Chuyện ở làng Hạ

09:49 30/07/2009
NGUYỄN TRƯỜNGLàng Hạ nằm phía hạ nguồn sông La Ngà. Đất chật. Người đông. Đói nghèo thành nếp. Hồi hai bên đánh nhau, nơi đây là vùng địch hậu. Giải phóng hơn chục năm mà làng Hạ đói nghèo vẫn hoàn nghèo đói. Không ít người bỏ làng đi xa chẳng thèm ngoái cổ nhìn lại. Vậy mà hơn mười năm lại đây, nhờ vực dậy cái nghề tơ tằm truyền thống vốn có từ xưa, làng Hạ đang trở thành một làng nghề giàu có nhất nhì trong vùng. Nhà cũ lỗi thời phá đi xây mới. Đường làng bùn lầy được thay bê-tông. Trường tiểu học tranh tre nứa lá hồi nào nay lên hai tầng. Điện lưới dọc ngang khắp làng đã đẩy năng suất ươm tơ kéo sợi lên cao chưa từng thấy. Chất lượng tơ tằm đạt chuẩn xuất khẩu. Hàng bán chạy hơn cả tôm tươi. Thu nhập người dân ngày một cao.

Minh họa: Đặng Mậu Tựu

Làng Hạ đổi đời. Nom ai cũng có máu mặt.
Phú quý tất sinh lễ nghĩa. Và lễ nghĩa hợp cái tâm người làng Hạ lúc này là dỡ bỏ ngôi đình làng lâu nay hoang phế để xây ngôi đình mới to đẹp hơn. Thế là chuyện được đem ra bàn. Cả làng Hạ ngàn người như một: không để thua đình làng Thượng vừa xây xong. Đúng quá! Hoan hô! Nhưng ngót một trăm rưỡi triệu lấy đâu ra? Ối! Lo bò trắng răng! Có gì ghê gớm lắm đâu! Hô một tiếng là êm ngay thôi mà!

Quả vậy, "Tâm thư" của làng "thống thiết" đến nỗi mới phát ra chưa đầy nửa tháng mà "hảo tâm" của người làng Hạ ở trong nước và ở cả nước ngoài đã vượt ngoài dự đoán: hai trăm triệu có thừa! Trong số dân làng hiện ở nước ngoài gửi tiền về giúp làm đình có ông Dù là vượt trội hơn hết.

Tháng 5 năm Quý Mùi khởi công xây đình. đến giữa tháng 8 là hoàn tất đâu vào đấy. Một ngôi đình cao to đường bệ, đẹp lộng lẫy, biểu tượng cho truyền thống văn hoá làng và sự phát đạt của một làng quê đang soi bóng lung linh bên bờ sông La Ngà, khiến cả làng Hạ những ngày này vui như có hội.

Ngày khánh thành đình làng kết hợp với thu tế cũng đã đến. Nhận được thư mời, ông Dù từ nước ngoài bay về. Ông về sớm mấy ngày đợi chờ trên thành phố. Sáng nay ông đi ô tô con về làng dự lễ. Chẳng may bị kẹt xe giữa đường nên ông tới chậm không kịp dự lễ khánh thành mà chỉ kịp dự lễ tế mà thôi. Ông vội vã thay bộ com-lê để mặc vào bộ y phục truyền thống, rồi hoà vào đám bô lão đang khăn áo chỉnh tề đứng phủ phục trước hương linh các ngài khai canh khai khẩn nên làng Hạ này.

Chuyện ông Dù ngày xưa đi lính làm đồn trưởng ở đây ra sao coi như được khép lại. Mọi người ai cũng niềm nở, tay bắt mặt mừng đối với ông và xem ông như vị thượng khách của làng trong ngày hội này. Nhiều cặp mắt dồn về phía ông. Nhưng đang lúc hành lễ nên việc chào hỏi tạm gác lại. Trước mặt là ba gian thờ, đèn nến sáng trưng, kèn trống rập rình. Lời xướng theo nghi lễ tế thành hoàng làng đĩnh đạc vang lên hoà với tiếng trống, tiếng chiêng rung động cả khoảng không yên lặng, làm cho lễ tế vô cùng uy nghiêm. Một con bò thui và ba con heo quay vàng ươm, béo ngậy được đặt cúng ở chính điện và hai gian thờ hai bên. Dân làng Hạ tập trung về chật cứng trong ngoài. Nét mặt ai nấy rạng rỡ...

