NGUYỄN THỊ DUYÊN SANH
Cho đến khi chiếc xe buýt chở Dần khuất hẳn cuối ngã tư, Thuyền mới lững thững quay về. Đi qua trước quán bar, cô thấy me Tím cũng xách túi chui vào ô tô cùng với tiếng máy xe khởi động êm ru.
Minh họa: NGUYỄN DUY LINH
Quán bar Tím thường đông khách. Vì các em chân dài phục vụ xinh đẹp đều xấp xỉ hai mươi thì đã đành, nhưng chủ yếu là do bà chủ hoạt bát và sành điệu. Người đến vui chơi ở đây một lần ít ai không trở lại. Và lạ hơn nữa, những cô gái trẻ - ít nhiều có những phần đời bất hạnh - về đầu quân dưới tay bà, hiếm có ai chuyển “nhiệm sở”, đã góp công đưa me Tím lên hàng đại gia ở thị trấn ven biển này...
Thuyền rẽ sang con hẻm bên kia đường, vào căn phòng trọ của cô và Dần. Để nguyên quần áo, cô nằm xuống giường nhìn lên trần nhà. Hai con thằn lằn, nâu xỉn như màu vách tường cũ kĩ đã lâu chưa quét vôi lại, đang đùa giỡn nhau vẻ hăm hở và hạnh phúc. Chúng cũng non trẻ như cô và Dần. Nhưng hai cô gái trên dưới hai mươi này đã bỏ quên thời thiếu nữ nơi đâu... Cô nằm xoay người nhìn ra vuông cửa sổ nhỏ. Nắng đã vàng lên mấy cành khế nhỏ lá đu đưa, mỏng manh và yếu ớt như kiếp số những đứa con gái sớm nổi trôi lưu lạc. “Về nhà đóng cửa, không đi đâu nhé! Thức ăn có sẵn trong tủ lạnh. Chiều mai tao về hẵng hay!” Dần căn dặn kỹ càng trước khi về quê. Hôm nay, lần đầu tiên cô đón Nouvel An một mình, chỉ là đón suông. “Những kỳ lễ thế này, thằng nào cũng cặp tay vợ để lấy điểm chứ! Gái nhảy có mà ngồi ngáp! Tao về thăm bà già, nhân thể nhắc cậu em cơi lại cái mái hiên.” Hôm qua Dần đã báo cho cô biết thế khi thu xếp hành lý...
Mấy tháng trước, một lần đi ăn tối với mấy gã khách quen về, Dần đã gặp cô ngồi co ro trước mái hiên quán sửa xe thằng Đô. Ướt nhẹp vì mưa, đói lả, thất thần. Trả hết tờ bạc cuối cùng trong ví, Thuyền bị gã phụ lái bỏ lại giữa tỉnh lộ, và chiếc xe khách phút chốc mất hút trong đêm. Dần chỉ biết có vậy. Còn lại là nỗi sợ hãi và câm lặng từ đôi mắt to đen, đôi mắt của loài nai vừa chạy thoát khỏi tầm ngắm của súng săn. Rồi Dần cũng im lặng dắt cô về. Bát mì nóng và bộ áo quần khô ấm đã giúp cô ngủ yên trong gian phòng lạ, từ đó đã là nơi nương náu.
Dần xem Thuyền như em gái, đứa em gái bé bỏng xuất thân con nhà giàu, được ăn học tử tế. Mỗi tối bước rã rời trở về từ quán bar, Dần thấy dễ chịu khi nhìn nhìn Thuyền nằm co như con mèo nhỏ. “Chắc là bị bồ đá, hay bị ba mẹ trách mắng, ít hôm lại về nhà thôi!” Dần vẫn nghĩ thế. Cho đến một hôm Thuyền rụt rè nói:
- Chị ơi, em biết chơi piano. Chỗ chị có việc gì cho em làm không?
Dần trợn mắt:
- Điên à? Em muốn bị cái bọn quỷ đó ăn thịt sao?
Thuyền sợ, im re. Nhưng Dần hiểu. Cô bé tiểu thư này đã không còn đường về. Đúng lúc tay chơi piano ở quán bar đang có ý định chuyển vào Đà Nẵng. Và cô cũng không dám chắc mình sẽ cưu mang người bạn tội nghiệp này được đến bao lâu. Vậy là Thuyền xuất hiện mỗi tối ở quán bar Tím, chỉ độc tấu vài khúc piano cổ điển và đệm cho cô ca sĩ chính hát hai bài. Quán đông khách mỗi đêm cũng dễ hiểu: đây là điểm duy nhất của thị trấn đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí của nhiều người vùng ven về ca nhạc và khiêu vũ, nhất là giới thanh niên và trung niên. Khách đến chỉ bỏ ra vài ba chục ngàn là mua được một đơn vị thức uống và được hát một hai bài, còn nhảy thì tùy thích. Do đó thượng vàng hạ cám từ các tay nhà thầu, doanh nhân mới phất lên cho đến mấy chị cắp nách thúng mẹt bánh kẹo ở các bãi đỗ xe, đều có thể lung linh mỗi đêm dưới ánh đèn màu, chan hòa những tràng vỗ tay phấn khích thưởng người và tự thưởng mình...
