PHẠM THANH THÚY
“Em mang thuốc đau đầu này. Anh uống đi.”
Nàng đưa cho anh viên thuốc, cùng chai nước lọc.
Minh họa: Nhím
“Anh không bị đau đầu.”
Anh khẽ gạt tay nàng ra, cố ngồi yên và nhìn về phía biển.
“Thật à? Em thấy anh nhăn nhó suốt.”
“Anh buồn đấy mà. Mỗi lúc buồn, anh lại nhăn nhó.”
Nàng cất mấy viên thuốc vào túi xách, rồi ngả đầu lên vai anh, mắt nhìn về phía biển.
“Em biết có một loại thuốc mà công dụng của nó là ngăn não bộ báo cho ta biết là ta đang buồn.”
*
Nàng dự định sẽ dành thời gian rảnh suốt mùa hè để đến làng chài nhỏ ven bờ biển, nơi nàng và anh có một kỳ nghỉ ngắn khi mới cưới nhau. Ở đó nàng quen một đứa bé. Mới tí tuổi đầu tóc nó đã cháy khét và làn da đen sạm, lại mặc những bộ váy cũ, đứa bé thực sự chẳng có gì hấp dẫn.
Nhưng nàng cũng không thể nào hiểu được tại sao lại thích nó đến thế. Thích đến nỗi mỗi lần tạm biệt, nàng lập tức lên kế hoạch sẽ đến thăm nó lần sau. Lần sau nhất định không chỉ có một mình nàng đến, mà còn có cả anh đi cùng. Nàng và anh cưới nhau đã nửa năm. Nàng chưa có dấu hiệu thai nghén. Và lần thứ hai nàng đến bãi biển này chính là vì giận anh. Chính xác là một cơn ghen vô cớ.
*
Chia tay cô ấy được ba tháng, anh ngỏ lời yêu và xin cưới nàng.
Chuyện tình cảm không thể nói trước được điều gì. Anh nói tình yêu đối với cô ấy vẫn còn váng vất trong trái tim, trong ý nghĩ của anh, nó không phải thứ mà người ta có thể quét đi, dọn sạch như dọn dẹp một căn phòng. Nhưng điều đó không quan trọng, quan trọng là anh yêu nàng. Anh không đến với nàng khi đang còn có quan hệ yêu đương với cô ấy, nghĩa là anh không phản bội. Nàng cũng không thể mang tiếng cướp người yêu của kẻ khác.
Sau đám cưới, lẽ đương nhiên nàng chuyển về sống cùng anh. Còn cô ấy, như trước đó, sống cách nàng hai dãy nhà. Thi thoảng nàng vẫn ghen khi nhìn thấy cô đứng đợi xe buýt, trong chiếc váy trắng bồng bềnh. Nàng ghen với vẻ trong suốt như thiên thần của cô, ghen cả với cách cô đứng đợi xe mà không một lần nhìn về phía con ngõ nơi nàng và anh từ đó đi làm. Nàng ghen với cái cách cô không hề biết gì về nàng hết, hoặc là nàng đã tưởng tượng như thế.
Vì sao anh và cô ấy lại chia tay nhau? Vì sao họ không cùng nhau đi hết một tình yêu? Thật ngớ ngẩn là nàng lại luôn để câu hỏi ấy trong đầu. Nàng sẽ không bao giờ đem nó ra hỏi anh.
*
Đứa bé không có bạn, nó tha thẩn một mình ngoài bãi biển chơi với những vỏ ốc bị sóng đánh dạt vào bờ. Chẳng cái vỏ ốc nào còn nguyên vẹn, phần lớn chúng bị sóng biển bào mòn. Một cách đơn giản, đứa bé cho nàng biết nó là con nhà ai (hai cái tên của một cặp đôi nàng không hề biết). Nàng chơi với nó suốt buổi chiều, cho đến khi một ông già đứng dưới gốc cây phi lao gọi nó về nhà.
Nàng phải chạy xe hai mươi cây số từ làng chài ven bờ biển ấy về thành phố, nơi căn hộ của nàng có những chậu hoa dã yên thảo nhiều màu nở suốt mùa hè rực rỡ. Anh một lần buột miệng bảo cô ấy rất yêu hoa. Rồi im lặng, ân hận vì lỡ lời. Người cũ không còn chỗ trong cuộc hôn nhân của họ, vì bất kì lý do gì. Một lần nàng dừng lại trên phố mua thêm một chậu hoa mới, và gặp cô ấy. Cô ấy cũng mua một chậu hoa mới. Hoa dã yên thảo màu tím buồn.
