Chuyện trước ngày Tết

15:22 12/06/2018

TRƯƠNG ĐỨC THÀNH

Nhà hàng Tân Mỹ chỉ cách thành phố mươi dặm, nhưng hoàn toàn khác biệt với các nhà hàng chốn kinh thành.

Minh họa: Nguyễn Tuấn

Với vẻ đẹp thôn nữ, Tân Mỹ vừa trải rộng lòng đón gió biển Thuận An, đón trăng của cánh đồng Tân Mỹ, vừa lắng chìm với những suy tư toan tính; vừa lãng mạn như thơ trữ tình, vừa hiện thực như truyện vụ án. Đây chính là chỗ đổi gió cho những khách sộp có ô tô riêng và cho những "anh hùng thấm mệt”.

Cách đây một năm, đêm 27 tết, Tân Mỹ đang ở cảnh hiện thực. Trước ống kính cận cảnh của người chép lại chuyện này thì bữa tiệc do giám đốc Huy chiêu đãi- khách danh dự là Tổng giám đốc - đang ở hồi cuối. Lúc này là 23 giờ 45, khách danh dự đã gục hẳn trên bàn tiệc. Chín người khác cũng ngất ngư theo. Chỉ có giám đốc Huy là "đứng” được. Lan, thư ký riêng của giám đốc thủ thỉ:

- Thưa anh, thanh toán séc hay tiền mặt?

- Tiền mặt, séc lôi thôi lắm. Hết bao nhiêu?

- Dạ, hơn hai triệu.

- Chính xác là bao nhiêu ?

- Dạ, hai triệu bốn trăm hai mươi ngàn.

- Tốt. Hùng đâu ?

- Dạ, em đây. Em mệt lắm rồi thủ trưởng ạ - Lái xe líu lưỡi.

Huy sầm mặt:

- Không lên được Huế chứ gì. Ngày mai, mình phải đưa bà xã và thằng Hải về tết. Cậu tính sao ?

Giám đốc quyết đoán:

- Gọi nhân viên nhà hàng bảo sắp xếp chỗ ngủ cho anh em, chỗ thật đàng hoàng cho anh Hai. Sáng mai cố gắng lên sớm đưa mình đi. Mình đã hẹn với bà xã, không thể ở lại được.

Lan băn khoăn:

- Thưa, lên bằng phương tiện gì ?

- Mượn một chiếc xe máy của nhân viên nhà hàng, chiếc tốt nhất ấy, ngày mai em mang đến trả nghe. Gác tiền lại cho người ta.

Lan nói nhẹ như hơi thở:

- Em lên với anh.

Huy xua tay:

- Thôi em ở lại. Cái xứ nhỏ như bàn tay này mồm mép khiếp lắm.

Một nhân viên nhà hàng chen ngang:

- Để em đưa thủ trưởng lên.

Huy cười:

- Cậu coi thường mình quá, có xe là tốt rồi.

Thế là chiếc Dream vút đi trong mưa phùn.

Nước mưa đã bắt đầu kích thích hơi men. Thấm lạnh. Huy rùng mình. Con đường cứ chập chờn trước mặt Huy. "Phải làm chủ tay lái" - Toàn bộ ý chí của Huy tập trung vào tay lái. Nhưng hơi men đã chống lại Huy. "Đi tiếp là chết"- Một ý nghĩ thoáng nhanh trong anh. Với bản năng sinh tồn, anh đạp thắng. Xe dừng hẳn.

Cánh đồng trống vắng. Bốn bề là gió. Phía trước là con đường lẻ loi đơn độc. Huy thoáng thấy cái chết. Toàn thân rùng mạnh. Anh quỵ xuống, quỵ hẳn.

Thời gian trôi đi trong gió rét.

Thế rồi trong cơn chập chờn Huy nghe tiếng của một người đàn ông:

- Ông bị ốm à.

Huy cố nói nhưng không tài nào mở miệng ra được. Đầu anh choáng váng dữ dội. Một lát, Huy có cảm giác âm ấm ở thái dương, mùi của sự sống đến với anh: mùi cù là.

Đột nhiên Huy nấc ra giọng lè nhè: "Tôi say..."

Giọng người đàn ông điềm tĩnh: - Ông lên Huế chứ ?

- Lên Huế, Huy vừa nói vừa thở dốc. Rồi như tất cả những người say khác, khi đã bật ra một tiếng thì những tiếng khác kéo theo: "Ông là ai mà biết tôi?"

- Tôi đi xích lô. Chở khách về Thuận An, vui bạn bây giờ mới lên.

- Thế ra ông cũng say à ?

- Không.

