Cõi một

09:02 31/01/2018

NHẬT PHI  

Dazai Osamu - đó luôn là câu trả lời của anh mỗi khi tôi hỏi về những nhà văn mà anh ngưỡng mộ nhất. Mặc dù tôi biết đối với những người khác, anh có thể nói đó là Hemingway, O’Henry, Mạc Ngôn, Lỗ Tấn, hay - với một vài cô gái đang khúc khích cười - Haruki Murakami - và thường thì họ sẽ tiếp tục che miệng khúc khích cười sau đó.

Minh họa: Nhím

Trong những câu chuyện của anh và tôi, mỗi khi cái tên Dazai Osamu được nhắc đến, anh sẽ châm một điếu thuốc và bắt đầu nói với một niềm ngưỡng vọng nhiệt thành. Cuộc đời của một nhà văn đã tự chọn cho mình sự cùng khốn làm bạn đồng hành và nguồn cảm hứng…

Anh cũng là một Nhật Phi. Đó không phải là một sự ngẫu nhiên, bởi vì chính sự trùng bút danh ấy đã khiến chúng tôi quen biết nhau. Và kì thực thì bút danh của chúng tôi cũng không hẳn là giống nhau.

- Chữ ‘phi’ của cậu và của tớ khác nhau! - Anh nói, viết lên 1 tờ giấy 2 chữ ‘phi’ bằng Hán tự.

- Em không nghĩ anh lại dùng chữ này!

- Hai miệng thì không nói cùng một lời(1)! - Anh cười.

Anh hay ha hả cười và nhận mình là Nhật Phi số 2, mặc kệ những cái lắc đầu xua tay của tôi. Tôi dám nói anh là một người viết tốt hơn mình, với nhiều kĩ năng và trải nghiệm hơn. Nhưng anh lại ít được biết đến hơn tôi, lại càng ít hơn nhiều người ít tuổi và ít tài năng hơn anh. Những câu chuyện của anh, không có những mối tình nhẹ nhàng trong sáng hay dằn vặt đau khổ, không có những cô gái điếm hay những chàng đồng tính, và nỗi cô đơn anh thể hiện thì đặc biệt xa lạ so với những tách cà phê đen đắng với làn khói nhẹ vẫn được văn chương thời nay ưa chuộng.

- Không phải là tớ không muốn nổi tiếng… - Anh nói khi dụi tắt thêm một điếu thuốc, có lẽ là điếu thứ 8 hay thứ 9 gì đó - Danh vọng luôn là một thứ hấp dẫn, tớ muốn lắm chứ! Nhưng tớ không muốn trở thành nô lệ của nó. Không phải bây giờ. Tớ còn muốn viết thêm đã.

- Anh nói cứ như là một khi nổi tiếng thì sẽ không viết tiếp được nữa vậy! - Tôi bật cười.

- Cậu nghĩ sao? - Anh nheo mắt, nhìn tôi qua li rượu màu hổ phách trên tay.

- Nếu không viết thì ta đâu còn là ta nữa…

- Ai bắt ta sẽ phải là ai chứ?… Có lẽ tớ chỉ là một kẻ ích kỉ thôi…

Tôi ngờ rằng anh đã không thực lòng khi nói điều đó. Một kẻ ích kỉ sẽ không biết đớn đau và cô độc, cho dù là cô độc trong vô thức. Một kẻ trùng bút danh cũng chẳng giúp gì được với một nỗi cô độc như thế, tôi biết vậy. Nhưng anh vẫn cứ gọi tôi, lâu lâu một lần. Ví dụ như buổi chiều nay chẳng hạn.

- Này, đi café không? Tớ bao.

Thôi xong, cái điệu này rõ ràng là không thể từ chối rồi! Café gì chứ? Tất cả mọi địa điểm anh báo tiếp theo đây sẽ chỉ là một điểm tập kết mà thôi. Tôi xuôi xị.

- Ở đâu anh?

- Lên Đinh đã!

