NGÔ MINH
Tôi gọi là “thầy” vì thầy Lương Duy Cán (Hà Nhật) dạy văn tôi hồi nhỏ học cấp 3 ở trường huyện. Tôi viết Chuyện thầy Hà Nhật làm thơ vì thầy vừa ra mắt tập thơ đầu tay Đá sỏi trên đường(*) khi thầy đã U80.
Thầy Hà Nhật - Bùi Xuân Phái ký họa
Thầy là một thi sĩ từ trong máu thịt, thi sĩ từ lúc trẻ cho đến bây giờ, nhưng lại không có tên trong danh sách Hội Nhà văn. Đó là một điều lạ, trong lúc rất nhiều người thơ phú làng nhang, thậm chí vớ vẩn, vẫn chạy chọt để vào Hội. Hà Nhật là một nhà thơ có tiếng từ những năm 60 của thế kỷ XX, sao lại chỉ có 51 bài thơ trong Đá sỏi trên đường? Câu chuyện dài lắm, nó như là một phong cách thi sĩ.
Tôi thấy thầy Hà Nhật suốt thời trai trẻ luôn lãng đãng thơ, lãng đãng em. Làm xong bài thơ, đọc bên chiếu rượu rồi tặng người đẹp là coi như mãn nguyện, không hề biết lưu giữ để in thành tập, để xin vào hội này hội khác... Nhưng nhắc đến thơ Hà Nhật, trăm nhà thơ có tên tuổi đều yêu mến, nể trọng. Bởi thơ Hà Nhật vừa đam mê nồng cháy, vừa trí tuệ. Quê cũ nghèo không lúa không khoai/ Chỉ có trời xanh và muối mặn (Muối). Gặp nhau bây giờ/ Táo trong vườn rụng hết/ Thôi đừng nhắc nữa/ Cho lòng đau/ Nghe em (Táo). Tình anh như muối kia/ Mặn mòi và lặng lẽ/ Muối trăm đời vẫn thế/ Tình anh không có màu (Tình muối). Năm 2007, viết ở đến thờ An Dương Vương ở Nghệ An trong chuyện ra thăm lại nơi mình từng dạy học xưa, Hà Nhật vẫn giữ được sự chất chứa ấy: Đền Cuông - cuông bay hết/ Về chi nữa em ơi/ Cha già còn ngoảnh mặt/ Mong gì đời sửa sai! (Đền Cuông)… Hay: Anh bơ vơ giữa cuộc đời phù du/ Chỉ có em thôi/ Chỉ có em là thật... (Bão số 2, 2007).
Thầy Hà Nhật được gia đình ở Bảo Ninh (Đồng Hới) gửi vào Huế học trường Khải Định (trường Quốc Học bây giờ) từ năm 1953. Hồi ấy mới mười bảy tuổi đã yêu, đã thơ “có nghề” lắm: Trên đồi sim/... Chiều tàn lịm/ Tàn cả trong tim/...Tiếc tình xưa tan vỡ/ Như những cánh sim bay (Trên đồi sim). Sau Hiệp định Genève, Hà Nhật phải rời trường Khải Định, ra Hà Nội học tiếp Đệ nhị và đỗ tú tài toán năm 1956. Học giỏi toán nhưng lại xin thi vào sư phạm văn. Hồi sinh viên học Đại học Sư phạm Hà Nội, Hà Nhật thường chơi thân với các nhà thơ, nhà văn cùng trang lứa như Phùng Quán, Nguyễn Bùi Vợi, Vân Long, Băng Sơn, Thúc Hà… lại bù khú rượu thơ bên các người đẹp, ngất ngư năm tháng. Yêu rồi, tặng thơ cho “nàng: rồi thì thấy cái gì cũng đẹp, cũng gần gũi:
Sao lại yêu cả tên đường phố
Thấy cuộc đời ai ai cũng vui
Không biết vì sao vô cớ mỉm cười
Nói chuyện với cả cầu thang gác
(Khắp nơi)
Nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi vẫn thường nhắc đến anh bạn thơ Hà Nhật dân Quảng Bình gầy đen, nhưng thông minh, nhạy cảm và đa tình. Nguyễn Bùi Vợi kể: “Chúng tôi dại dột rủ nhau in chung một tập thơ tình ở một nhà xuất bản tư nhân có tên là “Tre Xanh” do ông Nguyễn Hoàng Quân chủ trương. Tập thơ mỏng dính, gần hai chục bài. Nâng niu tập thơ trên tay, tôi mừng khôn xiết nhưng sau đó cảm giác xấu hổ không xóa đi được vì thấy thơ bạn tài hoa, bay bướm hơn thơ mình, mình không đáng đứng cạnh”... Nguyễn Bùi Vợi là một nhà thơ có tiếng, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ đời tám hoánh, mà nói về người bạn thơ “tỉnh lẻ” của mình, chẳng hội viên hội viếc gì như thế là chân thật và đáng trân trọng.
