Đầy ắp nhân tình trong truyện ngắn Mường Mán

16:18 29/06/2009
NGUYỄN KHẮC PHÊ     (Đọc “Cạn chén tình” - Tuyển tập truyện ngắn Mường Mán, NXB Trẻ, 2003)Với gần 40 năm cầm bút, với hơn hai chục tác phẩm văn xuôi, thơ và kịch bản phim, nhà văn Mường Mán là một tên tuổi đã quen thuộc với bạn đọc, nhất là bạn đọc trẻ. Có lẽ vì ấn tượng của một loạt truyện dài mà ngay từ tên sách (Lá tương tư, Một chút mưa thơm, Bâng khuâng như bướm, Tuần trăng mê hoặc, Khóc nữa đi sớm mai v...v...) khiến nhiều người gọi ông là nhà văn của tuổi học trò, trên trang sách của ông chỉ là những “Mùa thu tóc rối, Chiều vàng hoa cúc...”.

Một người viết tạo được dấu ấn như thế (dù là với lứa tuổi nào) cũng đã là quý, nhưng đọc “Cạn chén tình”, chúng ta còn gặp một cây bút truyện ngắn đặc sắc, một “Mường-Mán-khác”.

Điều đặc biệt dễ thấy hơn cả là trong tuyển tập dày dặn gồm 48 truyện ngắn này có quá nửa là những truyện viết trước năm 1975, khi tác giả là phóng viên báo chí Sài Gòn ở chiến trường miền Trung. Lâu nay, không ít người, khi nói về thế hệ nhà văn ở miền Nam trong giai đoạn này thường chỉ lưu ý đến những cây bút “phản chiến” hoặc những kẻ “bồi bút chống cộng”; Mường Mán có con đường riêng của mình. Trên những trang văn của anh hầu như không có tiếng bom đạn, không miêu tả trận đánh nào, cũng không thấy những “cuộc đấu” quyết liệt về ý thức hệ, về chuyện thắng bại “địch - ta” mà đầy ắp nhân tình - tình yêu quê hương, trai gái, vợ con, bạn bè..., cả những tình yêu thoáng qua, những kẻ bạc tình và bao trùm lên tất cả là tình yêu thương của tác giả đối với những cuộc đời bất hạnh, những số phận trớ trêu.

Có thể có bạn đọc sẽ trách tác giả lảng tránh những “điểm nóng” của thời cuộc và hẳn rằng đó không phải là cách tốt nhất để nhà văn phản ánh cuộc sống sôi động mấy chục năm qua như nhiều người đòi hỏi. Nhưng một nhà văn được bạn đọc nhớ đến trước hết nhờ có cách thể hiện cuộc sống với bút pháp riêng, xây dựng được một thế giới nghệ thuật độc đáo giàu sức truyền cảm và gợi nghĩ đến những vấn đề sâu xa về lẽ sống ở đời, chứ không phải là viết về đề tài “nóng” hay “lạnh”, “lớn” hay “nhỏ”. Nhiều truyện ngắn trong “Cạn chén tình” đã tạo được hiệu quả nghệ thuật như thế. Cần nói thêm là tuy tác giả không trực tiếp viết về chiến tranh, nhưng những đảo lộn và dư âm của cuộc chiến khốc liệt để lại dấu ấn sâu sắc trong nhiều truyện ngắn. Và ngẫm cho cùng, quả bom hay viên đạn nổ bùng trong giây lát, nhưng hậu quả của nó, nỗi đau nó gây ra thì đeo đẳng con người ta suốt cả cuộc đời. Bà mẹ của Phan suốt ngày đêm, từ năm này sang năm khác, mỏi mòn tựa cửa đợi con về; cô em gái mỗi lúc quá buồn lại bịa chuyện mẹ chết để gọi một người bạn của Phan về cho có bóng dáng đàn ông trong nhà, nhưng bà mẹ nhất quyết không cho ai bước vào cửa, nếu không phải là Phan! Và thảm kịch đã xảy ra khi người yêu của cô em gái đặt chân lên thềm, bà mẹ đã túm đầu một bức tượng đập lên đầu chàng trai...(Truyện “Bi kịch”) Nhân vật không tên trong truyện “Người đàn ông hay cười” ba lần li hôn, không sao kiếm được việc làm chỉ vì cái tật hay cười, ngay cả trong đám tang và trước nỗi bất hạnh của người đời! Mãi rồi người ta mới hiểu người cựu chiến binh ấy vì “một miểng bom hay đạn gì đó nhỏ xíu kẹt lại trong hộp sọ không thể gắp ra... thỉnh thoảng gây những xung động trêu ngươi, buộc anh phải nở những nụ cười ngoài ý muốn!” Truyện “Bi kịch” viết từ năm 1972, truyện sau viết năm 1995; tác giả không nói rõ, nhưng độc giả nếu quen phân tích nhân vật theo kiểu “địch-ta” có thể nhận ra “người đàn ông hay cười” là một chiến sĩ cách mạng. Còn Phan? Anh lên “rừng” theo cách mạng, hay đi lính “cộng hoà”, hay chỉ vì thất vọng trước thời thế mà bỏ nhà phiêu bạt? Sự mơ hồ này có lẽ là chủ ý của tác giả và nhờ đó, truyện có ý nghiã khái quát hơn, có sức sống lâu hơn. Cũng vì thế, mảng truyện viết trước năm 1975 vẫn “liền mạch” với những truyện ngắn của tác giả viết trong những năm gần đây. Quả là bi kịch những người mẹ mất con - nói rộng hơn, nỗi đau “tan-hợp” thời nào cũng có. Hàng ngàn gia đình bất hạnh vì tai nạn giao thông, vì ma tuý trong những năm hoà bình vừa qua là điều ai cũng biết...

