Cảm thức văn hoá Huế trong truyện ngắn Trần Thùy Mai

11:07 17/10/2011
HOÀNG THỊ HUẾ Xứ Huế là một vùng đất có nền văn hóa đặc sắc - vừa mang nét riêng vừa dung hợp với văn hóa Việt Nam và khu vực, trong đó có sự kết hợp hài hòa giữa văn hóa dân gian, văn hóa đô thị cổ truyền và văn hóa cung đình - mà không vùng đất nào có được.

Tiến sĩ Hoàng Thị Huế - Ảnh: dhsphue.edu.vn

[if gte mso 9]> Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4 <![endif][if gte mso 9]> <![endif][if gte mso 10]> <![endif]

Nói đến văn học Huế không thể không nhắc đến nhà văn Trần Thùy Mai - một gương mặt nữ khá quen thuộc với bạn đọc trong và ngoài nước từ lâu nay. Sống gắn bó với đất và người xứ Huế từ nhỏ, con người và cảnh vật của xứ sở cổ kính này đã thấm đẫm những trang văn Trần Thùy Mai. Người đọc có thể cảm nhận những âm vang của đất trời và lòng người qua một chút bảng lảng khói sương, hay những thanh âm trầm mặc, u buồn của tiếng chuông chùa Thiên Mụ, Từ Đàm, một chút mộng mơ trong đôi mắt buồn thương nhớ bâng quơ của người con gái Huế.

Nhắc đến con người xứ Huế, người ta thường nói nhiều đến sự dịu dàng kín đáo, vẻ đoan trang nền nã của nét người chốn đất thần kinh - nơi từng là kinh đô của mười ba triều vua nhà Nguyễn. Quan niệm sống, ứng xử, cách sinh hoạt... đều mang vẻ trang nghiêm, đài các của một thời quá khứ, được nâng niu, gìn giữ và gần như trở thành một nét tính cách đặc trưng của con người xứ Huế. Đó là cuộc sống của những con người như Trang (Khói trên sông Hương), cô tiểu thư khuê các Thể Cúc (Thể Cúc), Minh và Lan (Thương nhớ Hoàng Lan), là Bội Hoàn, là Phượng (Huyền thoại về loài chim phượng), hay chị Trúc (Chị Hai ơi), chị Vân, Vy, Mi, Kiều Dung... những con người, những khuôn mặt của đời thường thân quen, bình dị. Không gian nghệ thuật - môi trường tồn tại của những nhân vật này cũng là những không gian đặc trưng của miền đất Huế “Khu vườn rộng, nằm khuất nẻo trong một góc đình làng Lại Thế. Mít và đào trải rộng những tán lá xanh. Trước nhà là những chiếc bình phong chè tàu. Cây song thọ đào đầu mùa xuân nở những hoa lấm tấm hồng...”. Những ngôi nhà vườn Huế với hàng chè tàu bao quanh, cao vừa đủ để vẫn cảm nhận được sự hòa hợp giữa con người và thiên nhiên, nhưng cũng đủ để ngăn cách hai không gian trong vườn và bên ngoài - hàng rào nhưng đồng thời cũng tồn tại như một giới hạn của con người Huế - kiểu con người với đời sống nội tâm phong phú, nặng về tâm linh, cuộn mình trong trách nhiệm và phận vị. Người Huế thường sống nội tâm, thiên về cảm tính, ít hướng ngoại. “Người Huế cảm nhận sự vật bằng trực giác hơn là lý tính, tâm hồn Huế thì Thiền hơn Nho” [5;tr12]. Nét riêng đó trong tính cách người Huế đã được Trần Thùy Mai thể hiện khá rõ trong tác phẩm của mình. “Trong mối quan hệ với người khác, người Huế lấy cái tâm làm gốc. Cái tâm bao gồm tình thương, sự nhường nhịn, lòng bao dung để bỏ qua thù hận, sự điềm tĩnh để không cuồng tín...” [5;tr13]. Đời sống tâm linh với người Huế như một cõi riêng, một điểm tựa về tinh thần, để họ thoát tục, lãng quên phiền muộn trong đời thực, phiêu bồng vào cõi mơ ước... Vì vậy, ảnh hưởng của tôn giáo thường mang màu sắc huyền ảo, tác động lớn đến đời sống tinh thần của con người, tạo cho con người sức mạnh để vượt lên nỗi đau (Trăng nơi đáy giếng). “Văn hóa nằm trong các tâm trí, sống động trong các tâm trí, mà các tâm trí thì đều nằm trong văn hóa, sinh tồn trong văn hóa” [1;tr37]. Bà Hạnh và ông Phương, một tín đồ và một thánh sống, khi hình ảnh thánh sống trong đời thực vỡ tan, mất niềm tin, mất tình yêu và lý do sống, bà Hạnh tìm chốn trú ngụ cho tâm hồn ở một nơi khác - trong cõi tâm linh - một cách thế bày tỏ khát vọng hạnh phúc gia đình, khát vọng sống thẳm sâu, mãnh liệt, không gì ngăn trở nổi.