Từ năm 1956, khi mới chưa đầy 20 tuổi, Hà Nhật đã có những bài thơ “Đợi đò”, “Mưa Huế” rất sắc sảo. Trong bài “Mưa Huế”, hình bóng những cô gái Huế rất đẹp: Dáng gầy như cỏ cây quê mẹ/ Giếng tình thăm thẳm mắt không vơi…”. Hà Nhật còn hăng hái làm thơ gửi đăng báo Đất Mới, một kiểu báo Nhân văn của sinh viên thời ấy. Rồi hay la cà gần gũi với lớp đàn anh như Nguyễn Bính, Trần Dần, Lê Đạt, Quang Dũng, Nguyễn Đình, Trinh Đường và cả Bùi Xuân Phái nữa… Nên khi vụ Nhân văn - Giai phẩm xảy ra, tuy không “dính”, nhưng sinh viên Lương Duy Cán cũng bị ghi vào sổ đen. Vì thế năm 1959, tốt nghiệp Khoa Văn Đại học Sư phạm vào loại giỏi thời đó là hiếm lắm, oách lắm, nhưng Hà Nhật không được dạy cấp 3, bị “phát vãng” về dạy cấp 2 ở Diễn Châu, Nghệ An ba năm liền.
Sinh thời, nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi có lần kể cho tôi, hai nhà thơ Vương Trọng và Hoàng Cát nghe một chuyện vui cười ra nước mắt. Thời dạy học ở Diễn Châu, có lần nhớ ngày mất của Nguyễn Du, Hà Nhật cùng với một thầy giáo dạy văn cao to cùng trường đêm hôm tổ chức “tưởng niệm Nguyễn Du” ngay trong phòng ở của mình. Hai người thắp hương, đốt nến khấn rồi thay nhau nói về tính nhân văn trong thơ Nguyễn Du. Hai thầy giáo say mê không biết ở ngoài cửa có người rình. Nghe xong anh chàng hốt hoảng đến ngay nhà ông lãnh đạo địa phương tố cáo là có hai người đêm hôm ca ngợi “nhân văn - giai phẩm”. Cái người gầy còm (tức Hà Nhật) nói tới 18 lần “nhân văn”, còn người cao lớn nói 11 lần. Hồi ấy, cụm từ “nhân văn - giai phẩm” đồng nghĩa với “phản động”. Mà dân quê thì không phân biệt được từ “nhân văn” sang trọng ấy với vụ “nhân văn - giai phẩm”! Từ đó Hà Nhật bị “ghi vào sổ đen”. Hà Nhật có yêu một cô giáo quê ở Nghĩa Đàn, miền Tây Nghệ An, cách Diễn Châu khoảng 80 cây số, nhưng khi gia đình nghe nói thầy giáo này có dính tới nhân văn - giai phẩm thì gia đình kiên quyết không gả. Chính người con gái ấy và mối tình bị từ chối đã “cho” Hà Nhật bài thơ tình nổi tiếng “Bài thơ tình của người thủy thủ”.
