? Hay Sài gòn, Hà Nội? Hay một cô gái con nhà giàu mải vui quên mất đường về nhà? Có khi họ là một đôi uyên ương đang hưởng tuần trăng mật. Hay, trần trụi hơn, chỉ là gái bao của gã kia? Chịu, không thể nào hiểu nổi. Giữa bao nhiêu sự biến có thể xảy ra bất kỳ lúc nào của một xã hội, gì nhỉ, năng động hay biến động, người ta khó mà đoán định cho ra một con người thoáng gặp trên đường. Cũng như tôi và Kh lúc này đây, tự dưng lại ngồi chung bàn cùng họ. Có thể cả bốn rồi sẽ chia tay nhau trong đêm nay và sẽ chẳng bao giờ nhớ đã từng có một lần ngồi với nhau như thế này. Thật đơn giản. Có khi đó lại là điều tất yếu. Tôi đã từng ngồi chung với bao nhiêu người lạ khác? Làm sao mà nhớ cho hết được. Thì bận tâm làm gì? Chỉ thấy rằng, lúc này đây, nàng rất ít nói, chỉ hơi mỉm cười khi không thể không bộc lộ một cảm xúc rồi lại lặng lẽ cắn hạt hướng dương, chăm chỉ như một chú chim sâu. Nàng ngồi với vẻ kiêu hãnh, cái kiểu kiêu hãnh dành cho một thứ nhan sắc hiếm gặp. Váy bó, áo rộng cổ, khăn quàng. Tất cả cùng một màu đen tuyền càng làm nổi bật màu da trắng hồng của nàng. Mỗi khi ngọn lửa bùng lên, hai sắc màu đen trắng phối thành một gam màu rực rỡ. Cái kiểu rực rỡ không thể có được từ hai màu nền đen và trắng. Tôi hơi ngạc nhiên khi phát hiện ra điều ấy. Có lẽ nó toát ra từ vẻ đẹp của nàng thì đúng hơn. Thỉnh thoảng nàng cũng uống một ngụm rượu, giống kiểu uống của một madam nào đó thường hay thấy trên màn ảnh. Có lúc cái khăn quàng cổ của nàng tuột xuống, để lộ một khoảng ngực trắng ngần. Tôi và Kh không thể không nhìn vào cái khoảng trắng quyến rũ ấy. Gã trai hình như thấy hết nhưng chỉ nhếch môi rồi tợp một ngụm rượu, lại thả ánh mắt vào đám đông đang ồn ào phía đám lửa. Cái màu vàng sẫm sóng sánh trong tay gã cơ chừng có thể tuột khỏi tay gã bất kỳ lúc nào. Tôi đọc được trong mắt gã: “Coi cũng được đấy chứ?” Tôi giấu vội ánh mắt của mình đi rồi chửi thầm: “Chết tiệt cái đôi tình nhân quái quỷ này!” Nhưng giá như không có nàng thì sao? Cả ba chúng tôi rồi cũng giống như ba gã bợm rượu đang ngất ngưởng ngồi cụng ly với nhau trong một cái quán ồn ào nào đó dưới phía biển kia thôi. Sẽ tha hồ uống. Sẽ văng tục. Có thể có cả đánh nhau. Ai mà biết được. Có nàng, mọi chuyện hình như đằm lại và trở nên hợp lý. Một sự hợp lý nghe có vẻ điên rồ nhưng chấp nhận được. Còn họ, họ đang nghĩ gì? Tự dưng đang nồng ấm lại có hai gã ấm ớ đến ngồi cùng bàn một cách hết sức vô duyên. Nhưng ánh mắt của họ lại hiện lên vẻ thích thú. Chính vì ánh mắt ấy hai chúng tôi mới ngồi lại cùng họ. Một vài câu chào hỏi xã giao vừa đủ với nhau. Rồi uống. Lặng lẽ.

