Cuội

08:55 04/12/2009
MAI HUY THUẬTNằm cuộn tròn trong cái rọ lợn Cuội mới có thì giờ ngẫm nghĩ về cái thân phận của mình. Cả cuộc đời dối trá, lừa gạt bây giờ bị tù hãm sau mấy cái nan tre tưởng như mong manh thế mà càng cựa quậy càng trầy da rách áo, không thể nào thoát được.

Minh họa: Ngô Lan Hương

Các bà đi chợ tết về đang chuyện trò râm ran, nói cười hả hê bởi vừa mua được mớ lá dong rẻ hay vừa bán gọn một ổ trứng gà để tậu con cá chép vàng về làm ngựa cho ông Táo lên Giời. Họ đâu có biết trong luống ngô sát bờ sông này có thằng Cuội, cái thằng ranh con hôm qua còn lừa bà Mơ bỏ cả rổ táo đổ tung tóe trên đường cho nó điềm nhiên ngồi chấm muối ớt, vừa ăn vừa sằng sặc cười vì một cú lừa ngoạn mục khi nó làm bộ hớt ha hớt hải: “Bà có về mau không thằng cu nhà bà ngã xuống giếng kia kìa”.

Cái rọ chú nó đặt ở tư thế chênh vênh sát bờ sông dốc tuồn tuột, chỉ một cái cựa mạnh là đủ lăn tòm xuống sông và như thế là... hết! Trong khi đó, dòng sông mùa xuân vẫn chảy thao thiết, dòng sông quê có rất nhiều buổi chiều nó cùng anh em thằng Nong, thằng Nia, thằng Dậm, thằng Vó tồng ngồng đứng trên lưng trâu, lùa đàn trâu qua cánh đồng bên kia chơi tập trận. Những cuộc chơi say mê làm cả bọn quên phắt những con vật mà chúng có nhiệm vụ chăn dắt để cả đàn trâu ùa vào gặm lúa nhà ông Chánh Hổ - ruộng lúa mơn mởn đang trổ đòng đòng. Trong những cuộc chơi ấy, Cuội luôn là đứa nghĩ ra những mẹo khôn ngoan nhất để chạy tội, mặc cho lũ thằng Nong, thằng Nia gào thét lạy van, mặc lão Chánh Hổ giang thẳng tay quất chúng nó tướp cả chục cái roi mây. Còn Cuội, Cuội lẳng lặng lùa trâu xuống ngòi, ém kín trong đám bèo Nhật Bản hoa tím như một sự mơ màng. Ngoài cửa ngòi là bến đò, ở đấy có đứa con gái má lúm đồng tiền, mắt lá dăm mà nó say nghiêng ngả. Đó là con Thắm, con gái một của lão lái đò. Đã mấy lần nó nghe bố cái Thắm rít qua kẽ răng: “Mày mà xớ rớ với thằng Cuội, cái thằng mất cha mất mẹ ấy thì tao giết! Mới nứt mắt đã... Cứ liệu liệu cái thần hồn!”.

Thắm ơi! Chiều đến nơi rồi, tôi chết đến nơi rồi, em còn đưa đò làm gì nữa! Nếu chú tôi về nhà tìm quyển sách ước của tôi mà không thấy, nếu ông ấy biết tôi lại lừa ông ấy thì ông ấy sẽ “phi” thẳng ra đây và thẳng tay lăn tôi xuống sông như lăn một hòn đá. Thắm ơi! chiều đẹp thế hay sao mà em cứ véo von mãi:

“Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo
Thất bát sông cũng lội, cửu thập đèo cũng qua...”

Ôi! Giá như em nghe tiếng tôi đang thầm thì gọi! Giá như lúc này em đến cởi cho tôi cái nắp rọ, cởi cho tôi sợi dây trói, nhất định tôi sẽ tu tỉnh lại, chúng mình sẽ đưa nhau đi thật xa, cầy cuốc nuôi nhau. Chiều đang đẹp thế này mà chết thì phí quá Thắm ơi!

