PHAN VĂN VĨNH
Chế Lan Viên là một nhà thơ lớn, nhà nghiên cứu lý luận, nhà phê bình văn học nghệ thuật hiện đại thế kỷ XX. Ông tên thật là Phan Ngọc Hoan (ghi trong gia phả là Phan Ngọc Hoan Châu), sinh năm 1920. Quê làng An Xuân, xã Cam An, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị; ngày xưa làng An Xuân thuộc tổng An Lạc, huyện Võ Xương, phủ Triệu Phong.
Ảnh: internet
Theo gia phả thì ngài thế tổ của ông (đời thứ 3 tại Quảng Trị) có công lập nên làng An Xuân. Một ngôi làng nhỏ nép mình bên con đường Xuyên Á chạy về cảng Cửa Việt. Về nơi sinh của ông trong bài thơ: “Gửi Trạng Thông họ Hoàng” (Tức nhà thơ Hoàng Trung Thông) - Trích trong di cảo thơ có đoạn viết: “... Tôi sinh ở Châu Hoan, chứ đâu Quảng Trị; Lý lịch có lắm điều chưa cụ tỉ; Rồi sau sẽ bàn; Quảng Trị vốn là quê mẹ; Gió Lào râm ran...; Đẻ ở Châu Hoan xứ Nghệ; Mẹ kêu “Thằng Hoan”...; Tôi còn để lại chùm nhau; Mẹ chôn ở Nghệ An; Có còn không nhỉ?; Ông ở huyện Quỳnh qua Diễn Châu mấy tí; Trông giùm cho nhau!;.... Từng trang từng trang...; Thôi khéo tôi Sài Gòn lại đi nịnh Nghệ An!; Thằng con Quảng Trị; Lớn lên Nghĩa Bình; già ở Tân Bình; Một cây mấy rễ; Mấy đời lang thang”.
Một thời Chế Lan Viên sống ở Nghệ An, Bình Định, nơi cha của ông làm đề lại nhiều năm. Khi lớn lên ông đi học ở Quy Nhơn, đỗ bằng Thành chung thì thôi học, đi dạy tư kiếm sống. Ông bắt đầu làm thơ từ năm 12, 13 tuổi. Năm 17 tuổi, với bút danh Chế Lan Viên, ông xuất bản tập thơ đầu tay nhan đề Điêu tàn, một trong những tác phẩm nổi bật trong thi đàn tiền chiến, có lời tựa đồng thời là lời tuyên ngôn nghệ thuật của “Trường Thơ Loạn”. Nhà phê bình văn học Hoài Thanh từng đánh giá tập thơ Điêu tàn ra đời như một niềm kinh dị trong thi đàn đương đại!
Chế Lan Viên cùng với Hàn Mặc Tử, Yến Lan, Quách Tấn được người đương thời gọi là “Bàn thành tứ hữu” của Bình Định. Huyện An Nhơn, Bình Định - nơi có nhiều tháp Chàm cổ, nơi đã để lại những dấu ấn sâu sắc trong tâm hồn của nhà thơ một thời có thể xem là quê hương thứ hai của Chế Lan Viên. Về bút danh Chế Lan Viên có rất nhiều thắc mắc, đắn đo và suy diễn, để rõ thêm về điều này ta hãy nghe thi sĩ họ Phan tâm sự: “Tôi làm thơ lúc 12 - 13 tuổi ở huyện lỵ An Nhơn. Lủi thủi làm và cũng không ý thức đó là thơ. Ký những cái tên chỉ là địa danh ngoài Quảng Trị: Mai Lĩnh, Thạch Hãn, Thạch Mai. Phải xuống Bình Định gặp Yến Lan, có bạn thơ soi vào nhau thì tôi mới hiểu ý nghĩa của việc làm thơ, và có danh hiệu cho mình: Lan Viên. Chắc là bị ảnh hưởng bởi tên Lan của bạn, và vườn lan của bạn... Cũng từ đấy trước chữ Lan Viên bỗng thêm chữ Chế. Vì sao có chữ Chế ấy? Chỉ biết rằng trong tập Nắng xuân... có một bài Hàn Mạc Tử tặng cho tôi. Bài “Thi sĩ Chàm” tặng Chế Bồng Hoan. À, thì ra còn cả cái tên đó nữa. Có lẽ Tử đặt cho chăng? Với chữ Chế, dù là Chế Lan Viên hay Chế Bồng Hoan tôi đã rời số phận một người để sống số phận một dân tộc. Thơ cũng chuyển địa bàn, đi từ một nhiệm vụ này đến một nhiệm vụ khác, gần kề lịch sử hơn, gần kề chính trị hơn”.
