Đại học Huế 50 năm: nhìn lại, suy ngẫm và dự phóng

10:26 28/10/2008
LTS: Đại Học Huế đang ở tuổi 50, một tuổi đời còn ngắn ngủi so với các Đại học lớn của thế giới. Nhưng so với các Đại học trong nước, Đại Học Huế lại có tuổi sánh vai với các Đại học lớn của Việt như ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Trên hành trình phát triển của mình, Đại Học Huế đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế, giáo dục, văn hoá ở miền Trung, Tây Nguyên, đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao cho khu vực và cả nước. Nhân dịp kỷ niệm này, TCSH phân công ông Bửu Nam, biên tập viên tạp chí, trao đổi và trò chuyện với PGS.TS. Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc Đại Học Huế. Trân trọng giới thiệu với bạn đọc cuộc trò chuyện này.


Bửu (BN): Thưa ông, ông có thể cho biết Đại Học Huế phát triển qua những chặng đường lớn nào trong 50 năm qua?
PGS.TS. Nguyễn Văn Toàn (NVT): Theo tôi, nhìn đại thể, Đại Học Huế đã trải qua ba chặng đường lớn: chặng thứ nhất từ 1957 đến 1975, chặng thứ hai từ 1975 đến 1994, chặng thứ ba từ 1994 cho đến nay. Ở chặng thứ nhất và chặng thứ ba, Đại Học Huế tồn tại như một thể thống nhất; ở chặng thứ hai, Đại Học Huế tồn tại qua các trường  Đại Học độc lập, trực thuộc các Bộ, Ngành có liên quan.

BN: Tại sao có sự tồn tại hợp-tan-hợp như vậy thưa ông?
PGS.TS. NVT: Có lẽ do sự tồn tại của lịch sử và do quan niệm về Đại học. Thời kỳ đầu, Đại Học Huế là một trong hai Đại học ở miền được thành lập dưới chế độ cũ. Mới xuất hiện nó đã tồn tại như một Viện Đại Học với nhiều khoa: Y Khoa, Văn Khoa, Khoa Học, Luật Khoa, Khoa Sư Phạm... Điều đó, phần nào cũng do quan niệm này chịu ảnh hưởng của cách xây dựng Đại Học theo mô hình Âu-Mỹ. Thời kỳ thứ hai, sau giải phóng và thống nhất, mô hình của các trường Đại học chuyên ngành độc lập, phỏng theo mô hình các nước Đông Âu và Liên Xô cũ; do đó, thời kỳ này Đại học Huế tồn tại với nhiều trường Đại học độc lập như trường Đại Học Y, trường Đại Học Sư Phạm, trường Đại Học Tổng Hợp, trường Đại Học Nông Lâm, trường Cao đẳng Mỹ Thuật... Thời kỳ thứ ba, với sự đổi mới về quan niệm Đại học tạo sự liên kết giữa các trường Đại học trên một địa bàn, một không gian, để tập trung sự chỉ đạo và đầu tư, với Nghị định 30/CP/ngày 4.4.1994 của Thủ Tướng Chính Phủ Đại Học Huế được thành lập trên cơ sở tổ chức lại các trường Đại học và Cao đẳng hiện có ở Huế thành một thể thống nhất mới như một Đại học trọng điểm vùng của quốc gia, một Đại học đa ngành, đa lĩnh vực, có quy mô lớn.

BN: Như vậy, hình như Đại Học Huế phát triển theo quy luật phủ định biện chứng?
PGS.TS. NVT: Có lẽ vậy. Thoạt nhìn thì sự phát triển qua các chặng đường có vẻ mâu thuẫn, nhưng mỗi giai đoạn là một sự phát triển cao hơn cả về lượng lẫn về chất so với giai đoạn trước đó.

BN: Ông nhận định và đánh giá như thế nào về chặng đường đầu tiên của  Đại Học Huế, đâu là điểm nhấn của giai đoạn này?
PGS.TS. NVT: Viện Đại Học Huế được thành lập sau Viện Đại Học Sài Gòn một năm, vào năm 1957. Lúc đó Đại học Huế là một trong hai Viện Đại học lớn của miền , sau này mới xuất hiện các Viện Đại Học Đà Lạt, Cần Thơ... Trong 18 năm tồn tại ở chặng đường này, theo tôi, một cách khách quan mà nói, Đại Học Huế đã đảm nhận tương đối được vai trò đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao cho miền Trung và Tây Nguyên. Hàng ngàn giáo viên, bác sĩ, kỹ sư, luật sư, văn nghệ sĩ... thuộc các lĩnh vực khoa học tự nhiên, xã hội nhân văn, được Viện Đại Học Huế đào tạo đã đóng góp một phần quan trọng vào sự phát triển các lĩnh vực văn hoá, giáo dục, kinh tế của khu vực. Trong số đội ngũ được đào tạo đó, có nhiều người đã vươn lên thành đạt và có tiếng tăm trong lĩnh vực của mình, trở thành những chuyên gia đầu ngành. Công bình mà nói, thành tựu các mặt của Đại Học Huế ở chặng này đã tạo tiền đề cho sự phát triển ở cấp độ mới ở các giai đoạn sau.

