Chí Phèo-hiện thân của bản ngã vô can

11:37 12/03/2008
Chúng tôi cho rằng trong lịch sử văn học Việt chỉ có Chí Phèo mới là một hình tượng đích thực. Chí Phèo là hiện thân của sự tồn tại vĩnh cửu của bản ngã VÔ CAN. 

Chí Phèo - Thị Nở trong tranh Hoàng Minh Tường

Từ trước tới nay, con người luôn tìm kiếm những mẫu người lý tưởng bằng xương bằng thịt, tồn tại trong đời sống thực để ký thác những giá trị tâm linh tiềm ẩn, những xung lực tâm lý sâu sắc mà với những hoạt động thường nhật của nó không thể nào dung nạp được. Nhưng con người luôn thất bại. Thay vì điều đó, nó đã sáng tạo các hình tượng chính trị, tôn giáo, đạo đức, văn học, nghệ thuật để thỏa mãn cuồng vọng của mình. Trong các loại hình tượng trên chỉ có hình tượng văn học nghệ thuật mới tồn tại đích thực bản thể người của nó
Chúng tôi cho rằng trong lịch sử văn học Việt chỉ có Chí Phèo mới là một hình tượng đích thực. Chí Phèo là hiện thân của sự tồn tại vĩnh cửu của bản ngã VÔ CAN.
Nếu so sánh với các hình tượng văn học trước đó, Chí Phèo không giống các hình tượng tướng lĩnh, các hiệp sĩ, các anh hùng hảo hán theo kiểu Lục Văn Tiên hay Từ Hải trong văn học cổ, các nho sĩ, thư sinh trong chuyện nôm khuyết danh, hay các cậu ấm của dòng văn học lãng mạn trong những năm đầu thế kỷ. Tất cả họ đều sống theo những tôn chỉ chính trị và đạo đức Nho giáo. Hay nói đúng hơn họ là những phương tiện để chở cái “đạo” theo quan niệm của Nho giáo.
Theo tôi, Chí Phèo là hình tượng văn học theo đúng nội dung, bản chất của khái niệm. Bản thân hắn ta không mang trong mình bất cứ một định đề tôn giáo, chính trị, đạo đức nào có sẵn. Trước hết hắn ta tồn tại như bất cứ sự vật nào. Mọi hành vi của Chí Phèo dù lúc tỉnh hay lúc say, dù ở nhà mình, ở ngoài miếu, khi đi mua rượu chịu hay là đến xin đểu cha con Lý Cường... cũng chỉ là cái cách tồn tại của một Chí Phèo làng Vũ Đại Việt . Hắn ta chưa bao giờ biết mình sinh ra để làm gì, và có thực sự đang tồn tại trên thế gian này hay không.
Câu tuyên ngôn cuối cùng của Chí Phèo ở nhà Bá Kiến trước lúc hắn rút dao ra đâm chết lão Bá để rồi tự đưa mình về cõi vĩnh hằng của chúng sinh là: “Tao cần lương thiện”. Thực ra Chí Phèo chưa bao giờ là kẻ ác, ngay cả khi hắn đi cướp giật  hay xin đểu. Một người như Chí Phèo chẳng thể nào ác với ai được. Hắn ta không có mưu đồ hại người thì làm sao có thể làm được điều ác. Cái ác chỉ có thể có ở kẻ mạnh tiền của, quyền lực và mưu mẹo. Những thứ đó Chí Phèo chưa bao giờ có. Sự trớ trêu của cuộc đời là người lương thiện đến với Chí Phèo luôn bị ám ảnh mình là một kẻ bất lương. Còn những kẻ bất lương như gia đình lão Bá lại luôn cho mình là lương thiện. Do đó hắn mới đòi “lương thiện” ở lão Bá. Nỗi ám ảnh của Chí Phèo là một đối trọng tất yếu của cơ sở kinh tế xã hội, các thiết chế chính trị và đạo đức lúc bấy giờ. Nếu những kẻ như gia đình lão Bá là người thì những kẻ như Chí Phèo là con giun con dế và ngược lại. Nhưng dù là giun dế, sâu mọt hay là người thì trước hết phải tồn tại. Cuộc chiến giữa một bên là Năm Thọ, Binh Chức và Chí Phèo và bên kia là những Đội Tảo, Tư Đạm, Bát Tùng và cha con nhà Bá Kiến, không đơn giản chỉ là cuộc đấu tranh giai cấp như các nhà nghiên cứu trước đây thường nghĩ, mà theo tôi trước hết đó là cuộc vật lộn sinh tồn. Tính chất của cuộc vật lộn này gay gắt, quyết liệt, và sâu sắc hơn nhiều