Có vẻ như cô ấy không biết nàng là ai. Chia tay nhau, họ chặn facebook, chặn email, xóa số điện thoại, tóm lại, theo như nàng biết, họ làm tất cả để không một mối liên hệ nào trong cuộc đời này khiến họ chạm vào kỉ niệm của một thời yêu tha thiết.
Nhưng vào đêm hôm ấy, khi những chiếc đèn ngủ trong các căn hộ đã bật, khu chung cư chìm trong yên tĩnh, nàng đứng trên ban công ngắm những chậu dã yên thảo, trống ngực đập liên hồi như muốn xổ tung ra. Dưới chân chung cư vàng rực ánh đèn, nơi ghế đá lấp ló trong tán bằng lăng, nàng nhìn thấy cô ấy ngồi lặng lẽ, ngước mắt nhìn lên ô cửa tối căn hộ của nàng.
“Em không ngủ được à?”
Anh hỏi khi nàng vào phòng. Nàng băn khoăn, có nên nói cho anh biết về cô ấy không? Một ý nghĩ lướt nhanh, và nàng kéo anh ra ban công. Anh ngơ ngác trước sự tĩnh lặng của đêm. Trên ghế đá, chẳng có người con gái nào ngồi ở đó. Chỉ có lá rụng khẽ dạt bay khi những cơn gió mạnh lùa qua.
*
Nàng tò mò theo đứa bé về ngôi nhà của nó trong làng. Ngôi nhà không đến nỗi tồi tàn. Trong sân, ông già đang ngồi khoanh chân bên mâm cơm. Và đứa bé đang được một phụ nữ trẻ uốn tóc xoăn tắm và thay đồ. Ông già nhấp rượu trong khi đứa bé bị mẹ cù, cười khanh khách.
Như vậy là một gia đình chắp nối, xộc xệch. Một ông già cưới một cô gái trẻ. Cô gái, mẹ đứa bé, hẳn là có cuộc đời nông nổi, vì sa cơ, hay vì cả ngàn lý do trên đời, đã chấp nhận gán nghĩa với ông, và đứa bé kia, nàng bật cười vì ý nghĩ chợt đến, ý nghĩ rằng có thể nó chẳng phải máu mủ gì với ông già ấy.
Nàng dự định sẽ dành suốt mùa hè để đến bãi biển chơi với đứa bé, cho nó vài gói bim bim hay những bộ váy bé gái, thứ mà nàng dễ dàng lấy được hàng thùng từ những gia đình khác trong chung cư, khi họ dọn đồ và cần bỏ vài thứ còn tốt nguyên với người nghèo vào thùng rác. Và vì một lần ngồi xếp những chiếc váy mới nguyên vào thùng, nàng được chị chủ nhà rỉ tai:
“Tôi thấy đêm hôm nọ chú ấy ngồi với một cô gái dưới ghế đá. Lúc đó khuya lắm rồi.”
Thông tin về một vụ ngoại tình (có thể lắm) đến với nàng như một đám mây tích điện. Nhưng nàng cần có bằng cớ. Nàng không thể dứt dây động rừng. Anh và cô ấy chỉ chia tay nhau chưa đầy một năm, họ đã không còn qua lại cả trên thế giới ảo và thực. Anh đã cưới nàng, một biểu tượng của tình yêu vĩnh cửu đã ngự trên ngón tay hai người, còn cô ấy, có thể đã có một mối tình mới. Họ gặp nhau làm gì, và mấu chốt ở chỗ, nếu họ còn gặp nhau, còn dan díu, thì tại sao lại ở ghế đá ngay dưới ban công đầy hoa nhà nàng, mà không là hàng tỉ nơi kín đáo xa lạ khác trong thành phố?
Nàng hỏi anh điều đó, anh tất nhiên cười sằng sặc, dứt trận cười, anh bảo nàng có hoang tưởng không thế. Anh chỉ có nàng thôi. Chỉ có nàng thôi.
