THƠM QUANG
Xưa kia các vị hoàng đế thường chỉ sống trong kinh thành, thỉnh thoảng mới đi tuần thú địa phương, còn việc công du thăm nước ngoài là chuyện hiếm. Vậy mà cuối triều Nguyễn vua Khải Định đã thực hiện được điều này; sự kiện được ghi chép một cách khá rõ trong khối Mộc bản triều Nguyễn - Di sản tư liệu thế giới.
Vua Khải Định và hoàng tử Vĩnh Thụy trên đường phố Paris - Ảnh: lichsunuocvietnam.com
Công tác chuẩn bị trước chuyến đi
Chuyến sang Pháp của vua Khải Định còn được gọi tên là “Ngự giá như Tây”, được diễn ra long trọng vào năm 1922, nhân dịp nước Pháp tổ chức hội chợ Thuộc địa tại thành phố Marseilles. Để chuẩn bị cho chuyến đi mà bản thân vua Khải Định xem là hết sức trọng đại này, trước đó 2 tháng (tức tháng 2) vị vua thứ 12 của triều Nguyễn đã xuống dụ và truyền sao lục khắp trong ngoài cho thần dân đều biết về sự kiện này. Nội dung bài dụ khá dài của vua Khải Định được Mộc bản sách Khải Định chính yếu, quyển 9 với tổng số 11 mặt khắc (từ mặt khắc 4 đến mặt khắc 14), trong đó có đoạn:
![]() |
Mộc bản sách Khải Định chính yếu, quyển 9, mặt khắc 4 (1 trong 11 bản khắc), ghi chép bài Dụ của vua Khải Định trước khi đi Tây (Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV) |
“Đế vương của các triều đại nước Nam ta, luôn tuân theo lối cổ điển, hoặc đi tuần, hoặc đi thưởng ngoạn phong cảnh đều lưu truyền lại coi là sự kiện trọng đại, nhưng cũng chỉ tuần hành ở trong nước mà thôi, xưa nay chưa từng có vị nào xuất đường ra nước ngoài bao giờ? Vì thế tìm trong lịch sử, chuyện xuất dương hầu như trống vắng không nghe thấy, mà việc kết tình ngoại giao với các nước bên châu Âu lại càng hiếm hoi đến mức chưa từng thấy một ai. Trải các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần, tất cả đều được Bắc triều thụ phong, nhận triều cống, tuy nhiên việc qua lại báo tin dâng tiến cũng chỉ thông qua sứ thần vâng mệnh sai đi thừa hành, chứ các vị vua đương thời chẳng có ai thân hành bước chân vào sân triều phương Bắc để chầu yết Hoàng đế Bắc quốc. Hơn nữa, vào thời bấy giờ cũng chỉ biết đến có một Bắc quốc mà thôi... Trẫm đã dự định vào trung tuần tháng 4 năm nay bắt đầu khởi hành loan giá sang Quý triều đình Pháp, ngày cụ thể sẽ quy định sau…”.
Bên cạnh đó, vua Khải Định cũng căn dặn quần thần việc triều chính trong quãng thời gian vua Ngự giá sang Pháp. Cũng trong bài dụ của mình, vua Khải Định đã chỉ rõ những việc Bộ, thần phải làm như sau: “Sau khi trẫm ngự giá khởi hành, mọi công việc về điển lễ cùng là quốc chính, dân chính truyền cho các vị Ðại thần Cơ mật bàn bạc thảo luận với ngài Quyền Khâm sứ Đại thần tại Kinh rồi đệ tấu lên Lưỡng tôn cung xin chỉ thi hành. Nếu gặp trường hợp cơ vụ trọng yếu khẩn cấp không thể để chậm trễ thì truyền do Quyền Khâm sứ đại thần điện sang thông qua quan Hộ giá Khâm sứ đại thần của Quý quốc là ngài Bác Kê tâu bàn xong đánh điện trả lời thì mới được thi hành. Còn những việc tuy cũng quan trọng nhưng không khẩn cấp lắm thì chờ trẫm hồi loan sẽ chuẩn xét thi hành sau”.