Thầy kể rằng, hồi năm 1962, vì buồn tình, nhân mấy ngày nghỉ, có mấy người ngư dân ở quê Bảo Ninh ra Nghệ An đi buôn bán bằng thuyền biển rủ thầy về quê bằng thuyền với họ. Từ Nghệ An vào Đồng Hới đi đường bộ thời đó cũng chỉ ngày rưỡi. Nhưng tính thầy thích ngao du, chuộng lạ. Thế là thầy liều lênh đênh trên biển với ngư dân ba ngày ba đêm ròng. Say sóng ngất ngưỡng, nôn ra mật xanh mật vàng. Nhưng đổi lại thầy làm được Hai bài thơ tình của người thủy thủ rất hay, rất “độc”:
Em hỏi tôi nước biển màu gì?
Tôi người thủy thủ từng lênh đênh năm tháng
Tôi sẽ nói cùng em
Nước biển dịu dàng, bí mật và cuồng nộ
Cũng như màu đôi mắt của em
Đoạn trích trên ở bài 1. Bài 2 của “Bài thơ tình của người thủy thủ” sâu hơn, hồi đó dân yêu thơ Quảng Bình ai cũng thuộc:
Nếu ở cuối trời có đảo chân trâu
Hay ở đảo xa có nụ hoa thần tìm ra hạnh phúc
Hay có người gái đẹp
Môi hồng như san hô
Cũng không thể khiến anh xa được em yêu
Nhưng hỡi em
Nếu có người trai chưa từng qua bão tố
Chưa từng qua thử thách gian lao
Lẽ nào có thể xứng với tình em?
Khi làm xong thơ, thầy sợ không ký tên Hà Nhật mà ký tên là Mai Liêm, gửi báo Hà Nội, lấy địa chỉ liên lạc của một người chị bà con bên mẹ là chị Chiến đang học ở trường cấp 3 Đồng Hới (sau này thành vợ nhà thơ Hải Bằng). Khi báo đăng bài thơ, nhạc sĩ Hoàng Vân đọc được, cảm và phổ nhạc, nhưng không đề “phổ thơ Mai Liêm”. Bài hát “Tình ca người thủy thủ” lập tức được công chúng thanh niên cả nước đón nhận nồng nhiệt. Đến hôm nay, trên radio, tivi, nhiều ca sĩ vẫn hát “Tình ca người thủy thủ”… Cái bút danh Mai Liêm ấy thầy còn ký ở rất nhiều bài thơ khác. Những năm 1960 ấy, hàng loạt các tác phẩm văn học đầy chất sống, cuốn hút người đọc đã bị các nhà phê bình văn học “đánh” kịch liệt và xếp vào tội “xét lại” như các tiểu thuyết Mùa hoa dẻ của Văn Linh, Nhãn đầu mùa của Xuân Tùng - Văn Thanh, Mở hầm của Nguyễn Dậu v.v. Bài thơ, bài hát “Tình ca người thủy thủ” cũng bị phê phán là “lãng mạn tiểu tư sản”, “xét lại”. Họ chất vấn “Đi tìm gì, tìm ai ngoài khơi xa kia?”. Những ngày tháng đó, Hà Nhật cảm thấy cô đơn da diết. Tôi có một câu thơ chết đuối dưới dòng sông/ Tôi lãng quên suốt một thời trai trẻ (Nói với dòng sông). Có lẽ vì thế là người ta không để thầy dạy học ở Đồng Hới mà bắt lên dạy ở Lệ Thủy.
*
Năm 1964, thầy Hà Nhật về dạy ở cấp 3 Lệ Thủy, cũng là năm chúng tôi là Lâm Thị Mỹ Dạ, Ngô Minh, Hải Kỳ, Đỗ Hoàng, Lê Đình Ty... vào học cấp 3. Thầy Hà Nhật và thầy giáo trẻ Phan Ngọc Thu đã truyền cho lớp chúng tôi một không khí yêu thơ, làm thơ rừng rực từ đấy. Những tiết học đầu tiên của năm lớp 8, học sơ tán dưới nhà hầm chiến tranh nửa chìm nửa nổi ở thôn Đông Liễu, xã Liên Thủy ấy, chúng tôi đã nghe thầy đọc những bài thơ tình nồng cháy của mình. Đứa nào cũng chép đầy sổ tay. Rồi thầy dạy cho chúng tôi bài hát Hoàng Vân phổ thơ thầy, dù lúc đó bài hát bị cấm phổ biến. Hồi đó cả lớp tôi làm thơ, có hẳn một tờ báo tường tên là Văn Nghệ của nhóm sáng tác, bên cạnh tờ báo tường của Chi đoàn lớp. Thầy Hà Nhật sáng nào đến lớp dạy cũng lật xem những sáng tác mới của học trò. Bây giờ thầy 77 tuổi, trò đứa nào cũng 64, 66 cả rồi, mà gặp nhau thầy trò cứ thơ phú suốt đêm.
