MARK TWAIN
M. Twain (1835 - 1910) là nhà văn lớn của Mỹ, từng phải lăn lóc nhiều nghề lao động chân tay trước khi trở thành nhà văn, do đó văn của ông rất được giới lao động ưa chuộng.
Ảnh: internet
![]() |
Ông sống lang bạt đồng thời cộng tác với nhiều báo từ khoảng 1857. Đến 1863 ông mới cho ra đời bút danh Mark Twain và ông nổi tiếng từ 1864 với truyện ngắn “The Celebrated Jumping Frog of Calaveras County” (Con ếch nhảy xa lừng danh Hạt Calaveras). Những tác phẩm lớn của ông mang đậm chất hài hước và châm biếm xã hội nhưng rất hấp dẫn đại chúng và cả trẻ em vì nhiều nhân vật chính của ông là thiếu niên, như Tom Sawyer (1876), Life on Mississippi (1883; Cuộc sống trên dòng Mississippi), và Huckleberry Finn (1884). Truyện ngắn sau cũng mang chất châm biếm ấy.
Hơn nghìn năm trước, miền đất nhỏ bé này là một vương quốc, có thể gọi là một vương quốc tí hon. Cuộc sống ở đó giản dị, con người ở đó phong nhã, lúc nào nó cũng chìm trong cơn mộng thái bình, ở đó chẳng có điều xấu, chẳng có ghen tị, tham vọng, chả hề có sự bất hạnh nào trên đời.
Vào thời đó, ông vua già băng hà và hoàng tử nhỏ tên Hubert lên nối ngôi. Tình yêu của dân chúng dành cho cậu ngày càng tăng. Cậu thật là tốt, thật thuần khiết và cao quý đến nỗi tình yêu đó dần dần trở thành một đam mê và hầu như là tôn sùng. Vào lúc cậu ra đời, các nhà chiêm tinh đã nghiên cứu các vì sao và tìm ra mấy điều ghi trong sách thánh về chuyện này:
Năm Hubert mười bốn tuổi sẽ xảy ra một biến cố quan trọng, con vật có tiếng hát ngọt ngào nhất đối với Hubert sẽ cứu mạng Hubert. Nếu nhà vua và cả nước vinh danh con vật này vì công trạng lớn lao ấy thì triều đại lâu đời này sẽ tồn tại mãi, đất nước sẽ không bị chiến tranh, dịch bệnh hay nghèo đói. Nhưng hãy coi chừng nếu lựa chọn sai lầm.
Và suốt năm hoàng tử được mười ba tuổi, các nhà chiêm tinh, chính khách, cả cái nghị viện tí xíu và toàn dân nữa, chỉ bàn về một chuyện là: Câu cuối của lời tiên tri phải hiểu như thế nào? Những câu đầu thì có vẻ như con vật cứu tử đó sẽ xuất hiện đúng lúc cần thiết, nhưng câu cuối lại như nói rằng nhà vua phải chọn trước và tuyên bố giọng con nào làm ngài hài lòng nhất, nếu ngài chọn đúng, con vật được chọn đó sẽ cứu mạng ngài, và triều đại cùng thần dân của ngài nữa, nhưng nếu “lựa chọn sai lầm” thì… hãy coi chừng!
Đến cuối năm, những ý kiến về vấn đề này vẫn rối lên y như hồi đầu năm, nhưng đa số kẻ thông thái cũng như chất phác đều đồng ý rằng phương kế tốt nhất là cho vị tiểu vương ấy lựa chọn trước, và càng sớm càng tốt. Thế là tất cả những ai có con vật nào hót được đều nhận lệnh phải mang đến đại sảnh của hoàng cung vào buổi sáng đầu năm mới. Lệnh được thi hành ngay. Khi mọi sự đã sẵn sàng cho cuộc lựa chọn thì chàng vua mới long trọng giá lâm cùng các đại thần, tất cả đều mặc lễ phục. Nhà vua bước lên ngai và sắp sửa phán quyết. Nhưng lúc đó chàng lại truyền:
“Tất cả đều hót một lượt như thế thì ồn quá, làm sao chọn gì được. Hãy đem tất cả ra và đưa vào từng con một.”