Người Huế nặng suy tư, trăn trở nên cõi đời và cõi đạo, cõi chung, riêng nhiều lúc là những kết hợp lạ lùng của thực và ảo, của khoảnh khắc và vô tận, của thực tế trần trụi đầy cám dỗ và khát khao mơ ước... Những trăn trở, dằn vặt, giằng xé trong nội tâm của Minh (Thương nhớ Hoàng lan) phản ánh sâu sắc bi kịch thể xác và tâm hồn, trách nhiệm phận vị, lý tưởng và tình yêu... của con người nơi đây. Huế vốn là mảnh đất lắm chùa chiền, những ngôi chùa nhỏ nhắn, xinh xắn, ẩn sâu giữa vườn cây như một nơi cư ngụ của tâm hồn. Hầu hết các làng ở Huế đều có chùa, với hơn 400 ngôi chùa, niệm phật đường, chiếm 1/3 số lượng chùa chiền trên cả nước, ảnh hưởng của văn hóa chùa đã tác động không nhỏ đến đời sống tâm linh của người dân nơi đây. Người Huế đi chùa, đến với tôn giáo không cầu danh lợi mà cầu sự bình an, thanh thản cho tâm hồn. Đạo không nằm ở những gì cao sang, xa vời mà ngay giữa đời thường trần tục, trong nếp sống, nếp nghĩ, trong ứng xử hàng ngày, đem đến cho con người sự cân bằng trong đời sống. “Đời không đục không trong, mà trong hay đục đều ở cái tâm của mình, phải giữ cho tâm của mình trong sáng đó mới là chân tu”, để đến cõi niết bàn mà phải đạp lên dẫu một chiếc lá thì cũng đã không nên (Thương nhớ Hoàng lan). Niềm vui và bất hạnh của Niết (Lửa của khoảnh khắc) cũng được nhận thức như một lẽ cân bằng của tạo hóa, hạnh phúc trong khoảnh khắc đã đốt bỏng rát nỗi đau cả một đời, nỗi đau tưởng là gánh nặng, sự trừng phạt lại hóa ra là lẽ sống, lý do sống mà chỉ đến khi mất đi con người mới ngộ ra.