*
Quả nhiên việc đứa bé mặc những bộ váy nàng cho đã khiến mẹ nó chú ý. Một buổi chiều cô ta đứng đằng sau nhìn nàng chơi với nó trên bờ biển. Một cô gái có vẻ sành điệu, ăn chơi và bất cần đời. Cô ta bảo việc để con bé chơi một mình trên bãi biển như thế này thật là cực chẳng đã. Cô không có tiền. Thế đấy, sinh con mà không có tiền lo cho con là một tội lỗi. Nhưng biết làm sao được. Đầy người có tội mà vẫn sống nhởn nhơ trên đời đấy thôi. Và cô ta bỏ đi.
Nàng cũng cảm thấy có tội khi một lần nữa nhìn thấy cô ấy ngồi trên ghế đá trong đêm khuya và nhìn chăm chăm như chờ đợi lên căn hộ của nàng. Chính xác là cô ấy, vẫn mái tóc ngang lưng, dáng vẻ mảnh mai trong suốt như thiên thần mà nàng hay gặp ở bến chờ xe buýt. Có vẻ như cô ấy không thể nào quên được anh, chồng nàng. Tình yêu tội nghiệp đã khiến cô ấy gạt mọi sự tự tôn thường thấy bên ngoài để đến dưới ban công, chỉ để nhìn thấy người mình yêu trong chốc lát. Họ chia tay nhau không phải vì nàng, mà sao nàng lại cảm thấy có lỗi.
Nàng không biết có nên nói cho anh biết điều đó không, hoặc cũng có thể anh đã biết từ lâu, nhưng anh im lặng. Một lần nữa nàng gặp cô ấy khi cả hai cùng muốn mua một chậu dã yên thảo. Cô ấy có nét mặt tươi vui và không hề ẩn chút ưu tư. Nàng suýt thì đuổi theo cô ấy và đề nghị nếu cô vui vẻ thế thì đừng có đến ngồi ở ghế đá trước ban công nhà nàng nữa, chướng lắm, và thực sự khiến nàng ghen.
Nàng không đuổi theo cô ấy, không nói thế, vì chạm mặt thiếu phụ trên bãi biển, mẹ của đứa trẻ. Cô ta đang ngồi trong quán bia vỉa hè, ôm khít một gã béo bụng và môi nhờn mỡ.
*
Nàng mang cho đứa bé trên bãi biển những gói bim bim. Biển ngày gió lớn, sóng ầm ầm quật lên bờ cát. Nàng đành đến ngôi nhà của họ. Ông già đang ngồi chơi với đứa bé trong sân, nơi cát bay mù mịt. Họ quen với gió và cát như thế này rồi, nên chẳng có vẻ gì là phiền lắm. Ông già mời nàng vào chơi. Trong căn nhà chẳng có gì nhiều ngoài mấy bức ảnh chụp gia đình họ. Ông già, cô gái và đứa bé. Ông già khoe mẹ nó đi làm ở khu công nghiệp trên phố, cách nhà hai mươi cây. Nàng nhớ đến cảnh cô ta ngồi ôm gã bụng béo môi nhờn. Có nên cho ông già biết vợ trẻ của ông ấy làm gì không nhỉ?
Nàng dắt xe ra khỏi ngôi nhà. Gió không hề ngớt. Ông già cảnh báo có thể gió sẽ thổi bay cả người lẫn xe xuống ruộng, hoặc ném cả người lẫn xe lăn lông lốc trên bãi cát. Chiếc xe cố đưa nàng về thành phố. Mùa hè đã kết thúc và nàng sẽ theo anh chuyển công tác đi nơi khác, nơi không có kỉ niệm nào giữa anh và cô ấy.
*
Đêm chung cư tĩnh lặng. Nàng đứng trên ban công nhìn hai người ngồi dưới gốc bằng lăng. Một người là anh, một người là cô ấy.
Nàng có thể gào thét, điều đó, ngạc nhiên là nàng không làm được. Hóa ra khi đối diện với sự phản bội trần trụi này, nàng lại không hành động như hình dung, tức là gào thét, hay cầm con dao nhọn từ phòng bếp, lặng lẽ đứng sau họ, đâm cho họ vài nhát chí tử, rồi vẫn con dao vấy máu ấy, nàng về phòng trùm chăn ngủ, vờ như vụ giết người đó là vì chứng mộng du.