Có lẽ tôi không phải nói thêm gì nhiều về Đinh, cái quán café kì khôi mà tôi đã gặp cô gái ấy vào cái buổi chiều mùa thu dìu dịu ấy. Tôi thấy anh ở một góc phòng, chẳng làm gì khác ngoài phả từng cụm khói vào bầu không khí vốn đã đặc biệt ngột ngạt vào một buổi chiều hè như thế này. Hai cô gái bàn kế bên đang thì thầm nhỏ to gì đó, chốc chốc lại liếc về phía anh. Anh không nói gì mà tiếp tục hút thuốc kể cả khi đã nhận ra tôi. Tôi gọi cho mình một li cacao rồi cũng im lặng ngồi xuống đối diện với anh. Cuối cùng anh lên tiếng sau một hồi trầm ngâm.

- Này, cậu có thấy là đứng dậy bắt tay lúc gặp nhau ở quán café là một việc vô nghĩa không? Người ta muốn thể hiện gì với việc đó chứ?

- Em không biết! - Tôi nhún vai - Tình thân chăng?

- Tình thân… - Anh có vẻ như đang cố nín cười - Tớ xin đủ!

Một hồi im lặng nữa, và tôi đang cố nhớ xem có khi nào tôi đã đứng dậy và bắt tay người đến sau mình trong một cuộc hẹn café hay chưa.

- Tớ bỏ việc rồi! - Anh thông báo - Mà chắc cậu cũng không thấy lạ!

- Đúng là em không thấy lạ… - Tôi tần ngần - Anh định sao?

- Viết! Tớ muốn có một cuốn tiểu thuyết!

- Cuối cùng anh cũng quyết định rồi. Em chờ đấy!

- Ừ, một cuốn cỡ ‘Thất lạc cõi người’ hay ‘Bắt trẻ đồng xanh’. Haha… - Anh như thể đang tự cười nhạo cái ý tưởng đó.

Nhưng ai mà biết được. Tôi nghĩ. Nhưng anh sẽ làm thế nào đây?

- Nào! - Anh đứng dậy - Tháng lương cuối. Để tớ mời cậu một bữa!

Quán bia hơi nơi góc phố chật kín người vào một buổi tối mùa hè. Chúng tôi chọn lấy một bàn ngoài rìa quán, ngẩng mặt lên là nhìn ra đường lớn. Những ngọn đèn xe rọi thẳng lên mặt bàn chúng tôi rồi lại vội vã đảo sang hướng khác. Lọt thỏm trong đám đông, chìm giữa những tiếng chạm cốc, những tiếng hô hào, cười nói, giọng trầm lặng của anh vang lên rõ mồn một.

- Dazai chết năm 39 tuổi…

- Tự sát lần thứ 5, cùng với người tình… - Tôi tiếp lời anh.

- Nghiện rượu…

- Nghiện thuốc giảm đau…

- Vẫn là một thiên tài…

- Vẫn là một thiên tài…

- Cũng là một kẻ ích kỉ!

-…

Sau hôm đó, một thời gian dài anh không gọi tôi nữa. Đôi lúc tôi cũng tự hỏi anh đang sống thế nào, đã viết được bao nhiêu phần cuốn sách rồi. Nhưng anh đang muốn là một kẻ ích kỉ kia mà.

Anh đã hoàn toàn không gọi tôi trong suốt 3 tháng. Cho tới một hôm nhận được tin anh, tôi đã tưởng như anh thông báo hoàn thành tiểu thuyết của mình. Nhưng không phải. Anh nhắn cho tôi như thế này: “Nếu đang ngồi mãi không viết được thì đứng lên khỏi Tonkin đi, ra Gầm cầu nhậu! Chẳng có giá trị gì đâu, ăn cải thiện thôi!” Tôi thở hắt ra một hơi rồi gọi thanh toán li đen đá của mình: Anh thật là biết tôi.

Đến nơi, tôi ngạc nhiên thấy anh đang ngồi cùng với một đám đông những người khác, một bầu đoàn những người trạc tuổi tôi, các chàng trai và các cô gái. Anh có vẻ gầy và xanh, tóc và râu ria có vẻ đã lâu rồi chưa được chăm sóc. So với cái thời anh còn đi làm thì phong độ đã sa sút nhiều. Ấy vậy mà những con người điệu đàng đẹp đẽ kia lại đang hô vang tên thật của anh với mỗi lần nâng li của họ. Cô gái ngồi kế bên anh thậm chí còn khoác tay và ngả hẳn vào vai anh. Một cô gái trong bộ minijupe ren trắng.

