Con chim cu cườm

09:50 26/10/2018

NGUYỄN VĂN UÔNG  

Ông Bửu nằm gác chân lên vành chiếc chõng tre kê trước hiên nhà, mắt lim dim ngái ngủ giấc trưa. Chiều đã xế bóng. Gió nồm lao xao hàng tre trước ngõ, phớt nhẹ lên vầng trán lấm tấm mồ hôi.

Minh họa: Nhím

Từng làn gió nhẹ thoảng qua vẫn không làm vơi bớt cơn nóng tháng Sáu mùa hè gay gắt nung da thịt. Ông nửa tỉnh nửa như váng vất tiếng gáy dật dờ của con chim cu cườm trong chiếc lồng tre treo đầu chái nhà trên. Tiếng gáy giọng thổ trầm vừa tròn tiếng, ồm ồm như tiếng mấy cậu bé trai mới qua kỳ vỡ giọng. Đôi giọng gáy còn khàn khàn, vang vang non choẹt thật dễ thương. Nó đã biết tập gù gọi bạn tình. Ông thoáng thấy vòng cườm phồng lên theo tiếng gù non nớt nhịp nhàng với những cái ngúc cúi đầu gọi mời tình tứ. Tiếng gióng còn non nhưng gióng giả đầy bản lĩnh khiến ông mê mẩn. Tiếng gáy con chim cu non làm ông tỉnh dần. Mới ngày nào nó chỉ là một dúm lông tơ đen đúa trong tay chú bé chăn trâu phá tổ chim trước đình làng. Hôm ấy, ông và mấy cụ lão làng vừa tan buổi họp chuẩn bị tế thu, ra khỏi cổng đình thì gặp chuyện. Ông rầy chú bé có phần nặng lời và cho bé mấy đồng bạc lẻ để đổi lấy con chim cu non mới mở mắt vì ông biết vào tay chú, thế nào con chim cũng không sống được. Từ ngày Cậu ông qua đời, ông đã từ bỏ thú nuôi chim cu mà hai cha con đều yêu thích. Từ đó, hằng năm ông thay cha chăm chút giữ gìn những tổ chim cu ngày mùa về làm tổ sinh sản trong vườn nhà trước những cặp mắt tìm tòi của những chú bé con. Thế mà từ con chim non tơ tội nghiệp này, ông như cảm thấy mình có bổn phận phải nuôi nó sống, lớn lên và trả nó về với thiên nhiên theo bầy đàn. Nuôi sống và con chim lớn lên cứng cáp thì ông đã làm được nhưng thả nó về thiên nhiên thì ông cứ hẹn mãi. Đến tháng Sáu năm nay thì đã qua hai mùa chim cu về kiếm ăn, sinh sản mà ông vẫn còn chần chừ chưa quyết được. Năm ngoái, từ con chim non, ông mớm ủ nó lớn lên từng ngày. Đến khi nó đủ lông đủ cánh cứng cáp tập bay sạt sạt trong lồng thì trời đã chuyển mùa sang đông, chim mùa đã bay hết về rừng. Sợ chim không có bầy đàn để theo là lý do ông viện ra giữ lại con chim chưa thả nó bay. Đầu mùa lúa năm nay, khi từng đàn chim cu rừng về kiếm ăn, làm tổ thì con chim cu non của ông đã thay lớp lông áo bóng mượt, đã gáy rõ tiếng. Ông còn muốn xem nó gáy hay đến thế nào nữa… Lý do ông biện minh cho việc chưa thả con chim về rừng là thế.

Cơn đau chợt đến, nhè nhẹ rang lồng ngực, ông vươn vai ngáp dài, hít sâu mấy lần làm con chim thấy động ngưng tiếng gáy. Ông đến bên lồng chim. Con chim đã quen ông, không còn sợ sệt, chim cứ nhảy nhót trong lồng tre. Đôi chân dài, to mập, tròn trịa màu hồng mận sáng và những chiếc móng đen bóng tung hứng những âm thanh lách tách theo nhịp nhảy nhót trên thanh cầu đậu. “Chân cẳng kiểu này thì mày khỏe lắm đó nghe! Sau này có bạn tình thì tha hồ mà sinh sản”… Mỗi lần nhìn chim muốn thả nó bay về trời thì ông cứ lẩm nhẩm câu ấy. Và ông chỉ lẩm nhẩm thôi, con chim còn mãi trong lồng chưa được tự do thênh thang ngoài bầu trời. Ông ngắm chim thật kỹ. Cái đầu quả mận nâu nhàn nhạt phớt màu xanh lơ trông thật ngang bướng. Cái ức nở nang tròn trịa bó sát trong đôi cánh như hai gọng kìm. Toàn thân chim phủ một màu nâu non láng bóng, úp úp những chiếc lông chỉ sọc đen san sát như ngói lợp. Điểm đặc biệt ở con chim này là dưới cánh sáng lên, mọc mấy chiếc lông trắng. Đó là nòi chim gián cánh thuộc loại khó kiếm. Vành cườm bao quanh cổ như chiếc khăn đen đính những khổ cườm trắng vuông vắn, vài hạt có viền vàng, đều hàng ngay ngắn chạy dọc sa xuống đến diều. Cái mỏ đen bóng bẩy, cánh mũi phình bạnh lộ rõ hai lỗ đen thuông thuổng đều tắp. Cuối mép, dải lông chỉ dàm mỏng tanh, sắc cạnh ngay ngắn nổi bật trên màu lông nâu láng, nối dài từ mép mỏ đến vòng da mi khóe mắt khoanh tròn vàng sáng, trông như đường kẽ chì đen bóng ai vẽ lên trang điểm cho đôi mắt đen tròn láu liên. Con chim này cùng giống với con chim cu của Cậu ông ngày xưa. Ông biết đây là giống chim quí thả đi thì tiếc, nuôi thêm thì tội với vong linh Cậu, người cha ông yêu kính đã đi xa trong sự tiếc thương vô hạn của gia đình ngày ấy.