BN: Trong giai đoạn này, còn có sự xuất hiện của phong trào yêu nước của sinh viên Huế, ông nhìn nhận ra sao về phong trào này?
PGS.TS. NVT: Tôi cho đây là điểm nhấn, một vết son của Đại Học Huế. Tôi đánh giá cao vai trò của phong trào sinh viên Huế trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước. Phong trào yêu nước của tuổi trẻ Huế hoạt động sôi nổi, rầm rộ, liên tục từ khi Đại Học Huế được thành lập, nhưng đặc biệt từ 1963 đến 1975. Nó tiêu biểu cho bản lĩnh, khí phách, khát vọng của sinh viên Huế. Không chỉ tôi đánh giá cao, mà chính Nhà Nước khi trao Huân Chương Độc Lập hạng 3 cho Đại Học Huế vào năm 1997, chủ yếu là công nhận thành tích của phong trào sinh viên này. Đây cũng là một truyền thống tốt đẹp mà Đại Học Huế trân trọng, giữ gìn và phát huy: đào tạo sinh viên không chỉ có chuyên môn vững mà còn phải có lòng yêu nước, sống có bản lĩnh, có khí phách.

BN: Còn ở chặng thứ hai, Đại Học Huế “tồn tại” trong sự phân tán thành nhiều trường Đại học độc lập. Ông nhận xét gì về chặng đường này?
PGS.TS. NVT: Ở chặng đường này, theo tôi cũng là một mốc hết sức quan trọng trong sự phát triển của Đại Học Huế. Các trường Đại học như trường Y, trường Sư Phạm, trường Nông Lâm, trường Tổng Hợp... hoạt động độc lập, tự chủ, trực thuộc các Bộ, Ngành có liên quan như Bộ Y Tế, Bộ Giáo Dục, Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Đại Học và THCN... Lúc này các trường với sự tự chủ cao và đầy sáng tạo, nhờ sự chi viện về đội ngũ của các trường Đại học miền Bắc đã vươn lên với một nỗ lực phi thường, vượt những hoàn cảnh cực kỳ khó khăn lúc đó như ông biết, với đủ mọi thứ thiếu thốn, đặc biệt là về vật chất, nhưng các trường Đại học vẫn tạo dựng một đội ngũ giáo viên và đội ngũ quản lý, có thể đảm đương được nhiệm vụ khá vững vàng, một cơ sở vật chất tương đối tốt. Đặc biệt các trường Đại học hoạt động hết sức cơ động và linh hoạt.
Có thể nói các trường Đại học đã phát triển với quy mô rộng lớn về đội ngũ và cả cơ sở vật chất so với chặng thứ nhất. Ở giai đoạn này, các trường Đại học tiếp tục đóng góp nguồn nhân lực trình độ cao cho miền Trung, Tây Nguyên và một phần ở miền . Mỗi trường đều chú ý đến chất lượng đào tạo và đều có thương hiệu riêng, đóng góp vào thương hiệu chung của Đại Học Huế ở giai đoạn sau.