Ngoài ra, trước khi khởi giá lên đường, vua Khải Định cũng truyền cho bộ Lễ bàn định nghi thức và sắm sửa lễ phẩm lễ cáo tại Triệu miếu, Thái miếu, Hưng miếu, Thế miếu và thực hiện lễ nghi bái yết Lưỡng cung.
Đến mùa hạ, tháng 4, khi sắp sửa chuẩn bị ngự giá sang Tây, vua Khải Định cung kính tới thỉnh an và từ biệt Lưỡng cung. Mộc bản sách Khải Định chính yếu, quyển 9, mặt khắc15 ghi chép lời tấu thiết tha rằng: “Nay con sắp sang Tây chừng khoảng 4, 5 tháng, chắc hẳn đêm ngày thương nhớ Lưỡng cung. Nhưng xem ra trong vòng ba chục năm lại đây, các vị vua nước ta, như vua Thành Thái từng giá ngự tới miền Nam, miền Bắc thì con cùng đã Bắc tuần xem xét quốc thể, nhân tâm, lần trước, lần sau cũng có khác nhau nhiều lắm. Chuyến này con sang Tây thì cũng như năm trước con ra ngoài Bắc vậy. Cúi mong Lưỡng cung ngọc thể được vạn an, đừng có lo lắng về chuyến đi xa này”.
Ngự giá sang Pháp
Đến ngày 24 tháng 4, chuyến sang Tây của vua Khải Định đã được khởi hành. Tham dự đoàn tùy tùng, phía quan bảo hộ có Khâm sứ đại thần tại Kinh có ngài Bác Kê, Hộ giá kiêm đốc chư phòng là ngài Hội lí Đê loa. Quan triều đình tùy giá chỉ có Cơ Mật viện đại thần 1 người, văn ban 2 người, võ ban 2 người cùng với Nội các, thị vệ 3, 4 người sung làm Tùy giá Thị hầu. Ngoài ra, nhân chuyến đi này vua Khải Định cũng mang Thái tử Vĩnh Thụy đi theo để gửi gắm cho cựu Khâm sứ Trung kỳ Charles du học tại Pháp.
![]() |
Hoàng tử Vĩnh Thụy - vua Bảo Đại sau này - đứng sau ông Albert Sarraut và vua Khải Định, ông qua Pháp để đi du học - Ảnh: lichsunuocvietnam.com |
Về lịch trình đi Tây của vua Khải Định được Mộc bản sách Khải Định chính yếu sơ tập, quyển 9, mặt khắc 15, 16, 17 khắc lại khá cụ thể như sau:
![]() |
Lịch trình chuyến đi sang Tây của vua Khải Ðịnh được Mộc bản sách Khải Ðịnh chính yếu, quyển 9, mặt khắc 15, 16 ghi chép khá rõ ràng (Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV) |
“Ngày 26, ngự giá vào đến Sài Gòn.
Ngày 28, vua lên tàu thủy Bột Tốc, treo lên lá quốc kỳ hình rồng vàng, nhổ neo lên đường.
Tháng 5, ngày 26, buổi tối, ngự giá tới Mã Tại. Quan Thượng thư thuộc địa Sa Lộ dẫn theo Nguyên Khâm sứ Sa Lê cùng với các Quý Quan ở Thượng, hạ nghị viện. Quý quan văn võ của trấn ấy ra nghênh đón”.
Ngày 29, hồi 10h, ngự giá đến thành Ba Lê”. Quý Giám quốc úy cho quan Sáu sao La Xung và quan Bốn sao Đa La Đinh thay mặt ra tiếp đón nhà vua, sự thể rất long trọng, giống như đối với bậc Đế vương các nước.
11h, tới thăm Quý Giám quốc. Hoàng thượng cùng với Quý Giám quốc chia ra ngồi hai bên tả hữu. Thượng thư Sa Lộ và toàn quyền Long cùng vào thị hầu. Quý Giám quốc thưa với Hoàng thượng ngỏ lời cảm tạ công lao ủng hộ giúp đỡ của nước Đại Nam. Hoàng thượng đáp tạ xong, Quý Giám quốc dâng tặng Hoàng thượng một tấm huân chương Thượng đẳng Bắc đẩu bội tinh.
12 giờ Quý Giám quốc dẫn đi thăm Bộ thuộc địa.
