Cuộc chiến đấu nhằm bảo vệ đảo Cồn Cỏ trong những năm chống Mỹ

14:58 19/10/2009
TRẦN KIM HỒĐảo Cồn Cỏ là vọng gác tiền tiêu, là con mắt của Vĩnh Linh - khu Vĩnh Linh là tiền đồn của miền Bắc XHCN, là hậu phương trực tiếp của tiền tuyến lớn miền Nam; do đó đảo Cồn Cỏ có vị trí vô cùng quan trọng, mặc dù diện tích chỉ có 4km2. Mât Cồn Cỏ, miền Bắc XHCN trực tiếp bị uy hiếp, nhất là vào lúc nguỵ quyền Ngô Đình Diệm không ngớt hô hào lấp sông Bến Hải, Bắc tiến; đế quốc Mỹ từng trắng trợn tuyên bố biên giới Hoa kỳ kéo dài đến vĩ tuyến 17.

Minh họa: Ngô Lan Hương

Mục tiêu của địch là muốn huỷ diệt Vĩnh Linh mà trước hết là huỷ diệt Thị trấn Hồ Xá nơi trung tâm văn hoá, chính trị tiêu biểu cho 10 năm xây dựng xã hội chủ nghĩa ở Vĩnh Linh, hòng làm tê liệt cả khu vực; đánh phá nơi tập kết chân hàng để chi viện cho miền Nam; đánh phá huỷ diệt hoặc chiếm bằng được đảo Cồn Cỏ. Nếu chiếm được đảo, địch sẽ dễ dàng cắt đứt đường tiếp tế từ miền Bắc vào miền Nam; đồng thời dùng Cồn Cỏ làm bàn đạp chiếm đánh Vĩnh Linh lúc có điều kiện v.v...

Lúc 14 giờ 30 ngày 8/2/1965, 82 lần chiếc máy bay chia thành 14 tốp với F4H bay tầng trên do Mỹ chỉ huy và AD6 tầng dưới do nguỵ chỉ huy bắn phá khu vực Vĩnh Linh. Cụ thể là đánh vào Sư đoàn 341, Xí nghiệp Lê Thế Hiếu, xí nghiệp chè hương Bến Hải, Đài anh hùng, Trường cấp 3 Hồ Xá, đã giết chết Lê Duy Minh, một thầy giáo giỏi toán ở miền Bắc và 8 học sinh cấp III, mở đầu cuộc chiến tranh phá hoại mảnh đất nhỏ hẹp Vĩnh Linh.

Từ tháng 3 đến tháng 6/1965 Mỹ huy động 615 lần tốp, 1421 lần chiếc đánh phá nhiều mục tiêu ở Vĩnh Linh rất ác liệt, đặc biệt là đảo Cồn Cỏ cứ 2 ngày đánh phá 1 lần. Trong 18 lần tàu chiến bắn phá vào đất liền thì có 6 lần đánh phá vào đảo Cồn Cỏ.

Đảo sống là nhờ có đất liền. Từ vũ khí, lương thực, thực phẩm, nước ngọt đều nhờ vào đất liền tiếp tế ra. Từ tháng 5/1965 trở đi trên đảo khá nguy ngập: gạo ăn đã cạn, đạn bắn phải tính từng viên, nước ngọt thiếu thốn. Sau trận đánh phá đầu tiên, một quả bom rơi trúng bể chứa nước mưa, đảo hết sạch nước ngọt. Bộ đội ta phải chặt chuối rừng vắt lấy nước uống. Trong lúc đó địch cho tàu chiến vây quanh bịt kín mọi lối ra vào giữa đảo với đất liền. Địch hy vọng trong một thời gian ngắn đội quân nhỏ bé trên đảo không đầu hàng cũng phải chết gục vì đói khát.

Đầu tháng 6/1965 Đảng uỷ khu vực phát đi lời kêu gọi “Tất cả vì đảo”, phát động toàn bộ Đảng bộ quân dân Vĩnh Linh quyết tâm giữ đảo đến cùng. Được Trung ương Đảng, Bộ Chính trị động viên, giúp đỡ, Vĩnh Linh rộ lên một phong trào sôi nổi trong Đảng, Đoàn thanh niên, lực lượng vũ trang. Ở đảo nêu khẩu hiệu “Còn đất liền còn đảo”. Đất liền đáp lại “Còn đảo còn đất liền”. Có hàng ngàn lá đơn gửi lên xã, lên khu vực xin đi tiếp tế đảo. Trong đó có những lá đơn viết bằng máu hoặc của các cụ già 70, 80 tuổi xin được ra đảo cùng thanh niên.

