Chuyến đi

08:58 15/09/2009
PHAN TUẤN ANH- Anh ơi lên xe đi, xe chạy suốt Bắc Nam đấy.- Có đi Vinh hả anh, bao nhiêu tiền vậy?- Ôi dào! mấy chục ngàn thôi, lên nhanh đi anh ơi.

Minh họa: Ngô Lan Hương

Tôi bước vội lên xe trong ngày mưa nhẹ, phía chân tôi những vũng nước lênh láng dần đọng lại dưới sự ồn ào hoặc bị nghiền nát dưới những lốp xe. Bến xe thật ồn ào, nhưng sự đông đúc ấy không làm tôi vui lên là bao, bởi những âm thanh ấy chỉ vang lên khi người ta cần tránh nhau, bán hàng hay đe dọa nhau gì đó. Nhìn cuộc sống xô bồ ấy tôi cũng cảm thấy hài lòng ít ra ở đây mình chẳng là ai và chẳng ai biết mình cả. Tôi đã quá sợ những lời an ủi, những lời hỏi thăm, những ánh mắt dè bỉu hay một cái cười thầm. Tôi tìm cho mình một chỗ sát đuôi xe hướng mặt ra phía kính. Tôi vốn thích nhìn ra bên ngoài nhưng không ngồi sát cửa kính. Xe vẫn chưa đông, tôi dựa thẫn thờ vào ghế và cố quên đi tất cả, nhưng rồi chợt tỉnh khi một chị đi vào. Tay chị xách khệ nệ những hàng hóa, một số hàng cồng kềnh được cất lên trần xe rồi chị đi về phía chỗ tôi ngồi.

- Hà! chỗ quen thuộc đây rồi.

Tôi lịch sự dịch chỗ sát vào trong nhường chỗ quen cho chị.

- Chàng trai! Không biết lịch sự à? Phải nhường chỗ sát cửa cho người lớn chứ. Xe chạy nhanh lắm, cậu sẽ chẳng thể nhìn ngắm cô em xinh đẹp nào đâu.

Tôi khó chịu nhường lại phía trong, tại sao lại có người bất lịch sự như thế nhỉ? Nhưng thôi, sự kỳ quặc đó của chị không che dấu được sự bất lợi khi ngồi sát cửa một chuyến xe tốc hành. Khi ngồi ngoài hoặc ngồi giữa, lúc vô tình ngủ gật có thể bạn sẽ ngả vào vai những người xung quanh, còn những ai ngồi sát cửa sẽ có nguy cơ bị va đầu vào kính. Tôi hài lòng im lặng. Xe đã bắt đầu lăn bánh, một thế giới chuyển động xung quanh tôi tạo ra sự nhạt nhòa trong chóng mặt. Những tiếng đập liên hồi vào thành xe, mùi xăng nhớt nồng nặc và những tiếng kêu thét kinh hoàng của heo, gà, vịt...

Xe đã bắt đầu chuyển động nhanh dần và ước gì cuộc sống cũng trôi nhanh như vậy. Tôi cố nhìn ra cửa kính mong tìm thấy một cảnh lạ gì, nhưng tất cả vụt qua quá nhanh như một đoạn phim tua nhanh về phía trước. Hơi nước đã bám vào ô cửa và đầu tôi bắt đầu nặng trĩu. Xe chuyển động nhưng tôi có chuyển động đâu nhỉ? tôi vẫn ngồi yên như thế dù dưới chân tôi có thay đổi như thế nào. Tôi đang đứng yên? hay tôi đang chuyển động? Đầu óc tôi cứ ám ảnh những câu hỏi như vậy để rồi một lúc sau tôi cũng không nghe thấy gì nữa.

- Này chàng trai, chiều tối cậu có thể không ăn nhưng không muốn uống tí nước sao?