Năm 1939 ông ra học tại Hà Nội, sau vào Sài Gòn làm báo rồi ra Thanh Hóa dạy học. Cách mạng tháng Tám thành công, ông tham gia phong trào Việt Minh tại Quy Nhơn, sau ra Huế tham gia Đoàn xây dựng cùng với Hoài Thanh, Lưu Trọng Lư, Đào Duy Anh, viết bài và làm biên tập cho các báo Quyết thắng, Cứu quốc, Kháng chiến. Năm 1954, Chế Lan Viên tập kết ra Bắc làm biên tập viên báo “Văn học”, Phòng Văn nghệ, Ban Tuyên huấn Trung ương; ông là Ủy viên Thường vụ Hội Nhà văn Việt Nam; là đại biểu Quốc hội các khóa IV, V, VI, VII; Ủy viên Ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội. Nhiều lần là sứ giả của văn hóa Việt Nam tham dự các diễn đàn văn hóa Quốc tế ở Liên Xô (cũ), Pháp, Nam Tư, Ấn Độ, Na Uy, Thụy Điển... Sau 1975, Chế Lan Viên vào sống tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ông mất ngày 19 tháng 6 năm 1989 (tức ngày 16 tháng 5 năm Kỷ Tỵ) tại Bệnh viện Thống Nhất, thành phố Hồ Chí Minh, thọ 69 tuổi.
Ông được Nhà nước Việt Nam trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật.
Có một điều thật ngẫu nhiên khi điểm qua một số địa danh từng gắn bó với cuộc đời Chế Lan Viên: An Xuân (xã Cam An - Cam Lộ): Quê cha, quê mẹ - Nằm cạnh làng An Bình (xã Cam Thanh - Cam Lộ); An Hưng: nơi chi tộc gần nhất của ông lên lập nghiệp (nay thuộc thị trấn Cam Lộ). Tỉnh Nghệ An, huyện An Nhơn (Bình Định): Nơi một thời ông theo cha sinh sống, lớn lên và bắt đầu những câu thơ đầu đời. Tân Bình (TP Hồ Chí Minh): nơi nâng niu cuộc sống của ông những năm tuổi già, ta vẫn thấy hình như hai chữ “An”, “Bình” vẫn luôn đồng hành cùng ông như nhằm chống lại cái hiển nhiên tồn tại một cách nghiệt ngã của đời về những buồn đau như ông đã từng viết: “Hãy cho tôi một tinh cầu giá lạnh; Một vì sao trơ trọi cuối trời xa!; Để nơi ấy tháng ngày tôi lẩn tránh; Những ưu phiền, đau khổ với buồn lo!” (Trích trong Những sợi tơ lòng). Phải chăng đó là định mệnh.
Khi nói về Chế Lan Viên người ta thường cho rằng ông là con người bộc trực, có rất nhiều nhiều giai thoại về tính bộc trực có khi thất thường và nặng phần nóng nảy của ông, hầu như ông đã “đụng” rất nhiều các bạn văn, bạn thơ kể cả các đàn anh như nhà thơ trào phúng Tú Mỡ, hay đại lão nhà báo Phan Khôi. Nhưng trên tất cả, đó là sự đấu tranh để tôn vinh chân lý, để nâng cao các tư tưởng, trao đổi học thuật. Âu đó cũng là cái nghiệp đã vận vào ông như là để đưa ông trở thành một chiến sĩ trên thi đàn, một đời tận tụy vì thơ vì cuộc sống. Cũng trong “Gửi Trạng Thông họ Hoàng” ông tâm sự: “Ông thì hay say; Tôi thì quá tỉnh; Mà ông đằm tính; Tôi lại hay gây; Thiên hạ người người yêu ông; Tôi thiên hạ ghét;.... Thế mà lạ không? Hai đứa thân nhau mãn kiếp...”. Tuy nhiên như Mai Quốc Liên đã từng nhận định: Chế Lan Viên tuy tính khí nóng nảy, song ở khía cạnh đó ông lại thể hiện một nét rất thi sĩ và đáng yêu: “Cãi nhau cái gì ảnh cũng tranh phần thắng, vậy là không phải ảnh có ý xem thường, không như người khác tỏ vẻ “không chấp”. Tức là ông luôn coi người đối thoại là bình đẳng.... và đằng sau sự nóng nảy kia, Chế Lan Viên lại là người “dễ mủi lòng, dễ xúc động, dễ tha thứ”.
