Chuyện ở rừng mai vàng

16:21 21/07/2010
HỒ NGỌC DIỆPKhông biết ai đã trồng rừng mai ở làng Đông Dương nầy lúc nào? Khi chúng tôi lớn lên thì đã thấy nó. Ngày trước, cứ đến tết xuân sang, người Ba Đồn lên, người Hướng Phương xuống, người Quảng Hợp, Quảng Kim vào, cứ theo sở thích mà cắt, mà chặt mai đưa về cắm độc bình. Cứ thế, mai mỏi mòn, xơ xác. Có cây chỉ trơ lại gốc. Có cây chỉ còn thân, cằn cỗi, khẳng khiu.

Minh họa: Bửu Chỉ

Đúng ngày Bác Hồ phát động tết trồng cây đầu tiên, cô giáo dạy cấp I chúng tôi đưa chúng tôi đến trồng tại rừng mai đó.

Bọn con gái thì đào hố bỏ phân và tưới nước. Bọn con trai chúng tôi thì đi bứng những cây mai con mà hạt già rụng xuống ở những kẻ đất ẩm mọc lên đưa đến trồng và then che, rào dậu. Rồi ngày ngày, theo sự phân công của cô giáo, chúng tôi đã thay phiên nhau tưới nước, vun xới cho mai. Khi chúng tôi học lớp cuối cùng của cấp III trường huyện thì mai đã ra hoa lượt đầu tiên. Đã thôi rồi lối chặt mai bừa bãi như những năm trước đây. Những cây mai vừa lớn bên những cây mai cổ thụ đan thành rừng mai. Mùa xuân đến, mai nở vàng trời, mai rụng vàng đất. Cánh mai chấp chới trong gió như hàng ngàn hàng vạn cánh bướm vàng. Hương mai nồng nàn, ngào ngạt. Đứng dưới rừng mai tưởng như đang đứng ở một chốn thần tiên! Làng Đông Dương vì thế mà có người gọi là làng "Hoàng Mai" (Làng mai vàng). Có một người hay thơ yêu một cô gái trong làng "Hoàng Mai" và để kỷ niệm nơi bắt đầu của một tình yêu giàu chất thơ mộng, anh đã ký dưới những bài thơ tình yêu nổi tiếng của mình với bút danh: Mai Liên (Rừng mai đã kết tất cả lại). Chúng tôi rất yêu thơ Mai Liên, vì trong đó có rất nhiều hương sắc của rừng mai vàng chúng tôi.

Không hiểu vì sao cô giáo của tuổi nhỏ chúng tôi không lấy chồng. Có một độ xuân chín, mai nở vàng rực, cô đã lên công sự cùng dân quân ở rừng mai nhả đạn vào máy bay Mỹ đang bắn phá một địa điểm của đơn vị bộ đội ra-đa đóng gần đó. Phát hiện được hỏa lực lợi hại, giặc Mỹ đã trút đạn xuống rừng mai. Khi biết tin cô giáo hy sinh trong cuộc chiến đấu đó, chúng tôi đến thăm thì mai đã rải thảm vàng nấm mộ. Rừng mai đã ôm ấp, chở che cho giấc ngủ ngàn năm của cô. Và từ đó, đi đâu xa về, chúng tôi đều ghé đến thăm cô. Hương trầm quyện trong hương mai gợi biết bao nỗi niềm của người đang sống với người đã khuất. Chúng tôi đã đọc và chép cho nhau bài thơ "Hương mai" của Mai Liên. Nhà thơ đã viết tặng hương hồn cô giáo chúng tôi với một niềm rung cảm sâu xa, tha thiết nhất.

Những ngày tột cùng tội ác của chiến tranh phá hoại Giôn-xơn, một bệnh viện đã đến trú ngụ dưới rừng mai vàng làng Đông Dương này. Những ngôi nhà chôn mình trong cát. Rừng mai xanh, sáng chiều tỏa bóng ôm trọn những mái nhà. Dưới rừng mai đó, bao sinh linh đã sống lại. Dưới rừng mai đó, bao em bé đã oa oa chào đời. Cô bạn gái học cùng lớp tuổi nhỏ của tôi bấy giờ là y tá của bệnh viện này. Cô có cái tên rất đẹp: Thùy Mai.