*

Sau ngày đất nước thống nhất ông Bửu trở về làng, dựng ngôi nhà trong khu vườn cũ. Bốn bờ tre bao quanh khu vườn rộng vẫn còn nguyên vẹn nhưng đầy vẻ hoang tàn, xác xơ sau những tháng năm chiến tranh tàn phá. Gốc mít án ngữ cạnh ngõ vào vẫn còn, trơ trọi giữa đám cỏ hoang. Cây mít ba nhánh đâm thẳng trên thân cây mẹ bị bão xô nghiêng, phát triển sum suê ngày ấy mà cha con ông cứ gọi tên thân thương là cây mít quì, nay chỉ còn lại một nhánh lớn sát gốc, hai nhánh kia chắc đã bị ai đó cưa ngang làm củi đốt. Khu vườn ngày nào với nhiều loại cây trái chỉ còn cỏ hoang mọc kín. Sau mấy mươi năm chiến tranh xa quê, ông trở về làng sống những ngày còn lại với ý thức giữ gìn hương hỏa tổ tiên và làm chỗ dựa quê hương cho con cháu. Kỷ niệm tuổi thơ dưới gốc cây mít quỳ mỗi trưa hè của mấy anh em ông cùng với người cha còn sinh động như việc chỉ mới xảy ra hôm qua. Gọi là cây mít quì vì thân nó đã bị đổ nghiêng trong một trận bão dữ năm nào đó, từ rất lâu, các nhánh con mọc ra đã vươn thẳng thành ba nhánh lớn trên thân mẹ nằm nghiêng, chiếm cả một góc vườn. Mỗi năm, đến mùa lúa chín, chim cu cườm thường về đây làm tổ sinh sản. Trong bóng mát bao trùm khoảnh sân, tiếng chim cu trong những chiếc lồng tre treo ở đầu hồi nhà, gáy đối đáp với những con chim ngoài trời nghe cứ nhàn nhã, êm đềm như cuộc sống nông thôn trôi chảy bên ruộng nương. Nắng hè chói chang trải trắng mặt sân nhưng dưới bóng mát cây mít quì này, mấy anh em ông nô đùa bên người cha tỉ mỉ với những chiếc nan tre chuẩn bị cái lồng mới cho con chim vừa gia nhập đàn. Những chiếc lồng nho nhỏ tròn phình như trái bầu eo được Cậu chăm chút từ chuyện chuốt vót những nan cật tre nhỏ nhắn, đều tắp đến lúc cài miệng, gài nan, đan lồng, đát đáy… Từng động tác tỉ mỉ, khéo léo suốt mấy buổi trưa, Cậu mới hoàn thành được chiếc lồng tre vừa tầm nuôi chim cu gáy. Cậu còn chọn những ống trúc vàng có dáng khum nghiêng làm cầu chim đậu, gắn sát đáy lồng giữa bầu thóc và bầu nước, tạo thế vững vàng cho dáng chim khi gù, khi gáy. Đan lồng cho những con chim cu cườm là niềm đa mê cũng là cái thú của Cậu. Đôi bàn tay nhỏ nhắn, nhiều ngón tay dài từng cầm bút lông, cầm cày, nay lại cầm mác chuốt vót những nan cật tre nho nhỏ rồi đưa lên ngắm nghía đến lúc vừa ý mới đặt xuống cạnh những nan khác. Ông say mê nhìn Cậu đan chiếc lồng chim cu như mỗi lần đón Tết, nhìn Cậu viết câu đối treo nhà chào xuân. Không biết bao lần Cậu ông kể đi kể lại sự tích giống chim cu và giải thích vì sao Cậu thích nuôi giống chim này. Cậu kể rằng, ngày xưa, một bà mẹ nghèo góa bụa có ba người con trai đã lớn mà chẳng lo làm ăn giúp đỡ mẹ già. Ba người con suốt ngày lêu lổng, đến bữa thì về nhà đòi ăn. Người mẹ già lao tâm, lao lực đến một ngày sức cùng lực kiệt không còn sức kiếm thực phẩm nuôi con. Bà bảo các con ra suối lấy nước, lên nương mót ngũ cốc tự làm thức ăn nuôi sống mình. Nghe lời, 3 người con rời nhà, đi ra 3 hướng khác nhau để tìm thức ăn. Đi mãi chẳng kiếm được thứ gì, 3 người con trở lại nhà xin mẹ thức ăn thì bà đã chết đói và hóa thành con chim đen tung cánh bay về trời. Hối hận, cả 3 người con chạy theo hướng chim bay, xin mẹ tha lỗi và cầu mong mẹ trở lại với các con. Chim bay xa thì các con theo bóng mẹ càng xa mãi vùng quê, không còn biết phương hướng. Họ lạc vào rừng. Đêm xuống lạnh, 3 người con lả đi vì đói, mệt. Trong cơn mơ, họ được một đạo sĩ mặc áo vỏ cây màu nâu, chống gậy trúc vàng đưa về thảo am giữa chốn rừng già cho tá túc. Vị đạo sĩ ngày ngày dẫn 3 cậu tha thẩn trong rừng nhặt hạt cây rừng kiếm ăn, đêm đêm bày các cậu