Chế Lan Viên là một trong những con người hoài cổ. Nỗi niềm hoài cổ của ông bắt đầu từ sự nhạy cảm hiếm có vượt ra ngoài các giới hạn thông thường nhất, cái nhạy cảm đưa ông đến với thế giới siêu hình, thế giới của vong quốc cổ xưa với những thân phận bị đoạ đày đầy tiếng rỉ rên than. Sau này khi nhìn lại cõi trừu tượng và biên giới siêu hình mà mình đã đắm mình thuở trước ông vẫn thấy “siêu hình là bi quan nhất trong mọi thứ bi quan và những nhà thơ siêu hình có lẽ là những người sốt ruột nhất trong cách giải quyết cuộc đời”. Ông luôn nhận mình và các bạn thơ tiền chiến khác “là những người từ thế giới một người đến thế giới nhiều người, từ thung lũng đau thương ra đến cánh đồng vui… Các nhà thơ của nỗi khổ đau ấy đã thấy cách mạng là của họ”, đó cũng là quá trình vượt lên và đi tới cùng với dân tộc, nhân dân của mình. Sự nhạy cảm đến lạ lùng về cuộc sống mà ông có được phải chăng là từ sự kết tinh của gia đình ông, nơi người cha, một viên chức mẫn cán, một Phật tử tại gia thành tâm, một người suốt đời chăm lo cho gia đình, họ tộc với người mẹ - người cùng làng An Xuân ấy - suốt một đời lam lũ theo chồng nuôi con khôn lớn. Nên dù có ẩn sau cái tính cách bộc trực nóng nảy và thích đối diện ấy thì ở ông vẫn luôn thường trực một tâm hồn đa cảm, và đôi khi yếu đuối. Niềm hoài hương của ông cũng bắt nguồn từ một tình yêu có đựơc từ đáy lòng mình về quê hương xứ sở, về mảnh đất nghèo nơi nuôi dưỡng tâm hồn ông lớn lên. Cũng từ chiếc nôi làng xóm, họ tộc, từ cái quê nghèo đó đã đưa ông đến với đất nước rất đỗi thiêng liêng và đến với toàn nhân loại. Ông luôn cảm thông với quê hương của mình: “Tự quê mẹ nghèo, tự đời mẹ khổ; Tự giọt lệ khóc tù đi biệt xứ… Ôi gió Lào ôi! Người đừng thổi nữa; Những ruộng đói mùa những đồng đói cỏ; Những đồi sim không đủ quả nuôi người; Cuộc sống gian lao ít tiếng nói cười…”. Cũng chính vì đau đáu một niềm thương với quê cũ, nên trong dịp về Cam Lộ khi là đại biểu Quốc hội (đại diện khu vực Bình Trị Thiên) ông đã cảm động đến rưng rưng khi nhìn thấy dòng nước của trạm bơm Nam Thành (Nay thuộc thị trấn Cam Lộ) đã tưới mát cho “Những ruộng đói mùa những đồng đói cỏ” trong tiềm thức của mình. Tôi vẫn nhớ những dòng thư chân tình ông viết vội gửi lại cho cha tôi ngày ấy với nét bút run run bằng tay trái. Cũng chính vì hệ luỵ đa đoan, một cây mấy rễ nên với An Nhơn - nơi có thành Bình Định cũ - nơi được xem là quê hương thứ hai của mình, ông dành một tình cảm thật dung dị trong bài “Trở lại An Nhơn”: “Trở lại An Nhơn. Tuổi lớn rồi; Bạn chơi ngày nhỏ chả còn ai; Nền nhà nay dựng cơ quan mới; Chẳng lẽ thăm quê lại hỏi người!” Ông vẫn thường nhắc bà con họ hàng về một chi tộc từng tha phương ở Thừa Thiên Huế, và như một điều kỳ diệu cuối năm 2008 một chi tộc thân thuộc sau 249 năm lưu lạc định cư tại làng Thần Phù - Hương Phú, Thừa Thiên Huế (nay là Giáp Hạ - Thần Phù, xã Thủy Châu, thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên Huế) đã tìm thấy được gốc gác họ tộc của mình sau thời gian kiếm tìm và đối chiếu gia phả. Âu đó cũng là nén hương thành kính nhất làm ấm lòng các thế hệ tiền nhân.