Tôi choàng dậy, khung cảnh bên ngoài thật đẹp, xe tôi đang lao xuống dốc thật nhanh. Bên ngoài những hạt mưa nhẹ tựa những ngón tay gõ vào kính chắn như một nhạc công piano đang biểu diễn một nhạc phẩm để đời. Chúng tôi dừng lại bên một quán ăn nhỏ để rồi lại tiếp tục chuyến đi. Trời nhạt dần chứ không choàng hẳn tối, có lẽ vì chúng tôi đang lao nhanh như một cuộc đua trốn chạy màn đêm.

- Cậu không ngủ nữa à? Sao buồn thế chàng trai.

- Dạ! Em ít đi xe nên mệt.

- Đi Vinh à? Cậu mới trượt đại học phải không?

- Sao chị biết ạ ?

- Nhìn bảng tên lớp 12 của cậu kìa. Nếu học 12 lẫn thi đậu đại học thì cậu vào học từ lâu, đâu có thì giờ đi chơi đó đây.

- Em không đi chơi, em đi tìm việc làm.

- Sao không cố năm nữa.

- Đi làm cũng tốt mà chị, đâu phải cứ nhất thiết vào đại học.

- Nhà cậu nghèo lắm à?

- Không ạ! Ba mẹ em là tiến sĩ cả, thế nên có một đứa con thi hỏng hai năm thì thật là...

- À ! ra thế... thế cậu có thích học nữa không?

- Có ạ! nhưng em...

Tôi không nói gì thêm nữa, nhìn ra ngoài ô cửa bên kia xe đã xuyên qua màn đêm và cảm thức trong tôi về không gian chỉ còn là những ánh đèn. Những đóa hồng nở trong đêm từ xa xa để rồi khi ta vượt qua vẫn còn lòe nhòe sáng như muốn lưu luyến lại điều gì. Vui nhất trong đêm là những lúc hai xe chạy ngược chiều nhau bóp còi và nháy đèn như người yêu nháy mắt hay người quen nhận ra nhau giữa đường.

Bây giờ tôi mới để ý tới chị. Chị có ánh mắt nghiêm nghị và khuôn mặt pha chút khắc khổ của những người đàn bà nhưng vẫn ánh lên niềm hy vọng. Bên dưới sự phai nhạt của đường nét là một vẻ đẹp của sự vị tha, của những con người từng trải. Ngoài kia những chiếc xe ben thô kệch chậm chạp nối đuôi nhau nhưng lại mạnh mẽ và bền bỉ nhất trên mỗi chuyến đường.

- Nhà chị ở đâu ạ, hàng hóa này nhiều quá, làm quà hả chị?

- Cậu buồn cười nhỉ, ai lại mang nhiều quà thế bao giờ. Nhà chị ở Quảng Bình còn tất cả số hàng này là để buôn bán từ Bắc chí Nam đấy. Cậu mới thi khoa nào?

- Khoa văn ạ! chị này! chị đi suốt thế gia đình thì sao?

- Tôi không có gia đình. Nhìn dáng cậu tôi đã nghĩ là thi vào văn chương, nhưng hình như cậu ít lăn lộn trong cuộc đời phải không? Nhà văn phải từ cuộc sống bước vào thơ văn chứ chẳng lẽ lại dùng thơ văn để hình dung về cuộc sống?

- Dạ...

Tôi không ngờ một người như chị lại không có gia đình và lại hiểu nhiều về văn chương đến như vậy. Vậy là tôi hướng châu chuyện sang một hướng khác bớt buồn hơn.

- Chị đi lại trên chuyến đường này chắc nhiều lần lắm nhỉ?

- Ôi dào ai mà nhớ hả cậu, khi người ta đi du lịch mới tính km, tính chặng đường còn buôn bán như chúng tôi chỉ tính ngày mai, tính tiền vốn, tính tiền lời thôi.

- Chuyến nào làm chị nhớ nhất vậy, hẳn đó là một chuyến buôn trúng lớn.

- Chuyến nào cũng vậy trừ chuyến chồng tôi...

- Anh ấy làm sao hả chị?

- Anh ấy cũng ngồi ngoài và khi xe tai nạn anh ấy đã bị va vào kính. Thế nên tôi không hề muốn cậu ngồi ngoài tí nào.