Tuy thế, Mường Mán không phải là cây bút “trung lập” hay “mất lập trường”. Chỉ một truyện ngắn “Những mùa trăng ca múa” viết năm 1972 với hình ảnh chiếc mũ cối bộ đội, với “o Dương” cùng những đồng chí du kích đánh Tây ở làng quê anh được miêu tả qua những trang văn thật đẹp và đậm đà tình nghiã đã thể hiện sự trân trọng của tác giả đối với những người đã hy sinh vì Tổ Quốc, thể hiện tình yêu da diết đối với quê hương. Giọng điệu Huế, hình ảnh Huế và làng Chuồn quê anh thấm đẫm trên rất nhiều trang sách. “... Tôi bỏ những đường phố lớn,lẩn lút trốn vào Đại Nội men theo chân thành cổ. Bóng chiều và niềm im lặng tuyệt vời thả trí tôi tận đáy hồ xanh. Trên mặt hồ xanh, tôi ngồi xuống, lòng thanh thản nhẹ tênh, cái mũ cối úp lên đùi. Cái mũ cối già nua bạc màu kỷ niệm. Tôi nhìn cái mũ và nhớ o Dương...Tôi im nghe tiếng hát o xưa lồng lộng vọng về. Tôi hát, hát say mê những tiếng hát đầu lòng xưa, mơ hồ thấy vầng trán quấn quýt tóc bay của o khẽ chạm tới vầng trăng vô hình nào đó...” (Tạp chí “Văn nghệ Quân đội” từng in lại truyện này với lời giới thiệu trân trọng của nhà văn Nguyễn Khải.) Trong truyện “Về giữa mùa hè” (viết năm 1973) in đầu cuốn sách với rất nhiều chi tiết, nhân vật chân thật như là một đoạn hồi ký thì tác giả đã dành những dòng thật xúc động khi viết về người Cha kính yêu của mình đã hy sinh trong cuộc kháng chiến lần thứ nhất...

Cho dù vậy, phần nhiều trong “Cạn chén tình” vẫn là những câu chuyện rất khó xác định đề tài, với những cảnh đời có thể gọi là “nhỏ bé”, những kỷ niệm nhẹ nhàng và nhiều khi như mơ hồ nữa. Nhưng có lẽ chính vì thế, nó gần gũi với người đọc, trang sách gấp lại, nhiều nhân vật vẫn vương vấn trong lòng độc giả. Có ai lại không xót xa, bâng khuâng trước số phận của Ngâu - cô gái 17 tuổi suốt ngày cô đơn trên tầng gác vì tai nạn giao thông tiện đứt một chân và cướp mất một mắt của cô, đêm đêm chờ đón “những que diêm hy vọng” loé lên ngoài tường thành xuất hiện cùng với hình bóng của một chàng trai và sau đó là những bức thư không địa chỉ; thật xót xa vì sứ giả lặng lẽ xuất hiện đêm đêm để an ủi Ngâu lại chính là anh trai cô! Anh đâu ngờ “trò chơi” anh bày ra để em đỡ cô độc chỉ có thể dẫn đến vô vọng khi cô gái không ngớt đòi xuống gặp chàng trai bên tường thành rồi mê sảng suốt đêm khiến anh phải tìm đến một vị linh mục xưng tội. Nhưng Chúa Trời hẳn cũng phải bó tay trước nỗi bất hạnh này!

