NGUYỄN VĂN HẠNH
Ảnh: chinhphu.vn
Việc dành ưu tiên cho khái niệm tính nhân dân trong hệ thống quan điểm lý luận nghệ thuật và mỹ học của Chủ tịch Hồ Chí Minh chứng tỏ sự nhạy cảm và sự hiểu biết sâu sắc của Bác không chỉ về tính chất của cách mạng Việt Nam trong những điều kiện xã hội lịch sử nhất định, mà còn về bản chất của văn học nghệ thuật cách mạng.
Thực tế và thời gian ngày càng chứng tỏ sự giản dị và quan điểm "truyền thống" của Bác lại chính là sự sáng suốt, tính nguyên tắc và sự tinh tế trong cách xem xét các vấn đề văn hóa nghệ thuật.
Xem văn hóa văn nghệ là một hoạt động thực tiễn, một hoạt động mang tính nhân dân sâu sắc, đương nhiên Bác không quan niệm văn hóa văn nghệ là một hiện tượng tĩnh tại với những yêu cầu, những phẩm chất cố định. Sự phát triển của văn hóa văn nghệ gắn liền với sự phát triển của xã hội, của thực tiễn cách mạng, của trình độ dân trí và nhu cầu của nhân dân về văn hóa nghệ thuật. Điều này thể hiện rõ ở các luận điểm của Bác: "Xã hội thế nào, văn nghệ thế ấy" từ cái phổ biến ấy, cái nền ấy mà nâng cao lên, làm cho văn nghệ của ta "ngày càng phong phú về tư tưởng và nghệ thuật". Trong bài nói chuyện tại Đại hội II của Hội Nhà báo Việt Nam, Bác có nhắc lại với thái độ tán thành ý kiến của một phóng viên Liên Xô là khi sinh hoạt của nhân dân đã cao hơn, cần phải viết khác chứ không phải lúc nào cũng ngắn gọn, thiết thực; "Chớ viết khô khan quá. Phải viết cho văn chương. Vì ngày trước khác, còn bây giờ khác, sinh hoạt đã cao hơn, người ta thấy hay thấy lạ, thấy văn chương thì mới thích đọc".
Trong quan niệm của Bác về sự phát triển của văn hóa nghệ thuật, về mối quan hệ giữa nghệ thuật và nhân dân, thật ra có hai phương diện, hai quá trình gắn bó với nhau, tạo điều kiện cho nhau: nghệ thuật phải được nhân dân hiểu và nhân dân phải hiểu được nghệ thuật. Đó phải là quan điểm của cách mạng về nghệ thuật, quan điểm của người nghệ sĩ cách mạng sáng tạo ra tác phẩm và của quần chúng cách mạng tiếp nhận tác phẩm đó. Cả người sáng tạo và người tiếp nhận phải là chủ thể tích cực, chủ động, có ý thức đến với nhau, và cùng phấn đấu vươn tới những đỉnh cao giá trị. Câu nói của Lênin về mối quan hệ giữa nghệ thuật và nhân dân được Clara Xetkin dẫn lại mà gần đây giới nghiên cứu quan tâm tìm hiểu lại có lẽ cũng nên được nhận thức theo một tinh thần cách mạng và biện chứng như vậy,
Ngoài những vấn đề có ý nghĩa như nguyên tắc, như văn hóa nghệ thuật phải phục vụ nhân dân, phục vụ tổ quốc, văn hóa nghệ thuật là một mặt trận, nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận đó v.v... thông thường khi bàn về văn hóa nghệ thuật, Bác không trình bày các ý kiến của mình như là chân lý hoặc những yêu cầu bắt buộc, mà như là phương pháp suy nghĩ và hành động, như những kinh nghiệm và lời khuyên. Ngay khi nêu một vấn đề quan trọng như phổ biến và nâng cao, Bác cũng nói: "Nêu ra để các cô các chú thảo luận". Đối chiếu thơ xưa và thơ nay Bác nêu lên ý kiến về thơ nay mà mọi người đều biết:
Hiện đại thi trung ưng hữu thiết
Thi gia dã yếu hội xung phong
(Nay ở trong thơ nên có thép
Nhà thơ cũng phải biết xung phong)
Ở đây suy nghĩ về thơ được trình bày như một mong muốn, một lời khuyên. Không nên cường điệu ý kiến này thành quan điểm chỉ đạo, thành "tuyên ngôn" về thơ hiện đại nói chung. Một mặt, Bác không hề phủ nhận hoặc chê bai loại thơ xưa "yêu cảnh thiên nhiên đẹp", mà chỉ ghi nhận một thực tế, nói lên một nhận xét, mặt khác Bác không đòi hỏi rằng thơ nay phải là thơ "có thép", chỉ có thể là thơ "thép", hoặc đã là nhà thơ thì phải "xung phong". Đây lại thêm một bằng chứng về quan niệm rất uyển chuyển của Bác về văn nghệ, một quan niệm luôn luôn tôn trọng sự suy nghĩ của người khác, tôn trọng sự đa dạng, phong phú của nghệ thuật.
