Cỏ non xanh tận chân trời

08:21 08/10/2015

NHẬT CHIÊU 

Đúng là công viên rồi. Nhà của nhà thơ ở gần đây thôi. Chỉ cần xuống trạm xe buýt gần công viên, đi bộ năm phút là đến nhà tôi, đó là lời dặn dò của nhà thơ mà tôi còn nhớ như in.

Minh họa: Đặng Mậu Tựu

Anh tha thiết mời tôi đến nhà chơi. Vốn lười những chuyện thăm nom thù tạc mà vẫn nhận lời mời của nhà thơ mới quen này chẳng qua vì một quyển sách quý anh khoe đang có và muốn cho tôi xem.

Công viên thì đây rồi nhưng nhà anh thì ở đâu? Đi bộ năm phút về hướng nào? Tất nhiên địa chỉ chính xác tôi đã lưu trong điện thoại di động.

Tìm điện thoại trong chiếc túi xách nhỏ mới hay nó không cánh mà bay. Mất. Chiếc túi xách nhỏ thường chỉ chứa điện thoại và sách. Chỉ còn lại cuốn sách. Dây kéo có khoảng hở đủ cho vài ngón tay luồn vào xoáy chiếc điện thoại nhỏ đi.

Đi đứt là chuyện đó xảy ra trên xe buýt. Có thể là vào lúc tôi đang ngồi trên băng ghế dành cho người già mà dán mắt vào trang sách. Hoặc là lúc tôi sắp xuống trạm, đứng gần cửa sau, đang bị ai đó chen lấn.

Vậy là trước mắt không liên lạc được với nhà thơ. Ngoài chi tiết anh ở gần công viên, tôi không nhớ gì hết. Tên đường, số nhà... là những thứ tôi hay quên nhất.

Không sao, sẽ hỏi thăm những người gần đây thôi. Anh cũng có chút tiếng tăm với mấy tác phẩm Hành Phương Bắc và Truyện K.

Song tôi cũng biết tiếng tăm một nhà thơ trong thời đại này chẳng là gì so với ca sĩ và chân dài. Nhà thơ chẳng thể nào hot bằng dù có thời họ tự ví mình với loài chim nào đó ngứa cổ hót chơi. Nếu một chiếc cúc trên áo cô ca sĩ nổi tiếng nào đó bỗng dưng tuột khuy thì điều ấy sẽ trở thành đề tài nóng hổi cho vài trăm bài báo. Chứ cái chết của một thi sĩ thì chẳng thể nào sánh nổi với biến cố khuy cúc nọ.

Chưa kịp hỏi ai, một cảm giác bất an đã lan khắp người tôi. Công viên. Thành phố này có biết bao nhiêu công viên. Trước mắt tôi là công viên nào vậy? Đón xe buýt, tôi lại không để ý xem là xe buýt số mấy. Chưa hết, đây có đúng là khu đô thị mới mà tôi đang cần đến? Hiện đang có nhiều khu đô thị mới mà.

Không nhớ nhà thơ ở khu đô thị mới nào, đường phố nào, gần công viên nào vậy mà tôi vẫn lên xe buýt, xuống trạm vì nhìn thấy một công viên. Ngớ ngẩn hết chỗ nói.

Không nhớ nhưng vẫn đi bừa vì tin vào cái nhớ nhân tạo mang theo bên mình mà bây giờ thì nó đã mất tích.

Có điều an ủi là tuyệt đẹp cái công viên không tên ở ngay trước mặt, cách tôi chừng trăm bước dù tôi chưa nhìn thấy rõ nó lắm do cận thị.

Trước tiên phải vào thăm cái công viên xanh màu cỏ non này. Xem ra rất mênh mông, tạo nên cái cảm giác cỏ non xanh tận chân trời mà đã lâu rồi không thấy lại.

Công viên chứ không phải là đồng hoang. Vậy mà tôi thèm khát đạp chân trần lên cỏ xanh mà nhớ đạp thanh hội, đạp thanh ca trong thơ xưa.

Cỏ non. Như đứa trẻ, tôi muốn chạy nhảy, nằm lăn trên cỏ vào một ngày vừa có nắng vừa có gió, có tơ liễu bóng chiều thướt tha.

Nhà thơ mà tôi cất công đi gặp thường viết về cỏ với một thứ ngôn từ mê li ngây ngất. Ở cỏ, anh nói, sự sống - xanh rờn - nẩy nở là cái mê diệu của mặt đất này, và mọi thứ cây mọi thứ hoa đều là cỏ.

Được. Ở đây cỏ đang bước tới chân trời và tôi đang bước đến chân trời của cỏ.

