Chiếc băng đô màu xanh

14:29 10/04/2009
HƯƠNG LANTuấn nhìn đồng hồ, rồi lại đi lui, đi tới không biết là lần thứ bao nhiêu trong buổi sáng này trên hành lang của Tòa án nhân dân Thành phố. Vẫn còn 5 phút nữa mới đến giờ, nhưng Tuấn có cảm giác giận Hương, có lẽ cô ta không đến, cô ta muốn gây khó dễ cho mình... Tuấn thầm nghĩ và lòng anh hiện lên một chút đay nghiến với người phụ nữ đang còn là vợ anh trong vài tiếng đồng hồ nữa.

Nhưng..., ngay sau cái suy nghĩ hẹp hòi cho người khác, Tuấn ngẩng đầu và thấy Hương đang bước qua hành lang. Đôi mắt cô ráo hoảnh, mặc dù bờ mi hơi quầng, có lẽ là hậu quả sau nhiều đêm dài thao thức cùng nước mắt và đắng cay. Tuấn hơi giật mình, rồi sững sờ nhìn người đàn bà anh đang còn quyền gọi là vợ. Hương trong bộ áo dài trắng có in hình những bông hoa leo màu tím, đầu cài chiếc băng đô màu xanh. Đã nhiều năm rồi, giờ anh mới lại thấy cô mang bộ quần áo này ra để mặc. Người phụ nữ nhếch nhác làm anh chán ngắt hàng ngày như đã biến mất. Cô gái tuổi ngoài hai mươi của ngày ấy, giờ đây hiện trước anh xinh đẹp hơn, chững chạc hơn. Vẫn bộ quần áo mà cô đã từng làm cho anh thẫn thờ bao đêm không ngủ...

Một ngày mùng tám tháng ba cách đây đã lâu. Mặc dù chỉ mới quen Hương, nhưng buổi sớm tinh mơ hôm đó Tuấn đã táo bạo tặng cô một bông hồng đỏ thắm. Anh hạnh phúc biết bao trước đôi mắt sững sờ còn đang ngái ngủ của cô gái ngây thơ trong chiếc váy ngủ màu xanh da trời.

"Chiều cho phép anh đến đón em đi chơi lúc 5 giờ nhé..."

Và chiều ấy, Hương đã trả lại cho anh gấp bội phần cái cảm giác anh cho cô từ sáng sớm. Sau một ngày chuẩn bị, chờ đợi, hồi hộp cùng những dự định thú vị của những con người sắp bước vào thế giới của tình yêu.

Tuấn đưa Hương đến một quán cà phê lịch sự, bên con đường thân quen, mặc cho sự ngạc nhiên của những người cùng lứa tuổi trong quán. Họ hãnh diện đi bên nhau, tạo cho nhau những cảm giác thật nên thơ. Họ nói với nhau thật nhiều những chuyện về công việc, về cuộc sống, về bạn bè mà chẳng hề đề cập đến tình yêu hay một cái gì đó tương tự, dù đôi lúc cả hai cùng im lặng trong một khoảng thời gian dài. Những câu chuyện vu vơ hút họ vào với nhau... Tiếng nhạc rồi cũng tắt đi. Khách trong quán ra về gần hết mà họ không hay. Vậy là một ngày lễ cũng sắp qua, nhưng những câu chuyện mà họ muốn nói với nhau hình như vẫn còn ở đâu đó thật xa vời. Sau một thoáng thả hồn vào không gian, Hương lúng túng chẳng biết làm gì. Rồi như bất chợt, cô nhẹ đưa tay lên đầu tháo chiếc băng đô có màu xanh đưa cho Tuấn. "Em tặng anh cái này để khi nào anh có người yêu, mà phải là người anh chọn làm vợ thì hãy tặng cho người ta. Có lẽ lúc đó em đã là em gái của anh rồi, để chúng ta trở thành người thân của nhau"...

Tuấn cầm trong tay chiếc băng đô Hương vừa đưa, anh bỗng trở nên vụng về không nói được gì nữa. Suốt chặng đường đưa Hương về, cả hai cùng im lặng. Tuấn hụt hẫng khi cánh cửa khép lại, ngăn cách hai người. Anh thẫn thờ ra về. Còn Hương thì thổn thức với bao điều bâng khuâng khó lý giải. Sáng hôm sau, mặc cho ai có đánh giá mình là kẻ bất lịch sự, khi những giọt sương ban mai trên giàn hoa giấy chưa kịp khô, Tuấn đã làm điện thoại nhà Hương đổ chuông."Chiều nay cho phép anh đón em lúc tan sở nhé? Anh có chuyện muốn nói với Hương. Cho anh xin lỗi vì đã gọi điện sớm như thế này".

