Cánh cửa sổ mở

10:18 13/01/2020

SAKI   

1. Saki là bút hiệu của nhà văn Hector Hugh Munro (1870 - 1916), sinh tại Miến Điện (nay là nước Myanmar) khi nước này còn là thuộc địa của Anh.

Ảnh: internet

Mẹ mất sớm, ông được gởi sang Anh sống với hai bà cô. Học xong trung học, ông trở về Miến Điện làm việc trong ngành quân cảnh. Do bệnh tật, chỉ hơn một năm sau, ông lại trở về Anh và bắt đầu sự nghiệp làm báo, viết văn. Khi Thế Chiến thứ I bùng nổ, tuy đã quá tuổi động viên ông vẫn tình nguyện nhập ngũ để cuối cùng hy sinh tại chiến trường Pháp bởi một viên đạn bắn tỉa của lính Đức.

2. Tuy viết nhiều thể loại, Saki được biết đến như là một tác giả truyện ngắn. Thế giới truyện ngắn của Saki là con người và đất nước Anh vào đầu thế kỷ XX. Truyện
Cánh cửa sổ mở dưới đây (dịch từ nguyên tác The open window) được xem là một trong những truyện ngắn nổi tiếng nhất của Saki. Một kiểu “truyện trong truyện”, truyện về người khách lạ Framton đến một vùng quê yên tĩnh tìm cách chữa bệnh, trong đó lồng vào truyện kể ly kỳ của cô thiếu nữ Vera, kết hợp tài tình sự hài hước và kinh dị. Cô bé đầy tự tin đó lần lượt gây sửng sốt, bất ngờ cho ông khách rồi đến vợ chồng và hai người em của bà cô, và tất nhiên là cả người đọc. Nguyên nhân nào khiến cô bé bịa chuyện và diễn kịch như thế? Phải chăng vì cuộc sống buồn tẻ, chẳng có việc gì làm trong làng quê này? Hay là tính cô lâu nay vẫn thường hay giở trò như thế? Hay là chính cô cũng có bệnh lý về tâm thần như ông khách tuy bề ngoài vẫn tỏ ra hoàn toàn bình thường? Việc giải thích bỏ ngỏ, dành cho người đọc.

                                                                                 Việt Phương dịch và giới thiệu 



Cánh cửa sổ mở
 

"Cô tôi sẽ xuống ngay thôi, thưa ông Nuttel”, cô thiếu nữ tuổi mười lăm nói với giọng rất tự tin; “trong khi chờ đợi, xin ông vui lòng cho tôi tiếp chuyện”.

Framton Nuttel cố gắng nói điều gì đấy cho phải lẽ để làm vui lòng cô cháu mà không tỏ ra thiếu tôn trọng người cô sắp xuất hiện. Trong thâm tâm, hơn lúc nào hết, chàng thấy lo ngại không biết những cuộc viếng thăm xã giao những người hoàn toàn xa lạ thế này có giúp được gì cho việc điều trị căn bệnh tâm thần mà chàng đang thực hiện đây không.

“Chị biết mọi chuyện sẽ xảy ra thế nào,” chị của chàng đã nói như thế khi chàng chuẩn bị về tỉnh dưỡng nơi thôn dã vắng vẻ này; “em sẽ thui thủi một mình ở đấy, không tiếp xúc với ai, và trạng thái thần kinh của em sẽ tệ hơn vì buồn phiền. Chị sẽ viết thư giới thiệu em với tất cả những người chị quen biết ở đấy. Chị nhớ là vài người trong số đó thực sự rất dễ thương.”

Framton không hiểu bà Sappleton, người mà chàng sắp đưa một trong số thư giới thiệu, có thuộc nhóm người dễ thương đó không.

Khi thấy giữa hai người đã có sự thông cảm lặng lẽ vừa đủ rồi, cô cháu gái liền hỏi: “Ông có quen biết nhiều người ở quanh đây không?”

“Hầu như không quen biết ai,” Framton lên tiếng. “Chị tôi khoảng bốn năm trước có ở đây, tại nhà ông mục sư, và chị viết thư giới thiệu tôi với vài người nơi này.”

Chàng nói ý cuối cùng với một giọng nuối tiếc dễ nhận thấy.

