Đất nước "Rũ bùn đứng dậy sáng loà" qua cái nhìn của nhà thơ Nguyễn Đình Thi

10:25 18/05/2009
NGUYỄN TỐNGQuê hương đất nước và con người luôn có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ, tác động qua lại lẫn nhau trong suốt chiều dày của lịch sử dựng nước và giữ nước. Nó tự nhiên chan hoà đến mức như cá bơi quẫy giữa đại dương, chim tung cánh vô tư giữa bầu trời bát ngát. Đến lúc nào đó, khi con người rơi vào cảnh cá chậu chim lồng, tình cảm, ý thức về đất nước thiêng liêng mới trở nên ám ảnh day dứt.

Đó là tâm trạng chung của nhân dân Việt Nam trong thời thuộc Pháp và đã được nhiều văn nhân thi sĩ như Nguyễn Khuyến, Tản Đà, Nguyễn Tuân viết nên những tác phẩm sâu lắng thiết tha. Trong những năm cả dân tộc tiến hành cuộc kháng chiến chống Pháp gian khổ nhưng anh hùng, Nguyễn Đình Thi lần nữa, lại tiếp tục suy tư về Đất nước; và ông đã kết tinh nên những vần thơ đầy tính khẳng định tự hào về sự trường tồn của Đất Nước, về tinh thần bất khuất Việt Nam, quyết đưa đất nước từ bùn đen nô lệ, "rũ bùn đứng dậy sáng loà" giữa bầu trời tự do. Nhà thơ khoái cảm lâng lâng viết nên những vần thơ Đất Nước lạc quan yêu đời.
                        Mùa thu nay khác rồi......
                        Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi
                        Gió thổi rừng tre phấp phới
                        Trời thu thay áo mới
                        Trong biếc nói cười thiết tha

Khi viết những dòng này, có lẽ Nguyễn Đình Thi đang bồi hồi nhớ lại những mùa thu trong quá khứ. Mùa thu với những người con của Hà Nội "ra đi đầu không ngoảnh lại", dẫu vẫn biết rằng sau lưng, tình mảnh đất nguồn cội liễm kết trong bao lá thu vàng, rơi đầy thềm nắng tiễn bước người đi. Hà Nội vốn luôn "ngựa xe như nước áo quần như nêm", mà vẫn có những ngày thu đặc biệt, đã trở nên lạnh lẽo trống vắng vô cùng:
                        Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội
                        Những phố dài xao xác hơi may

Cùng với dòng trôi của thời gian, lịch sử dân tộc cũng biến chuyển theo chiều lạc quan. Thực tế ấy đã tác động sâu sắc vào tâm hồn thi sĩ Nguyễn Đình Thi, xôn xao cộng hưởng thành vần thơ được nối nhịp từ "Sáng mát trong như sáng năm xưa", đến "Đêm mít tinh" rồi cuối cùng hoà nhuyễn thành "Đất Nước" như một khúc tráng ca tự hào. Nhịp điệu của lời thơ dồn dập rộn rã. Hình ảnh thơ sinh động do được miêu tả bởi những từ láy tạo hình và biểu cảm như "phấp phới, thiết tha", lại thêm sự gắn kết bởi những vần trắc trong các từ "biếc, thiết", giúp cho người đọc liên tưởng thiên nhiên và con người như đang giao cảm hạnh phúc, qua một vũ điệu rộn ràng của niềm "vui bất tuyệt", thoả mãn cho khao khát tự do chờ đợi bị nén lại lâu rồi.

Nguyễn Đình Thi đứng trong rừng núi đại ngàn của quê hương, lúc thời gian đang vào thu, nhưng cảm nhận lại đầy sức sống, tươi vui, trong biếc như ngày xuân. Phải chăng cảnh quan trở nên đầy sức sống, bởi nó được khúc xạ qua đôi mắt hưng phấn của người nghệ sĩ; vì lịch sử của dân tộc đã qua rồi cái cảnh đông tàn, và đang bước vào giai đoạn "huy hoàng ngày xuân". Đó không còn là niềm ước mong khắc khoải của nhân dân Việt Nam, mà đã trở thành hiện thực đang diễn ra trên quê hương từng một thời ngút ngàn khói lửa chiến tranh. Nhà thơ nhìn rộng ra trong cõi Đất Nước mênh mang, mà đi đến những nhận thức đầy khẳng định tự hào:
                        Trời xanh đây là của chúng ta
                        Núi rừng đây là của chúng ta
                        Những cánh đồng thơm ngát
                        Những ngả đường bát ngát
                        Những dòng sông đỏ nặng phù sa
                        Nước chúng ta
                        Nước những người chưa bao giờ khuất
                        Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất
                        Những buổi ngày xưa vọng nói về.