- Hú! Nhật Phi! - Nhận ra tôi, anh đứng dậy, trịnh trọng đưa tay cho tôi - Dạo này thế nào? Ngồi, ngồi đi!

Tôi không kịp đáp thì anh đã ấn một li vodka vào tay tôi. Rồi anh không nói với tôi một lời nào nữa. Buổi nhậu tiếp tục, với tôi như một kẻ ngoài cuộc. Tai tôi u u với những câu chuyện hỗn độn xung quanh, với bài ca uống rượu của đoàn người, với giọng nói sặc hơi men của anh. Cô gái ngồi bên như được sắp xếp để “phục vụ” tôi, ân cần mời mọc và liên tiếp rót đầy li mỗi khi tôi uống cạn, hoặc chưa kịp cạn. Hóa ra đây là ý anh khi nói với tôi về một bữa ăn “cải thiện”. Chuyện quái quỷ gì thế này? Tôi đã muốn gắt lên câu hỏi đó với anh, vào đâu đó giữa li thứ 5 và 6. Nhưng khi tôi ngước lên, tôi bất chợt bắt gặp ánh mắt anh đang hướng về tôi. Đôi mắt như muốn nứt ra với những đường đỏ quạch, nhưng ánh mắt thì đúng là của anh rồi. Rất nhanh thôi, anh quay lại với bàn nhậu.

- Vực sâu thăm thẳm, vực nào sâu bằng cái li này…

Tôi ngồi gượng tới cuối bữa, những muốn nói riêng với anh mấy câu. Tiệc tàn sau đó chừng 3 giờ đồng hồ. Đoàn người khật khưỡng đứng lên, tần ngần rút ví.

- Dẹp đi! - Anh xua tay.

- Ơi anh! Sao lại thế? - Một vài giọng đáp lại anh.

- Hôm nay là sinh nhật anh! Mời anh em một bữa không được à?

Anh lảo đảo bước lại chỗ bà chủ quán đang tươi cười niềm nở, trong khi đám người lần lượt cất ví, từng đôi dắt díu nhau ra bãi để xe. Cô gái ngồi kế anh khi nãy vội vàng chạy ra đỡ anh - gần như là - từ tay bà chủ. Còn cô gái đã phục vụ tôi thì biến đâu mất tiêu.

- Đi đến nơi về đến chốn nhá! - Đám người giờ đây đã chia cặp trên từng chiếc xe của họ, cười cợt với anh và cô gái kia - Đưa em nó về tận nhà… nghỉ nhá!

Anh đã kiếm đâu ra những người “anh em” như thế này? Tôi thực sự không thể nào nghĩ nổi.

- A, anh…

Tôi dợm bước tới, nhưng anh đơn giản nhìn lại tôi, gật đầu rồi cùng cô gái jupe trắng phóng xe đi mất.

Sinh nhật anh diễn ra liên tiếp hơn một tháng một buổi, với kịch bản gần như lặp đi lặp lại và khác biệt duy nhất nằm ở… đoàn khách của anh. Anh vẫn gọi tôi, vẫn với mục đích “ăn cải thiện”. Tôi phải kiếu anh một số buổi và trong những buổi khác, tôi cũng không còn cố hỏi anh gì nữa. Không phải trong những bữa tiệc như thế này.

Tôi tìm đến nhà anh, vào một buổi sáng, một năm kể từ ngày anh tuyên bố về cuốn tiểu thuyết của mình. Nhà anh sâu hút trong một con ngõ nhỏ trên một con đường lớn. Một căn nhà thuê tầng trệt bé tí. Tôi gõ lên cánh cửa gỗ xanh rêu tới hồi thứ ba thì anh ra mở cửa, hoàn toàn tươi tỉnh. Không, tỉnh, nhưng có lẽ không được tươi lắm: Da mặt xanh xao và mắt đỏ quạch, như lần cuối tôi gặp anh. Một chiếc bàn xếp nhỏ đặt giữa căn phòng, với chiếc laptop mở cho tôi biết anh đang viết, một chiếc gạt tàn, và một lon Red bull đã bật. Anh gật đầu ra hiệu cho tôi vào phòng rồi dọn nhanh mấy thứ trên bàn viết, biến nó thành bàn uống nước.