Sau lễ tế là tiệc rượu. Nói là rượu, nhưng cả làng được một phen uống bia xả láng. Có Việt kiều về làng mà! Sẵn mang theo mấy chai rượu ngoại đắt tiền, ông Dù đem khui mời làng, làm cho bữa tiệc thêm màu mè, rôm rả.

Cuộc vui đang nửa chừng thì ông Dù cao hứng, tự đứng ra giữa đình làng có đôi lời. Ông hắng giọng, nói: "Thưa làng. Là con dân của làng ở phương xa về, tôi vô cùng cảm kích vì chúng ta đã xây được ngôi đình tráng lệ thế này để thờ phượng các ngài có công với dân với nước...". Thấy nhiều người ngửa mặt lắng nghe, ông Dù tiếp: "... Tôi cũng hết sức cảm động khi nghĩ rằng, nhờ phước đức của các ngài mà dân làng ta nguyên vẹn như hôm nay và xem ra chẳng mấy ai phải chịu nhiều bất hạnh trong cuộc chiến tương tàn vừa qua. Nay tôi về sau 20 năm biệt xứ, đề nghị chúng ta...". Ông Dù vừa nói tới đây thì cả cuộc tiệc bỗng ồn lên, không còn ai nghe ông nói thêm được gì nữa. Có vài tiếng xì xào ở mấy bàn cuối: "Cha này nói mà không biết sờ sau gáy mình!"; "Lão ta nói chối tai thế mà nghe được à!"; "Ối, có tiền đô rủng rỉnh, nói quấy nói quá sao chẳng được!". Ông Dù vừa nói xong thì một anh dân làng ăn mặc tuềnh toàng, mặt đỏ gay, tay cầm ly rượu tiến tới trước mặt ông, hất hàm nói: "Tôi đề nghị ông nói lại đi. Có đúng dân làng này không mấy ai bất hạnh vì chiến tranh, phải không?". Một số vị cao niên biết sẽ có chuyện chẳng lành xảy ra, vội cầm tay anh ta dằn lại: "Thía ơi, mày ngồi xuống nói năng đuề huề một chút được không!". Thía vung tay xô những người can ngăn ra. Bằng cặp mắt có lửa, Thía nhìn thẳng mặt ông Dù, nói như hỏi tội: "Thế ông có biết hồi chiến tranh, ai đã cưỡng hiếp một người đàn bà ở làng này không? Cưỡng hiếp không được, ai đã bày mưu bắt bà ta đày ra bỏ xác ngoài Côn Đảo?". Ông Dù đang chếnh choáng hơi men, chẳng biết người chất vấn mình là ai. Ông trố mắt nhìn anh ta với thái độ thách thức. Giá như ông biết thủ thế để nói năng khôn khéo một chút thì có thể chẳng có chuyện gì lớn xảy ra. Đằng này, do khoái chí bởi một vài người quen thân ngồi quanh xun xoe, tâng bốc nên ông càng tỏ ra yêng hùng của kẻ "bạo vì tiền", đã buột miệng thốt lên: "Nếu điều đó do chính cái người đang đứng trước mặt anh gây ra thì đã sao? Tại sao anh không nói tất cả đều vì chiến tranh tương tàn để quên nó đi, mà lại khêu gợi ở đây làm gì?". Ông Dù nói thế làm Thía đã ngứa gan rồi, nhưng có lẽ còn nhịn được. Không ngờ ông Dù lấn lướt, chỉ tay vào mặt Thía: "Sao anh quá dốt, ăn nói chẳng giống ai bây giờ cả. Vậy anh muốn làm gì tôi nào?". Đang lúc đấu khẩu căng thẳng thì có mấy người sấn tới, nói như thét vào mặt Thía: "Thía! Mày đúng là quân phá đám! Mày ăn nói ngang ngược và vô phép như vậy được à!". Trong cơn điên tiết, lại như có lửa đổ thêm dầu, Thía gạt phăng những kẻ bênh vực ông Dù ra, chồm tới túm lấy ngực áo thụng ông ta, mặc cho nhiều người lao tới cố giải cứu. Đang lúc giằng co, Thía dồn sức vào một cánh tay đẩy ông Dù một cái thật mạnh về phía sau làm đầu ông ta đập vào cột đình, toé máu tai. Ông Dù gục ngay tại chỗ, bất tỉnh nhân sự. Hoảng quá, một số người ôm chặt Thía, ghì lại. Còn ông Dù tức tốc được đưa ra ôtô con đi cấp cứu.