Sau bao lần lừa lọc, gây cho chú thím nó những trận thất điên bát đảo, cú lừa trưa nay đối với những người nuôi nó từ lúc nó mồ côi là không thể tha thứ.

Mà chuyện có gì đâu! Có lẽ bắt đầu từ lúc chú nó cầy xong sá cầy cuối cùng. Lúc ấy ông vừa đói vừa nhọc, còn nó, nó cứ nhởn nhơ bên cái lồng sáo dưới gốc đa. Đã mấy lần chú nó giục nó về lấy cho ông rá khoai luộc và ấm nước vối nhưng nó chỉ nghe tiếng chiêm chiếp dịu dàng của mấy con sáo non đang há mỏ đòi châu chấu. Nó bỗng giật mình nghe chú quát:

- Cuội! mày có nghe tao nói gì không?

- Dạ!

- Này thì dạ!

Sẵn roi trâu, chú nó quất cho nó một roi quắn thịt. Nó đau thì ít mà tủi thân uất ức, oán hận chú thì nhiều. Nó vừa chạy về nhà vừa khóc. Thoạt vào sân, thím nó vừa cho lợn ăn xong thấy vậy liền hỏi:

- Có gì đấy Cuội?

Như một phản xạ tự nhiên, dù là bụng nó không muốn nhưng miệng nó lại buột ra một câu làm thím nó rời rụng chân tay:

- Ối thím ơi! chú cháu bị trâu húc lòi ruột đang nằm ở ngoài ruộng kia kìa!.

Thím nó hét lên một tiếng rồi mặc cho đầu tóc rũ rượi, chạy ra đồng.

Cuội cũng quay ngoắt lại, co cẳng chạy vượt trước cả bà thím. Thấy nó ra tay không, chú hỏi:

- Khoai đâu? nước đâu?

Nó mếu máo:

- Chả biết sáng nay chú mắng mỏ gì mà thím cháu thắt cổ chết rồi! Xác đang treo lủng lẳng ở nhà đấy chú ơi!

Chú nó bỏ cả trâu, bỏ cả cầy, vùng chạy. Đến miếu thổ thần, chú thím nó đâm sầm vào nhau, cả hai cùng ngã và cùng há mồm trợn mắt: “Ơ!”, “A!”. Biết là bị thằng cháu ôn vật này lừa, chú nó điên tiết, phen này quyết không tha.


Quay lại gốc đa, ông thấy Cuội đang vắt chân chữ ngũ mơ màng. Có lẽ lúc này nó đang nghĩ đến con Thắm, con lão lái đò. Ông chú túm tóc thằng cháu dựng dậy. Cuội há mồm ú ớ rồi chắp tay lạy như tế sao. Nhưng chú nó nhất định trừng phạt nó. Ông nghĩ: thằng này bơi như rái cá, quẳng nó xuống sông cũng bằng thừa, giết nó trên cạn thì ông không có gan, vả lại trong tay ông chỉ có mỗi cái roi cầy! May sao có bà hàng xóm đi bán lợn về qua, đầu đòn gánh còn đeo cái rọ không. Ông chú xin lại chiếc rọ, nhốt Cuội vào trong và nghĩ chỉ bằng cách này, lát nữa lăn thằng cháu xuống sông thì nó hết cựa. Làm xong cái việc cực nhọc ấy, ông chú ngồi thở. Vừa thở vừa buồn. Anh chị ông chết đi để lại cho ông thằng Cuội với một lời trăn trối: “Nó là giọt máu cuối cùng của họ nhà ta, chú thím cố gắng nuôi dạy cháu nên người. Nếu không cho cháu được học hành tử tế thì cũng đừng để cháu hư hỏng...”

Trời ơi! chả lẽ ta lại giết cháu ta sao? Mặc dầu mày là đứa bất trị, đã gây ra bao chuyện tầy trời, náo loạn cả hàng xóm nhưng Cuội ơi! chú nỡ lòng nào...