- Bia nhé? - Anh hỏi, và tôi đành phải đồng ý.

Trong lúc nhìn theo anh đang mở tủ lạnh lấy bia, tôi mới giật mình để ý thấy trên chiếc giường kê gần đó: một cô gái đang nằm nghiêng vào trong, chăn đắp ngang ngực, để lộ bờ vai trắng nõn với hình xăm một cành hồng gai. Anh nhận ra vẻ ngao ngán trong mắt tôi khi đặt vào tay tôi một lon bia lạnh. Vừa mở lon phần mình, anh vừa nói giọng tỉnh queo:

- Em Huệ! Tớ mới quen.

- Anh không thể… cất cô ấy đi được sao? - Tôi lại càng thêm ngao ngán.

- À… - Anh cười - Tớ vẫn làm mọi thứ như thế này từ lâu rồi…

Trong một giây, bậc đàn anh mà tôi từng nể trọng thoắt biến thành một kẻ hạ lưu đáng khinh bỉ. Tôi đứng bật dậy, xô đổ cả chiếc bàn xếp, tóm lấy cổ áo anh mà giật. Hai cặp mắt hằn đỏ đối nhau, gần sát.

- Mẹ kiếp! Anh đang trở thành cái thứ gì vậy hả? - Tôi gần như đang gầm gừ qua kẽ răng.

Đúng lúc ấy, cô gái trên giường chợt trở mình, ú ớ mấy từ vô nghĩa trong cơn gắt ngủ. Rồi cô xoay người lại, hướng ra phía chúng tôi: Không phải là bất kì cô gái nào trong số những người anh đã từng cặp kè trong mỗi buổi tiệc rượu.

- Anh…

Không còn gì tôi muốn nói với con người này nữa. Tôi buông tay, mà gần như là quẳng anh ta xuống sàn. Tôi quay ra cửa, đi thẳng. Nếu đó là cách mà một tình bạn kết thúc…

Đám tang anh diễn ra lặng lẽ. Không một bầu đoàn, không những người anh em, thậm chí không có lấy một cô gái trẻ. Những người có mặt phần lớn là họ hàng bên mẹ anh, người đã mất cách đây nhiều năm. Tôi lắng nghe những câu chuyện của họ bên bàn nước đặt ngoài phòng tang, những câu chuyện về việc họ đã cưu mang anh ra sao, rằng anh đã là một thằng bé ngỗ nghịch như thế nào. Và dường như không có ai trong số họ thực sự đau buồn với cái chết của anh.

Anh đã lựa chọn cái chết cho mình. Sau gần 2 năm. Người ta tìm thấy anh vào buổi sáng ngày hôm kia, lơ lửng dưới một gốc cây, trước cổng trường đại học của anh năm nào. Một mình trong đêm đi vào cõi chết. Tôi tự hỏi buổi tối hôm đó anh đã làm gì, có phải lại một bữa tiệc “sinh nhật” khác vừa trôi qua không. Thế đấy. Cái cách người ta chỉ có thể nằm một mình trong 6 tấm ván sau khi chết đi.

Lẫn trong tiếng thì thầm của những người đến viếng, trong tiếng nhạc đưa hồn tử sĩ lê thê, khi nhìn vào gương mặt đã chết của anh, vào cái khóe môi dường như chưa thể khép hẳn lại kia, tôi như nghe thấy tiếng anh đang cười. Một cái cười nhạt, đầy giễu nhại. Phải rồi, hẳn là anh đang cười nhạo Thần Chết đây! Không cần chờ Thần Chết tới rước thì anh đã tự đến chỗ ông ta rồi. Có lẽ anh đang vỗ lên vai ông ta, an ủi rằng đôi khi ta vẫn phải chấp nhận những điều xảy đến ngoài dự tính. Vui lắm đấy, Nhật Phi kia ạ!