Ngoài sân, ngọn lửa bập bùng cháy bắn ra những đốm đỏ như pháo hoa. Một gã đàn ông nước ngoài bốc lửa trong điệu rock với cô gái nhỏ bé đi cùng. Rồi từng đôi, từng đôi nhập vào ánh lửa, rạo rực trong tiếng nhạc. Nhạc và lửa xua tan cái lạnh giá của cao độ 1482 mét so với mặt nước biển. Nhạc chuyển. Gã đàn ông hích vai cô gái: “Mình nhảy đi em!” Cô nàng gửi cho gã cái nhìn âu yếm rồi lắc đầu. Gã nhăn mặt: “Em sao vậy?” Nàng trả lời uể oải: “Em mệt. Nhìn họ nhảy, thích hơn”. Nàng nói giống hệt tôi, nhìn họ nhảy quả thích thật. Vừa hồn nhiên vừa cuồng nhiệt. Nhập vào đấy liệu có còn cảm giác ấy không? Gã đàn ông không nói gì thêm, chỉ đưa cao ly hướng về phía chúng tôi, mời: “Nào, hai ông bạn, mình uống!” Cả ba cụng ly. Uống. Và cười. Vô cớ. Còn nàng, madam - đẹp - quyến - rũ vẫn đăm đắm nhìn vào đám lửa. Giá mà biết được nàng đang nghĩ gì! Tự dưng trong tôi lại nảy ra ý tưởng chiếm lĩnh nàng. Quả thật là điên!

Tôi nhận ra nàng khi chiều, lúc tham quan những ngôi biệt thự cũ. Cái dấu tích của những ngôi biệt thự cổ ngự trên các quả đồi nhấp nhô giữa thung lũng Hoa Đỗ Quyên này cứ ám ảnh trong tôi về một quá khứ phù hoa nào đó vừa xa xôi vừa gần gụi. Người Pháp quả thật sớm biết khai thác và hưởng thụ những gì tốt đẹp chiếm đoạt được. Sau cuộc khảo sát của đại úy Debay tháng tư năm 1901, những biệt thự của các công chức và thương gia người Pháp lần lượt mọc lên. Cả một khu nghỉ mát khép kín có làm cho họ tìm thấy sự mát mẻ và không khí hoa lệ, những thứ họ đã bỏ lại phía quê nhà để lao theo những cám dỗ tận xứ sở xa lăng lắc này?

Chúng tôi đi qua các biệt thự đã đổ nát. Dấu vết còn lại rất ít. Vài bức tường đá rêu phong, lò sưởi, những ống khói. Cái bể tắm cũ kỹ, cả cái vòi nước hoen rỉ.... Có ai đó nguệch ngoạc lên tường hai câu thơ của Bà huyện Thanh Quan (Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo/ Nền cũ lâu đài bóng tịch dương). Hai câu thơ buồn như buổi chiều tà đang đậu trên những vòm cây. Khi bước qua chiếc cầu nhỏ dẫn đến ngôi biệt thự của người bác sĩ của gần trăm năm trước, tôi nhìn thấy nàng. Chẳng khác mấy so với nàng đang đối diện tôi lúc này. Váy đen, áo trễ cổ và phu la đen. Đẹp và buồn. Nàng thoáng thấy tôi đang nhìn và mắt nàng cụp xuống rất nhanh tỏ vẻ bối rối. Hình như nàng chỉ đi một mình. Ý định làm quen ở tôi biến mất khi nàng vấp phải một hòn sỏi và ngã vào một người đàn ông. Chính là gã. Gã mặc quần jean, áo pull, khoác bên ngoài chiếc áo da cá sấu. Toàn bộ người gã toát lên vẻ gì đó rất đàn ông. Rừng rực sức sống. Tôi suýt bật cười khi nghĩ đến mấy cái linga/ sinh thực khí vừa chiêm ngưỡng được ở khu đền tháp Mỹ Sơn. Trông gã khá giống một cái linga! Khi nàng bíu vào tay gã, cả hai trở thành một cặp diễn viên hài hòa chẳng khác gì trong phim diễm tình Hàn Quốc. Mọi thứ hình như không qua được mắt Kh. Hắn nhìn tôi cười khẩy rồi hất mặt về phía đôi trai gái. Tôi nhún vai lắc đầu và bỏ đi. Vượt qua một vườn lan. Sỏi dưới chân lạo xạo. Hoa đào chuông rực rỡ khắp nơi. Từ trang web tôi biết thêm rằng cây đào chuông chỉ có nhiều ở đây. Sắc hoa thắm tùy theo độ cao. Ở đỉnh núi, hoa đỏ tươi. Càng xuống thấp, màu sắc nhạt dần, đến đất bằng hoa chỉ còn màu trắng. Sau này đọc KHÊ MAMA của Thái Bá Lợi tôi cũng thấy thế, biết thêm rằng đào chuông vốn là hoa rừng được thuần giống và trồng khá nhiều ở đây tạo nên sự độc đáo cho khu nghỉ mát ngày càng biến dạng này. Chí ít là đang biến dạng khác xa với ý tưởng lãng mạn có thừa của viên sĩ quan Pháp ngày nào. Chúng tôi gặp lại nàng khi nàng đang đọc tấm bảng giới thiệu về một ngôi mộ nhỏ nằm khuất sau khu biệt thự của một viên bác sĩ người Pháp. Đó là đứa con riêng của viên bác sĩ và cô hầu gái người bản xứ. Kết quả của một chút duyên tình không biên giới (mà không biết có phải là tình duyên không) giờ đây chỉ là ngôi mộ đất nhỏ bé nằm khiêm tốn sau những dấu vết một thời rực rỡ không khỏi khiến người ta mủi lòng. Tôi thấy nàng chớp mắt. Hình như nàng có vẻ xúc động hơn những người xung quanh. Rồi tôi thấy nàng nắm tay gã trai kéo đi như thể nếu ở lại thêm chút nữa nàng sẽ khóc mất. Gã đàn ông thì khác. Dửng dưng không bộc lộ tí cảm xúc nào. Đúng lúc ấy, từ phía vũng Thùng cuốn lên một cơn lốc xoáy. Lá và bụi bay tung lên. Mù mịt. Tôi và Kh ôm lấy mặt rồi ngồi thụp xuống tránh gió và rét. Rét đến thấu xương. Lúc mở mắt ra nàng đã biến mất. Hệt như ma. Chỉ còn trơ lại hai đứa tôi bên ngôi mộ hiu quạnh...