Đang xót xa vì những suy nghĩ u uất ấy, người chú bỗng nghe thằng cháu van vỉ:

- Chú ơi! nghĩa tử là nghĩa tận. Tội cháu làm cháu chịu, chỉ xin chú một ơn huệ cuối cùng, chú về tìm cho cháu quyển SÁCH ƯỚC.

- Sách gì? ở đâu?

- Dạ! SÁCH ƯỚC ạ. Cháu giấu đâu trong cót thóc hay trong hốc cột gì đấy, cháu không nhớ. Quyển sách này Hà Bá cho cháu, ước gì được nấy. Cháu định sau này sẽ ước cho chú thím được giàu sang ngang ông Chánh Hổ bên kia sông. Bây giờ chết đi, không có sách trả lại cho Hà Bá cháu sợ Hà Bá phạt.

Ông chú nghi ngờ:

- Mày nói có thật không?

- Dạ thật! Người sắp chết bao giờ cũng nói thật.

- Dối thì sao?

- Thì chú cứ giết cháu!

- Được, đợi đấy! Ông về tìm mà không thấy thì chết với ông!

Ông chú quay lưng đi cũng là lúc chiều đã xuống. Ở bãi dâu quãng bến đò vẫn véo von tiếng hát trong veo của Thắm: “Trúc xinh mọc bụi mọc bờ- Em xinh em đứng bến đò cũng xinh...” Cuội nghe mà lòng dạ cồn cào, đành nhắm mắt đợi cái giây bất hạnh nhất đang đến mỗi lúc một gần.

Bỗng có ai đá phải cái rọ và tiếng suýt soa:

- Quái! bà nào lại để quên cái rọ lợn giữa đường đi lối lại như thế này?

Cuội choàng mở mắt, bực mình:

- Mẹ cha thằng nào đá vào ông đấy?

- Dạ, tôi là Xẩm, tôi bị lạc lối. Hỏi khí không phải, bác là ai và sao lại nằm trong rọ thế này?.

- À chú Xẩm! Tớ cũng là Xẩm ở chợ Phướn đây. Nhưng bây giờ mắt tớ sáng ra rồi, đang nằm nghỉ.

- Ôi! Làm sao mà tự nhiên bác sáng mắt ra được thế?

- Từ từ, tớ kể cho mà nghe. Quãng sông này có ông Hà Bá thiêng lắm. Trưa nay ông ấy hiện làm người đi hoạn lợn, gặp tớ lò dò dọc đường suýt ngã xuống sông, ông ấy thương tình hỏi: “Con có muốn sáng mắt ra không?. Tớ bảo: “Thưa cụ cháu muốn quá nhưng cháu mù từ bé, chả có hy vọng chữa khỏi, trừ thuốc tiên.”

Hà Bá bảo tớ: “Được rồi! con cứ chui vào cái rọ này chờ khi nào có ai đụng phải thì mắt con tự nhiên sáng ra ngay”. Đấy, vừa rồi chú mới đụng vào một cái là mắt tớ tự nhiên sáng bừng, sáng hơn cả khi tớ chưa mù. Cái rọ này hay thật! thánh thật!

- Ôi, bác ơi! Em cắn cỏ em lạy bác, bác làm ơn cho em chui nhờ vào rọ một lúc.

- Thôi được, cứu một người phúc đẳng hà sa. Chú mày cởi rọ ra, tớ nhường chỗ cho.

Thế là tiết mục “Xẩm vào Cuội ra” diễn ra rất ngoạn mục trước khi trời tối.

