NGUYỄN HỒNG TRÂN
Như chúng ta đã biết qua sách sử, cựu Hoàng đế Bảo Đại có 2 người vợ được hôn thú chính thức. Đó là bà Nguyễn Hữu Thị Lan (tức Nam Phương Hoàng hậu) và bà người Pháp là Monique Marie Eugene Baudot.
Nguyễn Phước Bảo Ân con cựu hoàng Bảo Đại - Ảnh: internet
Còn 6 bà phi khác không có hôn thú. Trong 8 bà vợ đó, có bà có con cháu và có mấy bà không có con cháu. Cả 6 bà vợ ngoài giá thú đó, có 2 bà không có con. Đó là bà Lý Lệ Hà và bà Clément.
Cựu hoàng Bảo Đại có tất cả 5 người con trai: Con của Hoàng hậu Nam Phương là Bảo Long, không có vợ con, Bảo Thăng không có con; con của Thứ Phi Mộng Ðiệp là Bảo Hoàng chết khi mới 1 tuổi (1954 - 1955), NP. Bảo Sơn mất khi ông 30 tuổi (1957 - 1987), không có con.
Nguyễn Phước Bảo Ân, con trai của bà Lê Phi Ánh, người vợ không hôn thú của cựu hoàng trong thời gian ở Ðà Lạt. Bà Phi Ánh có hai người con với cựu hoàng là bà Nguyễn Phước Phương Minh sinh năm 1950 (đã qua đời tại Mỹ năm 2012) và ông Bảo Ân, sinh năm 1951. Chỉ có bà Phi Ánh là có con trai và cháu, chắt nội để nối tiếp cho dòng dõi Nguyễn Phước Vĩnh Thụy (Bảo Đại).
NP Bảo Ân là niềm hy vọng nhất của bà Phi Ánh, nhưng cuộc đời của ông Ân cũng thật là long đong, lận đận nhiều bề.
Ngày 4 tháng 10 năm 1955, Thủ tướng Ngô Ðình Diệm lập ủy ban trưng cầu dân ý truất phế Quốc Trưởng Bảo Ðại, và ông Diệm trở thành Quốc Trưởng. Theo lời kể của ông Bảo Ân mà nhà báo Huy Phương đã ghi lại và cho biết rằng, sau ngày đó, nhiều biệt thự ở Sài Gòn, Ðà Lạt và Pháp của bà Phi Ánh đều bị tịch thu, bà và người nhà được lệnh ra khỏi nhà trong vòng 24 tiếng đồng hồ.
Sau ngày cựu hoàng bị Ngô Đình Diệm truất phế, bà con, ngay cả bên gia đình của bà Phi Ánh cũng không ai dám chứa chấp mẹ con bà, nên ba mẹ con phải ở nhà thuê, rày đây mai đó, thật mệt mỏi… Trong hoàn cảnh này, bà Phi Ánh đành phải bước thêm bước nữa cho đỡ cô đơn, vất vả.
Khi nghe bà Phi Ánh đi lấy chồng, theo đề nghị của nhiều người thân thuộc trong Hoàng Tộc, bà Từ Cung đem Bảo Ân về Huế nuôi cháu nội ăn học. Lúc đầu Bảo Ân ở với bà nội tại Cung An Định. Sau đó Cung An Định cũng bị Chính phủ Ngô Đình Diệm trưng thu nên bà Từ Cung đã thuê một ngôi nhà bên ngoài gần đó để ở.
Tại Huế, ông Bảo Ân theo học tại trường Thiên Hựu (Providence) do các linh mục quản nhiệm. Ông tâm sự rằng, tuy sống trong một gia đình Phật giáo thuần thành, ông lại phải theo học từ nhỏ đến lớn tại các trường nhà dòng, nên ông còn phải học thông thuộc kinh Thiên Chúa giáo hơn một người theo đạo Thiên Chúa khác.