Chiều hôm đó Tuấn đưa Hương về chỗ ngồi hôm trước, anh im lặng thật lâu trước sự lúng túng, ngạc nhiên của Hương, rồi rút từ trong túi áo ra chiếc băng đô màu xanh cài lên đầu cho cô. "Em có đồng ý làm vợ anh không?"... "Xin em đừng nói rằng anh quá vội vàng, bởi cả hai chúng ta đều đã qua cái thời học sinh nông nổi. Anh yêu em ngay từ lần gặp đầu tiên, chắc em hiểu điều đó. Chiếc băng đô này nói lên sự đồng tình của em giành cho anh. Hãy làm vợ anh nhé, cô giáo viên nhỏ bé của anh".

Hành trang Hương mang theo về nhà chồng là niềm hạnh phúc vô bờ bến. Ở bên anh, cô thấy cuộc đời cái gì cũng đẹp. Cô thầm cảm ơn ông trời đã cho mình quá nhiều. Ngày tháng cứ trôi đi, anh như thể đã trở thành máu thịt trong cô. Rồi một bé gái xinh đẹp chào đời đã tô điểm thêm cho hạnh phúc của họ. Thiên thần nhỏ bé của họ đã chiếm hết những gì là tinh túy trên khuôn mặt của ba mẹ cộng lại. Hương vô cùng mãn nguyện chẳng cần mơ ước gì hơn cái tổ ấm nho nhỏ của mình. Cô không cần biết quán xá, chẳng màng bạn bè, không tìm hiểu thời trang và âm nhạc, cũng chẳng cần nghĩ đến việc phải bổ sung thêm kiến thức cho kịp với xã hội. Cô không hề biết rằng những nề nếp, chuẩn chu trong một gia đình vẫn thường bị khập khiễng khi mà người vợ quá tự thỏa mãn với hiện tại. Cô luôn hãnh diện khi cùng chồng đi đến nơi nào đó. Sự lười biếng chăm sóc bản thân của cô đã làm cho Tuấn phải đi bên một người vợ có phần luộm thuộm nhếch nhác. Cô nhìn cuộc đời đẹp quá mà quên đi những cái thực tế trong cuộc sống. Càng ngày, Tuấn càng tươm tất thì Hương càng lôi thôi. Cô chẳng có gì đáng so sánh khi mà các bạn đồng nghiệp của Tuấn bàn tán về các sếp bà ở nhà. Có lần anh chủ động đề nghị Hương: "Em cần phải mua thêm mấy bộ quần áo thời trang. Dáng em mặc gì cũng đẹp, nhưng phải có vài bộ tủ chứ?". "Nếu thế, sẽ nhiều người thấy em đẹp, mà em thì chỉ thích mình anh nhìn thấy em đẹp thôi". "Anh biết rồi, nhưng đôi khi cũng phải để anh hãnh diện vì em nữa chứ!". "Vậy thì em xin tuân lệnh đức lang quân..."

Hôm sau, Tuấn hồi hộp mong đến giờ tan sở để về nhà ngắm cô vợ xinh đẹp của mình. Ai ngờ, vừa bước vào phòng, anh thấy Hương nằm xoãi trên giường, mệt mỏi bên đống quần áo mới mua vừa của đàn ông, vừa của con nít."Áo quần của em đâu?". "Em chẳng chọn được cái nào. Để từ từ rồi sắm cũng không muộn, nhân tiện em thấy mấy cái này đẹp mua cho anh và con"

Tuấn làm sao có thể trách Hương được. Những cảm giác hạnh phúc, hãnh diện ấy hình như nó đang còn ở đâu xa vời lắm. Chỉ còn sự chịu đựng chán nản đè lên anh. Tuấn thả mình xuống giường và nghĩ về những chiếc áo váy được nhìn hàng ngày ở công sở, trên đường phố... với một cảm giác bồng bềnh, mơ hồ. Và những đêm bên nhau, anh muốn cùng vợ nói chuyện về chính trị, về thời sự, nhưng những câu chuyện bắt đầu chưa lâu thì đã được chuyển sang một đề tài nào đó trong căn nhà của họ. Nào bé Lan Anh lớn lên sẽ hướng nó theo học ngành gì, em sẽ học cách tết tóc để năm nó mười tuổi em sẽ làm công việc đó hàng ngày cho con. Nào là ngày mai anh thích ăn món gì... Trong khi Tuấn đang muốn vợ cho mình một lời khuyên về những rắc rối nho nhỏ anh thường gặp ở cơ quan. Hương say sưa đến nỗi cô chưa bao giờ phát hiện sự thất vọng hiện trên nét mặt chồng.

