HÀ LÂM KỲ
Hồi ký
Bác Hồ cùng nhà thơ Tố Hữu về thăm Pác Bó năm 1961 - Ảnh: vietnamnet
Ông là một chính khách, và là một nhà thơ lớn thời kháng chiến. Buổi đầu kinh tế thị trường, lãng mạn và ưu tư, ai gặp, cũng nhận ra trên khuôn mặt ông điều đó. Nhưng với thiếu nhi, học sinh, ông vẫn có một góc riêng, rất riêng. Ông là Tố Hữu.
Năm 1986, tôi đưa đoàn học sinh phổ thông trung học đi dự Trại hè tại Đồ Sơn (Hải Phòng) có ý tạo cơ hội cho các em được tiếp cận với những nhân vật hiện hữu mà tên tuổi từng ghi vào sử sách nước nhà, nên tìm đến ông - nhà thơ Tố Hữu.
Sáng ngày 23 tháng 6, tôi tới Ban Trường học Trung ương Đoàn nhờ liên hệ giúp. Trả lời: “Chưa có bao giờ!” Tôi đến Hội Nhà văn. Trả lời: “Anh sang Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng!”. Chiều đó, tôi tới thẳng nhà riêng 76 Phan Đình Phùng, bấm chuông, một cháu bé chừng 5 tuổi chạy ra: “Ông cháu đi họp ạ”. Ngày 24, lại đến. Gặp anh Chiêu, thư ký, đưa giấy giới thiệu, anh nhận rồi hẹn chiều hôm sau gặp lại. Đúng giờ, anh Chiêu vui vẻ: “Anh Tố Hữu nói: Thôi được, chẳng mấy khi các cháu Hoàng Liên Sơn về, ta đón các cháu chu đáo”.
Sáng ngày 28 tháng 6, cả đoàn đi viếng Bác, thăm nhà Bác nên quá giờ hẹn. Anh Chiêu sốt ruột đi ra đi vào hành lang 76 phố Phan Đình Phùng, khi xe đến, anh hơi khó chịu. Tố Hữu bảo: “Đừng trách các cháu”. Ổn định chỗ ngồi, tôi nói lời xin lỗi, Tố Hữu như không quan tâm tới sự chậm giờ của đoàn mà đi ngay vào câu chuyện...
- Các cháu thấy Bác Hồ thế nào?
- Chúng cháu thấy xúc động ạ!
- Chúng cháu thấy thiêng liêng ạ!
Nhà thơ Tố Hữu:
- Xúc động, thiêng liêng. Đúng! Vì Bác của chúng ta vĩ đại quá, mà cũng gần gũi quá.
- Cháu nào ở Mường Khương?
Hai cánh tay giơ lên: - Có ạ! Có ạ!
- Cháu nào ở Lào Cai, ở Mỏ?
- Có ạ!
- Cháu nào ở Bảo Thắng?
- Cháu ạ!
- Con nói nghe về Đồn Biên phòng 206 đi, các chú làm gì, cần gì, sinh hoạt thế nào?
Em Lê Phương Hoa: - Thưa bác, các chú luôn luôn vui ạ.
- Chú hỏi thật nhé (Tố Hữu tự xưng hô là “chú”), các con ăn có được no không?
- Chúng cháu ăn không được no, phải ăn độn sắn khô ạ.
- Trường cháu có trồng sắn không?
- Không ạ! Hà Thị Lý (Văn Chấn) trả lời.
Tố Hữu “À” nhẹ rồi hỏi tiếp:
- Quê các cháu có trồng cây không?
- Có ạ.
- Cây gì?
- Cây mỡ, cây thông.
- Có trồng chè không?
- Thưa bác, có ạ.
- Thôi nhé, chú cứ xưng hô là “chú” cho tiện.
Lê Thị Phố (Yên Bình) mạnh dạn:
- Chúng cháu mong được gặp chú để hỏi chuyện.
Nhà thơ Tố Hữu:
- Thế chú hỏi trước nhé. Cháu có thích học không? Nói thật đi?
Phố ngập ngừng:
- Nhiều lúc chúng cháu chán học ạ.
Tôi đỡ lời:
- Cô ấy ba năm liền là học sinh tiên tiến đấy ạ.
