Chiếc băng đô màu xanh

14:29 10/04/2009
HƯƠNG LANTuấn nhìn đồng hồ, rồi lại đi lui, đi tới không biết là lần thứ bao nhiêu trong buổi sáng này trên hành lang của Tòa án nhân dân Thành phố. Vẫn còn 5 phút nữa mới đến giờ, nhưng Tuấn có cảm giác giận Hương, có lẽ cô ta không đến, cô ta muốn gây khó dễ cho mình... Tuấn thầm nghĩ và lòng anh hiện lên một chút đay nghiến với người phụ nữ đang còn là vợ anh trong vài tiếng đồng hồ nữa.

Nhưng..., ngay sau cái suy nghĩ hẹp hòi cho người khác, Tuấn ngẩng đầu và thấy Hương đang bước qua hành lang. Đôi mắt cô ráo hoảnh, mặc dù bờ mi hơi quầng, có lẽ là hậu quả sau nhiều đêm dài thao thức cùng nước mắt và đắng cay. Tuấn hơi giật mình, rồi sững sờ nhìn người đàn bà anh đang còn quyền gọi là vợ. Hương trong bộ áo dài trắng có in hình những bông hoa leo màu tím, đầu cài chiếc băng đô màu xanh. Đã nhiều năm rồi, giờ anh mới lại thấy cô mang bộ quần áo này ra để mặc. Người phụ nữ nhếch nhác làm anh chán ngắt hàng ngày như đã biến mất. Cô gái tuổi ngoài hai mươi của ngày ấy, giờ đây hiện trước anh xinh đẹp hơn, chững chạc hơn. Vẫn bộ quần áo mà cô đã từng làm cho anh thẫn thờ bao đêm không ngủ...

Một ngày mùng tám tháng ba cách đây đã lâu. Mặc dù chỉ mới quen Hương, nhưng buổi sớm tinh mơ hôm đó Tuấn đã táo bạo tặng cô một bông hồng đỏ thắm. Anh hạnh phúc biết bao trước đôi mắt sững sờ còn đang ngái ngủ của cô gái ngây thơ trong chiếc váy ngủ màu xanh da trời.

"Chiều cho phép anh đến đón em đi chơi lúc 5 giờ nhé..."

Và chiều ấy, Hương đã trả lại cho anh gấp bội phần cái cảm giác anh cho cô từ sáng sớm. Sau một ngày chuẩn bị, chờ đợi, hồi hộp cùng những dự định thú vị của những con người sắp bước vào thế giới của tình yêu.

Tuấn đưa Hương đến một quán cà phê lịch sự, bên con đường thân quen, mặc cho sự ngạc nhiên của những người cùng lứa tuổi trong quán. Họ hãnh diện đi bên nhau, tạo cho nhau những cảm giác thật nên thơ. Họ nói với nhau thật nhiều những chuyện về công việc, về cuộc sống, về bạn bè mà chẳng hề đề cập đến tình yêu hay một cái gì đó tương tự, dù đôi lúc cả hai cùng im lặng trong một khoảng thời gian dài. Những câu chuyện vu vơ hút họ vào với nhau... Tiếng nhạc rồi cũng tắt đi. Khách trong quán ra về gần hết mà họ không hay. Vậy là một ngày lễ cũng sắp qua, nhưng những câu chuyện mà họ muốn nói với nhau hình như vẫn còn ở đâu đó thật xa vời. Sau một thoáng thả hồn vào không gian, Hương lúng túng chẳng biết làm gì. Rồi như bất chợt, cô nhẹ đưa tay lên đầu tháo chiếc băng đô có màu xanh đưa cho Tuấn. "Em tặng anh cái này để khi nào anh có người yêu, mà phải là người anh chọn làm vợ thì hãy tặng cho người ta. Có lẽ lúc đó em đã là em gái của anh rồi, để chúng ta trở thành người thân của nhau"...

Tuấn cầm trong tay chiếc băng đô Hương vừa đưa, anh bỗng trở nên vụng về không nói được gì nữa. Suốt chặng đường đưa Hương về, cả hai cùng im lặng. Tuấn hụt hẫng khi cánh cửa khép lại, ngăn cách hai người. Anh thẫn thờ ra về. Còn Hương thì thổn thức với bao điều bâng khuâng khó lý giải. Sáng hôm sau, mặc cho ai có đánh giá mình là kẻ bất lịch sự, khi những giọt sương ban mai trên giàn hoa giấy chưa kịp khô, Tuấn đã làm điện thoại nhà Hương đổ chuông."Chiều nay cho phép anh đón em lúc tan sở nhé? Anh có chuyện muốn nói với Hương. Cho anh xin lỗi vì đã gọi điện sớm như thế này".