Sau thời gian ở Huế, Bảo Ân lên Ðà Lạt rồi về Sài Gòn. Tới tuổi quân dịch, năm 1970, chỉ mới có bằng trung học, ông vào quân trường Quang Trung, rồi phục vụ tại Trung Tâm 3 - Tuyển Mộ Nhập Ngũ tại Sài Gòn. Không hiểu vì lý do gì, năm 1972, ông Bảo Ân bị thuyên chuyển ra SÐ3 tại Quảng Trị, nhưng khi ra đến nơi, sư đoàn đã tan rã nên ông được trở về đơn vị gốc.
Ông Bảo Ân cố gắng đến trường, và cuối cùng, trước ngày 30/4/1975, ông Bảo Ân là sinh viên năm thứ hai phân khoa Thương Mại tại Ðại Học Vạn Hạnh, Sài Gòn.
Sau năm 1975, bà Phi Ánh sống trong cô đơn tại Sài Gòn và qua đời vào năm 1984, ở tuổi 62. Cô Phương Minh, chị ruột của ông Bảo Ân, lấy chồng và lập nghiệp ở Pháp, đã ly dị chồng, trước tháng 4 năm 1975 về Sài Gòn thăm thân mẫu và bị kẹt lại đây. Sau đó, cô được người bà con bảo lãnh sang Hoa Kỳ lập nghiệp. Năm 2012, bà Phương Minh qua đời.
Còn về phần ông Bảo Ân, lúc đó đã có gia đình nên tiếp tục sinh sống tại Sài Gòn thêm nhiều năm nữa, cho đến 1992 mới được gia đình bên vợ bảo lãnh sang Mỹ.
![]() |
Ông bà Bảo Ân và các con Thụy Sỹ và Quý Khang (ảnh gia đình ở Sài Gòn - 1982) |
Nhà báo Huy Phương đã ghi lại lời kể về một giai đoạn khó khăn của gia đình ông Bảo Ân:
“Vợ chồng tôi bắt đầu ra chợ trời kiếm sống bằng cách mua đi bán lại. Các bạn hàng ngoài chợ trời thấy hai khuôn mặt ngơ ngơ ngác ngác của vợ chồng tôi như hai con nai mới ra ràng, nên họ cũng lừa chúng tôi. Họ giả dạng cho người khác đem đến bán cho chúng tôi, ham rẻ chúng tôi mua vô và sau đó không bán được cho đến ngày đi Mỹ vẫn còn trong nhà.
Thấy coi bộ bán Chợ Trời không khá, một dịp đi thăm người bà con ở Q.11, được biết người bà con này có phần hùn trong một xưởng sản xuất nước tương, vợ tôi mới bàn với tôi đổi cách làm bằng nghề đi bỏ mối ở chợ Bến Thành. Thế là vợ chồng tôi lại chuyển qua nghề bỏ mối nước tương. Chúng tôi mua nước tương rồi thuê xe ba bánh chở từ Phú Thọ Hòa đến chợ Bến Thành bỏ mối bán.
Tôi đứng ở ngoài giữ hàng, còn vợ tôi thì đẩy hàng vào chợ giao cho khách hàng. Cô ấy không cho tôi vô chợ vì sợ gặp người quen. Bỏ mối nước tương một thời gian, tôi thấy vợ tôi khiêng nặng và cực nhọc quá mà chẳng kiếm được bao nhiêu nên vợ chồng tôi bàn nhau đổi nghề một lần nữa. Chúng tôi đến xưởng dép cao su xin mua về rồi đi bán… Cả tháng trời, mỗi ngày chúng tôi phải chờ đợi 3 - 4 tiếng đồng hồ mà chỉ lấy được vài lố dép. Sau đó, chúng tôi đem những lố dép đó bán ở chợ Ðại Quang Minh, Chợ Lớn.