Một giai thoại về Chế Lan Viên do ông Trần Trọng Tân - nguyên Trưởng Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương kể lại rằng khi được tổ chức giới thiệu đứng trong hàng ngũ những người cộng sản, ông đã từ chối vì vẫn băn khoăn một điều là tại những thời khắc khó khăn nhất, hùng hồn nhất của dân tộc trước và trong Cách mạng tháng Tám ông đã không có mặt. Điều mà đến hơn 30 năm sau ông vẫn tâm sự: “Cách mạng làm tôi vui mà làm tôi hơi áy náy. Mình đã làm gì để hưởng được cái vui này? Ngỡ như mình dự một bữa tiệc mà không phải tốn công xuống bếp.... Cách mạng làm tôi vui, nhưng cũng làm tôi lo lắng: “Chúng tôi vào cách mạng rồi, là người cách mạng rồi, nhưng vẫn không ngớt làm phiền cho cách mạng. Cả nước đi nhanh mà tôi đi chậm vì đã trót đi xa... đi tuốt ra khỏi cuộc đời, về phía tha ma, về phía siêu hình...”. Và rồi như một định mệnh, sau dặm dài xa cách, sau bao nhiêu năm tham gia công tác kháng chiến, tháng 7 năm 1949, Chế Lan Viên gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương ngay chính trên quê hương mình mà trong bài “Kết nạp Đảng trên quê Mẹ” ông từng thổ lộ: “Giã mẹ ra đi kháng chiến bốn phương trời; Kết nạp Đảng, bỗng quay về quê mẹ!; Có phải quê hương gọi ta về đấy nhỉ?; Dặn dò ta, khuyên nhủ ta thêm; Trong buổi đầu, ta theo Đảng đi lên;... Đảng kính yêu! Tôi tìm Đảng giữa nơi này; Như chờ vang tiếng sét xé trời mây... Đảng mến yêu, có phải mẹ giới thiệu con vào?; Từ buổi dạy con lòng thương ghét ban đầu;.... Tưởng như cả quê hương giới thiệu tôi vào Đảng;... Ôi tiếng đầu tiên gọi ta “đồng chí”; Là tiếng quê hương ấm lành Quảng Trị;.... Tôi đứng dưới cờ, đưa tay tuyên thệ; Trên đất quê hương mang hình bóng mẹ; Ngỡ chừng như vừa sinh lại lần đầu; Đảng trở thành nơi cắt rốn chôn rau.” Đồng chí Tố Hữu - một người bạn về tuổi tác, một người anh về tuổi đời tham gia cách mạng - trong một bức thư cho Chế Lan Viên có viết: “Mình biết, trước sau gì Hoan cũng là đồng chí. Vì ai đã đi với dân, thì trước sau gì cũng đi với Đảng mà thôi”. Đó là tất cả những gì mà ông trăn trở, ông cảm nhận, ông trân trọng đến nao lòng về sự kiện lớn nhất của cuộc đời ông, cái đã gắn đời ông với Đảng, với Đất nước mến yêu, với Nhân dân anh hùng, quê mẹ thân thương...
Một điều mà chúng ta thừa nhận là chính vốn sống, sự cảm thụ sâu sắc các nền văn hóa, thơ ca, triết học Đông, Tây, Kim, Cổ đã cho ông nhãn quan đa phương, đa diện. Với ông, thế giới luôn biến động theo những quy luật tự nhiên, xã hội đầy tính nhân văn và ông đã đắm mình trong thế giới ấy để cảm nhận, để làm thơ, để sống với tất cả hiện thực đa chiều, tất cả đã đồng hành đưa ông từ cái tôi đến với chúng ta, đưa ông từ tinh thần dân tộc đến văn hóa nhân loại, từ tính dân tộc đến tính hiện đại. Thơ ông trải rộng, phản ánh mọi sắc màu của cuộc sống, thơ ông đi vào các góc khuất sâu thẳm của những thân phận, cuộc đời.
Chế Lan Viên luôn trăn trở với chức năng, sứ mệnh của thơ và nhà thơ. Ông cho rằng thơ cần sự mê hoặc, chất tư tưởng, thể hiện được cái chung và cái riêng, có tính hùng ca mà có cả tình ca, trong thơ luôn vừa có chân vừa có ảo. Muôn mặt cuộc sống đều được ông thể hiện bằng đủ các loại hình thức nghệ thuật thơ. Ông trân trọng ngôn ngữ của nhân dân, của quần chúng với một ý thức thường trực: “Phải học tiếng nói của quần chúng và học trong tất cả vẻ đa dạng của nó... Nếu ta chịu khó góp nhặt, chịu khó tìm thì ở đâu ta cũng tìm ra những ý rất hay, những chữ rất hay mà quần chúng cho ta...”. Ở một khía cạnh khác, ông lại cho ta thấy vai trò của nhà văn trong sáng tạo ngôn ngữ: “... Không có quần chúng sáng tạo ra ngôn ngữ, thì không thể có, tuyệt đối không thể có các nhà văn. Nhưng thiếu đi những nhà văn thì ngôn ngữ quần chúng sẽ chậm phát triển ”.