Cuộc tiệc đến đây láo nháo như ong vỡ tổ. Không khí ngày vui của làng phút chốc trở nên nặng nề, nghiêm trọng. Không ít người tỏ ra bực dọc, lặng lẽ bỏ về. Số người ngồi lại tiếp tục cầm đũa nhưng chẳng còn tâm trí nào để vui vẻ với nhau.

Thía bị áp giải ra trụ sở xã để lập biên bản. Hồ sơ ghi rõ: "Trần Thía lâu nay thần kinh bất thường, do uống nhiều bia rượu, lại bị kích động mạnh, đã dẫn đến hành vi phạm tội đánh người gây thương tích". Thía bị quản chế. Sau đó người ta đưa Thía đi khám ở bệnh viện tâm thần, rồi nhập viện luôn. Riêng ông Dù bị chấn thương ở đầu, phải nằm điều trị ở Bệnh viện Thành phố.

Mấy ngày sau, làng Hạ cử một số người lên thành phố thăm và nói lời lỗi phải với ông Dù. Tiện đường, họ tạt vào Bệnh viện tâm thần xem Thía thế nào. Lúc ghé mắt qua chiếc cổng sắt, người ta thấy Thía ngồi một mình ở ghế đá ngoài sân. Phát hiện ra người làng Hạ. Thía nói với vẻ mặt buồn buồn: "Bà con có đến thăm ông Dù, cho tôi gởi lời xin lỗi ông ấy!..."

Mùa đông năm 1954, anh Bài đi tập kết lúc đứa con trai đầu lòng vừa tròn hai tuổi. Tưởng hai năm sau anh sẽ trở về, ai ngờ càng ngày anh càng biệt vô âm tín. Tháng ngày đằng đẵng, chị Ngọt lo tảo tần buôn bán nuôi con. Đã ngoài ba mươi tuổi mà trông chị xuân sắc vẫn căng tròn như thời con gái đẹp nhất của làng Hạ này. Nhiều đấng mày râu trong làng dẫu đã yên bề rồi vẫn thấy thèm khát gạ gẫm, chòng ghẹo làm cho chị phải chịu không ít tai tiếng đồn đãi trong bà con chòm xóm.

Từ ngày về làm đồn trưởng ở đây, tên Dù thường lân la chỗ chị Ngọt. Là bạn học cũ với anh Bài, nhưng hồi "Chín năm", anh Bài "xếp bút nghiên" theo kháng chiến, còn Dù thi mãi bằng thành chung không đỗ, buồn tình quay sang đi lính cho Pháp. Dáng người Dù cao kều. Nước da tái tái. Cứ trông đôi môi mỏng dính, tương phản với cặp lông mày rậm rì nhô ra ở phía trên hai con mắt ti hí, nhìn ai như không muốn mở hết, là đủ biết con người này thuộc hạng háo sắc, lại ranh mãnh không phải vừa.

Sau ngày vào lính, do hăng máu đánh trận nên Dù được thăng cấp rất nhanh. Mới cấp đội, hắn nhảy tót lên cấp quan một trong vòng chưa đầy một năm. Hoà bình lập lại, hắn đeo lon trung uý, chỉ huy một đại đội lính đóng ở giữa làng Hạ, nơi quân Pháp chiếm đất xây đồn từ năm 1947 đến giờ.

Một hôm, tên Dù đến chơi nhà chị Ngọt. Hắn ngồi nhắc chuyện cũ và nói không ngượng miệng với chị Ngọt rằng: "Hồi ấy, anh là kẻ đến trước, nhưng Bài đã thắng vì nó học giỏi lại đẹp trai hơn. Nay Bài đi lạc hướng chẳng biết bao giờ trở về. Anh khuyên Ngọt nên bước đi bước nữa kẻo già mất!". Thấy chị Ngọt im lặng, hắn tưởng xuôi gió thuận buồm, bèn giở giọng sỗ sàng: "Anh tuy vợ rồi, nhưng vợ anh không còn khả năng sinh đẻ được nữa. Vậy Ngọt hãy đồng ý...". Không để cho hắn thừng đưng dài dòng, chị Ngọt đứng dậy, nghiêm mặt: "Tôi là đàn bà có chồng. Anh không được ăn nói bậy bạ như thế!". Tên Dù cụt hứng, đành lủi thủi ra về mà lòng vẫn chưa nguôi ham muốn người phụ nữ đẹp này.