Sau một thời gian quen rồi, chủ hãng giao cho chúng tôi nhiều hơn và bạn hàng ở chợ, họ cũng đặt hàng nhiều hơn. Có hôm chúng tôi bán được hơn năm mươi lố dép. Những người lấy mối dép như chúng tôi thấy chúng tôi được chủ hãng giao cho một số lớn, họ ganh tỵ, kiếm chuyện gây sự và dọa đánh chúng tôi. Bọn họ thì đông, còn chúng tôi chỉ có hai vợ chồng. Bán dép thì nhẹ nhàng hơn bán nước tương và cũng kiếm tiền khá hơn nhưng bây giờ chúng tôi cảm thấy không còn an toàn nữa. Mỗi lần đi lấy hàng, chúng tôi phải nhìn trước, ngó sau, xem có ai phục kích mình không rồi mới dám vào hiệu nhận hàng.
Tôi thì lo cho vợ tôi, nhưng ngược lại nàng nói nàng không sợ mà chỉ sợ cho tôi. Cô ấy nói nếu tôi có mệnh hệ nào thì Me tôi sẽ oán trách cô ấy. Vì thế nên ngay cả chuyện đi bán Chợ Trời, bỏ mối nước tương hay bán dép, chúng tôi đều giấu mẹ tôi”.
Tiếp đó, Bảo Ân chuyển sang việc đi thu mua đĩa nhạc không lời để bán cho các quán cà phê và bán cho khách qua lại trên đường Nguyễn Thái Bình.
Ông đã kể một tình huống cho nhà báo Huy Phương ghi lại như sau:
“Tôi có một kỷ niệm không bao giờ quên được là, có một lần con trai tôi là Quý Khang đòi theo cha ra Chợ Trời chơi, lúc đó Quý Khang mới ba tuổi. Đến trưa, Quý Khang buồn ngủ, tôi đang bận coi hàng nên không thể chở Khang về, nên trải tạm tờ báo ra lề đường, cạnh chỗ tôi ngồi bán hàng để cháu nằm ngủ. Nhưng xui xẻo làm sao, đúng lúc đó công an và quản lý thị trường đem xe đến đuổi hốt những người chiếm lòng lề đường để buôn bán. Lúc đó, cậu thương binh Quân thì tàn tật không chạy nhanh được nên tôi phải phụ Quân gom hàng chạy cho nhanh. Quýnh quáng quá lo chạy, nên bỏ quên thằng con đang nằm ngủ ngon lành trên lề đường. Sau đó, đường Nguyễn Thái Bình vắng người mua bán trên lề đường, chỉ còn Quý Khang đang nằm ngủ trên tờ báo ở vỉa hè. Tôi đến đưa con về mà lòng cứ xót xa, buồn tủi, vì cảm thấy mình như “đem con bỏ chợ!”. Thật là tội nghiệp cho thằng bé!...”
Năm 1992, gia đình ông Bảo Ân sang Mỹ và định cư tại quận Cam từ đó đến nay. Những năm đầu tiên, cũng như bao nhiêu người mới sang khác, bà Bảo Ân phải ngồi shop may suốt ngày. Ông Bảo Ân làm trong một hãng in áo T-shirt và về sau sang làm cho một hãng Nhật chuyên sản xuất CD tại Garden Grove.
Bảo Ân có hai con, gái là Nguyễn Phước Thụy Sỹ, sinh năm 1976 và con trai là Nguyễn Phước Quý Khang sinh năm 1977. Như vậy, Nguyễn Phước Quý Khang là cháu đích tôn của cựu hoàng Bảo Ðại.
Sau này, Nguyễn Phước Quý Khang tốt nghiệp UCI về ngành thương mại và hiện nay làm cho một công ty ngoại quốc ở Sài Gòn.
Mặc dù gia đình Bảo Ân đến Mỹ năm 1992 nhưng vì thất lạc hồ sơ nên đến năm 2005 gia đình mới có quyền công dân. Lúc đó mới xin được căn cước và hộ chiếu (passport) để có thể sang Pháp thăm mộ cha, điều mà ông mơ ước từ lâu, nhưng chưa có cơ hội thực hiện. Ông Bảo Ân đã liên lạc với một người bạn ở Paris là Ðặng Văn Phụng, nhờ vợ chồng người này đi xem thử tình trạng ngôi mộ của vua Bảo Ðại hiện nay tại nghĩa trang Passy thuộc hạt Trocadero Paris 16e ra sao.
