DƯƠNG PHƯỚC THU
Bút ký
Hòa thượng Thích Mật Hiển, tọa chủ Trúc Lâm tự, danh uy kiêm nhiếp trụ trì luôn chùa Thánh Duyên dựng trên núi Thúy Vân.
Chùa Thánh Duyên núi Thúy Vân - Ảnh: internet
Lúc sinh thời đã hơn một lần đại sư "tâm thản thân nhàn" ban đạo từ dạy tôi rằng: "Xưa kia núi Thúy Vân có nhiều cây kim giao mọc. Thái Y viện sai người chặt lấy thân làm đũa vua dùng".
Tôi như kẻ phàm tục, nghĩ cạn chỉ bấm bụng mà xét; vua chúa thiếu gì "đũa ngà bát ngọc" sao Thái Y viện lại mất công đi chọn cái thứ "dân chốn quê mùa không thèm dùng ấy" để cung tiến?!
Ôn Trúc Lâm (1) từng trải, hiểu người nhìn tôi mỉm cười, từ bi giải thích vầy: "Cây kim giao có một loại tố chất, khi gặp độc dược tự nó có khả năng thay đổi màu nhanh rất dễ nhận thấy. Nên Thái Y viện chọn làm đũa cho vua dùng là có ý vậy"...
Tôi hiểu ra, bái sư, lấy làm kính phục! Và dĩ nhiên bây giờ tôi đâu "còn" là người của Thái Y viện ngày xưa, mỏi chân đi tìm cây kim giao dâng tiến. Nhưng quả thực tôi lại muốn kiếm cho được cái chỗ nó mọc đầy huyền thoại kia - nơi núi cao Thúy Vân ấy đã có nhiều điều mường tượng lý thú trong tôi từ lâu lắm rồi.
Tôi từng nghe:
"Thánh Duyên phổ tế hàm quy thiện
Phật tích tăng quan tự hữu nhân"
Nghĩa là Thánh Duyên phổ độ chúng sanh đều đi về con đường thiện. Mới thấy nơi đây Phật tích càng thêm sáng ắt phải có nguyên nhân...
![]() |
Tôi định thần xét thấy, thuở trời đất phân chia trên dưới, vũ trụ vần xoay tạo đặt ngũ hành. Ngọn núi này may mắn tọa lạc về phía Tây cửa bể Tư Hiền chừng ba cây số. Bây giờ nó thuộc địa phận Tăng Sà của Vinh Hiền, và được xem như một nét chấm phá vực lên xanh biếc giữa miền sông nước, nó gánh tất cả những gì trước đó - núi rùa Linh Thái - người anh hùng ruột thịt của nó từng chịu thiên mệnh trải qua...
Tuy không cao ngất như Trường Sơn nhưng núi Thúy Vân cũng sừng sững một phương độc lập và có phần nổi danh hơn trong thiên hạ. Vốn xưa núi có tên "Mỹ Am Sơn". Vào năm Đinh Mùi (1667), chúa Nguyễn Phúc Tần, thích tuần du thưởng ngoạn, lại muốn tìm nơi trọng yếu đặt đồn canh phòng miền duyên hải... khi thuyền nhà Chúa vào cửa Tư Hiền dừng chân, rồi sai hộ giá lên núi Mỹ Am nghỉ lại. Chúa thấy phong cảnh non sông ở đây kỳ tú, dáng núi tọa như hình con chim phụng đang vỗ cánh bay lên, bèn hứng khởi cho lập một ngôi chùa nhỏ để cho dân địa phương "sớm tối dọn lòng trần tục".
Đến đời Phúc Châu, chúa mới lên ngôi, năm 1692 ban bố đại xá, gia ân trùng tu sửa chữa chùa chiền, thỉnh kinh tam tạng, chấn hưng Phật giáo Đàng Trong. Cũng tại núi này, nhà Chúa đã cho xây một tòa Cầm Vũ để cầu phúc cho quốc thái dân an...