Tháng 5 nhuận, ngày mồng 2, hồi 12 giờ sắc mở cho đại tiệc tại Di Cát Lan, chiêu đãi Thượng tướng quân Quý quốc cùng các vị Thượng thư bộ thuộc địa, nguyên Toàn quyền Đông Dương, Khâm sứ, Thống sứ, tổng cộng có 130 vị tham dự.
8h tối, vua dự tiệc tại điện của Quý Giám quốc. Quý Giám quốc gửi lời chào mừng… Ngày 20, nhân ngày Chính phủ Cộng hòa của Quý quốc, Quý Giám quốc kính mời Hoàng thượng ngự xem duyệt binh. Mỗi khi binh sĩ của ta diễu qua quảng trường, mọi người đều vỗ tay hoan hô, rất là vui vẻ, phấn khởi”.
Bên cạnh lịch trình chuyến đi của vua Khải Định, mộc bản triều Nguyễn sách Khải Định chính yếu sơ tập còn khắc lại khá chi tiết chương trình đón tiếp, trao đổi, lời đối thoại trực tiếp giữa vua Khải Định và Quý Quốc Pháp. Phải nói rằng, chuyến đi này khiến bản thân vua Khải Định rất vui và cảm kích trước sự đón tiếp nồng hậu mà Quý quốc đã dành cho mình. Mãi đến tận ngày 13 tháng 6, khi chuẩn bị về nước, vua Khải Định đã không quên viết lời cảm tạ, rồi sai dịch ra tiếng Pháp, đăng trên báo, công bố trước công chúng. Nội dung đại lược viết:
“Quả nhân vì việc quốc gia và tình lân bang mà không quản xa xôi vượt trùng dương sang đến Quý quốc, được Quý triều đình và mọi người chào đón nghênh tiếp long trọng, thịnh tình khôn xiết nỗi cảm kích. Đến nay cả việc nước lẫn tình bạn đều đã hoàn thành trọn vẹn, ít bữa nữa sẽ trở lại phương Nam, xin có mấy lời thưa với các bạn... Quả nhân hôm nay về nước xin có lời cảm tạ chân tình”. Ngày hôm đó, Quý Giám quốc mở tiệc tiễn đưa.
Hành trình trở về nước
Ngày 19, tháng 6 vua lên tàu thủy An Di về nước. Quan Thượng thư Bộ thuộc địa Sa Lộ, toàn quyền Long cùng nhiều vị quan chức văn võ đều tới tiễn đưa. Quý Giám Quốc cũng gửi điện tiễn ngự giá lên đường. Nội dung công điện được Mộc bản sách Khải Định chính yếu, quyển 9, mặt khắc 25, 26 ghi chép:
![]() |
Mộc bản sách Khải Ðịnh chính yếu, quyển 9, mặt khắc 23 ghi chép bức thư cảm tạ của vua Khải Ðịnh gửi đến Quý Quốc Pháp (Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV) |
“Kính thưa Hoàng đế Bệ hạ. Vô cùng cảm tạ những điều mà Bệ hạ đã bày tỏ với bản chức về tình cảm thân ái, chân thành của Bệ hạ cũng như của dân tộc Quý quốc. Bệ hạ đã vượt trùng dương sang tới đất nước chúng tôi, đến thăm Quốc trưởng và đi du lãm các nơi trong nước, tình cảm quý mến của bệ hạ khiến dân chúng và chính phủ nước tôi vô cùng ngưỡng mộ. Hoàng Thái tử là con trai yêu quý của Bệ hạ, thế mà trách nhiệm dạy dỗ lại được trao cho nước chúng tôi, qua đó đã đủ chứng tỏ lòng tin cậy của Bệ hạ… Hoàng Thái tử lưu học ở đây, bọn chúng tôi sẽ hết lòng chăm nom, giữ gìn, Bệ hạ không phải lo nghĩ gì cả. Nay nhân bệ hạ ngự giá về nước xin kính chúc vạn sự bình an”.
