ĐOÀN TRỌNG HUY*
Tố Hữu là nhà cách mạng - nhà thơ.
Cách mạng và thơ ca thống nhất hài hòa trong một con người. Một đời, Tố Hữu đồng thời đi trên Đường Cách Mạng và Đường Thơ. Với Tố Hữu, Đường Thơ và Đường Cách Mạng đồng hành như nhập làm một trong Đại lộ Đất nước, Nhân dân, Dân tộc vĩ đại trên hành trình lịch sử cách mạng.
Đường đời Tố Hữu cùng là sự hòa nhập hai con đường này.
Bác Hồ làm việc với đồng chí Tố Hữu, tháng 4.1960 - Ảnh: internet
1.
Tố Hữu tự mở đường đến với cách mạng.
Trước hết, tuổi non trẻ, tự mở đường trong cuộc sống: con đường học vấn. Ngay từ thuở thiếu niên, nhà nghèo có lúc phải học chậm lại một năm vì gia cảnh, cậu bé vẫn tiếp tục, không chịu bị đứt đoạn, bỏ dở việc học. Học lên, Tố Hữu tham gia Đoàn Thanh niên Dân chủ xuống đường cùng hàng vạn quần chúng đòi dân sinh, dân chủ thời phong trào Mặt trận Bình dân bị cắt học bổng, đuổi ra khỏi nội trú nhưng vẫn học.
Cũng từ đây, anh học sinh nghèo đi làm gia sư ở khu xóm chợ. Chưa vào đời đã phải tự mở đường để sống và học: con đường kiếm sống. Vô hình trung, một thầy giáo còm tìm ra con đường đến với những thân phận tôi đòi, cơ cực, dưới đáy của xã hội thành thị: những thằng nhỏ, con sen, chị vú em, lão đầy tớ và cả những cô gái “bán hoa” trên sông. Vậy là, từ rất trẻ, anh đã tự mở đường để bước vào con đường đời - con đường đầy gian khó, phức tạp, đầy ngổn ngang éo le, ngang trái và cũng đầy bất trắc, hiểm nguy.
Không đủ tiền mua sách, anh đi đọc nhờ ở mấy hiệu sách của các nhà hảo tâm (thực chất là chiến sĩ Cộng sản mới ra tù: Lê Duẩn, Hải Triều…). Thêm một con đường vào một phần kho tàng tri thức thế giới: sách văn chương, sách chính trị… Cũng là sự bắt gặp những tia sáng văn hóa và cách mạng từ các trí tuệ nổi tiếng: Gorki, Astrovski, Barbusse, Marx, Engels… Dần dần với sự dẫn dắt của các bậc đàn anh cách mạng, tiếp nhận trực tiếp ánh sáng “mặt trời chân lý” anh học sinh giác ngộ lý tưởng đi thẳng vào con đường tranh đấu. Không bao lâu bị bắt, bị giam. Nhà tù đế quốc là trường đấu tranh khốc liệt nhất giữa sống và chết, là thử thách dữ dội nhất giữa anh hùng và hèn hạ, là lựa chọn triệt để nhất giữa bản năng và nhân cách.
Khóc là nhục. Rên, hèn. Van, yếu đuối
Và dại khờ là những lũ người câm
(Liên hiệp lại)
Đời cách mạng từ khi tôi đã hiểu
Dấn thân vô là phải chịu tù đày
Là gươm kề tận cổ, súng kề tai
Là thân sống chỉ coi còn một nửa
(Trăng trối)
Số phận đã đưa người Cộng sản trẻ tuổi vào con đường thử lửa quyết liệt nhất. Đến lúc này, anh thanh niên học sinh đã hóa thân kỳ diệu: từ con người cá nhân thành con người xã hội: “Là con của vạn nhà/ là em của vạn kiếp phôi pha….”; là “bạn thuyền”, của “đoàn ta” (Giờ quyết định), là “con khôn của giống nòi”. (Dậy lên thanh niên). Từ ấy dấn thân lên đường. Đường đời là đường cách mạng kiên cường, dũng cảm. Trên đường cách mạng, nhà thơ Tố Hữu đã từng giữ nhiều chức vụ quan trọng của Đảng và Nhà nước: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó chủ tịch thứ Nhất Hội đồng Bộ trưởng.
2.