BN: Nhưng có lẽ chặng đường từ 1994 đến nay là chặng quan trọng nhất, phải không thưa ông?
PGS.TS. NVT: Vâng, như đã nói ở trên, giai đoạn này là tập đại thành của hai chặng trước, một giai đoạn phát triển mới và cao hơn. Nó vừa khắc phục những nhược điểm của giai đoạn trước, là các trường hoạt động thiếu liên kết không tận dụng được đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất một cách hợp lý, vừa phát huy sức mạnh tổng hợp của thể thống nhất. Hơn nữa, lúc này Đại Học Huế được Nhà Nước tập trung chỉ đạo như là một Đại học trọng điểm vùng, được tạo điều kiện tốt hơn trong hợp tác quốc tế và được phân cấp quản lý.
Đại Học Huế từ nay được xác định như là một Đại học đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao. Trong 12 năm này Đại Học Huế không ngừng mở rộng các ngành nghề đào tạo. Hiện nay đã mở được 80 ngành đào tạo bậc cử nhân đại học, 59 chuyên ngành đào tạo cao học, 22 chuyên ngành đào tạo tiến sĩ. Dựa vào cơ sở các trường Đại học đã có sẵn, Đại Học Huế đã mở thêm các trường Đại Học mới: trường Đại Học Kinh Tế, trường  Đại Học  Ngoại Ngữ, Phân hiệu Đại Học Huế ở tỉnh Quảng Trị và các trung tâm đào tạo nghiên cứu khoa học trực thuộc, như: Trung Tâm Đào tạo Từ xa, mà địa bàn hoạt động là trong cả nước, Trung Tâm Học Liệu, Tài Nguyên Môi Trường và Công Nghệ Sinh học...

Có ba thành tựu về cơ sở vật chất đáng chú ý nhờ sự hợp tác quốc tế: đó là Trung Tâm Học Liệu Đại học, khai trương vào tháng 3/2004, được sự đồng tài trợ của Quỹ Đông Tây Hội Ngộ và Đại Học RMIT, và Hạ Tầng Công Nghệ Thông Tin, tiếp nhận dự án tài trợ của Ngân Hàng Thế Giới, và cuối cùng là Bệnh Viện Đại Học Y Khoa Huế, một bệnh viện khám, chữa bệnh và đào tạo với công nghệ và chất lượng khá cao và tiên tiến.
Còn về đội ngũ cán bộ giảng dạy, Đại Học huế tự hào có một đội ngũ khá hùng hậu so với các Đại học vùng hiện nay với 1517 cán bộ giảng dạy mà trong số đó có một đội ngũ chất lượng cao gồm 288 Tiến sĩ, 80 Phó giáo sư, 50 Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú, 635 Thạc sĩ, 518 Giảng viên cao cấp và Giảng viên chính. Chính đội ngũ giảng dạy có chất lượng này cho phép Đại Học Huế đào tạo mở rộng quy mô ngành, nghề và đào tạo chuyên sâu các chuyên ngành cao học và tiến sĩ.

BN: Theo ông, đâu là thế mạnh, đâu là khó khăn lớn nhất của Đại Học Huế hiện nay?
PGS.TS. NVT: Theo tôi, thế mạnh thứ nhất là Đại Học Huế vừa phát huy được sức mạnh vốn có của các trường Đại học thành viên vừa tạo ra sự liên thông, kết nối các trường với nhau, đặc biệt trong sự đào tạo các môn cơ bản chung: như dạy và học các môn Mác-Lênin, ngoại ngữ, giáo dục thể chất và quốc phòng, hình thành các hoạt động nghiên cứu khoa học đa lĩnh vực...
Thế mạnh thứ hai là với quy mô lớn của Đại Học Huế, tập trung được sự đầu tư Nhà Nước, thúc đẩy được sự hợp tác quốc tế tốt hơn và có điều kiện thuận lợi trong việc mở rộng việc đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, đặc biệt là mở các ngành đào tạo sau đại học.

Thế mạnh thứ ba là nhờ cơ sở vật chất và đội ngũ sẵn có nên thuận lợi hơn để thành lập các đơn vị mới: Đại Học Kinh Tế, Đại Học Ngoại Ngữ, Trung Tâm Đào tạo Từ xa, Phân hiệu Đại Học Huế ở Quảng Trị...
Nhưng thế mạnh cơ bản nhất là Đại Học Huế đã có một “thương hiệu”, và là một “địa chỉ đào tạo có uy tín” gắn với đội ngũ thầy cô giáo có trình độ, có nhiệt tâm, tận tuỵ. Vả lại Đại Học ở trong một môi trường “địa - văn hóa” có truyền thống sinh viên nổi tiếng là hiếu học, chăm học. Học với nỗ lực vượt khó, vượt nghèo. Học bằng mọi cách...