Giờ này lũ bạn của Thuyền ở thành phố có lẽ đang ới ời nhau chưng diện đàn đúm, tán tỉnh rộn ràng đâu đó trong các tụ điểm vui chơi, và sân nhà cô chắc cũng đã đậu kín những chiếc ô tô choáng lộn. Cô lắc đầu xua vội những hình ảnh vừa thoáng qua, với lấy tờ báo chú mục vào nhìn, nhưng vẫn không biết mình đang đọc những gì. Ngoài kia chiều đã xuống. Thuyền bật ngồi dậy, mở đèn xuống bếp. Không đói, nhưng cô cũng ăn nhẹ vài mẩu bánh rồi chọn bộ áo váy trắng, để mặt mộc không trang điểm, khóa cửa đi bộ thong thả đến quán bar. Tách biệt hẳn ở góc trái gần sàn nhảy là bàn một người. Khách nam trung niên không hút thuốc, cốc bia vẫn còn đầy như cũng trầm lặng theo khách đang đăm đăm nhìn về sân khấu. Nhìn ngược sáng trong ánh đèn màu, dáng ngồi bất động trông rất lẻ loi. Thuyền bỗng thấy niềm phấn khích làm khúc đàn như có cánh vút ngân vang, không chỉ trong gian phòng mà dường như lan mãi về những góc xa của miền ký ức, nơi có ngôi biệt thự trắng và những ngày hoa niên tươi hồng, nơi tuổi cô mới biết mộng mơ và ngập đầy hi vọng... Tiếng vỗ tay nồng nhiệt đánh thức Thuyền trở về với thực tại đơn độc lạc loài. Lần đầu tiên cô được lắng nghe và tán thưởng đến như vậy, kể cả bọn trẻ nhí nhố lâu nay vẫn đến đây để nhảy nhót quậy hét ồn ào. Thuyền bất chợt nhìn về phía bàn khách lẻ. Người ấy đang gọi phục vụ tính tiền... Cô ra khỏi quán bar khi ban nhạc đang chơi một bài Pasodoble rộn rã mở đầu cho vòng khiêu vũ thứ hai... Về đêm trời lạnh và khô ráo, thời tiết đẹp. Những quán ăn và giải khát hai bên đường vẫn còn đông khách, kê bàn ra kín hết vỉa hè. Vài nhóm teen tụm quanh nhau trên đường, đàn hát nhảy múa vui nhộn hồn nhiên. Cô đưa hai tay ôm cổ vì lạnh và thầm trách cho phút đểnh đoảng lúc chiều đã quên không mang theo áo khoác nhẹ. Dường như có tiếng chân bước rất gần phía sau. Và giọng nói vang lên chắc chắn là dành cho cô:
- Cô đi bộ về nhà một mình sao?
Người ấy đã bước ngang cạnh Thuyền. Cô nhìn sang và gật đầu nhẹ, nhận ra người khách trong quán lúc nãy nhưng lúng túng không biết thưa gọi thế nào cho phải. Chú thì nghe già, ông thì lạnh lùng quá. Một chút nghiêm nghị pha vài nét phong trần, trông rất khó đoán tuổi của ông ta. Như đọc được ý nghĩ cô bé, người ấy cười tự nhiên:
- Tôi là Mẫn. Cô Thuyền chắc cũng ngang tuổi em gái út của tôi!
Và câu chuyện giữa hai người trở nên cởi mở vui vẻ. Mẫn ở bên kia đèo. Từ đây, anh đón bất kỳ chiếc xe khách nào - mà dọc quốc lộ thì xe không thiếu - để đi thêm vài cây số và qua khỏi hầm đường bộ là đến trang trại. Anh cùng mấy người bạn làm việc ở đó hơn bốn năm nay. Anh hay ra thị trấn giải quyết một số công việc và thi thoảng có ghé vào quán bar nghe nhạc. Nhưng rồi cũng như mọi khi, chỉ nghe xong hai bản đàn của Thuyền là anh rời quán. Anh nói không thể về trang trại quá khuya.
Thuyền vào nhà, lụi cụi nấu cho mình một tô mì gói với chút ít rau quả. Đêm giao thừa năm mười chín tuổi của Thuyền chỉ có vậy. Nhưng dư âm chút hưng phấn của những phím đàn và niềm vui trong trẻo trên đường về khiến cô thấy vị ngon cứ đọng mãi trên đầu lưỡi. Và giấc ngủ nhẹ nhàng không mộng mị đã cuốn trôi những buồn đau năm cũ ra đi...