Nếu như ông nổi tiếng với bài ca ngợi lãnh tụ trong “Người đi tìm hình của Nước” hoặc ca ngợi đất nước trong “Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?”... thì ông luôn đối diện với cuộc sống, với hiện thực với nhiều cung bậc tình cảm. Ông nhớ đến người mẹ già của ông “Gốc nhãn vuờn xưa cao khó hái; tám mươi nay mẹ hẳn lưng còng; Chắp đường Nam - Bắc con thăm mẹ; Hái một chùm ngon dâng mẹ ăn”. Ông nhớ đến người chị của ông ở Huế: “Nữ sinh áo tím ngày xưa đó; Chị về Huế lại ngót mười năm; Cuộc đời quá khổ quên đây Huế; Không hề viếng cảnh, chẳng thăm lăng”. Ở ông sự đổi mới và sự liên tục vươn lên trong các ý niệm về cái mới luôn thường trực. Từng chữ, từng câu, từng ý, từng tứ, từng vần điệu, và từng cái hình thức thể hiện thơ của ông đều toát lên từ đáy lòng ông chất chứa bao lời tự sự, toát lên từ trí tuệ ông sự sâu cao của triết học và từ tâm hồn sự chân thật đến nao lòng. Ông làm thơ, phê bình thơ, làm thơ về thơ, có thơ nghị luận, tư duy về thơ không một phút ngưng nghỉ.
Phải chăng cuộc đời Chế Lan Viên luôn vật lộn với thi ca ở mọi góc độ của nó, nên những lúc trên giường bệnh, những ngày cuối đời ông vẫn thấy cần làm nhiều hơn thế nữa. Ông chạy đua với chút thời gian còn lại không nhiều của mình như ông từng trăn trở với “Xâu kim” rút trong di cảo: “Tay cầm kim tay cầm sợi chỉ; Vừa chạy vừa xâu không một phút dừng; Chạy một đời rụng hết cả thanh xuân; Kim run run và chỉ rung rung; Có lúc chính là kim ngọ nguậy; Có lúc chỉ lọt vào rồi lại sẩy; Xâu vừa xong, gió tuột nửa chừng... Tôi tài năng chưa đầy nửa giọt; Có hộc tốc chạy đến giữa chân trời cũng là đồ bất lực; Sao chỉ ấy kim kia tôi vẫn phải cầm”. Và ông vẫn đau đáu một điều rằng, thơ trên mặt giấy hai chiều kia không tải nổi cái phức tạp ba chiều và đa chiều của cuộc sống, đó cũng chính là cái triết lý “Thơ bình phương, đời lập phương” mà ông từng đeo đuổi.
Nếu như việc tìm tòi khám phá đến cùng để đẩy các hoạt động sáng tác lên tầm sáng tạo cả trong nghệ thuật và tư tưởng là niềm đam mê suốt cuộc đời, thì ở ông sự nhận thức sâu sắc về chức năng của thơ nói riêng và văn chương nói chung cùng với sứ mệnh thiêng liêng của người nghệ sĩ đối với cuộc sống luôn được nâng lên một tầm cao mới qua mỗi chặng đường, và những bước thăng trầm của dân tộc, của cuộc sống. Ông đã thực sự đứng về nhân dân, Tổ quốc: “Hỡi sông Hồng tiếng hát bốn nghìn năm! Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?; Chưa đâu! Và cả trong những ngày đẹp nhất; Khi Nguyễn Trãi làm thơ và đánh giặc; Nguyễn Du viết Kiều, đất nước hóa thành văn; Khi Nguyễn Huệ cưỡi voi vào cửa Bắc; Hưng Đạo diệt quân Nguyên trên sóng Bạch Đằng...; Những ngày tôi sống đây là ngày đẹp hơn tất cả; Dù mai sau đời muôn vạn lần hơn:...”; “Cho tôi sinh ra buổi Đảng dựng xây đời. Mắt được thấy dòng sông ra gặp bể”; “Cho tôi sinh giữa những ngày diệt Mỹ. Vóc nhà thơ đứng ngang tầm chiến lũy. Bên những dũng sĩ đuổi xe tăng ngoài đồng và hạ trực thăng rơi”. Ông là người đại diện chân chính cho những định chế thuộc về dân, một phần của nhân dân đáng yêu, đáng quý, một công dân bình thường nhất trong muôn triệu người dân nước Việt, với những vui, mừng, buồn, đau, sướng, khổ. Ông lắng nghe, ông kết tinh trong tiếng lòng dân để cất lên tiếng hát, ông mang hơi thở của cuộc sống để tâm hồn đồng điệu với hồn thơ.