BN: Còn khó khăn?
PGS.TS. NVT: Khó khăn cơ bản nhất theo tôi là nguồn lực đầu tư của Nhà Nước còn ít, chưa tương xứng với vai trò, nhiệm vụ và vị trí của một Đại học vùng trọng điểm quốc gia, vả lại nguồn lực và kinh phí còn tăng chậm, chưa tạo một chuyển biến cơ bản và thuyết phục đối với các trường Đại học thành viên, để tạo ra một sự phấn khởi và sức bật mạnh hơn từ các trường này. Học phí của sinh viên theo quy định hiện nay chỉ hơn 100 USD trên một sinh viên trong một năm là quá thấp và giới hạn, và cũng bởi đây là vùng đất mà sinh viên còn nghèo và tỷ lệ miễn giảm cao cũng là một khó khăn trong vấn đề kinh phí.

Khó khăn thứ hai là chủ trương của Nhà Nước và Bộ Giáo Dục-Đào Tạo phân cấp mạnh mẽ và trao quyền tự chủ cho Đại học vùng như Đại Học Huế nhưng còn chậm thể chế hoá và cơ chế hoá, chậm hoàn thiện nên hoạt động và vận hành của Đại Học Huế trong mối quan hệ với Bộ và các trường thành viên có lúc còn lúng túng, mọi việc từ xây dựng cơ bản đến một số vấn đề cụ thể trong đào tạo... đều phải đợi phê duyệt. So với hai Đại Học Quốc Gia là ĐHQG Hà Nội và ĐHQG TP.Hồ Chí Minh, Đại Học Huế thiệt thòi về cả nguồn lực đầu tư của Nhà Nước và cơ chế hoạt động tự chủ mà các Đại học nước ngoài gọi là “quyền tự trị đại học”.

BN: Vậy theo ông, nên có cách giải quyết ra sao?
PGS.TS. NVT: Thứ nhất, đề nghị Chính phủ tăng cường đầu tư cho Đại Học Huế xứng đáng với Đại học trọng điểm của vùng. Nếu Chính phủ đầu tư cho Đại học Quốc gia ở hai đầu tổ quốc như Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh mười, thì Đại Học Huế cũng nên được bảy, tám, chí ít cũng sáu, bảy mới có cơ phát triển mạnh được. Thứ hai chúng tôi đề nghị cho Đại Học Huế một cơ chế tự chủ cao như Đại Học Quốc gia bằng thể chế hoá, cơ chế hoá chứ không chỉ bằng chủ trương chung, đặc biệt là cơ chế quản lý tài chính, tài sản.

BN: Một câu hỏi tế nhị: Thưa ông, Đại học Huế có nhiều trường thành viên như Đại học Y, Tổng Hợp, Sư Phạm, Nông Lâm, Kinh Tế, Ngoại Ngữ... một số người cho tôi biết, quan hệ giữa lãnh đạo Đại Học Huế và lãnh đạo các trường thành viên vẫn còn một số vướng mắc, có vấn đề “tâm sự”. Do vậy, hoạt động của Đại Học Huế chưa đạt hiệu quả tối ưu, chưa khơi dậy hết các tiềm năng của các trường. Ông nghĩ sao về điều đó, và theo ông cách giải quyết ra sao?
PGS.TS. NVT: Tôi luôn quan niệm mỗi trường thành viên mạnh là Đại Học Huế mạnh và ngược lại. Quan hệ đó mang tính biện chứng. Như tôi đã nói trước đây, ở chặng thứ hai các trường hoạt động độc lập, tự chủ cao, nhưng ở chặng thứ ba họ phải gia nhập trong một thể thống nhất, do vậy phải chịu sự ràng buộc và chịu sự lãnh đạo của Đại Học Huế. Trong quá trình hoạt động của Đại Học Huế từ 1994 đến nay, đôi lúc, đôi chỗ có vướng mắc, có “tâm sự” đó là điều có thể hiểu được. Vấn đề là phải tạo một cơ chế vận hành tốt, được sự đồng thuận chung, đảm bảo lợi ích riêng và chung, thỏa mãn được các bên. Gần đây, Đại Học Huế đã phân cấp mạnh về nhiều mặt, tăng cường tính tự chủ, tự trị nhất định cho các trường. Đại Học Huế chỉ giữ những cái chung tối cần đảm bảo cho sự thống nhất của Đại Học Huế và chỉ tăng cường thanh, kiểm tra. Hiện nay cơ chế vận hành đã tốt và thoáng hơn nhiều. Theo tôi cách giải quyết tốt nhất là xây dựng một cơ chế hợp lý được sự đồng thuận, tăng cường sự đối thoại giữa các bên dưới nguyên tắc dân chủ và tập trung, một sự đầu tư mạnh hơn của Nhà nước cho Đại Học Huế...