Giữa tháng 6/1965 trở đi, nhiều đoàn thuyền chở vũ khí, lương thực, nước ngọt rời bến ra tiếp tế cho đảo. Có những chuyến đi trót lọt nhưng có nhiều chuyến bị tàu chiến địch bắn đuổi, bao vây, có người, có thuyền không trở về. Con đường mở ra bao thử thách, hy sinh. Ban đêm tàu địch dàn hàng ngang nã đại bác vào bờ, bắn pháo sáng. Ban ngày chúng cho máy bay trinh sát thám thính từ sáng đến chiều, hễ thấy thuyền và người trên biển là chúng gọi máy bay phản lực đến bắn phá.

Lúc này thuyền gỗ trở thành phương tiện chủ yếu và lợi hại nhất trong việc tiếp tế đảo. Vì thuyền nhỏ dễ luồn lách cơ động. Để bảo vệ lực lượng tiếp tế cho đảo, một số hoả lực của ta được trên điều ra gần sát bờ biển, đồng thời trang bị vũ khí, huấn luyện cách đánh cho những người đi biển, ta cũng tổ chức hợp đồng tác chiến giữa pháo mặt đất và pháo ở đảo với những dân quân tiếp tế đảo.

Trong những người đi tiếp tế đảo có nhiều cụ già dày dạn trong nghề đi biển thường được giao làm thuyền trưởng hoặc cố vấn.

Cụ Quy ở Vĩnh Quang tiếp tế đảo từ đầu đến cuối, thuyền cụ có 14 người, đã có 6 hy sinh trên biển. Ở xã Vĩnh Quang trong 2 tháng của năm 1967 có 150 cán bộ, dân quân, xã viên ra đi, khi trở về chỉ còn một nửa. Thanh niên Nguyễn Quang Soa xã Vĩnh Thái từ năm 1965 đến 1968 có 58 lần đi tiếp tế đảo, 54 lần gặp tàu chiến địch vây đuổi bắn phá nhưng thuyền anh vẫn vượt qua, đưa hàng tới đích. Tiêu biểu hơn cả là Lê Văn Ban (xã Vĩnh Giang) là một thuyền trưởng gan góc, đầy mưu trí. Có lần thuyền Ban bị địch bắn đuổi, vừa phải chống chọi với gió bão thuyền anh bị trôi dạt về phía Nam. Lê Văn Ban bình tĩnh cử người lên bộ bắt liên lạc với cơ sở ta. Sáng hôm sau cùng với du kích địa phương tổ chức đánh địch chống càn quét thắng lợi anh lại đưa thuyền trở về Bắc an toàn. Anh được Quốc hội, Chính phủ tặng thưởng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang.

Hàng ngàn tấn vũ khí pháo 85 ly, cao xạ pháo 14,5 ly, lương thực, vật dụng đã được đất liền chuyển ra đảo, làm cho các chiến sĩ ở đảo đỡ thiếu thốn và đủ sức chiến đấu liên tục 2 - 3 năm trời. Nhưng cái giá phải trả cho mỗi viên đạn, mỗi bát gạo phải đổi bằng máu.

Trước những hành động và tình cảm của đất liền, cán bộ, chiến sĩ đảo Cồn Cỏ đã gan góc kiên cường bám giữ đảo, bắn hạ 48 chiếc máy bay Mỹ, trong đó có 29 chiếc rơi tại chỗ; có ngày rơi 4 chiếc; có lần chỉ trong 2 giờ bắn rơi 3 chiếc; bắn cháy 17 hải thuyền của địch. Cồn Cỏ vinh dự được Quốc hội, Hồ Chủ tịch 2 lần tuyên dương là đơn vị anh hùng và 3 cá nhân được phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang: Thái Văn A, Nguyễn Tăng Mật, Cao Văn Khang. Toàn đảo được Bác tặng 2 câu thơ:

            Cồn Cỏ nở đầy hoa thắng trận
            Đánh cho tan xác giặc Huê Kỳ”.