Một số nhà nghiên cứu đã nêu câu hỏi: Tại sao trong lý luận mác-xít về văn học nghệ thuật mấy mươi năm qua luôn luôn nhấn mạnh các vấn đề như tính đảng, phương pháp sáng tác, chủ nghĩa hiện thực, chủ nghĩa lãng mạn cách mạng, hiện thực xã hội chủ nghĩa... nhưng Bác lại hầu như không đề cập các khái niệm này trong các bài phát biểu của mình về văn học nghệ thuật.
Trước hết phải nói rằng ý kiến của Bác khá đủ để hướng dẫn nghệ sĩ đi trên con đường lớn của văn nghệ cách mạng và những ý kiến này đều được dễ dàng mọi người chấp nhận. Điều này cũng chứng tỏ rằng có thể có một cách nói khác, thông qua những khái niệm và phạm trù khác, để nói về những vấn đề then chốt và cần thiết nhất của văn hóa văn nghệ. Những nhà lý luận chuyên nghiệp không thể không suy nghĩ về thực tế này.
Cũng có thể với tư cách của một nhà chính trị, một nhà lãnh đạo Đảng, Bác không có điều kiện và cũng không muốn đi sâu vào những vấn đề chuyên môn, những vấn đề khoa học của lĩnh vực văn hóa văn nghệ. Trong những vấn đề đã nêu ở trên có vấn đề có thể nói dưới một dạng khác như vấn đề tính đảng, có những vấn đề không nhất thiết người lãnh đạo chính trị phải đề cập như vấn đề phương pháp sáng tác, vấn đề chủ nghĩa hiện thực, hiện thực xã hội chủ nghĩa. Cách nói uyển chuyển "dân dã" của Bác, cũng như sự "dừng lại" của Bác trước những vấn đề nghề nghiệp chuyên sâu như vậy - càng chứng tỏ Bác là một nhà lãnh đạo chính trị sáng suốt, hiểu rõ công việc của mình.
