Những tác phẩm văn học có giá trị lịch sử, nhân văn sâu sắc đã khắc hoạ rõ nét cuộc đời, sự nghiệp của vị tướng huyền thoại của dân tộc Việt Nam - Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người chiến sĩ cách mạng kiên trung, học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Trong những mốc son chói lọi của lịch sử dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng đã có những đóng góp to lớn, đặc biệt xuất sắc, trở thành Vị tướng huyền thoại, thiên tài quân sự của thời đại. Tài năng và đạo đức cách mạng "dĩ công vi thượng", trong sáng, thuỷ chung của Đại tướng luôn chiếm trọn niềm tin yêu của Đảng, của quân đội, của nhân dân và bạn bè quốc tế. Vóc dáng lịch sử của vị anh hùng dân tộc, một nhà quân sự thiên tài, một nhà văn hoá lớn của đất nước được khắc họa qua nhiều tác phẩm văn học có giá trị lịch sử, nhân văn sâu sắc.
Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp - Một tài năng quân sự xuất chúng, nhà lãnh đạo có uy tín lớn của cách mạng Việt Nam
Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911 - 25/8/2021), Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia – Sự thật tập hợp hơn 100 bài viết của các nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước, của các tướng lĩnh, sĩ quan, các nhà khoa học, các nhân chứng trong và ngoài quân đội tham gia Hội thảo khoa học cấp quốc gia "Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp - Một tài năng quân sự xuất chúng, nhà lãnh đạo có uy tín lớn của cách mạng Việt Nam" trong cuốn sách cùng tên.
Cuốn sách được kết cấu gồm 3 phần: Phần thứ nhất: "Những vấn đề chung" gồm tham luận của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các tướng lĩnh lãnh đạo, chỉ huy quân đội,... khẳng định Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp là nhà quân sự văn võ song toàn, người “Anh Cả” của quân đội, là “Tư lệnh của các tư lệnh, Chính ủy của các chính ủy”, có nhiều đóng góp xuất sắc cho Đảng, cho dân, đặc biệt là trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, xây dựng và phát triển đất nước.
Phần thứ hai: "Tài năng quân sự xuất chúng, cống hiến đặc biệt xuất sắc cho cách mạng Việt Nam" gồm các bài viết luận giải, phân tích, đánh giá những đóng góp về nhiều mặt của đồng chí Võ Nguyên Giáp với cách mạng Việt Nam, đặc biệt là quá trình đồng chí được Trung ương Đảng, Bác Hồ giao trọng trách lãnh đạo, chỉ huy quân đội trên cương vị Bí thư Quân ủy Trung ương - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam.
Phần thứ ba: "Sáng ngời tấm gương đạo đức cách mạng" tập hợp các bài viết tập trung luận giải Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp là một tấm gương đạo đức lớn của cách mạng Việt Nam.
Nội dung các bài viết trong cuốn sách đa dạng, phản ánh tương đối toàn diện và đầy đủ, có hệ thống về những cống hiến của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp trên nhiều lĩnh vực trong quá trình vâng mệnh Cụ Hồ lãnh đạo, chỉ huy quân đội. Việc sắp xếp các bài viết vào từng phần chỉ có ý nghĩa tương đối vì mỗi bài viết bao chứa nhiều nội dung khá phong phú, nhiều chiều cạnh về những cống hiến của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Là nhân vật lịch sử lớn, nghiên cứu về Đại tướng không hề đơn giản, phụ thuộc rất nhiều vào vị trí và tâm thế của người cầm bút. Các bài viết đã bước đầu phân tích, luận giải sự nghiệp, tư tưởng, nhân cách trong cuộc đời cầm quân quang vinh của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp qua những năm tháng khốc liệt của chiến tranh.
Tổng hành dinh trong mùa Xuân toàn thắng
"Tổng hành dinh trong mùa Xuân toàn thắng" là cuốn sách hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc. Sự trăn trở về dân tộc vĩ đại, Đảng quang vinh, quân đội anh hùng, nhớ lại sự chỉ đạo rất nhạy bén, sáng suốt của Bộ thống soái tối cao của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở giai đoạn cuối cùng đã thôi thúc Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết những trang hồi ức này.