- Em xin lỗi!

Trong lòng tôi chợt trào dâng những cảm xúc xót xa pha chút ân hận đối với chị. Khi con người ta sống chỉ để giành giật và vượt nhau thì chị chọn cho mình một nơi chênh vênh nhất. Chắc hẳn chị biết ở ngoài kia, ở phía trước kia là những hiểm nguy, nhưng tôi nghĩ điều khủng khiếp nhất với chị là ai đó  bị điều đó đe dọa chứ không phải là chính mình bị đe dọa. Tôi biết những nỗi đau lớn trong cuộc đời đôi khi không thể vượt qua, nhưng khi đã vượt qua rồi thì con người ta còn mạnh mẽ hơn rất nhiều. Chị không nói thêm gì nữa, chỉ nhìn xa xăm về phía cửa.

- Sống một mình cũng buồn và khó khăn lắm phải không chị?

- Ừ! Nhưng mãi rồi cũng quen, lắm lúc mình ngồi khóc một mình cũng không có ai mà an ủi. Những lúc đó chỉ thèm được như chiếc xe, mỗi giọt nước lăn qua mặt kính sẽ có gạt nước chùi đi hết cả.

- Làm sao chị vượt lên những khó khăn trong cuộc đời?

- Cứ giống mỗi chuyến xe ấy, ta cứ chạy hết mình để rồi lúc nào thấy mệt thì ghé vào một trạm xăng để nạp đầy năng lượng rồi tiếp tục hành trình. Cuộc sống trên những chuyến xe là sự nối dài những chuyến đi không bao giờ kết thúc. Khi ta có nhiều thứ ta sẽ nghĩ về những điều mình còn thiếu, còn khi ta không có nhiều ta sẽ nghĩ về những điều giản dị. Vậy thôi! Tại sao cậu lại nghĩ mình mất mát nhiều đến vậy, phải dũng cảm lên để đi tìm ước mơ chứ. Ít ra thì cậu vẫn có một gia đình và như cậu thấy đấy, tôi vẫn đi dù tôi đã có  thể dừng lại từ hôm ấy. Tôi đã có thể tìm cho mình một quán tạp hóa nhỏ làm điểm dừng sau nỗi đau, nhưng tôi biết là không thể nào trốn chạy nó. Sự đau khổ nằm trong tim mỗi chúng ta và nếu ta càng vùi sâu nó thì trong nhói đau, nó lại càng đâm mạnh.

Chuyến xe đêm bị ngắt quãng bởi đường xấu và mưa to, những người xuống xe và lên xe tấp nập. Mỗi trạm dừng là một câu chuyện tôi biết thêm về chị. Đến khi xe bị hỏng lốp gần thị trấn thì cũng là lúc chúng tôi mệt nhoài ngồi trên bãi cỏ bên đường và chị đã thiếp đi. Suốt đêm ấy, chúng tôi phải dừng lại để sửa xe. Chị bảo mỗi chuyến xe và cuộc đời như vậy đó, cứ phải luôn chuyển động và luôn đi về phía trước. Mỗi lần dừng lại để nghĩ suy về những điều đã qua thì như chiếc xe hỏng hóc mà dừng lại, sẽ rất khó để tiếp tục bước đi, tiếp tục những cuộc hành trình. Nhìn cái nhẫn cưới của chị năm nào, bị sương đêm đọng lên lấp lánh như một tình yêu đang rơi lệ, tôi không khỏi chạnh lòng. Lẽ nào qua bao nhiêu năm tháng tàn phai, đến độ bạc vàng cũng phải mờ đi, thế nhưng trái tim và tình yêu của chị vẫn không hề hoen rỉ?

- Đêm qua ngủ ngon chứ?

- Dạ ! Còn bao lâu nữa thì tới Vinh hả chị?

- Chắc chiều mới tới, xe chạy chậm quá.