Trải qua hơn một trăm năm, chịu nhiều mưa nắng, lại gặp phải cái thời "rối ren chính trị" nạn tham nhũng, lấn ngôi hiếp Chúa của Phó vương Trương Phúc Loan, cùng với sự tranh giành ảnh hưởng của các phái thiền truyền từ Trung Quốc sang với nhà chúa, và cuộc chinh phạt Nam tiến đẫm máu của đại quân Hoàng Ngũ Phúc đóng chiếm Phú Xuân, rồi quân Tây Sơn vùng lên giành được vương quyền trong cả nước. Những cuộc chiến chinh huynh đệ ấy đã mặc cho thời gian qua đi, chùa xưa tàn lụi theo dấu dày, rêu xanh phủ kín, cọp kêu vượn hú gọi bầy, ma Hời lại nổi lên quấy phá...
Dù biết vậy, nhưng cũng phải đợi đến tháng 6 năm 1825, vua Minh Mạng nhân chuyến ra cửa Thuận An xem xét Trấn Hải Đài, rồi xuống thuyền về biển Tư Hiền. Khi thuyền ngự qua phường Đông Am, vua hạ lệnh dừng chèo, ngự giá lên núi Mỹ Am ngắm cảnh. Trong khi leo núi, vua thấy có cái miếu cổ bỏ hoang, vời dân ở đấy đến hỏi, rồi cho một trăm quan tiền sai sửa lợp lại; ban đặt tên núi là Thúy Hoa, nghĩa rằng núi trông vẻ đẹp như bông hoa tươi thắm. Rồi cho mãi tới năm 1836, với ý thức "không nên vùi lấp" danh lam thắng cảnh, những nơi linh thiêng cổ tự trong quốc gia, vua Minh Mạng dụ các quan dân địa phương "thấy hư hỏng đổ nát" phải bẩm báo về triều, cho xuất tiền của, đốc sức dân lính sửa chữa lại các nơi ấy.
Riêng với chùa xưa trên núi Thúy Hoa, hoàng đế gia ân đặc biệt, Ngài phán rằng "nơi đây các liệt thánh, đức Hoàng tổ ta đã vì dân lập ra đàn cầu phước, nay cho xây dựng lại trên nền cũ chùa xưa thành một ngôi đại tự xếp vào hàng quốc tự", bổ tăng cang, trụ trì quản lý lo hương khói, kinh kệ. Cùng với việc dựng chùa, nhà vua còn cho xây thêm thê gác Đại Từ và cây tháp Điều Ngự, lại sắc ban tên tự là chùa Thánh Duyên; như ước muốn cầu mong duyên lành Đức Phật lan tỏa tựa ánh nắng mặt trời rải khắp nơi trong địa giới!
Từ dưới chân núi leo lên đến đỉnh, phải đi qua chùa Thánh Duyên, vòng lượn sang gác Đại Từ rồi thẳng đứng chót vót lên tháp Điều Ngự. Cũng chỗ xây tháp, cách vài mét, nhà vua cho dựng thêm một "hành cung Thúy Vân", để mỗi khi ngự giá miền này lên đây nghỉ lại. Trước mặt hành cung còn có một cái giếng tự nhiên, tương truyền xưa kia khi chưa dựng chùa xây tháp, vào những đêm trăng sáng mùa hạ, đỉnh núi khỏa một lớp sương mờ để cho các tiên nữ từ thiên đình lén trộm Ngọc Hoàng giáng xuống đây tắm gội nô đùa, biển nồng nàn đưa hương thơm thượng giới lan xuống tận miền Tây Thiên. Bây giờ giếng ấy vẫn còn, có tên là Giếng Tiên!
Dưới thời Thiệu Trị, vì kiêng tên húy Hoàng thái hậu bà Hồ Thị Hoa, tức thì vua sai đổi lại tên núi là "Thúy Vân Sơn". Trên núi Thúy Vân có chùa Thánh Duyên lại thêm gác Đại Từ và tháp Điều Ngự trấn giữ phía sau, cái khí thế sơn mạch phúc cát ấy chùa được xếp một nơi duyên lành phổ độ, cho nên mỗi khi "quốc gia đại sự" các vua triều Nguyễn từ Minh Mạng về sau, thường xuống đây cầu độ lễ Phật, lấy sự phóng khoáng trời đất non nước hữu tình để giải bày biến kế tìm mưu hành sự.