những cuộc đấu tranh vì các quyền lợi kinh tế, chính trị và đạo đức. Trong cuộc chiến tranh sinh tồn chưa hẳn kẻ có nhiều tiền của , quyền lực và lắm mưu mẹo lúc nào cũng thắng. Rõ ràng Chí Phèo luôn dồn cha con Bá Kiến vào thế chân tường, mặc dù thế và lực của họ luôn tỏ ra mạnh hơn hắn. Họ luôn phải xuống thang từng bước để cuối cùng lão Bá nhận lấy cái chết giản đơn, như là kết thúc tấn bi hài kịch của một loại thú hình nhân. Chí Phèo chống lại Bá Kiến không vì những cái mà trước đây người ta vẫn tưởng: Cần tiền uống rượu thì lão Bá đã cho, cần ruộng vườn nhà cửa thì cũng đã có. Vậy Chí Phèo còn cần gì nữa? Một mụ đàn bà ư? Thì đã có Thị Nở đấy thôi. Cái duy nhất mà Chí Phèo cần là “lương thiện”.
Nhưng nếu “lương thiện” chỉ là những quan hệ giao hòa với đồng loại thì Chí Phèo đâu có thiết. Hắn không chỉ đối xử tử tế với Thị Nở mà còn đem lại hạnh phúc cho thị để đến khi hắn chết đi thị vẫn thầm biết ơn là mình đang mang trong người một hòn máu của Chí Phèo. Hắn cũng không phải là kẻ luôn gây sự với những người dân lành chỉ biết làm lụng, kiếm ăn sinh sống.
Vậy cái “lương thiện” mà Chí Phèo đòi hỏi ở đây là gì? Công bằng xã hội ư? Chắc chắn là không vì Chí Phèo không có mảy may một chút ý thức về xã hội, thì làm sao hắn có thể đứng ra đòi công bằng cho xã hội. Và chắc chắn Chí Phèo cũng chưa bao giờ có ý thức cần phải đấu tranh chống lại một giai cấp thống trị như nhiều nhà nghiên cứu trước đây vẫn khẳng định điều này như một chân lý vĩnh hằng. Cũng cần phải nói rằng cách tiếp cận văn học theo kiểu xã hội học dung tục, đem các thước đo chính trị, đạo đức để thẩm định giá trị hình tượng nghệ thuật, cố tình bằng mọi cách để chứng minh cho các định đề tư tưởng và đạo đức có sẵn đã từng làm cho các hình tượng văn học trở nên méo mó, mất hẳn tính nhân bản của nó- cái làm nên giá trị đích thực và sâu sắc nhất của hình tượng văn học. Chính vì thế kết quả những phương pháp nghiên cứu này đã làm cho bao thế hệ công chúng hiểu sai hình tượng, tác phẩm văn học và tác giả hiện còn rất phổ biến ở nước ta từ trước đến nay. Đã từ lâu người ta qui cho Chí Phèo đủ mọi thói hư tật xấu và kể cả những cái hay cái tốt mà hắn ta không hề có hoặc chí ít bản thân hình tượng Chí Phèo của Nam Cao cũng không hề nói lên điều đó. Chẳng hạn, nhiều nhà nghiên cứu qui cho Chí Phèo là kẻ vô chính phủ, là hạng người dưới đáy xã hội, là kẻ méo mó về nhân cách, suốt đời lúc nào cũng say khướt... hay Chí Phèo là kẻ đại diện cho những người nông dân thời kỳ trước Cách mạng tháng Tám dám đứng lên đấu tranh chống lại bá Kiến- kẻ đại diện cho giai cấp thống trị v.v và v.v. Những suy nghĩ như vậy thực chất là sự suy diễn và áp đặt vô lối. Chí Phèo không phải là kẻ vô chính phủ. Hắn không chống lại xã hội cũng không chống lại giai cấp thống trị. Dưới con mắt của hắn, xã hội chỉ là một đám hỗn mang không có trên, không có dưới, không có trật tự kỷ cương, không có đúng, sai, phải, trái... không có kẻ thống trị cũng không có kẻ bị trị, mà chỉ có các sinh thể đang tồn tại. Một người như Chí Phèo không cha, không mẹ, không người thân thích, không được giáo dục, học hành từ khi sinh ra cho đến lúc chết, làm sao có thể hiểu được bất công và công bằng. Và hắn cũng không thể nào hiểu nổi cái khốn khổ, khốn nạn của mình và của người là do đâu. Thực ra Chí Phèo chưa bao giờ để tâm đến việc đó. Hắn chỉ đòi làm một CON NGƯỜI đích thực, theo đúng nghĩa của nó. Hắn chưa từng sống theo bất cứ một tôn chỉ đạo đức, chính trị hay tôn giáo nào. Khát thì uống. Uống rượu cũng chẳng sướng gì hơn uống nước lã. Rượu làm cho hắn say, say rồi chửi, chửi rồi ngủ, rồi làm tình với Thị Nở và cuối cùng là đâm chết Bá Kiến và tự kết liễu đời mình.