Vào cái đêm trung thu năm ấy, đường làng rộn ràng tiếng trống trẻ em. Dù xăm xăm tìm tới chị Ngọt. Lâu nay hắn cũng muốn cho mọi người nhìn thấy hắn đeo đuổi chị Ngọt, và lấy làm thoả chí khi có ai đó thêu dệt nên chuyện "dan díu" giữa hắn với người đàn bà xinh đẹp này. Vừa đến đầu ngõ, hắn thấy chị Ngọt một mình ngồi khâu vá dưới ánh đèn toả sáng trong nhà. Hắn nhẹ bước vào đứng trước thềm một lúc. Lòng hắn bỗng rạo rực lên, vì chưa bao giờ hắn thấy chị Ngọt quyến rũ và hấp dẫn như lúc này. Hắn vào nhà, lên tiếng chào hỏi rồi chủ động ngồi xuống bên cạnh chị Ngọt và buông lời ong bướm như mọi khi. Chị Ngọt vẫn giữ phép lịch sự tối thiểu đối với hắn. Không ngờ, hắn đột ngột thổi tắt ngọn đèn, dùng sức đè ngửa chị xuống giường. Hắn hôn lấy hôn để lên người đàn bà mà lâu nay hắn thèm khát đến điên cuồng. Hắn vừa thở vừa nói lí nhí không nên lời. Giọng hắn trở nên thều thào, yếu ớt như kẻ van xin. Trong khi hai tay hắn sờ soạng, cào cấu như con thú vồ mồi. Bất ngờ hắn bị một cú hích rất mạnh. Chị Ngọt đã hất hắn đổ ình xuống đất, rồi chạy bổ ra sân, hô hoán lên. Cả xóm tưởng nhà chị có trộm cướp, mọi người đốt đuốc chạy tới làm hắn một phen bẽ mặt, vội chuồn thẳng về đồn, vừa hổ thẹn vừa căm tức lên tận cổ.

Đã không lấy thì khuấy cho hôi; thế mà "lấy" chẳng được, "khuấy" chẳng xong, giờ hắn chỉ còn cách... trả thù.

Thời kỳ này, Mỹ ngụy ở miền Nam đang công khai xé bỏ hiệp định Giơ-ne-vơ và thi hành chính sách tố cộng gắt gao. Ở làng Hạ, bọn tề ngụy càng đục nước béo cò, tìm đủ cách để lung lạc, bôi lem hoặc quy kết rồi bắt tù đày đối với những người kháng chiến hoặc có người thân tập kết ra Bắc. Chị Ngọt là người chịu chung số phận cay đắng ấy.

Những ngày cuối đông năm Bính Thân, trời mưa tầm tã và gió rét căm căm kéo dài cả tháng trời. Dân buôn bán làng Hạ ai nấy tê cóng vẫn phải hối hả nối đuôi nhau đổ về thị tứ từ sáng tinh mơ. Suốt cả năm làm ăn chỉ nhờ vào những ngày giáp tết như thế này.

Sáng nay chị Ngọt dậy sớm. Sau khi lo cho cu Thía xong, chị tất tả quang gánh ra chợ bình thường, mà nào hay đây lại là buổi sáng định mệnh của đời mình.

Vừa trông thấy chị gánh hàng qua ngang qua trước cổng đồn, tên Dù vội cho lính gọi chị vào đồn xét hỏi. Hắn nhìn chị bằng đôi mắt trơ tráo của kẻ cuồng si lại hết sức giảo hoạt trước một người đàn bà mà hắn cố tình chiếm đoạt không thành. Hắn đường đột sấn tới giở trò sàm sỡ với chị ngay trước mặt đám lính. Bị xúc phạm quá trắng trợn và thô lỗ, chị không kìm được bực tức. Sẵn đòn gánh trong tay, chị phang thẳng lên người hắn. Thế là bọn lính đứng đó ập tới, hô hoán lên, rằng bắt quả tang kẻ đột nhập vô đồn để ám hại đồn trưởng. Vốn có tên trong "sổ đen", lại có hành vi phạm pháp rõ ràng, lập tức chị bị bắt ngay tại chỗ, rồi bị đưa lên giam ở lao tỉnh một thời gian. Sau đó chị bị kêu án tù, đày ra Côn Đảo biệt tăm biệt tích.