Sau bữa ăn sáng, xe tôi chạy xuyên trên những cánh đồng, những rừng dương xanh rì lao lên trong nền cát trắng xóa.

- Quê hương ta đẹp nhưng nhiều nơi còn nghèo và buồn em nhỉ?

Bên kia đường những cây dương ngả đầu chào đón chúng tôi và reo mừng trong gió. Có những lúc trong đời tôi thấy mình là những cây dương. Ngọn vươn cao trong nắng chang chang, thân và cành héo khô trong gió. Những chiếc rễ cứ lao sâu xuống đất như một niềm hy vọng và khát khao cuối cùng để rồi khi chạm được dòng nước thì ôi thôi đó chỉ là nước mặn.

- Sao buồn vậy nhà văn?

- Em mà nhà văn gì hả chị.

- Bi quan thế, thì tương lai cậu sẽ là nhà văn. Hy vọng là điều không bao giờ thừa, và khát khao là điều chẳng bao giờ nên thiếu. Nhìn kìa! cậu thấy những gì .

-  Những hàng dây điện ạ!

- Không! Những dây đàn guita khổng lồ kéo dài khắp chiều đất nước ta đó chứ. Quê hương ta đang đổi mới từng ngày, cậu thấy không.

Tôi nhìn ra bên ngoài, những hàng dây điện 500kv khổng lồ, 250kv to lớn cho đến những hàng cột điện nhỏ hơn. Ngay cả những nhà nghèo hai bên đường cũng tự tạo cho mình những cột điện bằng gỗ quăn queo để đón nhận điện vào nhà. Những cột điện sần sùi và có khi mục nát như những người nông dân áo nâu còng lưng dưới ruộng đồng kia. Dù lớn, dù bé, dù hiện đại hay thô sơ thì điện cũng đã vào khắp mọi làng mọi xã. Con người ta có thể xấu đi trong nắng mưa nhưng cái nghèo cái dốt thì không thể nào chung sống mãi.

- Vui hơn rồi hả? Cậu nhìn kìa, những cô gái nông dân dưới kia... Họ cũng bằng tuổi cậu cả đấy thôi. Trong khi những cô gái thành phố chỉ muốn dưỡng da, đẹp tóc để chồng và bạn trai yêu, thì họ lăn mình trong bùn đất.

- Họ không thích làm đẹp hả chị ?

- Cậu ngây thơ quá! Ai chẳng thích cái đẹp nhưng ở đây chồng hay bạn trai thường chỉ yêu người con gái nào khoẻ mạnh và cần cù. Nếu đói ăn cậu sẽ lấy gì để  sống mà yêu.

Hai bên đường lúc này chỉ còn đồi và những rặng cây. Tôi trầm tư một chút về số phận con người. Liệu họ có như cây bạch đàn hay không? Liệu sau những vết dấu của thời gian thăng trầm trên lớp vỏ, họ lại có thể thay một lớp vỏ mới trắng ngần? Có lẽ là không, bởi da thịt con người đâu có thể tái sinh như vậy. Chỉ biết rằng, bên trong lớp vỏ sần sùi đó sẽ có những tâm hồn ngời sáng mà ta có thể nhận ra được. Người miền quê giáo dục con em mình thật lạ, họ không cần những khẩu hiệu to đùng hay những đồng phục thật nghiêm chỉnh. Chỉ cần những đứa trẻ ham học, thì dù chân đất và mặc những chiếc áo tuềnh toàng cũng có thể vào học để rồi từ đó vẫn đào tạo ra biết bao tiến sĩ. Nhìn ngôi trường thân thương trong gió nào cũng nằm cùng với một đài liệt sĩ thì mới  biết tại sao cả dải đất miền Trung lại hiếu học đến thế.

Con đường dẫn chúng tôi chạy thi cùng những dãy núi trùng điệp như cuộc chạy thi cùng những đàn voi xanh khổng lồ. Thỉnh thoảng lại có những vạt rừng cháy đỏ lên như một tay ăn chơi nào đó ở thành phố nhuộm tóc màu hoe đỏ. Tôi nhẹ nhàng hỏi chị:

- Chị này! Có bao giờ chị mong muốn điều gì đó trong cuộc sống và biết có thể làm được nhưng không làm không?