Nàng bảo nàng tên Châu Ê. Nàng nói kèm theo ánh mắt nhìn rất lạ. Nửa xa vắng nửa u uẩn. Cái tên gợi nhớ một cuộc hôn nhân đã xa cho một lần mở rộng bờ cõi. Liệu có liên hệ gì giữa tên nàng và hai châu Ô và Rí không nhỉ?... Mượn màu son phấn đền nợ... Châu Ê đang ngồi kia có mượn màu son phấn đền nợ ai không? Tôi bỏ luôn chút lịch sự tối thiểu, nhìn thẳng vào mặt nàng, cố tìm một nét nào đó khả dĩ đi đến một câu trả lời dù còn mơ hồ. Chẳng thể. Chỉ thấy lặp đi lặp lại cái điệp khúc mơ hồ. Đẹp và buồn. Đẹp và buồn. Đẹp và…

Kh hích vào vai tôi, hỏi nhỏ: “Mày sao vậy?” Tôi không trả lời, hỏi lại hắn: “Mày trông nàng thế nào?” Kh nhún vai lắc đầu: “Còn mày?” “Đẹp nhưng buồn quá” Kh gật đầu: “Tao thấy có điều gì đó không ổn. Cứ như bông hoa lài...” Kh định nói tiếp nhưng lại thôi. Ngồi im một lúc, tôi quay sang hỏi nàng: “Bao giờ em về?” Nàng nhoẻn miệng cười: “Sáng mai”. “Mai à”, tôi buột miệng. Tự dưng có cảm giác sắp đánh mất điều gì rất hệ trọng. “Ngày mai Q bay rồi!” Q là tên của gã. Sao vội thế nhỉ? “Còn em?” Nàng lắc đầu: “Em cũng không biết nữa?” Câu trả lời giống một tiếng thở dài. Tôi bỗng muốn chạm vào tay nàng để chia sẻ. Nhưng bây giờ thì không thể. Có khi tan nát cả cuộc này mất.

Chúng tôi ngồi đến tận khuya lơ. Cuộc vui quanh đống lửa đã tan từ bao giờ. Ở đó chỉ còn lại những đốm lửa nhỏ sáng lập loè. Không ai nhìn rõ mặt ai. Q là người uống ngụm rượu cuối cùng. Rồi gã đứng lên, chìa tay: “Hẹn gặp lại!” Tôi nắm lấy tay gã. Cảm giác gai gai người. Tay gã mềm nhũn và lạnh lẽo. Cứ chực chuội ra khỏi tay tôi. Tôi lại chìa tay về phía Châu Ê. Nàng lắc đầu. Vẫn ánh mắt ấy, rất lạ. Một cuộc chia tay có nét gì đó giông giống cuộc đưa tiễn Vương Chiêu Quân! “Sáng mai gặp lại”, tôi đáp, như cố vớt vát điều gì. Chẳng thấy ai trả lời.