“Vậy là gần như ông không biết gì về bà cô của tôi phải không ạ?”

Cô gái tự tin tiếp tục hỏi.

“Chỉ biết tên và địa chỉ thôi,” người khách thú nhận. Chàng tự hỏi không biết bà Sappleton có chồng hay góa bụa. Có cái gì đấy không rõ ràng lắm ở trong phòng hình như gợi cho thấy nhà này có sự hiện diện của đàn ông.

“Một thảm kịch đã xảy ra với cô tôi cách đây đúng ba năm,” cô gái nói, “có thể vào thời gian chị của ông còn ở đây.”

“Thảm kịch hả?” Framton hỏi; dẫu sao nơi vùng quê yên tĩnh này thảm kịch có vẻ khó xảy ra.

“Ông có thể ngạc nhiên tại sao chúng tôi lại để mở cái cửa sổ kia vào một buổi chiều tháng mười như thế này,” cô gái vừa nói vừa chỉ cánh cửa rộng kiểu Pháp thông ra sân cỏ bên ngoài.

“Thời gian này trong năm trời vẫn ấm,”, Framton nói; “mà cánh cửa kia thì có liên quan gì đến thảm kịch chứ?”
 

Minh họa: Đặng Mậu Tựu

“Ngày này cách đây ba năm, chồng và hai người em trai của cô tôi đã phóng ra qua cái cửa sổ đó để đi săn. Và họ đã không bao giờ trở về. Khi băng qua cánh đồng hoang để đến nơi săn chim dẽ quen thuộc, cả ba người bị nuốt chửng vào một bãi lầy nguy hiểm. Mùa hè ẩm ướt khủng khiếp năm đó, như ông biết đó, có những chỗ mọi năm thì an toàn, nay bỗng sụt lở mà không ai ngờ được. Thi thể của họ không bao giờ được tìm thấy. Đó là điều ghê khiếp nhất của câu chuyện.” Đến đây giọng cô gái mất đi vẻ tự tin mà trở nên ngập ngừng. “Người cô tội nghiệp của tôi vẫn tin là một ngày kia họ sẽ trở về, ba người và cả con chó cùng biến mất với họ, rồi sẽ vào bằng lối cửa sổ như họ vẫn thường làm. Đấy là lý do tại sao cửa sổ cứ để mở như thế mỗi chiều cho đến khi trời tối hẳn. Bà cô khốn khổ của tôi vẫn kể mãi cho tôi nghe chuyện họ ra đi như thế nào, chồng cô thì khoác chiếc áo choàng trắng trên tay, còn cậu em út Ronnie thì cứ hát “Bertie ơi, sao lại nhảy lên thế?” như để chọc ghẹo bà, vì bà nói hát như thế làm bà nhức đầu. Ông biết không, những buổi chiều im ắng, tĩnh lặng như thế này, tôi cảm thấy gần như sởn gai ốc khi tưởng tượng là họ sẽ đi vào qua cái cửa sổ kia.”

Cô gái khẽ rùng mình và đột nhiên ngừng lại. Còn Framton thì nhẹ nhõm hẳn khi bà cô vội vã bước vào phòng và rối rít xin lỗi vì đã chậm ra tiếp khách.

“Tôi hy vọng là cháu Vera đã nói chuyện vui vẻ với ông”, bà nói.

“Cô bé thật thú vị”, chàng đáp.

“Mong là ông không bận tâm vì cánh cửa sổ để mở,” bà Sappleton nói nhanh; “nhà tôi và mấy cậu em sắp đi săn về và họ vẫn thường vào nhà bằng lối đó. Hôm nay họ đi săn chim dẽ ở đám đầm lầy và thế nào rồi cũng sẽ làm bẩn những tấm thảm của tôi. Đàn ông các ông vẫn thế, phải vậy không?”

Bà vui vẻ tiếp tục huyên thuyên về chuyện đi săn, về chuyện hiếm hoi chim chóc bây giờ và hy vọng sẽ có vịt trời vào mùa đông. Với Framton câu chuyện thực sự khủng khiếp. Chàng cố gắng lái câu chuyện sang một đề tài khác bớt ghê rợn hơn nhưng xem chừng không thành công mấy. Chàng cảm thấy chủ nhà chẳng quan tâm lắm đến mình, mắt thì cứ đăm đăm nhìn về hướng cửa sổ và sân cỏ bên ngoài. Hẳn là một sự trùng hợp ngẫu nhiên không may vì chàng đã viếng thăm vào đúng ngày kỷ niệm tấn thảm kịch.