Kiểu con người Huế với đời sống nội tâm, nặng tâm linh là một tính cách riêng, nhưng đồng thời xứ sở này cũng là môi trường sinh ra những con người có những tính cách nổi loạn - được hiểu như một nét phá cách, lệch chuẩn, so với trật tự chuẩn mực chung của xã hội. Kiểu con người nổi loạn, bứt phá, quẫy đạp vượt thoát mọi ràng buộc từng là cô Thị Mầu trong vở chèo Quan Âm Thị Kính, cô Xúy Vân giả dại qua ải... Trong tác phẩm của Trần Thùy Mai có những nhân vật nữ dịu dàng, hiền thục, đoan trang nhưng hàm ẩn tính cách quyết liệt, dám sống, dám yêu, dám giành giật, đấu tranh với số phận để đạt được khát vọng của mình, nhưng dám bứt phá để tạo nên một chuẩn mới thì không có nhiều, chính sự lưng chừng đó cũng là một nét riêng của tính cách Huế. Nguyệt - người vợ, người mẹ tảo tần, nhẫn nại, giàu đức hy sinh với dáng đi khập khiễng, một chiều nao đã vĩnh viễn ra đi không bao giờ trở lại. Dẫu nơi nàng đến là một xứ hắt hiu, người nàng yêu là một thi sĩ chân đất nhưng nàng đã thoát được “sức nặng của một vùng đồi hoang vắng đang chờ bão tới” (Quỷ trong trăng). Câu chuyện kết thúc bỏ ngỏ trong dư âm của nỗi buồn, bởi người đọc mãi mãi không biết Nguyệt đi đâu, sẽ sống như thế nào, hạnh phúc hay khổ đau, cuộc đời Nguyệt không có đoạn kết, chỉ biết rằng “nơi hoang vu thường có quỷ”. Đó là kết thúc mà Trần Thùy Mai muốn khắc dấu trong người đọc về một xứ sở, về những con người tĩnh nhưng không lặng ở Huế “Tôi viết Quỷ trong trăng với ý niệm muốn phác họa một chân dung Huế tiêu điều buồn lạnh ngày xưa. Trong đó có những kiếp người bình lặng đang tìm cách bứt phá”... “Sao lúc nào em cũng như đang đợi. Thế nhưng em cũng không biết mình đợi điều gì...?