Trong khi ấy ông chú về nhà hì hục xúc đổ ra sân cả cót thóc, chẻ tan mấy cái cột nhà bằng tre bương mà chẳng tìm thấy SÁCH ƯỚC của Cuội đâu. Vừa làm ông vừa nghĩ: “Chẳng lẽ sắp chết mà thằng này còn nói dối! Vả lại nó bảo nó sẽ ước cho nhà mình giàu có bằng nhà Chánh Hổ bên kia sông thì tiếc gì cót thóc và mấy cái cột nhà!”. Đến lúc sập tối, tìm mãi không thấy sách ước, biết là lại bị thằng cháu cho một quả lừa, ông chú nghiến răng kèn kẹt vừa chạy ra bờ sông, vừa lẩm bẩm: “Phen này mày chết với ông!”

Đến ruộng ngô, ông đá phải cái rọ. Ông quát: “Cuội! mày lại lừa tao, tao cho mày chết!”

- Dạ tôi là Xẩm đây mà!

- Xẩm ông cũng không tha.

Nói rồi ông co cẳng đạp mạnh cái rọ. Mặt sông đêm vọng lên một tiếng “Ùm”. Làm xong cái việc đau đớn ấy ông bưng mặt khóc và lảo đảo lần theo ruộng ngô về làng.


ĐI TÌM MỘT TRONG BA CÁI KẾT

Cái kết thứ nhất: Từ lúc ra khỏi rọ, lợi dụng trời đổ tối, Cuội mò xuống mép sông, nấp sau một mô đất, chờ đợi. Khi nghe tiếng Xẩm kêu thảng thốt và mặt sông vang lên một tiếng “Um”, Cuội lội ào xuống nước vớt cái rọ lên. Ra khỏi rọ, Xẩm vừa ướt vừa rét, cằn nhằn:

- Bác lừa tôi, tí nữa tôi chết, bác tệ quá!

- Thôi! bám lấy vai tôi, tôi cõng chú lên đường cái. Lớ rớ đi đêm một mình lại lạc xuống sông, chú chết!

Xẩm buông một tiếng thở dài:

- Với tôi lúc nào chả là đêm!

Cái kết thứ hai: Sau khi được Xẩm thế chân, Cuội tìm về bến đò rủ Thắm trốn nhà đi. Ông chú định lăn cái rọ xuống sông, nghe Xẩm rối rít lạy van ông biết lại bị Cuội lừa thì cháu ông đã xa chạy cao bay. Hình như suốt đời Cuội không chừa được tật nói dối. Giữa nó và Thắm lại có chuyện gì trục trặc nên đâu đó ở một miền rất xa, người ta chỉ gặp một mình Cuội ngồi buồn dưới gốc đa. Từ bao năm đến bây giờ, Cuội vẫn cứ ngồi cô đơn như vâỵ. Không tin, vào đêm rằm âm lịch, em cứ ngẩng lên trời, nhìn vào vầng trăng tròn rờ rỡ sẽ thấy rất rõ cả cây đa và Cuội: Người đời bảo Cuội bị trời phạt, trời đầy. Mà một kẻ bị trời phạt trời đầy còn đớn đau gấp nghìn lần kẻ bị người phạt người đầy.

Cái kết thứ ba: Có người lại kể rằng không bao giờ có đoạn Cuội nấp dưới bờ sông đợi vớt cho được Xẩm. Một kẻ như Cuội, ra khỏi rọ là cắp đít đi thẳng. Mặc kệ Xẩm. Thằng nào dại thằng ấy chết!

Riêng tôi, tôi không mấy tin vào cái kết sau cùng bởi vì lúc Cuội vớt Xẩm dưới sông lên thì tôi biết: lòng tôi mách bảo tôi như vậy.

M.H.T
(125/07-99)



 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • TRẦN NGUYỄN ANH Trong gia đình tôi, dì là người đến sau cùng. Dì thường bảo tôi: “Ô Mai à, hãy coi dì là bạn nhé”. Tôi thẳng thừng bảo: “Tôi chỉ có thể coi dì như kẻ thù”.

  • NHẬT HÀ      Lần đầu về thăm Đồng Tháp Mười, thú thật, tôi thấy có nhiều điều rất lạ, từ mảnh đất, sông nước, cây cối, chim muông tới các địa danh và nhất là con người.

