Chị Khảo

14:32 11/11/2009
LỆ THANHBé Khánh Hạ - đứa con gái duy nhất của chị đã đi! Chiếc lá xanh độc nhất trên thân cây khô héo, khẳng khiu đã lìa cành. Ngọn lửa cuối cùng trong đêm dài trơ trọi của chị đã tắt ngấm trong bỗng chốc. Chị tưởng rằng mình sẽ không thể sống nổi trên cõi đời héo hắt này nữa.

Ảnh minh họa - internet

Chị vật vã, đau đớn, quẫy đạp liên hồi. Hai bàn tay chị cào bươi trên mặt đường sỏi, bật cả máu tươi rói. Mái tóc chị rối tung, bụi đất bê bết, nước mắt ướt đẫm hai vạt áo. Mặt chị tím tái, mắt nhắm nghiền. Bộ áo quần bạc thếch, loang lổ những vết muối mồ hôi đọng lại, rách tả tơi như cõi lòng đơn chiếc của chị. Chị run lên bần bật, tiếng khóc khản đặc, nấc lên từng hồi. Chị kiệt sức, tuyệt vọng rồi ngất đi. Trong tay của mấy người hàng xóm giờ chỉ còn là cái xác không hồn của chị.

Đứa con gái của chị đang nằm ở đó, người ta đã tìm nó ngay dưới lòng sông với bụng chứa đầy nước. Nó cùng mấy đứa bạn đi tắm sông và đã...

Mấy ngày nay, chị lang thang, thơ thẩn lẩn quất trong các xóm rồi lại ra nghĩa địa, nơi đứa con của chị đang nằm. Đầu tóc chị rũ rượi trên khuôn mặt đẫn đờ, khờ dại. Chị đã mất tất cả, con cái, công danh, nghề nghiệp, gia sản... Con bé được chị nhặt được bên bờ ruộng trong một đêm chị đi làm đồng về muộn. Ba mẹ nó là ai? ở đâu? Nó được sinh ra trong hoàn cảnh nào chị không hề biết. Chị chỉ biết rằng số phận đã đưa đẩy nó đến với chị, cho chị được cái quyền làm mẹ, người mẹ nuôi. Một thân một mình đơn chiếc nơi đất khách quê người, chị đã giật gấu vá vai nuôi đứa bé đỏ hỏn, đến nay đã gần mười năm. Con bé lớn lên như một mầm cây, là niềm an ủi duy nhất, là chỗ dựa cuối cùng của cuộc đời lắm truân chuyên, cay đắng của chị. Thế mà, bỗng nhiên, cái chết phũ phàng đã cướp ngay đứa con yêu của chị ngay trên tay. Nỗi đau tột cùng khiến chị như điên dại, không phân biệt đúng sai, phải trái...

Chị có cái tên nghe khô khốc như cuộc đời, như thân hình của chị. Lê Thị Khảo. Mọi người vẫn đùa rằng chị là cái bánh khảo, là khí hậu hàn đới, là sa mạc...

Chị Khảo không lập gia đình, nói đúng hơn là chị không muốn lấy chồng. Sức khỏe, bệnh tật, hoàn cảnh buộc chị phải quên đi chuyện ấy. Chính số phận trớ trêu đã chơi khăm Khảo một vố vào năm cuối đại học ở Liên Xô, làm chị mất hẳn ý chí tiến thủ, bỏ hẳn khao khát chồng con và căm thù cánh đàn ông đến tận xương tủy.

Lúc đó, chị mới hai mươi ba tuổi, học năm cuối một trường đại học lớn ở Macxcơva, đang chuẩn bị làm luận án tốt nghiệp. Trong thời gian đó, chị đã gặp và yêu anh, trong thư viện thành phố, khi chị đi tìm đọc tài liệu làm luận án. Tên anh ta là Phong cũng đang học năm thứ tư ở thành phố. Biết chị đang làm luận án về hiện tượng nhật thực, nguyệt thực trong thiên nhiên. Anh tò mò muốn biết, chị giải thích cặn kẽ:

- Đây là hiện tượng rất có ích cho khoa học. Chúng ta đều biết rằng, chính nhật thực toàn phần đã góp phần mở rộng hiểu biết về mặt trời, nguồn cung cấp ánh sáng cho trái đất. Nhưng hiện tượng, nhật thực rất ích khi xảy ra. Ở Mácxcơva mới xẩy ra hai lần, cách nhau hơn 400 năm.