- Sao em hỏi vậy? Có những cái mình làm được, và mong muốn làm nhưng vẫn không thể làm hết em à. Em có thấy những ảo ảnh nước trên mặt đường hay không? Ta đi trên đường luôn muốn biết thực ra đó là gì và khi mình đến đó thì nó sẽ như thế nào. Tất nhiên, cuối cùng ta cũng tới được chỗ ảo ảnh đó để rồi nhận ra ở đó chẳng có gì cả nhưng phía trước ta lại xuất hiện những ảo ảnh nước mới kéo dài...

- Có bao giờ chị định đi bước nữa không?

- ... Cũng có lúc em à, chị cũng là một con người mà con người thì bao giờ chẳng muốn có một người thương yêu mình hay một người để cho mình chăm sóc... Nhưng cuộc đời đôi khi lại như một chuyến xe vậy thôi, trên đường sẽ có rất nhiều ngã rẽ tắt. Nhũng đường đi đó có thể sẽ ngắn hơn, nhiều quán xá hơn nhưng đã vào rồi thì đâu thể quay đầu xe ra được nữa.

- Thế chị có cảm thấy vui trên con đường quen thuộc mỗi ngày hay không?

- Vui chứ em, nhìn kìa! Thử tưởng tượng xem cả vùng đất bao la phía dưới kia là một dòng sông lớn. Những thửa đất xanh rì lúa và mạ non là những dòng chảy xanh ngắt như sông Hương, còn những thửa đất đã bội thu đang được xới lên là những dòng chảy đầy phù sa như sông Hồng. Thế đấy, trong một dòng sông lại có thật nhiều dòng chảy.

- Còn kia nữa kìa... Đèo Ngang đấy.

Chị chỉ nói với tôi mấy lời rồi im lặng. Một không gian chan hòa giữa nắng, sóng, biển, núi và đồng bằng trải ra trước mắt tôi. Có cảm giác như những dãy núi hình bán nguyệt ôm lấy một khoảng đồng bằng là những khán đài xanh khổng lồ, có sức chứa hàng triệu, hàng triệu người đang reo hò trong gió. Phía dưới kia là một sân đấu kì vĩ của tự nhiên đang ngày ngày chứng kiến cuộc đua của thần Appollo kéo mặt trời xuyên qua mặt biển. Bên kia mấy trăm con người đang ngày ngày khai thác đá, xây dựng những đường hầm thi đua cùng thần mặt trời và đêm đêm chuyện trò cùng thần mặt trăng. Một cảm xúc nào đó tràn trong tôi khi đi qua đây, bởi sự choáng ngợp trước vẻ đẹp tự nhiên và sức mạnh của con người. Một niềm vui bất tận cứ loang mãi trong lòng như một ngọn gió biển xa thổi vào đồng bằng, chạm núi rồi vượt lên đại ngàn và đi tiếp mãi. Hai bên đường là những biển báo thật ngộ như: Anh hùng phục vụ cơm phở hay những chiếc cầu có những cái tên đến lạ kỳ: cầu Quèn, cầu Trọt Trai, cầu Ma... Đường dẫn vào thị xã dần mở ra trước chúng tôi như một tấm lụa khang trang chào đón những vị nguyên thủ của những cuộc hành trình.

- Đường vào thị xã đẹp và hiện đại quá chị nhỉ?

- Ừ, Cứ mỗi chuyến xe qua, lại thấy đổi khác rồi.

Nhìn cảnh phố phường tấp nập, những công trường với hàng bê tông gối đầu lên nhau ngủ thiếp đi tôi chợt thấy điều gì đó thoáng buồn trong mắt chị. Hai bên là những ngôi nhà ống mái nhọn hình chữ A đâm thẳng ra đường. Bên ngoài là những hàng chông sắt cao như những lưới lê của một đội duyệt binh đang làm lễ chào cờ. Lại có những ngôi nhà ngang với mặt tiền căng dài, nhưng bề sâu cụt ngủn như một tay hợm hĩnh khoe tấm ngực căng phồng song sức lại chẳng có là bao.