Khi mẹ đi tù, cu Thía chưa đầy 4 tuổi. Ông bà ngoại phải đem Thía về nuôi. Nhà ngoại nghèo nên Thía chẳng được học hành mấy. Xong lớp ba, Thía phải bỏ học để ở nhà giúp ngoại cắt cỏ, chăn trâu. Tuổi nhỏ kham khổ, cái ăn cái mặc chẳng bằng ai, nhưng Thía vẫn lớn như thổi. Lớn lên, Thía hơi cộc tính và chẳng biết sợ ai bao giờ. Có lần Thía đánh chảy máu miệng thằng Hiệp con ông đội Sừng ở xóm chợ chỉ vì hắn dựa thế cha đi lính Tây để nói xấu gia đình Thía. Đám bạn cùng lứa đều nể mặt Thía vì Thía có sức vóc hơn hẳn bọn chúng và thường "ra tay" dẹp yên bọn choai xóm chợ càn quấy trong làng. Người làng Hạ phần lớn ai cũng thương yêu Thía. Mỗi lần gặp Thía đâu đó, người ta thường nói với nhau: "Đúng là cha nào con nấy!".

Ở tuổi mười lăm mà trông Thía khôi ngô, lực lưỡng chẳng khác nào một thanh niên. Quanh năm bám đồng bám ruộng lo làm lụng vất vả nuôi thân, Thía vẫn ngày đêm mong ngóng ngày đoàn tụ gia đình. Năm Thía hăm hai tuổi là lúc miền Nam hoàn toàn giải phóng. Thía nóng lòng chờ tin mẹ, tin cha từng giờ, từng ngày. Nào ngờ đâu, một cái tin đầy bất hạnh đến với Thía như cú sét ngang trời: trong đoàn người trở về từ Côn Đảo không có mẹ của Thía. Chị ấy đã nằm lại đất đảo vì một cơn bạo bệnh cách đấy mấy tháng. Mấy ngày sau, lại một tin đau đớn nữa đến với Thía: cha của Thía hi sinh trong ngày tiến quân vào giải phóng Sài Gòn xuân 1975. Hai cái tin ập đến một lúc như xé gan xé ruột ấy đã làm Thía bị sốc quá mạnh, ngã gục xuống và trở thành như người mất hồn sau đó. Thía không ăn uống, nằm vật vã mấy ngày liền. Cặp mắt Thía quầng thâm, sưng tấy lên, thể lực giảm sút hẳn. Từ đó về sau, tính tình Thía thay đổi khác thường. Có lúc Thía ăn nói khôn ngoan, hiểu đời hơn trước. Song cũng lắm khi giở chứng, Thía nói năng lung tung, không chuyện nào ra chuyện nào. Những ngày gần đây Thía hay đi lang thang. Nếu ai mời vài ly rượu, lúc say lên, Thía trở nên hung dữ, chửi bới loạn xạ không nể mặt một ai. Dân làng Hạ bảo nhau: Thằng Thía bị thần kinh thật rồi!

Những ngày nằm viện, ông Dù mới hay người hành hung mình ở đình làng Hạ hôm ấy là ai. Ký ức xa xăm của những năm tháng làm đồn trưởng lại hiện về trong ông làm ông giật mình. Có lẽ vì tự cho mình là người có công giúp làng làm nổi ngôi đình to đẹp thế kia, nên ông ăn nói bạo miệng mà không nghĩ đến có một thời ông là kẻ có tội với bao gia đình ở mảnh đất làng Hạ này, trong đó có gia đình anh dân làng hôm nọ. Những ngày nằm viện là những ngày ông hồi tưởng, liên hệ... Rồi ông tự trấn an mình. Bởi, có nhiều chuyện oan nghiệt, đau lòng do chính ông gây nên ở

làng Hạ, nhưng xem ra giờ đây chẳng ai nhắc lại chuyện cũ đầy thù hận ấy làm gì, trừ Thía con bà Ngọt mà ông vừa tỉnh ngộ ra sau cuộc đụng độ hôm ấy.