Khảo nói vậy, Phong cứ trố mắt mà ngạc nhiên:

- Thế lần này là lần thứ mấy?

- Đây là lần thứ ba - lần cuối cùng của thế kỷ XX.

- Vậy còn lần thứ tư, Khảo có biết xảy ra khi nào không?

- Có lẽ là cuối thế kỷ XXI.

- Chúng ta không thể sống tới lúc đó rồi!

- Biết đâu anh lại sống nổi đến lúc đó - Chị đùa và cười.

- Thế còn Khảo sẽ thọ đến bao lâu?

- Em à? May ra sống tới sang năm thôi. Sợ chưa kịp tốt nghiệp đấy chứ...

Chị đùa vui vậy thôi. Thế mà điều đó suýt trở thành hiện thực. Trong thời gian làm luận án, chị bị ốm - một trận ốm kinh khủng, phải nằm viện. Chị bị một căn bệnh nguy hiểm về máu. Các bác sĩ đề nghị: hoặc là chị buộc phải về nước chờ chết hoặc là chấp nhận ca thí nghiệm thay máu với tỉ lệ sống chỉ có một phần trăm. Mọi người ai cũng muốn đưa chị về để còn kịp gặp mặt họ hàng, người thân, được nhắm mắt ở quê nhà. Nhưng chị không muốn về chị biết căn bệnh của mình hơn ai hết. Chị chấp nhận ký vào đơn để thí nghiệm thay máu. Hơn nữa, gia đình chị chẳng có ai thân thích ngoài ông chú với cả đàn con và người thím cay nghiệt. Ba mẹ chị đã mất từ khi chị mới lên chín, trong một trận bom. Lớn lên, chị đã tự nỗ lực học hành, tự nuôi lấy thân. Chị thi đậu một lúc hai trường đại học với số điểm cao và được du học ở Nga. Bây giờ, chú thím hy vọng chị về mang theo nhiều hàng quý. Thế mà, chị lại mang về cái xác không hồn thì thà chết quách đây còn thanh thản hơn. Trong khi mọi người lo lắng thì chị lại rất lạc quan và vui vẻ:

- Mình biết trước sau gì rồi cũng sẽ chết vì ca thí nghiệm chỉ hy vọng có một phần trăm. Đằng nào cũng chết thì đành chấp nhận cái chết có ích cho khoa học kẻo mình chưa kịp đóng góp gì cho khoa học cả.

Nghe chị nói vậy, ai cũng xúc động và thương tiếc chị, mến phục chị nhưng cũng chẳng biết làm gì ngoài những lời động viên, an ủi. Phong biết tin, anh vội đến thăm chị và kịp nghĩ ra một việc làm thật đại nghĩa hiệp: anh sẽ cưới chị trước khi lên bàn mổ. Anh nói rằng anh đã yêu chị ngay từ lần gặp đầu tiên, những lúc này anh muốn chết cùng chị. Dù biết rằng chị sẽ chết song anh tha thiết muốn chị một lần được làm cô dâu, được một người chồng yêu say đắm, được biết mình cũng có một hạnh phúc như mọi người. Lúc đầu, chị từ chối, chị biết mình không sống nổi nên không muốn anh phải đau khổ một mình. Nhưng với lòng nhiệt thành của anh cùng với sự ủng hộ của mọi người, cuối cùng chị đã gật đầu phó mặc cho số phận đưa đẩy. Nhiều người tin rằng biết đâu nhờ tình yêu mà chị chiến thắng thần chết. Ai cũng lo lắng chuẩn bị đám cưới chu đáo có một không hai này. Trong buổi hôn lễ, họ phải dìu cô dâu đứng dậy chụp ảnh, trao nhẫn cưới. Đám cưới không có đêm tân hôn, không có phòng cưới, chỉ có một nụ hôn dài ngây ngất trong bữa tiệc ngắn.