Tố Hữu ban đầu cũng là người tự mở đường tới/ cho thơ ca. Đó là một nẻo đường dấn bước để nhập vào con đường thơ ca yêu nước, con đường văn học cách mạng. Từ ấy tự khởi đầu đã mang tính luận chiến để tìm ra và xác định con đường thơ ca chân chính. Ba mươi năm chiến đấu vì sự nghiệp độc lập, tự do và thống nhất, Tố Hữu kiên trì sự lựa chọn chính xác như sự lựa chọn của đồng đội dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh: “Nay ở trong thơ nên có thép” (Nhật ký trong tù). Cuộc sống bao giờ cũng cao hơn văn chương: “Dẫu một cây chông trừ giặc Mỹ/ Hơn nghìn trang giấy luận văn chương” (Tiễn đưa). Ấy là chê trách, răn đe loại văn chương đả kích, cơ hội, văn chương chạy theo đuôi cuộc sống. Văn chương, văn hóa chân chính, tiến bộ phải ngời ánh thép như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”(1).
Từ lâu với tư cách “chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, văn nghệ”, hơn thế nữa, đóng vai trò Tổng tư lệnh, Tố Hữu đã được tôn vinh là một trong những người mở đường và người dẫn đường. Không chỉ cho hôm qua mà còn cho hôm nay và cả ngày mai, với tư cách người trên đường, người đồng hành với chúng ta, đi tới tương lai. Trên đại lộ cách mạng, con đường văn thơ Tố Hữu đã lựa chọn và cổ súy là con đường chân chính nhất: con đường văn học cách mạng con đường nối tiếp truyền thống, mang bản sắc dân tộc và tiên tiến, hiện đại - con đường của con người văn minh trong thời đại.
3.
Tố Hữu cũng tạo ra một con đường trong thơ: con đường hình tượng. Đời thơ Tố Hữu đã tạo được một hình tượng tuyệt đẹp “con đường”. Rất hiện thực mà cực kỳ lãng mạn. Thực đấy mà cũng ảo đấy. Con đường Tố Hữu thực ra đã xuất hiện từ lâu trong thơ. Đó là một không gian nghệ thuật đặc trưng. Ngay từ đầu, con đường của “Hai đứa con phiêu bạt”… “Trong bụi đường sương gió”, của những số phận đau khổ, oan trái Tương tri trên đường đời. Là con đường của tù đày, uất hận. “Đường sao run tê tái cả hồn thơ” (Lao Bảo). Nhưng sao như thấy được tấm lòng lưu luyến, day dứt, nhân hậu trong Tiếng hát đi đày ấy “Người đi mấy bóng vẩn vơ trên đường”. Nổi bật nhất vẫn là con đường hy vọng: “Đường xa vô hạn, đích vô cùng/ Chân trời lui mãi lan lan rộng/ Hy vọng tràn lên đồng mênh mông (Dưới trưa).
Thời kháng chiến có bài ca Vui bất tuyệt mới: Đó là Đường vui của toàn dân (Nguyễn Tuân). Niềm vui vỡ òa trong khúc ca Ta đi tới hào hùng. Như tan biến đi cái kỷ niệm “xót xa” thời đầu nổ súng. “Ta lại bước đi trên đường đá rát” (Giữa thành phố trụi - 1947). Giờ đây là một tư thế mới trên con đường chiến đấu, con đường lịch sử, con đường khái quát điệp trùng những chặng đường vinh quang từ xương máu: “Đường Bắc Sơn, Đình Cả, Thái Nguyên/ Đường qua Tây Bắc, đường lên Điện Biên/ Đường Cách Mạng, dài theo kháng chiến”. Con đường tâm hồn xuyên suốt không gian từ Bắc chí Nam vào tận “Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng” và mở ra một hướng đi dũng cảm mới: “Ta đi tới, trên đường ta bước tiếp”. Là con đường dựng xây hòa bình buổi đầu đầy náo nức trong xao động “biết mấy buồn vui”, trong định hướng như mệnh lệnh trái tim “Đường thống nhất chân ta bước tiếp”. Hiện lên oai hùng là Đường vào thời Ra trận. Và chân lý lịch sử thời đại sáng chói từ Đất nước này, Dân tộc này:
Đường của ta đi, đến mọi người (Đường của ta đi).