Đại tướng dành 9 chương đầu của hồi ức để viết về các sự kiện lịch sử lớn của dân tộc, chương cuối cùng ông gửi gắm những điều tâm huyết, đúc kết của cuộc đời cầm quân quang vinh của mình qua những năm tháng khốc liệt của chiến tranh. Qua đó, Võ Nguyên Giáp hồi tưởng lại những quyết sách chiến lược của tập thể Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng tư lệnh - Bộ Thống soái tối cao - từ việc hoạch định chính sách đến việc chỉ đạo điều hành, tổ chức thực hiện ở chiến trường và huy động sức mạnh của cả dân tộc nhanh chóng kết thúc chiến tranh một cách có lợi nhất, đi tới thắng lợi hoàn toàn và trọn vẹn của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.
Đọc những trang hồi ức hấp dẫn của người trong cuộc, mỗi người, đặc biệt là thế hệ trẻ sẽ thấy rõ hơn bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam ở những thời điểm lịch sử quyết định: nhạy bén, sáng tạo, quyết đoán, nắm bắt thời cơ và tạo ra thời cơ lớn, nỗ lực cao độ để quyết đánh và quyết chiến thắng kẻ thù xâm lược.
Những chặng đường lịch sử
"Những chặng đường lịch sử" là cuốn hồi ký tái hiện một cách sinh động, chân thực, có hệ thống những giai đoạn lịch sử đầy cam go, thử thách nhưng vô cùng oanh liệt của toàn dân tộc. Cuốn sách gồm hai tập hồi ức: "Từ nhân dân mà ra" và "Những năm tháng không thể nào quên" của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (nhà văn Hữu Mai thể hiện).
Nội dung cuốn hồi ký đề cập 2 thời kỳ đấu tranh cách mạng có quan hệ đến sự tồn vong của dân tộc - giai đoạn chuẩn bị giành chính quyền và năm đầu tiên sau Cách mạng Tháng Tám 1945 của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Là một trong những nhà lãnh đạo chủ chốt của Đảng ta trong thời điểm lịch sử trọng đại đầy khó khăn, thử thách ấy, Đại tướng đã tái hiện bức tranh lịch sử xuất sắc của dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, đặc biệt là Chủ tịch Hồ Chí Minh trong một giai đoạn cách mạng mà có lúc vận nước như “ngàn cân treo sợi tóc”.
Võ Nguyên Giáp - Danh tướng thời đại Hồ Chí Minh
"Võ Nguyên Giáp - Danh tướng thời đại Hồ Chí Minh" của Đại tá Trần Trọng Trung phác thảo những chặng đường hoạt động, cầm quân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong cuộc trường chinh đánh thắng hai đế quốc hùng mạnh của dân tộc ta. Tác giả cuốn sách có nhiều năm công tác ở cơ quan Tổng hành dinh từ ngày thành lập năm 1945, là nhà nghiên cứu lịch sử quân sự và lịch sử chiến tranh cách mạng có uy tín lớn, đã dành nhiều năm để nghiên cứu về cuộc đời cầm quân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Hơn 900 trang sách, với bố cục gồm 10 chương, những tư liệu lịch sử phong phú, dày dặn, cuốn sách đã làm sống dậy cả một thời kỳ hào hùng của dân tộc, tuy đầy hy sinh, mất mát nhưng cuối cùng đã đạt được mục đích tối cao, là giành được độc lập, tự do.