Một buổi sáng, từ hầm mổ bước ra sau một đêm phục vụ cho ca mổ đẻ một người mẹ hở van tim được mẹ tròn con vuông, thì Thùy Mai cùng các bác sĩ tiếp tục đón tiếp mấy cái băng ca nữa ùn ùn chuyển tới. Đêm qua, loạt bom tọa độ dội xuống một làng bên bến phà Gianh. Cả sáu người trong một gia đình bị sập hầm chết nghẹn, chỉ cứu được cháu gái chưa tròn năm. Có lẽ người mẹ đã ôm chặt con vào lòng nên cháu gái chỉ bị chấn thương nhẹ. Người ta đã nuôi cháu bằng sữa bò và bột dinh dưỡng. Nhưng bất kỳ đứa trẻ nào cũng cần có một người mẹ mới có thể đảm bảo cuộc sống lâu dài. Thùy Mai đã nhận nuôi đứa bé. Khi lên ba, bé gái đã biết bập bẹ gọi: "Mẹ! Mẹ Thùy Mai!".

Đầu năm 1972, có một chuyến xe quân sự từ chiến trường Tây Nguyên ra Bắc, vượt được phà Gianh độ mười cây số, xe hỏng nặng. Người lái xe cho biết: ít ra đến hết đêm nay anh mới có thể chữa xong xe. Trung úy bộ binh Dương Trúc sau khi được đoàn trưởng đồng ý đã đi tắt đồng cát từ quốc lộ I để đến rừng mai làng Đông Dương. Nhà anh giờ sơ tán cách chỗ xe dừng không xa; ở hướng Đông nhưng anh lại đi thẳng hướng Tây. Anh đã nói với đoàn trưởng của mình: "Tôi đến đó để thăm mộ một cô giáo cũ. Chính cô đã giúp cho tôi…" Anh không nói hết ý nhưng đoàn trưởng đã hiểu.

Anh cất mũ, đứng lặng yên trước nấm mộ cô giáo ngày tuổi nhỏ dưới rừng mai. Đang độ xuân, mai rắc vàng lên vai anh, lên lớp cỏ xanh phủ trên nấm mộ. Hương mai thoảng đưa trong gió, gợi những nỗi niềm nhớ thương… Nếu không có tiếng ru con à ơi vọng ra từ một nhà hầm gần đó thì không biết trung úy bộ binh Dương Trúc sẽ đứng trầm ngâm như thế trong bao lâu.


Tiếng ru con à ơi… đã làm anh bừng tỉnh. Không! Không thể nào khác được, đó là tiếng ru con của Thùy Mai! Anh bước tới phía nhà hầm. Qua khe cửa sổ, dưới ánh đèn phòng không tù mù đặt kín đáo ở góc nhà, anh nhận ra được Thùy Mai đang nhẹ nhàng đẩy võng ru con.

- Hãy gõ cửa - Anh nghĩ.

- Đừng! - Một tiếng nói khác từ trong anh dõng dạc vang lên.

Anh đã cố quên đi cô gái ấy, cô gái lần đầu tiên đã làm cho trái tim anh rung động. Tình bạn học cũ đã chuyển sang tình yêu từ bao giờ anh chẳng rõ nữa. Đêm trước lúc anh lên đường nhập ngũ, Thùy Mai đã đến với anh với những nỗi xao xuyến, ngập ngừng. Anh đã đặt chiếc hôn đầu tiên lên môi người yêu khi Thùy Mai ngả người vào ngực anh, ngay dưới rừng mai này. Lúc đó những cánh mai trong gió khẽ đưa hương, báo tin bắt đầu từ ngày mai, xuân bước vào độ chín. Bảy năm trời, anh không nhận được một lá thư nào của Thùy Mai. Có lẽ vì ở chiến trường anh không có một địa chỉ rõ ràng. Nhưng tin đầu tiên về Thùy Mai đến với anh qua lời một đồng chí trong đơn vị mới hành quân từ Bắc vào là dòng tin dữ dội: "Thùy Mai đã lấy chồng, vì tôi thấy cô ấy đã có con".