Tám giờ sáng, trời vẫn còn rất lạnh. Sương mù lãng đãng, luẩn quẩn như khói quyện. Chúng tôi rời khu nhà sàn tìm xuống phòng số 4 cạnh hầm rượu Debay. Đường đi ngập xác bướm. Xác bướm rờn rợn dưới chân. Hình như đêm qua có gió lớn khiến cho đám bướm va vào cây mới chết hàng loạt như thế. Cửa khoá im ỉm. Không chừng họ đã rời đi. Hay đang ngồi uống café dưới bar? “Có biết hai người thuê phòng này đang ở đâu không?”, Kh hỏi người phục vụ đang đi tới. Vẻ ngái ngủ của tay phục vụ vụt biến mất. Mặt gã biến sắc. Gã bảo: “Hai người nào? Tối qua chẳng có ai ở đây cả!” Tôi lạnh buốt sống lưng. Đêm qua họ còn ngồi với chúng tôi đến tận khuya cơ mà. Như sợ chúng tôi không tin, gã phục vụ mở cửa phòng. Gió đột ngột ùa vào. Những cánh bướm đen bay tung lên rồi rơi xuống lả tả. Lúc này tôi mới nhìn kỹ đám xác bướm. Toàn bướm ma.

Một người khách đã kể tôi nghe câu chuyện trên. Khá giống câu chuyện đọc được trên một trang web văn học quen thuộc. Vì không tin nên tôi cố ngồi lại cái bàn nước ấy đến tận gần sáng. Chẳng thấy gì ngoài những cánh bướm vật vờ trong đêm. Cũng chẳng thấy một nàng Châu Ê nào hiện lên.

L.T
(244/06-09)

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • 1.
    Ở xóm Bà Tàu, mỗi lần nhắc tới cái ác của Quản Ló thì ai nấy thảy đều tội nghiệp và cảm thông bà Tám Hội Đồng, má đẻ Quản Ló. Vì, “Sanh con ai nỡ sanh lòng/ Nuôi con ai chẳng vun trồng cho con” (Ca dao). Và, như lời người xưa: “Cha mẹ sanh con, trời sanh tánh”.

  • TRẦN THÚC HÀ  

    Ngọn núi Quảng Đại Sơn thuộc huyện Bồn Tân, tỉnh Hoàng Hải bên bờ biển phía tây nước Cao Ly. Núi không cao lắm, cách thành trì Ủng Tân một quãng ngắn. Trên đỉnh núi có tảng đá bằng mà rộng.

  • THU LOAN   

    Ông đã sống ở thị xã Cao nguyên những năm 80. Nhấp nhô những con dốc cao cao. Đường lổn nhổn sỏi đá. Đạp xe như cóc nhảy vì ổ gà.

  • NGUYỄN NGỌC LỢI   

    Nửa chiều đó Huế mưa. Tiết cuối thu nắng nhẹ, đẹp suốt dọc đường, vậy mà đến Huế, xe vừa dừng bánh thì mưa đổ xuống. Mưa quất rào rào, gió thốc hơi nước lọt qua khe cửa buôn buốt lạnh. Lái phụ từ phía đầu xe gọi khách xuống.

  • TRẦN BĂNG KHUÊ   

    1.
    “Tôi đảm bảo câu chuyện mà tôi sắp kể đây hoàn toàn bắt đầu bởi một giấc mơ. Một giấc mơ kỳ quặc, chúng là những bức tranh lạ lẫm không đầu không cuối, không hề có bất kỳ sự kết nối nào”.

  • LÊ ANH HOÀI    

    Hàm có mặt trong một đêm thơ của một câu lạc bộ mang tên “Vĩnh Cửu”. Bà cô của Dung làm chủ tịch câu lạc bộ này.