- Chị này! Có bao giờ sống cô đơn giữa những điều bon chen và lạnh lùng chợt làm chị rùng mình sợ hãi?

- Em có thấy giữa những ngôi nhà tô trát tỉ mỉ kia có những nhà vẫn để mặt sần sùi không?

- Trông như một tay chuyên làm mình làm mẩy với những người xung quanh ấy chị nhỉ. Họ không có tiền để tô hay thuộc dạng rạch mặt ăn vạ cố tình làm xấu hàng xóm hả chị.

- Không! Nhà giàu đấy em ạ. Họ cũng không có ý gì xấu đâu. Như thế đang là môđen mà. Ngày xưa... có thể chị cũng không tô trát gì lên ngôi nhà của mình như muốn xù lông nhím với những người xung quanh. Trong số đó không ít người muốn đem lại hạnh phúc cho chị lần nữa. Thế rồi chị thèm khát một mái nhà như thế, một khung cảnh êm đềm như thế, thì lúc đó mọi người đã cho rằng, không tô trát gì như chị mới đẹp, mới môđen. Người ta đua nhau ở một mình hoặc để nhà sần sùi. Điều vui là người ta không nhìn mình với con mắt khác thường như trước nữa, nhưng cũng thèm một ánh mắt như thế để có thể tô lại cuộc đời. Đôi lúc thấy một nhà đã sơn quét xong, lại đập ra để ốp gạch sần sùi, thì mình lại chạnh lòng ước điều người ta đã phá...

Xe tôi chạy đến Vinh khi chiều bắt đầu lan xuống. Mặt chị vẫn bình thản và tôi vẫn thoáng buồn.

- Sắp đến rồi! Sao buồn thế chàng trai? Chẳng phải cậu đã tìm lại cho mình một lẽ sống cần khát khao cơ mà. Hãy làm theo điều mà cậu muốn, điều mà trái tim cậu mách bảo và đó là chìa khóa để dẫn đến thành công.

- Chị cũng vậy nhé.

- Chị thì luôn phải hành trình. Đâu có bến nào, một nơi nào cần đến nữa hả em?

- Nhưng chị vẫn cần một hạnh phúc! Hãy làm theo điều trái tim chị khát khao và đó cũng là điều anh ấy chờ chị làm.

- Đâu có ai để ý chị hả em?

- Hi! Vì chị không cho anh ấy một cơ hội thôi. Em biết cả rồi.

- Biết cái gì hả đồ quỷ?

Tôi mỉm cười bước xuống xe, phía chị chẳng biết chói chang vì nắng hay vì niềm hạnh phúc. Tôi biết chị, cả đời là những cuộc hành trình không bao giờ kết thúc, điểm đến và điểm đi trong đời đều là điểm chuyển động mà thôi.

- Bác tài ơi, xe xuôi Nam hả?

- Mời chú lên. Tôi thấy chú mới từ trong ra mà vào lại làm gì. Bộ quên đồ hả?

- Vâng, cháu quên mất một thứ quan trọng.

- Cái gì vậy? Cậu vào đó để làm gì nữa.

- Để ôn thi. Cháu đã để quên mất chính mình.

P.T.A
(187/09-04)



 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • NGUYỄN CẨM HƯƠNGBước ra khỏi lớp học ngoại ngữ anh bỗng thấy đầu óc quay cuồng như muốn ngã. Dắt được chiếc xe đạp địa hình ra khỏi trung tâm, anh cố gắng đạp một cách khó nhọc trên đường phố.

  • NGUYỄN ĐỨC SĨ TIẾNNgười ta thường nói xem mặt đặt tên, nhưng điều này lại không đúng với thượng tá Kha. Nhìn bề ngoài, ai cũng nghĩ ông là người khô khan, thật ra ông lại là người rất đa cảm.