Trước sự đánh phá ác liệt của không quân, tàu chiến địch, Đảng uỷ khu vực, Đảng uỷ các xã buổi đầu chưa đánh giá hết tinh thần dám xả thân bảo vệ đảo của quần chúng nên có phần lo ngại không đủ số người cần thiết cho những chuyến hàng ra tiếp tế đảo. Có ngờ đâu, sau ba tuần lễ phát động, đã có hàng ngàn lá đơn tình nguyện gửi lên cấp trên xin đi tiếp tế giữ đảo.

Số được Đảng uỷ và xã đội bố trí đi thì hết sức phấn khởi thoả mãn nguyện vọng, nhưng vì nhu cầu có hạn mà người tình nguyện đi quá đông, hơn nữa theo phương án chỉ đạo của ta là phải ăn chắc, không ồ ạt, tránh thương vong không cần thiết, do đó có nhiều người qua 9, 10 lần chưa được đi đâm ra thắc mắc có những suy diễn mông lung, mơ hồ. Có người tự nghĩ rằng quá khứ bản thân có tham gia ngụy quân, hoặc gia đình có tham gia bóc lột, hoặc vì có sai phạm khuyết điểm gì mà cấp trên không tin, không cho đi. Sau nhiều lần đả thông, giải thích họ vẫn không thông, thậm chí kéo dài 5 - 7 tháng trời, có trường hợp 2-3 năm sau vẫn không hết thắc mắc, cho rằng bản thân không được cấp trên tin tưởng.

Nghịch lý với buổi đầu sợ không có đủ người đi, phải làm đủ liều lượng công tác tư tưởng, nhưng trên thực tế, do nhiều người muốn đi mà không được đi, nên việc giải quyết công tác tư tưởng cho người không được đi còn khó khăn gấp bội. Bất ngờ thú vị này cũng là minh chứng sinh động nhất về lòng yêu nước, tinh thần quả cảm, dám xả thân vì nước, vì đồng đội của những người dân Vĩnh Linh trong cuộc chiến không cân sức với quân thù.

Huế - Vĩnh Linh 8/2004
T.K.H
(190/12-04)



 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • NGUYỄN QUANG HÀ

    Đi trên đường phố Huế bao giờ cũng có cái cảm giác êm ả. Nhất là mỗi lần từ trong Nam ra, ngoài Bắc vào, đến Huế, ta như vừa bất chợt gặp lại sự yên lành.

  • SONG CẦM  
          Bút ký  

    Với tôi, nước Nhật không những không xa lạ mà còn rất gần gũi. Tuy vậy, tám năm ở Nhật trước đây chưa phải là dài lắm để tôi đủ thời gian và cơ hội trải nghiệm tất cả.

  • PHÙNG SƠN

         Truyện ký

  • LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG

    Chúng tôi về Điền Lộc vào một ngày tháng năm, nắng hực trảng cát hun hút trải dài mùa biển.

  • NGUYỄN PHƯƠNG ANH

    LGT: Chu kỳ biến đổi khí hậu khiến thời tiết Huế mấy năm gần đây thay đổi rõ rệt. Huế ít lụt hẳn đi, thậm chí lụt cũng thay đổi chu kỳ lụt, ai đời như năm nay, lụt (tiểu mãn) vào tháng hai ta.
    Lụt Huế thay ngày tháng năm, nhưng ký ức thì khó phai mờ, như tùy bút dưới đây…

  • HÀ LINH

    1.
    Con đường xa tắp. Chuyến đi xuất phát với lòng tin nơi đến là cuộc hành trình từ bỏ hạnh phúc con người.

  • LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG   


     Bút ký  

    Ngắm những ruộng bậc thang chín vàng rực rỡ cả thung lũng, ít ai nghĩ rằng cái tên Mù Cang Chải theo tiếng người H’Mông có nghĩa là làng Cây Khô.