Chiều hôm đó Tuấn đưa Hương về chỗ ngồi hôm trước, anh im lặng thật lâu trước sự lúng túng, ngạc nhiên của Hương, rồi rút từ trong túi áo ra chiếc băng đô màu xanh cài lên đầu cho cô. "Em có đồng ý làm vợ anh không?"... "Xin em đừng nói rằng anh quá vội vàng, bởi cả hai chúng ta đều đã qua cái thời học sinh nông nổi. Anh yêu em ngay từ lần gặp đầu tiên, chắc em hiểu điều đó. Chiếc băng đô này nói lên sự đồng tình của em giành cho anh. Hãy làm vợ anh nhé, cô giáo viên nhỏ bé của anh".

Hành trang Hương mang theo về nhà chồng là niềm hạnh phúc vô bờ bến. Ở bên anh, cô thấy cuộc đời cái gì cũng đẹp. Cô thầm cảm ơn ông trời đã cho mình quá nhiều. Ngày tháng cứ trôi đi, anh như thể đã trở thành máu thịt trong cô. Rồi một bé gái xinh đẹp chào đời đã tô điểm thêm cho hạnh phúc của họ. Thiên thần nhỏ bé của họ đã chiếm hết những gì là tinh túy trên khuôn mặt của ba mẹ cộng lại. Hương vô cùng mãn nguyện chẳng cần mơ ước gì hơn cái tổ ấm nho nhỏ của mình. Cô không cần biết quán xá, chẳng màng bạn bè, không tìm hiểu thời trang và âm nhạc, cũng chẳng cần nghĩ đến việc phải bổ sung thêm kiến thức cho kịp với xã hội. Cô không hề biết rằng những nề nếp, chuẩn chu trong một gia đình vẫn thường bị khập khiễng khi mà người vợ quá tự thỏa mãn với hiện tại. Cô luôn hãnh diện khi cùng chồng đi đến nơi nào đó. Sự lười biếng chăm sóc bản thân của cô đã làm cho Tuấn phải đi bên một người vợ có phần luộm thuộm nhếch nhác. Cô nhìn cuộc đời đẹp quá mà quên đi những cái thực tế trong cuộc sống. Càng ngày, Tuấn càng tươm tất thì Hương càng lôi thôi. Cô chẳng có gì đáng so sánh khi mà các bạn đồng nghiệp của Tuấn bàn tán về các sếp bà ở nhà. Có lần anh chủ động đề nghị Hương: "Em cần phải mua thêm mấy bộ quần áo thời trang. Dáng em mặc gì cũng đẹp, nhưng phải có vài bộ tủ chứ?". "Nếu thế, sẽ nhiều người thấy em đẹp, mà em thì chỉ thích mình anh nhìn thấy em đẹp thôi". "Anh biết rồi, nhưng đôi khi cũng phải để anh hãnh diện vì em nữa chứ!". "Vậy thì em xin tuân lệnh đức lang quân..."

Hôm sau, Tuấn hồi hộp mong đến giờ tan sở để về nhà ngắm cô vợ xinh đẹp của mình. Ai ngờ, vừa bước vào phòng, anh thấy Hương nằm xoãi trên giường, mệt mỏi bên đống quần áo mới mua vừa của đàn ông, vừa của con nít."Áo quần của em đâu?". "Em chẳng chọn được cái nào. Để từ từ rồi sắm cũng không muộn, nhân tiện em thấy mấy cái này đẹp mua cho anh và con"

Tuấn làm sao có thể trách Hương được. Những cảm giác hạnh phúc, hãnh diện ấy hình như nó đang còn ở đâu xa vời lắm. Chỉ còn sự chịu đựng chán nản đè lên anh. Tuấn thả mình xuống giường và nghĩ về những chiếc áo váy được nhìn hàng ngày ở công sở, trên đường phố... với một cảm giác bồng bềnh, mơ hồ. Và những đêm bên nhau, anh muốn cùng vợ nói chuyện về chính trị, về thời sự, nhưng những câu chuyện bắt đầu chưa lâu thì đã được chuyển sang một đề tài nào đó trong căn nhà của họ. Nào bé Lan Anh lớn lên sẽ hướng nó theo học ngành gì, em sẽ học cách tết tóc để năm nó mười tuổi em sẽ làm công việc đó hàng ngày cho con. Nào là ngày mai anh thích ăn món gì... Trong khi Tuấn đang muốn vợ cho mình một lời khuyên về những rắc rối nho nhỏ anh thường gặp ở cơ quan. Hương say sưa đến nỗi cô chưa bao giờ phát hiện sự thất vọng hiện trên nét mặt chồng.