Truyện ngắn Mường Mán vẫn nhiều mơ mộng và nhẹ nhàng nhưng thật sự có “sức nặng”. “Cạn chén tình” là một cuốn sách “nặng ký” về nhiều phương diện. Chỉ có điều “khó hiểu” là một cuốn sách đầy ắp nhân tình như thế, sao lại lấy tựa “Cạn chén tình”, dù đó là một truyện ngắn hay.

Trường An - Huế 12/2003
N.K.P
(179-180/01&02-04)

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • LÝ HẠNHAi trong đời chẳng đã một lần làm thơ. Dù làm thơ để giải trí hay sẻ chia thì những trang thơ ấy cũng là tiếng hát của trái tim, là nơi dừng chân của tâm hồn.

  • LTS: Có một chuyện ít người biết là các nhà văn Tô Hoài, Xuân Diệu, Huy Cận không nhớ ngày sinh của mình. Xuân Diệu, con nhà Nho, thì biết mình sinh giờ Thìn, ngày Thìn, tháng Thìn, năm Thìn, nhưng không biết dương lịch ngày nào. Nhà văn Tô Hoài cũng vậy, nhưng nhớ Bà Cụ cho biết sinh ông đêm rằm Trung Thu. Sau này, sang Nga, bạn người Nga hỏi, mới tra ra ngày Tây là 27-9-1920. Do đó trên các tư liệu, thường thấy ghi ngày sinh: 07-9-1920, và nhà văn cũng không buồn đính chính. Nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh nhà văn Tô Hoài, Sông Hương nhận được bài viết của nhà văn Đặng Tiến cùng thông tin về ngày sinh Tô Hoài nói trên. Xin giới thiệu cùng bạn đọc.

  • HOÀNG DŨNGKhông phải ngẫu nhiên khi ta nói vũ trụ, thế giới thì vũ, giới là không gian, mà trụ, thế là thời gian. Ngay trong những khái niệm tưởng chỉ là không gian, cũng đã có thời gian quấn quýt ở đấy.

  • LTS: Trong các ngày 7-9/9/2010 sắp đến, Ủy ban Văn hóa Hội đồng Giám mục Việt Nam và Tòa Tổng Giám mục Giáo phận Huế sẽ tổ chức Hội thảo về thân thế và sự nghiệp của Léopold Cadière (1869-1955), Nhà nghiên cứu về Huế và Việt Nam học, chủ bút của tập san Bulletin des Amis du Vieux Hué (B.A.V.H), một trong số các tờ báo hay nhất ở Đông Dương thuở trước. Hội thảo sẽ có một số nội dung liên quan đến văn hóa Huế như Văn hóa Huế, Mỹ thuật Huế, Cổ vật Huế dưới con mắt của L. Cadière... Nhân dịp này, Tạp chí Sông Hương đăng bài viết của nhà nghiên cứu Hồ Vĩnh, chuyển tải vài nét về hoạt động văn hóa của Léopold Cadière. Xin giới thiệu cùng bạn đọc.S.H

  • NGUYỄN THỊ HÒA Không cần phải bàn cãi, Từ điển tiếng Huế của Tiến sĩ, Bác sĩ Bùi Minh Đức là một tác phẩm Từ điển. Một quyển từ điển về phương ngữ địa phương Huế mà dày dặn, công phu, với 2050 trang, thể hiện công sức nghiên cứu miệt mài của một vị bác sĩ - nghiệp dư với nghề ngôn ngữ, nhưng đầy nhiệt tình và khá chuyên nghiệp trong nghiên cứu.

  • Sinh ngày 6-2-41 tại Huế. Hy sinh ngày 11-10-68 tại vùng biên giới tỉnh Tây Ninh, nguyên quán làng Bát Tràng tỉnh Bắc Ninh. Học sinh cũ Trường Quốc Học, tốt nghiệp Đại học Sư phạm Ban Việt văn. Tên thật và bút hiệu công khai, chính thức: Trần Quang Long. Các bút hiệu khác: Thảo Nguyên, Chánh Sử, Trần Hoàng Phong.