Tin hai anh chị cưới nhau đã nhanh chóng bay đi khắp nơi. Bao nhiêu là đồ mừng, người dự đông nghịt chưa từng có. Mọi thứ đều do anh đảm nhận, chị chỉ ngồi dậy được ở giường với lời cám ơn không ngớt. Anh thu gom đồ mừng đóng gói hẳn hoi và đưa về nhà mình. Sau đám cưới, chị vẫn phải nằm viện chờ ca mổ. Chị chẳng để ý gì đến mọi thứ và cả hiện tượng bất thường của Phong, anh ít đến thăm chị cả bạn bè. Khoảng gần tháng sau, ca thí nghiệm đã thành công. Chị đã thoát khỏi tay tử thần, đã nằm trong số một phần trăm may mắn đó trước sự vui mừng khôn xiết của mọi người. Mấy ngày đó, chẳng thấy tăm hơi Phong đâu, anh ta đã biến mất với đồ mừng. Chị đau đớn nhưng cũng vui vẻ vì may mắn là sớm đã nhận ra được bộ mặt thật của anh ta. Khi chị đã bình phục hẳn, Phong trở lại bệnh viện với tờ đơn ly hôn. Chị đã ném cái ly uống nước vào mặt anh ta - kẻ lừa đảo hèn nhát có một không hai trên hành tinh này. Anh ta tin là chị sẽ chết nên mới làm lễ cưới với mục đích để thu gom vốn đi buôn, chưa kể còn được tiếng tăm ca ngợi nữa. Chị ghê tởm, khinh bỉ ký vào lá đơn để giải phóng cho chính mình. Sau đó, chị không còn đủ sức khỏe để học tiếp nữa nên đành phải xin về nước mong tìm được một công việc phù hợp. Chị được một người bạn đưa về quê và xin cho chị làm văn thư ở xã. Sau ca mổ đó, bệnh tật chị chưa có hiện tượng tái phát. Chị vẫn bình thường như mọi người, vẫn nhiệt tình làm việc nhưng không bao giờ chị nghĩ đến chuyện chồng con vì khi nghĩ đến kẻ lừa đảo, đến nụ hôn ghê tởm ngày ấy, chị rùng mình kinh hãi. Và chị đã thực sự thấy cuộc sống có ý nghĩa khi chị có bé Khánh Hạ. Thế nhưng, niềm hạnh phúc đó chỉ vừa lóe lên chợt vụt tắt, tuột hẳn khỏi tay chị cho chị như sắp chết lại lần thứ hai.

Cả tháng nay, chị chẳng ăn uống ở nhà, ai gặp chị thì ép ăn cho bằng được. Người chị gầy róc, khờ dại, ngồi dựa vào mái hiên nhà và ngủ thiếp đi lúc nào. Trong giấc ngủ, chị mơ thấy con bé đang chạy về sà vào lòng chị, hôn lên má chị với nụ hôn dài ngây ngất. Chị hoảng sợ nhớ lại nụ hôn ghê tởm năm xưa. Chị giật mình, choàng tỉnh... Trước mắt chị, không phải là con bé mà là mấy người bạn của chị hồi học ở bên Nga. Họ ôm choàng lấy nhau, khóc sướt mướt. Họ cho chị biết tin rằng: luận án khoa học của chị mấy năm nay vẫn được bạn bè tiếp tục hoàn chỉnh. Nay luận án đã được đưa về nước. Sắp đến đây, với sự giúp đỡ của bạn bè, chị sẽ hoàn thiện luận án của mình và sẽ được bảo vệ ở trong nước. Chị như người chết được cứu sống lần nữa. Chị quyết tâm cao để cố gắng vượt qua được mặc cảm của số phận, để từ bỏ cuộc sống trơ trọi, héo hắt mà chị đang phải gánh chịu. Không biết nơi chín suối vàng, con bé có hiểu thấu chăng lòng chị?

Đồng Hới  10. 98.
L.T
(128/10-99)



 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • NGUYỆT CHU   

    1.
    Buổi chiều.
    Trại trẻ mồ côi.
    Trong phòng chờ khách.

  • TRẦN BĂNG KHUÊ  

    1. Nàng bứt rứt ngồi xuống chiếc ghế gần giá sách nhỏ của Gloria J. Chỉ có lèo tèo một vài quyển, còn lại là các tờ bướm quảng cáo du lịch, hay offer café, nhà hàng nào đó đang giảm giá vài chục phần trăm rải rác trên thành cửa sổ.

  • PHẠM NGỌC TÚY  

    Lúc tôi đẩy cánh cửa bước vào nhà, ba tôi đang ngồi trầm tư trong ghế bành, bên lò sưởi cháy đỏ rực rỡ. Những ngọn nến được thắp lên làm sáng tỏ căn phòng, thứ ánh sáng mập mờ hư ảo.

  • LỮ MAI  

    - Chú nói với mày một bí mật…
    - Thím Dinh ngoại tình phải không? 

  • DIỆU PHÚC   

    Ta nguyên thân là nước mắt của thần. Vì là nước mắt của thần, mang đầy linh khí, nên khi rơi xuống trần, chẳng thể tiêu tan.