Những chuyện tưởng nhỏ, nhưng nó lại xảy ra hàng ngày trong cuộc sống, quả sẽ là cực hình cho những ai đang cảm thấy chán nó. Xã hội ngày càng phát triển, người phụ nữ cũng đang cùng giới mày râu tranh đua với thời cuộc. Chỉ có Hương ngoài giờ lên lớp, tầm nhìn của cô không quá cánh cổng nhà. Cô không biết đến quán xá. Cô nhìn sự phát triển của xã hội như nhìn một sự đua đòi vô bổ. Bằng cấp không thêm, cô cho mình là người phụ nữ chuẩn mực mà không biết mình đang dần dần tụt hậu so với thời cuộc. Còn Tuấn, dưới bàn tay chăm sóc của vợ, anh đến cơ quan với một dáng vẻ luôn tươm tất. Anh được quyền giành hết thời gian cho công việc. Ngoài việc tập trung làm tốt công tác của một nhà báo, Tuấn có điều kiện học tập, bổ sung thêm nhiều kiến thức. Cuộc sống của vợ chồng anh ngày một khập khiễng, hình ảnh Hương cứ mờ nhạt dần trong anh. Bên cạnh anh là những người phụ nữ thông minh, lanh lẹ, lại có thẩm mỹ trong nhiều lĩnh vực.

Tuấn quen Châu trong một chuyến đi thực tế ở Hà Nội. Châu cũng là phóng viên như anh. Châu tuy không đẹp, nhưng cô vừa trẻ lại vừa biết cách giao tiếp. Cô ăn mặc không theo mốt nhưng rất cầu kỳ và kín đáo. Ở bên nhau họ nói chuyện về thời sự, về bài vở... Một người phụ nữ hợp thời trên đất Thủ đô với bao cơ hội thăng tiến, thật là chênh lệch khi đem so sánh với cô vợ vụng dại của mình ở nhà, huống gì đã từ lâu Tuấn chỉ thấy một sự chán ngắt khi phải giáp mặt vợ. Tuấn suy nghĩ rất kỹ khi quyết định chia tay với Hương. Anh tin rằng tuy cha mẹ chia tay, nhưng được sống thật với lòng mình và làm tròn trách nhiệm của người cha vẫn hay hơn một ngày nào đó con anh biết rằng anh chỉ giả dối với gia đình.

Bộ áo dài không mới, nhưng cũng không cũ so với tháng năm nó đã đi qua. Chỉ có người mặc nó như tái hiện hình ảnh một người phụ nữ chuẩn mực mà năm xưa Tuấn hằng ngưỡng mộ. Dù vừa trải qua bao đắng cay của cuộc sống ảo ảo thực thực nhưng Hương vẫn xinh đẹp. Nét đẹp của cô toát lên một vẻ chín chắn dù đã quá muộn. Giờ đây cô xuất hiện trước Tuấn còn bí ẩn hơn cả thiên thần sắc đẹp năm xưa của anh. Cô hầu như chỉ lặp đi lặp lại một động tác điềm tĩnh là gật nhẹ đầu sau một tiếng “dạ” nhỏ trước những vấn đề nêu ra của người thẩm phán. Ngược với Hương, Tuấn trở lên lúng túng hơn ngoài dự định của anh.

"Tòa quyết định cháu bé sống với mẹ, hàng tháng anh phải góp tiền để nuôi cháu. Hai người không có khiếu nại về tài sản nên tự giải quyết. Kể từ bây giờ hai người không còn là vợ chồng".