Cũng như lúc đi, lúc về trên tàu có treo quốc kỳ hình rồng vàng, bài trí rất trang trọng lịch sự. Ở trời Nam, để chuẩn bị chào đón vị hoàng đế của đất nước trở về, Viện Cơ Mật đã tâu lên Lưỡng cung: “Ngự giá sang Tây là một sự kiện to lớn chưa từng có xưa nay. Nay loan giá trở về, thần dân khắp trong ngoài đều rất phấn khởi. Vậy xin vào hôm ngự giá về đến địa giới nước ta, thông tư cho các tỉnh, đạo, để sức xuống các thành phố, phủ, huyện, tổng, xã, thôn, ban ngày thì treo cờ, ban đêm thì giăng đèn tại những nơi có đình, đền, chùa, quán. Vào hôm ngự giá từ Đà Nẵng về đến Kinh thành, các đình, đền đều gióng chuông gõ trống để bày tỏ niềm vui mừng của cả nước. Tấu thỉnh được Lưỡng cung xuống ý chỉ cho thi hành”.
Đến ngày 19 tháng 7, vua Khải Định đặt chân về đến nước ta, kết thúc chuyến hành trình sang Pháp kéo dài gần 3 tháng. Chuyến ngự giá sang Tây của vua Khải Định cho đến nay đã nhận phải nhiều ý kiến khác nhau. Tuy nhiên, với chuyến đi này, vua Khải Định đã lập nên một kỷ lục là ông vua Việt Nam đầu tiên du hành xa nhất và lâu nhất ngoài biên giới lãnh thổ.
T.Q
(TCSH379/09-2020)
PHAN THANH HẢIDưới thời quân chủ, hầu như ở tất cả các nước phương Đông đều có tục tế giao. Tế giao tức là tổ chức nghi lễ cúng để con người có thể giao tiếp được với trời, đất và các bậc thần linh.
LÊ NGUYỄN LƯUI. QUAN NIỆM VỀ SỐNG CHẾT
HUỲNH ĐÌNH KẾT
Di tích cảnh quan Huế là một bộ phận cấu thành diện mạo văn hoá Huế. Ngày nay, di tích cảnh quan được quan niệm là loại hình văn hoá vật thể (Tangible culture) trong hàm nghĩa phân biệt với văn hoá phi vật thể (Intangible culture). Dẫu sao cũng chỉ tương đối.
LIỄU THƯỢNG VĂNCố đô Huế, một trong những trung tâm văn hoá, lịch sử của Việt Nam. Không những thế, Huế còn là một tổng thể di tích quan trọng, sánh hàng kì quan trên thế giới. Cố đô thơ mộng mang đầy tính nghệ thuật lẫn với cái nét sâu thẳm, ẩn bóng của học thuật Đông phương và truyền thống dân tộc…
NGUYỄN HÀO HẢITrong lịch sử, việc làm những đồ nghệ thuật giả chỉ bắt đầu xuất hiện ở những xã hội có đời sống kinh tế, đời sống văn hóa tinh thần khá phát triển.
NGUYỄN TRƯƠNG ĐÀNChuyện xưaGiờ đây, những vị tham gia biên dịch Mục lục Châu bản Triều Nguyễn (MLCBTN) trong Uỷ ban phiên dịch sử liệu Việt Nam thuộc Viện Đại học Huế những năm sáu mươi của thế kỷ trước, đã lần lượt quy tiên. Chỉ còn lại một người cuối cùng đang dưỡng lão trong một ngôi nhà khá yên tĩnh dưới bóng những lùm cây sớm chiều toả mát trong một xóm ven sông Cẩm Lệ, thuộc huyện Hoà Vang, ngoại ô Đà Nẵng. Đó là bác Ngô Văn Lại, năm nay ngoài tuổi bảy mươi.
NGUYỄN HỮU THÔNGCó những câu hỏi đặt ra, Huế mãi không có câu trả lời thuyết phục:* Tại sao mặt hàng lưu niệm trong thị trường du lịch, trong các lễ hội Festival là nghèo nàn đến thế! Sản phẩm thủ công Huế lác đác chen chúc khuất lấp trong lớp lớp hàng Trung Quốc và các tỉnh khác trong nước?* Tại sao trong quá trình trùng tu, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế lại phải mời thợ từ "Đàng Ngoài" trong nhiều khâu kỹ thuật từ sơn, thếp, mộc, làm ngói men, gạch bát tràng...?* Tại sao nhà phục chế Trịnh Bách lại phải sống ở Hà Nội, để gửi vào Huế những tấm long bào, long cổn, hia, mão và kể cả những phiên bản phục chế men lam thời Nguyễn?...