  • TRẦN HỮU LỤCỞ tuổi 20, hành trình sáng tác của Nhóm Việt gắn liền với những biến cố lịch sử ở miền Nam (1965-1975). Những cây bút trẻ của Nhóm Việt đã bày tỏ một thái độ dấn thân ngày càng sâu sắc, vừa trên bình diện ý thức công dân, vừa trên bình diện ý thức nghệ sĩ.

  • PHONG LÊ(Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Nguyễn Tuân 10-7-1910 – 28-7-1987)

  • NGUYÊN QUÂN Phía đằng sau những con chữ bình dị như một chốn quê nhà chưa bị ô nhiễm cơn đau phố bụi, một ngôi làng yên bình vẫn luôn hằng hiện trong mỗi hơi thở, mỗi bước gian truân của tác giả là sự chân thật đến nao lòng.

  • LÝ HOÀI THU Những câu thơ đầu tay của Hữu Thỉnh cất lên từ những cánh rừng Trường Sơn được anh gọi là “Tiếng hát trong rừng”. Anh viết về đồng đội, về cơn sốt rét rừng, về những trận bom và vết hằn xe xích, về mây, suối, dốc, thác Trường Sơn.

  • THÁI DOÃN HIỂU…Khi sự vong ân bội nghĩa của người đời đang diễn ra ở khắp đó đây thì Hoàng Trần Cương là người sống bằng ân sâu nghĩa cả. Với anh, ân nghĩa là một gánh nặng phải gánh. Anh nói về ân nghĩa như là một thứ trí nhớ của lương tri, một món nợ không bao giờ trả xong…

  • VŨ DUY THÔNG        (Thơ - Nghiêm Huyền Vũ, Nxb Trẻ 2000)Khác với bên ngoài, Nghiêm Huyền Vũ trong thơ là người trầm tư, cái trầm tư nhuốm vị triết học.Vây bọc quanh anh là không gian, thứ không gian cô liêu.

  • TRẦN QUỐC THỰCÍt người chịu đi tìm tiếng nói riêng khi đọc một tập thơ, một chặng thơ của một người. Qua từng chặng thơ, tiếng nói riêng ấy sẽ trở thành một cách thơ riêng biệt. Và đó là điều đáng mừng cho đội ngũ sáng tác.

  • NGUYỄN THANH TÚ          (Phác thảo chân dung nhà văn Nguyễn Bảo)

  • LGT: Cuốn tiển thuyết “Biết đâu địa ngục thiên đường” của nhà văn Nguyễn Khắc Phê vừa xuất bản được xem là tác phẩm thành công nhất của ông, cũng là cuốn tiểu thuyết viết kỹ lưỡng nhất, lâu nhất. Cuốn tiểu thuyết này hiện nay nằm trong danh sách những cuốn vào chung khảo cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam. Sông Hương xin giới thiệu những ý kiến nhận định rất chân thành của Giáo sư Trần Đình Sử, nhà văn Ma Văn Kháng và nhà nghiên cứu phê bình Từ Sơn.

  • FAN ANHCon người khác con vật không chỉ ở đặc điểm con người có một bản ngã, một cái tôi luôn biến động, mấu chốt nằm ở chỗ, con người có thể có nhiều bản ngã khác nhau, tồn tại một cách âm thầm trong những thế giới mà nhiều khi ngay bản thân mỗi cá nhân chúng ta cũng không thể am tường hết.

  • VĂN CẦM HẢI(Nhân đọc “Giọng nói mơ hồ” - Nguyễn Hữu Hồng Minh. Nxb trẻ 1999)

  • ĐỖ NGỌC YÊNHồ Quý Ly là một nhân vật lịch sử có thật. Hơn nữa ông đã từng làm đến chức quan Thái sư dưới thời nhà Trần khoảng từ năm 1370 - 1400, và lập nên nhà Hồ từ năm 1400 - 1407.

  • Phỏng vấn nhà nghiên cứu Nguyễn Việt - chuyên viên Hiệp hội CLB UNESCO Việt Nam – nhân cuộc triển lãm thư pháp thơ “Nhật ký trong tù” của Bác Hồ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế 8-2000

  • LÊ HUY QUANGVào ngày 19/5/2010 này, cả nước ta sẽ tưng bừng Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân Văn hóa thế giới, nhà thơ Hồ Chí Minh, một người Việt Nam đẹp nhất.