  • NGUYỄN THẾ TƯỜNGChấp me?Che muống! / Chấp me? Cuống sắc! / Chấp me? Sắc cạnh? / Chấp me? Hạnh bầu! / Chấp me? Hầu nhảy/Ăn cơm ai? Ăn cơm cha!Uống nước ai? Uống nước mạ!Hú ...Con mau về kẻo quạ tha đi!

  • HUỲNH THẠCH THẢO- Lành, về bảo bố mày ăn nhậu vừa vừa thôi, đừng như mấy ông mới ngấp nghé vào cấp xã đã phởn, bia ôm gái giếc có ngày...Tôi vừa vào đến cổng đã nghe tiếng mẹ sang sảng với con Lành, đứa con cậu út ở quê. Chưa hết, bà còn thêm hồi nữa nhưng nhỏ hơn, có lẽ nghe tiếng cửa mở bên ngoài.

  • NGUYỄN TRƯỜNGChiều xuống. Lúc mặt trời sắp lặn sau dãy núi phía tây cũng là lúc người ta thấy ông già xóm Chùa thường mon men tới thả câu ở cái bến sông này.

  • MÃN ĐƯỜNG HỒNGMùa Xuân lững thững về. Anh cũng lững thững đi ra phố chợ. Hai bàn tay trơ trọi của anh đút sâu vào hai túi quần rỗng trống buồn tênh. Anh mỉm cười thong dong bước đi, hòa vào dòng người nhôn nhao tất tả.

  • HỒNG NHUNói chính xác là chị dâu. Chính xác hơn, chị dâu thứ của vợ tôi. Thông thường những trường hợp như thế này, trong nhà em út chẳng ai gọi đầy đủ là chị dâu cả, mà chỉ là chị thôi. Ấy là chị Kim.

  • TRẦN DUY PHIÊN1. Chuông điện thoại reo phải lúc tôi đang tiếp ông tổ trưởng dân phố. Biết tôi ở nhà một mình, ông nói gọn mấy câu rồi từ biệt. Ba chân bốn cẳng chạy như nước rút, tôi mới với được tới máy.

  • LÊ ĐỨC QUANGMột buổi sáng sớm mùa xuân, bầu trời trong xanh thăm thẳm. Anh nắng vàng vừa rải đều khắp nơi. Gió thổi nhẹ, mơn man vào da thịt con người ta, thật mát mẻ dễ chịu làm sao. Dọc đường phố, cuối năm rồi, dòng người trở nên đông đúc và nhộn nhịp, kẻ thì lo mua sắm áo quần mới, người thì lo bánh mứt, kẻ thì mua những chậu hoa, cây cảnh, trang trí nhà cửa của mình sao cho thật đẹp. Mọi người ai cũng hối hả, vui mừng đón năm mới. Riêng lão xích lô, vẫn công việc bình thường như mọi ngày: sáng ăn qua quýt ổ bánh mì xong rồi đạp xích lô đến ngã ba gần sân ga, chờ những chuyến tàu về, mặt cố gắng hớn hở, tươi cười, đón mời khách.

  • NGUYỄN VĂN NINHTôi được cơ quan tố tụng chỉ định làm luật sư cho một bị can.Tôi xin kể ra đây, hơi dài dòng một chút, không phải bị cáo mà là cha tôi. Trong cuộc đời làm luật sư, cha tôi luôn thích nhất câu: Thưa quí tòa! Thân chủ tôi hoàn toàn vô tội! Cha tôi muốn tôi sau này mỗi khi đứng trước toà đều nói câu như vậy.

  • QUẾ HƯƠNG                                                                                                                                1. Chị đi qua, tẻ nhạt và cũ kỹ như cái áo đề mốt thơm mùi long não lấy từ hòm gỗ ủ hương kỷ niệm. Khu cư dân tôi ở thì mới toanh, chưa tròn mười. Cơ ngơi phó giám đốc xí nghiệp gỗ sực nức mùi rừng.