Những năm 60 của thế kỷ trước, thơ không vần ở nước ta mới chỉ là những sáng tác thể nghiệm của một vài tác giả. Ngay ở Hà Nội, nhà thơ lớn Nguyễn Đình Thi làm thơ không vần cũng bị phản đối quyết liệt. Thậm chí, Hoàng Cầm trong hồi ức “Nguyễn Đình Thi trong tôi - Nguyễn Đình Thi ngoài tôi” đã viết: “Anh Thi đến nhà xuất bản Văn nghệ đưa cho tôi đọc tập thơ Người chiến sĩ..., và anh Thi yêu cầu tôi cho ấn hành ngay, càng sớm càng tốt. Tôi đọc xong, rất thú vị vì vẫn còn nguyên những bài thơ thể tự do. Bấy giờ (1956) mà in được những bài thơ cách tân ấy thì thật có lợi cho phong trào thơ...”. Nhưng sau đó do sức ép của “cấp trên”, nhà văn Nguyễn Đình Thi phải xin lại bản thảo, sửa chữa tập thơ Người chiến sĩ thành những bài thơ theo vần truyền thống, thật tiếc!
Còn ở các tỉnh lẻ được xem là vương quốc của bảo thủ trong thơ. Những năm 1958 - 1975, nhà thơ Xuân Hoàng phụ trách Hội Văn nghệ Quảng Bình, ai muốn in thơ phải viết có vần mới được in tạp chí của Hội. Ấy thế mà những bài thơ không vần của Hà Nhật viết ở Đồng Hới, nơi “tỉnh lẻ của tỉnh lẻ” lại nhuần nhuyễn, lung linh như những viên ngọc, ai cũng thích. Mới hay, thơ phải từ trái tim đến với trái tim. Miền quê nghèo khó đầy gió cát Quảng Bình đã sinh ra những nhà thơ trứ danh Thơ Mới, cả hiện đại và siêu thực như Hàn Mạc Tử, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Xuân Sanh... từng một thời đi tiên phong trong làng thơ Việt Nam.
Thầy Cán dạy văn giỏi (ở Đồng Hới thời đó có câu ngạn ngữ: Văn Cán - Toán Trình, tức tức muốn văn giỏi phải học với thấy Lương Duy Cán, muốn giỏi toán phải học với thấy Đoàn Trình) và làm thơ hay nên rất nhiều thế hệ học sinh thuộc thơ thầy. Thơ Hà Nhật khảm vào trí nhớ độc giả bao thế hệ. Có người thuộc mấy bài, một bài, có người chỉ thuộc một khổ thơ hay ý thơ. Họ ngồi với thầy bên chén rượu, đọc lên, rồi chắp nối lại từ trí nhớ, thành bài thơ hoàn chỉnh. Nhờ đó mà từ năm 2007 đến 2009 thầy đã ra Huế, Đồng Hới, Nghệ An “sưu tầm” lại được mấy chục bài thơ đã thất lạc để in tập thơ kỷ niệm cuộc thơ đời mình Đá sỏi trên đường. Hàng trăm bài thơ thầy không tìm lại được, vẫn ở trong trí nhớ của người đời. Có lẽ rất ít nhà thơ “có bảng hiệu” ở nước ta có được cái ân huệ “sưu tầm thơ mình trong công chúng” như Hà Nhật. Đó chính là sức sống lâu bền của thơ và nhà thơ trong trời đất!