Thế là từng con chim với giọng ngọt ngào kế tiếp nhau véo von bên tai vua và lần lượt được đem ra nhường chỗ cho con khác. Nhưng nhà vua thấy khó mà lựa chọn được, và còn khó hơn nữa vì việc chọn sai sẽ chịu hình phạt khủng khiếp khiến nhà vua không dám tin ở tai mình nữa. Chàng thấy bồn chồn và long nhan đượm vẻ u sầu. Các đại thần nhận thấy ngay vì họ không rời mắt khỏi nhà vua lấy một giây. Bây giờ họ tự nhủ: “Ngài đã mất tự tin, không còn bình tĩnh nữa, ngài sẽ sai lầm. Ngài, triều đại và thần dân của ngài sẽ diệt vong mất!”
Sau nhiều giờ, nhà vua ngồi bất động hồi lâu rồi phán: “Mang con sẻ lanh vào.”
Giữa tràng véo von của con sẻ, chàng đã toan giơ vương trượng lên như dấu hiệu lựa chọn, nhưng chàng chợt nghĩ lại và phán:
“Nhưng để an tâm, hãy đem chim hoét vào cho chúng cùng hót.”
Chim hoét được mang vào và cả hai cùng hót. Nhà vua ngẫm nghĩ, rồi ý quyết định rõ dần. Mọi người có thể thấy điều đó trên nét mặt chàng. Hy vọng hồi sinh trong tim các lão thần, nhịp đập của chúng dồn hơn, vương trượng đang từ từ giơ lên thì… Thật là một cú cắt ngang kinh hoàng! Đó là một âm thanh như thế này… ngay ở ngoài cửa điện:
“Hi… hô! Hi… hô! Hi… hô! Hi… hô!...”
![]() |
Minh họa: NGÔ LAN HƯƠNG |
Mọi người giật nẩy mình. Kế đó, một cô bé nhà quê xinh xắn, độ chín tuổi, chạy vào trong điện, đôi mắt ánh lên vẻ nhiệt tình trẻ thơ, nhưng khi trông thấy hàng ngũ quan lại và những bộ mặt giận dữ thì cô sựng lại và òa khóc. Chẳng ai chào đón cô, chẳng ai thương hại cô. Thế rồi cô ngước nhìn lên qua màn lệ và nói:
“Tâu đức vua, xin ngài tha tội vì tôi không có ý làm bậy. Tôi mồ côi cha mẹ, chỉ có một con dê và một con lừa. Chúng là tất cả của tôi. Con dê cho tôi sữa, còn con lừa này khi nó kêu lên thì tôi thấy chẳng có thứ âm nhạc nào bằng. Nên khi nghe nói con vật nào có giọng hót ngọt ngào nhất sẽ cứu được đức vua và cả nước, nên tôi mang tới đây…”.
Cả triều phá ra cười, cô bé khóc lóc chạy ra không nói tiếp được. Ông tể tướng ra lệnh đưa cô bé và con lừa ra khỏi hoàng cung.
Rồi cuộc lựa chọn tiếp tục. Hai con hót hay lắm nhưng vương trượng vẫn bất động trong tay vua. Dân chúng bên ngoài chờ đến phát điên lên. Hoàng hôn xuống, bóng tối phủ dần. Nhà vua và triều thần không còn nhìn rõ mặt nhau nữa, nhưng chẳng ai nói gì, chẳng ai thắp đèn. Cuộc lựa chọn có vẻ như đã thất bại. Mọi người muốn giấu mặt vào bóng tối và che kín nỗi lo lắng trong lòng.
Sau cùng… Nghe kìa! Một giọng hót tròn trịa sung mãn với âm điệu du dương ngọt ngào từ mãi cuối sân điện tràn vào. Giọng của con sơn ca!
“Đây rồi!” nhà vua kêu lên. “Rung chuông lên, báo cho mọi người biết ta đã chọn xong và ta không sai lầm. Ngôi báu, triều đại và toàn dân đã được cứu thoát. Từ phút này hãy vinh danh loài sơn ca. Bất kỳ ai coi thường hay làm đau một con sơn ca sẽ bị tử hình. Ta phán như thế.”
Cả cái vương quốc tí xíu đó uống say với niềm vui. Lửa hội bùng lên trước cung điện và trong thành phố suốt đêm. Người ta nhảy nhót, nhậu nhẹt và ca hát. Tiếng chuông không lúc nào ngưng.