Núi lấy tên "Thúy Vân" xét bia ký nghĩa chữ là làn mây mỏng phủ lên trái núi vốn đã xanh biếc như màu xanh của cánh chim trả vậy. Lịch sử "biến trại vì húy phạm" đã để lại cho hậu thế chúng ta nhiều điều đến nay nhiều học giả tốn cơm hao giấy vẫn có cái bàn chưa ra nguyên ủy. Thí dụ như tên cái chợ Đông Ba ngày nay, vốn xưa là chợ Đông Hoa do bị tên húy bèn đổi ra Đông Gia, nhưng dân quen dùng Đông Ba. Rồi núi Thúy Hoa biến trại thành Thúy Ba khi chưa kịp có tên mới là Thúy Vân. Thêm một lần nữa từ sau 1945, người dân xứ Huế lại gọi Thúy Vân thành tên Túy Vân. Có người cắt nghĩa giải thích là "mây say"! Để ấn tượng đến lúc ta có dịp lên núi ngắm nhìn thấy những gợn mây bay thấp tè vướng phải ngọn cây núi, muốn thoát biến nhưng không đủ sức nên cứ quay qua đảo lại uốn lượn lên xuống như say như tỉnh giống tiên ông trong cảnh động đào tiên trên cõi thiên đình vậy. Cũng chính vì tránh sự mượt mà sắc hương chữ "Thúy" trên một ngôi chùa vốn rất linh thiêng nên dân địa phương cố ý trại ra "cái say - Túy Vân".
Dù vậy, Thúy Vân hay Túy Vân thì chùa Thánh Duyên vẫn giữ được những giá trị văn hóa khá đặc sắc của nghệ thuật kiến trúc Nguyễn; với những ngôi nhà gỗ theo kiểu "trùng thiềm điệp ốc" nghĩa là mái nhà sau cao hơn mái nhà trước, đâu khít lại như chồng lớp lên nhau tạo nên một không gian "chật nhưng thoáng đãng", với những hàng cột rường chắc chắn, đối xứng thống nhất rất hợp lý trong bố cục đặt nơi thờ phụng. Trong mối giao kết nhờ giữa những đan lợp mái kế tiếp đó một hệ thống ô - hộc ra đời, tạo nên một nơi để các nghệ sĩ tài năng của Huế họa thành những bức tranh sinh động tuyệt vời, với các bài thơ câu thơ ngắn mang đậm phong cách và chủ đề Phật giáo theo lối "nhất thi nhất họa". Chính nhờ trường phái kiến trúc này mà ngày nay thi thoảng người ta vẫn tìm ra một đôi điều ẩn ý của tiền nhân, tìm ra những chuyện cũ "không chép trong chính sử", nhưng vô cùng quý giá và xác thực với dòng sử thi đất nước. Cho nên chùa Thánh Duyên và núi Thúy Vân là một trong những tuyệt tác của thiên nhiên và con người cùng rung cảm sáng tạo ra, đã được vua Thiệu Trị liệt vào hàng thứ chín trong hai mươi thắng cảnh nổi tiếng đất thần kinh…(2)
Một sáng đầy nắng và gió mùa hạ năm 96, tôi rời Huế, hành hương về chùa Thánh Duyên mong mỏi tìm được một cây kim giao trên núi Thúy Vân.
Từ bến đò ngang Đá Bạc nằm cạnh trục đường "thiên lý lộ", tôi xuống đò ngồi tựa lưng mạn con thuyền rồng máy mười hai sức ngựa, để mượn đường vượt qua khoảng rộng đầm phá cầu Hai xanh ngắt, và phải mất chừng hơn nửa giờ mũi con thuyền mới kịch bờ tới bến, làng Tăng Sà. Bến đò ấy nằm ngay dưới chân núi Thúy Vân nên cũng gọi là "đò Thúy Vân". Đến lúc con đò đã cặp sát bến, tôi vọt lên bờ tìm ngay một cái giếng gần đấy (xin) múc gàu nước rửa mặt. Sở dĩ tôi làm như vậy vì nghe rằng ở dưới chân núi Thúy Vân có cái giếng cổ tên là "Cam Lồ", giếng ấy nước trong lại ngọt, có mùi thơm nhẹ như hương hoa pha vào. Đồn rằng xưa kia giếng Cam Lồ này có quan quân triều đình quản lý để dùng nước ấy tiến vua. Một đội thủy binh đò chèo hằng ngày hai lần xuống Huế - Thúy Vân, họ chuyên lo vận chuyển mới đủ nước cho vua dùng. Lại còn truyền rằng, các ngự y chỉ dùng nước ở hai giếng quý "Cam Lồ Thúy Vân và Hàm Long chùa Báo Quốc" để sắc thuốc cho vua và triều đình mà thôi...