“Các bác sĩ đều khuyên tôi tuyệt đối nghỉ ngơi, không để kích động tinh thần và tránh mọi vận động cơ thể mạnh,” Framton cho biết. Vì, như nhiều người, chàng tưởng lầm rằng những người hoàn toàn xa lạ và những người mới tình cờ gặp gỡ thường khao khát được biết những chi tiết nhỏ nhặt về ốm đau, bệnh tật của người khác, cùng nguyên nhân và cách điều trị. “Riêng về chế độ ăn uống thì các bác sĩ chưa đồng ý với nhau lắm”, chàng nói tiếp.

“Vậy sao?”, bà Sappleton nói, bằng một giọng chỉ như để thay thế cho cái ngáp sắp tới. Rồi bỗng nhiên mặt bà sáng lên, tỉnh táo chú ý - nhưng không phải tới câu Framton đang nói.

“Có thế chứ, họ về kia rồi!”, bà kêu lên. “Vừa đúng vào giờ uống trà, và người nào cũng lấm bùn bê bết thế kia!”

Framton khẽ rùng mình, quay sang nhìn cô cháu ngụ ý tỏ sự thông cảm. Nhưng cô gái đang chăm chú nhìn qua cánh cửa sổ để mở với đôi mắt ngạc nhiên hoảng sợ. Trong cơn ớn lạnh vì một nỗi sợ khó gọi tên, Framton cứ xoay tròn trên ghế ngồi, đưa mắt nhìn theo cùng hướng đó.

Trong ánh chiều tà nhá nhem, ba bóng người đang vượt qua sân cỏ; cả ba đều quàng súng, một trong ba người khoác chiếc áo choàng trắng qua vai. Một con chó săn nhỏ màu nâu mệt nhọc chạy theo sau gót họ. Họ lặng lẽ đến gần ngôi nhà, và một giọng hát trẻ trung khàn khàn cất lên trong bóng tối: “Bertie ơi, sao lại nhảy lên thế?”

Framton quờ quạng vớ lấy chiếc gậy và cái mũ. Cửa ra vào, lối đi rải sỏi và chiếc cổng chính là những gì chàng mơ hồ nhận biết trên đường hấp tấp tháo chạy. Một người đi xe đạp phải phóng vào hàng rào để tránh va chạm đột ngột.

“Bọn anh về đây rồi, em ơi,” người đàn ông khoác áo choàng nhảy vào cửa sổ lên tiếng; “bùn lầy lấm lem, nhưng cũng gần khô rồi. Người nào vừa phóng ra khi bọn anh vào vậy?”

“Một anh chàng khá kỳ khôi, tên Nuttel gì đó,” bà Sappleton trả lời, “anh ta chỉ nói về bệnh tật của mình rồi vụt bỏ chạy mà chẳng thèm nói lời từ giã hay xin lỗi gì hết khi anh về. Làm như anh ta đã nhìn thấy ma hiện hình vậy.”

“Cháu đoán có thể vì con chó,” cô cháu nói tỉnh bơ; “ông ấy nói với cháu rằng ông khiếp sợ chó. Có một lần, trong một nghĩa địa ở bên bờ sông Hằng, ông ta bị một bầy chó hoang lùng sục, cuối cùng phải ngủ cả đêm hôm đó trong một cái huyệt mới đào, trong khi bên trên cả bầy chó gầm gừ, nhe răng, sùi bọt mép. Chuyện như thế ai mà không hoảng loạn.”

Bịa chuyện mau lẹ như thế là biệt tài của cô gái.  

(TCSH370/12-2019)




 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • LTS: Henri Troyat (1-11-1911_4-3-2007) sinh tại Matx-cơ-va, định cư ở Pháp kể từ 1920, thuộc Viện Hàn lâm quốc gia Pháp từ 1959, một trong những cây bút viết khỏe nhất của văn học Pháp hiện đại. Chuyên viết tiểu thuyết, truyện ngắn. Ngoài ra, nghiên cứu về Đốtx-tôi-ép-xki, Tôn-xtôi, Lét-mông-tốp, Ô-la, Ban-zắc… Truyện ngắn của ông giàu nét dí dỏm, ký họa.