BN: Từ những suy nghiệm về quá khứ và hiện tại, bao giờ cũng dự phóng về tương lai, vậy ông có thể cho biết những dự định của Đại Học Huế trong chặng đường sắp tới, nhất là khi Việt Nam mới vừa gia nhập WTO?
PGS.TS. NVT: Để xứng đáng với uy tín của một Đại học trong 50 năm qua, để tiến tới một tương lai hơn hẳn hôm qua, Đại Học Huế chúng tôi đã có những chiến lược và bước đi, lộ trình cụ thể nhằm tiệm cận với các Đại học tiên tiến trên thế giới, để hiện đại hoá, nâng cấp, nâng chuẩn Đại học của mình.
Thứ nhất, trong lĩnh vực đào tạo đại học và sau đại học, chúng tôi đang nỗ lực phấn đấu theo hướng hiện đại hoá gắn với chất lượng cao như áp dụng hệ thống đào tạo tín chỉ một cách thích hợp và cẩn trọng, và trong tương lai xa còn chú ý xây dựng mô hình đại học điện tử (e-university) với những bước đi hợp lý, phấn đấu một số ngành trong các lĩnh vực đào tạo đạt chuẩn quốc tế. Một mặt khác, chúng tôi còn dự định sẽ đào tạo “theo yêu cầu”, “theo địa chỉ”, nhằm tăng cường tính linh hoạt trong việc đào tạo nguồn nhân lực cần thiết.
Thứ hai, chúng tôi đẩy mạnh việc nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ gắn với đặc thù khu vực, kết hợp đào tạo và nghiên cứu một cách tương xứng, khắc phục việc chỉ dạy mà lơ là và chưa chú trọng thích đáng cho việc nghiên cứu khoa học và nhằm phục vụ cho việc phát triển kinh tế xã hội khu vực và cả nước. Chúng tôi phấn đấu vài năm nữa xây dựng Trung tâm chuyển giao công nghệ nhiều chiều, đặc biệt là nỗ lực tạo ra sản phẩm công nghệ mang thương hiệu Đại Học Huế.
Thứ ba, chúng tôi đã có chiến lược xậy dựng đội ngũ đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, hài hoà về cơ cấu, có trình độ chuyên môn và nghiệp vụ tương xứng với Đại học vùng trọng điểm.
Thứ tư, chúng tôi chú trọng và đẩy mạnh việc tăng cường hợp tác quốc tế với các các Đại học và các tổ chức quốc tế trong khu vực và trên thế giới như một trong những nhiệm vụ hàng đầu để hiện đại hoá Đại Học Huế và trong một số năm tới có khả năng chúng tôi tính toán mở rộng việc liên doanh, liên kết để đào tạo gắn với chuẩn quốc tế và cũng nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cũng như chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học lên một tầm cao mới.
Thứ năm, chúng tôi đang cố gắng vận động mọi nguồn lực để xây dựng một hệ thống cơ sở vật chất theo hướng hiện đại, tiên tiến, đáp ứng cho các nhiệm vụ trên.
Tóm lại, chúng tôi đang nỗ lực xây dựng một thương hiệu Đại Học Huế có uy tín, có chất lượng càng ngày càng cao.

BN: Ông nghĩ sao về việc kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế?
PGS.TS. NVT: Chúng tôi đang thực hiện việc kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia của Bộ, và trong một vài năm nữa, nếu có điều kiện chúng tôi sẽ phối hợp với một tổ chức kiểm định quốc tế để đánh giá thực lực hiện có của Đại Học Huế để từ đó có kế hoạch cụ thể nâng chuẩn các mặt và như một tiền đề quan trọng để từ đó phấn đấu thực hiện các dự định đã nêu.

BN: Ông tin rằng tất cả những dự định đó sẽ được thực hiện chứ?
PGS.TS. NVT: Tất cả còn phụ thuộc nhiều điều kiện khách quan và chủ quan, nhưng với niềm tin vào bản lĩnh, trí tuệ và quyết tâm của Ban Lãnh đạo Đại Học Huế và các trường thành viên, cũng như sức bật và lòng nhiệt thành của đội ngũ cán bộ của Đại Học Huế, với những bước đi khéo léo, khôn ngoan trong đối ngoại và đối nội, chúng tôi tin một phần lớn các dự định đó sẽ được thực hiện.