Khi tôi đi sâu vào làng Tăng Sà bây giờ nhà nào cũng có cái giếng nước trong dùng để sinh hoạt, nhưng thói quen hoặc lý do nào đó họ vẫn đến gánh nước ở giếng Cam Lồ; tôi hỏi một cụ già có nhà ở sát giếng, vì sao? Ông cụ đã ngoài bảy mươi nhưng vẫn còn giữ được cái phong thái của người ngũ tuần, cười nói: "Nước ở giếng Cam Lồ đã mát lại ngọt có mùi thơm hơn, dùng pha trà, cất rượu, nấu cơm đều ngon cả. Nếu con gái dùng lâu nước ấy tóc sẽ dài, răng trắng, da mịn hồng, nhãn con ngươi đen nhánh; người già như ta dùng nước ấy như uống thuốc quý giữ mãi độ thanh xuân minh mẫn"...
Bây giờ khi tôi đã đến tận đây rồi, thì cũng chỉ cần uống một ngụm thôi cho đủ biết cái mùi vị "thần diệu nước Cam Lồ Bồ tát" ở giếng cổ này trước khi lên núi viếng chùa...
Tôi không phải là phật tử mộ đạo, lại càng không phải một kẻ thất tình hay phạm giới mong quy y nương nhờ nơi cửa Phật; tôi chỉ là "cái tôi" trong "nỗi khổ" của thời cơ chế thị trường lâm vào quẻ Bĩ muốn tìm hóa giải nợ day dứt trần kiếp muôn đời luẩn quẩn của căn bệnh tham, sân, si, quái ác. Và trong nỗi ước nguyện trầm luân ấy, tôi chợt chớm ngộ ra cái tâm đức của đấng Phật chí tôn bừng sáng trong duệ trí của mình, tôi vào chùa được thanh thản bình yên hơn!
Tôi theo lối nghi môn phía sau chùa vòng sang gác Đại Từ, rồi trở lại con đường nhỏ trèo lên tháp Điều Ngự. Từ trên cao phóng tầm mắt nhìn ra bốn phía vào một chiều mùa hạ. Ôi non sông đất nước! Cảnh trí ở đây mới đẹp làm sao, trời cao vời vợi, mây qua núi lại thấp, gió mát luồn sâu tận cùng da thịt, thoang thoảng mùi hoa rừng ngây ngất hương mây. Phía Tây xa xôi kia núi đồi đuổi nhau xếp hàng như đàn voi xông trận; có đoạn nhấp nhô lên xuống tựa rồng bay, còn phía Đông biển xanh dậy sóng nghìn trùng xô đẩy nhau vào tận cửa Tư Hiền; và kế sát cửa bể, núi Rùa vẫn oai hùng như trường thành ngàn năm trước, đứng phơi mình chắn giữ thế bình phong. Còn dưới chân núi Thúy Vân, đầm Cầu Hai - biển nhi hải "muôn nghìn vạn khoảnh" phẳng lặng lắng mình chất chứa lượng phù sa vô tận của rừng già Trường Sơn theo các con sông tụ hội về đây để thiên nhiên biến hóa tạo ra một loại thức ăn đặc biệt cho cuộc sống các loài thủy hải sản nước lợ, trở nên một thứ "dược phẩm đặc sản tự nhiên" ngon ngất tiếng nhất vùng, rồi đem dâng tặng cho bản dân xứ Huế.