Nàng đứng trước mặt hai người đó, tay không cầm dao, mà cầm điện thoại ghi hình. Họ đang nói chuyện vui vẻ với nhau, rồi họ hôn nhau, say đắm như thuở yêu đầu.
Nàng không làm gì cả. Không hét lên. Không đâm chết họ. Nỗi đau nén xuống tim thành một cơn sóng ngầm cuộn chảy. Họ tạm biệt nhau, và mỗi người đi về căn hộ của mình. Không một ai thấy nàng đang đứng nhìn họ, điện thoại ghi hình trên tay.
*
Bãi biển rời xa sau lưng nàng.
Cả câu chuyện về hai cha con ông già cũng ở sau lưng nàng. À, phải là câu chuyện của hai cha con cùng cháu ngoại của ông già ở lại sau lưng nàng mới đúng. Đứa bé luôn nghĩ ông ngoại là bố nó, khi nó chơi một mình ngoài bãi biển. Nàng có thể không bao giờ gặp lại nó nữa.
Nàng còn nhớ về loại thuốc mà công dụng của nó là ngăn não bộ báo cho ta biết là ta đang buồn. Phản ứng phụ của thuốc khiến người ta mộng du. Trong cơn mộng du, người ta có thể giết người mà không biết.
Nàng vượt gió từ bãi biển để về nhà, và nghĩ về anh cùng cô ấy. Nàng nghĩ, có thể khi chia tay nhau, họ đã rất đau buồn.
Đã hết mùa hè, nàng sẽ theo anh đi công tác, rời xa miền kỉ niệm của anh và cô ấy. Họ đã không còn yêu nhau ngoài đời thực. Họ đã không hề gặp nhau. Nhưng có lẽ nàng nên xóa đoạn clip ghi lại khoảnh khắc họ hôn nhau trên ghế đá, để họ không bao giờ biết rằng họ vẫn còn yêu nhau trong những giấc mơ, và chứng mộng du đã đồng lõa với họ.
P.T.T
(SH315/05-15)
Có thể cô gái ấy đã trồi lên từ thủy cung do thủy triều xuống quá nhanh. Một nửa thân hình của cô từ dưới eo trở lên, hoàn toàn khỏa thân nhô ra khỏi mặt nước.
Mặt trời như còn ngái ngủ. Cùng với cánh cò trắng từ đâu bay về sáng nay, tôi bần thần chờ đợi một điều gì đó. Nó mong manh và đằm thắm theo về với cơn gió lạnh. Như mặt trời vẫn thập thò, như đường về mệt mỏi, như hàng cây đìu hiu. Vừa gần gũi tưởng có thể ôm giữ được mà cũng vừa cách xa vời vợi.
Hôm qua nghe đài, có một cái tên giống hệt người thân của mình đã mất tích trong chiến tranh. Rồi một tên khác, kế tiếp một tên khác với hòm thư toàn những chữ số. Hai anh em tôi nhìn nhau. Đã biết bao lần anh em tôi nhìn nhau như vậy. Từ khi con bé thiên thần kia còn chưa biết khóc vì buồn.
ITiệc có vẻ sắp tàn. Nàng đứng lặng lẽ gần cửa ra vào đưa mắt bao quát căn phòng rộng. Đèn chùm sáng trắng. Nhạc êm dịu trong phòng hôn lễ đã giúp nàng tự tin hơn khi bước chân vào có một mình với bộ đồ xoàng xĩnh đang mặc.
Bây giờ thì Hồng sắp được gặp chị. Người chị mà suốt những năm tháng đi xa, ở đâu Hồng vẫn luôn nghĩ tới. Cứ mỗi lần như thế, một tình cảm thân thương choán ngập tâm hồn Hồng.
- Mẹ nếm thử xem. Con cho thêm một tý đường nữa nhé.Tôi ngừng tay bên rồ rau sống xanh um cầm lấy thìa nước chấm nhấm nháp lắng nghe vị vừa chua vừa ngọt vừa bùi bùi tan ra trên đầu lưỡi: - Một thìa nhỏ nữa thôi con. Ngon rồi đấy.