Bệnh trạng ông Dù không đến nỗi tệ hại lắm nên ông cũng sớm xuất viện để kịp lên máy bay theo chiếc vé khứ hồi. Trước ngày lên đường, ông ghé bệnh viện tâm thần gặp Thía để nói với Thía những điều mà ông đã nghĩ kỹ là cần phải nói vào lúc này.

... Sáng nay, người ta thấy ông Dù dùng ô tô con đưa Thía về làng trước sự ngỡ ngàng của bà con làng Hạ kéo nhau ra ngõ đứng xem. Ông Dù dừng xe, đưa tay chào mọi người với vẻ mặt tươi tỉnh và nụ cười cởi mở như chẳng có chuyện gì xảy ra. Còn Thía thì tỉnh bơ với đôi mắt như vô cảm. Có tiếng xì xào đâu đó trong đám đông: "Chắc hai người họ đã hoà hợp với nhau để khép lại chuyện cũ rồi chứ gì!”.

N.T
(182/04-04)

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • NGUYỄN TRỌNG HUẤNBạn tôi là nhà thơ. Thơ anh hay, rất nổi tiếng, nhiều người ái mộ.Năm 1975, anh cùng đoàn quân chiến thắng tiến vào giải phóng Sài Gòn, trụ lại thành phố làm đại diện một tờ báo, chốt trực cơ quan. Ở rừng lâu, nằm lán, ngủ võng cũng quen, nay về phố thị, căn hộ hai ba phòng, tự nhiên thấy trống trải, trằn trọc. Hoà bình rồi, cần ổn định cuộc sống, việc đầu tiên là đón mẹ con nó vào.

  • ĐỖ KIM CUÔNGNấn ná mãi tôi mới quyết định đi thăm Hiền. Quãng đường hơn trăm cây số, vượt qua đèo Cả không có gì đáng ngại. Chỉ hơn ba giờ đồng hồ ngồi xe đò và hơn một giờ nữa trên chếc xe ngựa của ông Sáu cụt chân là tôi đã có thể tới làng Vĩnh Hiệp Nam, về ghềnh Đá Đỏ. Nhà cô giáo Hiền ở đó.

  • LÊ MAICơn mưa chiều sầm sập kéo tới, mưa đổ bì bộp xuống mái nhà; hạt mưa nặng đến nỗi Hoàng tưởng như những tấm tôn phải oằn rướn lên chống đỡ; nước từ các máng xối tuôn ra ào ạt kéo theo hàng đụn lá khô, cỏ rác tràn đầy cống ngoài đường. Mới có năm giờ chiều mà như tám giờ tối.

  • HƯỚNG DƯƠNGTruyện ngắnMùa đông năm ấy tôi phải đi công tác tại một thành phố nhỏ ven biển. Khách sạn tôi trú chân nằm trên một ngọn đồi, nó không sang trọng, bề thế như nhiều khách sạn khác. Nhưng bù lại, nó hướng mặt về phía đại dương. Địa điểm này thật sự lý tưởng cho khách du lịch vào mùa hè, còn mùa đông thì chỉ có những người đặc biệt hay những công việc đặc biệt người ta mới tìm đến đây nghỉ lại. Một người bạn thân đã cho tôi địa chỉ của nó. Tôi khá hài lòng nếu như bạn hàng của tôi không bắt tôi chờ bão tan rồi mới đáp máy bay đến ký hợp đồng.

  • TRẦN HẠ THÁP(thân tặng Ng.X.Hoàng)

  • TRẦN HẠ THÁP    (tiếp theo)

  • VÕ THỊ ÁNH HỒNGTôi vừa chạy vừa gọi chị trong tiếng sóng rì rào và tiếng lao xao của dãy phi lao. Như không nghe thấy tiếng tôi, chị vẫn thẫn thờ nhìn về xa xăm, chờ đợi...

  • PHẠM NGỌC TÚYĐó là một cặp vợ chồng trông rất đẹp đôi và hạnh phúc. Chàng cao lớn, mặt vuông. Nàng mảnh khảnh, xinh xắn. Khi lấy nhau, họ ở nhà tập thể của cơ quan. Sau khi cơ quan dời đi chỗ khác, người được phân đất, kẻ được chia nhà, lần lượt dọn đi. Chỉ trừ chàng. Chàng vì cô mà ở lại.