Một buổi Dần dậy sớm hơn thường ngày, chuẩn bị đi ra với nhiều giỏ xách lỉnh kỉnh thì Thuyền thức giấc.
- Có muốn đi chơi không? - Dần đưa tay kéo cái bao tải lớn ra trước cửa phòng. Nhìn bạn còn muốn nằm nướng trong chăn, cô lắc đầu:
- Đi chơi thôi mà! Nếu không thích thì ở nhà giặt giũ, trưa nay nếu có nắng tranh thủ phơi cho khô luôn!
Không cần hỏi thêm, Thuyền cũng tung chăn ngồi dậy đi nhanh ra nhà sau. Cô biết tính Dần, làm gì cũng có mục đích, chẳng bao giờ lãng phí thời gian vào những chuyện không đâu.
Nửa giờ sau, cả hai cùng chuyển tất cả các bao bì lớn nhỏ ra đường. Chừng mươi phút đã có chiếc ô tô chạy đến đỗ sát lề. Thuyền ngạc nhiên khi thấy me Tím mở cửa xe bước ra, phụ với Dần khuân đồ đạc lên chất vào cốp xe, và cả băng ghế sau. Thuyền cũng chợt thấy hôm nay cả hai người này đều không phấn son áo váy diêm dúa. Trông họ giản dị và thân thiện hơn, không có khoảng cách chủ tớ như thường ngày. Thuyền cũng vui vẻ nhìn màu trời ngoài ô cửa kính đã bừng sáng, có vẻ như con đèo đã chia ra hai miền thời tiết khác nhau. Nhưng đoạn đường không dài. Xe chậm lại và rẽ vào lối đi có nhiều cây xanh, rồi dừng trước một khu nhà nhỏ. Mới nhìn như một ngôi ký túc xá, nhưng nhiều áo quần trên dây phơi là của trẻ con.
Thuyền tròn mắt nhìn người đàn ông đang đứng đón khách trước thềm sảnh: Mẫn. Cô nấn ná ngồi lại trong xe nhìn hai người phụ nữ nhanh nhẹn bước xuống chuyện trò với anh ta. Cả ba người có vẻ như đã quen thân, nhưng trông không giống mối quan hệ khách chơi với sàn nhảy. Mẫn bước tới xe, phụ chuyển mấy bao tải và túi xách vào trong sảnh. Cô chào anh và hăng hái bê mấy chiếc giỏ cói vào... Trong một gian phòng được trang trí nhiều bong bóng màu và hình những con thú ngộ nghĩnh, có chừng hai chục trẻ em ngồi vào mấy dãy ghế thấp, đứa lớn nhất cũng chừng bốn hay năm tuổi. Tất cả reo lên khi bốn người bước vào, nhưng không đứa nào chạy ra khỏi chỗ. Hai chị phụ nữ, một gầy và một chắc đậm, vẻ chất phác đang ở trong phòng cùng bọn trẻ, chắc là sắp xếp chỗ ngồi và trông giữ chúng.
Những đứa trẻ được nhận quà, cười vui và chạy lên hát hoặc đọc thơ, có đứa còn chưa tròn tiếng, ngọng nghịu rất đáng yêu. Nhưng chỉ một đứa mặc áo đỏ, bím tóc cũng màu đỏ là ngồi yên vẻ giận dỗi. Thuyền thấy Dần đến bên, ôm nó vào lòng vỗ về:
- Bé Mưa đừng giận mẹ Dần nhé! Là hôm trước mẹ bị cảm sốt không đến được, sợ sẽ lây bệnh cho Mưa đó!
Con bé bỗng tươi ngay, nhưng tỏ vẻ lo lắng rất quan trọng:
- Ôi, Mây không giận! Mẹ Dần đã biết ăn cháo và uống thuốc đầy đủ chưa?
Nét mặt Dần bỗng rạng ngời chưa từng thấy.
Chiều tối hôm đó, Dần đi làm về sớm. Nhưng đã khuya vẫn không ngủ được, cô kể cho Thuyền nghe chuyện những người ở trang trại. Bắt đầu từ ngày Dần bỏ quê ra đây theo mấy bà con vạn chài mưu sinh ven đầm phá. Chịu khổ nhọc để sinh con còn hơn để gia đình mang nhục với xóm làng bởi sự nông nổi nhẹ dạ của mình, Dần nghĩ thế. Được một bác trong họ đạo giúp đỡ và dẫn đến trang trại gặp Mẫn, cô gửi lại con gái nhờ nuôi giữ và tình cờ biết me Tím. Cô bỏ đầm phá về làm ở quán bar, thỉnh thoảng cùng me Tím đến thăm các cháu bé, cũng không có ý hỏi xem ngoài công việc của một nhà hảo tâm, người phụ nữ đó còn có mối quan hệ nào nữa không. Mọi thông tin về các cháu bé đều được giữ bí mật. Và ba người ở trang trại đó đều phải lao động trên mấy mẫu đất, có thêm thu nhập để chi phí cho nhà trẻ này. Thuyền muốn hỏi thêm về nhóm ba người đó nhưng rồi lại thôi...