Để gặp nhà thơ của lá cỏ, có thể là Whitman của thời nay, trong xứ sở này.

Bước chân tôi như reo vui. Cỏ non đang phóng màu xanh vào không gian. Đôi mắt tôi cũng bắt chước cỏ, phóng một màu xanh đi.

Cỏ, cỏ, cỏ, cỏ...

Chưa bao giờ cỏ hào phóng đón đợi tôi như hôm nay.

Chưa bao giờ tôi yêu cỏ như hôm nay vì tình yêu cỏ xanh của nhà thơ đã lây sang tôi.

Lâng lâng, tôi bước vào công viên. Cởi giày, tôi định bước chân lên thảm cỏ đầu tiên. Chỉ vài bước dẫm nhẹ thôi rồi sẽ cư xử đúng luật: không dẫm lên cỏ xanh.

Nghệ thuật trồng cỏ ở công viên này là tạo nên một cảm giác cỏ mọc tự nhiên. Ta nhìn thấy một đồng cỏ mênh mông hơn là một thảm cỏ tỉa tót ngay hàng thẳng lối.

Cỏ non xanh tận chân trời ngay giữa lòng đô thị. Đó là một dung hợp lý tưởng, ba trong một: đô thị mới - thiên nhiên mới - nghệ thuật mới.

Đó có phải là cái mà người ta gọi là “urbanature” (phố thiên nhiên) trong cái nhìn mới hiện nay?

Khi lòng bàn chân tôi chạm vào cỏ, một cảm giác lạ lùng bất ngờ dội thẳng vào tim tôi. Kinh hoàng.

Cỏ,cỏ, cỏ, cỏ...

Cỏ ư? Không phải cỏ.

Không phải cỏ như tôi biết từ ấu thơ. Không phải cỏ của Lý Bạch, Nguyễn Du, Whitman,...

Không phải cỏ mà người nông dân nào cũng biết.

Không cỏ non mà cũng không cỏ áy.

Vì đơn giản thôi, đấy là cỏ giả.

Hay là tôi lầm. Lẽ nào như thế cái đẹp này?

Ngồi bệt xuống cái thảm xanh mênh mông, tôi lướt chậm lòng bàn tay lên những nhánh cỏ vô cùng bắt mắt này.

Dù được làm ra rất thiện xảo, đây thật là cỏ giả.

Ngắt một cọng đưa lên mũi ngửi. Không có mùi cỏ. Không có mùi vị gì của một trạng thái sống. Không có mùi vị gì của nẩy nở hoặc tàn phai.

Cỏ ơi, tôi gọi.

Lầm rồi, tôi nhủ. Phương thảo thê thê Anh Vũ châu (Bờ Anh Vũ cỏ xanh ngời ngời xa).

Lầm rồi, tôi ơi! Anh Vũ chỉ là con vẹt giả giọng người.

Đây có phải là sân cỏ để chơi bóng không? Rõ ràng không phải.

Trên đồng cỏ đôi khi tỏa bóng đại thụ. Và chẳng bao lâu, tôi đã nhận biết những đại thụ oai phong ấy, những cây cao bóng cả lồng lộng ấy cũng là hàng giả kỹ thuật cao của thời đại bêtông.

Rồi đến đài phun nước. Nhìn xa, đó là những lệ đài đẹp mê hồn, long lanh và óng ánh, ngân nga và rì rào. Lại gần, thấy ngay cả nước phun và âm thanh nước đều giả. Nước chỉ là nilông công nghệ cao.

Chưa hết. Có cả những con chim đang gù đang hót trên các cành cây. Nhiều nhất là hoàng yến. Lạ lùng nhất là những con yểng với bộ cánh nhung đen sang trọng, với đôi mắt đẹp có quầng vàng lộng lẫy. Yểng có thể giả giọng người rất tài. Nhưng trong công viên này, tất nhiên là yểng giả, thế mà nó cũng kêu ríu rít khi thấy tôi.

Xin chào xin chào

Chúc vui chúc vui

Những con yểng máy này đang giả giọng chim yểng thật khi nhại tiếng người. Đây là bắt chước cái bắt chước, giả cái giả.

Không biết nhà thơ mà tôi đang tìm có thường ra công viên này không? Những bài thơ được ca ngợi là tuyệt đẹp của anh phải chăng được viết ra trong công viên này giữa khung cảnh thiên nhiên nhân tạo đầy lừa mị?

Nếu hồn thơ ấy có thể rung động trước ngụy thiên nhiên ở đây thì nó chỉ có thể phát tiết, một thứ ngụy thơ ca, một giọng thơ giống hệt giọng chim yểng nơi này.

Phải mau chóng rời công viên thôi.

Nhưng tôi vẫn đứng yên.