Những chuyện tưởng nhỏ, nhưng nó lại xảy ra hàng ngày trong cuộc sống, quả sẽ là cực hình cho những ai đang cảm thấy chán nó. Xã hội ngày càng phát triển, người phụ nữ cũng đang cùng giới mày râu tranh đua với thời cuộc. Chỉ có Hương ngoài giờ lên lớp, tầm nhìn của cô không quá cánh cổng nhà. Cô không biết đến quán xá. Cô nhìn sự phát triển của xã hội như nhìn một sự đua đòi vô bổ. Bằng cấp không thêm, cô cho mình là người phụ nữ chuẩn mực mà không biết mình đang dần dần tụt hậu so với thời cuộc. Còn Tuấn, dưới bàn tay chăm sóc của vợ, anh đến cơ quan với một dáng vẻ luôn tươm tất. Anh được quyền giành hết thời gian cho công việc. Ngoài việc tập trung làm tốt công tác của một nhà báo, Tuấn có điều kiện học tập, bổ sung thêm nhiều kiến thức. Cuộc sống của vợ chồng anh ngày một khập khiễng, hình ảnh Hương cứ mờ nhạt dần trong anh. Bên cạnh anh là những người phụ nữ thông minh, lanh lẹ, lại có thẩm mỹ trong nhiều lĩnh vực.

Tuấn quen Châu trong một chuyến đi thực tế ở Hà Nội. Châu cũng là phóng viên như anh. Châu tuy không đẹp, nhưng cô vừa trẻ lại vừa biết cách giao tiếp. Cô ăn mặc không theo mốt nhưng rất cầu kỳ và kín đáo. Ở bên nhau họ nói chuyện về thời sự, về bài vở... Một người phụ nữ hợp thời trên đất Thủ đô với bao cơ hội thăng tiến, thật là chênh lệch khi đem so sánh với cô vợ vụng dại của mình ở nhà, huống gì đã từ lâu Tuấn chỉ thấy một sự chán ngắt khi phải giáp mặt vợ. Tuấn suy nghĩ rất kỹ khi quyết định chia tay với Hương. Anh tin rằng tuy cha mẹ chia tay, nhưng được sống thật với lòng mình và làm tròn trách nhiệm của người cha vẫn hay hơn một ngày nào đó con anh biết rằng anh chỉ giả dối với gia đình.

Bộ áo dài không mới, nhưng cũng không cũ so với tháng năm nó đã đi qua. Chỉ có người mặc nó như tái hiện hình ảnh một người phụ nữ chuẩn mực mà năm xưa Tuấn hằng ngưỡng mộ. Dù vừa trải qua bao đắng cay của cuộc sống ảo ảo thực thực nhưng Hương vẫn xinh đẹp. Nét đẹp của cô toát lên một vẻ chín chắn dù đã quá muộn. Giờ đây cô xuất hiện trước Tuấn còn bí ẩn hơn cả thiên thần sắc đẹp năm xưa của anh. Cô hầu như chỉ lặp đi lặp lại một động tác điềm tĩnh là gật nhẹ đầu sau một tiếng “dạ” nhỏ trước những vấn đề nêu ra của người thẩm phán. Ngược với Hương, Tuấn trở lên lúng túng hơn ngoài dự định của anh.

"Tòa quyết định cháu bé sống với mẹ, hàng tháng anh phải góp tiền để nuôi cháu. Hai người không có khiếu nại về tài sản nên tự giải quyết. Kể từ bây giờ hai người không còn là vợ chồng".

Nước mắt Hương rơi xuống sau câu nói cuối cùng của người thẩm phán. Cái người đàn ông bên cạnh không còn là chồng của cô nữa kể từ giờ phút này. Cô lại gật nhẹ đầu sau một tiếng “dạ” nhỏ. Thật khó để làm quen với điều đó, bởi anh trong cô đã là máu là thịt. Cuộc sống của cô đã từng là của anh. Giờ đây cô cảm thấy bất lực không thể níu kéo nó lại được nữa. Cô khẽ quay người rồi bước ra khỏi phòng, khi Tuấn đang còn muốn nói thêm một điều gì đó trước tòa với cô. Nước mắt cô vẫn rơi theo từng bước chân nhẹ nhàng đi xuống cầu thang. Không một tiếng nấc, không một lần ngoái đầu nhìn lại, cô ra đi trong sự chấp nhận nhẹ nhàng như số phận đã an bài. Tuấn đứng chững lại rồi chạy nhanh theo Hương...