Người phụ nữ Huế từ nhỏ đã chịu ảnh hưởng của lễ giáo phong kiến, phải công, dung, ngôn, hạnh, tam tòng tứ đức, phải nhẫn nại hy sinh, chịu thương chịu khó, nhường nhịn và chịu đựng để mọi cái đều được quy củ và tốt đẹp. Edgar Morin gọi đó là hiện tượng đóng dấu ấn (imprinting) về văn hóa và chuẩn mực hóa (nor-malisation) với vai trò áp đặt của văn hóa [1;tr50]. “Những con người thuộc nền văn hóa nào đó, do cách nhận thức của họ đều sản sinh nền văn hóa và văn hóa này lại sản sinh ra cách nhận thức của con người” [1;tr42]. Ngay từ khi ra đời, dấu ấn văn hóa đã ăn sâu vào bộ não ấu thơ của con người do quá trình ổn định hóa các tiếp xúc có chọn lọc. Do sống trong môi trường văn hóa cung đình, người Huế xưa phải chịu những áp lực của các chuẩn mực văn hóa từ các triều đại nhà Nguyễn trong tương quan chung với văn hóa Việt Nam, văn hóa phương Đông. Đó là sự ấn định những ranh giới không thể vượt qua, những quan niệm không được truyền bá, không được chấp nhận, nếu làm ngược lại thì sẽ bị khinh ghét. Chị Vân không được yêu Luân bởi chị hơn Luân mười tuổi, chị Trúc bị đuổi khỏi nhà vì yêu một người chỉ đáng tuổi em mình. Thập tự hoa, Lễ cưới bạc, cũng vậy, đó là những tình yêu lệch chuẩn, những chuẩn do thể chế văn hóa, do con người tạo ra để phục vụ cho tính ổn định xã hội. Nhưng bên trong những chuẩn mực hóa ấy luôn tồn tại những lệch chuẩn do sự khác biệt giữa các cá nhân trong thái độ đối với chuẩn mực, quy tắc, lề luật văn hóa. Họ có thể đặt mình ra ngoài lề, hoặc nổi loạn. Chính vì vậy, Quỳnh Thơ - một công chúa chốn lầu son gác tía đã làm mẹ nàng là Hoàng Quý Phi phải lo lắng, bởi ở nàng luôn tiềm ẩn những dấu hiệu của sự bứt phá khỏi những quy tắc lề luật “Trí thông minh và sự tò mò chẳng bao giờ là ưu điểm cả, nó chỉ là điềm báo những tai họa” (Lửa hoàng cung). Khát vọng được sống tự do vượt thoát khỏi bốn bức tường cung cấm, đặc biệt ý muốn nhìn mặt một người đàn ông để thỏa trí tò mò của nàng đã khiến nàng trở thành hiện tượng dị biệt, như người bị ma ám, bị đày xuống lãnh cung. Nét phá cách, muốn bứt tung mọi ràng buộc trong tính cách của người phụ nữ Huế ngày xưa chỉ có thể được hóa giải bằng sự trả giá của chính cuộc đời họ. Quỳnh Thơ ra đi về nơi mặt trời ẩn náu trên yên ngựa của người tráng sĩ. Khánh (Ngôi đền sống), Lilly (Giấc mơ núi ngựa trắng) chết như những người tuẫn tiết vì đạo, đạo của những con người này là tình yêu. Luân, Cường cả đời sống như kẻ vô hồn bị trói buộc, ám ảnh bởi quá khứ, cuộc đời trở nên vô nghĩa bởi đánh mất tình yêu, đánh mất ý nghĩa sống. Akiko từ bỏ những giấc mơ tím hồng ngũ sắc và tình yêu say đắm với Vũ để tìm một hình bóng Vũ khác đẹp như tranh vẽ dẫu biết chỉ đi tìm ảo ảnh. “Ước mơ vượt khỏi kích thước hữu hạn của đời người dù chỉ trong khoảnh khắc” (Thuốc ba màu) và khát khao cháy bỏng được sống lại cùng Akikô những gam màu huyền thoại khiến Vũ uống thuốc ba màu một cách vô thức. Con người rơi vào bi kịch giữa ước mơ và thực tại hiện hữu, chỉ có thể lưu giữ cõi mơ trong ký ức - thế giới không bến bờ của những khát vọng, bởi nếu chạm vào nó sẽ tan biến thành hư vô. Trang (Khói trên sông Hương), Mi (Thiên đường mong manh)... đều là những con người khao khát tình yêu và hạnh phúc, trong tâm hồn những người phụ nữ này có nét mộng mơ lãng mạn từ những câu ca, điệu nhạc trên sông, tiếng đàn đêm thơ của Nguyệt (Quỷ trong trăng), có điệu Valse du dương quyến rũ và có cả sức nóng của những điệu nhảy hiện đại và ánh đèn vũ trường đêm đêm (Thiên đường mong manh). Đó cũng là sức nóng khiến sông Hương bốc khói giữa những ngày lạnh giá - một dòng sông đẹp đẽ hiền hòa, dịu dàng chảy qua thành Huế nhưng phải nhìn thấy dòng Hương mùa lũ mới thấy hết sự dữ dội, sức mạnh dâng tràn, bứt phá của nó. Mặc cho lời khuyên của cha có chân thành sáng suốt đến mức nào, dẫu đã nếm vị ngọt ngào lẫn đắng cay khủng khiếp của tình yêu, Mi (Thiên đường mong manh) cũng chỉ sống và nghe theo tiếng gọi của trái tim. Để biết thế nào là yêu thương và chịu đựng, Mi đã phải tự mình băng qua thảm cỏ xanh mượt mát rượi lẫn sa mạc bỏng rát của tình yêu với Hiếu, phải chịu đựng những vết thương lòng không bao giờ hàn gắn được. Quyên trong Cánh cửa thứ chín cũng vậy, khát khao “được cháy rực suốt quãng đời còn lại”, tình yêu đã đưa cô thoát khỏi bốn bức tường lạnh lẽo
của thế giới thực tại, viễn du vào một vùng trời mơ ước với niềm say mê khám phá, tìm kiếm những giá trị mới mà “anh, anh cũng là một thế giới”... “muốn cùng anh lang thang trên bãi hoa dầu trắng phau... sẽ chịu bỏng, chịu cháy để được đau đớn, được yêu thương, muốn chịu đựng mọi thứ trên đời, ngoại trừ sự tẻ lạnh để thấy anh ở bên tôi. Chúng tôi đang bay lên và đang lơ lửng trước vực thẳm... cánh cửa thứ chín. Cánh cửa biết mở ra là tai họa mà mọi người cuối cùng đều đã mở” (Cánh cửa thứ chín). Dẫu chỉ là những khoảnh khắc nổi loạn, dẫu cam tâm làm một người tù, dừng lại vĩnh viễn trước cánh cửa thứ chín, lấp vùi đi một thế giới vừa được mở ra, nhưng Quyên đã nhìn thấy chân trời, thấy được khát vọng đời mình và nhìn thấu bản thể chính mình. Dấu ấn văn hóa mà Quyên chịu tác động, tính phục tùng văn hóa, phục tùng những trật tự xã hội của mỗi cá nhân khiến cô không thể có sự chọn lựa nào khác. Thậm chí ngay cả khi sức mạnh của sự cấm đoán vượt ra khỏi cánh cửa thứ chín có suy giảm, Hòa, chồng của Quyên không hề hay biết những đổi thay trong tâm hồn vợ, thì Quyên vẫn khước từ những lựa chọn không tương hợp với các tín niệm của cô. Đó là trường hợp mà Edgar Morin gọi là sự thôi miên về văn hóa từ thời thơ ấu [1,tr52]. Sức nặng của thể chế văn hóa vẫn đè nặng lên đời sống tinh thần của người Huế, thỉnh thoảng tạo ra những kiểu ảo giác tập thể, ảo giác khiến người ta nhìn thấy cái mà thực chất không phải là chính nó, là cách làm cho con người mù lòa do che khuất những cái thật sự tồn tại. Nó khiến Quyên cam tâm dừng lại trong hai cánh cổng, khóc cho chính mình và một thế giới vừa vỡ tan, khiến Ng. (Thị trấn hoa quỳ vàng) chấp nhận thực tại không thể níu kéo và ra đi không lời từ giã, “bởi vì chính mặt trời cũng không vĩnh cửu”.