Từ ngày đó, sơn ca trở thành loài chim thiêng. Nhà nhà lắng nghe nó hót. Các thi sĩ làm thơ ca tụng nó, các họa sĩ vẽ nó. Tượng nó mọc lên khắp nơi, trên các bức tường, cổng vòm và dinh thự. Nó còn được đưa vào Hội đồng Cơ mật và không một vấn đề quan trọng nào của đất nước được quyết định trước khi các nhà chiêm tinh đưa nó ra trước mặt con sơn ca hoàng triều, rồi chuyển dịch cho hội đồng biết con chim thiêng đã hót gì về vấn đề đó.
*
Vị vua trẻ rất ham săn bắn. Mùa hè đó, một ngày nọ, chàng rong ngựa đi săn với lũ chim ưng và bầy chó, cùng mấy tùy tùng. Trong một cánh rừng, chàng bị lạc. Chàng cứ nghĩ rằng tới đàng kia là gặp lại họ, nhưng đó chỉ là ảo tưởng. Chàng cứ phóng ngựa mãi, ban đầu còn đầy hy vọng, rồi sau cùng chỉ còn lại nỗi sợ hãi. Hoàng hôn đã xuống mà chàng vẫn một mình trên đất lạ.
Trong ánh sáng lờ mờ, chàng thúc ngựa nhảy qua một bụi cây mọc nhô ra bên bờ vực. Cả hai rơi xuống, con ngựa gãy cổ còn chàng thì gãy chân. Vị vua trẻ tội nghiệp đành nằm đó chịu đau, mỗi phút trôi qua dài như một tháng. Chàng lắng nghe xem có âm thanh nào mang lại hy vọng giải cứu không, nhưng chẳng có gì cả. Không một tiếng tù và hay chó sủa. Sau cùng, chàng không còn hy vọng gì nữa và tự nhủ, “Thôi, cứ mặc cho Thần Chết tới!”
Ngay lúc đó, có tiếng sơn ca hót ngọt ngào vọng tới.
“Thoát rồi!” nhà vua kêu lên. “Đây là chim thiêng và lời tiên tri đã thành sự thực. Chính thần thánh đã giúp ta khỏi lựa chọn sai lầm.”
Chàng không kìm nổi niềm vui. Chàng tưởng như có tiếng người giải cứu đang tiến tới. Nhưng mỗi giây phút qua là thêm thất vọng. Chả có cứu giúp gì cả, chỉ có con chim thiêng hót mãi. Chàng bắt đầu nghĩ mình đã chọn sai. Đến bình minh, chim thôi hót. Buổi sáng đến cùng cơn đói và khát nhưng chẳng ai tới cứu. Ngày thứ nhì qua đi. Sau cùng nhà vua nguyền rủa con sơn ca.
Ngay lúc đó, có tiếng hót của sẻ lanh vang trong rừng. Vua thầm nghĩ, “Đây mới là con chim đích thực. Mình chọn sai rồi, sẽ có người tới ngay thôi.”
Nhưng chẳng có ai đến. Chàng nằm bất tỉnh hồi lâu. Khi tỉnh lại, có tiếng chim hoét đang hót. Chàng lắng nghe, lòng đầy ác cảm. Niềm tin đã mất. “Bọn chim này,” chàng nghĩ, “chẳng được tích sự gì. Ta, dòng họ và dân tộc tiêu vong rồi.”
Chàng kiệt sức vì đói khát và đau đớn, rồi thấy cái chết gần kề. Thực tình chàng cũng mong được chết. Nhiều giờ qua, chàng nằm đó, không suy nghĩ, cảm giác hay cử động. Rồi chàng tỉnh lại. Bình minh của ngày thứ ba đã rạng. Ôi, thế giới như vô cùng xinh đẹp trước mắt chàng. Đột nhiên, lòng khát sống nổi lên dữ dội, chàng muốn thấy lại hoàng cung và bè bạn một lần nữa. Ngay lúc đó chợt vọng lại một âm thanh mỏng manh, xa xôi. Mà ôi! Sao nghe nó ngọt ngào dịu dàng vậy.
“Hi… hô! Hi… hô! Hi… hô! Hi… hô!...”
“Ôi! Tiếng hót ngọt ngào, ngàn lần ngọt ngào hơn lũ sơn ca sẻ lanh hay chim hoét, vì nó không chỉ mang lại hy vọng mà còn mang lại sự cứu giúp. Mạng của ta và thần dân ta sẽ được cứu vớt.”