gõ mõ, tụng kinh sám hối những lỗi lầm và nguyện cầu cho mẹ siêu thoát. Đến mùa lúa chín ở vùng đồng bằng, vị đạo sĩ khoác vào các cậu chiếc áo lông màu nâu non và niệm thần chú hóa họ thành 3 con chim cho bay về biền nương, ruộng đồng kiếm ăn. Khi về đến quê hương, gắn bó mãi với chốn cũ không muốn trở lại núi rừng, người anh cả vất bỏ lớp áo nâu non, khoác vào nhiều màu áo sặc sỡ. Hết mùa lúa, 2 người em bay trở về thảo am thì vị đạo sĩ đã biến đi đâu mất. Mái tranh, vách liếp xác xơ, tàn tạ không còn nương thân được, hai con chim tha rác lót lên những cành cây quanh lều cỏ làm tổ tá túc. Không còn vị đạo sĩ hóa cho trở lại kiếp người, 3 anh em mang mãi kiếp chim thành 3 giống chim anh em: chim bồ câu, chim cu cườm, chim cu ngói. Tiền thân giống chim này đã chọn vị đạo sĩ làm bổn sư, học gõ mõ, tụng kinh, giữ gìn trai giới nên bây giờ chúng chỉ chay tịnh, thức ăn là các loại ngũ cốc mùa màng rơi vãi ngoài đồng ruộng. Tiếng gáy của chúng còn âm vang của tiếng mõ, lời niệm chú và những cử chỉ ngúc cúi đầu lễ bái theo từng câu kinh: Cúc… Cù… Cu… Chim bồ câu được người thuần hóa trở thành vật nuôi cung cấp thực phẩm cho loài người. Chim cu cườm và cu ngói vẫn màu áo nâu non, thong thả kiếm ăn trên ruộng đồng, học theo cung cách, dáng dấp vị bổn sư đạo sĩ trong từng bước mải mê hành thiền. Tiếng gáy chim cu cườm còn vang âm hưởng lời chú niệm Cục… cu… cu; Cục… cu… cu…; lại thêm các lèo hậu Cù… Cù… Cù… cùng cái đầu ngúc cúi bái lễ như lời sám hối những lỗi lầm và cầu nguyện cho người mẹ bạc phúc được siêu sanh cõi lành. Nhìn con chim cu cườm với lớp áo lông màu nâu non gióng giả đổ từng hồi tụng niệm, Cậu lại nghĩ đến vị đạo sĩ chốn thảo am giữa núi rừng trong truyền thuyết. Cậu thích cu cườm vì thích lớp lông màu áo nhà chùa và dáng dấp thanh tao đạo cốt của nó trông như bậc chân tu. Hằng ngày, chim cu cườm vẫn mải mê tụng niệm câu kinh, lời kệ. Sáng, trưa, chiều, sau buổi kiếm ăn, chim cu cườm bay lên đậu ngọn cây cao, tinh tấn nhả từng tràng kinh sám hối. Định lực ngày càng viên mãn, tấm khăn choàng vòng cổ đen trên màu áo nâu non dần dần mọc lên những hạt cườm trắng sáng như vòng hào quang. Bây giờ nhìn con chim cu cườm nào có vòng cườm rộng, kéo sâu xuống vòng cổ; vài hạt cườm viền vàng thì biết đó là giống chim gáy hay. Mất mẹ, cu cườm luôn gần em, không rời xa cu ngói. Là loài chim hiền, giống chim cu luôn luôn bị loài chim dữ săn mồi. Khi về đồng bằng kiếm ăn và sinh sản, chúng thường chọn những cây có tán rộng, lá to, độ che phủ kín để làm tổ. Trong một vùng lãnh thổ của giống chim này, nếu ở đâu có tổ chim cu cườm thì gần đó cũng có tổ chim cu ngói và có tổ chim chèo bẻo. Cậu ông bảo chim chèo bẻo là hóa thân của bà mẹ già. Tuy đã hóa thành chim, bà vẫn còn theo bảo vệ con mình. Chim cu thích làm tổ gần nơi có nhà người ở. Trong khu vườn rộng, người dân nông thôn trồng cây theo từng lớp. Lớp ngoài là hàng tre như lũy ngăn gió bão, ngăn kẻ xấu xâm nhập vào vườn. Sát bờ tre là dãy mít, thân cao, tỏa nhánh vững vàng, vừa nâng đỡ những cây tre bị gió bão đổ nghiêng, vừa tránh hư hao cho cây giữa vườn. Những cây ăn trái nhỏ trồng giữa vườn cùng mấy gốc cau đứng thẳng vươn cao, xòe tán lá che những gốc cam, quýt, chuối, ổi… bớt đi sức thiêu đốt của nắng hè. Về đồng bằng kiếm ăn và sinh sản, gia đình chim cu làm tổ gần nhau. Chim cu cườm thường làm tổ trên cây mít, chim cu ngói làm tổ trên ngọn cau, chim chèo bẻo làm tổ trên đọt tre cao nhất, giữ vai trò người bảo vệ. Nếu có kẻ xâm phạm những tổ chim này thì chim chèo bẻo xuất hiện, bay đến “xẹt” cắn xua đuổi.