![]() |
Bảo Ân ngậm ngùi ngồi bên mộ cha - cựu hoàng Bảo Đại (ảnh gia đình 2006) |
![]() |
Ông Bảo Ân và con trai Quý Khang bên bia mộ cựu hoàng Bảo Đại ở Pháp - 2012 |
Cuộc tìm kiếm cũng không kết quả. Về sau, gặp và hỏi một người cảnh sát già về ngôi mộ của “Sa Majesté Bảo Ðại”, thì ông này chỉ ngay vào ngôi mộ gần đó. Ðó là một ngôi mộ không có bia, không khắc tên, chỉ trơ trọi xi măng, trên như hai tấm đanh, với mấy chậu hoa. Ông Phụng nhìn xuống ngôi mộ mà bật khóc rồi nghĩ bụng: Nơi yên nghỉ của một ông vua xưa của Việt Nam mà như thế này sao? Ông Bảo Ân hồi tưởng: “Nghe anh bạn Phụng kể lại mà tôi khóc nức nở… Thật là tội nghiệp cho cha tôi quá! Cha nằm đó lạnh lẽo như một kẻ vô danh đã 8 năm rồi, không ai biết để thắp một nén nhang cho cha ấm lòng…”.
Nghĩa trang Passy ở Paris là một nghĩa trang nổi tiếng được xây dựng từ đầu thế kỷ XIX, nơi chôn cất nhiều nhân vật lừng danh của thế giới… nhưng vì vua Bảo Ðại không tiền và cũng không có thế lực để được chôn cất tại nghĩa trang lớn đó. Còn đây là phần mộ của một thương gia giàu có ở Paris, rất kính trọng cựu hoàng, khi nghe ông qua đời đã hiến phần đất này cho ngài.
Về việc xây mộ cho cựu hoàng Bảo Ðại, khi ông từ trần ở Paris, chỉ có người vợ cuối cùng của ông là bà Monique Baudot, người Pháp ở bên cạnh, và trên pháp lý, chỉ có bà Monique, người vợ có hôn thú còn sống mới có quyền xây mộ cho ngài. Vì thế mà các bà vợ ngoài hôn thú cùng con cháu của họ cũng không thể làm việc đó, nếu không có sự đồng ý của bà Monique. Nhiều người giàu có muốn xây mộ cho vua Bảo Ðại để lấy tiếng cũng bị bà Monique cản trở.
Ông Bảo Ân rất xúc động và đau lòng khi đã sang Paris viếng ngôi mộ này, nên ông đã khẩn khoản tìm người giúp ông làm mộ cha lại cho có bia tử tế. Ông Bảo Ân cùng ông bạn Phụng đến tìm ông Nguyễn Duy Hiệp, một người Việt, có dịch vụ chuyên lo về thủ tục mai táng của thành phố Paris. Ông này khi nghe nói đến có một người con cựu hoàng hiện ở Mỹ có quan tâm đến ngôi mộ, ông rất cảm kích và ngỏ ý ông sẽ liên lạc với bà Monique để thuyết phục bà ấy có thể tiến hành việc xây mộ lại cho Cựu hoàng Bảo Đại. Ông Nguyễn Duy Hiệp giải thích là bà Monique có nhờ ông quyên tiền để xây mộ cho Cựu hoàng, nhưng trong ba năm, ông chỉ mới quyên được 1,200 Euros, vậy nếu “Mệ” Bảo Ân có khả năng làm được, “thì mời sang Paris, chúng ta sẽ bàn tiếp”.
Một chủ công ty mộ bia ở Paris là ông Cridel thấy hoàn cảnh của Cựu hoàng Bảo Ðại đáng thương nên đã gặp bà Monique, và điều đình với bà, nếu bà bằng lòng thì ông sẽ thực hiện bản vẽ và ông sẽ giúp 50% phí tổn xây cất. Ông Nguyễn Duy Hiệp cũng góp lời thuyết phục, cuối cùng bà Monique đồng ý và giao cho ông Hiệp gây quỹ trong bà con cộng đồng Việt Nam để thực hiện việc xây mộ cho cựu hoàng Bảo Đại được có tấm bia tử tế trang trọng.