- Ông hãy cứu tôi đi, Huy lảm nhảm - cứu người say là cứu một nửa nhân loại đấy. Nửa nhân loại đang trong cơn say, ông biết không?

Người xích lô dìu Huy lên xe và hỏi:

- Còn chiếc xe của ông thì làm sao đây?

- Xe nào? Xe tôi ấy à? Dẹp, dẹp. Tôi có hàng trăm xe.

- Hay là ông đợi một tí, tôi giấu chiếc xe này. Chốc nữa tôi sẽ nhờ người về lấy cho ông.

- Đợi à, tôi không đợi được đâu. Tôi không quen đợi. Ông để tôi đợi là tôi cách chức ông đấy, ông rõ chưa ? Không tăng lương, rõ chưa, đuổi ra khỏi cơ quan, rõ chưa? Lúc đó thì chỉ có về mà đạp xích lô thôi con ạ !

Chiếc xích lô bắt đầu chuyển bánh. Tiếng lọc cọc vẫn không át được tiếng lảm nhảm của Huy: Ông cứu được tôi là vinh dự đấy ! Tôi sẽ cho ông 2 suất vào cơ quan. Này, vợ tôi là chúa ghen đấy nhé !

- Ông nói ít thôi kẻo mệt !

- Nói ít ? Giám đốc không bao giờ nói ít, ông hiểu chưa ? Chỉ có thể làm ít chứ không thể nói ít, đó là chân lý, ông hiểu chưa?

Cái máy phát cứ thế, cho đến lúc hết "pin". Huy lại gục.

Trong cơn mê, Huy nghe tiếng gõ cửa:

- Mở cửa cho ba.

- Sao ba về khuya thế ?

- Có ông này bị gió… Con vào nằm với mẹ, để giường cho bác nằm, để chăn lại. Gọi mẹ dậy giúp ba.

Một người phụ nữ xanh xao bước ra, giọng ngái ngủ:

- Ông ấy bị trúng gió à ?

- Uống vào rồi trúng gió. Em giúp đánh gió cho ông ấy. Anh gọi bác Năm cùng đi lấy giúp chiếc xe máy của ông ấy đang vứt ở cánh đồng Tân Mỹ. Em chịu khó nghe.

***

5 giờ 30. Huy tỉnh hẳn. Anh hất cái chăn tồi tàn ra khỏi mặt. Một mái nhà nhếch nhác đập vào mắt. Huy dần dần nhớ lại. Đột nhiên Huy nhớ ra cái cặp. Với giọng quen thuộc hằng ngày Huy hỏi cháu bé đang ngồi học bài:

- Cặp tôi đâu rồi ?

Cháu bé mang cặp đến cho Huy. Huy mở cặp ra xem lại.

- Chết ! Chết ! Tiền, Hơn hai triệu!

Chủ nhà hốt hoảng chạy ra:

- Ông bảo sao?

- Trong nhà có cất tiền cho tôi không?

- Dạ, để tôi hỏi nhà tôi.

Người vợ không kém phần hốt hoảng:

- Tiền nào ? Em có biết đâu !

Huy lên giọng:

- Thôi, các vị đừng đóng kịch. Nếu nghèo quá thì tôi cho. Vấn đề là lương tâm.

Chủ nhà mặt xanh như tàu lá:

- Tôi đã có bốn mặt con. Nếu ai lấy tiền của ông thì trời bắt chết con người đó.

- Ông thề thốt mà làm gì. Chiều nay sẽ thề với công an. Tôi đi đây.

Chiếc xe lại vút đi, để lại một bầu tử khí của bi kịch vây kín căn nhà dột nát.

Vợ: - Anh thấy không. Làm ơn mang oán. Loại người ấy là như thế đấy.

Chồng: - Ai mà biết được. Chắc hắn là giám đốc một ngành kinh tế nào đó.

Con: - Ông này con biết. Hay lên tivi lắm.

Người cha quay sang con: - Nếu con có lấy thì…

- Con thèm vào ! - Nó nấc lên giận dữ.

Những giọt nước mắt của người mẹ chảy theo. Người cha ngồi bần thần...

6 giờ 15. Không khí hài kịch ở nhà giám đốc Huy:

Vào đến nhà là Huy giành ngay thế chủ động: - Tiền mất sạch ! Hôm qua tôi cố lên, nhưng say quá nằm ngay giữa đường. Tay xích lô chở về nhà hắn rồi lấy sạch tiền.

Huy ngừng nói chờ một tiếng sét. Nhưng tiếng sét đã không nổ ra, chỉ có một làn gió sắc, lạnh: - Ông xích lô lấy à ? Đêm qua tôi nằm mơ thấy có một ông xích lô tóc dài, môi đỏ chót, tay đeo nhẫn.