Bác viết văn, làm thơ nhiều, và có nhiều tác phẩm thơ văn xuất sắc. Nhưng tự mình, Bác không nhận mình là một nhà thơ, một nhà văn nghệ. Có lần Bác nói "Nếu quả thực tôi là một nhà thơ, hẳn tôi không thể sống mà không sáng tác... Còn tôi... tôi có thể sống thoải mái mà không cần phải làm thơ. Và trước khi ở tù, cũng như sau khi ra tù, tôi đã sống mà không làm thơ"(1). Một lần khác Bác lại nói về mình: "Tôi là cây bút tiểu phẩm, nhà chính luận, gọi tôi là người tuyên truyền tôi cũng không tranh cãi, nhà cách mạng chuyên nghiệp - là đúng nhất"(2). Không nên chỉ thấy ở đây thái độ khiêm tốn của một vĩ nhân. Bác đòi hỏi phải nhận thức chính xác về chuyên môn nghề nghiệp, Bác có những yêu cầu cao về thiên chức của người làm văn nghệ. Trong bài nói chuyện tại buổi bế mạc đại hội văn nghệ toàn quốc lần thứ hai, Bác phân biệt ở mình hai "địa vị": địa vị "một người yêu chuộng văn nghệ" và địa vị "một người chính trị". Trên "danh nghĩa một người yêu chuộng văn nghệ", Bác chúc mừng đại hội, nêu những nhận xét của mình về tình hình văn nghệ, trình bày những ý kiến về tình hình đất nước, cuộc sống của nhân dân. Rồi Bác kết thúc bài nói chuyện như sau: "Phần trước là tôi đứng về địa vị một người yêu chuộng văn nghệ mà nói. Bây giờ đứng về địa vị một người chính trị tôi xin hứa rằng Trung ương Đảng và Chính phủ sẽ cố gắng trong khả năng của mình, giúp đỡ văn nghệ tiến lên(3). Có bao nhiêu điều đáng cho chúng ta suy nghĩ từ thái độ đó, từ một cách tiếp cận như vậy đối với lĩnh vực văn hóa văn nghệ, đối với những người làm văn hóa văn nghệ, về cách lãnh đạo văn hóa văn nghệ, về quan hệ giữa lãnh tụ và nhân dân.
Trong văn hoá văn nghệ cũng như trong các lĩnh vực khác của công tác cách mạng, di sản của Bác để lại cho chúng ta, không chỉ gói gọn trong những quan điểm, tư tưởng của Bác về văn hóa văn nghệ, mà còn nằm trong phương pháp, trong thái độ tiếp cận, ứng xử của Bác đối với những vấn đề văn hoá văn nghệ, đối với trí thức văn nghệ sĩ.
Nhà thơ xô viết nổi tiếng Ôxip Mandenxtam trong lần gặp Bác vào cuối năm 1923 ở Liên Xô, lúc bấy giờ Bác mới hơn 30 tuổi, đã có một nhận xét đáng suy nghĩ: "Từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa một thứ văn hóa, không phải văn hóa Âu châu, mà có lẽ là một nền văn hoá tương lai"(4).
Cái gì ở Bác đã khiến cho một nhà thơ xô viết đầy tài năng này không trực tiếp nghĩ đến chủ nghĩa yêu nước, tinh thần đấu tranh cách mạng kiên cường hay tính tất thắng của một sự nghiệp giải phóng dân tộc, mà lại nghĩ đến văn hóa, đến một nền văn hóa tương lai? Ở người thanh niên Nguyễn Ái Quốc, nhà thơ không chỉ nhìn thấy lòng yêu nước và thái độ căm thù quân xâm lược, mà chính là một nhân cách lớn, một cách suy nghĩ mới mẻ, một nhãn quan văn hóa sâu rộng qua những lời tâm sự, những nhận xét, những câu trả lời chân tình, đặc sắc, đầy tự tin nhưng cũng hết sức tinh tế của Bác về đất nước và nhân dân, về bản thân và gia đình, về dân tộc mình và các dân tộc khác, về phong trào của Gandi, về lý luận của Khổng Tử, về Rousseau và Montesquieu, về "văn minh" của bọn cướp nước mà bao giờ Bác cũng nói đến với một thái độ phẫn nộ và đầy khinh bỉ... Với tư cách là một nhà thơ, có lẽ điều mà Mandenxtam cảm thấy đặc biệt hấp dẫn ở Bác, điều đã khiến cho nhà thơ nghĩ đến văn hoá, đến một nền văn hóa tương lai là ở chỗ này "dân tộc Việt Nam đáng yêu, một dân tộc lịch thiệp và độ lượng, rất ghét những gì thái quá. Dáng dấp của con người đang ngồi trước mặt tôi đây, đồng chí Nguyễn Ái Quốc, cũng đang tỏa ra một cái gì thật lịch thiệp và tế nhị"(5).