Nước mắt Hương rơi xuống sau câu nói cuối cùng của người thẩm phán. Cái người đàn ông bên cạnh không còn là chồng của cô nữa kể từ giờ phút này. Cô lại gật nhẹ đầu sau một tiếng “dạ” nhỏ. Thật khó để làm quen với điều đó, bởi anh trong cô đã là máu là thịt. Cuộc sống của cô đã từng là của anh. Giờ đây cô cảm thấy bất lực không thể níu kéo nó lại được nữa. Cô khẽ quay người rồi bước ra khỏi phòng, khi Tuấn đang còn muốn nói thêm một điều gì đó trước tòa với cô. Nước mắt cô vẫn rơi theo từng bước chân nhẹ nhàng đi xuống cầu thang. Không một tiếng nấc, không một lần ngoái đầu nhìn lại, cô ra đi trong sự chấp nhận nhẹ nhàng như số phận đã an bài. Tuấn đứng chững lại rồi chạy nhanh theo Hương...

Giữa những giọt lệ đắng cay, cô nở một nụ cười khiến anh đau xé lòng.

Cô nghẹn ngào rồi bước đi không chào anh. Cô đi mà không trả lại chiếc băng đô cho Tuấn như đáng lẽ cô phải làm. Tuấn sững sờ trong giây lát rồi lẳng lặng bước những bước chân nặng nề. Sự hồ hởi với thành công mà anh đạt được trong mong đợi như chưa từng thoáng có trong anh. Hình như không phải chỉ thiên thần ngày xưa của anh đang sống lại, hiện ra trước mắt anh, mà cả chàng trai hồn hậu, chân chất năm ấy trong anh cũng hiện về, để chới với trong không gian chứa đầy cái thực của cuộc sống./.         

H.L

(200/10-05)

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • NGUYỄN ĐẶNG MỪNG     Để tưởng nhớ nhà thơ Hoàng Cầm

  • PHAN THỊ THU QUỲVợ chồng Bình và Lựu đang sống ở Kim Long một làng ven sông Hương thơ mộng, nổi tiếng có quán ăn ngon, khách lui tới tấp nập. Cả hai người lòng buồn tê tái khi Bình có lệnh đổi vô Tây Nguyên. Tốt nghiệp đại học Luật xong Bình bị chính quyền cũ bắt vô lính, chạy mãi được làm lính văn phòng tại quê, nay phải đi xa thật lo lắng, buồn nản. Mai Bình phải lên đường cấp tốc. Ôi! Rủi ro, khác gì một hoạn nạn đến.

  • THÁI NGỌC SANSau khi trở về quê cũ một thời gian bà Phán trở thành trung tâm chú ý của mọi người. Trước hết là bọn con nít. Chúng cứ hô váng lên “mệ Phán muôn năm” mỗi khi bà mua kẹo vung vãi cho chúng.

  • PHẠM PHÚ PHONGTôi ngồi bất động, tựa như nuốt phải một cây gậy, người cứng đờ, im lặng, cho đến khi bản nhạc chấm dứt. Nguyễn Hương cũng im lặng ngồi đối diện góc tường, châm thuốc hút. Mới mấy năm không gặp, bây giờ trông anh đã khác hẳn. Đầu tóc hớt cao, lưỡng quyền nhô ra. Thời gian đã kịp cày xới, để lại trên trán anh những đường rãnh nhỏ.

  • PHẠM XUÂN PHỤNGĐúng ra, ông cụ Trần Bảo phải có đủ tám người con và người con cuối cùng phải có tên là VÈ mới đủ bộ. Bây giờ gọi tên bảy người con của cụ, nghe cứ thiếu thiếu chút gì: Đờn, Ca, Múa, Hát, Thơ, Ka, Hò. Chấm hết! Tức anh ách, tức nghẹn ngào!

  • NGUYỄN HỮU HỒNG MINH                Tặng anh Tạ Công ThắngMọi thứ, mọi tình huống có thể diễn ra bất cứ lúc nào như bản chất trôi chảy của cuộc sống cho dù bạn không hề mong muốn. Như truyện ngắn này, tất cả được phát hiện, ngắm rọi trong một ngày đẹp trời.

  • NGUYỄN QUANG LẬPĐời tôi có chi mà kể ông, sau khi thoát chết hàng trăm trận, vốn có chút ít kinh nghiệm tác chiến, được học qua học viện quân sự cao cấp, tôi về làm tư lệnh sư đoàn, thế thôi.

  • TRẦN THÙY MAIDường như chẳng bao giờ Hà Nội lại rét cắt da như mùa đông năm ấy. Tôi và Ngân chuẩn bị ra xuân sẽ cưới nhau.