HOÀNG ĐẠO KÍNHVăn hoá xứ Huế là một hiện tượng: sinh sôi và thịnh vượng trong khoảng thời gian và không gian địa lý hạn hẹp. Cả hai nhân tố, vật thể lẫn phi vật thể, đều kịp đạt đến trình độ cao và thấm đậm những cái riêng, so với các thời kỳ lịch sử trước đó và so với các miền đất khác. Di sản văn hoá xứ Huế không chỉ phong phú, không chỉ đặc sắc, mà còn kiệt xuất, bởi nó sở hữu rất nhiều những cái duy nhất.
BEATRICE KALDUN (Nhân viên chương trình Văn hoá của UNESCO tại Bangkok)Xin chào quý vị đại biểu!Hôm nay, tôi xin bày tỏ sự vui mừng khi có mặt tại đây, đại diện cho Ngài Richard Engelhardt, Cố vấn Văn hóa khu vực châu Á - Thái Bình Dương tham gia cuộc Hội thảo về vấn đề bảo tồn và phát triển hội nhập của Huế, một trong những di sản quý giá nhất của Việt Nam và Thế giới.
PHAN THUẬN ANSự quan hệ công tác giữa UNESCO với Việt Nam đã bắt đầu có từ hơn 50 năm về trước. Nhưng, sự hợp tác chặt chẽ để mang lại những hiệu quả thiết thực và hữu ích cụ thể thì chỉ mới diễn ra trong vòng vài chục năm trở lại đây. Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và Bộ Văn hóa Thông tin nước chủ nhà đã đóng góp những vai trò xúc tác quan trọng trong mối quan hệ làm việc giữa tổ chức UNESCO đóng tại Paris và các quan chức Việt Nam ở những tỉnh có di sản văn hóa và di sản thiên nhiên nổi bật.
PHAN TIẾN DŨNGHuế một vùng non sông kỳ tú, với sự sáng tạo của con người đã lưu giữ trong lòng mình những tài sản vô cùng quý giá. Một trong những giá trị nổi bật mang tính toàn cầu là Quần thể Di tích Huế đã được công nhận vào Danh mục Di sản Văn hóa Thế giới (World Heritage List) ngày 11-12-1993. Bên cạnh đó, Huế còn là hội điểm về những di sản vật thể vừa phong phú vừa đa dạng. Từ mảnh đất này đã hình thành nên những phong cách, tạo nên nhiều loại hình nghệ thuật, đã sinh thành nhiều tài năng, đã hội tụ nhiều danh nhân để góp phần nên một Huế vừa mang đặc trưng bản sắc Việt Nam, vừa có sắc thái riêng của một vùng đất Cố đô.
NGUYỄN VĂN MỄ (Trích)Huế - thành phố lịch sử, một trung tâm văn hóa du lịch, là vùng đất có bề dày văn hóa với những tầng văn hóa khác nhau: di chỉ Khảo cổ học thời Tiền, Sơ sử; các dấu tích của văn hóa Sa Huỳnh; văn hóa Chămpa; văn hóa Đại Việt... và vô cùng quan trọng là hệ thống di tích Cố đô được xây dựng dưới vương triều Nguyễn.
LƯU TRẦN TIÊUHiếm có một miền đất nào mà ở đó những giá trị văn hóa lại đậm đặc, phong phú, đa dạng và đặc sắc như ở Huế. Từ góc nhìn địa - chính trị - văn hóa, xứ Huế xưa như là một vị trí chiến lược trọng yếu, vừa là cầu nối, vùng đất mở, vừa là nơi diễn ra sự chồng lấn, dung hợp, tiếp biến các vùng văn hóa, các dòng văn hóa để tạo dựng thành một trung tâm văn hóa trên cái nền chung của văn hóa Việt Nam, lóng lánh những nét riêng đặc sắc của mình.