Nếu như văn hóa thể hiện trước hết trong quan hệ giữa người và người, nếu như văn hóa bắt đầu từ chỗ vượt ra khỏi "chủ nghĩa cá nhân và sự trói buộc của hoàn cảnh hạn hẹp để có thể đến với người khác, hiểu và quí trọng những cái khác mình - thì thái độ ghét những cái thái quá, sự độ lượng, lịch thiệp, tế nhị, quả là những biểu hiện rất đặc trưng của văn hóa.
Nhận xét của Mandenxtam về Bác là một nhận xét rất độc đáo, mà lại rất cơ bản và chính xác, nhà thơ thật sự là "có con mắt tinh đời". Không phải ngẫu nhiên mà nhiều nhà nghiên cứu về Bác đã rất tâm đắc với ý kiến này.
Có thể nói, trong những phát biểu về văn hóa văn nghệ, cũng như khi tiếp xúc với giới văn hóa văn nghệ, tham gia giải quyết những vấn đề cụ thể về văn hóa văn nghệ, Bác không chỉ đứng ở tư cách một nhà chính trị, một người yêu chuộng văn nghệ mà còn đứng ở tư cách một nhà văn hóa, với thái độ giúp đỡ đầy trách nhiệm, hiểu biết, chân tình, độ lượng, lịch thiệp và tế nhị.
Là một nhà chính trị, một nhà lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm chủ yếu phương diện chính trị của hoạt động văn hóa văn nghệ, những yêu cầu khách quan, yêu cầu chung của cách mạng, của nhân dân đối với hoạt động này. Nếu có nói đến chủ thể sáng tạo, Bác cũng chú ý trước tiên vấn đề lập trường quan điểm chính trị của nghệ sĩ. Nền văn nghệ mà Bác Hồ cổ vũ là hướng vào thực hiện những mục tiêu chung của cách mạng, một vũ khí tư tưởng, một công cụ giáo dục. Với một quan điểm chung như vậy về văn nghệ, nhất là nền văn nghệ này lại phát triển chủ yếu trong thời kỳ đấu tranh chính trị trong hoàn cảnh chiến tranh, Bác ít chú ý đến những nhân tố đặc thù của lĩnh vực này như tài năng, cá tính, tự do sáng tạo. Sự phong phú đa dạng mà Bác nói đến trước hết là sự phong phú đa dạng của thực tế khách quan, của nhu cầu nhân dân đối với văn hoá nghệ thuật, chứ chưa phải là sự phong phú đa dạng của chủ thể sáng tạo, của tài năng, của cá tính nghệ sĩ. Có cơ sở để nói rằng Bác nhấn mạnh chức năng giáo dục, chức năng miêu tả (phản ánh) của văn nghệ, mà chưa quan tâm nhiều đến chức năng nhận thức (và tự nhận thức) theo nghĩa chặt chẽ của nó, chức năng thẩm mỹ và hầu như không nói đến chức năng biểu hiện (và tự biểu hiện) của văn nghệ. Khi cuộc sống chuyển trọng tâm từ đấu tranh chính trị sang xây dựng kinh tế và văn hóa, từ sinh hoạt không bình thường trong chiến tranh sang sinh hoạt bình thường trong hòa bình; khi văn nghệ có nhu cầu và có điều kiện phát huy sức mạnh riêng của nó, bộc lộ đầy đủ hơn bản chất của nó, thì những vấn đề trên đây càng trở nên đương nhiên và phải tiếp tục đi sâu nghiên cứu.
N.V.H
(TCSH55/05&6-1993)
---------------------
(1), (2) Văn hoá nghệ thuật cũng là một mặt trận. - Sđd, trang 513-514.
(3) Về công tác văn hoá văn nghệ. - Sđd, trang 35.
(4), (5) Văn hoá nghệ thuật cũng là một mặt trận. - Sđd, trang 478.
ĐẶNG THỊ NGỌC PHƯỢNG
Hồi ký Hơn nửa đời hư (1992) là một trong những tác phẩm quan trọng bậc nhất trong suốt cuộc đời cầm bút mấy mươi năm của Vương Hồng Sển.