Xuyên suốt cuốn sách là hình ảnh vị Đại tướng - Tổng Tư lệnh trí dũng song toàn, với tầm nhìn chiến lược đã chỉ huy quân đội ta giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đặc biệt, tác giả đã dành hẳn chương thứ 10 - chương cuối để xây dựng chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp dưới nhiều góc độ, từ nhà chính trị cho đến “Một thống soái quân sự cỡ lớn”, từ “Cái “tôi” trong mối quan hệ với tập thể” đến “Cây đại thụ rợp bóng nhân văn”... Có thể nói, tác giả đã xây dựng rất thành công chân dung Đại tướng - Tổng Tư lệnh tối cao của Quân đội nhân dân Việt Nam, nhà chính trị, quân sự kiệt xuất của dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.
Võ Nguyên Giáp - Một cuộc đời
Từ góc nhìn của một học giả nước ngoài, nhiều lần được Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp tại nhà riêng, Giáo sư sử học người Pháp Alain Ruscio - một chuyên gia về lịch sử Việt Nam hiện đại, từng là phóng viên thường trú của báo L'Humanité trong nhiều năm tại Việt Nam, đã viết cuốn "Võ Nguyên Giáp - Một cuộc đời" (Vo Nguyen Giap, Une vie) - Nhà xuất bản Indes Savantes.
Cuốn sách được Alain Ruscio biên soạn dựa trên những cuộc phỏng vấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ năm 1979 -2008. Những cuộc trò chuyện giữa tác giả và Đại tướng như một thước phim sống động ghi lại cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng trong tiến trình phát triển và thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Trong cuốn sách, tác giả đưa ra những suy nghĩ, đánh giá của riêng ông, của các học giả phương Tây về một số nhân vật và sự kiện có liên quan tới Cách mạng Tháng Tám, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của dân tộc Việt Nam...
Trường ca về Tướng Giáp: Người anh cả của toàn quân
Tác giả Hoàng Bình Trọng với tấm lòng trân trọng, yêu mến Đại tướng đã viết tập trường ca với 8 chương và phần Vĩ thanh, dày 160 trang mang tên "Trường ca về Tướng Giáp: Người anh cả của toàn quân".
Mượn những vần thơ mộc mạc, ông đã tái hiện lại cuộc đời vị tướng tài ba bậc nhất Việt Nam. Tuổi thơ bình dị bên nếp nhà, vườn na, gốc mít, ngày ngày được nghe những lời ru thấm đượm tình người và những bài học làm người từ người cha già, nỗi trăn trở, nỗi đau của một người dân mất nước, đã dần hình thành một người thanh niên giàu lòng yêu nước, quyết tâm giành độc lập cho đất nước. Và giữa những ngày bôn ba kết giao tình đồng chí ấy ông đã gặp được Nguyễn Ái Quốc – vị lãnh tụ cách mạng của dân tộc Việt Nam. Từ đấy con đường Võ Nguyên Giáp rẽ sang một hướng mới, con đường đấu tranh cách mạng.
Tác giả không huyền thoại hóa vị tướng mà anh hết lòng yêu mến, kính trọng. Tác giả đã chọn những lời thơ rất giản dị, chân thành để khắc họa chân dung của một thiên tài. Từng chương, từng chương một, Hoàng Bình Trọng đã dần dần dựng nên vóc dáng lịch sử của một anh hùng dân tộc, một nhà quân sự thiên tài, một nhà văn hoá lớn của đất nước.
Đường về Thăng Long
"Đường về Thăng Long" là cuốn tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Thế Quang xây dựng hình ảnh Đại tướng trên phương diện một nhà trí thức thông tuệ, lịch lãm. Tiểu thuyết lịch sử "Đường về Thăng Long" tập trung làm nổi bật hình tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong khoảng thời gian những năm đầu thế kỷ XX từ 1925 đến trước năm 1946, bằng phương pháp hồi tưởng. Tập trung khai thác giai đoạn này, tác phẩm muốn nhấn mạnh vào tâm thế của người tìm đường – chọn đường – nhận đường trong một thời điểm trọng đại của lịch sử dân tộc.