BN: Ông có muốn phát biểu gì thêm về Lễ Kỷ niệm 50 năm xây dựng và phát triển Đại Học Huế không?
PGS.TS. NVT: Tôi cho rằng Lễ Kỷ niệm này rất quan trọng, nó là cái mốc đánh dấu một hành trình dài đã qua để dự phóng một chặng đường kế tiếp sẽ đi. Đây cũng là dịp để các thế hệ thầy. trò Đại Học Huế giao lưu, gặp gỡ, trở lại mái trường xưa, ôn lại kỷ niệm, các truyền thống tốt đẹp như hiếu học, dấn thân phục vụ xã hội, say mê và tận tuỵ về khoa học, vì sự thật và công lý... Đây cũng là một dịp để các thế hệ sinh viên đã ra trường và có vị thế xã hội ở trong nước và ở nước ngoài đóng góp thêm trí tuệ và vật lực, tài chính để giúp Đại Học Huế phát triển xứng tầm của nó.
BN: Xin cám ơn ông. Mong cho tất cả các dự định của ông và Đại Học Huế đều có kết quả tốt đẹp.
                                     BỬU thực hiện

(nguồn: TCSH số 218 - 04 - 2007)

 

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • HÀ MINH ĐỨC                   Ký Sau chặng đường dài, vượt qua nhiều đồi núi của vùng Quảng Bình, Quảng Trị, khoảng 3 giờ chiều ngày 25/9/2003, đoàn chúng tôi về đến thành phố Huế. Xe chạy dọc bờ sông Hương và rẽ vào khu vực trường Đại học Sư phạm Huế. Anh Hồ Thế Hà, Phó Chủ nhiệm khoa Văn; chị Trần Huyền Sâm, giảng viên bộ môn Lý luận văn học cùng với các em sinh viên ra đón chúng tôi. Nữ sinh mặc áo dài trắng và tặng các thầy những bó hoa đẹp.

  • BĂNG SƠN           Tuỳ bútDòng sông Hồng Hà Nội là nguồn sữa phù sa và là con đường cho tre nứa cùng lâm sản từ ngược về xuôi. Dòng sông Cấm Hải Phòng là sông cần lao lam lũ, hối hả nhịp tầu bè. Dòng sông Sài Gòn của thành phố Hồ Chí Minh là váng dầu ngũ sắc, là bóng cần cẩu nặng nề, là những chuyến vào ra tấp nập... Có lẽ chỉ có một dòng sông thơ và mộng, sông nghệ thuật và thi ca, sông cho thuyền bềnh bồng dào dạt, sông của trăng và gió, của hương thơm loài cỏ thạch xương bồ làm mê mệt khách trăm phương, đó là sông Hương xứ Huế, là dòng Hương Giang đất cố đô mấy trăm năm, nhưng tuổi sông thì không ai đếm được.

  • PHAN THUẬN THẢO                Chiều chiều trước bến Vân Lâu                Ai ngồi, ai câu, ai sầu, ai thảm,                Ai thương, ai cảm, ai nhớ, ai trông.                Thuyền ai thấp thoáng bên sông,                Đưa câu Mái đẩy chạnh lòng nước non.                                              (Ưng Bình Thúc Giạ)

  • LÃNG HIỂN XUÂNChẳng hiểu sao, từ thuở còn thơ ấu, tôi đã có một cảm nhận thật mơ hồ nhưng cũng thật xác tín rằng: Chùa chính là nơi trú ngụ của những ông Bụt hay bà Tiên và khi nào gặp khó khăn hay đau khổ ta cứ đến đó thì thế nào cũng sẽ được giải toả hay cứu giúp!

  • BÙI MINH ĐỨCNói đến trang phục của các Cụ chúng ta ngày xưa là phải nhắc đến cái búi tó và cái khăn vấn bất di bất dịch trên đầu các Cụ. Các Cụ thường để tóc dài và vấn tóc thành một lọn nhỏ sau ót trông như cái củ kiệu nên đã được dân chúng đương thời gọi là “búi tó củ kiệu”. Ngoài cái áo lương dài, cái dù đen và đôi guốc gỗ, mỗi khi ra đường là các Cụ lại bối tóc hình củ kiệu và vấn dải khăn quanh trên đầu, một trang phục mà các cụ cho là đứng đắn nghiêm trang của một người đàn ông biết tôn trọng lễ nghĩa. Trang phục đó là hình ảnh đặc trưng của người đàn ông xứ ta mãi cho đến đầu thế kỷ thứ 20 mới bắt đầu có nhiều biến cải sâu đậm

  • MAO THUỶ THANH (*)Tiếng hát và du thuyền trên sông Hương là nét đẹp kỳ thú của xứ Huế. Trên sông Hương có hai chiếc cầu bắc ngang: cầu Phú Xuân và cầu Trường Tiền nhưng trước đây người dân Huế thường có thói quen đi đò ngang. Bến đò ở dưới gốc cây bồ đề cổ thụ, nằm đối diện với trường Đại học Sư phạm Huế. Một hôm, tôi và nữ giáo sư Trung Quốc thử ngồi đò sang ngang một chuyến. Trên đò đã có mấy người; thấy chúng tôi bước xuống cô lái đò áp đò sát bến, mời chúng tôi lên đò.