Âm thanh tuyệt vời ấy cứ tới gần, ngày càng rõ và ngọt ngào hơn với đôi tai của kẻ đang khốn khổ. Con lừa nhỏ xuất hiện. Nó thấy xác con ngựa và nhà vua. Nó bước tới ngửi loanh quanh, chỉ vì tò mò thôi. Nhà vua vỗ lưng nó và nó nằm phục xuống như mỗi lần cô chủ nhỏ muốn leo lên lưng nó. Dù hết sức đau đớn và khó khăn, vị vua trẻ vẫn bò được lên lưng nó. Con lừa vừa đi vừa kêu và mang chàng vua về lều cô bé nhà quê. Cô dọn giường, vắt sữa dê cho chàng rồi chạy đi báo tin cho nhóm tìm kiếm cô gặp đầu tiên trên đường.
Nhà vua khỏe lại. Việc đầu tiên là chàng tuyên cáo rằng con lừa là linh vật, thứ nhì là đưa ngay con lừa cứu mạng ấy vào hội đồng cơ mật và phong nó làm tể tướng. Việc thứ ba là cho phá hủy mọi hình tượng chim sơn ca trên toàn quốc và thay vào đó là hình tượng con lừa. Thứ tư, chàng tuyên bố rằng cô bé nhà quê, khi đủ mười lăm tuổi, sẽ được phong làm hoàng hậu. Và chàng đã giữ đúng lời mình.
*
Đó là chuyện cổ tích. Chuyện này giải thích tại sao hình ảnh con lừa có mặt ở mọi bức tường, cổng vòm và nó cũng lý giải tại sao, trong nhiều thế kỷ, con lừa cứ là tể tướng trong Hội đồng Cơ mật của các triều đình, thậm chí trong hầu hết những nội các thời nay cũng vẫn còn như thế. Nó cũng giải thích tại sao, trong tiểu vương quốc đó suốt bao thế kỷ, mọi bài thơ tuyệt tác, mọi diễn văn hùng biện, mọi pho kinh điển lớn, mọi buổi đại lễ và mọi chiếu chỉ tuyên cáo của triều đình đều khởi đầu bằng cái giọng lừa rất hào hứng:
“Hi… hô! Hi… hô! Hi… hô! Hi… hô!...”.
Phạm Viêm Phương dịch
(SHSDB36/03-2020)
NADINE GORDIMER
Salman Rushdie (1947), nhà văn và người viết tiểu luận, gốc Ấn, hiện sống tại Mỹ, là tác giả của nhiều tiểu thuyết gây tiếng vang, như Những đứa con của nửa đêm, được trao giải Booker, năm 1981, và cả những tiểu thuyết gây tranh cãi như Những vần thơ của Satan, 1988. Văn phong Rushdie thâm trầm, khoáng lộng, hài hước và tươi mới.
O’HENRY
FRANK O’CONNOR
Khi tôi tỉnh giấc, tôi nghe có tiếng mẹ ho ở nhà bếp. Mẹ bị ho đã nhiều ngày nhưng tôi không để ý. Chúng tôi sống ở Old Youghal Road, nơi mà vào lúc đó, có một con đường nhiều đồi dốc dẫn tới East Cork.
E. RUXACỐP (Nga)
ABDULRAZAK GURNAH
Tôi nghĩ anh ta đã nhìn thấy tôi đang tiến lại gần, nhưng vì lý do riêng nào đấy nên anh ta vẫn không có dấu hiệu gì.
Maurice Druon, sinh năm 1918, theo học Đại học Luật Paris. Trong chiến tranh thế giới lần thứ hai, ông tham gia lực lượng kháng chiến Pháp chống phát xít Đức, là thông tin viên Đài Phát thanh Kháng Chiến. Giải Goncourt 1948 với tác phẩm "Đại Gia đình" (Les Grandes Familles). Các tác phẩm đậm chất trữ tình của nhà văn: "Kết thúc đời người" (La Fin des Hommes), "Hẹn gặp tại Địa ngục" (Rendez-vous aux enfers) phản ánh một thiên hướng theo trường phái Balzac.
Ông đồng thời là tác giả một số tiểu thuyết lịch sử.
JENNIFER WALKUP
Tôi sẽ không nói với ai về việc chẩn đoán.
Không hé răng với mẹ hay em gái tôi. Chắc chắn không phải Jake và có lẽ với Steve cũng không hề.