Khổ thơ được nhấn đi nhấn lại những định ngữ "...đây là của chúng ta". Từ trời xanh, núi rừng, cánh đồng, ngả đường, dòng sông... Đó là những yếu tố cấu thành Đất nước - Tổ quốc Việt Nam trong quá khứ và "của chúng ta" ngày hôm nay, Lời thơ với âm hưởng mạnh mẽ tự tin ấy không còn là câu thơ của cảm xúc mà là lí trí tỉnh táo, được viết bằng những cấu trúc câu đẳng thức có hệ từ "là", làm cho người đọc ý thức đó là chân lí hiển nhiên về quyền làm chủ chân chính đất nước Việt Nam là của người Việt Nam, như Lý Thường Kiệt từng tuyên bố gần ngàn năm trước:
                        Nam quốc sơn hà Nam đế cư
                        Tiệt nhiên định phận tại thiên thư

Quan niệm về lãnh thổ của Nguyễn Đình Thi so với người xưa có phần hiện đại và hoàn chỉnh hơn, bởi ý niệm của người xưa về lãnh thổ, về đất nước chỉ trải ra trên hai chiều dài rộng, cao như núi, dài như sông. Thời hiện đại, do sự phát triển của khoa học kỹ thuật, nên lãnh thổ, biên giới của một quốc gia không chỉ giới hạn trong phạm vi đất liền sông núi, mà mở rộng ra cả về mặt hải phận lẫn không phận. Nguyễn Đình Thi khẳng định "Trời xanh đây là của chúng ta" là một ý niệm mới mẻ về quyền làm chủ bầu trời trên quê hương. Ý thơ gợi ta nhớ đến nỗi đau nhức nhối khi phải chứng kiến hình ảnh "Dây thép gai đâm nát trời chiều". Làm chủ được bầu trời mênh mang là không dễ, và trả lại cho bầu trời sắc trong xanh cũng đồng nghĩa với việc dập tắt được khói lửa của chiến tranh từng bốc lên đây đó trên các miền đất hồn hậu của quê hương, làm cho bao gia đình điêu linh tan tác, đến mức người nghệ sĩ mù Nguyễn Đình Chiểu bàng hoàng thốt lên câu thơ ghi lại chứng tích tội ác của quân thù:
                        Bến Nghé của tiền tan bọt nước
                        Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây

Hình ảnh quê hương đất nước hiện ra trước mắt Nguyễn Đình Thi là một giang sơn cẩm tú. Dưới bầu trời trong xanh là núi rừng hùng vĩ, là những cánh đồng bát ngát cò bay, thoang thoảng mùi hương cốm mới; là những con đường duyên dáng toả về khắp mọi nẻo quê hương; là những dòng sông âm thầm tải phù sa cùng năm tháng mang màu mỡ cho những cánh đồng đem lại bao mùa vụ bội thu, đem nguồn nước phục vụ cho đời sống bức thiết của con người. Đất nước Việt Nam tuyệt vời như thế, người con nào mà không nặng tình lắm nghĩa với mảnh đất ấp ủ nuôi lớn đời mình. Lời thơ của Nguyễn Đình Thi vừa là niềm khẳng định tự hào về quyền làm chủ đất nước, cũng là bày tỏ lòng biết ơn chân thành đất tổ quê cha. Phải chăng được tắm mình trong đất nước tự do, mà Nguyễn Đình Thi bùi ngùi thả dòng hoài niệm trôi xa về trong quá khứ lịch sử, lắng hồn giao cảm trong tầng sâu của đất, để nghe ra âm vang vọng về của tiên tổ thiêng liêng hào hùng bất khuất:
                        Nước chúng ta
                        Nước những người chưa bao giờ khuất...