"Cô ấy đã có con", anh nửa tin nửa ngờ. Nhưng trước mặt anh giờ đã là sự thật, không thể ngờ mà phải tin. Và Thùy Mai thì đang chao võng và cất tiếng à ơi… kia:

Trúc với Mai, Trúc đi Mai nhớ!
Trúc trở về, Trúc nhớ Mai chăng?

Một câu hát ru đã được cải biên lời. Anh nhớ rất rõ mẹ anh đã ru anh thuở nhỏ, chính câu hát phải thế này:

Trúc với Mai, Mai về Trúc ở
Trúc trở về, Mai nhớ Trúc không?

Trung úy bộ binh Dương Trúc cứ đứng như vậy để nghe những lời hát ru của cô gái vọng ra. Chợt anh nghĩ, nếu có một người nào đó từ đâu tới và thấy anh đứng đây, người ta sẽ cho anh là một đứa kẻ trộm đang nghe ngóng, rình mò, và sẽ lôi thôi hơn nữa nếu chồng Thùy Mai ở đâu đó bước về, chạm mặt anh đang đứng lặng ở đây.

Anh xóa dấu dày rồi khẽ quay gót. Khi anh trở lại quốc lộ I, xe cũng vừa chữa xong. Mới quá nửa đêm, xe rồ máy thẳng hướng đèo Ngang, chồm tới.

Cuối mùa đông năm này, tình cờ tôi lại gặp nhà thơ Mai Liên tại Hà Nội. Anh vừa bước ra từ trụ sở một nhà xuất bản với nét mặt rạng rỡ. Anh kéo tôi ngồi xuống ghế đá ở một vườn hoa gần đó, giọng rất hể hả:

- Nếu không có anh, chưa hẳn tôi đã hoàn thành tiểu thuyết đầu tay này. Với những gì tôi đã biết về rừng mai vàng ở quê vợ, và câu chuyện tình dưới rừng mai vàng ấy của bạn anh: Thùy Mai và Dương Trúc mà anh đã hồ hởi kể cho tôi nghe 5 năm về trước lúc tôi đang theo học lớp đại học hàm thụ văn khoa, tôi đã soạn, đã viết, mãi hôm nay mới hoàn thành. Cảnh thực, người thực, việc thực bước vào trang sách… như thực. Tên bài thơ "Hương Mai" dạo trước tôi đã lấy làm nhan đề cuốn tiểu thuyết này.

Rồi với những phấn chấn mới mẻ, anh tiếp lời mình một cách say sưa:

- Nhân vật của tôi: Dương Trúc và Thùy Mai, sau đó đã thông hiểu nhau, xây dựng hạnh phúc sau ngày đất nước thống nhất. Ngày cưới của họ đúng độ xuân chín, mai vàng cắm đầy bàn giữa hai họ, hương bay ngào ngạt. Đứa con nuôi là đứa con chung của họ. Cô ấy sẽ là một bác sĩ nổi tiếng trong tương lai.

- Rất đáng tiếc, cuộc đời của họ không như anh tưởng tượng. Tôi ngắt lời anh.

Nhà thơ Mai Liên sửa lại đôi kính cận, há mồm nghe những lời chậm rãi của tôi sau đây:

- Họ không gặp lại nhau và không bao giờ lấy nhau. Sau ngày đất nước thống nhất, không hiểu do đâu mà Thùy Mai có rất nhiều bạn bè, loại người chuyên bán buôn, móc nối. Ít lâu sau thì Thùy Mai tự bỏ nghề và đi buôn. Cô ta đã lấy một anh chàng thợ may chết vợ, giàu sụ nhưng nát rượu. Họ chửi nhau suốt ngày, Thùy Mai sẵn sàng làm bất kỳ điều gì, miễn hái ra tiền. Mùa xuân năm ngoái chính cô ta đã đến rừng mai vàng làng Đông Dương cùng một bọn xấu khác trộm cành mai đưa về bán ở chợ Ba Đồn, bị công an phát hiện, giữ lại mấy hôm.