  • PHẠM NGỌC TÚY

    1.
    Tám mươi bảy tuổi, bà rên rỉ, chép miệng suốt ngày. Giọng nói còn tốt, đầu óc chưa lú lẫn, nếu không có cô cháu gái một hôm ghé xuống nhà thăm phát hiện ra bà đau nằm một chỗ, thỉnh thoảng hay lên về bới xách không biết sẽ còn chuyện gì xảy ra nữa?

  • DIỆU PHÚC

    Năm tôi lên bốn, chị đã lên mười. Người ta nói chị mãi là đứa trẻ bốn tuổi. Tôi không hiểu vì sao lại thế.

  • KIỀU BÍCH HẬU  

    1. Ngày cuối tuần, Andras bồn chồn đi đi lại lại trong căn hộ của mình trên tầng bốn toàn nhà cổ tại phố Bartok Bela.

  • MCAMMOND NGUYEN THI TU

    Cuộc sống là như bước chân lên một con thuyền mà nó chuẩn bị ra khơi và chìm
                                        (Shunryu Suzuki)

  • LTS: Bạn đọc đã từng quen biết Phạm Thị Hoài qua tập truyện "Mê lộ" và tiểu thuyết "Thiên sứ" (tác phẩm đã được dịch sang tiếng Pháp với tựa đề “La messagère de Cristal", do Phan Huy Đường dịch, Nxb Phụ nữ ở Paris phát hành. Nxb Turino (Ý) cũng dự định cho ra mắt tác phẩm này bằng tiếng Ý vào tháng 5 sắp tới, đồng thời Nxb Rowohl (Đức) cũng đã ký hợp đồng in 12 nghìn bản tiếng Đức.

  • TRẦN TRUNG CHÍNH

    Tám mươi lăm phần trăm dân thành phố chúng ta, chưa cần hỏi ý kiến về tình trạng vệ sinh thành phố, đều kêu rằng: "Thành phố rất bẩn".

  • TRẦN BẢO ĐỊNH

    1.
    Thấy sóng lắp liếm bờ chờ con  nước nhảy, lão Bảy nói:
    - Sớm mai, con ở nhà!
    - Ở nhà chi, tía?

     

  • TRU SA  
    Viết riêng cho một người  

    Đèn tắt là hết, chỉ còn đôi mắt tỉnh bơ cùng tiếng thở nhẹ. Đường ray vẫn đầy đá dăm, thứ vật lót giúp bánh tàu không đổ nhào.

  • NGUYỄN THẾ HÙNG    

    Anh Thuyên nhà bên xóm Bến sang xóm tôi cưới chị Linh. Chị Linh xinh, da trắng, tóc dài nên nhiều anh trong xóm tôi mê, vậy mà chị lại đi lấy người xóm Bến.

  • PHAN TRUNG HIẾU

    Cha con tôi trú trong một căn nhà tuyềnh toàng cạnh đường cái quan. Mái nhà tranh cũ kỹ, đen xỉn một gam màu lạnh giữa nhà nhà mái tôn, mái ngói, gạch ốp sáng choang. Cũng chả lấy thế làm buồn.

  • HẠ NGUYÊN

    Đêm thứ mười tám tôi mới lọt được vào căn nhà của em. Bấy giờ đang quá khuya và sự vắng ngắt như nhìn xói vào làm tôi kinh sợ. 

  • NGUYỄN THỊ ANH ĐÀO   

    21 giờ đêm, tôi rời khởi phòng làm việc sau một ngày. Từ tầng sáu của tòa nhà nhìn xuống, khu phố Loan bắt đầu lên đèn.

  • TRẦN THÚC HÀ     
           Tặng H.V.T   

    Cha ông, là một nhà tạc tượng có tiếng ở chốn Thăng Long. Năm 1397 dưới triều Trần Thiếu đế, Hồ Quý Ly cho xây thành Tây Đô, cha ông được mời đến khắc chạm nội thất trong điện tiền.

  • LÊ THỊ HOÀI NAM

    Mười một giờ! Mười một giờ ba mươi! Mười hai giờ! Thư vẫn chưa về. Hôm nay là ngày nghỉ của cô ấy? Trước đây, mấy khi anh để ý đến chuyện đi về của vợ nhưng mỗi lần về muộn, Thư đều báo trước. Bây giờ cô ấy đi đâu? Hay lại...