Đứng trên tháp cao Điều Ngự, tôi say sưa ngắm cảnh như chim trời tự do tung cánh vạch lên không gian những cung đường phóng khoáng và bất tận, quên mất chiều hạ đang tía vàng và chuyển sang tím biếc buông nhanh. Rồi khi sực nhớ tới "chuyến đò ngang đưa khách sang sông”, tôi vội vàng xuống núi. Ở bến đò máy Thúy Vân, người khách cuối ngày lẻ loi một mình làm con thuyền "kinh doanh tự ái" không thèm chịu đưa tôi sang bến đò Đá Bạc để đón xe về lại Huế. Từ chỗ đợi đò ấy, nước cường chiều đầm phá dâng lên như muốn đẩy xa đôi bờ tạo nên khoảng trống vốn đã mênh mông trong tôi càng thêm mờ mịt.
Nỗi cô đơn ập đến, thế là tôi đành quay gót lên chùa "xin tựa cửa dưới hiên" trú cho qua hết đêm dài...
Có lẽ một quyền năng nào đó đã giữ tôi lại Thúy Vân Sơn đêm ấy, để tôi có dịp nằm nghe tiếng nói thì thầm lẫn trong mây núi. Tiếng của ngàn xưa như nhạc mềm dịu ngọt làm cho tâm hồn tôi bỗng chốc quên hết mọi nhọc nhằn hiện tại để trở về quá khứ xa xưa...
Từ trên núi cao vua Tự Đức đã chờ sẵn trong nghi lễ Hoàng triều để đón nhận sự bái biệt của Bùi Viện trước khi lên thuyền băng miền vượt biển khơi, mong mỏi ra đi tìm được một kế sách nào đó đem về giúp nước.
Dù các vua triều Nguyễn, đặt biệt là Tự Đức; lịch sử lên án gọi là "Triều đại bế quan tỏa cảng kìm hãm sự phát triển của đất nước", thì cũng chính ở triều Tự Đức lịch sử cũng lại khách quan thừa nhận rằng; đã có nhiều nhà nho tâm huyết với đất nước tận lực đổi mới quê hương, dám gạt bỏ mọi trở ngại của thời đại mình dấn thân với phương Tây và họ cũng đã làm được những điều trước đó chưa một nhà nho nào của Việt Nam làm được!
Với Nguyễn Trường Tộ, nếu không có sự hỗ trợ của quan lại triều đình thì chắc gì "một ông linh mục theo đạo Tây Dương" lại dám dâng bản điều trần lên đức Kim thượng? Nếu nhà vua không chấp nhận cuộc cải cách mở cửa tại sao lại sai phái Đặng Huy Trứ xuất dương bôn ba xứ người nhiều lần như vậy cho hao tiền tốn của nước nhà? Và rồi nhiều người khác nữa, nhưng trong số những nhà nho có tư tưởng khoáng đạt thì ông cử nhân Bùi Viện người tỉnh Thái Bình, lại được tin yêu hơn cả!
Một sáng mưa thu mát lành, năm (1873) tại Hành cung Thúy Vân triều đình ban lễ tiễn sứ thần Bùi Viện cùng đoàn thủy thủ lên con thuyền nhỏ vượt trùng khơi ra với nước ngoài mong tầm thầy học hỏi tìm ra phương cách để về chèo lái "con thuyền đất nước đang lâm vào thời kỳ hắc ám, bế tắc". Vua Tự Đức trực tiếp dặn Bùi Viện rằng: "Sứ quốc không nên sơ suất ra lời nói để người ngoài biết cái thực trạng kém cỏi của mình, cũng không nên quá tiết kiệm về tiền tài mà hại đến quốc thể".
Để đánh dấu ngày rời nước nhà, Bùi Viện cùng bạn đồng liêu nâng chén rượu tiễn, hứng khởi ông làm mấy vần thơ, sau này cụ Phan Trần Chúc dịch là:
"Hổ tiếng người đời thánh
Băng miền vượt biển khơi
Vừng hồng non Ngự dọi
Mây trắng núi Côi phơi
Cương thường thân gánh vác
Sóng gió bước chơi vơi
Phúc chúa trời yên ổn
Dòng thu thẳng nẻo bơi"...