Cách tôi không xa, gần pho tượng nàng tiên cá diễn ra một cảnh sống thực duy nhất mà tôi nhìn thấy khi bước chân vào công viên.

Trong những ô phấn vẽ trên nền gạch, một bé gái xinh đẹp đang nhảy lò cò. Bé như nhảy ra từ một giấc mơ của ai đó chứ không phải thuộc về thế giới bêtông của khu đô thị này.

Mái tóc bồng bềnh đen biếc bay rập rờn theo từng bước nhảy của bé. Áo váy nâu hồng gọn nhẹ để lộ chân tay thanh tú trắng hồng. Gương mặt bé như được làm từ những cánh hoa mơn mởn, tươi mịn, thanh thoát.

Trước đôi mắt ngạc nhiên của nàng tiên cá, bé gái ấy như đang bay lượn trong vũ điệu thần tiên của trẻ thơ.

Không thể tự ngăn mình đến gần trò chơi mê man của cô bé, tôi bước tới.

- Chào ông, em chào ông!

Đó là lời nói hay tiếng hát? Giọng bé gái ngân nga, truyền đi một niềm vui bất ngờ cho bất kỳ ai biết nghe.

- Chào em, ta chào em!

Tôi cố tình bắt chước kiểu nói năng của em.

- Ông là khách phương xa?

Vừa hỏi em vừa ngừng bước nhảy, chỉ đi lại nhẹ nhàng trên các ô phấn. Tôi đáp:

- Dường như xa dường như gần chẳng biết nữa.

Nhìn vào mắt tôi, cô bé thần tiên nói như thì thầm nhưng nghe rõ từng âm tiết:

Hoặc là xa hoặc là gần

Hoặc là chơi hoặc là nghỉ

Hoặc là vui hoặc là buồn

Hoặc là không hoặc là có

Hoặc là hận hoặc là thương

Hoặc là thức hoặc là ngủ

Em rất sợ phải ngủ, ông có sợ ngủ không?

Rất ngạc nhiên, tôi đáp:

- Không! Sao lại sợ ngủ?

Cô bé lại thì thầm mà từng âm tiết vẫn nghe rõ.

- Ngủ thì chỉ có bóng tối, không có gì khác.

- Em không mơ à?

- Không. Không bao giờ?

- Tại sao?

Bỗng dưng cô bé ngồi xuống, dựa vào bệ đài đang nâng chiếc đuôi dài óng ả của nàng tiên cá.

Đến giờ ngủ rồi, cô bé nói, em ngủ đây. Làm sao để mơ, em đâu được lập trình.

Và đôi mắt với mấy hàng mi cong đen biếc khép lại một cách máy móc.

Đưa tay lay mạnh bờ vai cô bé, tôi hét lên:

- Cái gì? Em không được lập trình giấc mơ?

*

Hắn chạy. Mưa bắt đầu rơi. Hắn chạy.

Ra khỏi công viên. Ra khỏi khu đô thị mới. Ra khỏi những con đường đánh số lạnh lùng. Hắn chạy.

Không phải con đường mà cả thế giới chìm trong mưa.

Những gì hắn vừa thấy có thật không? Hay hắn đang mơ? Một ác mộng.

Hắn đang chạy. Nước mưa bắn tung tóe quanh hắn. Cả thế giới đang tung tóe, tan tác, vỡ vụn, lênh láng, hổn hển, trơn trợt chung quanh hắn.

Tuy nhiên không phải là tôi đang ngủ.

Tôi đang chạy, vậy là tôi hiện hữu.

Tôi đang chạy, hắn hét lên, tôi đang chạy...

Sự thật là hắn không chạy một mình.

Mưa đang chạy với hắn.

Mưa. Thế cũng đủ. Vẫn còn đó mưa.

N.C
(SDB18/09-15)





 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • NGUYỄN ANH NHẬT

    Trong Thế chiến thứ hai, một đội quân điện thính viên có nhiệm vụ nghe ngóng điện đài của đối phương luân phiên nhau hàng ngày trời.

  • LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG

    Những người già bảo chúng tôi ở Ái Tử có nhiều ma, ngày xưa chiến trận diễn ra liên miên, nhiều người bị chết mất thây. Những cuộn cát xoáy do gió cuốn lên mỗi lần mù mịt là ma đi kiếm ăn.

  • PHƯƠNG HÀ

    Thằng Mạnh lẹ làng cắt quả bí đao đang lủng lẳng trên giàn. Nó nheo mắt lại vì nắng, trán lấm tấm mồ hôi.

  • VIỆT HÙNG

    Chàng cho rằng mọi việc cũng chỉ tại những chiếc đồng hồ quay ngược.