  • CAO LINH QUÂN                Ăn mày là ai?                Ăn mày là...                                (Ca dao xưa)

  • LAM PHƯƠNGNàng không có sự lựa chọn nào khác. Cuộc đời không cho phép nàng lựa chọn. Ngôi nhà lá sùm sụp xám xịt như con ốc ma. Ba chị em không cùng cha và chưa bao giờ biết mặt cha. Và mẹ nàng, người đàn bà có khuôn mặt nhầu nhĩ như tấm lá mục úa, bươn bả mót máy làm thuê một ngày dẫn người đàn ông xa lạ về.

  • HÀ HUỆ CHI1. Mong đợi từ lâu lắm một tiếng cười sum họp. Tôi muốn khóc. Tôi muốn chết. Khi cuộc sống chẳng có gì giống một điệu múa. Khi trái tim chẳng buồn đốt pháo.

  • Phan HuyỀn ThưLam thấp thỏm nghe ngóng tiếng còi tàu từ xa vọng lại. Cứ khoảng hai phút một lần, tiếng còi hú dài xa xăm. Trời mưa to, chui tọt vào cái quán cà phê sát đường tàu, Lam ngồi gặm nhấm những thù hận của mình.

  • TRẦN HỒNG LONG“Tao cấm mầy nói nó chết! Nếu mầy còn nói nữa, tao sẽ đuổi mầy ra khỏi nhà tao ngay!”. Chỉ cần nghe cái “điệp khúc” ấy là dân xóm Vàm Đinh đủ biết bà Hoài chửi chị Ngọt ở trên tỉnh về thăm. Và, không cho chị nói chuyện anh Mặn hy sinh, mặc dù giải phóng đã hai mươi năm rồi vẫn không có một tin tức nào về anh.

  • ĐINH DUY TƯ         Truyện ngắn “Chỉ vì thằng Mỹ, tao mới đến nông nỗi này. Ví như không có hắn, tao thành trạng lâu rồi”.Đó là tuyên ngôn của một trạng lính. Vâng! Hắn tên là Nguyễn Đăng Lính ở cùng làng với tôi. Hai đứa nhập ngũ một ngày, nhưng ngành nghề có khác nhau.

  • NGUYỄN THỊ THÁIVào hội Văn học Nghệ thuật được gần năm, đây là lần thứ hai tôi được đi thực tế. Lần thứ nhất cách đây hai tháng.

  • HOÀNG BÌNH TRỌNGGập tấm bản đồ địa hình lại và vừa kịp đút vào xà cột, thì trung uý Trương Đình Hùng nghe có tiếng chân người lội bì bọp dưới suối. Lách mình ra phía sau cái trụ chằng phủ đầy dây hoa lạc tiên, anh thấy một người đàn ông trạc ngoại ngũ tuần, cao lớn, vẻ mặt thô tháp, cõng chiếc ba lô cóc phồng căng từ dưới dốc bươn bả trèo lên.

  • Y NGUYÊN     ... Những người muôn năm cũ         Hồn ở đâu bây giờ

  • GIẢN TƯ HẢIGã bước xuống xe ôm móc ví trả tiền rồi lững thững bước về con phố ven đê. Chiều thu ánh mặt trời vàng vọt trải dài lên cái thị xã vùng biên vốn dĩ đã buồn lại càng thêm vẻ mênh mang hiu quạnh. Giờ tan tầm đã qua, dãy phố ven đê hoặc có người còn gọi là cái chợ người vốn tập trung nhiều lao động chân tay cũng đã vãn dần. Thấp thoáng vài bóng chiếc ô tô qua lại. Gã chậm rãi vừa đi vừa nhìn trái ngó phải, chốc chốc quay lại nhìn như sợ bị ai đeo bám. Chân gã đi giày thể thao adidas mới cứng, vận chiếc quần bò cũ đã thủng lỗ chỗ như đạn bắn, phía trên khoác chiếc áo đại cán rộng thùng thình màu cứt ngựa, đầu đội mũ cối Hải Phòng kiêu hãnh một thời cũng đã sờn cũ và bong lớp vải để lộ cái lõi xám xịt.