- Thế còn anh Dương Trúc? Nhà thơ Mai Liên sốt ruột hỏi tôi.

- Dương Trúc bạn tôi, đã trở về quê hương sau ngày Thùy Mai lấy chồng. Nhưng chiến tranh đã cướp của anh một bàn chân phải trong chiến dịch Tây Nguyên năm 1972. Anh chưa lấy vợ, nhận chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ ở rừng mai vàng quê anh, ở đó còn có nấm mồ cô giáo tuổi nhỏ của chúng tôi.

Vẫn bằng giọng chậm rãi, tâm tình, tôi kể tiếp cho anh nghe:

- Đứa con nuôi của Thùy Mai năm nay là một học sinh giỏi văn của trường phổ thông Trung học Ba Đồn. Cháu vẫn ở với Thùy Mai, mặc dầu có người chú ruột ở Huế tha thiết muốn đưa cháu vào sống với gia đình mình. Lần gặp lại cháu gần đây, cháu đã nói với tôi: "Cháu không thể từ bỏ người đã nuôi cháu từ cái ngày gia đình cháu gặp điều bất hạnh, mặc dầu người đó hiện nay cháu chẳng thích tí gì. Nhưng nhất định mọi cái tốt đẹp sẽ lại đến, nhất định sẽ lại đến!"

Nhà thơ Mai Liên đứng dậy, lững thững đi bên tôi dọc hàng cây cơm nguội. Bỗng dưng nét mặt rạng rỡ, hả hê, phấn chấn của anh lúc nãy biến mất. Anh trầm ngâm, thỉnh thoảng đưa tay lên sửa lại đôi kính cận. Tôi đoán, chắc lúc đó anh đang nghĩ về trang sách anh đã viết và con người thực ngoài đời.

Tôi chia tay anh để còn chuẩn bị thêm mấy thứ cho chuyến trở lại quê hương trong dịp xuân mới này, khi con tàu Thống nhất độ hai giờ nữa sẽ rú còi rời ga Hàng Cỏ. Tôi sẽ đến rừng mai vàng làng Đông Dương quê tôi mà ngắm hoa nở, mà ngửi hương say, mà nhìn cánh mai, như trăm nghìn cánh bướm vàng vờn trong nắng ấm. Tôi sẽ đem đến cho bạn tôi, anh thương binh Dương Trúc một chiếc chân giả loại mới có những thiết bị tự động mà tôi mua từ nước ngoài về với một giá khá đắt. Với chiếc chân giả có những thiết bị tự động này, anh ấy có thể dễ dàng đi trên cát rừng mai vàng và đến từng nấm mồ liệt sĩ nhổ từng cây cỏ, kẻ lại dòng mộ chí, trong đó có nấm mồ cô giáo tuổi nhỏ của chúng tôi. Và chắc chắn, các cháu học sinh của trường cơ sở Quảng Phương dưới sự hướng dẫn của các thầy cô giáo sẽ đến trồng thêm những cây mai trên đồng cát, đan thêm dày rừng mai như chúng tôi trước đây đã đến trồng trong ngày tết trồng cây nhớ Bác Hồ.

H.N.D
(2/8-83)




 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • NGUYỄN PHƯỚC THỊ LIÊNKhông ai ngờ trước kia nơi đây chỉ là bến đậu tự phát của mấy tên thương hồ tứ xứ tới lui mua bán, ngủ nghỉ trong những căn lều che chắn tạm bợ. Và quán cóc. Nay đã thành một công viên sông, có con đường lát gạch khá rộng chạy ra tới biển mà bên dưới là bờ kè bảo vệ, bên trên là thành lan can inox chắn giữ.

  • DẠ NGÂNLúc ấy đã gần trưa. Những thời khắc cam go nhất của một ngày đang sắp qua đi. Một ngày ở đây bắt đầu từ rất sớm với những phập phồng quen thuộc.

  • BẠCH NHẬT PHƯƠNGNgày ấy, vào năm 1981!Rời phiên tòa ra về, thiếu phụ cảm thấy quãng đời còn lại như một cuộc thách đố. Nàng không buồn phiền nhiều mà cảm thấy bực bội và vô cùng lo lắng. Nàng bực vì thái độ nhỏ nhen của người đàn ông mà nàng đã từng là vợ trong suốt 13 năm qua. Nàng lo lắng vì 3 đứa con của nàng từ nay trông cậy vào chỉ một mình nàng!