  • Lời người sưu tầm: Có những người xuất hiện với tác phẩm đầu tay như một ánh chớp, gây xôn xao và hâm mộ trong bạn đọc một thời nhưng rồi sau đó, mặc dầu cũng có một sự nghiệp văn học, có hàng bao nhiêu trăn trở tìm tòi, rồi cũng có dăm bảy, thậm chí hàng chục tác phẩm tiếp theo nhưng không sao tìm thấy được sự khởi sắc sâu đậm như tác phẩm ban đầu.

  • HÀ KHÁNH LINH
                    Bút ký

    Trường được thành lập từ năm 1963.
    Thầy và trò lần lượt ngã xuống trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đến nay chỉ còn sót lại hơn một nửa, tìm cách liên lạc với nhau mãi mới thực hiện được một chuyến trở về tìm lại dấu tích mái trường xưa - giờ đã nằm sâu vào lãnh thổ nước Lào...

  • PHƯƠNG ANH 

    Tôi thường chọn cho mình những phút giây lặng lẽ, bình yên của những ngày vào thu ở một góc quán vắng để ngắm nhìn dòng xe xuôi ngược, mỗi chuyến xe là một cuộc đi.

  • VÕ NGỌC LAN 

    Tôi vẫn thường thắc mắc không hiểu có ai sống với nhau tròn trăm năm không? Bởi tuổi của đời người mong manh, chẳng ai chờ ai, rồi lại nghĩ mình có ngộ nhận chữ nghĩa trăm năm đó không?

  • PHI TÂN
         Bút ký

    Phá Tam Giang trải dài theo hướng từ Bắc vào Nam, song song với bờ biển từ huyện Phong Điền cho đến huyện Phú Lộc (Thừa Thiên Huế), được chảy vào bởi ba con sông lớn là sông Ô Lâu, sông Bồ và sông Hương.

  • NGUYỄN THẾ TƯỜNG
                   Truyện ký

    "Kiến Giang nước chảy một dòng
    Bên bồi bên lở đau lòng hay chưa
    "
                           (Ru con Lệ Thủy)

  • VI THÙY LINH

    Trong các phần của cơ thể con người, tóc thuộc về ngoại hình mà câu chuyện tóc liên quan, ảnh hưởng tới nhiều mặt, từ mỗi con người tới lịch sử nghệ thuật, xã hội. Tóc rụng hằng ngày nhưng mấy ai thương tóc. Đời tóc đi qua những đời người.

  • LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG
                             Bút ký

    Bạch Mã có mối lương duyên thuần khiết với mây, đến cái tên gọi cũng bắt nguồn từ những áng mây quanh năm quần vũ trên chóp núi.

  • NGUYỄN NGỌC PHÚ
                        Bút ký

    Trong chuyến hành hương trên đất Phật chúng tôi đã đến ba vùng đất quan trọng liên quan đến cuộc đời Đức Phật, ba địa danh nằm trên đất Ấn Độ đó là Boddhgaya nơi Đức Phật sau bao thăng trầm trong cuộc tìm kiến chân lý đến ngồi nhập định dưới gốc cây Bồ Đề và giác ngộ.

  • PHƯƠNG ANH

    Tôi đã từng nhìn vào ánh mắt của những người đàn bà, những người mẹ; những đôi mắt luôn ẩn giấu những câu hỏi: Hạnh phúc là gì? Bởi cuộc đời họ dường như chẳng có lấy được một phút giây thanh thản để tự hỏi rằng: Mình là ai?

  • NGUYỄN VĂN UÔNG

    Tết về là gói bánh tét. Thế mà bây giờ cái mặc nhiên ấy không còn là mặc nhiên. Cái ông già tuổi đã cổ lai hy cứ nhớ vẩn vơ chuyện ấy mỗi khi Tết về.

  • LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG  

    Đi qua miền sơn cước lớp lớp mây mù giăng trên những đầu núi, vượt đèo A Co, những cơn gió đông của A Lưới heo hút, lạnh băng xộc từ những hẻm núi sâu táp sa mặt mũi.

  • LÊ THỊ MÂY
             Bút ký

    O tôi đã gần tám mươi tuổi. Thuở con gái o đã từ chối đôi ba đám trai làng đội cau trầu đến ngõ dạm hỏi. Ở vậy không chồng con, o sớm tối vào ra một mình, cửa nhà heo hút.