TRẦN NGUYỄN KHÁNH PHONG
Từ ngày 9 đến ngày 24/11/2021, tại thủ đô Paris (Pháp), Đại hội đồng UNESCO lần thứ 41 đã vinh danh nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu.
HOÀNG THỤY ANH
TRẦN ĐÌNH SỬ
Phạm Quỳnh (1892 - 1945), biệt hiệu Thượng Chi, Hồng Nhân, quê ở xã Lương Ngọc, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương.
NGUYỄN THỊ TUYẾT
NGUYỄN HỮU SƠN
Trong giới hạn cụ thể, có thể xác định tương quan phê bình và sáng tác trên địa bàn xứ Huế như một vùng văn hóa và trung tâm phát triển Thơ mới tiêu biểu trong cả nước, đồng thời nhấn mạnh ý nghĩa hoạt động phê bình Thơ mới trên Tràng An báo như một hiện tượng “người đương thời Thơ mới xứ Huế tiếp nhận Thơ mới xứ Huế” (chưa bàn đến các tác giả Thơ mới ở hai miền Bắc và Nam đất nước).
VÕ VINH QUANG
Câu chuyện nghiên cứu về lăng mộ vua Quang Trung từ lâu đã được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm tìm hiểu, luận bàn, phản biện.
NGUYỄN KHẮC THẠCH
Thời nào cũng vậy, việc tranh luận về khoa học thường mang lại sự thông tuệ và phát triển. Nhưng thành công của nó không phải ở đó mà ở chỗ nó làm cho con người biết xấu hổ.
LÝ HOÀI THU
Văn học Việt Nam 1930 - 1945 nói chung và thơ ca nói riêng hình thành, vận động và phát triển trên nền cảnh bùng nổ nhiều phương diện của bước ngoặt hiện đại hóa.
HÀ QUẢNG
Trong việc xây dựng hình tượng thơ, các tác giả hiện đại sử dụng nhiều thủ pháp nghệ thuật mà trước đây rất dè dặt, thủ pháp “lạ hóa” là một.
XUÂN NGUYỄN
TRẦN ĐÌNH SỬ
Trong văn học thế giới, nếu lễ nghi tín ngưỡng là cội nguồn làm nảy sinh các hình thức văn học, thì thần thoại là cội nguồn tạo ra các nội dung của văn học và nghệ thuật nói chung. Ở phương Tây sử thi, thể loại menipée là các hình thức văn học làm nảy sinh tiểu thuyết.
LÊ QUANG THÁI
Ca, kê và dậu đều diễn nghĩa chỉ tiếng gà. Năm Dậu là năm của con gà tại vị để đóng vai trò trọng tài chỉ trỏ giờ giấc sớm - trưa - chiều - tối cho qua ngày đoạn tháng.
PHONG LÊ
Lực lượng chủ công trong đội ngũ viết hôm nay, theo tôi nghĩ và mong đợi, đó phải là thế hệ viết sinh ra trước sau thời điểm 1990. Sớm hơn một ít, đó là năm 1986 - năm khởi động công cuộc Đổi mới. Muộn hơn một chút, đó là năm 1995 - năm Việt Nam thoát khỏi thế cấm vận và gia nhập ASEAN.
HOÀNG HUYỀN
Nếu nói đang là thời của nghiên cứu phê bình văn học thì có lẽ cũng sẽ ít khả năng bị kháng cự, bác bỏ. Chỉ cần nhìn vào mùa giải văn chương trong nước năm 2021, dừng lại lâu ở mảng nghiên cứu phê bình, xác tín trên càng được củng cố.
THÁI PHAN VÀNG ANH
Năm 2017, toàn bộ tác phẩm của Nguyễn Thị Thụy Vũ, một trong những nhà văn tiêu biểu của văn học nữ miền Nam Việt Nam giai đoạn 1955 - 1975, đã được Phương Nam Book và Nhà xuất bản Hội Nhà văn in lại.