  • VÕ NGỌC LANBuổi chiều, ngồi trên bến đò Quảng Lợi chờ đò qua phá Tam Giang, tôi nghe trong hư vô chiều bao lời ru của gió. Lâu lắm rồi, tôi mới lại được chờ đò. Khác chăng, trong cảm nhận tôi lại thấy bờ cát bên kia phá giờ như có vẻ gần hơn, rõ ràng hơn.

  • HỒNG NHUTôi vẫn trộm nghĩ rằng: Tạo hóa sinh ra mọi thứ: đất, nước, cây cỏ chim muông... và con người. Con người có sau tất cả những thứ trên. Vì vậy cỏ cây, đất nước... là tiền bối của con người. Con người ngoài thờ kính tổ tiên ông bà cha mẹ, những anh hùng liệt sĩ đã mất... còn thờ kính Thần Đất, Thần Nước, Thần Đá, Thần Cây...là phải đạo làm người lắm, là không có gì mê tín cả, cho dù là con người hiện đại, con người theo chủ nghĩa vô thần đi nữa! Chừng nào trên trái đất còn con người, chừng đó còn có các vị thần. Các vị vô hình nhưng không vô ảnh và cái chắc là không vô tâm. Vì sao vậy? Vì các vị sống trong tâm linh của con người, mà con người thì rõ ràng không ai lại tự nhận mình là vô tâm cả.

  • MẠNH HÀTôi không sinh ra ở Huế nhưng đã có đôi lần đến Huế, khác với Hà Nội hay Thành phố Hồ Chí Minh, Huế có nét trầm lắng, nhẹ nhàng, mỗi lần khi đến Huế tôi thường đi dạo trên cầu Trường Tiền, ngắm dòng Hương Giang về đêm, nghe tiếng ca Huế văng vẳng trên những chiếc thuyền rồng du lịch thật ấn tượng. Cho đến nay đã có biết bao bài thơ, bài hát viết về Huế thật lạ kỳ càng nghe càng ngấm và càng say: Huế đẹp, Huế thơ luôn mời gọi du khách.

  • VÕ NGỌC LANNgười ta thường nói nhiều về phố cổ Hội An, ít ai biết rằng ở Huế cũng có một khu phố cổ, ngày xưa thương là một thương cảng sầm uất của kinh kỳ. Đó là phố cổ Bao Vinh. Khu phố này cách kinh thành Huế chừng vài ba cây số, nằm bên con sông chảy ra biển Thuận An. Đây là nơi ghe, thuyền trong Nam, ngoài Bắc thường tụ hội lại, từ cửa Thuận An lên, chở theo đủ thứ hàng hoá biến Bao Vinh thành một thương cảng sầm uất vì bạn hàng khắp các chợ trong tỉnh Thừa Thiên đều tập trung về đây mua bán rộn ràng.

  • NGUYỄN XUÂN HOATrước khi quần thể di tích cố đô Huế được công nhận là di sản văn hoá thế giới, thành phố Huế đã được nhiều người nhìn nhận là một mẫu mực về kiến trúc cảnh quan của Việt Nam, và cao hơn nữa - là “một kiệt tác bài thơ kiến trúc đô thị” như nhận định của ông Amadou Mahtar  M”Bow - nguyên Tổng Giám đốc UNESCO trong lời kêu gọi tháng 11-1981.

  • DƯƠNG PHƯỚC THU                       Bút kýXứ Thuận Hóa nhìn xa ngoài hai ngàn năm trước, khi người Việt cổ từ đất Tổ Phong Châu tiến xuống phía Nam, hay cận lại gần hơn bảy trăm năm kể từ ngày vua Trần Anh Tông cho em gái là Huyền Trân Công chúa sang xứ Chàm làm dâu; cái buổi đầu ở cương vực Ô Châu ác địa này, người Việt dốc sức tận lực khai sông mở núi, đào giếng cày ruộng, trồng lúa tạo vườn, dựng nhà xây đình, cắm cây nêu trấn trị hung khí rồi thành lập làng xã.