Chế Lan Viên luôn trăn trở và cảm thấy một phần trách nhiệm của mình với vai trò là người nghệ sĩ và chiến sĩ trước vận mệnh dân tộc, cả trong chiến tranh gian khổ và cả trong những năm tháng hòa bình chưa hẳn trọn niềm vui này. Chính những gì ông trăn trở, ông dấn thân, một lần nữa lại thành tựu, lại kết tinh trong “Di cảo thơ” mà nhà văn Vũ Thị Thường - con người gắn bó, sẻ chia với ông những cung bậc tình cảm, những tâm tư về cuộc sống hơn 30 năm cuối của cuộc đời ông - đã trân trọng, đã sưu tập, đã nâng niu để một lần nữa đưa ông trở lại vị trí đặc biệt trên thi đàn đương đại.
Trên bình diện văn hóa có thể nói Chế Lan Viên thật sự là sứ giả của văn hóa Việt Nam trên các diễn đàn văn hóa quốc tế, ở đó tiếng nói của ông lay động lương tri nhân loại, là tiếng thơ reo vui, là tiếng lòng thổn thức là sự thăng hoa của ngôn từ ở tầm triết học. Văn hóa nhân dân trong con người đã được hóa thân vào văn minh nhân loại. Ông chống lại sự nô dịch của văn minh vàng, văn minh súng đạn mà đế quốc áp đặt lên thế giới, ông thể hiện đến cùng những khát vọng hòa bình mà dân tộc của ông - một phần nhân loại - chưa tìm thấy được trong giai đoạn lịch sử oanh liệt ấy. Vị sứ giả đã mang trong mình hành trang văn hóa Việt, đã hòa quyện cái văn hóa dân tộc ấy vào biển văn hóa nhân loại đa sắc màu một cách tự nhiên như nhịp đập trái tim đời. Ở ông một trong hai yếu tố dân tộc và nhân loại luôn tồn tại, hai yếu tố ấy song hành muôn thuở. Ông từng nói: “Phải hết sức coi trọng vốn dân gian, vốn dân tộc của mình. Và càng đi sâu vào vốn dân tộc, ta càng gặp nhân loại. Một dân tộc có một mùa riêng của nó. Nhưng chớ tưởng rằng mùa mà các dân tộc khác gặt nơi xa lại không có hạt giống của nó ở đây. Dân tộc ta có cái của ta. Nhưng dân tộc ta tự hào có tất cả cái gì nhân loại có”. Chúng ta hãy nghe ông, nhà marketing văn hóa: “Ở Việt Nam chúng tôi, thơ ca không thể tách rời cuộc sống. Trước hết nó phải có ích. Thơ ca cần thiết, như mặt trời cần thiết, cần thiết ánh sáng, cần thiết hoa lá, vũ khí... Thêm vào đó trong nước tôi, nơi mà cuộc sống và cái chết đang đan nhau, chiến tranh và hòa bình đang đan nhau, thơ ca đối với chúng tôi cực kỳ cần thiết như một người cố vấn, như người yêu, người mẹ an ủi chúng tôi. Nhân dân không thể sống không có thơ ca, cũng như không có vũ khí... Chúng tôi tìm sức mạnh của chúng tôi không chỉ ở tương lai, không chỉ ở hiện tại, mà cả ở quá khứ. Chúng tôi tìm sức mạnh của chúng tôi không chỉ trên đất nước Việt Nam... Mà cả... ở mọi nơi trên thế giới, những nơi hoa nở và loài người đang sinh sống... Khẩu hiệu thứ hai của chúng tôi là: Tôn trọng cả trong lẫn ngoài, nhưng để phục vụ bên trong, có nghĩa là tôn trọng văn hóa các nước khác, để phục vụ cho đất nước mình...”. Càng đọc về ông, chúng ta càng hiểu cách ông truyền bá văn hóa Việt đến bạn bè, cách ông tiếp cận và sẻ chia trao đổi với văn hóa nhân loại đôi lúc nhẹ nhàng như khí trời và hơi thở.