Tuy có một thời được dân làng bầu vào chức lý trưởng, cha ông trước sau chỉ là một nông dân. Điều lạ là mấy anh em ông không gọi cha là bố mà chỉ gọi là Cậu. Ruộng lúa, cánh đồng làng đã cô đúc Cậu thành một mẫu người của làng quê vùng chiêm trũng thuần nông này. Vốn xuất thân trong một gia đình nông dân khá giả lâu đời ở làng quê, Cậu được theo học chữ nho với các thầy khóa, cụ đồ trong làng chỉ với yêu cầu có chút ít chữ nghĩa để sống với đời, giữ gìn danh gia chốn làng quê. Cái hiểu biết đạo lý nho gia cô đọng trong các sách Tam thiên tự, Tam tự kinh chẳng đem lại miếng đĩnh chung nhưng cũng nâng vị thế gia tộc trong lòng ngưỡng phục của dân làng. Đó là truyền thống gia đình, một gia đình nhà nông biết chút ít chữ nghĩa, đạo lý thánh hiền. Gọi là nhà nông khá giả nhưng ở cái làng mà ruộng đất chỉ là công điền, công thổ; thứ tài sản công này được lệ làng quản lý chặt chẽ, thì mỗi gia đình nông dân mấy ai có được tư điền. Sự khá giả nhìn thấy được là nhà có trâu cày, heo nái, heo lứa; mỗi mùa vụ lúa gặt về phơi vàng mặt sân, cái đụn rơm to tướng lừng lững góc vườn; con cái không thiếu đói những ngày giáp hạt. Đó là điều mơ ước không phải ai cũng có được trong vùng quê chiêm trũng này. Sự khá giả đong đầy nỗ lực đổ mồ hôi, nước mắt và sự tính toán chu đáo, quyết đoán của người chủ gia đình. Đất ruộng làng là tài sản chung của dân làng, hàng năm trích phần lớn chia đều cho dân làng canh tác. Ngoài ruộng quân điền này, số còn lại được làng tổ chức đấu giá cho những ai có nhu cầu canh tác thêm. Cậu ông là người biết tính toán và có được những người làm công thân tín, năm nào cũng đấu chừng mươi mẫu ruộng làng trồng lúa, thu về hoa lợi ngày càng nhiều. Mùa nào chim về ăn lúa, làm tổ sinh sản thì ông Bửu cũng kiếm được cho Cậu đôi ba cặp chim cu cườm non để hai bố con cùng nuôi mớm chúng lớn lên. Bầy chim cu cườm của Cậu gần mười con là những con đã được hai bố con tuyển chọn qua nhiều năm. Đó là những con có dáng đẹp, giọng gáy hay, hay cả tiếng gù gọi tình và tiếng gióng dõng dạc, thanh thản khi nhả âm. Hàng ngày ông giúp Cậu săn sóc mấy lồng chim. Chỉ việc sáng treo trên các móc, các sào quanh nhà và ngoài cây mít quì; tối gom lại đúng chỗ trong nhà; về mùa đông thì thả bao màn chống gió lạnh cho chim… thì với công trạng đó ông đã hơn hẳn người anh và thằng em trong nhà. Cả đến việc khi theo dõi từng sợi lông cườm đầu tiên xuất hiện trên vòng cổ đến khi nghe những tiếng gáy đầu í e của con chim tơ, Bửu với Cậu như tri kỷ. Con chim nào giữ lại nuôi gáy, con chim nào thải loại cũng là hội ý của hai bố con quyết định.