Dẫu viết về những vùng đất khác nhau hay về vùng đất Huế, cảm thức văn hóa Huế vẫn in đậm trong những trang văn của Trần Thùy Mai, như một nét riêng, sức mạnh làm nên tên tuổi của nhà văn. Văn hóa Huế thấm sâu sự lựa chọn từng chi tiết trong tác phẩm của nhà văn, trong ngôn ngữ, giọng điệu, kết cấu đến quan niệm nghệ thuật về con người. Tất cả đều mang đậm nét đặc trưng của văn hóa, con người xứ Huế. Đó là những con người giàu tình nặng nghĩa, tha thiết yêu cuộc sống, yêu thiên nhiên, đất nước, có một đời sống nội tâm phong phú, nặng tâm linh, với một vẻ dịu dàng, kín đáo, trang đài, quý phái của cung đình và sức sống mãnh liệt. Trong những sinh hoạt, lối sống, ứng xử hàng ngày, những giá trị chuẩn mực của một thời vẫn được nâng niu, gìn giữ. Sự am hiểu, gắn bó máu thịt với văn hóa Huế khiến Trần Thùy Mai chuyển hóa nhuần nhuyễn những đặc trưng văn hóa vùng miền, từ nếp sống, nếp nghĩ, thói quen của con người nơi đây đến những không gian, thời gian văn hóa, ngôn ngữ, giọng điệu... riêng biệt độc đáo chỉ có ở chốn kinh thành Huế. Từ đó thấy được nét riêng, giá trị độc đáo của truyện ngắn Trần Thùy Mai trên văn đàn Việt Nam đương đại, đồng thời khẳng định vai trò lưu giữ và sáng tạo văn hóa của văn học nói chung, truyện ngắn Trần Thùy Mai nói riêng.