  • NHẤT LÂMTrời về tối lúc tạnh lúc mưa, lại có gió nên càng mịt mờ như khuya khoắt, nhà nào cũng ăn cơm lúc chập choạng, bởi mưa gió chẳng biết làm gì. Tháng mười chưa cười đã tối. Mùa mưa miền Trung vốn tự cổ xưa đã não nề, những năm chiến tranh càng buồn hơn.

  • HOÀNG QUỐC HẢI              Truyện ngắn lịch sửNăm Nhâm Thân (1392) mùa hạ, thượng hoàng Trần Nghệ Tông xuống chiếu “CẦU LỜI NÓI THẲNG”Thường trong nước mỗi khi có đại sự, nhà vua ban chiếu cầu hiền. Mục đích tìm người tài cho nước.

  • KIỀU VƯỢNGĐêm giữa thu. Hà Nội se lạnh. Sao chới với nhưng mây vẫn vũ làm nền trời như khô khốc, nhạt nhòa. Một hồi còi tàu rú dài như thả thêm vào đêm luồng khí lạnh. Quang nhìn đồng hồ sân ga dã quá mười hai giờ khuya.

  • CAO HẠNHTôi sinh ra ở làng quê, lớn lên cũng ở làng quê. Tôi là hạt máu đỏ rơi xuống bùn đất mọc lên một thằng người cùng với ngọn cỏ lá rau, cây lúa và những sinh linh khác. Tôi cùng chịu đựng chia xẻ với chúng ngọn gió Lào cát trắng và những trận mưa dầm dề của xứ miền Trung khắc nghiệt.

  • HỒ ANH THÁI Tác giả thấy cần phải tóm tắt chuyện cô bé quàng khăn đỏ trước, rồi mới kể tiếp phần hậu cô bé quàng khăn đỏ. Con sói đến lừa bà cô bé, nuốt sống bà, rồi mặc váy áo của bà, trùm khăn giả vờ làm bà. Cô bé về nhà, thấy bà rởm mà không biết, cứ hỏi vớ hỏi vẩn sao tai bà to thế, sao mắt bà to thế, sao mồm bà to thế. Sốt ruột. Con sói bèn nuốt chửng luôn cô bé. Nhưng rồi quần chúng tiến bộ tập hợp lại đấu tranh, con sói phải nôn cả bà lẫn cháu ra, hứa cải tà quy chính. Từ đây bắt đầu phần hậu cô bé quàng khăn đỏ…

  • PHẠM XUÂN PHỤNGHọ như không còn trẻ. Người lớn tuổi hơn có khuôn mặt thanh thản vì đã giãn mềm những nếp nhăn. Người trẻ tuổi khuôn mặt nhuốm già bởi màu từng trải và những nét khắc chán chường.

  • MAI HUY THUẬTNằm cuộn tròn trong cái rọ lợn Cuội mới có thì giờ ngẫm nghĩ về cái thân phận của mình. Cả cuộc đời dối trá, lừa gạt bây giờ bị tù hãm sau mấy cái nan tre tưởng như mong manh thế mà càng cựa quậy càng trầy da rách áo, không thể nào thoát được.

  • NGUYỄN VĂN VINH Thường thường, mỗi sớm tôi và các bạn gặp nhau ở quán cà phê vỉa hè. Ngồi vệ đường, không tiếng nhạc quấy phá phút tĩnh tâm để ngẫm ngợi sự đời, quả thú vị! Tôi biết các loại quán đều tiêu phí thời giờ của mình, nhưng quán cà phê ít tốn, ít nguy hiểm hơn quán bia ôm và các toan tính, bon chen trong vòng danh lợi gươm đao nên tôi không bỏ uống cà phê buổi sáng, ngày mình giết một tí, lại được chuyện vãn với nhau: nào thời sự, tin tức trên trời dưới biển, cũng vui!