Ông nhớ mãi giây phút ông thả con chim cu cuối cùng của Cậu về với bầy đàn của chúng. Khi các con lớn và Cậu mắc bạo bệnh thì cái thú chơi chim cu cườm của Cậu cũng đổi theo. Không những Cậu không còn cho bắt những tổ chim cu non mà còn cho thả dần những con chim nuôi nhốt đã lâu ngày. Dàn chim cu gáy của Cậu cứ vơi dần. Bệnh tình của Cậu ngày càng xấu đi từ khi Cậu bị ông Chánh tổng nghi Cậu có dính dáng với nhóm Việt Minh bí mật. Hắn báo với quan huyện và Cậu bị trát đòi lên huyện nhiều lần. Tuy không có bằng chứng để kết tội, nhưng với các đòn tra tấn, sức khỏe của Cậu sa sút rất nhanh. Đến khi nằm liệt trên giường bệnh thì Cậu cho thả hết bầy chim cu cườm, chỉ chừa lại con chim này vì nó còn tơ, gáy hay, và dường như có mối đồng cảm nào đó giữa chim và chủ. Từ khi nó còn là một chú chim non, đoán biết nó là giống chim quý, Cậu dành cho nó những hạt đậu, kê, mè, thóc chắc mẩy. Khi nó tập gáy, càng xác tín, Cậu chăm nó kỹ hơn. Cậu gần gũi và chuyện trò với nó như người bạn. Cậu dành khoảng đời còn lại với thú vui bên con chim cu cườm này. Nó và Cậu như hiểu nhau. Mỗi lần thấy Cậu đứng trước lồng, ngoắt ngoắt ngón trỏ là trong lồng nó gù say sưa. Tiếng gù gọi tình thiết tha, cái vòng cườm phình to theo chiếc đầu ngúc cúi nhịp nhàng như chuyện trò với người đồng điệu. Tiếng chim gù làm Cậu xốn xang, yêu thích. Khi biết mình không còn nhiều ngày trên cõi đời này, Cậu gọi ông Bửu đến bên giường bệnh và cho thả con chim cuối cùng này để Cậu thấy nó bay lượn và mang hình bóng nó qua bên kia thế giới. Ông Bửu còn nhớ buổi trưa hè năm đó, khi ông tung phóng thích con chim cu yêu quý của Cậu lên bầu trời. Cuộc đời con chim ấy chỉ lớn lên và trưởng thành trong lồng, khi được tự do bay lượn giữa thinh không, nó chỉ bay được một vòng quanh sân nhà rồi sà xuống một nhánh lưng chừng của cây mít quỳ. Mấy ngày sau, nó cũng chỉ bay quanh quẩn quanh vườn nhà và tối đến vào đậu ngủ trên cây sào tre treo tấm sáo che nắng trước hiên, cạnh nơi có chiếc lồng tre, ngôi nhà quen thuộc của nó. Không biết nó chưa dạn thiên nhiên hay còn lưu luyến điều gì, chưa nỡ rời chốn cũ? Biết khả năng kiếm ăn của nó đã mai một, Cậu sai người nhà treo vào đó một cái giỏ thóc cho chim khi nó chưa chịu bay đi kiếm mồi. Cậu mất, nhà đám tang người ra kẻ vào tấp nập, không ai biết con chim sợ đám đông bay đi đâu mất hút. Cậu mất vào ngày giữa tháng Sáu. Năm ấy, nắng hạn kéo dài, cánh đồng biền làng xơ xác, chỉ có ruộng lúa no gió Lào là tươi xanh. Chim cu rừng về kiếm ăn, làm tổ từ đầu vụ lúa mùa, nay vụ trái lúa mới ngậm sữa, chúng lại tha thẩn kiếm ăn trong các đám kê, đậu trên biền đất khô. Trên đọt cây mít qùi, chim cu con ra ràng đã bay đi mấy lứa. Không biết con cu cườm của Cậu có nhập được với đàn không? Những năm sau, tháng Sáu ngày giỗ Cậu, năm nào trên đọt mít cao kia cũng râm rang tiếng cu cườm gáy vang. Những con cu cườm này có liên hệ gì chăng với con chim cu cườm Cậu sai ông phóng sanh trước khi Cậu mất?