Cùng với việc xây dựng và khai thác nhân vật chính Võ Nguyên Giáp, tác giả còn tập trung khai thác thể hiện cuộc dấn thân vĩ đại của một thế hệ vàng, suốt đời vì nước vì dân. Một loạt các nhân vật lịch sử khác cũng hiện lên với những mức độ đậm nhạt khác nhau, nhưng đều hướng tới việc làm nổi bật chủ đề tác phẩm. Đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Trọng Kim, Nguyễn Tường Tam, Hoàng Xuân Hãn, Bảo Đại, Phạm Văn Đồng, Phan Anh, Cao Xuân Huy… Giữa các tuyến nhân vật có nhiều sự khác biệt, thậm chí mâu thuẫn, bởi những sự lựa chọn và cách nhìn nhận quan điểm khác nhau, song lịch sử đã mang tới cho chúng ta câu trả lời đúng đắn nhất: “Nhân dân chọn ai, người đó thắng bởi có dân là có tất cả”.
Trong tiểu thuyết này, ngoài việc làm nổi bật con người hành động Võ Nguyên Giáp, tác giả còn tập trung khai thác diễn biến tâm trạng, tâm lý nhân vật trong những mối quan hệ với gia đình, người thân, vợ con, bạn hữu, từ đó làm nổi bật con người Võ Nguyên Giáp - một trí thức – người anh hùng đậm chất đời, gần gũi và mến thương hơn trong cảm nhận của mỗi độc giả.
Theo Lê Anh - VOV
Cùng thời điểm, nhà văn Bích Ngân giới thiệu đến bạn đọc 3 tập sách: Anh nhớ em muốn chết!, Tiếng gọi bến bờ và Đường đến cây cô đơn, do NXB Tổng hợp ấn hành.
Nhằm giúp các bạn học sinh có một nền tảng kiến thức văn học phong phú, vững vàng, NXB Kim Đồng tổ chức biên soạn Tủ sách Văn học trong nhà trường, với sự tham gia biên soạn, tuyển chọn, bình giảng của các chuyên gia uy tín trong lĩnh vực này.
Nhằm giúp các bạn học sinh có một nền tảng kiến thức văn học phong phú, vững vàng, Nhà xuất bản Kim Đồng tổ chức biên soạn Tủ sách Văn học trong nhà trường, với sự tham gia biên soạn, tuyển chọn, bình giảng của các chuyên gia uy tín trong lĩnh vực này.
Nhìn từ phía viết văn, nghề báo giúp người làm văn chương có cảm quan hiện thực bén nhạy, tinh tế, sự dấn thân mạnh mẽ, vốn liếng ngôn từ sống động, cập nhật. Nhìn từ phía nghề báo, năng lực văn chương giúp người làm báo kỷ luật ngôn ngữ cao độ, khả năng liên tưởng dồi dào, lối viết biến hóa và linh hoạt, và nhất là khát vọng sáng tạo những tác phẩm có sức sống lâu bền.
Nói thế vì còn có Dương Tường của báo, của thơ, của văn. Nhưng Dương Tường dịch là được biết đến nhiều nhất. Nhắc tên Dương Tường, bạn đọc cả nước đều biết đó là một dịch giả. Và đều tỏ lòng khâm phục tài dịch của ông.
Sáng 6-9, tại Nhà sách Cá Chép (115 Nguyễn Thái Học, Hà Nội) đã diễn ra buổi ra mắt bản dịch đầy đủ “Hán Sở diễn nghĩa” và giới thiệu bộ sách “Hán Sở diễn nghĩa liên hoàn họa”, với sự tham gia của dịch giả Châu Hải Đường, nhà báo Yên Ba và nhà sưu tập Từ Xuân Minh.
Có một “Tây Tiến” trong thơ và cũng có một “Tây Tiến” bằng văn xuôi. Đó chính là những gì chứa đựng trong tập hồi ký “Đoàn binh Tây Tiến” của nhà thơ Quang Dũng vừa được nhà xuất bản Kim Đồng ra mắt bạn đọc. Tập hồi ký thuật lại sinh động và chi tiết quãng thời gian Quang Dũng tham gia đoàn quân Tây Tiến.