  • VŨ NGỌC GIAO

    Năm Luyến lên sáu tuổi cả nhà phát hiện nàng bị bệnh mộng du.
    Cứ vào quãng gà gáy canh hai Luyến lại bật dậy vén màn, mở cửa lững thững đi ra vườn.

  • LÊ VI THỦY

    Đêm.
    Tiếng nhạc vũ trường khiến gã quay cuồng. Chai Armagnac vơi dần. Những cái ly được nâng lên hạ xuống cùng với tiếng cười rôm rả. 

  • NGUYỄN QUANG HÀ

    Ngay cả ở đất Cố Đô, không mấy ai biết ở chân núi Ngũ Tây có một vườn mai vàng. Chủ vườn mai ấy là hai cha con ông già mù.

  • VIỆT HÙNG

    Khi ấy, là khoảng thời gian mà trong tôi, cảm giác trống rỗng đến ghê sợ đang xâm chiếm. Với tôi lúc đó, chẳng còn gì để đáng coi là đẹp...

  • NGUYỄN NGỌC LỢI

    Đầm sen ấy có từ bao giờ, bà không thể biết. Nhưng bà biết đích xác ngày nó tàn, tận mắt chứng kiến cả một đầm nước loi thoi tàn úa những cọng, những tán lá mốc xỉn màu rỉ sắt đổ gục, mặt nước hồ bàng bạc những cuống lá buồn thảm. Và cái đầm sen ấy đã được kết thúc bằng những chuyến xe nối đuôi nhau ào ào trút đất.

  • PHẠM GIAI QUỲNH

    1.
    Đóng nắp hòm thư đã bong phần gỉ sét bên ngoài, cô nhét mấy lá thư vào trong nhà - qua khe cửa. Vì cô đã chốt khóa rồi nên không muốn phải mở cửa ra một lần nữa.

  • HƯƠNG VĂN

    Màn  đêm  đã  tràn  ra  mặt  biển. Màu nước đen như màu mực, lênh loáng, mênh mông. Bãi bờ vắng lặng, chỉ nghe thấy tiếng thở của biển.

  • ĐINH PHƯƠNG

    1.
    Tôi nói với Vân về việc từ nay sẽ không nói đến cái chết của Ẩn nữa, chấm dứt một cơn mộng dài đẵng ai cũng phải quên đi.

  • LÊ KIM SƠN

    Nàng biết không, ta đã nhìn thấu nàng từ rất lâu trước đó? Buổi tắm trăng ngơ ngác một mình, cái tinh khôi như đóa hoa mới hé, chỉ mình ta chế ngự được thời gian, cái khoảnh khắc lãng đãng muôn trùng, đã trói trái tim tội nghiệp của ta bên nàng mãi mãi.

  • HOÀI NAM

    Người ta vẫn xì xào tới tai tôi rằng, tôi là một con ngốc. Thì đã sao! Tôi không cảm thấy bị xúc phạm mà ngược lại nó đem đến cho tôi cảm giác được an toàn yên ổn. Ai lại đi ganh tị, đố kị với một con ngốc? Làm thế chẳng khác nào tự túm tóc nhấc mình khỏi mặt đất.

  • HOÀNG THU PHỐ

    1.
    “Khi ánh sáng một lần nữa soi chiếu, ta bỏ lại tàn lụi thế giới này”.(*)

  • QUÁCH THÁI DI

    Tôi đẩy nhẹ cửa bước vào một gian phòng khá lớn, cố gắng không gây ra tiếng động. Tôi ngồi xuống chiếc ghế bành đặt gần kệ sách rất cao, lắng nghe dòng suối âm thanh trong trẻo đang chảy ra từ cây đàn piano màu trắng.

  • VIỆT HÙNG

    Tosenli bước vào tiệm cho thuê đồ "Con Ngỗng Vàng". Người chủ tiệm thấy ông, theo thói quen, chẳng cần hỏi, đi thẳng đến nơi treo đồ.

  • VIỆT HÙNG

    Đêm tháng 6 của Hà Nội. Căn phòng 24 mét vuông như chật thêm. Giáo sư Sơn ngồi mơ màng nhả khói thuốc.

  • TẠ XUÂN HẢI

    Cầu Sòng là một nơi hoàn toàn vắng vẻ. Nếu có công chuyện thật sự cấp bách phải qua sông, người ta đi vòng xuống phía hạ nguồn khoảng hai cây số, ở đó có một chiếc cầu khác.

  • PHƯƠNG HÀ

    Tôi tỉnh dậy sau giấc ngủ dài, đầu vẫn còn đau. Trước mắt tôi là màu trắng toát của bốn bức tường bệnh viện.