Giữa những giọt lệ đắng cay, cô nở một nụ cười khiến anh đau xé lòng.

Cô nghẹn ngào rồi bước đi không chào anh. Cô đi mà không trả lại chiếc băng đô cho Tuấn như đáng lẽ cô phải làm. Tuấn sững sờ trong giây lát rồi lẳng lặng bước những bước chân nặng nề. Sự hồ hởi với thành công mà anh đạt được trong mong đợi như chưa từng thoáng có trong anh. Hình như không phải chỉ thiên thần ngày xưa của anh đang sống lại, hiện ra trước mắt anh, mà cả chàng trai hồn hậu, chân chất năm ấy trong anh cũng hiện về, để chới với trong không gian chứa đầy cái thực của cuộc sống./.         

H.L

(200/10-05)

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • NGUYỄN CẨM HƯƠNGBước ra khỏi lớp học ngoại ngữ anh bỗng thấy đầu óc quay cuồng như muốn ngã. Dắt được chiếc xe đạp địa hình ra khỏi trung tâm, anh cố gắng đạp một cách khó nhọc trên đường phố.

  • NGUYỄN ĐỨC SĨ TIẾNNgười ta thường nói xem mặt đặt tên, nhưng điều này lại không đúng với thượng tá Kha. Nhìn bề ngoài, ai cũng nghĩ ông là người khô khan, thật ra ông lại là người rất đa cảm.

  • NGUYỄN THẾ TƯỜNGChấp me?Che muống! / Chấp me? Cuống sắc! / Chấp me? Sắc cạnh? / Chấp me? Hạnh bầu! / Chấp me? Hầu nhảy/Ăn cơm ai? Ăn cơm cha!Uống nước ai? Uống nước mạ!Hú ...Con mau về kẻo quạ tha đi!

  • HUỲNH THẠCH THẢO- Lành, về bảo bố mày ăn nhậu vừa vừa thôi, đừng như mấy ông mới ngấp nghé vào cấp xã đã phởn, bia ôm gái giếc có ngày...Tôi vừa vào đến cổng đã nghe tiếng mẹ sang sảng với con Lành, đứa con cậu út ở quê. Chưa hết, bà còn thêm hồi nữa nhưng nhỏ hơn, có lẽ nghe tiếng cửa mở bên ngoài.

  • NGUYỄN TRƯỜNGChiều xuống. Lúc mặt trời sắp lặn sau dãy núi phía tây cũng là lúc người ta thấy ông già xóm Chùa thường mon men tới thả câu ở cái bến sông này.

  • MÃN ĐƯỜNG HỒNGMùa Xuân lững thững về. Anh cũng lững thững đi ra phố chợ. Hai bàn tay trơ trọi của anh đút sâu vào hai túi quần rỗng trống buồn tênh. Anh mỉm cười thong dong bước đi, hòa vào dòng người nhôn nhao tất tả.

  • HỒNG NHUNói chính xác là chị dâu. Chính xác hơn, chị dâu thứ của vợ tôi. Thông thường những trường hợp như thế này, trong nhà em út chẳng ai gọi đầy đủ là chị dâu cả, mà chỉ là chị thôi. Ấy là chị Kim.

  • TRẦN DUY PHIÊN1. Chuông điện thoại reo phải lúc tôi đang tiếp ông tổ trưởng dân phố. Biết tôi ở nhà một mình, ông nói gọn mấy câu rồi từ biệt. Ba chân bốn cẳng chạy như nước rút, tôi mới với được tới máy.

  • LÊ ĐỨC QUANGMột buổi sáng sớm mùa xuân, bầu trời trong xanh thăm thẳm. Anh nắng vàng vừa rải đều khắp nơi. Gió thổi nhẹ, mơn man vào da thịt con người ta, thật mát mẻ dễ chịu làm sao. Dọc đường phố, cuối năm rồi, dòng người trở nên đông đúc và nhộn nhịp, kẻ thì lo mua sắm áo quần mới, người thì lo bánh mứt, kẻ thì mua những chậu hoa, cây cảnh, trang trí nhà cửa của mình sao cho thật đẹp. Mọi người ai cũng hối hả, vui mừng đón năm mới. Riêng lão xích lô, vẫn công việc bình thường như mọi ngày: sáng ăn qua quýt ổ bánh mì xong rồi đạp xích lô đến ngã ba gần sân ga, chờ những chuyến tàu về, mặt cố gắng hớn hở, tươi cười, đón mời khách.