- Ồ! Thế mà lại không thích học. - Nhà thơ Tố Hữu cười rất vui. Lê Thị Phố cảm thấy ngại ngại trước bác Tố Hữu.
- Thế chú hỏi tiếp nhé. Các cháu thấy chán môn gì nhất?
- Nhiều tiếng học sinh: “Chính trị ạ!”
- Các cháu chán vì sao, chủ quan hay khách quan?
Lê Thị Phố: - Khách quan nhiều hơn ạ.
- Cụ Nguyễn Du nói: “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” là muốn nói cái khách quan đưa lại đấy. Còn ta, ta phải làm chủ cái buồn.
Nhà thơ Tố Hữu tiếp tục, giọng ông ấm áp, trìu mến:
- Cụ Mác nói “Hạnh phúc” là gì có biết không?
Em Hà Thị Lý: - Là đấu tranh ạ.
- À, đúng rồi! Giỏi! Biết cả đấy. Nhưng đấu tranh với ai?
La Thị Anh (Văn Yên): - Với chính mình trước ạ!
- A, tuyệt vời. Đúng là học sinh tiên tiến! Phải đấu tranh thắng mình trước. Câu trả lời rõ ràng quá!
Nhà thơ Tố Hữu quay sang Lê Thị Phố - cô sinh viên Trường Sư phạm 10+3: “Thắng mình. Thế sao lại chán học?” Phố chỉ cười, không trả lời.
Nhà thơ Tố Hữu: - Các cháu có nhớ bài “Dậy mà đi” không? Lời ca hay lắm: Ai chiến thắng mà không hề chiến bại, ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần! Dại dột đôi lần mà không nhụt chí.
Nhà thơ ngừng giây lát, rồi bỗng ông ngẩng nhìn các em học sinh một lượt. Khuôn mặt ông vẫn tươi vui như hòa quyện với chất giọng xứ Huế dịu ngọt.
- Các cháu hỏi về cây táo? “Cành táo đầu hè quả ngọt rung rinh”. Bây giờ thì cây táo, quả táo nó không còn ngọt như trước nữa, nó cũng chua cũng chát như đời người vậy (Nhà thơ cười rất sảng khoái khiến các em cũng cười theo).
- Còn cây hồng? “...Quả son nhún nhẩy đèn lồng cành tơ/ Cây hồng như thực như mơ...”. Cây người cũng thế thôi, như các con, phải được chăm bón loại thức ăn gì? Lại Thị Hoa (Lào Cai) nói xen vào: “Thức ăn tinh thần ạ!” - Đúng rồi, tinh thần: tình cảm cách mạng, lòng nhân ái, lí trí, tri thức - khoa học và tinh hoa văn hóa. Ngày hôm nay, các con còn đang thiếu những thứ đó!
Căn phòng nhỏ, có tới bốn mươi con người, ngồi, và đứng, lúc này im phăng phắc, tôi và anh Trương Bình, giáo viên, Bí thư Đoàn trường cấp 3 Lý Thường Kiệt chăm chú “tốc ký”. Dường như nhà thơ, và là vị lãnh đạo cao cấp của Đảng một thời không còn phân biệt ranh giới, càng trò chuyện với lớp con cháu, Tố Hữu càng cảm hứng.
- Con người là gì? - Nhà thơ Tố Hữu chợt hỏi.
Im lặng.
- Từ “con người”, một từ kép! Khác con vật ở gì nhỉ?
Đặng Thúy Hồng (Lục Yên): - Ở bộ óc ạ.
- Đúng. Đúng. Các nhà triết học châu Âu xưa nói: Tôi tư duy, vậy là tôi tồn tại! Chúng ta phải chăm bón tư duy, để tồn tại, để tiến lên. Văn hóa là của con người, vì con người; nên gặp các cháu, điều chú vui nhất là nhìn thấy và tin ở tương lai các cháu. Nhưng mà, nhưng mà, các cháu muốn “đi” gì nhỉ? - Lại Đức Nam (thị xã Yên Bái) nói xen: “Muốn đi tới ạ”. “À đúng. Đi tới! “Kiêu hãnh chút bạn đời ơi, đi tới./ Say tương lai, nuôi chí lớn, anh hùng.” Chú chắc đời chú không thể bằng đời các cháu. Hồi chú ở tù, Pháp nó đánh, các chú bực lên, tuyệt thực! Nhưng rồi đấu tranh, Con cá chột nưa ra đời trong hoàn cảnh ấy. Bài đó, truyền qua các nhà lao, anh em tù truyền miệng nhau, vui rồi, quên đói, quên đau.