Huy thừ mặt: - Bà bỏ cái lối nói cay độc đó đi. Kiểu đó không ai sống nổi đâu.

- Ông khỏi phải dọa. Bây giờ hai cha con lo liệu mà về Tết, không có tiền thì tôi ở lại.

Huy dằn giọng:

- Bà đem bán ngay một cây, đừng nhiều lời. Sướng quá hóa cuồng.

Chứng kiến hài kịch giữa bố và mẹ, Hải bứt rứt:

- Ba mẹ nói nhỏ lại cho hàng xóm nhờ. Con khổ lắm. Ngày nào cũng như ngày nào!

Da mặt Huy từ đỏ chuyển sang tái. Huy định giáng một cái tát vào mặt con nhưng tiếng động cơ ô tô đã kìm Huy lại. Hùng và Lan bước vội vào nhà.

Huy dịu giọng:

- Vào đây ! Đưa anh Hai về rồi chứ ?

Hùng nhanh nhảu:

- Dạ, Em vừa đưa bác Hai về nhà. Bác khỏe. Thủ trưởng lên bình yên chứ ?

- Bình yên cái con khỉ. Tiền mất sạch !

Lan hoảng hốt:

- Tiền nào ? Số tiền trong cặp anh em cất đây. Em sợ anh say rồi đánh mất.

Huy ngớ ra. Mọi người nhìn nhau. Hải là người đầu tiên lên tiếng:

- Thế mà ba nghi ông xích lô lấy đấy. Một mất mười ngờ !

Huy cười chữa thẹn:

- Tội nghiệp cho tay xích lô. Mình lên bị nặng, nằm ngay giữa đường, tay xích lô đưa về nhà, không có tay ấy thì mình chết. Chả còn ai giữa đường cả.

Hải cười khẩy:

- Ông ấy được ông giám đốc trả ơn thật xứng đáng.

Huy nổi sô:

- Này, con phải bỏ ngay cái giọng dạy đời đi ! Nhà trường dạy cái kiểu móc máy ấy phải không ?

Hải không vừa:

- Nhà trường đâu dạy thế. Nhà trường chỉ dạy sống với nhau phải có tình người.

- Nếu bố mày không có tình người thì cả nhà này đi ăn mày từ lâu rồi con ạ.

Bà giám đốc ngọt nhạt:

- Những nhà không có ông người ta đi ăn mày cả đấy.

Huy trả đũa:

- Thì ăn mày cũng đầy đường đấy thôi!

Hải cười:

- Nhà nào không có người làm giám đốc kinh tế thì cũng đi ăn mày cả thật. Con nói để ba với mẹ rõ: Con sẽ không về tết nếu ba không đi báo lại với ông xích lô.

Huy trịch thượng:

- Thì mày cứ ở lại mà đi, tao không có thời gian.

- Nhất định là như thế !

Vừa nói Hải vừa chạy vụt ra khỏi nhà...

Huế, ngày 20/11/90
T. Đ. T.
(TCSH44/01-1991)




 

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • TRẦN THỊ LINH CHI

    Hễ nhắc đến Huế là ngoài bao kỷ niệm cũ xưa, bao hình bóng tưởng như đã phôi pha lại vụt hiện ra rõ mồn một như mới ngày hôm qua.

  • VIỆT HÙNG  

    Anh đứng trên cầu thẫn thờ nhìn xuống dòng sông. Khuya lắm! Có lẽ đã qua cái mốc thời gian của một ngày cũ. Không gian im ắng. Lâu lâu mới có một tiếng xe máy từ xa vọng về.

  • LTS: So với những giai đoạn trước đây, Ban Biên tập của Sông Hương hiện nay còn khá mỏng: Hồ Đăng Thanh Ngọc (TBT) - Hoàng Việt Hùng (Phó TBT) - Phạm Tấn Hầu - Đặng Mậu Tựu - Nhụy Nguyên - Lê Vĩnh Thái - Lê Tấn Quỳnh - Lê Minh Phong - Lê Vũ Trường Giang. Hơn một năm lại đây thi thoảng họ đã góp mặt trên báo nhà tuy nhiên “ngồi chung mâm” thì chưa. Nhân kỷ niệm 30 năm thành lập Sông Hương, xin phép độc giả được cùng “ra mắt” Ban Biên tập bằng những tác phẩm của các thành viên. Xin trân trọng giới thiệu!
    S.H

  • NGUYỄN QUANG LẬP

    Chỉ bước khoảng vài mươi bước chân, từ cái cổng sắt rỉ của một người bạn gái, chị đã giật mình nhận ra sai lầm của mình.

  • VÕ MẠNH LẬP

    Chu Sửu là cây bút cầu toàn mới nổi tiếng trong làng văn đất Cố đô. Cô viết không nhiều và lười biếng phơi tên mình lên mặt báo.