![]() |
Hai cậu bé song sinh là NP Định Lai và NP Định Luân con trai của NP Quý Khang, là cháu nội của NP Bảo Ân, chắt nội cựu hoàng Bảo Đại |
Hiện nay, ông Bảo Ân rất vui mừng đã có cặp cháu nội song sinh là NP Định Lai và NP Định Luân sinh năm 2012. Như thế là cựu hoàng Bảo Đại có chắt đích tôn tiếp tục nối dõi tông đường của ngài NP Vĩnh Thụy. Ông Bảo Ân cũng rất mong có dịp đem cả vợ và các con cháu về quê ở Huế để thăm viếng lăng mộ ông bà nội và thăm bà con họ hàng cho thỏa lòng thương nhớ sau mấy chục năm xa cách ly hương.
N.H.T
(SDB15/12-14)
Đồng chí Nguyễn Chí Thanh trong cương vị Bí thư tỉnh ủy Thừa Thiên Huế - nhà lãnh đạo xuất sắc trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng
TH.S PHAN CÔNG TUYÊN ( * )
DƯƠNG PHƯỚC THU
Đồng chí Nguyễn Vịnh sinh ngày 1 tháng 1 năm 1914, theo can chi là ngày mồng 6 tháng Chạp năm Quý Sửu, trong một gia đình trung nông ở làng Niêm Phò, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.
NGÔ THIÊN THU - NGUYỄN ÁI VƯỢNG
Từ trước đến nay nhiều sách vở ghi chép về Trương Văn Đa cũng như bố ông là Trương Văn Hiến đều thiếu thông tin khi nói về quê quán gốc tích.
Ở góc phố đường Bà Triệu (TP.Huế), hình ảnh một ông già 80 tuổi ngày ngày ngồi bên chiếc xích lô quay quắt ngóng khách đã trở nên quen thuộc với nhiều người. Ông như một nốt nhạc trầm giữa cuộc sống xô bồ. Nhưng ít ai biết rằng, ông là một cậu bé liên lạc cảm tử quân ngày nào. Sau hơn 30 năm cầm súng, ông đã góp công giữ lại hình hài của tổ quốc hôm nay.
Nói là nghề “kỳ dị” bởi lẽ đây là nghề “có một không hai” ở xứ Huế, đó là nghề làm mõ mà mọi người thường thấy ở các đình chùa. Việc làm ra một chiếc mõ đòi hỏi rất công phu và tỷ mỷ, ngoài việc tạo hình thì việc tạo ra âm thanh cho chiếc mõ cũng là một vấn đề nan giải. Cũng bởi vì tính chất phức tạp đó nên mọi người hay gọi đây là một nghề “kỳ dị”, vì không phải ai cũng có đủ kiên nhẫn và có cái tâm để theo đuổi nghề…
Chị đã làm xao xuyến bao khán giả ở thủ đô Bern, Zurich, Geneva...qua những làn điệu dân ca Việt Nam và Thụy Sỹ. giọng ca của người con gái dòng dõi hoàng tộc đang định cư tại Thụy Sỹ Camille Huyền cùng tiếng guitar bậc thầy của nghệ sĩ Walter Ginger luôn được đợi chờ trong mỗi kỳ Festival Huế.
HỮU THU - BẢO HÂN
Tin buồn
Năm Đinh Mùi - 1967. Huế vào kỳ giêng, hai khá lạnh. Sáng ấy, như lệ thường, tôi ngồi ở quán Lạc Sơn. Đang nhâm nhi ly café, bất ngờ có chiếc Dodge mui trần trờ tới.
(SHO).Lễ kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh sẽ được tổ chức thật sự ý nghĩa, làm nổi bật cuộc đời hoạt động và những cống hiến xuất sắc của Đại tướng cho lý tưởng độc lập dân tộc và CNXH, cho quá trình xây dựng chiến đấu thắng lợi của Quân đội nhân dân Việt Nam.