  • Atiq Rahimi sinh năm 1962 tại Afghanistan, nhưng đến sống ở Pháp vào năm 1984. Tại Pháp ông trở thành một nhà văn, nhà làm phim tài liệu và phim truyện nổi tiếng. Tiểu thuyết của ông “The Patience Stone - “Nhẫn thạch” được giải thưởng danh giá Prix Goncourt năm 2008. Phim dựa trên tiểu thuyết của ông “Earth and Ashes - Đất và Tro” được tuyển chọn chính thức tại liên hoan phim Cannes năm 2004 và được một số giải thưởng.

  • IVAN XÔCHIVESNgười chồng lý tưởng - đấy là tôi. Mẹ vợ, vợ tôi và đa số bạn gái của nàng đều gọi tôi như vậy.

  • LTS: Nhà văn Xô-viết Alêchxây Marinat là tác giả nổi tiếng của một số tiểu thuyết và kịch. Nhưng những tác phẩm làm cho ông nổi tiếng trước hết đối với tất cả các độc giả là những truyện ngắn hài hước. Tính hài hước trong các truyện ngắn của ông rất nhẹ nhàng nhưng sắc sảo. “Hoa tặng Ka-lum-ba” là một trong những truyện ngắn tiêu biểu của Alêchxây Marinat.

  • LTS: Vaxin Bưcốp sinh năm 1924 tại làng Tsê-rê-pốp-si-na, vùng Vi-tép-xcơ, nước cộng hòa Bêlôruxia. Ông từng đứng trong hàng ngũ quân đội Xô Viết chiến đấu chống phát-xít Đức. Tác phẩm của ông bắt đầu được xuất bản từ năm 1956. Ông thuộc một trong những tác giả viết về chiến tranh nổi tiếng của Liên Xô. Những tác phẩm của ông được nhiều người biết đến là: Phát tên lửa thứ ba, cuộc hành quân núi An-pơ, những người chết không biết đến xấu hổ, những con chó sói… ông đã nhận giải thưởng quốc gia của Liên Xô, giải thưởng I-a-cúp Kô-la-xơ của nước cộng hòa.

  • LTS: William Somerset Maugham (1874 - 1965) là một nhà văn Anh nổi tiếng, viết nhiều, với bút pháp hiện thực sắc sảo, soi rọi những khía cạnh mâu thuẫn nghịch chiều của cuộc sống, phác hiện những nét sâu kín của bản tính con người. Lối văn của ông trong sáng, khúc chiết, ông lại có biệt tài dẫn truyện hấp dẫn, lý thú, đặc biệt phong cách của ông thường hài hước, sâu cay.Là nhà văn đa tài, ông vừa là tiểu thuyết gia có tiếng, vừa là người viết truyện ngắn bậc thầy, và cũng là một kịch tác gia thành công.

  • NOBUKO TAKAGI(Tiếp theo Sông Hương số 256 tháng 6 - 2010)

  • LTS: Tên tuổi Azit Nê-xin đã trở nên quen thuộc với chúng ta. Là tác giả của tập truyện châm biếm nổi tiếng “Những người thích đùa” đã được dịch ra tiếng Việt, ông là trưởng đoàn nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ dự hội nghị BCH Hội Nhà văn Á Phi và cuộc gặp gỡ các nhà văn Á Phi ở nước ta vào tháng 10-1982.

  • A-đa-mô-vích sinh ra và lớn lên cùng cha mẹ trong làng công nhân ở Gơ-lu-sa, tại Bi-ê-lô-rút-xi-a. Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, nhà văn mới 14 tuổi nhưng đã theo mẹ và anh tiếp tế cho du kích quân.

  • LGT: Bóng cây phong lan được trích từ tuyển tập truyện ngắn Nhật Bản có nhan đề chung Bên trong do Nhà xuất bản Kodansha tuyển chọn và giới thiệu, được Nhà xuất bản Thuận Hóa (Huế) tổ chức dịch ra tiếng Việt và phát hành ở trong nước. Tuyển tập gồm 8 truyện ngắn của 8 nhà văn nữ với đề từ chung: Phụ nữ Nhật viết về phụ nữ Nhật. Bên trong là nhan đề, mà cũng là chủ đề của tất cả các truyện: Phía trong tâm hồn và phía trong thân thể của người phụ nữ.