Những hôm sau đó không thấy Mẫn ghé quán bar. Me Tím cũng hay đi vắng. Một buổi tối trước lúc đánh đàn, Thuyền nghe me Tím nhỏ giọng nói với Dần:
- Hôm nay có đến hai. Mà bỏ cả rồi, tội quá!
- Lo xong rồi chứ? Chị Lài bệnh chưa khỏi mà! - Giọng Dần lo lắng.
Vừa lúc me Tím có điện thoại, vội đi ra ngoài nên Thuyền không nghe gì thêm và thắc mắc hoài cho đến lúc Dần về nhà, cô hỏi mới biết. Chị Lài, và có khi cả chị Thư, đã thường xuyên giúp mấy bác bán quán gần chân đèo nhặt những đứa trẻ mới sinh bị bỏ lại bên đường, phía trên dãy quán một đoạn. Mấy năm sau khi có hầm đường bộ, đường đèo trở nên hoang vắng, ngày nắng ráo mới có ít xe máy của mấy thanh niên đi ngắm cảnh và chụp ảnh. Còn mùa này trời lạnh, khi được phát hiện thì hầu hết các bé đã chết. Những người phụ nữ giàu từ tâm đó đã chôn cất, nhưng nhiều khi không đủ tiền để lo chu đáo, đã nhờ hai chị ở trang trại này. Lâu rồi hai chị cũng quen và hết lòng giúp đỡ. Khoảng đất rộng phía cuối trang trại để dành cho việc này, ngày rằm và mồng một được nhang khói ấm áp. Một vài trong số các cháu của nhà trẻ là những đứa may mắn còn sống được đưa về và phải vất vả chăm bẵm lắm mới được lớn lên như thế. Những đứa khác được trang trại cưu mang có nhiều hoàn cảnh khác nhau, nhưng cùng một nỗi buồn chung là sự lỡ dại của những cô gái trẻ gần xa quanh vùng. Một bác gái trong họ đạo đã kín đáo giúp vài người giữ lại con cho đến khi sinh để đưa về đây. Nhưng Dần không nói về nguồn kinh phí từ đâu ngoài mấy sào rau củ để chi đủ cho bấy nhiêu người trong cái trang trại từ nay đã luôn thúc giục Thuyền muốn tìm tới. Nhiều buổi sáng Thuyền ăn xong là đón xe vào đó liền. Phụ bếp giúp chị Thư hay cùng chị Lài quán xuyến bọn trẻ là những việc cô thấy thú vị. Cả việc làm cỏ tưới cây sau vườn rau. Có hôm đến chiều muộn Thuyền mới trở ra chuẩn bị đến quán bar. Có chút tiền còm, cô mua quà bánh làm phần thưởng cho bọn chúng trong những trò chơi nho nhỏ. Cô biết thêm về hai người đàn bà, vẻ ngoài ít thân thiện nhưng lại rất chân thành và yêu bọn trẻ. Thư, vóc người đậm, mạnh khỏe, người cùng quê với Mẫn. Chị lấy chồng đã lâu nhưng chưa có con, người đàn ông ấy cũng nhạt dần tình nghĩa. Chị về nhà mẹ, ít lâu sau gặp Mẫn và ra đây giúp anh một số việc ở trang trại. Lài là người trong làng, làm góa phụ trước ngày cưới chỉ vài hôm, mấy năm nay không thích nhắc chuyện cũ, cũng không muốn mặn nồng thêm với ai. Thuyền thấy thoải mái khi cùng làm việc và rủ rỉ chuyện trò với hai chị. Nhưng Mẫn vẫn còn là một ẩn số với cô...