Có người trực tiếp cầm súng chiến đấu ở chiến trường, có người bước chân vào quân ngũ khi đất nước đã hòa bình. Dù ở thời bình hay thời chiến, bằng tài năng và trải nghiệm của mình, họ đã và đang được xem là những nhà văn của lính, khi mang đến những tác phẩm gợi nhớ về quá khứ hào hùng.
Hội thảo "Thơ và văn xuôi ĐBSCL 45 năm" (1975 - 2020) vừa được tổ chức tại Bến Tre ngày 26-8.
Chỉ tính riêng năm 2019, ngoài các bài viết, thơ đăng rải rác trên các báo, Nguyễn Hồng Vinh đã xuất bản hai tập sách: Xanh mãi (quý 2) và Giữ lửa tập 3 (quý 3).
Nhà văn chiến trường là những người gánh trên vai 2 sứ mệnh: chiến đấu và viết. Việc viết có thể diễn ra giữa những ngày bom rơi đạn nổ, cũng có thể sau khi đã lặng im tiếng súng. Họ viết như là một sứ mệnh không chỉ cho riêng mình. Nhà văn Đoàn Tuấn là một trong những người như vậy.
Chưa khi nào chúng ta được chứng kiến một nền văn học trẻ sôi động và không ngừng cập nhật như lúc này, cho dù đang ở tình trạng được đón chào khá nồng nhiệt nhưng lại dễ dàng bị lãng quên nhanh chóng. Có người tạo được dấu ấn nhất định, có người vẫn chưa định hướng cho bản thân và sáng tác thiếu nhiều yếu tố...
Sáng ngày 8/8, NXB Trẻ tổ chức buổi ra mắt sách của 3 nữ nhà văn – nhà báo: Võ Thị Xuân Hà với tập truyện ngắn “Chuyện của các nhân vật có thật trên đời”, Thùy Dương với tiểu thuyết “Lạc lối” và Y Ban với tập truyện ngắn “Có thể có có thể không”.
Những tác phẩm được tặng thưởng và hỗ trợ hàng năm là các công trình, bài viết lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật có chất lượng tốt được các nhà xuất bản, các báo, đài, tạp chí công bố hàng năm.
Năm nay, tổng số có 86 tác phẩm, trong đó có 37 sách, 49 bài viết và chương trình phát thanh được các cơ quan, đơn vị đề nghị xét tặng thưởng.
Phan Nhân 1972 với 400 trang sách có thể xem là cuốn hồi ký của một thế hệ học sinh trường chuyên Phan Bội Châu (thành phố Vinh, Nghệ An), còn gọi là trường Phan, được xem là trường chuyên THPT đầu tiên được thành lập tại miền Bắc Việt Nam, từ năm 1974.
Khi các trường ca: Đổ bóng xuống mặt trời, Trên đường và Ngày đang mở sáng của nhà thơ Trần Anh Thái lần lượt xuất hiện vào các năm 1999, 2004, 2007 trên thi đàn, nó ngay lập tức thu hút sự chú ý của các nhà nghiên cứu, phê bình hàng đầu cùng nhiều độc giả yêu thơ.
Cả cuộc đời nhọc nhằn với những con chữ, nhà văn - nhà báo Trần Bạch Đằng đã sống trọn vẹn với cách mạng, nghề viết và đồng đội.
Ở giai đoạn nào Hoài Thanh cũng có đóng góp quan trọng cho sự nghiệp văn học của đất nước. Mỗi bài viết của ông đều ghi nhận tài năng phê bình kiệt xuất, tấm gương sống trung thực và lao động bền bỉ.
1. Đời người trăm năm như nhau, nhà văn Tây hay ta gì gì ông Trời cũng chẳng ưu ái thêm ngày nào, vậy mà bên trời ấy thế hệ này đến thế hệ khác nảy nòi bao nhiêu tiểu thuyết gia lớn. Còn ta thì không. Tại sao?