*

Ông Bửu trở lại chiếc chõng tre, tựa lưng vào thành giường ngồi vắt chân chữ ngũ nghĩ ngợi xa xăm. Nắng hè chói chang phơi trắng khoảnh sân trước nhà. Tháng Sáu, ngọn gió Lào vắt khô kiệt bầu trời, cây cối xác xơ. Bụi chuối giữa đám cỏ góc vườn cháy sém lá, chỉ cây mít quỳ cạnh đầu ngõ vào nhà vẫn giữ màu xanh. Lá mít như xanh hơn, dày thêm dưới nắng, cần mẫn chuyển hóa nhựa sống nuôi đàn con đeo lủng lẳng quanh thân. Phía bên kia cái sân ngập nắng, trong đám cỏ dại, những cây cỏ hôi núi đã cho hoa vàng. Thứ cỏ kỳ lạ này trời càng nắng chúng càng xanh và bám cứng rể sâu vào đất, chỉ có cuốc mới nhổ được chúng. Nhìn nơi đó ông Bửu như thấy lại cái đụn rơm vàng óng, to tướng án ngữ cả bên kia con ngõ từ đường làng vào sân nhà. Xa phía trong đụn rơm là cái chuồng trâu sát mép bờ tre, mùa hè bốn tấm phên liếp tre mở toang toác, mấy con trâu vừa lim dim cặp mắt mệt mỏi vừa nhai trệu trạo đôi quai hàm. Đã mấy mươi năm rồi, tất cả chỉ còn trong kỷ niệm của ông. Ông buông tiếng thở dài. Con chim cu vẫn gáy đầu chái nhà trên, dưới bóng mát cây mít quì. Biết bao đổi thay dâu bể gợi lên qua tiếng gáy con chim cu cườm. Ngày nào ở đây tràn ngập tiếng cười thì bây giờ chỉ còn mình ông với cái lồng chim cu gáy. Một gia đình bề thế chốn nông thôn giờ tan tác muôn nơi. Cậu và Mợ đã thành người thiên cổ. Người anh cả cũng đã bị giết trong trận càn một năm sau khi Cậu ông mất. Người em trai kế ông theo đoàn quân lên chiến khu rồi tập kết ra Bắc đi biền biệt. Sau ngày đất nước thống nhất người em trở về quê hương nhưng cũng không trụ lại. Ngày làng quê tan hoang thuở ấy, ông theo đoàn người tản cư đưa gia đình cùng người mẹ và 3 em nhỏ nương náu ở phố thị. Con cháu gia đình ông hiện nay không ai trở lại cuộc sống quê, kẻ ngoài Bắc, người trong Nam, có người xa mãi bên kia đại dương. Con người cứ hướng về tương lai và quên dần quá khứ. Quá khứ chỉ là của người già và nuôi dưỡng những tâm hồn già cỗi. Ông về đây khư khư giữ chặt khuôn đất hương hỏa và khung trời đầy ắp kỷ niệm gia đình. Ngoài khu vườn này còn những từ đường, đình làng, chùa chiền, mồ mả tổ tiên. Đó là cuộc sống của những người già như ông. Ông thấy trong đó đầy đủ tình tự gia tộc, xóm giềng, làng nước. Đó là cái gốc của tình tự quê hương, tình yêu tổ quốc, giống nòi. Con chim cu cườm vẫn đều đặn nhả từng hồi gióng giả trong chiếc lồng tre đầu chái nhà. Nó gióng lên cù cu… cù cu… mấy tràng dạo đầu rồi cục cù cu… cục cù cu… cục cù cu… từng hồi dài gởi vào không gian chiều hè vắng vẻ để chờ đợi những tiếng cục cù cu của con chim nào đó đáp trả. Không nghe tiếng gáy hồi đáp, nó dõng dạc nhả mấy hồi dài cục cu cu cù cù… cục cu cu cù cù… Ông nghe trong tiếng gáy có thêm một lèo hậu 2 sau tiếng gióng nhưng còn nhỏ lắm. “Vài tháng nữa chắc mày cũng nhả thêm được lèo hậu 3, cả lèo 4 nữa cũng không chừng”. Ông lẩm nhẩm thế và cứ ngồi yên trên chõng tre nghe chim gáy. Khi con chim ngừng gáy, không gian chiều hè trở lại vẻ yên ắng, cô tịch kéo dài, cứ dài ra mãi. Một điệu buồn man mác ngập tràn hồn ông, lay động màu nắng nhạt trên đọt tre trước ngõ theo bóng chiều tà. Bất chợt, ông bật lên mấy tiếng gù… gù… như lời hỏi chào người bạn trong lồng. Con chim dướng cao chiếc cổ trắng những hạt cườm gù… gù… gù đáp trả. Tiếng gù gọi tình cùng cái đầu tròn quả mận ngúc ngúi cứ hướng về ông. Ông ngẫm tính nếu ở ngoài trời con chim này bây giờ đã đến kỳ làm chim bố. Nghĩ đến đó ông thấy mình như người có lỗi và tự nhủ: “Giữa tuần trăng tròn tháng Sáu này là ngày giỗ Cậu. Khi ấy ta sẽ trả ngươi về với bầu trời để mỗi tháng Sáu, mày về đậu trên cây mít quì, gáy chào vong linh Cậu về thăm nhà, ăn kỵ”. Ông thẩn thờ nhẩm đếm theo tiếng chim cu gáy, thấy ngực đau nhói khi nghĩ về Cậu. Ông đặt tay lên ngực, cơn đau không giảm như mọi khi mà cứ tăng dần. Ông nằm duỗi thân trên chõng tìm giấc ngủ chống chọi những cơn đau thắt. Con chim cu cườm lại gióng lên mấy tràng cục cu cu cù cù… cục cu cu cù cù… ru ông ngủ. Ông lặn dần vào giấc ngủ sâu. Con chim cu cườm vẫn cứ gáy, cứ gù ngoài kia… xa dần… xa dần… Ông Bửu lịm dần giữa màu chiều đậm đặc rồi tối đen nghịt. Ông rơi vào một khoản không tối đen mang theo tiếng gáy con chim cu cườm và lời tiếp dẫn của vị đạo sĩ chốn thảo am giữa rừng năm xưa.