Những cây bàng trước mấy quán ăn bên đường đã rụng lá. Màu lá đỏ nâu bóng láng mặn mà là thế nhưng lại phải buông tay trong mùa đang tàn. Lá khua xào xạc dưới bước chân. Lá in từng nét như cắt trên nền trời xanh nhanh chóng thưa dần từng ngày. Một buổi sớm đón xe về trang trại, Thuyền thoáng thấy ai như bác Kim, trước đây là nhân viên trông giữ xe ở chỗ mẹ. Cô vội quay nhìn ra phía khác, hy vọng chỉ là người giống người thôi. Vả lại, người đó hình như cũng không thấy cô... Mẫn đi vắng đâu mấy hôm đã về, trông anh gầy hẳn nhưng vẻ linh hoạt hơn. Thuyền cũng thấy vui và quên chuyện trên xe buýt. Qua vài mẩu đối thoại giữa ba người, cô hình dung gần đủ về con người Mẫn, ít nhất là hiện nay. Anh đã giải quyết xong chuyện đất đai nhà cửa ở quê. Về tài chính, có thể nghĩ tới việc cho mấy đứa năm tới vào trường tiểu học. Mở rộng đất trồng trọt cung cấp rau sạch cho mấy siêu thị quanh vùng là công việc gần nhất, sẽ tiến hành sau. Nhưng điều thu hút sự quan tâm của cô là chuyện anh đã chuyển đến đây cây đàn piano, thứ duy nhất anh còn giữ lại. Là của con gái để lại trước khi theo mẹ xuất ngoại. Thuyền sẽ phát hiện năng khiếu để dạy cho mấy em nhỏ tuần vài ba buổi. Từ đó, cô gọi nơi đây là lớp. Thuyền cảm nhận được một niềm hứng khởi đang vực dậy từng ngày cuộc sống mới mà cách đây mấy tháng ngỡ sẽ nặng nề tăm tối. Bé Mưa là đứa trội nổi nhất. Dần rất vui và hãnh diện về điều này.
Chiều hôm ấy, khi Thuyền còn say sưa cùng bọn trẻ trong lớp tập văn nghệ thì Mẫn vào gọi cô ra, có người chờ gặp ngoài sảnh. Là mẹ. Mẫn định quay ra thì người phụ nữ trẻ đẹp kiêu kỳ ấy đã gọi lại:
- Tôi muốn anh cùng nói chuyện. Chí ít anh cũng có trách nhiệm trong việc con gái tôi ở đây.
- Mẹ à, sẽ giải thích khi con về nhà. Nhưng không phải bây giờ. Con cần có thời gian, và ba mẹ cũng thế. Mẹ về được rồi, hoàn toàn yên tâm vì ở đây đều là người tốt.
Cô mỉm cười nhìn sang Mẫn:
- Tôi không còn là trẻ vị thành niên. Về luật pháp và đạo đức, đều không có vấn đề. Tôi về lớp đây.
Thuyền đứng dậy bước như chạy về phía bọn trẻ đang cười nói hồn nhiên như chim. Cô ngạc nhiên vì sự bình tĩnh lạnh lùng của mình. Nhiều đêm không ngủ, cô đã tưởng rằng mình sẽ gào khóc đau đớn lắm nếu phải nhìn thấy mẹ. Cứ nhắm mắt thì những ám ảnh hoảng loạng lại hiện ra như những thước phim hãi hùng. Là một tin nhắn cô tình cờ đọc trên điện thoại mẹ. Của Tùng; chưa gọi là bạn trai nhưng cô cũng đã yêu mến bằng những cảm xúc non dại và chân thành. Có thể là nhắn nhầm thôi, cô nghĩ thế. Cũng như vài lần cô tình cờ thấy hai người đi cùng ô tô của mẹ, thì cũng có thể gọi là ngẫu nhiên. Cho đến khi về nhà giữa buổi học vì bị cảm nắng, cô sang phòng mẹ tìm vỉ thuốc thì mọi chuyện phơi bày. Mẹ không giải thích. Ba thì vài hôm nữa mới về. “Đi tận những đâu để giao dịch, hay cũng đang ở cùng một ả nào đó.” - Cô chua chát nghĩ. Chẳng phải thế sao khi cô gọi điện, ông đã quát cô rằng là nên tôn trọng chuyện riêng tư của người lớn. “Giả dối!” - Cô gào lên đau đớn và chạy ra khỏi nhà, ngồi khóc cả giờ trong một quán nước. Rồi thì đi bộ cho đến chiều tối, thấy chiếc xe đường dài Bắc - Nam đỗ bên đường trả khách, cô bước lên như một người máy...
Cả hôm đó và mấy hôm sau, Thuyền tránh không gặp riêng Mẫn. Cô cũng không kể gì với Dần. Việc buổi tối ở quán bar vẫn bình thường. Những bận rộn ở lớp và trang trại đã khiến Thuyền vui vẻ trở lại. Trên tường, những bức vẽ ngộ nghĩnh của bọn trẻ làm ấm áp thêm nhiều sắc màu cho những ngày rét mướt. Chị Thư, và cả chị Lài, lăng xăng kê bếp. Bọn trẻ chạy quanh, không thấy quẩn chân như mọi hôm. Ai cũng dễ chịu và cởi mở. Thuyền khá bất ngờ rằng không chỉ Dần mà me Tím cũng ở đây. Vài phụ nữ khác đến thăm lớp cùng với quà bánh, nhưng không ở lại. Cô đã dần hiểu ra nhiều thứ. Đúng lúc đó, mẹ cô xuất hiện:
- Mẹ muốn con về! Những người đến nhà ta sẽ thắc mắc, mẹ biết nói sao đây? Ba mẹ cũng có dự tính sẽ cho con sang Sing học.