Lời thơ được giản cách bằng một cụm chủ ngữ: "Nước chúng ta" như là một lời tuyên bố tự hào không chỉ với chính chúng ta, mà là cho nhân loại, cho các thế lực đen tối ngoại bang muốn cướp quyền làm chủ của ta hiểu ra tinh thần bất khuất Việt Nam. Đây là một phẩm chất có tính truyền thống, là sức mạnh vô địch để chiến thắng bao thế lực bạo tàn trong quá khứ và hiện tại. Các bậc tiên liệt dù đã khuất bóng, thân xác họ tan hoà trong đất mẹ; nhưng tinh thần, khí phách hiên ngang của các vị như hiển linh khắp sông núi, rì rầm trong đất đai, tồn tại trong ý thức và tình cảm của con cháu, như là một nguồn động viên cổ vũ lâu dài, đúng như Nguyễn Đình Chiểu khi tôn vinh những nghĩa sĩ Cần Giuộc đã khẳng định, dù họ về theo tổ phụ nhưng "linh hồn theo giúp cơ binh".

Con người Việt Nam vốn sống thuỷ chung theo châm ngôn "uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây". Thế hệ hôm nay được kế thừa Đất Nước do bao thế hệ đi trước trao lại, lẽ nào lại phôi phai bạc bẽo với bao lớp người xưa. Nguyễn Đình Thi nhắc lại những người đã khuất, nhắc lại lời "vọng nói về..." của họ trong cõi thiêng liêng, như dẫn dắt người đọc lắng lòng trở lại với lịch sử bốn ngàn năm văn hiến, để thấy ra trong ấy, lung linh dáng vẽ kiêu hùng của bao thế hệ ông cha trên vũ đài đấu tranh dựng nước, giữ nước và xây dựng phát triển đất nước, trở thành một chỉnh thể thống nhất, thon thả duyên dáng "từ mỏm Lũng Cú phía Bắc xa xôi cho đến mũi Cà Mau như ngón chân cái chưa khô bùn vạn dặm phía cực Nam Tổ quốc (ý văn của Nguyễn Tuân).

Đất nước của Nguyễn Đình Thi dù cảm xúc gợi lên từ buổi "sáng mát trong như sáng năm xưa", nhưng nó có khả năng làm sống dậy cả một quá khứ anh hùng, đồng thời mở ra trong ta niềm tin về một tương lai tươi sáng vẻ vang của Đất nước. Và tất nhiên nó cũng đưa chúng ta đến ý thức về trách nhiệm phải thực hiện tư cách làm chủ đất nước tốt nhất, để không phụ niềm kỳ vọng và sự hy sinh của cha ông, để chúng ta xứng đáng là con cháu của một dân tộc anh hùng, của những thế hệ từng làm nên Điện Biên Phủ lẫy lừng và đại thắng mùa xuân bảy lăm lịch sử.

Huế, tháng 4 năm 2003
N.T
(171/05-03)

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • ĐỖ TẤN ĐẠT

    (Nhân đọc tập thơ “Nhật ký gió cuốn” - Nxb. Văn học 2018 của tác giả Phạm Tấn Dũng)

  • VƯƠNG TRỌNG  

    Với người làm thơ và bạn đọc Việt Nam, hầu như ai cũng biết thơ Đường luật phát sinh từ đời Đường Trung Quốc cách nay trên một thiên niên kỷ, nhưng không nhiều người biết thơ Tứ tuyệt cũng khởi sinh từ đời nhà Đường.

  • PHẠM PHÚ PHONG    

    Trong bài thơ mở đầu cho tập thơ đầu tiên Cái lùng tung (2007) của Trần Văn Hội, anh có viết rằng: “có những điều anh chưa nói với em/ đó là sự lặng im trong thơ anh” (Đó là sự lặng im), không chỉ là dự cảm, là sự ướm thử mà là định mệnh, là thi mệnh thể hiện quan niệm nghệ thuật của tác giả, trở thành tuyên ngôn cho cuộc sống và sáng tạo nghệ thuật, xuyên suốt cuộc đời và thơ ca Trần Văn Hội.