Đoạn dốc cạn chén, cúi xuống hôn đất mẹ, bái chào nhà vua, rồi lên thuyền ở bến đò Thúy Vân, Bùi Viện cho dong buồm thẳng cửa Tư Hiền mà ra đi... Sau mấy ngày vật lộn với sóng gió, thuyền của ông đã cập bến Hương cảng. Tại đây ông ngao du tiếp xúc với nhiều giới làm ăn, các nhà chính trị ngoại giao của một số nước. Rồi lại lên thuyền vượt biển tới Hoàng Tân Nhật Bản. Theo sự giới thiệu của một nhà ngoại giao Hoa Kỳ mới quen, Bùi Viện hăng hái băng biển sang tận nước Mỹ. Ngót một năm "nhà nho canh tân Việt Nam” lưu lại trên đất người học hỏi, quan sát và chờ đợi cuộc hội kiến với tổng thống Mỹ lúc ấy là Abraham Lincoln. Nhưng cuộc hội kiến không thành, vì Bùi Viện không có quốc thư của triều đình Huế. Do ông không tính trước có chuyến du hành sang đất Mỹ, thành ra lần ấy coi như "thăm dò cho biết đường". Rồi ông nhanh chóng lên thuyền trở về nước bẩm báo với triều đình... Vua Tự Đức nghe xong lại sắc cử ông làm "Toàn quyền đại thần" để đủ tư cách giao thiệp với chính phủ Hoa Kỳ.
Khi có quốc thư với chức Toàn quyền đại thần, Bùi Viện lên đường sang nước Mỹ lần thứ hai, những tưởng sẽ thành công trong du thuyết, nhưng cái số mệnh của tổng thống Lincoln ngắn ngủi, ông đã chết bởi một tên sát nhân vô lại! Nên "trời đã không giúp - Bùi Viện làm sao được". Một nhà nho nghèo chạy ngược xuôi khắp nước Mỹ, song người ta bảo với ông "chính sách Hoa Kỳ nay đã thay đổi rồi"...
Bùi Viện chán nản trở về cố quốc, tuy không thành đại sự như ý muốn, nhưng ông cũng đã học được nhiều điều nơi xứ lạ. Một trong những điều ấy là tổ chức huấn luyện hải quân nước nhà thành những đơn vị tinh nhuệ. Lại lập ra nha thương chính, công ty thương mại, dùng đội thuyền vượt biển ra buôn bán ở ngoài nước, cải cách một số ngành hành chính quốc gia...
Một nhà nho nhiệt huyết cải cách đất nước như Bùi Viện, mặc dù lúc ấy vua Tự Đức cũng đã chấp nhận "tìm cách mở cửa", nhưng thực dân Pháp đã chiếm Nam Bộ đang hăm he tiến ra Kinh đô, nên "cuộc cải cách" khó bề thành sự.
Dù vậy, cử nhân Bùi Viện vẫn là người có công lớn trong thời "tìm kế cứu vãn tình thế đất nước" của cuối thế kỷ 19. Và như lịch sử ngoại giao, ông trở thành người Việt Nam đầu tiên tiếp xúc với chính phủ Mỹ cách chúng ta ngày nay hơn 120 năm về trước...
Tôi bừng tỉnh khi nghe tiếng gọi của ông Nguyễn Hoàng - người thủ tự suốt mấy chục năm qua của chùa Thánh Duyên. Bây giờ ông đã già, người cao gầy, nhưng nói năng hoạt bát dáng đi vẫn còn nhanh nhẹn. Ông bảo tôi dậy đi rửa mặt, nước buổi sáng ở giếng Cam Lồ đọng sương như có thần dược, uống một hớp thấy người sảng khoái ngay.
Mặt trời lên, tôi lại leo núi tìm kiếm cây kim giao, và dù rất cố gắng tôi vẫn không tài nào tìm ra được một ngọn. Ông Nguyễn Hoàng thấy vậy, nói với tôi rằng:
- Bây giờ nó mọc ở núi cao Bạch Mã nhiều lắm. Nhưng đi vào mùa xuân thì dễ kiếm hơn...
Vậy là tôi lại phải trèo non, lên yên ngựa đụng mây ngàn, mong sao tìm ra một ngọn kim giao vừa ý, chỉ cần một ngọn thôi cũng đủ lắm rồi.