Chính Bá Kiến cho hắn tiền để uống rượu mới là mưu đồ của những kẻ bốn đời làm lý trưởng như y. Thực ra đấy là cách giết người của những kẻ ác tâm, nhiều tiền của, quyền lực và mưu chước nhưng lại không ý thức nổi bản ngã của chính mình. Chí Phèo đâu có nghĩ được rằng cần phải chống lại Bá Kiến như những kẻ thống trị hắn, làm cho hắn khổ. Kể cả ý thức về sự sướng- khổ, hạnh phúc- bất hạnh... chỉ là những cái sau này người ta áp đặt cho hắn. Từ khi sinh ra cho đến lúc lìa khỏi cõi đời này, Chí Phèo luôn sống theo cái mình muốn- tức là sống theo bản năng tồn tại của chính hắn. Muốn uống rượu có rượu, muốn tiền có tiền; muốn làm tình, có thị Nở, muốn nhà cửa ruộng vườn thì cha con lão Bá cho ngay và cuối cùng muốn chết cũng không hề khó khăn đối với hắn. Cái khổ của Chí Phèo không phải là thiếu một cái gì đó, mà chính là cái khổ của kiếp người, cái khổ của chúng sinh.
Thử làm một phép so sánh giữa Chí Phèo và Bá Kiến xem ai sướng, khổ hơn ai. Giữa hai sinh thể này không có sự hơn kém nhau về sướng- khổ, hay- dở, hạnh phúc- bất hạnh, mà chỉ có biểu hiện khác nhau của các quan niệm về những vấn đề này mà thôi. Là người sinh ra trong một gia đình đã bốn đời làm lý trưởng như cha con Bá Kiến, cả làng xã, huyện phủ ai cũng kiềng mặt, chỉ trừ có Chí Phèo. Nhưng thử hỏi mấy ai tôn trọng và quí mến chúng. Là một người lương thiện chắc chắn điều đầu tiên cần phải biết là không nên ăn thịt đồng loại. Vì qui luật sinh tồn “ăn miếng phải trả miếng” không bằng cách này thì cách khác. Cái chết của Bá Kiến chứng tỏ hắn không đáng làm người mà chỉ đáng làm một con vật mà thôi. Bá Kiến chết như một con chó bị cắt tiết không hơn không kém. Hỏi như vậy là sướng hay khổ? Còn Chí Phèo cảm thấy mình không còn là người nên hắn đã tự hóa thân làm kiếp khác thì có gì là khó và khổ đâu.
Cái khổ của Chí Phèo không phải là ở kinh tế hay đạo đức mà chính là sự dằn vặt trong bản thể tồn tại với tư cách người của hắn. Những mặc cảm về thân phận làm người luôn ám ảnh. Một sự ám ảnh chìm sâu trong vô thức. Uống rượu, ăn vạ, làm tình, giết người và tự giết mình là một chuỗi kết nối các hành động vô thức. Chí Phèo ăn vạ không phải để đòi quyền lợi, uống rượu không để thưởng thức rượu ngon, làm tình với Thị Nở không phải để kiếm người nối dõi tông đường; cũng không để chứng tỏ hắn và thị yêu nhau, mà chỉ đơn thuần là hắn cần phải làm như vậy. Cuối cùng hành động giết Bá Kiến đối với hắn không nhằm mục đích trả thù cho gia đình, dòng họ, bởi vì hắn làm gì có những thứ đó; hay chống lại bất công đòi quyền bình đẳng xã hội, đòi tiền bạc, quyền lực. Chẳng qua bản ngã tồn tại của Chí Phèo bị dồn nén tích tụ trong vô thức đến mức hắn không thể làm khác được. Cần phải thấy rằng, nếu người nào đó ý thức rõ rệt về các quan hệ kinh tế, chính trị, xã hội, đạo đức và tôn giáo thì chắc chắn không thể nào có sức mạnh hành động như Chí Phèo. Đối với hắn không thể có một thế lực nào ngăn cản trên con đường đi đến khẳng định bản ngã của chính mình. Con đường rong ruổi đến cõi tự do tuyệt đối của Chí Phèo chỉ là một qúa trình giải Stress mà tiền kiếp đã ký thác vào thực thể người của hắn. Chí Phèo không phải là kẻ đại diện cho một đẳng cấp xã hội nào. Hắn ta chỉ là một sứ giả khoác trên mình bức thông điệp về thân phận làm người. 