N.V.U  
(SHSDB30/09-2018)


 

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • NGUYỄN TRỌNG HUẤNBạn tôi là nhà thơ. Thơ anh hay, rất nổi tiếng, nhiều người ái mộ.Năm 1975, anh cùng đoàn quân chiến thắng tiến vào giải phóng Sài Gòn, trụ lại thành phố làm đại diện một tờ báo, chốt trực cơ quan. Ở rừng lâu, nằm lán, ngủ võng cũng quen, nay về phố thị, căn hộ hai ba phòng, tự nhiên thấy trống trải, trằn trọc. Hoà bình rồi, cần ổn định cuộc sống, việc đầu tiên là đón mẹ con nó vào.

  • ĐỖ KIM CUÔNGNấn ná mãi tôi mới quyết định đi thăm Hiền. Quãng đường hơn trăm cây số, vượt qua đèo Cả không có gì đáng ngại. Chỉ hơn ba giờ đồng hồ ngồi xe đò và hơn một giờ nữa trên chếc xe ngựa của ông Sáu cụt chân là tôi đã có thể tới làng Vĩnh Hiệp Nam, về ghềnh Đá Đỏ. Nhà cô giáo Hiền ở đó.

  • LÊ MAICơn mưa chiều sầm sập kéo tới, mưa đổ bì bộp xuống mái nhà; hạt mưa nặng đến nỗi Hoàng tưởng như những tấm tôn phải oằn rướn lên chống đỡ; nước từ các máng xối tuôn ra ào ạt kéo theo hàng đụn lá khô, cỏ rác tràn đầy cống ngoài đường. Mới có năm giờ chiều mà như tám giờ tối.

  • HƯỚNG DƯƠNGTruyện ngắnMùa đông năm ấy tôi phải đi công tác tại một thành phố nhỏ ven biển. Khách sạn tôi trú chân nằm trên một ngọn đồi, nó không sang trọng, bề thế như nhiều khách sạn khác. Nhưng bù lại, nó hướng mặt về phía đại dương. Địa điểm này thật sự lý tưởng cho khách du lịch vào mùa hè, còn mùa đông thì chỉ có những người đặc biệt hay những công việc đặc biệt người ta mới tìm đến đây nghỉ lại. Một người bạn thân đã cho tôi địa chỉ của nó. Tôi khá hài lòng nếu như bạn hàng của tôi không bắt tôi chờ bão tan rồi mới đáp máy bay đến ký hợp đồng.

  • TRẦN HẠ THÁP(thân tặng Ng.X.Hoàng)

  • TRẦN HẠ THÁP    (tiếp theo)

  • VÕ THỊ ÁNH HỒNGTôi vừa chạy vừa gọi chị trong tiếng sóng rì rào và tiếng lao xao của dãy phi lao. Như không nghe thấy tiếng tôi, chị vẫn thẫn thờ nhìn về xa xăm, chờ đợi...

  • PHẠM NGỌC TÚYĐó là một cặp vợ chồng trông rất đẹp đôi và hạnh phúc. Chàng cao lớn, mặt vuông. Nàng mảnh khảnh, xinh xắn. Khi lấy nhau, họ ở nhà tập thể của cơ quan. Sau khi cơ quan dời đi chỗ khác, người được phân đất, kẻ được chia nhà, lần lượt dọn đi. Chỉ trừ chàng. Chàng vì cô mà ở lại.