NGUYỄN QUỐC HÙNGNăm nay, chúng ta kỷ niệm 10 năm Quần thể Di tích Kiến trúc Huế được ghi vào Danh mục Di sản Văn hóa Thế giới của UNESCO, 10 năm với rất nhiều thành tựu đổi thay. Nhớ lại chỉ sau 5 năm trở thành Di sản Văn hóa Thế giới, Tiến sĩ Richard Engelhardt chuyên gia về văn hóa khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO đã mạnh dạn tuyên bố: “tình trạng cứu nguy khẩn cấp của khu di tích Huế đã qua đi” và “chúng ta chuyển từ giai đoạn khẩn cấp sang giai đoạn ổn định trong chiến dịch vận động bảo tồn di tích Huế”(1)
NGUYỄN KHOA ĐIỀMTrong các di sản văn hoá ở nước ta, Huế giữ một vị trí đặc biệt. Chính vì thế mà ngay sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, giữa bộn bề công việc, Đảng và Nhà nước ta vẫn dành cho di sản văn hoá Huế sự quan tâm thích đáng. Dù chưa tập hợp được hồ sơ đầy đủ, chưa có được nguồn kinh phí thoả đáng, nhưng từ năm 1979, Nhà nước ta đã có văn bản đặc cách quy định việc bảo vệ di tích thành nội Huế.
PHÙNG PHUCách đây vừa tròn 10 năm, ngày 11 tháng 12 năm 1993 đã đánh dấu một sự kiện quan trọng đối với Huế và với cả nền văn hóa lâu đời của dân tộc Việt Nam: Quần thể Di tích Cố đô Huế đã chính thức được UNESCO ghi tên vào danh mục Di sản Văn hoá Thế giới với dòng chữ “Ghi tên vào danh mục này là công nhận giá trị nổi bật toàn cầu của một tài sản văn hoá hoặc thiên nhiên để được bảo vệ vì lợi ích của nhân loại”. Lịch sử vùng đất Phú Xuân- Huế với Di sản Văn hóa Thế giới đầu tiên của Việt Nam mở ra một trang mới, giang rộng vòng tay đón bè bạn trong và ngoài nước đến tham quan, nghiên cứu và truyền đạt kinh nghiệm trong công việc bảo tồn và phát huy giá trị.
TRƯƠNG THỊ CÚCSau Hiệp định Paris năm 1973, Thành uỷ Huế chủ trương phải xây dựng thêm các tổ chức cách mạng biến tướng để tập hợp lực lượng trí thức, văn nghệ sĩ, sinh viên ở nội thành; tạo cho được những hoạt động công khai, hợp pháp nhằm thu hút quần chúng ở vùng địch tạm chiếm hướng đến mục tiêu đấu tranh giải phóng dân tộc, đòi dân sinh, dân chủ, tiến tới đòi thi hành Hiệp định Paris.
TRƯƠNG THỊ CÚCCách đây gần tròn 50 năm, từ Đại hội Anh hùng Chiến sĩ Thi đua lần thứ 3 năm 1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động chiến dịch “Vì miền Nam ruột thịt”. Thực hiện chủ trương nầy, năm 1957 Bộ Văn hoá và Thư viện Quốc gia Việt Nam đã chính thức chỉ đạo 26 thư viện các tỉnh và thành phố ở miền Bắc xây dựng trong lòng mỗi thư viện một “Thư viện Kết nghĩa” vì miền Nam ruột thịt theo quan hệ kết nghĩa giữa các tỉnh, thành Bắc-Nam.
PHAN THANH HẢISông Hương là báu vật mà trời đất đã ban tặng cho Huế. Đã tự bao giờ, sông Hương đã được xem là dòng sông của thi ca, nhạc họa, của kiến trúc, nghệ thuật xứ Huế. Đã có nhà văn từng thốt lên: “Nếu một ngày nào đó sông Hương đột nhiên biến mất, thì Huế có còn là Huế nữa không?!”...
BỬU ÝMột đất nước có lịch sử lâu đời hẳn nhiên thừa hưởng di sản phong phú và đủ loại.Trước hết, vấn đề di sản không nhất thiết đi đôi với Festival. Di sản có thể nằm một cõi, mà Festival lại nằm một nơi. Cũng có thể phát huy riêng rẽ, phục vụ quần chúng khác nhau, nhưng cùng chung một trục văn hoá để cùng được bảo tồn và phát huy. Nhưng nếu di sản sánh đôi với Festival thì đó là một cuộc nên duyên như được dành sẵn.