Chú nói chuyện ngày xưa, bây giờ các cháu có cho là còn ý nghĩa không?
- Có ạ! (có tiếng đáp).
- Chuyện đời bây giờ cũng thế thôi, ai cũng muốn giành phần cho mình thì hỏng cả. Con người mà sống không có đạo lý thì không còn là con người nữa, khác gì con vật, lòng tham, đâu có tiền là ta cứ đi, sẽ hỏng. Các cháu hôm nay trong trẻo lắm, nhưng đời, không thiếu cái tối tăm dọi vào, nên các con phải cảnh giác, cảnh giác ở chỗ, mình có ba mẩu sắn, bạn đói, chia cho bạn một mẩu, đừng có giữ cả cho mình. Tố Hữu nhìn các em cười hiền hậu.
Nhà thơ lat giở những trang đầu tập thơ Từ ấy mà ông vừa đặt xuống mặt bàn.
- Bây giờ ta nói đến chuyện “Tự do”. Thế nào là tự do?
Hà Minh Sơn (Trường PTDT tỉnh): - Tự do là có kỷ luật ạ!
- Đúng.
- Tự do phải nằm trong tổ chức. Trường các con có ai không làm thứ tự do ấy không?
Lại Đức Nam: - Có ạ. Ví dụ có bạn tự do đi “trấn” của bạn khác ạ.
- Đó, đó. Nhỏ mà tự do kiểu ấy thì lớn lên dễ là tự do ăn cướp, tự do lưu manh. Tự do phải trong lẽ phải, biết được lẽ phải, tôn trọng và làm theo lẽ phải. Không biết bơi mà cứ nhảy xuống nước thì dễ “tự do” uống nước. Lẽ phải ở đây là biết bơi - học bơi, và có kỷ luật trong bơi. Ở đời, chỉ có hai chữ đối lập: Phải và trái, hay - dở, thiện - ác, ai làm điều thiện, điều hay, điều phải, đó là người tốt. Giàu - nghèo, sướng - khổ, cũng là một vấn đề, phải phân biệt được. Trước khi nói đến sướng - khổ, giàu - nghèo, hãy hiểu phải - trái, đúng - sai đã, thế mới là người khôn. Các con muốn nghe chú nói về thơ, thì đấy là thơ đấy. Không có tình cảm, đạo lý... thì không có văn chương nào đâu. Cụ Nguyễn Du kêu: “Đau đớn thay phận đàn bà”. Tấm lòng của cụ Nguyễn Du thì vô hạn. Chú không rõ các thầy dạy văn thế nào, nhưng nếu là giáo viên văn, trước hết phải đẹp về tâm hồn cái đã. Đấy là văn đấy. Cảnh ngộ có trái, các con mới trưởng thành. Chắt chiu, cóp nhặt điều hay lẽ phải để bồi bổ làm cho mình lớn lên, “củ khoai củ sắn thay cơm, khoai bùi trong dạ, sắn thơm trong lòng”, các con sẽ tự tin hơn.
Đã hơn một giờ đồng hồ. Phòng khách nhỏ của nhà 76 Phan Đình Phùng như một lớp học đặc biệt với một thầy giáo đặc biệt, và bài giảng, bài học cũng rất đặc biệt. Nhóm cán bộ giáo viên chúng tôi vốn đã coi Tố Hữu là thần tượng thơ ca cách mạng, đầy lòng ngưỡng mộ. Còn các em, mới chỉ biết đến ông qua những Từ ấy, Lượm, Bầm ơi, Hoan hô chiến sỹ Điện Biên, v.v… giờ đây trước mặt các em là nhà thơ lớn rất đỗi gần gũi, nên điều khó nhất là “nói thật lòng” thì các em đã không ngần ngại.
Tố Hữu chỉ tay vào các anh chị phụ trách rồi tự tay cầm dĩa kẹo đưa đưa đến từng em.