GRAHAM GREEN
Cái chết đến kề như một nỗi nghiệt ngã day dứt mà ta hổ thẹn không dám thổ lộ với bạn bè hoặc đồng nghiệp.
ELISABETH SILANCE BALLARD
Một truyện ngắn cảm động về tình thầy trò. Truyện khiến người đọc có thể nghĩ chuyện xảy ra hôm nay, không phải cách đây hơn bốn mươi năm.
Tác giả tên đầy đủ là Heinrich Theodor Böll (1917 - 1985). Ông được coi là một trong những nhà văn lớn nhất của Đức thời hậu chiến. Năm 1972 ông được nhận giải Nobel Văn học. Tác phẩm và quan điểm chính trị của Böll thể hiện khát vọng xây dựng một xã hội mang tính nhân văn. Các tiểu thuyết tiêu biểu của ông: “Thiên thần im lặng”, “Và tôi đã không nói một lời duy nhất”, “Nhà không có người che chở”, “Qua con mắt của chú hề”, “Bức chân dung tập thể với một quý bà”…
KATE CHOPIN
Catherine O’ Flaherty sinh năm 1850 tại Saint Louis, Missouri, bố gốc người Ái Nhĩ Lan, mẹ gốc Pháp, lớn lên trong môi trường đa văn hóa, từ nhỏ đã nói tiếng Pháp đồng thời với tiếng Anh.
Nhà văn, nhà thơ, triết gia, họa sỹ, dịch giả Ấn Độ Rabindranath Tagore sinh năm 1861 tại Calcutta, Ấn Độ và mất năm 1941. Ông để lại một di sản văn học - nghệ thuật đồ sộ với hàng ngàn tác phẩm đủ các thể loại. Tagore còn là nhà yêu nước, đòi giải phóng Ấn Độ khỏi sự cai trị của Anh. Ông được trao giải Nobel văn học năm 1913.
O’Neil De Noux sinh ngày 29/11/1950 tại New Orleans, bang Louisiana, Hoa Kỳ. Ông là một nhà văn Hoa Kỳ có sức sáng tác mãnh liệt với nhiều tiểu thuyết và truyện ngắn, đã có 42 đầu sách được xuất bản. Phần lớn sáng tác của ông là truyện trinh thám hình sự, tuy nhiên ông cũng viết nhiều thể loại khác như tiểu thuyết lịch sử, truyện dành cho trẻ em, truyện khoa học viễn tưởng, kinh dị, tình cảm, v.v.
JASON HELMANDOLLAR
Jason Helmandollar là một nhà văn người Mỹ, tác giả của nhiều truyện ngắn nổi tiếng được đăng trên các báo, tạp chí đang thịnh hành lúc bấy giờ như Encounters Magazine, Bartleby Snopes, Title Goes Here, Sideshow Fables. “The Backward Fall” là một trong những truyện ngắn hay và hấp dẫn của ông.
TIMUR JONATHAN KARACA
Timur Jonathan Karaca được sinh ra ở San Francisco. Ông là bác sĩ y khoa khoa gây mê tại UCSF. Ông sống ở Oakland, nơi ông hành nghề. Karaca theo học sáng tác tại Studio Hội Nhà văn San Francisco.
Naguib Mahfouz (1911 - 2006) sinh ra trong một gia đình nghèo tại Cairo. Ông học triết học tại Đại học Cairo và làm công chức cho tới khi về hưu năm 1971. Mahfouz là nhà văn lớn của Arab và của thế giới. Ông có 35 tiểu thuyết, 14 tập truyện ngắn và nhiều tác phẩm kịch. Tác phẩm của ông rất phổ biến ở phương Tây. Mahfouz được trao giải Nobel văn chương năm 1988.
Truyện ngắn dưới đây diễn tả bi kịch của cá nhân khi bị phụ thuộc vào kẻ khác. Tuy nhiên, như rất nhiều tác phẩm khác của văn học Arab, nó còn mang tính ẩn dụ và nghĩa hàm ẩn.
ALBERT LAMORISSE (Pháp)
Albert Lamorisse là một nghệ sĩ đa tài của nước Pháp. Ông vừa viết văn, làm thơ, vừa biên kịch và đạo diễn điện ảnh. Truyện "Quả bóng đỏ" (Le Ballon Rouge) này đã được chính Albert Lamorisse dựng thành phim, rất nhiều người hâm mộ.
HISHAM BUSTANI
JOHN L’HEUREUX