Thơ Hà Nhật bị thất tán nhiều cũng do thi sĩ rất thích xê dịch, tính lãng tử. Ai rủ đi là đi ngay. Đi thâu đêm thâu ngày. Có chén rượu, có người đẹp thì đọc thơ suốt đêm. Năm 1972, một nửa Quảng Trị được giải phóng, Hà Nhật đạp xe ngay vào Đông Hà, rồi cùng ông bạn thơ đồng niên Hoàng Phủ Ngọc Tường ngao du mấy ngày đêm miên man trên đất Quảng Trị còn nóng bỏng lửa bom. Bởi thế, gặp lại Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hà Nhật đã có thơ tặng bạn rưng rưng: Hãy cạn ly đi Tường ơi/ Không uống được vào môi/ Thì nhấp bằng mắt vậy/ Để ta nhớ một thời sôi nổi/ Ngang dọc hai ta một dải đất gió Lào (Uống rượu với Tường).
Sau 30/4/1975, máu lãng du lại thôi thúc Hà Nhật tìm về phương Nam. Chuyến “Hành phương Nam” ấy thầy về dạy học ở Phan Rang, Phan Thiết một thời gian, gặp chị Thanh Phương mới neo đậu lòng mình, rồi vào Sài Gòn làm giảng viên Trường Cao đẳng Sư phạm. Dạy học, nhưng thầy luôn gắn với thơ. Thầy viết sách bình giảng thơ cho nhà xuất bản, bình thơ cho chương trình văn nghệ của Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh...
Chuyện Hà Nhật làm thơ thời đó đã lây nhiễm sang một thế hệ đàn em như Hoàng Vũ Thuật, Lâm Mỹ Dạ, Hải Kỳ, Mai Văn Hoan, Lê Đình Ty, Trần Nhật Thu,... Cách sinh hoạt thơ của các nhà thơ này cũng giống thầy Hà Nhật. Có người đẹp là rủ nhau mang rượu đến đọc thơ suốt đêm. Người đẹp là cái cớ để giải bày tâm trạng. Có người đẹp là thức suốt đêm làm thơ để tặng. Làm bài này đến bài khác, có khi cả năm ròng. Tặng xong thơ yêu là sung sướng, chẳng cần in ấn ở đâu cả. Nếp sinh hoạt đó luôn tạo ra một không khí thơ sôi nổi, dào dạt của cái tôi trữ tình chân chất.
N.M
(SH285/11-12)
--------
(*) Đá sỏi trên đường, thơ Hà Nhật, Nxb Hội Nhà văn, 12/2011.
VƯƠNG HỒNG
Ưng Bình Thúc Giạ Thị quê phường Vỹ Dạ, thành phố Huế, sinh ngày 9 tháng 3 năm 1877, mất ngày 4 tháng 4 năm 1961. Ông là cháu nội Tuy Lý vương Miên Trinh, một nhà thơ nổi tiếng với "Vỹ Dạ Hợp tập".
NGUYỄN PHƯỚC HẢI TRUNG
Trên Tạp chí Sông Hương số 379 (9/2020) và Báo Thừa Thiên Huế, tôi đã có giới thiệu lại cuốn “Truyện Kiều, bản Nôm của Hoàng gia triều Nguyễn, lưu trữ tại thư viện Anh quốc” do Nguyễn Khắc Bảo công bố (Nxb. Lao động ấn hành, 2017).
NGUYỄN THANH TÂM
Trương Đăng Dung làm thơ từ cuối thập niên 70 của thế kỷ trước. Thầm lặng, con người thi ca ấy ẩn khuất sau dáng vẻ của một nhà lý luận, để hơn 30 năm sau, cựa mình trỗi dậy.
HOÀNG THỊ THU THỦY
Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Tố Hữu (04/10/1920 - 04/10/2020)
LÊ TUẤN LỘC
MAI VĂN HOAN
Trải qua hàng nghìn năm bị phong kiến phương Bắc đô hộ, họ tìm mọi cách đồng hóa dân tộc ta nhưng bất thành. Chúng ta có chịu ảnh hưởng về tư tưởng, về giáo dục, về văn hóa, nghệ thuật… của họ nhưng dứt khoát không bị đồng hóa.