Cùng nghĩa ấy: “Đường mòn Hồ Chí Minh là con đường sáng tạo” vừa hiện thực lịch sử, vừa tượng trưng. Con đường chiến lược quân sự cũng là con đường chiến tranh nhân dân, con đường chiến thắng. Đó là con đường Việt Nam máu và hoa.
Lịch sử sang trang “Đường Hồ Chí Minh rộng mở thênh thênh”. Lòng người phấn chấn trong tiếng hát Với Đảng, Mùa xuân như lời thơ Tố Hữu. Để lại kiên cường vượt qua biết bao thử thách, gian truân trên quá trình đổi mới, hội nhập với mục tiêu “Đường lên hạnh phúc” xán lạn.
4.
Nhìn chung lại, trên hết, trước hết và sau cùng, Tố Hữu đã mở được con đường vào lòng người - bạn đọc các thế hệ. Hàng nghìn, hàng vạn gia đình hôm qua, hôm nay đã, đang có và đọc tác phẩm Tố Hữu. Hàng triệu công dân tương lai sẽ còn gặp Tố Hữu trên ghế học đường: Trên những trang giấy học trò/ Tình yêu của ông hồi sinh (Nguyễn Khoa Điềm). Lớp lớp học sinh, sinh viên đã và đang nhận học bổng mang tên Tố Hữu như một tặng phẩm nghĩa cử, món quà tinh thần động viên, khuyến khích học tập vô giá.
Thật vinh dự, đến nay đã có nhiều ngôi trường mang tên Tố Hữu ở xứ Huế - quê hương của nhà thơ. Cũng thật vinh hạnh là nhiều tỉnh, thành tiêu biểu đã có những con đường lớn mang biển tên Tố Hữu. “Trái tim Hà Nội”, trái tim của Tổ quốc, “Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng” là tình yêu lớn của Tố Hữu. Trong tương lai chắc chắn sẽ có con đường với kích thước và tầm vóc lớn mang tên Tố Hữu. Tuy nhiên, xét cho cùng, đó chỉ là một nghi thức cần thiết của xã hội để vinh danh, tưởng niệm, tri ân một nhà cách mạng: nhà thơ lớn, nhà văn hóa lớn của nhân dân. Có một nghi thức linh thiêng vô hình đã được xác lập một cách tự nguyện, có giá trị cao quý mãi mãi - đó là Con đường Tố Hữu trong tâm tưởng, trong hồn cốt và trong lòng người yêu thơ Việt Nam.
Ở Con đường Tố Hữu thành phố, nhà thơ sẽ luôn luôn hiện diện đêm, ngày, năm, tháng, cần mẫn như người chỉ đường có uy tín. Nơi Con đường Tố Hữu lòng người, nhà thơ có mặt thường xuyên, thân thiết và chân thành như người bạn tâm hồn, người tri âm, tri kỷ, người đồng chí. Cũng là người bạn đường tin cậy trên mỗi bước chân đi tới tương lai.
Đ.T.H
(SH286/12-12)
---------------------------------
* PGS.TS. Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
(1) Hồ Chí Minh toàn tập - Chính trị Quốc gia, 1995, Tập 10, trang 59.
BÙI NGUYÊN
Ngửa (Nxb. Hội Nhà văn, 2017) không đơn thuần chỉ là tập truyện ngắn với nhiều hoàn cảnh thân phận và sự trầm tư riêng biệt của cư dân Sài Gòn đã cùng tác giả đồng hành qua hơn nửa thế kỷ sinh cư trên cái thành phố vốn dĩ là trung tâm sinh hoạt sôi động năng nổ với đầy đủ hương vị sống. Đó là cảm nhận đầu tiên của tôi khi lần lượt mở từng trang của tập truyện ngắn ngồn ngộn hoài niệm của nhà văn Ngô Đình Hải.
NGUYỄN TRỌNG TẠO
1.
Trước khi có Hàn Mặc Tử, người ta chỉ biết có hai loài đáng trọng vọng là “Thiên thần” và “loài Người”. Nhưng từ khi có Hàn Mặc Tử, người ta mới biết còn có thêm một loài nữa, đó là “loài thi sĩ”.
NGUYỄN THỊ TỊNH THY
Bông hồng cho Mẹ của bác sĩ - thi sĩ Đỗ Hồng Ngọc là một bài thơ hay về mẹ. Hay đến mức nào? Hay đến mức lặng người, lạnh người. Hay đến mức phải gọi đó là tuyệt tác.