Bác Hai đang ngồi trước mặt tôi, lặng im như pho tượng. Đôi mắt bác đăm đăm không chớp, nhìn về một cõi xa xăm mà tôi đoán chừng là ở nơi ấy chắc chắn có những kỷ niệm vui buồn về người em trai của bác, chính là cha tôi.
Cuối năm, Đài truyền hình liên tục thông báo gió mùa đông bắc tràn về, miền Tây Bắc nhiệt độ 00C, khu vực Hà Nội 70C...
Tôi tạm xa Hà Nội một tuần. Cũng chẳng biết là phải xa hay được xa nữa. Bố mẹ phái: - Cho con Hạ đi ăn giỗ!
Tặng anh Hữu Ngọc, anh Đoàn, Lành - Ngọc Anh. Tưởng nhớ chị TâmHảo không có giấy mời. Có thể những người bạn cũ của anh ở Huế cũng đã nghỉ hưu cả rồi, hoặc giả họ bận trăm công ngàn việc nên cũng chẳng nhớ anh ở đâu mà tìm... Song điều ấy không quan trọng.
Chiến tranh biên giới Tây Nam kết thúc, nhận tấm thẻ thương binh, tôi trở về quê nhà. Để bớt gánh nặng kinh tế cho gia đình, tôi dã dành tất cả số tiền chính sách nhận được mở một quầy sách báo. Khách hàng của tôi khá đông.
Ông Biểu đột ngột nằm xuống. Tưởng như mọi cái đâu vào đấy. Như linh cảm trước, cuối năm con hổ, ông Biểu đã sắm cỗ áo quan dạ hương thơm nức. Xe cộ cần bao nhiêu chẳng có. Mọi thứ nếu muốn, chỉ sau một tiếng “alô” là tha hồ.
- Mẹ nếm thử xem. Con cho thêm một tý đường nữa nhé.Tôi ngừng tay bên rổ rau sống xanh um cầm lấy thìa nước chấm nhấm nháp lắng nghe vị vừa chua vừa ngọt vừa bùi bùi tan ra trên đầu lưỡi: - Một thìa nhỏ nữa thôi con. Ngon rồi đấy.
Nó tỉnh dậy. Sương lành lạnh, thời tiết thật khắc nghiệt, ban ngày trời nắng như thiêu như đốt. Khẽ co ngón tay, một cảm giác đau buốt suốt từ đỉnh ngón chạy vào tim, xương sống như có luồng điện chạy qua. lạnh toát.
Chuyện kể rằng ở xóm Đồng có một gia đình hiếm con lắm, chữa mãi đến năm chồng 45 tuổi, vợ 40 tuổi mới có mang.
Khúc sông lặng lẽ như thói quen của nó vẫn lặng lẽ vào mùa thu nước kiệt. Bây giờ, dòng chảy chỉ còn là một dải nông lờ, xuống đến tận mép nước mới nghe được tiếng chảy róc rách như tiếng nói thầm.
“Ai cũng biết rằng tạo hóa sinh ra đất, nước, cây cỏ, chim muông, thú vật... và con người. Động vật có trước con người có sau. Như vạy họ là tiền bói của con người. Đã không thờ kính tiền bối, lại làm điều ác với họ, con người phải gánh chịu lấy hậu quả. Âu đó cũng là lẽ trời...!”
Chủ nhật, tôi đến thăm một người bạn quen nhưng không thân lắm ở bên kia Cầu Kho, phía Tây Bắc thành phố. Đã dăm bảy năm nay tôi không gặp anh, mặc dù đã biết anh chuyển về dạy ở Đại học Nông Lâm khá lâu.
Truyện ngụ ngôn của TRIỀU NGUYÊN
Truyện ngắn “Sóng ngoài khơi” đã tránh được gần như tất cả những trò “dỏm” của nhiều người cầm bút hôm nay: Viết về tình dục với cung cách ồn ào như thể đây là món tân kỳ về tư tưởng và nghệ thuật nhưng thật ra chỉ cho thấy thói a dua thời trang và sự thiếu hiểu biết về văn chương đương đại. Với một bút pháp tinh tế, thông minh, và kiềm chế, “Sóng ngoài khơi” đã thể hiện được bản lãnh văn chương của một tác giả trẻ khi đụng tới đề tài nằm ngoài kinh nghiệm bản thân như Khánh Phương. PHAN NHIÊN HẠO