LƯỜNG TÚ TUẤN
“Thì đem vàng đá mà liều với thân” - Nguyễn Du
Kỷ niệm 255 năm ngày sinh (1765 - 2020), 200 năm ngày mất Danh nhân văn hóa thế giới - Đại thi hào Nguyễn Du (16/9/1820 - 16/9/2020)
NGUYỄN PHƯỚC HẢI TRUNG
ĐỖ LAI THÚY
Trong mọi địa hạt, sự đắc thắng của cuộc sống là sáng tạo
H. Bergson
BỬU Ý
Nguyễn Đức Sơn sinh 18/11/1937 tại làng Dư Khánh (Thanh Hải) gần bên bờ biển Ninh Chữ tỉnh Ninh Thuận.
LÊ THÀNH NGHỊ
Thơ Lâm Thị Mỹ Dạ xuất hiện từ đầu những năm bảy mươi của thế kỷ XX, khi chiến tranh diễn ra vô cùng ác liệt trên cả hai miền đất nước. Quảng Bình, quê hương của Lâm Thị Mỹ Dạ là một trong những vùng đất bom đạn tàn khốc nhất.
NGUYỄN HỮU QUÝ
Biển. Những con sóng. Những con sóng làm nên biển cả mênh mang. Hay diễn đạt cách khác, biển bắt đầu từ sóng.
LÝ HOÀI THU
Lưu Quang Vũ mở đầu sự nghiệp cầm bút bằng thơ. Đó là phần Hương cây trong tập Hương cây - Bếp lửa in chung với Bằng Việt.
THÁI HẠO
Tặng Mẹ và Em!
Bờ bến lạ chút tự tình với bóng - Tuệ Sỹ
NGUYỄN KHẮC PHÊ
Nguyễn Thị Lê Na không thuộc lớp “cây bút trẻ” (chị sinh đúng vào năm đất nước thống nhất - 1975), lại phải gánh nhiệm vụ quản lý một tạp chí văn nghệ, nên sau “Bến Mê”, đến nay chị mới xuất bản “Đắng ngọt đàn bà”(*) (ĐNĐB).
HUỲNH NHƯ PHƯƠNG
Một ngày giáp Tết Canh Tý, Từ Hoài Tấn* mời bạn bè đến quán cà phê nhìn sang Vương Cung Thánh Đường dự ra mắt tập thơ tuyển của ông (Thơ Từ Hoài Tấn, Nxb. Tổng Hợp thành phố Hồ Chí Minh, 2020).
NGỌC BÍCH
(Đọc "Thơ Ngô Kha"*)
Bây giờ là năm 1992. Anh hy sinh đã gần 20 năm. Tập thơ của anh đã xuất bản được một năm nhờ những bạn bè thân quen và những người yêu mến thơ anh. Tôi là người đến muộn. Nhưng như người ta vẫn nói "dẫu muộn còn hơn không". Nhất là ở đây lại đến với MỘT CON NGƯỜI.
PHẠM XUÂN DŨNG
(Nhân đọc tập tản văn Ngoại ô thương nhớ của Phi Tân, Nxb. Trẻ, 2020)
HỒ THẾ HÀ
Lê Văn Ngăn, sinh ngày 15 tháng 01 năm 1944, tại Quảng Thọ, Quảng Điền, Thừa Thiên Huế. Học, trưởng thành và tham gia phong trào học sinh, sinh viên yêu nước ở Huế (1965 - 1975). Là phóng viên Đài Phát thanh Huế (1975 - 1978).
PHẠM TRƯỜNG THI
Trong số các nhà thơ thời tiền chiến người quê gốc Nam Định, có ba nhà thơ mặc dù khác nhau là không được sinh ra cùng ngày, cùng tháng, cùng năm, cùng một miền đất nhưng họ lại rất giống nhau là đều khóc tiếng khóc chào đời nơi vùng đồng chiêm trũng, nghĩa là nơi được xem là những cái rốn nước của tỉnh Nam Định.