Chế Lan Viên rời cõi tạm đã 20 năm mà cuộc đời và sự nghiệp như được kết tinh từ vị muối của đất vẫn luôn mang nặng những ân tình. Xin thành kính thắp nén hương lòng đến cõi thiêng nơi linh hồn ông nương tựa, đến chùa Vĩnh Nghiêm nơi ông gửi gắm nhúm tro tàn.
P.V.V
(SHSDB39/12-2020)
NGUYỄN QUÂNLà một người vẽ mà lại yêu thơ, khi đọc liên tưởng của tôi trước hết là liên tưởng của con mắt. Cái chúng ta quen gọi là hình ảnh, hình tượng thơ … với tôi trước hết là cái có thể nhìn thấy trong đầu, khi đọc thơ.
LÊ QUANG THÁIVăn khảo luận ít khi viết năm Mão như văn nói thông thường, chỉ vì chưa định rõ năm nào trong các năm: Ất Mão, Đinh Mão, Kỷ Mão, Tân Mão, Quý Mão. Cho nên, không thể dịch ra tiếng Anh: “Year of the cat” một cách vô tư lự được. Viết quảng cáo lớn chữ “Xuân Tân Mão, 2011” mà lại dịch một cách tùy tiện như trên hẳn là chưa ổn.
NGUYỄN DƯ…Bốn cột lang, nha cắm để chồng/ Ả thì đánh cái, ả còn ngong/ Tế hậu thổ khom khom cật,/ Vái hoàng thiên ngửa ngửa lòng/ Tám bức quần hồng bay phới phới,/ Hai hàng chân ngọc đứng song song./ Chơi xuân hết tấc xuân dường ấy,/ Cột nhổ đem về để lỗ không. (Cây đánh đu, Hồng Đức quốc âm thi tập)…
NGUYỄN ĐỨC TÙNGTôi mới đọc Xuân Quỳnh gần đây: với tôi, thơ chị ở quá xa. Nhưng càng đọc càng gần lại. Vì chị thường nói về thời gian: Bao mùa thu hoa vẫn vàng như thế/ Chỉ em là đã khác với em xưa
LƯƠNG ANMiên Thẩm là một nhà thơ hoàng tộc có tiếng giữa thế kỷ 19. Qua thơ văn ông, chúng ta gặp một con người, tuy bị giai cấp xuất thân hạn chế rất nhiều, song vẫn biểu hiện một ý thức thương dân và một tinh thần lo lắng cho vận mệnh đất nước vốn không phải phổ biến trong tầng lớp nhà nho - trí thức phong kiến lúc bấy giờ.
PHONG LÊGiá Bác không đi Trung Quốc? Hoặc giá Bác không bị bọn Tưởng bắt giam? Hoặc nữa, đã có tập thơ, nhưng năm tháng, chiến tranh, cùng bao nhiêu sự cố khiến cho tập thơ không còn về được Viện bảo tàng cách mạng?
L.T.S: Bài viết của Trần Đình Sử về đóng góp của thơ Tố Hữu trong việc phát triển thể tài thơ chính trị và khuynh hướng sử thi trong biểu hiện không phải không có nhiều chỗ phải bàn cãi. Tuy nhiên tạp chí vẫn coi đây là một cách tiếp cận mới để khám phá nguồn thơ phong phú của một trong những nhà thơ lớn của nền văn học Việt Nam hiện đại. Xin giới thiệu bài tiểu luận này để bạn đọc cùng suy nghĩ trao đổi.
ĐÔNG HÀVăn chương bắt nguồn từ cuộc sống. Với Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng vậy, mỗi trang viết của anh là một sự khởi nguyên rất chân thật. Không thiên về lối miêu tả nhưng bằng cặp mắt tinh tế sắc sảo của mình, Hoàng Phủ đã “nói” về cuộc sống từ những tinh chất của thiên nhiên và con người Huế đọng lại dưới ngòi bút của anh.
VÊ-RA CU-TÊ-SƠ-CHI-CÔ-VAVê-ra Cu-tê-sơ-chi-cô-va là tiến sĩ ngữ văn, giáo sư nghiên cứu ở Học viện Gorki về văn học thế giới thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô.