Có một cô bé trong đoàn người viếng tang. Tôi đã từng gặp cô bé ở đâu nhỉ? Không, chắc chắn không phải trong những bữa tiệc hoang tàn của anh, lại càng không phải trong phòng, trên giường anh. À, phải rồi, cô bé đã từng tới tòa soạn của chúng tôi đăng kí làm cộng tác viên, một trong số ít những người đã đọc và yêu thích chân thành những tác phẩm của anh. Cô bé sụt sùi:

- Thế mà anh ấy đã… bảo em… chờ truyện mới… của anh ấy…

Tôi cũng chẳng biết nói gì hơn, chỉ có thể xoa đầu an ủi cô bé. Tôi cũng đã muốn trách anh điều tương tự. Đời người phải chăng vẫn thường hay dang dở như thế?

Một vài ngày sau đó, tôi nhận được một bưu phẩm… đề tên anh. Một tập bản thảo! Và một lá thư, đề ngày hôm đó, cái ngày trước đêm anh tự treo mình. Có một điều gì đó trong cái cách anh gấp bì thư đặt dưới tập bản thảo trong cùng một bưu phẩm mách cho tôi về tính đặc biệt của những gì trong thư viết, và rằng tôi nên đọc nó sau cùng.

Và đây, tập bản thảo, 2 năm của những điều điên loạn: ‘Cõi một’.

Tôi mất đến một tuần để đọc hết tập bản thảo ấy, và tôi biết sẽ còn phải nhiều ngày, nhiều tháng, nhiều lần đọc lại nữa để tôi có thể cảm nhận được hết những điều anh muốn kể, muốn nói. Và tôi còn biết có rất nhiều công ty sẽ muốn tranh giành quyền xuất bản tiểu thuyết này, có rất nhiều người ở ngoài kia sẽ bị nó làm cho chấn động. Những nhà phê bình rộng lượng có thể gọi đây là một kiệt tác của văn học mới. Đó là câu chuyện của nhiều năm về sau.

Đến giờ tôi mới mở lá thư của anh, lá di thư. Nét chữ viết tay mảnh, và buồn rầu.

“Gửi Nhật Phi,

Tôi không biết liệu cậu có tới dự đám tang của tôi hay không, nhưng nếu cậu đến, tốt nhất đừng để những gì nghe được làm cậu nghĩ khác về người bạn này mà cậu vẫn biết.

Chắc chắn là cậu đã hiểu ý tôi, và đã đọc hết bản thảo này rồi phải không? Tôi đã viết xong từ mấy hôm trước. Một kiệt tác! Tất cả những gì tôi muốn dành cuộc đời mình để viết nên. Viết xong nó là tôi cảm thấy mình đã hoàn thành hết mọi trách nhiệm với cuộc đời này rồi. Đã đến lúc để lên đường!

Không, đừng lên án gì tôi cả! Tôi đã chắc chắn để không nợ bất kì ai một điều gì khác. Tôi nhờ cậu với điều đó đấy! Hãy giúp tôi một công việc sau cuối này. Chọn cho nó một con đường để đến với mọi người. Tập tiểu thuyết này phải được đến và sẽ đến được. Tiền nhuận bút chắc chắn sẽ đủ để tôi thanh toán tất cả những gì còn lại ở thế giới vật chất. Nếu nó may mắn đạt được nhiều hơn thế, hãy dùng nó để giúp những người viết khác, như chúng ta đã từng khao khát được giúp đỡ. Tôi tin tưởng cậu với điều này.

“Không phải cuộc đời chỉ là vật chất thôi đâu!”, cậu đang nói vậy phải không? Đừng lo gì cả. Sẽ không ai cảm thấy đau buồn khi tôi chết đâu. Mẹ tôi đã mất. Còn bố tôi đã từ lâu quên rằng mình đã từng có một người con rồi. Những người đến đưa tang tôi cũng vậy, họ không đau buồn đâu, bởi vì tôi đã luôn là một gánh nặng đối với họ.

Cậu có nhớ không? Naoji trước khi chết đã viết như thế này:

“Những lời chỉ trích việc em tự sát, bảo rằng dù thế nào cũng nên sống hết cuộc đời mình thì đó cũng chỉ là lời đầu môi chót lưỡi, chẳng tiếp sức cho em được chút nào. Còn những người chỉ trích với vẻ mặt nhơn nhơn tự đắc ấy chắc là những đại vĩ nhân có thể tỉnh bơ như ruồi mà đề nghị Thiên Hoàng mở tiệm bán trái cây”.