Bà mở ví lấy một phong bì đặt trên bàn:
- Mẹ gửi tặng nơi này bao nhiêu đây, bằng cả mấy năm lương của con. Con thấy được chưa?
Thuyền cắn môi, cố không khóc:
- Nếu mẹ sợ tổn hại đến tiếng tăm như thế thì cứ bảo rằng con sang bên ấy với bác rồi. Còn chỗ tiền này mẹ cứ đem về. Ở đây những đóng góp đều lặng thầm. Với con, đó là những đồng tiền sạch, chắt ra từ mồ hôi nước mắt của những người biết yêu thương và khao khát được thương yêu, mẹ à!
Cô rất muốn nói thêm rằng không ai có thể chọn lựa cha mẹ, cho nên những điều cô làm hôm nay một phần cũng là vì mẹ và cho mẹ. Nhưng cô đã im lặng. Khi đưa mẹ ra xe, Thuyền ngần ngừ giây lâu rồi nói khẽ:
- Con nhờ mẹ đến trường xin bảo lưu cho con năm nay. Việc học của con rất cần, nhưng con thấy mình cũng cần cho nhiều người và nhiều điều, ít ra là lúc này.
Người mẹ ôm vai cô lay mạnh:
- Con định gắn bó với nơi này sao? Người đàn ông duy nhất ở đây là đứa bị vợ bỏ. Vợ bỏ hay bỏ vợ đều là không hay ho gì...
Cô quay người chạy vào thật mau, đưa tay quệt vội những giọt nước mắt. Vì giận hay vì buồn, cô cũng không rõ...
Những ngọn lửa vàng hừng hực bốc cao bắn những tia bụi lửa ra chung quanh. Hơi lạnh của rừng cũng lùi xa khi những mái đầu chụm vào nhau. Vui. Ấm áp. Trong ánh lửa đỏ hồng, mắt ai cũng long lanh. Chị Lài đứng dậy trước, nhắc nhủ bọn trẻ đi ngủ để sáng mai dậy sớm mặc áo mới. Chị Thư góp chuyện vu vơ, cố không nhắc đến cuộc gặp lúc chiều của mẹ con Thuyền. Rồi chị cũng đứng dậy:
- Anh Mẫn và cô Thuyền canh lửa giúp, tôi đi chuẩn bị các thứ.
Mẫn vẫn trầm ngâm từ nãy giờ. Anh đưa tay trở thanh củi to cho ánh lửa bùng lên. Môi mím chặt khiến quai hàm bạnh ra, ánh mắt vẫn không rời khỏi bếp. Anh nói khó khăn như có gì mắt nghẹn trong cổ:
- Cô Thuyền quyết định có vội vàng lắm không? Nhớ là cô chưa qua tuổi hai mươi đấy nhé!
Thuyền ngồi lùi ra, tránh ngọn lửa đang theo gió tạt về phía cô:
- Em không nghĩ thế. Bảy tháng qua mà cứ như bảy năm.
- Thì sao? - Mẫn ngẩng lên nhìn cô.
Thuyền im lặng. Tiếng còi xe vẳng lên từ con đường dưới xa nghe rõ từng hồi. Những chuyến xe trở về của ngày đoàn tụ sum vầy. Cô chợt thoáng nhớ đến ngôi nhà trắng có nhiều đèn và hoa, nhưng lại muốn nhắm mắt xua đi những bóng hình vừa lướt qua, nhẹ thôi mà đau nhói.
Cô nói nhanh:
- Thì em đã suy nghĩ kỹ rồi mới quyết định mà!
- Nhưng cô còn trẻ quá, cô không định bỏ quên thời thanh xuân ở đây chứ?
Thuyền cười:
- Anh nói gì nghe buồn vậy? Chẳng phải mùa xuân đang đến rất gần với chúng ta đó sao? Trước đây em cũng đã rất khổ sở và đau buồn vì thấy mình mất mát. Giờ mới biết chỉ là ảo tưởng. Nói đúng hơn, chẳng mất gì cả. Em thấy mình đang thật sự được sống, sống vui nữa là khác...
Dần và me Tím đã vào đến hiên, xuýt xoa cùng làn hơi rét. Mâm cúng khá tươm tất đã bày xong, chị Lài đang chuẩn bị nhang đèn. Những ánh nến hồng lắt lay trong gió khuya soi rõ nụ cười của mấy mảnh đời luân lạc. Những đôi môi mấp máy thầm thì khấn nguyện lời mong ước an lành, nhẹ theo những sợi khói mỏng bay lên thinh không. Gió từ phía rừng như thôi lao xao trong giờ khắc thiêng liêng. Những nén nhang đỏ lấm tấm phía cuối vườn như những ngôi sao từ mặt đất, như những tín hiệu sẻ chia âm dương chan hòa...