Trong văn học thế giới hình tượng Hamlet của Shakespeare, chàng công tử nước Anh khi biết rõ người chú là kẻ giết cha mình để lấy mẹ thì luôn dằn vặt đau khổ. Chàng luôn tự căn vặn “To be or not to be”. Nhưng đấy là sự dằn vặt về ý thức danh dự, lớp hào quang mà giới quý tộc nước Anh thời bấy giờ đã khoác trên người chàng. Sự dằn vặt của Hamlet để tìm kiếm các giá trị đạo đức và chính trị đương thời hơn là các giá trị nhân bản. Đấy là những vấn đề nhận thức các quan hệ xã hội chứ không phải là những vấn đề bản thể tồn tại. Hamlet đã cho diễn lại vở kịch để nhận chân chính xác thủ phạm, rồi tìm cách trả thù cho cha của chàng. Việc làm này không hề nhằm mục đích bảo vệ bản ngã của anh ta mà là sự bảo tồn danh dự cho dòng họ, cho giới quí tộc Anh thời phục hưng. Sự cảnh báo cuối cùng của Hamlet là loài người hãy “hoài nghi” tất cả. Đúng là như vậy. trong thực trạng của Hamlet cần phải hoài nghi các định chế chính trị, tôn giáo và đạo đức của xã hội đương thời. Âu đấy cũng là một sự mong cầu mang ý nghĩa đạo đức hoặc cùng lắm cũng chỉ mang ý nghĩa nhận thức luận.
Còn Chí Phèo  không mưu chước, không mong cầu, đòi hỏi về đạo đức, danh dự cá nhân, gia đình và dòng họ. Hoàn toàn khác với Hamlet, chàng luôn trăn trở về cái chết của cha mình như là một sự oan ức trái với lẽ phải thông thường, một sự xuống cấp của đạo đức xã hội. Còn Chí Phèo dằn vặt, trăn trở để được tồn tại như một sinh thể đích thực, chưa hề biết đến các quan hệ kinh tế, chính trị, xã hội, đạo đức và tôn giáo. Hắn ta không căn vặn về việc không có cha mẹ, người thân, thậm chí cả miếng ăn để nuôi sống cái xác thịt đã lù lù ra đấy, hắn ta không hề bận tâm. Có thì ăn, khát thì uống, uống đến chán, đến say, còn thì vứt bỏ, hết thì đi xin, không cần lo toan định liệu, không biết quá khứ không cần tương lai, chỉ có hôm nay mới là hiện hữu. Thế thì hắn cần gì cái thứ đạo đức, nhân cách giả tạo do các người bày đặt ra. Hắn làm gì có danh dự và phẩm giá để dằn vặt và đau khổ như những chàng công tử phong kiến. Ngay cả việc giản đơn là đi đúng đường thì đối với Chí Phèo xem ra cũng là một cái gì đó xa vời, nằm ngoài ý thức của hắn. Kết cục hắn định đi đến nhà bà cô để tìm Thị Nở, kẻ duy nhất có thể làm thức dậy bản tính người trong hắn, thì bóng ma vô thức đã ám ảnh đưa hắn đến nhà Bá Kiến. Hành động đâm chết Bá Kiến của hắn cũng là vô thức, vì lão Bá làm gì có thù oán cá nhân với hắn, thậm chí còn có thể là bố đẻ ra Chí Phèo, như một số người đã nghĩ. Ý kiến này là khả lý. Chí Phèo cũng không hề ý thức được lão Bá là kẻ bóc lột và đầy ải hắn. Vậy là hành động giết người và tự giết mình của hắn là sự giải tỏa khát vọng làm người đã dồn nén, tích tụ trong bản năng vô thức của hắn từ bao đời nay mà chưa thực hiện được!
Thị Nở cũng là một thực thể tồn tại đồng đẳng về mặt phẩm chất với Chí Phèo. Hai thực thể này cộng sinh với nhau đã làm bật dậy cái nhân bé xíu như một tín hiệu vô ngôn khiến người đời có thể nhận ra họ là những thực thể đang tồn tại trên thế gian này. Đối với họ làm gì có tình yêu. Ngay cả sự ân ái, để rồi cuối cùng Chí Phèo ký thác giọt máu của mình vào Thị Nở cũng chỉ là một hành vi bộc lộ bản năng sinh tồn trong vô thức của hắn chứ không phải bộc lộ những khía cạnh tâm lý như người ta đã tưởng.