  • NGUYỄN VĂN NINHTôi được cơ quan tố tụng chỉ định làm luật sư cho một bị can.Tôi xin kể ra đây, hơi dài dòng một chút, không phải bị cáo mà là cha tôi. Trong cuộc đời làm luật sư, cha tôi luôn thích nhất câu: Thưa quí tòa! Thân chủ tôi hoàn toàn vô tội! Cha tôi muốn tôi sau này mỗi khi đứng trước toà đều nói câu như vậy.

  • QUẾ HƯƠNG                                                                                                                                1. Chị đi qua, tẻ nhạt và cũ kỹ như cái áo đề mốt thơm mùi long não lấy từ hòm gỗ ủ hương kỷ niệm. Khu cư dân tôi ở thì mới toanh, chưa tròn mười. Cơ ngơi phó giám đốc xí nghiệp gỗ sực nức mùi rừng.

  • PHAN VĂN LỢILTS: Cuộc làm người, khó thay! Dân tộc nào cũng sáng tạo cho mình một ĐỊA NGỤC để răn dạy con người không nguôi hướng đến cái CHÂN - THIỆN - MỸ.Nhuốm màu sắc của Liêu trai chí dị và Việt điện u linh..., câu chuyện là một phần của cuộc đời đầy ám ảnh. Vừa cuốn hút thương cảm với cái nhìn nghiêm khắc lột trần bản chất đời sống, vừa hoang mang đặt ra câu hỏi về ý nghĩa sống đích thực của con người.

  • (tiếp theo và hết)Chuyến du ngoạn địa ngục đã để lại trong tâm trí ông Thai một ấn tượng hãi hùng. Thật khủng khiếp nếu phải chịu cực hình rồi bị đày xuống đó muôn kiếp. Phải tìm cách tự cứu mình chứ chả lẽ chịu bó tay?

  • HOÀNG NHẬT TUYÊNI. Chuyện được bắt đầu bằng một quả trứng, thoạt nghe cứ tưởng chuyện cổ tích nhưng nghe rồi mới rõ, ấy là chuyện thời nay, và đúng thế, nếu tường thuật theo lối cổ điển, theo tình tự thời gian thì chuyện không thể bắt đầu bằng chỗ nào khác thích hợp hơn là từ một quả trứng- một quả trứng gà.

  • MINH ĐỨC TRIỀU TÂM ẢNHHọ là đôi bạn thân kể từ thời còn học ở đại học Sorbonne, sau đó, cùng chọn chuyên ngành khảo cổ học. Jabindu, người Népal; Robinson, người Mỹ. Thời trẻ, cả hai đều say mê công việc khô khan và vất vả của mình. Dấu chân của đôi bạn đã dẫm khắp những di tích lịch sử ở hai bờ sông Nile, sông Hằng, Trung Á, Con Đường Tơ Lụa và cả Nam Mỹ...

  • NGUYÊN QUÂNTôi đứng lại giữa vườn. Đêm mênh mông oà vỡ ánh trăng. Trăng trên thềm nhà, trăng trên ngọn lá, trên những tàng cây um tùm. “Điêu tàn, hoang vắng quá”- tôi than thầm. Hình như lâu rồi chẳng ai vun xới chăm sóc và hình như cũng lâu lắm rồi tôi mới về lại trong khu vườn đầy kỷ niệm này.

  • NGUYỄN NGỌC PHÚQuán rượu của o Tam lúc nào cũng đông khách, phần lớn là khách quen. Quán ở gần bến, thuyền câu về cập bờ chỉ nhảy ba bước đã có thể cụng bát với nhau rồi.

  • NHẤT LÂMKhông biết duyên cớ từ đâu mà cô Ngọc ở Hà Nội chạy lên Thái Nguyên rồi dừng chân dưới chân đèo Nhe mở quán qua ngày.

  • NGUYỄN NGỌC LỢI Từ đường phố chính, lối rẽ chếch trái nghiêng thoai thoải. Đoạn đường tráng nhựa được xẻ xuống giữa hai bờ đất. Phía trên, không cao lắm là những biệt thự, những kiểu dáng kiến trúc lạ mắt. Trước mỗi ngôi nhà là những khoảng sân có bồn hoa, bồn tiểu cảnh và cơ man nào là các dò lan đua nhau khoe sắc.

  • TRẦN HẠ THÁP1/ Trong một lần lên Tây nguyên đã lâu... Câu chuyện dọc đường vẫn làm tôi thao thức mãi. Đấy là lần xe hỏng. Lùi lại Quy Nhơn hoặc tiến tới thị xã Plây Ku đều phải mất nhiều tiếng đồng hồ. Bấy giờ, chỉ mới tắt mặt trời nhưng không hy vọng tiếp tục cuộc hành trình. Mọi hành khách đành phải qua đêm ở lưng chừng đèo An Khê...