Hóa vàng mã xong, chị Thư và chị Lài thu dọn các thứ vào nhà bếp, mời mọi người ăn xôi chè lấy lộc may đầu năm. Nhưng me Tím cũng như Dần chỉ lắc đầu cười và đi nhanh về phòng bọn trẻ. Ở đó, họ sẽ được ôm đứa con bé bỏng của mình trong đêm lạnh để thực sự cảm nhận được mùa xuân ấm áp của cuộc đời đang tới.
Còn lại Thuyền và Mẫn trong gian sảnh đang hắt lên ánh lửa đượm nồng từ phía nồi bánh. Cô không biết mình nên vào hay ở lại thì Mẫn đã lên tiếng. Giọng anh nghe nhẹ và xa như gió từ phía rừng thoảng lại:
- Em vào nghỉ kẻo mệt! Sáng mai là phải xinh tươi…
Thuyền không nói, nhìn sâu vào đôi mắt đang lung linh ánh lửa và ấm lên những reo vui, không ồn ào nhưng rất mạnh mẽ ấy. Ngày mai là một ngày mới đặc biệt. Cô đan những ngón tay vào nhau như một thói quen từ lâu nay. Nhưng Mẫn đã giữ bàn tay cô lại. Cảm giác ấm áp khiến cô tự tin đứng dậy. Cô biết rằng từ đây cô sẽ bước đi bằng chính đôi chân mình, nhưng không còn sợ lẻ loi vô định.
N.T.D.S
(TCSH355/09-2018)
NGUYỄN TRỌNG HUẤNBạn tôi là nhà thơ. Thơ anh hay, rất nổi tiếng, nhiều người ái mộ.Năm 1975, anh cùng đoàn quân chiến thắng tiến vào giải phóng Sài Gòn, trụ lại thành phố làm đại diện một tờ báo, chốt trực cơ quan. Ở rừng lâu, nằm lán, ngủ võng cũng quen, nay về phố thị, căn hộ hai ba phòng, tự nhiên thấy trống trải, trằn trọc. Hoà bình rồi, cần ổn định cuộc sống, việc đầu tiên là đón mẹ con nó vào.
ĐỖ KIM CUÔNGNấn ná mãi tôi mới quyết định đi thăm Hiền. Quãng đường hơn trăm cây số, vượt qua đèo Cả không có gì đáng ngại. Chỉ hơn ba giờ đồng hồ ngồi xe đò và hơn một giờ nữa trên chếc xe ngựa của ông Sáu cụt chân là tôi đã có thể tới làng Vĩnh Hiệp Nam, về ghềnh Đá Đỏ. Nhà cô giáo Hiền ở đó.
LÊ MAICơn mưa chiều sầm sập kéo tới, mưa đổ bì bộp xuống mái nhà; hạt mưa nặng đến nỗi Hoàng tưởng như những tấm tôn phải oằn rướn lên chống đỡ; nước từ các máng xối tuôn ra ào ạt kéo theo hàng đụn lá khô, cỏ rác tràn đầy cống ngoài đường. Mới có năm giờ chiều mà như tám giờ tối.
HƯỚNG DƯƠNGTruyện ngắnMùa đông năm ấy tôi phải đi công tác tại một thành phố nhỏ ven biển. Khách sạn tôi trú chân nằm trên một ngọn đồi, nó không sang trọng, bề thế như nhiều khách sạn khác. Nhưng bù lại, nó hướng mặt về phía đại dương. Địa điểm này thật sự lý tưởng cho khách du lịch vào mùa hè, còn mùa đông thì chỉ có những người đặc biệt hay những công việc đặc biệt người ta mới tìm đến đây nghỉ lại. Một người bạn thân đã cho tôi địa chỉ của nó. Tôi khá hài lòng nếu như bạn hàng của tôi không bắt tôi chờ bão tan rồi mới đáp máy bay đến ký hợp đồng.
THANH QUẾ(Chùm truyện mini)
TRẦN HẠ THÁP(thân tặng Ng.X.Hoàng)
TRẦN HẠ THÁP (tiếp theo)
VÕ THỊ ÁNH HỒNGTôi vừa chạy vừa gọi chị trong tiếng sóng rì rào và tiếng lao xao của dãy phi lao. Như không nghe thấy tiếng tôi, chị vẫn thẫn thờ nhìn về xa xăm, chờ đợi...