  • TRƯƠNG THỊ CÚCSông Hương, một dòng sông đẹp, sôi nổi với những ghềnh thác đầu nguồn, mềm mại quàng lấy thành phố như một dải lụa, hài hoà tuyệt diệu với thiên nhiên xinh đẹp và hệ thống thành quách, cung điện, lăng tẩm, đền chùa; với hàng trăm điệu hò, điệu lý; với những ngày hội vật, hội đua trải, đua ghe; với mảnh vườn và con người xứ Huế, là nguồn cảm hứng vô tận của người nghệ sĩ, thu hút sự say mê của nhiều khách phương xa. Không những là một dòng sông lịch sử, sông Hương còn là không gian văn hoá làm nẩy sinh những loại hình nghệ thuật, những hội hè đình đám, là không gian của thi ca, nhạc hoạ, là dòng chảy để văn hoá Huế luân lưu không ngừng.

  • TÔN NỮ  KHÁNH TRANG              Khi bàn về văn hoá ẩm thực, người ta thường chú trọng đến ẩm thực cung đình, hay dân gian, và chủ yếu đề cập đến sinh hoạt, vai trò, địa vị xã hội... hơn là nghĩ đến hệ ẩm thực liên quan đến đời sống lễ nghi.

  • TRƯƠNG THỊ  CÚC• Bắt nguồn từ những khe suối róc rách ở vùng núi đại ngàn A Lưới - Nam Đông giữa Trường Sơn hùng vỹ, ba nhánh sông Tả Trạch, Hữu Trạch và nguồn Bồ đã lần lượt hợp lưu tạo thành hệ thống sông Hương, chảy miên man từ vùng núi trung bình ở phía đông nam A Lưới, nam Nam Đông, băng qua những dãy núi đồi chập chùng ở Hương Thuỷ, Hương Trà, Phong Điền rồi xuôi về đồng bằng duyên hải, chảy vào phá Tam Giang để đổ nước ra biển Đông.

  • NGUYỄN KHẮC MAIỞ xứ Huế có những tên làng quê mà nghĩa của chúng vẫn còn là sự ám ảnh kiếm tìm giải thích, chắc chắn chúng phải có nghĩa cụ thể nào đó. Người xưa không bao giờ đặt tên một vùng đất mà chẳng có nghĩa gì cả cứ như là người Mã Lai họ đặt tên vùng đất kinh đô cũng lần ra cái nghĩa đó là “cửa sông bùn lầy” (Kua-la-lăm-pua). Những cái tên như Kim Long, An Hoà, Dương Xuân, Phú Tài, Phú Mậu thì những ai có chút hiểu biết chữ Hán đều có thể lần tìm ý nghĩa. Nhưng có những cái tên làng quê thật khó đoán được cái nghĩa của chúng.

  • BÙI MINH ĐỨC Ngày nay, hễ nói đến đường để nấu chè là ai ai ở Huế cũng nghĩ đến đường cát trắng, đến thứ đường bột trắng tinh đã được tinh lọc do các nhà máy đường tân tiến sản xuất. Có người cũng còn nhớ đến đường phèn để chưng với chanh ăn khi bị ho, hoặc đường tinh thể là thứ đường đặc biệt màu vàng dùng để uống với cà phê cho thêm phần đậm đà. Nhưng chẳng ai có thể nhắc đến chiếc bánh đường đen ở Huế của thuở nào.

  • NGUYỄN TIẾN VỞNKinh Dịch (Chu Dịch) là sách về sự biến đổi. Dịch, nói gọn lại là biến đổi. Tinh thần xuyên suốt của Kinh Dịch là quy luật chuyển dời, biến hoá của vạn vật trong cõi trời đất. Mọi vật, bất kể to lớn như vũ trụ, hay nhỏ nhoi như các nguyên tử, đều không bao giờ đứng yên. Mọi sự, từ chuyện người có thể biết đến chuyện chỉ trời đất biết, cũng vận động biến hoá khôn lường.

  • PHAN THUẬN AN            Dạ thưa xứ Huế bây giờ,Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương.                                              (Bùi Giáng)

  • NGUYỄN VĂN THỊNHCũng như trên cả nước, trước cách mạng tháng Tám, làng (tên gọi chữ Hán là xã), ở Thừa Thiên Huế là một đơn vị cơ bản trong tổ chức hành chính của các vương triều.