  • PHAN VĂN LỢILTS: Cuộc làm người, khó thay! Dân tộc nào cũng sáng tạo cho mình một ĐỊA NGỤC để răn dạy con người không nguôi hướng đến cái CHÂN - THIỆN - MỸ.Nhuốm màu sắc của Liêu trai chí dị và Việt điện u linh..., câu chuyện là một phần của cuộc đời đầy ám ảnh. Vừa cuốn hút thương cảm với cái nhìn nghiêm khắc lột trần bản chất đời sống, vừa hoang mang đặt ra câu hỏi về ý nghĩa sống đích thực của con người.

  • (tiếp theo và hết)Chuyến du ngoạn địa ngục đã để lại trong tâm trí ông Thai một ấn tượng hãi hùng. Thật khủng khiếp nếu phải chịu cực hình rồi bị đày xuống đó muôn kiếp. Phải tìm cách tự cứu mình chứ chả lẽ chịu bó tay?

  • HOÀNG NHẬT TUYÊNI. Chuyện được bắt đầu bằng một quả trứng, thoạt nghe cứ tưởng chuyện cổ tích nhưng nghe rồi mới rõ, ấy là chuyện thời nay, và đúng thế, nếu tường thuật theo lối cổ điển, theo tình tự thời gian thì chuyện không thể bắt đầu bằng chỗ nào khác thích hợp hơn là từ một quả trứng- một quả trứng gà.

  • MINH ĐỨC TRIỀU TÂM ẢNHHọ là đôi bạn thân kể từ thời còn học ở đại học Sorbonne, sau đó, cùng chọn chuyên ngành khảo cổ học. Jabindu, người Népal; Robinson, người Mỹ. Thời trẻ, cả hai đều say mê công việc khô khan và vất vả của mình. Dấu chân của đôi bạn đã dẫm khắp những di tích lịch sử ở hai bờ sông Nile, sông Hằng, Trung Á, Con Đường Tơ Lụa và cả Nam Mỹ...

  • NGUYÊN QUÂNTôi đứng lại giữa vườn. Đêm mênh mông oà vỡ ánh trăng. Trăng trên thềm nhà, trăng trên ngọn lá, trên những tàng cây um tùm. “Điêu tàn, hoang vắng quá”- tôi than thầm. Hình như lâu rồi chẳng ai vun xới chăm sóc và hình như cũng lâu lắm rồi tôi mới về lại trong khu vườn đầy kỷ niệm này.

  • NGUYỄN NGỌC PHÚQuán rượu của o Tam lúc nào cũng đông khách, phần lớn là khách quen. Quán ở gần bến, thuyền câu về cập bờ chỉ nhảy ba bước đã có thể cụng bát với nhau rồi.

  • NHẤT LÂMKhông biết duyên cớ từ đâu mà cô Ngọc ở Hà Nội chạy lên Thái Nguyên rồi dừng chân dưới chân đèo Nhe mở quán qua ngày.

  • NGUYỄN NGỌC LỢI Từ đường phố chính, lối rẽ chếch trái nghiêng thoai thoải. Đoạn đường tráng nhựa được xẻ xuống giữa hai bờ đất. Phía trên, không cao lắm là những biệt thự, những kiểu dáng kiến trúc lạ mắt. Trước mỗi ngôi nhà là những khoảng sân có bồn hoa, bồn tiểu cảnh và cơ man nào là các dò lan đua nhau khoe sắc.

  • TRẦN HẠ THÁP1/ Trong một lần lên Tây nguyên đã lâu... Câu chuyện dọc đường vẫn làm tôi thao thức mãi. Đấy là lần xe hỏng. Lùi lại Quy Nhơn hoặc tiến tới thị xã Plây Ku đều phải mất nhiều tiếng đồng hồ. Bấy giờ, chỉ mới tắt mặt trời nhưng không hy vọng tiếp tục cuộc hành trình. Mọi hành khách đành phải qua đêm ở lưng chừng đèo An Khê...