PHẠM NGỌC TÚYĐó là một cặp vợ chồng trông rất đẹp đôi và hạnh phúc. Chàng cao lớn, mặt vuông. Nàng mảnh khảnh, xinh xắn. Khi lấy nhau, họ ở nhà tập thể của cơ quan. Sau khi cơ quan dời đi chỗ khác, người được phân đất, kẻ được chia nhà, lần lượt dọn đi. Chỉ trừ chàng. Chàng vì cô mà ở lại.
PHẠM XUÂN PHỤNGXưa có một người nông dân chất phác cần cù, nhà ở gần bìa rừng, làm lụng đầu tắt mặt tối bao năm mới dựng được ngôi nhà tranh ba gian hai chái. Trước nhà có cái sân rộng dùng để phơi lạc, loại nông sản chuyên canh của dân trong vùng. Hai vợ chồng có mỗi mụn con trai nên thường chăm bẵm, những mong sau này có được dâu hiền, phúc nhà đến độ, may chăng cháu chắt đầy nhà là mãn nguyện.
NGUYỄN NGỌC LỢICây mai dáng trực đặt nơi khoảng sân lát gạch đỏ của toà nhà ấy đã làm xôn xao cả phố. Gốc cây mai to gộc, u bạnh của nó bám đầy địa y mốc xanh mốc trắng.
TRẦN THÙY MAIThấp thoáng trong văn Trần Thùy Mai là sự phô phang hình hài của linh tự. Những linh tự tủi buồn bởi hết thảy chúng đều được hoài thai từ “độ chênh” của những mối tình khó lần ra hồi kết. Điều đó khiến mỗi truyện ngắn của Mai như là một miếng hồng trần nhỏ nhắn - chị lặng lẽ vấy vá bằng sợi tầm ma trước mỗi rạng đông...
QUẾ HƯƠNGTôi băng qua đường để lên cầu Trường Tiền. Thằng Tí kéo tay tôi lại: “Cậu qua đường mần chi, xe cán chừ!”. Tôi cứ qua. Đám trẻ con đang chơi ở công viên trước mặt ném đá vào tôi. Tôi chạy lên cầu. Đám trẻ réo: “Ông điên! Ông điên!”. Tí chạy theo, vừa thở, vừa nắm tay tôi: “Ai bảo cậu qua bên ni, dắt cậu thiệt mệt!”.
NGUYỄN NGUYÊN PHƯỚC Vào một buổi tối mùa thu, Đinh Hoài Viễn, một nhà văn trẻ tuổi, một người hoàn toàn vô danh trong văn giới, trong khi bóc phong thư mới nhận được vào buổi sáng ngày hôm đó, đã phát hiện ra ở mặt sau cái phong bì rỗng ấy một văn bản kỳ lạ trong hình thức của một truyện ngắn không đề tên tác giả.
ĐỖ KIM CUÔNGQuán cà phê cây sứ của vợ chồng Tư Hiền nằm ngay mặt tiền con đường nhỏ dẫn ra biển. Quán không trang hoàng đèn xanh đèn đỏ, không quầy két, không người chạy bàn, chỉ dăm ba bộ bàn ghế nhựa rẻ tiền.
HƯƠNG LANNàng sống trong một ngôi nhà xưa, được xây cất từ đời ông cố của nàng, tính ngót nghét nó cũng hơn trăm tuổi. Ngôi nhà nằm giữa một khu vườn mênh mông.
LƯƠNG VĂN CHILGT: Nhà tù, nơi chưa mảy may cải hóa được người đàn ông từng trác táng trên nền đạo đức xã hội, nhưng... Truyện được thắt nút khi Thuần “lột trần” vẻ đẹp phồn sinh xuân thì để minh chứng cho những ham muốn nguyên khai của con người là có giới hạn. Không khiên cưỡng ở nhiều chi tiết nhạy cảm, không tục trần trên từng đường cong mỹ diệu... Kịch độc đã thật sự “tiêm” những rung cảm lạ lùng vào miền hoang mê của lương tri đồng loại.
GIAO CHỈ Bão tố thường nổi dậy từ biển khơi hùng vĩ và kể cả. Những hút gió sấn sổ táp xuống mặt đất bao la quăng dội, tàn sát điên cuồng cho hả những cơn giận dồn góp lâu dài.
NGUYỄN ĐẶNG MỪNG Những người thắt đáy lưng ongVừa khéo chiều chồng lại khéo nuôi con (Tục ngữ)
TRẦN THÙY MAIỞ tuổi bốn mươi da mặt nàng vẫn trắng hồng, chưa thoáng một nếp nhăn. Ai nhìn kỹ lắm mới thấy những vết hằn bắt đầu hiện ra quanh cổ, thường được che rất khéo bởi những chuỗi hạt trang nhã. Mà đâu ai nhìn kỹ làm gì. Đứng trước một người đàn bà, dại gì không dán mắt vào vẻ đẹp mà lại đi săm soi tìm khuyết điểm.