  • (Một đôi chỗ cần lưu ý)

    CHU TRỌNG HUYẾN

  • NGUYỄN KHẮC PHÊ

    (Đọc Phấn hoa, tiểu thuyết của Phạm Ngọc Túy, Nxb. Thuận Hóa, 2019)


  • Trước khi Thơ Mới ra đời, Huế là một trung tâm có nhiều tác giả Thơ Đường nổi tiếng. Sau khi Thơ Mới ra đời và phát triển mạnh mẽ Thơ Đường vẫn thịnh hành cho đến ngày nay.

  • ĐỖ LAI THÚY
     

    Khi mọi thần thoại gãy đổ,
    thơ chính là nơi thần linh trú ngụ.

                (Saint John Perse)
    Tôi không tiến đi đâu cả,
    Tôi là hiện tại.

                (Pablo Picasso)

     

  • TRẦN THÙY MAI    

    (Nghĩ về tập nhạc mới của Trần Ngọc Tuấn)

  • HỒ THẾ HÀ

    Gần nửa thế kỷ liên tục sáng tạo, Nguyễn Quang Hà đã tự tạo cho mình chứng chỉ nghệ thuật vững chắc ở thể loại văn xuôi và đạt được những giải thưởng danh giá do các Tổ chức văn học uy tín trao tặng: 

  • UÔNG TRIỀU  

    Trước kia tôi mê F.Dostoevsky và đánh giá ông là một nhân vật vĩ đại. Tất nhiên bây giờ ông vẫn là một nhà văn vĩ đại bất chấp cảm giác của tôi thế nào.

  • Việc đọc sách đang bị văn hóa nghe nhìn thu hẹp trước sự phát triển không ngừng của công nghệ, nhất là đối với thế hệ trẻ trước cơn bão của mạng xã hội.

  • PHẠM PHÚ PHONG

    Rừng sâu có trước các dân tộc,
    sa mạc đến sau con người

                (F.R.de Chateaubriand)

  • HUỲNH NHƯ PHƯƠNG 

    Trong năm học đầu tiên sau ngày hòa bình (30/4/1975), tất cả các thầy, cô giáo ở Trường Đại học Văn khoa Sài Gòn đều chưa được dạy học trở lại. Những giáo sư tên tuổi và những giảng viên trẻ cùng ngồi chung trong giảng đường tập trung học chính trị. Một số khác đã đi ra nước ngoài trong những ngày biến động trước đó.

  • VŨ THÀNH SƠN   

    Thơ Vũ Lập Nhật cho chúng ta một cảm giác mất thăng bằng, một thế đứng chông chênh nguy hiểm, như thể khi bước vào thế giới thơ của Vũ Lập Nhật là chúng ta đang bước vào một thế giới khác, một thế giới song song không biên giới; ở đó, trật tự, định luật vạn vật hấp dẫn, sự sáng suốt của lý tính như bị thách thức.

  • THÚY HẰNG  

    Xoài xanh ở xứ sương mù” là tập tản văn dày 340 trang do nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh ấn hành cuối năm 2018. 

  • PHAN TRỌNG HOÀNG LINH 

    Chân trời là giới hạn của tầm mắt, dẫn đến ảo tượng về sự giao nối giữa trời và đất. Do vậy, chân trời vừa hữu hạn, vừa vô hạn.

  • ĐÔNG HÀ  

    Tôi yêu thơ Nguyễn Trọng Tạo từ những năm còn là sinh viên. Tuổi trẻ nhiều háo hức, về tình yêu, về non xanh và tơ nõn. Nhưng khi bắt gặp những câu thơ chảy ngược trong tập Đồng dao cho người lớn, tôi lại choáng váng. 

  • NGÔ MINH

    Có một ngày nhạt miệng, thèm đi. Đi mãi mới hay phố cũng thiếu người. Có một ngày nằm dài nghe hát. Rồi ngủ quên trong nỗi buồn nhớ mông lung.

  • NGỌC THẢO NGUYÊN

    Buổi sinh hoạt được đặt tên là Tọa đàm bàn tròn về thơ. Đây là buổi sinh hoạt mang tính chất thử nghiệm của Phân hội văn học (lại một cách nói rào đón nữa chăng?)