SINH VIÊN PHẬT TỬ HUẾ TUYỆT THỰC
Hồi ký của THÁI KIM LAN
LÊ HUỲNH LÂM
Xứ Huế vốn trầm mặc, không gian Huế thường gắn với hoài niệm, là nơi để trở về. Cái thường phô diễn ra bên ngoài ở xứ sở này là nắng, mưa, là dòng Hương xanh mượt mà, hay Ngự Bình vi vu thông reo, hoặc là những chiều hiu quạnh ngắm hoàng hôn, hay những đêm dài của những bước chân phiêu lãng, và những buổi sáng tan vào hơi mù lân la khắp các ngã phố,...
TRẦN VIẾT ĐIỀN
Ngài Mai Khắc Đôn (1853 - 1930) là một Nho sĩ, một vị quan có tinh thần yêu nước, thương dân và đặc biệt ngài là một trong những người thầy có ảnh hưởng khá sâu sắc đối với nhà vua yêu nước Duy Tân.
NGUYỄN ĐÌNH NIÊN
100 năm ngày sinh Hàn Mạc Tử
Theo những tài liệu hiện có và theo sự dò hỏi của chúng tôi, từ các thân hữu còn sống của thi sĩ, những người đàn bà thi sĩ đã kinh qua cuộc đời Hàn Mạc Tử, đó là: Hoàng Cúc, Mộng Cầm, Mai Đình và Thương Thương.
LÊ VĂN LÂN
Chi bộ Trí thức là một cụm từ vừa thân quen vừa lạ lẫm. Thân quen là đối với những người hoạt động trong phong trào đô thị Huế. Và lạ lẫm là trong công tác xây dựng Đảng, đặc biệt là ở thời điểm 9 năm kháng chiến chống Pháp. Những năm 1948 - 1950 ở Huế có một Chi bộ như thế: Chi bộ Trí thức.
THANH HUẾ
Sinh thời vua Minh Mệnh rất hay làm thơ, nhưng ông làm thơ để chăm lo chính sự, lo cho dân.
TRƯƠNG SỸ HÙNG
Đề từ tập Bút hoa, thơ tập cổ của Phan Mạnh Danh năm 1942, do chính tác giả chuẩn bị bản thảo từ năm 1896 đến trước khi mất (1942); Ưng Bình Thúc Giạ Thị đã viết:
Lê Quang Long - vị cố vấn quân sự đầu tiên của Hoàng thân Xuphanuvông
PHẠM HỮU THU
ĐÀI LÂN
Kỷ niệm 32 năm ngày mất của giáo sư Tôn Thất Chiêm Tế
Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến hào hùng và thiêng liêng của chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 19/12/1946 đã thúc giục, lôi cuốn nhiều lớp người đặc biệt là thanh niên, trí thức trong toàn quốc, thoát ly tham gia cách mạng.
LTS: Huế là nơi có Thái Y viện tập trung nhiều danh y, ngự y nổi tiếng triều Nguyễn, đồng thời có Bệnh viện Tây y đầu tiên ở Việt Nam - Bệnh viện Trung ương Huế. Hạ tuần tháng 3 vừa qua, Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế đã ra Nghị quyết xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là Trung tâm y tế chuyên sâu của khu vực miền Trung và cả nước mà hạt nhân là Bệnh viện Trung ương Huế và Trường đại học Y Dược Huế, cả hai đều được nhà nước tuyên dương Anh hùng lao động thời kỳ Đổi mới.
BÙI MINH ĐỨC
I. Dẫn nhập
Trong số các ông vua triều Nguyễn, vua Tự Đức là người giữ vai trò hết sức quan trọng trong lịch sử cận đại của đất nước Việt Nam chúng ta.
THANH TÙNG Trong các bậc mẫu nghi thiên hạ ít ai được như Thái hoàng Thái hậu Từ Dũ. Bà là người mẫu mực về đức hạnh, yêu thương dân, nuôi dạy con giỏi và biết đối nhân xử thế; khi cần biết tham gia việc triều chính đúng mức, hiệu quả.