Haha! Tôi cảm thấy không thể nhịn cười được! Vậy nên đừng nói với tôi những điều như thế đấy nhé! Chẳng giúp ích được gì cho tôi đâu!

Dazai đã chọn kết thúc cuộc đời mình ở tuổi 39, sau khi viết xong ‘Nhân gian thất cách’, cậu nhớ chứ? Tôi thì năm nay 32 tuổi, vẫn còn trẻ hơn. Nhưng tôi thực ra đã chết từ 2 năm trước rồi. Tất cả những gì tôi muốn khi đó chỉ là viết nên một kiệt tác thôi, một kiệt tác của tuổi 30. Phải rồi, tôi nợ cậu một lời giải thích, cho tất cả mọi chuyện trong 2 năm qua.

Tôi đã muốn sống một cuộc đời vô nghĩa. 2 năm vô nghĩa. Thời gian cần phải ngừng lại, để tôi viết ở tuổi 30 của mình. Để tiểu thuyết của tôi sẽ được dẫn dắt bởi duy nhất một người, một cái tôi mà thôi. Cho nên nó mới là “Cõi một”.

Ôi trần thế, ta chẳng thể nào trưởng thành hơn được gì với nó cả. Sự cô độc tối cùng ở giữa những bầy đàn. Dễ, dễ lắm đấy! Tôi chẳng nói gì với cậu trong những lần tôi gọi cậu, thậm chí tôi còn khách sáo. Đừng giận, mà giờ cậu giận cũng có để làm gì đâu? Haha. Chỉ cần một phút thôi rời khỏi cái bầy người ấy, mà tôi đã gọi là các “anh em” đấy, thì tôi sẽ lại già đi thêm một phút mất thôi. Nhấn chìm mình vào cái trần thế mà mình hằng khinh miệt…

Cái cõi người này, mỗi người đã là một cõi rồi. Tôi thấy xa lạ lắm với cái bầy người này. Giống như Dazai, có phải không? Với những người như thế, hoặc là đeo mặt nạ cả đời, sống cùng với những “bộ tịch” của thế giới này, hoặc là chỉ có cách chết đi thôi, sớm hay muộn. Tôi thấy tôi sống đủ rồi. Phải đi thôi!

Nhật Phi, Nhật Phi… Chỉ cần có hơn một Nhật Phi là đã không còn cần thiết nữa rồi
(2)! Tôi là một kẻ ích kỉ. Và tôi không muốn trở thành nô lệ của danh vọng. Vất vả cho cậu rồi đấy, Nhật Phi duy nhất ạ. Rồi đây danh tiếng của cái tên này sẽ lớn lao, sẽ luôn ở phía trên đầu cậu. Hãy viết đi và vượt qua nó, nếu cậu có thể. Đừng để người ta chỉ nhớ đến một kẻ đã chết!

Tôi không kí tên đâu, đủ Nhật Phi rồi!

Tạm biệt”
.

17/8/2013  
N.P  
(TCSH347/01-2018)

..........................................
(1) “Hai miệng thì không nói cùng một lời”: Nguyên trong Hán tự, chữ ‘nhật’ (mặt trời) được viết giống như 2 chữ ‘khẩu’ (miệng) chồng lên nhau. Chữ ‘phi’ (không phải) được viết bằng chữ ‘bất’ (không) đặt trên chữ ‘nhất’ (một).
(2) Trong tiếng Anh, danh từ trở thành số nhiều thường được thêm ‘s’ vào sau. Theo bảng mã Telex, thêm ‘s’ tức là bỏ dấu sắc. ‘Nhật Phi’ số nhiều trở thành ‘Nhật Phí’.
Afterwords: Một ý tưởng kiểu như thế này đã trở đi trở lại trong đầu tôi khá nhiều lần trước khi tôi quyết định viết ra nó. Đây chỉ là một câu chuyện hư cấu, xin các bạn đọc đừng liên tưởng gì cả. Bản thân Nhật Phi cũng không muốn tự tạo điềm rủi cho mình. Xin đừng lo lắng! Tôi có rất rất nhiều lí do để sống rất lâu.  