LÊ MINH PHONG
(Nhân đọc Chậm hơn sự dừng lại của Trần Tuấn, Nxb. Hội Nhà văn, 2017)
TRẦN NGỌC HỒ TRƯỜNG
Tư tưởng văn học của Tản Đà (1889 - 1939) không thuần nhất mà là sự hỗn dung của “tư tưởng Nho gia, tư tưởng Lão Trang và tư tưởng tư sản”1.
MỘC MIÊN (*)
Là một trong những cây bút trưởng thành trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Phan Thị Thanh Nhàn không chỉ là người có duyên thầm trong thơ mà còn có duyên kể chuyện đặc biệt là những câu chuyện dành cho lứa tuổi thiếu nhi.
NGUYỄN ĐỨC TÙNG
Trong thơ trữ tình, lịch sử không tồn tại. Trường ca làm chúng tồn tại.
(Ý kiến của Nguyễn Văn Bổng, Xuân Cang, Nguyễn Kiên, Hà Minh Đức, Hoàng Ngọc Hiến)
Sách chuyên khảo “Sự ra đời của đế chế Nguyễn” của A.Riabinin tiến sĩ sử học Xô Viết nghiên cứu lịch sử xã hội - chính trị của Việt Nam vào đầu thế kỷ XIX.
LÊ MINH PHONG
(Nhân đọc: Rừng khô, suối cạn, biển độc… và văn chương của Nguyễn Thị Tịnh Thy, Nxb. Khoa học xã hội, 2017).
TRẦN VIẾT ĐIỀN
Trong sách “Nhìn lại lịch sử”, Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2003, tác giả Phan Duy Kha viết bài “Một bài thơ liên quan đến lăng mộ vua Quang Trung”.
BÙI KIM CHI
“Tháng Tám năm Ất Dậu (1945)… Là công dân Việt Nam nên tôi đã tham gia phong trào chống xâm lăng…”. (Truyện ngắn Mũi Tổ).
TRƯƠNG THỊ TƯỜNG THI
Thuật ngữ triết luận gắn với tính trí tuệ hay tính triết lý trong văn học nói chung và trong thơ ca nói riêng xuất hiện từ rất sớm.
NGUYỄN THẾ QUANG
Nói đến nhà văn Nguyễn Khắc Phê thì không gì bằng đọc cuốn tự tuyện của anh. Số phận không định trước(*) đưa ta đi suốt cuộc hành trình sáng tạo nghệ thuật bền bỉ quyết liệt suốt năm chục năm qua của anh.
NGUYỄN HỮU SƠN
Thiền sư Vạn Hạnh (?-1018) gốc họ Nguyễn, người hương Cổ Pháp (nay thuộc phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh), thuộc thế hệ thứ mười hai dòng Thiền Nam phương Tì Ni Đa Lưu Chi.
NGUYÊN QUÂN
Một cảm nhận thật mơ hồ khi cầm trên tay tập sách, vừa tản văn vừa tiểu luận của nhà văn Triệu Từ Truyền gởi tặng. Sự mơ hồ từ một cái tựa rất mơ hồ bởi lẽ chữ là một thực thể hữu hiện và chiếc cầu tâm linh chính lại là một ảo ảnh rất dị biệt với thực thể hữu hạn của những con chữ.
TUỆ AN
Đọc “Ảo giác mù”, tập truyện ngắn của Tru Sa (Nxb. Hội Nhà văn, 2016)
TRẦN VIẾT ĐIỀN
Ngô Thì Nhậm viết bài thơ Cảm hoài cách đây 223 năm, nhân đi sứ báo tang Tiên hoàng Quang Trung băng hà và cầu phong An Nam quốc vương cho vua Cảnh Thịnh.
NGUYỄN THỊ THANH LƯU
Đã từ rất lâu rồi, tôi hài lòng với việc đọc thơ trong màu xám của một nỗi tuyệt vọng - nỗi tuyệt vọng không bao giờ phân tách nổi trắng đen giữa đám sương mù xám đặc dường như chỉ có dấu hiệu đậm dần lên trong những lớp lang chữ nghĩa, trong cách ngắt nhịp, buông vần.