- Các con ăn kẹo đi, kẹo Hà Châu đấy, rất ngon.
Rồi bất ngờ ông chuyển sang chủ đề khác:
- Các con có hiểu về địa lý, lịch sử, văn hóa địa phương không?
Nhiều tiếng: - Ít lắm ạ
- Chưa hiểu ạ!
- Các con có biết múa xòe là gì không?
- Không biết ạ.
- Ồ, gay rồi, văn hóa dân tộc bị mất. Chú hiểu, đó là khuyết điểm lớn của giáo dục ta hiện nay. Dạy sử, dạy văn, dạy địa lý hay sinh vật ở đâu đâu mà không cho các em biết về quê mình, là khuyết điểm. Tới đây phải dạy các bộ môn địa phương thật chu đáo.
Hôm nay nói chuyện với các con, nhưng cũng là nói chuyện với các thầy. Tôi hiểu “làng giáo có gì vui”. Các con phải biết tự đi bằng hai chân của mình, phải luyện ý chí tự lực, tự lực và tự lực. Các con là trụ cột của thế kỷ 21 đấy. Chúc các con sớm trở thành những người đảng viên cộng sản chân chính, đảng viên cộng sản đường hoàng.
Đó là văn chương của đời người, văn chương đích thực. Chú xin nhắc lại, là hôm nay, chú nói nhiều đến hai chữ ghép: Hạnh phúc, tự do, lẽ phải, tự lực tự cường... nhưng lại là nói chuyện văn chương, rất văn chương đấy. Hy vọng đáp ứng phần nào mong muốn của các con. Vậy thôi nhỉ?
Đã gần mười hai giờ trưa. Tôi nói lời cảm ơn, và ngỏ ý phân trần, hôm nay có hẹn máy ảnh, nhưng bị lỡ. Rất tiếc.
Nhà thơ đứng dậy, cười hiền lành:
- À thôi. Ngạn ngữ phương Tây có câu: Mọi việc đều sẽ đi nhanh, trừ người qua đường...
Yên Bái, 2018 - 2020
(Tư liệu từ sổ tay tác giả)
H.L.K
(TCSH380/10-2020)
TRẦN BẢO ĐỊNH
Thương nhớ chú Tư Sâm.
Phải nói ngay rằng, hồi trai trẻ, tôi không thích giới văn chương, chỉ thích giới văn nghệ. Chẳng hiểu vì sao?
BÙI KIM CHI
Thời thiếu nữ của tôi gắn liền với Thành nội. Nơi này tôi đã sinh ra và lớn lên. Tôi yêu Thành nội. Thành nội đã đi vào cuộc đời tôi với nhiều sắc màu.
THANH TÙNG
Kinh đô Huế cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, bầu trời u ám của xã hội phong kiến Việt Nam lúc mãn chiều xế bóng đã phát ra tín hiệu của một vì sao NGUYỄN TẤT THÀNH.
LÊ HUY MẬU
Anh Điềm, bấy giờ còn là Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa TW, nhưng đã sắp nghỉ. Anh ra thăm Côn Đảo. Trong đoàn tháp tùng anh ra Côn Đảo của Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu có tôi.
PHẠM HỮU THU
1.
Cuối năm 1989, tôi cùng Trần Phá Nhạc ghé 47 C Duy Tân, Quận 3 - TP. HCM thăm anh Trịnh Công Sơn.
LGT: Hiện không nhiều tài liệu miêu tả miêu tả về đời sống, sinh hoạt văn hóa, xã hội của Huế vào thập niên 30 - 40 của thế kỷ trước. Bản dịch dưới đây là trích đoạn từ cuốn nhật kí Adieu Saigon, Au revoir Hanoi (Chào Hà Nội, tạm biệt Sài Gòn - Nhật ký kì nghỉ năm 1943) của Claudie Beaucarnot.
DÃ LAN NGUYỄN ĐỨC DỤ
Hồi Ký
Ba mươi tháng tư. Tôi đang dùng bữa tối cùng gia đình thì chợt nghe tivi thông báo ông Thanh Nghị chết.
PHƯỚC VĨNH
Hình ảnh Hồ Chủ tịch là nguồn cảm hứng sáng tạo đối với nhiều nghệ sĩ tạo hình Việt Nam.