Huế, 9-1996
D.P.T
(TCSH96/02-1997)
-------------------------
1. Ôn Trúc Lâm: Là vị hòa thượng khả kính của chùa Trúc Lâm (viên tịch năm Nhâm Thân - 1992)
2. Ngày 13-2-1996, Bộ VHTT đã quyết định công nhận di tích kiến trúc nghệ thuật chùa Thánh Duyên.
HOÀNG NGỌC CƯƠNG
LGT: Trong quá trình tìm hiểu về sự nghiệp trước tác của Thái sư - Tuy Thịnh Quận công Trương Đăng Quế (1793 - 1865)(1), chúng tôi đã phát hiện ra bài tựa Ninh Tĩnh thi tập tự [寧靜詩集序: Bài tựa Tập thơ Ninh Tĩnh]; được in trong sách Trương Quảng Khê công văn tập [張廣溪公文集: Tap văn của ông Trương Quảng Khê], từ tờ 29a - 30a, tập sách hiện đang được lưu trữ tại Thư viện Quốc gia Việt Nam, dưới ký hiệu R.315.
TÔN THẤT BÌNH
Kim Long (còn được gọi là Kim Luông) vốn là đất các chúa Nguyễn chọn nơi lập phủ từ năm 1636 đến 1687. Năm 1687 chúa Nguyễn Phúc Trăn mới dời phủ về Phú Xuân, cách Kim Long chỉ 3 cây số, dọc theo bờ Sông Hương.
CAO THỊ THƠM QUANG
Kinh thành Huế là tòa thành ở Cố đô Huế, nơi đóng đô của vương triều Nguyễn trong suốt 140 năm từ 1805 đến 1945. Hiện nay Kinh thành Huế là một trong số các di tích thuộc cụm Quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới vào ngày 29 tháng 3 năm 1993.
TRẦN VĂN DŨNG
Vừa qua, sau khi tấm hình chụp về Ngọ Môn không có 8 bộ mái lợp ngói thanh lưu ly ở lầu Ngũ Phụng xuất hiện trên các trạng mạng xã hội đã lôi cuốn một lượng lớn độc giả quan tâm tìm hiểu, đã có nhiều ý kiến bình luận đưa ra khác nhau.
TRẦN VĂN DŨNG
Nhà vườn truyền thống là di sản đặc trưng tạo nên bản sắc văn hóa Huế, ảnh hưởng lớn đến việc hình thành tính cách, tâm hồn của con người xứ Huế.
TRẦN VIẾT ĐIỀN
Triều Sơn, một tên làng đã vào dạ người Huế bao đời nay, qua câu hò ru em vời vợi. Nhiều người Huế nghĩ rằng làng Triều Sơn chuyên buôn bán, với cụm từ “Triều Sơn bán nón” có trong bài hò ru em phổ biến.
THANH HOA - LÊ HUỆ
Chợ Đông Ba có vị trí đắc địa khi nằm ở trung tâm thành phố Huế, dọc bờ sông Hương, bên đường Trần Hưng Đạo, cách cầu Trường Tiền khoảng 100m về phía Bắc. Đây không chỉ là niềm tự hào của người dân xứ Huế mà còn là nơi để du khách tìm hiểu văn hóa vùng đất Cố đô.
VÕ QUANG YẾN
Tạp chí Sông Hương đã có nhiều lần đề cập đến vấn đề sông Hương và cầu Trường Tiền, nhất là về năm xây cầu: Phan Thuận An, Phụ trương đặc biệt số 2; Quách Tấn, số 23; Hồ Tấn Phan, Nguyễn Thị Như Trang, số 29.
“Màu vàng lồng lộng chảy tràn lá xanh” là bộ sưu tập 11 chiếc áo dài xưa, bảo vật của gia đình Tiến sĩ Thái Kim Lan, gồm long bào Vua Khải Định, áo dài gấm the, áo mệnh phụ, áo lụa vàng, áo dài Hoàng thái hậu, áo mệnh phụ công nương, áo gấm xanh rêu, áo xiêm, áo dài lụa vân xanh... Được sự hỗ trợ của Viện Goethe tại Hà Nội lần này bộ sưu tập được đưa từ CHLB Đức về trưng bày tại Bảo tàng Văn hóa Huế, từ 18/5 đến 12/6/2016. Nghệ sĩ sắp đặt Veronika Witte, cũng từ CHLB Đức, trực tiếp thực hiện trong một không gian vô cùng lý tưởng. Tại phòng trưng bày chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn nhanh chủ nhân bộ sưu tập.