 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • NGUYỄN LÊ VÂN KHÁNHTôi xa nhà trọ học thành phố khác. Dịp nghỉ ngắn ngày không về nhà được, tôi đón xe về thị trấn men con nước nhánh sông lớn về nhà ngoại. Từ ngoài ngõ con Bơ sủa váng, Vinh chạy ra ôm bụi chè tàu nơi đầu bến nước, gọi mạ ơi, Sương về.

  • NGUYỄN HÙNG SƠN          Một buổi chiều cuối tháng ba trong lúc ngồi bón cháo cho chồng, bà Loan nhận thấy hôm nay Hào, chồng bà có những biểu hiện khác thường. Ông có vẻ suy nghĩ, ăn uống uể oải.

  • LỆ THANHBé Khánh Hạ - đứa con gái duy nhất của chị đã đi! Chiếc lá xanh độc nhất trên thân cây khô héo, khẳng khiu đã lìa cành. Ngọn lửa cuối cùng trong đêm dài trơ trọi của chị đã tắt ngấm trong bỗng chốc. Chị tưởng rằng mình sẽ không thể sống nổi trên cõi đời héo hắt này nữa.

  • HOA NGÕ HẠNHHọ Nguyễn ở Trung Lộc quê gốc huyện Lôi Dương, phủ Thọ Xuân, Thanh Hóa. Gia phả ghi rõ, ông tổ của dòng họ theo chân Chánh đô An phủ sứ Phạm Nhữ Dực vào khai khẩn đất Thăng Hoa năm 1402. Ban đầu họ Nguyễn định cư tại Hương Ly. Đến đời sau, một nhánh trong tộc chuyển hẳn lên Trung Lộc, nằm ở thượng lưu sông Thu Bồn.

  • Đàm quỲnh NgỌcChiều nay, tôi nhận được điện khẩn của Tâm, bức điện vỏn vẹn chỉ có dòng chữ: “Thứ bảy tới, tao đi Hoa Kỳ, mày tới gấp”. Tôi không ngạc nhiên khi biết Tâm đi Hoa Kỳ, với nó, đi nước ngoài đã trở thành bình thường như các bà đi chợ. Tôi chỉ ngạc nhiên khi Tâm đã điện khẩn cho tôi, điều mà từ trước đến nay chưa bao giờ có.

  • TRẦN NGUYỄN ANH Trong gia đình tôi, dì là người đến sau cùng. Dì thường bảo tôi: “Ô Mai à, hãy coi dì là bạn nhé”. Tôi thẳng thừng bảo: “Tôi chỉ có thể coi dì như kẻ thù”.

  • NHẬT HÀ      Lần đầu về thăm Đồng Tháp Mười, thú thật, tôi thấy có nhiều điều rất lạ, từ mảnh đất, sông nước, cây cối, chim muông tới các địa danh và nhất là con người.

  • CAO LINH QUÂN                Ăn mày là ai?                Ăn mày là...                                (Ca dao xưa)

  • LAM PHƯƠNGNàng không có sự lựa chọn nào khác. Cuộc đời không cho phép nàng lựa chọn. Ngôi nhà lá sùm sụp xám xịt như con ốc ma. Ba chị em không cùng cha và chưa bao giờ biết mặt cha. Và mẹ nàng, người đàn bà có khuôn mặt nhầu nhĩ như tấm lá mục úa, bươn bả mót máy làm thuê một ngày dẫn người đàn ông xa lạ về.

  • HÀ HUỆ CHI1. Mong đợi từ lâu lắm một tiếng cười sum họp. Tôi muốn khóc. Tôi muốn chết. Khi cuộc sống chẳng có gì giống một điệu múa. Khi trái tim chẳng buồn đốt pháo.

  • Phan HuyỀn ThưLam thấp thỏm nghe ngóng tiếng còi tàu từ xa vọng lại. Cứ khoảng hai phút một lần, tiếng còi hú dài xa xăm. Trời mưa to, chui tọt vào cái quán cà phê sát đường tàu, Lam ngồi gặm nhấm những thù hận của mình.