BỬU Ý
Đinh Cường đã vĩnh biệt tất cả chúng ta! Một nghệ sĩ trong cái ý nghĩa toàn diện, cao đẹp nhất, một nghệ sĩ làm lan tỏa nghệ thuật ra chung quanh mình cho gia đình, cho bạn bè, cho cả đời sống, khiến anh trở thành tâm điểm cho những cuộc gặp mặt, những buổi hội hè.
PHAN NGỌC MINH
1. Năm 2004, tôi triển lãm tranh tại Foyer du Vietnam - Paris, do ông Võ Văn Thận, là nhà thơ kiêm phụ trách quán bảo trợ. Tại đây tôi đã gặp gỡ được nhiều bạn bè Việt Pháp, trong không khí thân thiện ấm áp…
PHAN NGỌC MINH
1. Năm 2004, tôi triển lãm tranh tại Foyer du Vietnam - Paris, do ông Võ Văn Thận, là nhà thơ kiêm phụ trách quán bảo trợ. Tại đây tôi đã gặp gỡ được nhiều bạn bè Việt Pháp, trong không khí thân thiện ấm áp…
VÕ SƠN TRUNG
Trong gần một thế kỷ qua, bạn đọc Việt Nam đã tiếp cận khá nhiều tác phẩm của đại thi hào Ấn Độ Rabindranath Tagore, trong đó có hàng chục tập thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch nói, tiểu luận, và thậm chí cả hồi ký của thi hào…
Lần đầu nói chuyện trực tiếp với họa sĩ Đinh Cường tại xe cà phê Tôn trước nhà thờ Tôn Nhân Phủ ở Thành Nội, tôi: “Thưa thầy!” Anh khoát tay: “Úi dà, bày đặt. Chỗ bạn bè anh em với nhau cả, thầy bà chi nghe đỗ mệt!”
TRẦN NGUYỄN KHÁNH PHONG
Thật vui mừng và xúc động khi cầm trên tay tập sách Rừng hát của cố nhạc sĩ Trương Minh Phương do gia đình tặng. Tuyển tập dày 1.328 trang, chia làm 4 phần, tập hợp những sáng tác, nghiên cứu văn học nghệ thuật trong cuộc đời của nhạc sĩ.
VÕ TRIỀU SƠN
Ngay sau Lễ Quốc khánh 2/9/1945 ra mắt nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, công cuộc kiến thiết đất nước được bắt đầu, trong đó có văn hóa.
VÕ TRIỀU SƠN
Ngay sau Lễ Quốc khánh 2/9/1945 ra mắt nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, công cuộc kiến thiết đất nước được bắt đầu, trong đó có văn hóa. Những ngày tháng đầu tiên của các hoạt động văn hóa nghệ thuật dưới chính thể Việt Nam mới diễn ra thật sôi nổi. Sau đây là lược thuật một số hoạt động trong mùa đông 1945, cách đây tròn 70 năm.
LỮ QUỲNH
"Vì tôi là người Huế và đã một thời tuổi trẻ nặng nợ với sông Hương suốt những mùa hè nóng bức ngủ đò nên tôi nhìn sông Hương luôn luôn với đôi mắt của người bạn.
Sáng ngày 27-11-2015 tôi đến nghĩa trang Père Lachaise để tiễn anh đến nơi yên nghỉ cuối cùng, sau khi hỏa táng, anh sẽ nằm trong ngôi mộ gia đình, đây cũng là nơi nhạc sĩ Chopin yên giấc ngàn thu nhưng trái tim thì trở về quê hương Ba Lan. Nguyễn Thiên Đạo cũng thế anh nằm ở Paris nhưng trái tim và tâm hồn anh từ lúc sống đến lúc chết luôn luôn hướng về Việt Nam.
HOÀI MỤC
Vừa giải phóng xong ba tôi đưa cả gia đình từ thành phố về quê. Cuộc sống vất vả nhưng quá nhiều cái mới lạ nên đầu óc con nít của tôi khi mô cũng thấy háo hức.
NGUYỄN KHẮC VIỆN
Trích hồi ký
- 75 rồi đấy, ông ơi! Viết hồi ký đi. Chuối chín cây rụng lúc nào không biết đấy!