NGUYỄN HOÀN Nhạc Trịnh Công Sơn lâu nay đã “chinh phục hàng triệu con tim, không chỉ ở trong nước, mà ở cả bên ngoài biên giới nữa” (Văn Cao).
PHAN NGỌC1- Trong việc nghiên cứu Truyện Kiều, xu hướng xưa nay là đưa ra những nhận xét căn cứ vào cảm thụ thẩm mỹ của mình. Những nhận xét ấy thường là rất tinh tế, hấp dẫn. Nhưng vì quan điểm khảo sát là chỉ phân tích những cảm nghĩ của mình căn cứ đơn thuần vào Truyện Kiều, không áp dụng những thao tác làm việc của khoa học hiện đại, cho nên không tránh khỏi hai nhược điểm:
ĐẶNG TIẾNMèo là thành phần của tạo vật, không hệ thuộc loài người, không phải là sở hữu địa phương. Nói Mèo Huế là chuyện vui ngày Tết. Đất Huế, người Huế, tiếng Huế có bản sắc, biết đâu mèo Huế chẳng thừa hưởng ít nhiều phẩm chất của thổ ngơi và gia chủ?
TRIỀU NGUYÊNCó nhiều cách phân loại câu đối, thường gặp là ba cách: dựa vào số tiếng và lối đặt câu, dựa vào mục đích sử dụng, và dựa vào phương thức, đặc điểm nghệ thuật. Dựa vào số tiếng và lối đặt câu, câu đối được chia làm ba loại: câu tiểu đối, câu đối thơ, và câu đối phú. Bài viết ngắn này chỉ trình bày một số câu đối thuộc loại câu tiểu đối.
KHÁNH PHƯƠNGNăm 2010 khép lại một thập kỷ văn học mang theo những kỳ vọng hơi bị… “lãng mạn”, về biến chuyển và tác phẩm lớn. Nhiều giải thưởng của nhiều cuộc thi kéo dài một vài năm đã có chủ, các giải thưởng thường niên cũng đã… thường như giải thưởng, nhà văn và bạn đọc thân thiết hồ hởi mãn nguyện tái ngộ nhau trên những đầu sách in ra đều đặn… và người thực sự quan tâm đến khía cạnh nghề nghiệp trong đời sống văn chương lại tự hỏi, những sự kiện đang được hoạt náo kia có mang theo trong nó thông tin gì đích thực về thể trạng nghề viết hay không? Nếu có, thì nó là hiện trạng gì? Nếu ngược lại, thì phải tìm và biết những thông tin căn bản ấy ở đâu?
MIÊN DIVẫn biết, định nghĩa cái đẹp cũng giống như lấy rổ rá... múc nước. Vì phải qui chiếu từ nhiều yếu tố: góc nhìn, văn hóa, thị hiếu, vùng miền, phong tục... Tiểu luận be bé này xin liều mạng đi tìm cái chung cho tất cả những góc qui chiếu đó.
INRASARA1. Điểm lại mười căn bệnh phê bình hôm nay
XUÂN NGUYÊNHơn ở đâu hết, thơ mang rất rõ dấu ấn của người làm ra nó. Dấu ấn đó có thể là do kinh nghiệm sống, do lối suy nghĩ… đưa lại. Đứng về mặt nghệ thuật mà nói, dấu ấn trong thơ có thể được tạo nên bởi lối diễn đạt, bởi mức độ vận dụng các truyền thống nghệ thuật của thơ ca.
Linda Lê, nhà văn nữ, mẹ Pháp cha Việt, sinh năm 1963 tại Đà Lạt, hiện đang sống tại Paris, viết văn, viết báo bằng tiếng Pháp. Một số tác phẩm của nhà văn đã được dịch sang tiếng Việt và xuất bản tại Việt Nam như là: Vu khống (Calomnies), Lại chơi với lửa (Autres jeux avec le feu). Chị đã có buổi nói chuyện tại Trung tâm Văn hóa Pháp tại Huế vào ngày 15.10.2010 vừa rồi. Sau khi trao đổi về bản dịch, chị đã đồng ý cho phép đăng nguyên văn bài nói chuyện này ở Tạp chí Sông Hương theo như gợi ý của dịch giả Lê Đức Quang.
KHÁNH PHƯƠNG (Tiếp theo số 261 tháng 11-2010)
LÊ TIẾN DŨNGKhi nói đến thơ một vùng đất, thường người ta vẫn chú ý nhiều đến những vấn đề như tác phẩm, thể loại, đội ngũ… nghĩa là tất cả những gì tạo nên phong trào thơ của một vùng.