  • PHẠM XUÂN PHỤNGXưa có một người nông dân chất phác cần cù, nhà ở gần bìa rừng, làm lụng đầu tắt mặt tối bao năm mới dựng được ngôi nhà tranh ba gian hai chái. Trước nhà có cái sân rộng dùng để phơi lạc, loại nông sản chuyên canh của dân trong vùng. Hai vợ chồng có mỗi mụn con trai nên thường chăm bẵm, những mong sau này có được dâu hiền, phúc nhà đến độ, may chăng cháu chắt đầy nhà là mãn nguyện.

  • NGUYỄN NGỌC LỢICây mai dáng trực đặt nơi khoảng sân lát gạch đỏ của toà nhà ấy đã làm xôn xao cả phố. Gốc cây mai to gộc, u bạnh của nó bám đầy địa y mốc xanh mốc trắng.

  • TRẦN THÙY MAIThấp thoáng trong văn Trần Thùy Mai là sự phô phang hình hài của linh tự. Những linh tự tủi buồn bởi hết thảy chúng đều được hoài thai từ “độ chênh” của những mối tình khó lần ra hồi kết. Điều đó khiến mỗi truyện ngắn của Mai như là một miếng hồng trần nhỏ nhắn - chị lặng lẽ vấy vá bằng sợi tầm ma trước mỗi rạng đông...

  • QUẾ HƯƠNGTôi băng qua đường để lên cầu Trường Tiền. Thằng Tí kéo tay tôi lại: “Cậu qua đường mần chi, xe cán chừ!”. Tôi cứ qua. Đám trẻ con đang chơi ở công viên trước mặt ném đá vào tôi. Tôi chạy lên cầu. Đám trẻ réo: “Ông điên! Ông điên!”. Tí chạy theo, vừa thở, vừa nắm tay tôi: “Ai bảo cậu qua bên ni, dắt cậu thiệt mệt!”.

  • NGUYỄN NGUYÊN PHƯỚC Vào một buổi tối mùa thu, Đinh Hoài Viễn, một nhà văn trẻ tuổi, một người hoàn toàn vô danh trong văn giới, trong khi bóc phong thư mới nhận được vào buổi sáng ngày hôm đó, đã phát hiện ra ở mặt sau cái phong bì rỗng ấy một văn bản kỳ lạ trong hình thức của một truyện ngắn không đề tên tác giả.

  • ĐỖ KIM CUÔNGQuán cà phê cây sứ của vợ chồng Tư Hiền nằm ngay mặt tiền con đường nhỏ dẫn ra biển. Quán không trang hoàng đèn xanh đèn đỏ, không quầy két, không người chạy bàn, chỉ dăm ba bộ bàn ghế nhựa rẻ tiền.

  • HƯƠNG LANNàng sống trong một ngôi nhà xưa, được xây cất từ đời ông cố của nàng, tính ngót nghét nó cũng hơn trăm tuổi. Ngôi nhà nằm giữa một khu vườn mênh mông.

  • LƯƠNG VĂN CHILGT: Nhà tù, nơi chưa mảy may cải hóa được người đàn ông từng trác táng trên nền đạo đức xã hội, nhưng... Truyện được thắt nút khi Thuần “lột trần” vẻ đẹp phồn sinh xuân thì để minh chứng cho những ham muốn nguyên khai của con người là có giới hạn. Không khiên cưỡng ở nhiều chi tiết nhạy cảm, không tục trần trên từng đường cong mỹ diệu... Kịch độc đã thật sự “tiêm” những rung cảm lạ lùng vào miền hoang mê của lương tri đồng loại.

  • GIAO CHỈ    Bão tố thường nổi dậy từ biển khơi hùng vĩ và kể cả. Những hút gió sấn sổ táp xuống mặt đất bao la quăng dội, tàn sát điên cuồng cho hả những cơn giận dồn góp lâu dài.

  • NGUYỄN ĐẶNG MỪNG Những người thắt đáy lưng ongVừa khéo chiều chồng lại khéo nuôi con                                                     (Tục ngữ)

  • TRẦN THÙY MAIỞ tuổi bốn mươi da mặt nàng vẫn trắng hồng, chưa thoáng một nếp nhăn. Ai nhìn kỹ lắm mới thấy những vết hằn bắt đầu hiện ra quanh cổ, thường được che rất khéo bởi những chuỗi hạt trang nhã. Mà đâu ai nhìn kỹ làm gì. Đứng trước một người đàn bà, dại gì không dán mắt vào vẻ đẹp mà lại đi săm soi tìm khuyết điểm.