Thực chất những biểu hiện của quá trình bộc lộ tâm lý, tính cách của họ mà độc giả đã nhận được lại là phần gia vị thêm vào món cháo triết học mà chỉ có thiên tài của Nam Cao mới tạo dựng nên được. Toàn bộ tác phẩm, ngoài những câu chửi và những câu đòi lão Bá cho “lương thiện”, còn có một vài câu Chí Phèo nói với Thị Nở sau cái đêm thực hiện hành vi sinh tồn của hắn. Chính nhờ những câu nói đấy mà công chúng mới được đón nhận một Chí Phèo bằng xương bằng thịt, vừa gần gũi, vừa xa lạ ở cái làng Vũ Đại, Việt này. Nhưng cách tỏ tình ấy xem ra không phù hợp với logic phát triển nội tại của bản ngã Chí Phèo. Vì sức mạnh của hắn là vô ngôn.
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni tiến tới cõi vĩnh hằng bằng con đường tu luyện từ hữu ngôn đến vô ngôn, đấy là sự tu luyện của trí tuệ, có ý thức rõ ràng về bản ngã, song con đường dẫn Thích Ca Mâu Ni đến cõi Niết Bàn thật cao siêu và gian truân vất vả. Nhưng âu đấy cũng chỉ là một trong trăm nghìn con đường để tiến đến bản ngã. Và cách trở về bản ngã của Chí Phèo cũng là một con đường đắc dụng và độc đáo. Chí Phèo là người Việt duy nhất trên thế gian này có thể đi lùi để trở về với bản ngã. Xét cho cùng trong vũ trụ vô thường thì tiến hay lùi chỉ là các qui ước đầy tính chủ quan của con người. Những thước đo giá trị ấy là đúng nhưng chỉ có thể áp dụng đối với con người. Còn đối với bản thể vũ trụ nó hoàn toàn vô nghĩa. Nếu lấy con người hiện hữu làm mốc giới và bản thân con người hiện hữu ấy đã chứa sẵn phôi của bản thể vũ trụ thì sự đạt tới bản ngã xét cho cùng chỉ có một. Nếu có sự phân biệt nào đấy chỉ là các dạng thức và quá trình khác nhau tiến tới bản ngã mà thôi.
Mọi con đường tiến tới bản ngã đều phải vượt qua những lẽ phải thông thường, vượt qua sự ràng buộc của các quan hệ chính trị, kinh tế, xã hội, đạo đức và tôn giáo, rũ bỏ tất thảy những nhiễu nhương thường nhật. Chí Phèo đạt đến sự thắng lợi của bản ngã tự nhiên lại mang tính chất cảnh báo về giới hạn của hai trạng thái: Tồn tại và ý thức về sự tồn tại đó. Cũng vì thế nó mang tính chất phổ quát, có giá trị triết học sâu sắc. Chúng ta biết rằng hình tượng tôn giáo, chính trị và đạo đức dù viên mãn đến mấy cũng chỉ đạt đến sự thức tỉnh của ý thức về “chân- thiện-mỹ”. Hay nói một cách khác nó cũng chỉ đạt đến sự ý thức về bản ngã. Còn hình tượng văn học viên mãn là đạt đến bản ngã. Về khía cạnh này hình tượng văn học nghệ thuật sâu sắc và đa chiều hơn so với các loại hình tượng khác, do tính chất đặc thù của phương thức tư duy nghệ thuật qui định cùng với năng lực thụ cảm đặc biệt của nhà nghệ sĩ thông qua những trải nghiệm cá nhân ý thức và vô thức, lắng đọng tự nhiên trong anh ta tạo nên tính chất đa tầng của hình tượng nghệ thuật.
Như vậy, trong trò chơi ú tìm săn tìm bản ngã, Chí Phèo là hình tượng duy nhất trong văn học Việt Nam đã làm được một việc phi thường là tự trở về với bản ngã chính mình. Kết cục cái “lương thiện” mà Chí Phèo đòi chính là bản ngã đích thực, cái luôn tiềm ẩn và thường trực trong vô thức của hắn ta.
ĐỖ NGỌC YÊN
(nguồn: TCSH, 1.1999) 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • ANNIE FINCH  