  • PHẠM XUÂN PHỤNGXưa có một người nông dân chất phác cần cù, nhà ở gần bìa rừng, làm lụng đầu tắt mặt tối bao năm mới dựng được ngôi nhà tranh ba gian hai chái. Trước nhà có cái sân rộng dùng để phơi lạc, loại nông sản chuyên canh của dân trong vùng. Hai vợ chồng có mỗi mụn con trai nên thường chăm bẵm, những mong sau này có được dâu hiền, phúc nhà đến độ, may chăng cháu chắt đầy nhà là mãn nguyện.

  • NGUYỄN NGỌC LỢICây mai dáng trực đặt nơi khoảng sân lát gạch đỏ của toà nhà ấy đã làm xôn xao cả phố. Gốc cây mai to gộc, u bạnh của nó bám đầy địa y mốc xanh mốc trắng.

  • TRẦN THÙY MAIThấp thoáng trong văn Trần Thùy Mai là sự phô phang hình hài của linh tự. Những linh tự tủi buồn bởi hết thảy chúng đều được hoài thai từ “độ chênh” của những mối tình khó lần ra hồi kết. Điều đó khiến mỗi truyện ngắn của Mai như là một miếng hồng trần nhỏ nhắn - chị lặng lẽ vấy vá bằng sợi tầm ma trước mỗi rạng đông...

  • QUẾ HƯƠNGTôi băng qua đường để lên cầu Trường Tiền. Thằng Tí kéo tay tôi lại: “Cậu qua đường mần chi, xe cán chừ!”. Tôi cứ qua. Đám trẻ con đang chơi ở công viên trước mặt ném đá vào tôi. Tôi chạy lên cầu. Đám trẻ réo: “Ông điên! Ông điên!”. Tí chạy theo, vừa thở, vừa nắm tay tôi: “Ai bảo cậu qua bên ni, dắt cậu thiệt mệt!”.

  • NGUYỄN NGUYÊN PHƯỚC Vào một buổi tối mùa thu, Đinh Hoài Viễn, một nhà văn trẻ tuổi, một người hoàn toàn vô danh trong văn giới, trong khi bóc phong thư mới nhận được vào buổi sáng ngày hôm đó, đã phát hiện ra ở mặt sau cái phong bì rỗng ấy một văn bản kỳ lạ trong hình thức của một truyện ngắn không đề tên tác giả.

  • ĐỖ KIM CUÔNGQuán cà phê cây sứ của vợ chồng Tư Hiền nằm ngay mặt tiền con đường nhỏ dẫn ra biển. Quán không trang hoàng đèn xanh đèn đỏ, không quầy két, không người chạy bàn, chỉ dăm ba bộ bàn ghế nhựa rẻ tiền.

  • HƯƠNG LANNàng sống trong một ngôi nhà xưa, được xây cất từ đời ông cố của nàng, tính ngót nghét nó cũng hơn trăm tuổi. Ngôi nhà nằm giữa một khu vườn mênh mông.

  • LƯƠNG VĂN CHILGT: Nhà tù, nơi chưa mảy may cải hóa được người đàn ông từng trác táng trên nền đạo đức xã hội, nhưng... Truyện được thắt nút khi Thuần “lột trần” vẻ đẹp phồn sinh xuân thì để minh chứng cho những ham muốn nguyên khai của con người là có giới hạn. Không khiên cưỡng ở nhiều chi tiết nhạy cảm, không tục trần trên từng đường cong mỹ diệu... Kịch độc đã thật sự “tiêm” những rung cảm lạ lùng vào miền hoang mê của lương tri đồng loại.

  • GIAO CHỈ    Bão tố thường nổi dậy từ biển khơi hùng vĩ và kể cả. Những hút gió sấn sổ táp xuống mặt đất bao la quăng dội, tàn sát điên cuồng cho hả những cơn giận dồn góp lâu dài.

  • NGUYỄN ĐẶNG MỪNG Những người thắt đáy lưng ongVừa khéo chiều chồng lại khéo nuôi con                                                     (Tục ngữ)

  • TRẦN THÙY MAIỞ tuổi bốn mươi da mặt nàng vẫn trắng hồng, chưa thoáng một nếp nhăn. Ai nhìn kỹ lắm mới thấy những vết hằn bắt đầu hiện ra quanh cổ, thường được che rất khéo bởi những chuỗi hạt trang nhã. Mà đâu ai nhìn kỹ làm gì. Đứng trước một người đàn bà, dại gì không dán mắt vào vẻ đẹp mà lại đi săm soi tìm khuyết điểm.