PHẠM HỮU THU
Những ai đã từng qua lại con đường Ngô Quyền, hẳn sẽ mừng vui khi thấy nơi này vừa xuất hiện một công trình mà nhiều người quen gọi là Bệnh viện quốc tế Trung ương Huế. Đây là mô hình xã hội hóa được thành lập theo Quyết định của Bộ trưởng Y tế và Bệnh viện Trung ương Huế là đơn vị đầu tiên của cả nước (trong số 18 bệnh viện) được Chính phủ cấp tín dụng ưu đãi nhằm hiện thực hóa chủ trương này.
LÊ QUANG THÁI
Một thời trong quá khứ xa gần, người phương Tây đã từng gọi và như đặt tên cho Đô thành Phú Xuân Huế là “thành phố quan lại”.
Một số thông tin chung
Một trong những bài viết nêu vấn đề Hội Quảng Tri - Huế có thể bị xóa bỏ đã được báo Tuổi Trẻ nêu lên trong bài “Huế xóa bỏ dấu tích nơi cụ Phan Bội Châu từng diễn thuyết?” ngày 26/11/2015. Trong đó có cho biết:
Một số thông tin chung
Một trong những bài viết nêu vấn đề Hội Quảng Tri - Huế có thể bị xóa bỏ đã được báo Tuổi Trẻ nêu lên trong bài “Huế xóa bỏ dấu tích nơi cụ Phan Bội Châu từng diễn thuyết?” ngày 26/11/2015.
DƯƠNG PHƯỚC THU
Hội quán Quảng Tri hiểu một cách nôm na ý nghĩa về cái tên của hội quán này là nơi giao lưu, sinh hoạt văn hóa, giáo dục, khoa học, nghệ thuật... nhằm mở rộng sự hiểu biết.
LTS: Trong thời gian qua, báo chí trong nước đã phản ảnh về việc Hội Quảng Tri - nơi diễn ra các hoạt động khai trí ở Huế đầu thế kỷ 20 - được đề xuất phá dỡ, xây mới để làm …trụ sở UBND phường.
Đề xuất này khiến người dân Huế và những người yêu Huế nói chung, nhân sĩ trí thức, văn nghệ sĩ Huế nói riêng lo lắng, nhiều ý kiến đề nghị cần cẩn trọng.
ĐỖ XUÂN CẨM
TƯỞNG HAI LÀ MỘT, NHƯNG MỘT MÀ HAI
Nhắc tới cây Bồ đề, hầu như đa phần người dân xứ Huế có cảm giác rất thân thuộc.
TRẦN VIẾT ĐIỀN
Từ năm 1917, tạp chí B.A.V.H đăng bài “Cầu ngói Thanh Thủy” của R.Orban. Trong bài nghiên cứu này ngoài phần khảo tả cầu ngói, tác giả đã công bố bản dịch đạo sắc do vua Lê Hiển Tông ban khen bà Trần Thị Đạo, người có công đóng góp tiền của xây dựng cầu ngói Thanh Thủy.
NGUYỄN XUÂN HOA
Năm 1776, trong sáu tháng làm quan ở Huế, có điều kiện ghi chép những điều mắt thấy tai nghe, đọc kỹ văn thơ ở vùng đất Thuận Hóa để viết tập bút ký Phủ biên tạp lục, Lê Quý Đôn đã đưa ra một nhận định mang tính tổng kết: Đây là vùng đất “văn mạch một phương, dằng dặc không dứt, thực đáng khen lắm!”.
Ở thời điểm năm 1987, GS Trần Quốc Vượng là người đầu tiên nêu quan điểm cần đổi mới tư duy lịch sử, nhận thức đúng sự thật lịch sử và thảo luận tự do, dân chủ, rộng rãi, trong đó có vấn đề xem xét lại nhà Nguyễn và thời Nguyễn.