    Chúng tôi khát khao cái đẹp thi ca, và chúng tôi không e dè né tránh những nguồn mạch nuôi dưỡng chúng tôi. Chúng tôi sẵn sàng với chủ nghĩa Toàn thể hình thức (omniformalism), cho một thi pháp phong phú và mở rộng, giải phóng khỏi những doanh trại của những cuộc chiến thi ca đã chết rấp.

  • Chuyên luận THƠ NHƯ LÀ MỸ HỌC CỦA CÁI KHÁC (Nxb. Hội Nhà văn - Song Thuy bookstore, 2012, 458tr) gồm ba phần: Phần một: THƠ NHƯ LÀ MỸ HỌC CỦA CÁI KHÁC, Phần hai: CHÂN TRẦN ĐẾN CÁI KHÁC, Phần ba: NHỮNG NẺO ĐƯỜNG CỦA CÁI KHÁC.

  • NGUYỄN QUANG HUY

    (Khảo sát qua trường hợp "Người sông mê" qua cái nhìn của lí thuyết Cổ mẫu)

  • NGUYỄN HỮU TẤN

    Trong buổi lễ mừng thọ thất tuần, Sigmun Freud đã từng phát biểu: “Trước tôi, các thi sĩ và triết gia đã sớm phát hiện ra vô thức, còn tôi chẳng qua cũng chỉ khám phá ra những phương pháp khoa học để nghiên cứu vô thức mà thôi”.

  • Tóm lược bài nói chuyện trao đổi một số vấn đề về tình hình văn học Xô viết những năm 80, đặc biệt là sau Đại hội 27 của GSTS V. Xmirnốp trong chuyến thăm Huế với Chi hội Nhà văn Bình Trị Thiên của đoàn cán bộ Học viện văn học Gorki (Liên Xô cũ) do nhà thơ Valentin Xôrôkin, phó Giám đốc Học viện và GSTS Vladimia Xmirnốp đã sang Việt Nam giảng dạy tại trường Viết văn Nguyễn Du năm 1987.

  • Tỳ kheo THÍCH CHƠN THIỆN

    Theo Spaulding - The “New Rationlism”, New York, Henry Holt and Conpany, 1918, pp. 106 - 107 -, Aristotle nêu lên ba nguyên lý cơ bản của tư duy:

  • TRẦN NGUYÊN HÀO

    Năm 1987, tổ chức Giáo dục - Khoa học - Văn hóa của Liên hiệp quốc, UNESCO trong cuộc họp Đại hội đồng lần thứ 24 (tại Paris từ 20/10 đến 20/11) đã ra Nghị quyết phong tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh danh hiệu kép: “Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn”.