  • LINH CHIKhi chỉ mới là giọt máu, sự kết hợp của hai nhiễm sắc thể XY bám vào dạ con của mẹ, nó đã không được công nhận. Chào đời, mẹ con nó ở với ông bà ngoại cùng các cậu, các dì cho đến năm nó tròn bảy tuổi. Nhà ngoại nó ở ven triền núi của vùng đồi miền trung du hẻo lánh độ chừng vài ba chục nóc nhà rải rác trên mấy quả đồi đầy hoa sim, hoa mua tím. Chiều chiều nó thường hay tha thẩn trước sân nhà ngắm nhìn những đàn chim bay về tổ, thả hồn theo những đám mây màu cánh vạc đùn lên phía sau dãy núi đối diện nhà ngoại và tưởng tượng, ước ao…

  • TRẦN CHINH VŨAnh nghĩ là mình có thể ngủ được trong đêm nay - ngủ ngon là khác nữa - Đêm qua anh đã ít ngủ rồi - Hơn nữa, cùng với cậu em trai anh lại vừa có cuộc đi chơi đêm ở công viên Đầm Sen, đến muộn mới về. Vậy mà cho đến lúc này, đã qua nửa đêm được ít phút, mắt anh vẫn cứ trơ ra, cứ như thể nó chưa biết khép lại bao giờ.

  • ĐÔNG TRIỀUMười hai giờ đêm.Tôi bước ra khỏi rào lưới sắt còn ngoảnh lại nhìn căn trọ, nơi cửa sổ vẫn phụt ra luồng sáng trắng bởi đèn điện. Tất cả đã im lặng. Tiếng cót két của đôi cánh cửa gỗ mà người thiếu phụ vừa khép lại hòa vào nhịp rơi lộp độp của những giọt sương trên lá, tiếng côn trùng trỗi lên cùng thanh âm mà con chim cú đâu đây vẫn bỏ tiếng rúc đều đều nghe rợn người.

  • PHẠM NGỌC TÚY“Ngày...tháng...nămDòng nhắn tin trên báo cho em biết rằng em đã tìm thấy anh. Cuối cùng thì chúng mình cũng nhận ra nhau. Anh thân yêu. Hôm nay trời không mưa và không nắng. Từ cửa phòng em nhòm ra có một cây trạng nguyên. Cây này nhô lên cao giữa khoảng trời xanh hiếm hoi. Những chiếc lá đến mùa, đỏ thắm màu xác pháo. Nó là cây hoa độc nhất ngoài cửa phòng em.

  • NGUYỄN BẢNHắn đến tôi, mặt thẫn thờ ngơ ngác như người vừa mất của. Tôi hỏi ngay:- Có chuyện gì vậy?- Không, không có chuyện gì.

  • ĐÔNG LA       Sài Gòn mùa mưa, trời lúc nào cũng âm u. Những tán cây sẫm hơn, không khí nóng rát của những tháng cuối mùa khô đã được làm nguội lại, dịu mát. Mấy ngôi nhà cao lênh khênh dường như chỉ cần kiễng chân lên một chút là có thể gội đầu được trong những đám mây sũng nước, là là bay trên đầu.

  • ĐÀO PHONG LAN         Tôi là đứa con gái duy nhất của cha mẹ, và trời cũng ban cho tôi một nỗi bất hạnh để tương xứng với niềm hạnh phúc của một đứa con chắc chắn được cưng chiều: Tôi bị liệt hai chân từ bé.

  • MAI HUY THUẬTCon tàu Thống nhất nhả Văn xuống ga Huế vào một trưa mưa tầm tã khiến Văn chợt thấm thía một câu thơ Tố Hữu:...“ Nỗi niềm chi rứa Huế ơiMà mưa xối xả trắng trời Thừa Thiên?”...

  • NGUYỄN VĂN THANHSau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, tôi không ngờ được Ngọ hỏi làm vợ. Không giống như những cô dâu khác, ngày tôi về nhà chồng có dắt theo một đứa con riêng. Tên nó là Hòa. Ngọ rất thương yêu hai mẹ con tôi. Không có gì đáng trách anh ấy dù cuộc hôn nhân của chúng tôi không bình thường.