  • NGUYỄN THỊ QUỲNH NHI

    Và khi những ảo ảnh về đôi cánh màu trắng bay ra ngoài không khí...

  • NGUYỄN HỮU HỒNG MINH

    Kỳ Thư là một cây bút viết phê bình sắc sảo. Tuy nhiên độc giả vẫn cho ông là độc đoán, thiển cận, nhìn một chiều và khen chê phe cánh hẩu. Thật thế, đọc văn Kỳ Thư rất khó chịu. Khen ai thì khen tít trời xanh mà chê ai thì đào đất đổ đi. Chưa bao giờ thấy sự trung dung.

  • PHÙNG TẤN ĐÔNG 

    “Ta con phù du
    ao trời chật chội”

           (Hoàng Cầm)

  • HỒ ĐĂNG THANH NGỌC
           Tặng chị Trần Thùy Mai

    1. Em buông từ chiếc tủ kính xuống. Mùa thu, nắng xuyên qua ô cửa gương vào đến giá sách làm em ngợp nắng. Phải đi đâu đó và làm cái gì đó, em tự nhủ.

  • NGUYỄN NGỌC LỢI  

    Lúc này trời đã tối, ăn xong một lúc tôi cầm đèn ra vườn. Trong sân, chồng tôi loạng choạng dắt xe máy ra đạp.

  • KIM NHAN SƠN  

    1.
    Ba thằng. Rõ ràng rất lực lưỡng. Chúng đứng thành hình tam giác. Đầu khum xuống đều nhau. Những búi cơ ở vai, tay và cả bắp chân của chúng thỉnh thoảng lại trào lên cuồn cuộn như túi đầy rắn treo cột điện.

  • TRẦN THÙY MAI

    Sau bốn năm du học, về thăm nhà hai tháng theo chế độ phép, bỗng nhiên Ba sinh một cái tật hết sức đáng buồn: ăn không biết ngon nữa.

  • HỒ ANH THÁI

    Tan học, Lân không về nhà. Cậu ta ăn mấy cái bánh rán, rồi tới vườn hoa Hàng Đậu, chờ lũ bạn để cùng đi đá bóng. Lân dựng xe đạp, và nằm ngửa trên chiếc ghế đá cạnh đấy, tranh thủ nhắm mắt nghỉ ngơi ít phút.

  • TRẦN HƯƠNG GIANG

    Thu Hà nhỏ nhắn làn da bánh mật có đôi mắt to hai hàng mi cong rất dễ thương. Hà thích đọc sách truyện và nghe nhạc xưa, những bài ca về tình mẹ đậm đà yêu thương.

  • NGÔ DIỆU HẰNG

    Ngôi nhà tôi mới thuê nằm hút trong một con hẻm, bao quanh bởi khu vườn cỏ dại mọc cao tận gối, có chỗ cỏ bò lên ngang với dãy hàng rào bằng gỗ, cứ như thể chúng muốn thoát ra ngoài những khung cửa tù sọc trắng bám đầy rêu phong ấy.

  • NHẬT CHIÊU

    1. Em đang ở trong Mê cung.
    Cái gì? Vào lúc 6 giờ sáng? Rừng đang sương mù? Ngay sau đêm trăng mật đầu tiên? Nàng có điên không?

  • NHỤY NGUYÊN
     

    Rất có thể việc ngài muốn một vũ nữ trinh nguyên sẽ khiến ngai vàng sụp đổ theo như niềm tin tối thượng. Rất có thể điều tồi tệ sẽ xảy ra như một dòng trong sử thi Mahabharata, “vị vua như thế không còn là vua nữa, mà ông ta phải bị giết chết như một con chó điên”.

  • HOÀNG TÙNG

    Năm 1442, vua Lê Thái Tông đi duyệt quân ở Chí Linh, đêm về nghỉ chân ở Lệ Chi Viên. Cùng đi với vua có người thiếp của Nguyễn Trãi tên là Nguyễn Thị Lộ. Đêm hôm đó, nhà vua băng hà. Triều đình quy tội Nguyễn Trãi thông đồng với Thị Lộ, âm mưu giết vua. Toàn gia họ Nguyễn bị tru di tam tộc.

  • DƯƠNG HOÀNG VĂN   

    Tháng bảy năm đó, miền Trung vừa trải qua một cơn lụt lớn. Một chuyến bay quân sự đưa tôi từ Sài Gòn ra vùng một. Chuyến đi đầy bất trắc về một miền đất dữ. Ở đó chiến cuộc đang hồi khốc liệt, bạn bè tiễn tôi với những đôi mắt chứa đầy thương cảm.