  • ĐỖ HẢI NINH

    Quan sát hành trình Thơ mới, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, vào đầu thập kỷ 40 của thế kỷ XX, Thơ mới bắt đầu có dấu hiệu chững lại, thậm chí khủng hoảng về cảm hứng và thi pháp.

  • JU. LOTMAN

    Từ “biểu tượng” (symbol, còn được dịch là tượng trưng, biểu trưng, phù hiệu, kí hiệu) là một trong những từ nhiều nghĩa nhất trong hệ thống các khoa học về kí hiệu(1).

  • PHẠM TẤN HẦU

    Trong bản tham luận về mảng thơ trên trang viết đầu tay của Tạp chí Sông Hương do anh Hoàng Dũng trình bày tôi thấy có chủ ý nói đến tính khuynh hướng. Tuy nhiên, vấn đề này chưa được đặt ra một cách chặt chẽ, sâu sắc. Theo tôi, nếu hướng cuộc thảo luận đến một vấn đề như vậy chắc sẽ đem đến cho những người viết trẻ nhiều điều bổ ích hơn.

  • ĐỖ VĂN HIỂU

    Tóm tắt
    Trước tình trạng môi trường toàn cầu đang ngày một xấu đi, giữa thập niên 90 của thế kỷ 20 Phê bình sinh thái đã ra đời với sứ mệnh cao cả là phân tích chỉ ra căn nguyên văn hóa tư tưởng dẫn đến nguy cơ sinh thái, nghiên cứu quan hệ giữa con người và môi trường tự nhiên.

  • LƯỜNG TÚ TUẤN

    Việc lý luận văn học thống nhất coi “ngôn ngữ là chất liệu của văn học” đã không vì thế mà dành cho cái chất liệu ấy một vị trí xứng đáng trong những luận thuyết và “diễn giải” của mình.

  • PHAN TUẤN ANH

    “Chẳng ai đi dưới bóng hàng cọ mà lại không hề hấn gì”… Ở đời, trong cuộc chơi, cả hai bên đều phải đi qua dưới bóng hàng cọ”.
                   (Nguyễn Xuân Khánh) [2,806]

  • TRẦN THIỆN KHANH

    “Mai kia, những cái tầm thường, mực thước sẽ mất đi, còn lại chút gì đáng kể của thời này, đó là Hàn Mạc Tử.”
                                (Chế Lan Viên)

  • CARSON MCCULLERS

    Khi tôi là một đứa bé chừng bốn tuổi, tôi cùng người bảo mẫu của mình đi ngang qua một tu viện.

  • MANU JOSEPH

    Xét về quan điểm và màu tóc của 50 nhà văn được lắp ghép cho một hội nghị kì quặc ở Edinburgh, thì cái giáo đoàn đó có thể gọi là “50 Sắc Xám.”  Tuy nhiên trong suốt năm ngày hội nghị, khởi đầu từ ngày 17 tháng Tám, hầu hết các nhà văn nhìn nhận rằng họ bị đẩy lui bởi loại sách kém học thức, loại sách bán chạy hơn tất cả các công trình của họ cộng lại.

  • NGUYỄN HỒNG TRÂN  

    …Minh triết là sự làm sáng tỏ một cách khôn khéo những chuyện trong trời đất có liên quan đến cuộc sống vật chất và tinh thần của con người trong xã hội một cách chân thực, rộng rãi, sâu sắc và nó có những năng lượng tiềm tàng rất quý giá đối với sự phát triển tâm đức và trí tuệ con người…

  • WALTER BENJAMIN 

    (Trích trong tác phẩm Illuminations do Hannah Arendt biên tập và đề tựa, 1968, bản dịch từ tiếng Đức của Harry Zohn)

  • NGUYỄN HỮU QUÝ 

    1.
    Tôi luôn tin rằng các nhà thơ đích thực là những người rất lương thiện. Bởi ngọn bút của họ (bây giờ có thể là bàn phím) hướng về tình thương yêu và sự cao đẹp của con người.

  • ĐOÀN HUYỀN

    Xuất hiện ở Việt Nam đã gần một thế kỉ, đến thời điểm này chủ nghĩa hiện thực tuy không còn giữ địa vị của một khuynh hướng sáng tác thống soái nhưng điều đó không có nghĩa những người cầm bút Việt Nam đã thực sự thoát khỏi từ trường của khuynh hướng sáng tác này.