  • PHẠM GIAI QUỲNH  

    Họ tập hợp ở cảng Cá Mập của thị trấn S. Thị trấn này nằm bên Địa Trung Hải, nhỏ và hầu như không mấy xuất hiện trong tầm mắt của các du khách có mong muốn thám hiểm hoặc vãn cảnh. Bởi ở đây không có gì ngoài cá và muối. 

  • ĐINH NGỌC TÂM   

    Cái bóng xuất hiện ba lần mỗi ngày. Buổi sáng đó là một vệt mờ in trên trần nhà và vách tường bên phải. Một vệt mờ ẩn rồi hiện, đậm rồi nhạt.

  • TRẦN BẢO ĐỊNH  

    1.
    Lão ngồi tựa lưng ngôi mộ cổ dưới tán lá cây me đại thụ, mắt lim dim. Buổi trưa, giồng Tân Hiệp buồn thiu theo từng cơn oi bức của cái nóng hầm hập nắng cuối mùa.

  • NGUYÊN QUÂN

    Khu chợ, những ki ốt bê tông vươn mặt ra phía con suối rộng cả trăm mét, đang cuồn cuộn dòng nước đục ngầu. Đứng ở vị trí này, tì hai tay xuống vai chiếc cầu hiện đại vắt ngang suối, có thể duỗi tầm mắt nhìn suôn suốt đến tận dãy núi cao vút đầu nguồn. Khe Tre là đây. Khe Tre đầy những câu chuyện đường rừng huyền hoặc của thằng Ngạn là đây sao.

  • CUNG TÍCH BIỀN

    Dòng họ Trần Liêu vào định cư ở bờ Bắc sông Thu một thời gian lại gặp chuyện chẳng lành.

  • NGUYỄN THỊ DUYÊN SANH   

    Duy chợt mở bừng mắt vì tiếng đập lùng bùng của mấy tấm phên liếp. Anh nhìn ra ngoài. Trời xám đục một màu chì, chẳng biết còn sáng sớm hay đã xế chiều.

  • NGUYỄN HẢI TRIỀU   

    1.
    Đường ra bến đò cuối làng Phú Đông ngày xưa không vắng hoe như bây giờ đâu. Cái bến đò còn đông đúc người qua lại.

  • LÊ MINH PHONG

    Có một kẻ hành khất già nua đi bán thơ dạo dừng lại trước cổng nhà tôi. Và tôi biết ông ấy đi ra từ một giấc mơ nào đấy của cha tôi. Cha tôi thường mơ tới những giấc mơ lạ kỳ. Những giấc mơ không giống bất kỳ một giấc mơ của ai khác.

  • TẠ BẢO

    Hôm chú tôi đi bộ đội, trong lúc liên hoan chú cao hứng tuyên bố trước cả nhà: "Chết xanh cỏ, sống đỏ ngực".

  • NGUYỄN NHÃ TIÊN   

    Đường lên núi Quèn tràn ngập sắc hoa đào. Màu hồng phấn trên những cánh rừng đào phai lớp lớp mái xuôi nghiêng xoay tròn hình chóp, đẹp đến nỗi mây trắng dặt dìu bay qua đỉnh núi cũng ửng lên màu ráng hồng hư ảo quang chiếu cả bầu trời Tam Điệp.

  • LTS: Nhà thơ Mỹ Dạ chuyển cảm hứng sang viết kịch bản phim và truyện ngắn sau thời thiếu nữ đã đoạt giải nhất thơ Báo Văn Nghệ 1973 và tập thơ "Bài thơ không năm tháng" được giải thưởng của Hội Nhà Văn Việt Nam -1983. Tự khám phá khả năng trong thể loại mới đâu dễ thành công, riêng gì với nữ sĩ. Vậy mà Mỹ Dạ đã có truyện "đầu tay" sau khi ra đời 3 tập thơ. SH xin trân trọng giới thiệu ngõ ngách "tâm hồn khác" của nàng thơ mượn văn xuôi làm sáng tỏ mình.

  • TRU SA   

    Mấy ngày nay tôi luôn mất ngủ.
    Không hẳn là tôi thức trắng đêm bởi tôi vẫn dễ dàng tìm vào giấc ngủ.

  • ĐINH PHƯƠNG   

    Áp thấp nóng phía Tây không báo trước đổ vào bủa vây thành phố.

  • PHÙNG TẤN ĐÔNG  

    1. Bạn tôi nói nơi đó buồn lắm. Buồn nhất là những ngày mưa.