  • TRẦN HỒNG LONG“Tao cấm mầy nói nó chết! Nếu mầy còn nói nữa, tao sẽ đuổi mầy ra khỏi nhà tao ngay!”. Chỉ cần nghe cái “điệp khúc” ấy là dân xóm Vàm Đinh đủ biết bà Hoài chửi chị Ngọt ở trên tỉnh về thăm. Và, không cho chị nói chuyện anh Mặn hy sinh, mặc dù giải phóng đã hai mươi năm rồi vẫn không có một tin tức nào về anh.

  • ĐINH DUY TƯ         Truyện ngắn “Chỉ vì thằng Mỹ, tao mới đến nông nỗi này. Ví như không có hắn, tao thành trạng lâu rồi”.Đó là tuyên ngôn của một trạng lính. Vâng! Hắn tên là Nguyễn Đăng Lính ở cùng làng với tôi. Hai đứa nhập ngũ một ngày, nhưng ngành nghề có khác nhau.

  • NGUYỄN THỊ THÁIVào hội Văn học Nghệ thuật được gần năm, đây là lần thứ hai tôi được đi thực tế. Lần thứ nhất cách đây hai tháng.

  • HOÀNG BÌNH TRỌNGGập tấm bản đồ địa hình lại và vừa kịp đút vào xà cột, thì trung uý Trương Đình Hùng nghe có tiếng chân người lội bì bọp dưới suối. Lách mình ra phía sau cái trụ chằng phủ đầy dây hoa lạc tiên, anh thấy một người đàn ông trạc ngoại ngũ tuần, cao lớn, vẻ mặt thô tháp, cõng chiếc ba lô cóc phồng căng từ dưới dốc bươn bả trèo lên.

  • Y NGUYÊN     ... Những người muôn năm cũ         Hồn ở đâu bây giờ

  • GIẢN TƯ HẢIGã bước xuống xe ôm móc ví trả tiền rồi lững thững bước về con phố ven đê. Chiều thu ánh mặt trời vàng vọt trải dài lên cái thị xã vùng biên vốn dĩ đã buồn lại càng thêm vẻ mênh mang hiu quạnh. Giờ tan tầm đã qua, dãy phố ven đê hoặc có người còn gọi là cái chợ người vốn tập trung nhiều lao động chân tay cũng đã vãn dần. Thấp thoáng vài bóng chiếc ô tô qua lại. Gã chậm rãi vừa đi vừa nhìn trái ngó phải, chốc chốc quay lại nhìn như sợ bị ai đeo bám. Chân gã đi giày thể thao adidas mới cứng, vận chiếc quần bò cũ đã thủng lỗ chỗ như đạn bắn, phía trên khoác chiếc áo đại cán rộng thùng thình màu cứt ngựa, đầu đội mũ cối Hải Phòng kiêu hãnh một thời cũng đã sờn cũ và bong lớp vải để lộ cái lõi xám xịt.

  • NGÔ HỮU KHOADưới gốc cây Sau Sau, thứ cây có thân gỗ nhưng muốn mang đốt cũng không cháy, dùng làm gỗ thì nhanh mục nên mới được sống tươi tốt ở vùng rừng thường xuyên được dân sơn tràng lui tới. Dũng trong thế ngồi co quắp, hai bàn tay giấu dưới vạt áo mưa để vừa tự sưởi ấm cho cơ thể vừa giảm tiết diện để tránh những hạt mưa lạnh buốt lọt qua tán lá rậm rạp, những hạt mưa mùa không biết mệt mỏi cứ rơi và rơi…

  • NGUYỄN VIỆT HÀCó một ngày rất âu lo đã đến với thằng béo. Bụng bồn chồn tưng tức, giống như đang ngồi giữa một cuộc họp trang trọng bỗng mót tiểu tiện mà không thể đi. Trước đấy hình như duy nhất một lần cái cảm giác bất an này cũng đã đến. Láng máng không thể nhớ.

  • MA VĂN KHÁNGKhi những người U Ní ở vùng biên sau mấy tháng trời đông giá, ngồi trong nhà đánh cuốc, sửa dao, đan lát bước ra khỏi căn nhà đất dày kín như cái kén, đặt chiếc vai cày lên cổ con trâu, đi những đường cày đầu tiên, hoặc rủ nhau đi bán công khắp các nơi trong vùng thượng huyện Bát Xát, thì hoa gạo bắt đầu nở.