  • EDWARD D. HOCHGần như ngay từ ngày cưới của họ cách đây 17 năm, William Willis đã căm ghét vợ mình, nhưng chưa một lần nào anh ta nghĩ đến chuyện giết người. Anh ta sẵn lòng ở ngoài suốt cả ngày, lái xe tới cơ quan mỗi sáng, quay trở về nhà mỗi tối, và đơn giản là bỏ ngoài tai cái giọng lải nhải đều đều của vợ.

  • LTS. S. Rajaratnam thuộc thế hệ những nhà văn cũ của Singapo. Ông có thời làm Bộ trưởng Ngoại giao của Singapo. Truyện ngắn của ông mang chất thơ và tính nhân bản cao. Sông Hương xin giới thiệu một trong những truyện ngắn hay của Rajaratnam.

  • DANIEL BOULANGERĐó là mùa thu ở Concile, thành Rome mang mọi vẻ Rome và ở đó người ta đã không còn kiếm được nơi cho thuê phòng nữa.

  • Corrado AlvaroThời gian như muốn chững lại. Hơi nóng vẫn còn hừng hực, bầu trời mờ mờ hơi nước, những con ve kêu rả riết, ở phía tây, chân trời quang hơn, vài cụm mây như bị một nét bút quệt xuống. Cơn mưa hẳn là ở mãi xa nên người ta bắt đầu hái nho.

  • GABRIEL GARCIA MARQUEZ (COLUMBIA) Ngài nghị sĩ Onesimo Sanchez trước cái chết của ngài có sáu tháng và mười một ngày để đi khi ngài tìm thấy người phụ nữ của đời ngài.

  • Paul William Gallico (1897-1976) là một nhà văn, phóng viên thể thao nổi tiếng của Mỹ. Nhiều tác phẩm của ông đã được chuyển thể thành phim truyện, phim truyền hình, có tác phẩm đã đạt giải Oscar. Cha ông người Ý, mẹ người Áo, bản thân ông đã nhiều năm sống ở châu Âu. Là người đa tài và viết khỏe, ông có hàng chục đầu sách: tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch bản phim truyền hình, thể thao. Những tác phẩm nổi tiếng của Gallico là: Ngỗng tuyết, Tình yêu của bảy con búp bê, Cuộc phiên lưu Poseidon.

  • ANTONIO TABUCCHIAntonio Tabucchi (sinh năm 1945) là một trong những nhà văn được đọc nhiều nhất và dịch nhiều nhất hiện nay của Italia, bậc thầy nổi tiếng về truyện ngắn tâm lý.

  • IVAN BUNHINLúc ông ta đội mũ, đi trên phố hay đứng trong toa tàu điện ngầm không thấy rõ mái tóc cắt ngắn hung hung đỏ có những sợi lóng lánh, qua vẻ tươi tỉnh của gương mặt gầy, nhẵn nhụi, thân hình cao xương xương cứng đơ trong chiếc pan- tô không thấm, có thể đoán ông không quá 40. Chỉ cặp mắt xám nhạt luôn chứa một nỗi buồn khô khốc nói lên rằng ông là một người đã nếm trải nhiều trong cuộc đời.

  • LTS: Anatoli Kudraves là một nhà văn Beloruxia tài năng. Phần lớn các tác phẩm của ông thể hiện cuộc sống của những người nông dân, người chủ chân chính, giàu bản sắc riêng và chân thành của chính quê hương mình. Tác giả đã dẫn dắt nhân vật của mình trải qua công việc tập thể hóa nông nghiệp, trải qua những năm tháng khốc liệt của cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại và cả thời kỳ kinh tế đổ nát sau chiến tranh cho đến ngày hôm nay.

  • BỒ TÙNG LINHLang Mỗ quê ở Bành Thành, con nhà học thức. Ngày nhỏ đã được nghe cha nói đến các sách quý và các sách khác trong nước, lại thường được nghe cha luận bàn với các bạn bè của ông về các loại sách và các nhà thơ cổ đại.