  • NGÔ HỮU KHOADưới gốc cây Sau Sau, thứ cây có thân gỗ nhưng muốn mang đốt cũng không cháy, dùng làm gỗ thì nhanh mục nên mới được sống tươi tốt ở vùng rừng thường xuyên được dân sơn tràng lui tới. Dũng trong thế ngồi co quắp, hai bàn tay giấu dưới vạt áo mưa để vừa tự sưởi ấm cho cơ thể vừa giảm tiết diện để tránh những hạt mưa lạnh buốt lọt qua tán lá rậm rạp, những hạt mưa mùa không biết mệt mỏi cứ rơi và rơi…

  • NGUYỄN VIỆT HÀCó một ngày rất âu lo đã đến với thằng béo. Bụng bồn chồn tưng tức, giống như đang ngồi giữa một cuộc họp trang trọng bỗng mót tiểu tiện mà không thể đi. Trước đấy hình như duy nhất một lần cái cảm giác bất an này cũng đã đến. Láng máng không thể nhớ.

  • MA VĂN KHÁNGKhi những người U Ní ở vùng biên sau mấy tháng trời đông giá, ngồi trong nhà đánh cuốc, sửa dao, đan lát bước ra khỏi căn nhà đất dày kín như cái kén, đặt chiếc vai cày lên cổ con trâu, đi những đường cày đầu tiên, hoặc rủ nhau đi bán công khắp các nơi trong vùng thượng huyện Bát Xát, thì hoa gạo bắt đầu nở.

  • PHAN TUẤN ANH- Anh ơi lên xe đi, xe chạy suốt Bắc Nam đấy.- Có đi Vinh hả anh, bao nhiêu tiền vậy?- Ôi dào! mấy chục ngàn thôi, lên nhanh đi anh ơi.

  • HOÀNG THỊ NHƯ HUYĐiện thoại di động trong túi rung lên báo tin nhắn đến, Luân uể oải mở ra xem. Khuya rồi sao còn ai nhắn tin nhỉ? Một số máy lạ với một dòng tin lạ hiện ra: “Bạn ơi tôi không biết bạn là ai nhưng tôi muốn bạn biết tôi sắp lìa xa cuộc sống này. Tôi đang tuyệt vọng”.Đúng là đồ khùng! Đồ dở hơi!

  • HOÀNG TRỌNG ĐỊNHPhòng giam chật chội, tối tăm...  Gần trần có một lỗ thông hơi. Bên ngoài lỗ thông hơi là bức tường tôn xám xỉn. Khe hở dài chừng 10 mét, rộng chừng 3 tấc, nằm song song và gần sát với mặt đường bên ngoài. Đứng trong phòng giam, từ lỗ thông hơi nhìn qua khe hở của bức tường, chỉ có thể thấy những bước chân người đi.

  • NGUYỄN TRƯỜNGThấy tôi ngồi chăm chú đọc thư, miệng cứ tủm tỉm cười, vợ tôi mới giả giọng, hỏi đùa:- Có việc chi thích thú mà cười một chắc rứa?- Có chuyện vui bất ngờ đấy em ạ! - Tôi vừa trả lời vừa kéo tay vợ ngồi xuống, rồi đọc lại một mạch toàn văn bốn trang thư của ba tôi từ Huế mới gửi vào.

  • VIỆT HÙNGGa H. một đêm mưa phùn ảm đạm.Khách chờ tàu nằm la liệt dọc các hành lang.Tôi bước vào phòng đợi, trong tâm trạng không vui mà cũng chẳng buồn. Tìm một chỗ ngồi bất kỳ…