  • LÝ HOÀI XUÂNChị Hạnh hơn tôi những mười tuổi; nghĩa là năm chị biết nhảy cò cò, chơi ô quan thì tôi “oa oa” cất tiếng chào đời. Nghe đâu khi tôi còn ngậm vú mẹ, thỉnh thoảng chị bồng tôi đi chơi nhà hàng xóm.

  • VŨ THANH HOA1. Bà thầy bói xòe bàn tay có các móng tô đỏ trầy xước, vuốt nhẹ những con bài úp lên nhau thẳng tắp, đoạn bà nhắm mắt, miệng khấn lầm rầm...

  • LÊ MINH KHUÊ- Anh thấy cậu như thằng bị điện giật ảnh hưởng não bộ thần kinh suốt mấy ngày ù lì ủ rũ. Sao từ hôm bay về Miami đến nay cậu đốc chứng thế. Thật khác hẳn mọi lần. Nghĩ đi nghĩ lại thấy thời gian cho mỗi đời người đâu có bao la bát ngát mà thấy thằng như cậu không tính đếm đong đo rồi yêu đời mà sống.

  • DƯƠNG THÀNH VŨTiếng súng đã ngưng bặt từ lúc trời sẫm tối. Bị kẹt lại ở khu vực giáp ranh ngoại ô thành phố, người lính ẩn mình vào hàng rào dâm bụt, ở góc vườn sau một ngôi nhà tường xây mái ngói theo kiến trúc cổ truyền.

  • LƯU QUANG VŨCả hai vợ chồng anh Tuyến đều rất yêu văn học. Điều đó khiến tôi cảm tình, nể trọng vợ chồng anh. Nhất là trong thời buổi này, tôi thấy quanh tôi chẳng còn được mấy người như vợ chồng anh Tuyến.

  • Nhà văn Dạ Ngân nghỉ việc công sở mấy năm nay, trở về tổ ấm của mình lặng lẽ “chép” lại những vết son trên chặng đời đã qua. Truyện gửi tới Sông Hương dưới đây là góc nhìn rất hẹp về chiến tranh song mở ra trước độc giả nhiều ngã rẽ với một Xuân nữ lỡ mang kiếp đào hoa mà bạc phận cho những người đàn ông từng “hành quân” qua cuộc đời chị. Trân trọng giới thiệu.S.H

  • CAO LINH QUÂNCó một con Dã Tràng sống ngoài bãi biển Nha Trang.

  • HÀ KHÁNH LINHĐàn ông tích khí là ngọc, đàn bà tích khí là tặc. Cha nói với mẹ như thế về cô, rồi khen cô suốt một đời trinh bạch, mà vẫn giữ được nết hạnh đoan trang, hiền hòa, dịu dàng và vui vẻ, chứ không khó tính như những phụ nữ có hoàn cảnh tương tự.

  • NGÔ THỊ KIM CÚCCó ba người bên trong căn phòng nhỏ ấy, căn phòng tập thể dành cho cán bộ độc thân, rộng không đến mười mét vuông. Cửa phòng đóng kín, để chỉ có họ với nhau, cùng những đồ dùng khiêm tốn.

  • ĐÔNG HÀThả xuống con đường đất đỏ lô hàng cuối cùng xong, tôi rồ ga chạy nhanh vào phía nhỏ hơn của con đường dài ngoằng từ đây về rẫy. Năm mươi cây số cho ba chục phút giữa hun hút rẫy rẫy và rẫy không khó, nhưng sẽ lớ quớ nếu tay lái chệch vào gốc cây đâu đó trong bóng tối chập choạng nhô ra. Nơi đó An đang đợi tôi.

  • HÀ KHÁNH LINHNgười lính canh chuyển dịch thế đứng của mình trong phạm vi một viên đá lát, khẽ ngửa mặt nhìn vầng trăng vừa ra khỏi đám mây đang dịu dàng tỏa ánh sáng xanh biếc xuống thanh đoản kiếm - chuôi nằm gọn trong lòng tay anh, mũi cắm xuống mặt đá.

  • NGUYỄN NGỌC LỢIVùng quê đó mấy năm nay có nhiều người đổi đời nhờ nghề mua bán đồ đồng nát. Sắt thép nhôm nhựa, mua đi bán lại cũng thành nhà thành xe... Người ta đập nhà cũ xây nhà mới, mua ô tô, lên đời xe máy... làng xóm đêm ngày rộn rịch chuyện làm ăn buôn bán.