H.T.H
(272/10-11)


----------------------
1-Edgar Morin (2008) Phương pháp 4. Tư tưởng - Nxb ĐHQG Hà Nội.
2-Phan Ngọc (1999) Một cách tiếp cận văn hóa, Nxb Thanh Niên.
3-Trần Thùy Mai (2004) Đêm tái sinh, Nxb Thuận Hóa Huế.
4-Trần Thùy Mai (2005) Mưa đời sau, Nxb Văn Nghệ.
5-Trần Văn Khê, Văn hóa Huế dưới góc nhìn của người nước ngoài -http://www.thienlybuu-toa.org/Misc/VanHoaHue.htm
6-Hoàng Phủ Ngọc Tường (2001) Huế - Di tích và con người, Nxb Đà Nẵng.
7-Hoàng Phủ Ngọc Tường (2002) Tính cách Huế, Tuyển tập Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nxb Trẻ.
8-Trần Ngọc Thêm (1997) Tìm hiểu bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb Tp HCM.
9-Http://vnexpress.net;http://vnnavi.com;http://vietbao.vn; http://www.trankiemdoan.net/but-luan/vanhoc-nghethuat/vanhoahue.html




Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • BỬU Ý Tháng 11-1985, Viện Hàn lâm Thụy Điển quyết định trao giải thưởng Nobel cho Claude Simon, nhà văn Pháp theo trường phái mệnh danh là tiểu thuyết mới quy tụ những tên tuổi khác như A-lanh Ro-bơ Gri-dê (Alain Robbe-Grillet - người chủ xướng và lập thuyết), Na-ta-li Xa-rốt (Nathalie Sarraute), Mi-sen Buy-to (Michel Butor), Ro-ber Panh-Jê (Robert Pinget) v.v…

  • NGUYỄN VĂN HẠNH …Xa rời cuộc sống, xa rời con người, xa rời chủ nghĩa nhân văn vốn là linh hồn của văn học nghệ thuật trong sáng tạo, nghiên cứu, giảng dạy văn chương là mối lo lớn và là nguyên nhân sâu xa khiến cho văn chương mất sức sống, mất sức hấp dẫn vốn có…

  • LƯỜNG TÚ TUẤN Mỗi ngôn ngữ tự nó là một nghệ thuật diễn đạt của tập thể.                                 (E.Sapir)

  • ROLAND BARTHES Lôgic học dạy chúng ta biết cách phân biệt thích đáng ngôn ngữ-đối tượng với siêu-ngôn ngữ. Ngôn ngữ-đối tượng chính là chất liệu phục tùng sự nghiên cứu lôgic; còn siêu-ngôn ngữ là ngôn ngữ, không tránh khỏi có tính cách nhân tạo, trong đó ta tiến hành sự nghiên cứu này.

  • TRẦN THIỆN KHANH Chúng ta sống trong một thế giới đầy những quy ước. Có quy ước công khai, thành văn; có quy ước ngầm, bất thành văn. Quy ước nhiều và có sức mạnh đến mức chúng ta tưởng chính nó làm ra chúng ta.

  • TRIỀU NGUYÊN 1. Truyện ngắn Nguyễn Công Hoan được một số nhà nghiên cứu xếp vào loại truyện ngắn hài hay truyện ngắn trào phúng.

  • - Cứ trừ dần đi dần đi, có thể còn lại là em, ôi Man Nương (Phạm Thị Hoài) - Đi tới tận cùng của cái vô thức, cùng với nhà thơ, hãy tìm thấy lại giấc mơ nguyên thủy (G. Bachelard).

  • NGUYỄN THỊ TỊNH THY 1. “Người trần thuật kiểu tác giả” hay “tình thế trần thuật của tác giả” là một thuật ngữ được đưa ra năm 1955 bởi nhà nghiên cứu văn học người Áo F.K.Stanzel và sau đó được tu chỉnh bởi J.Kristéva, G.Genette và J.Lintvelt.

  • INRASARA Khả năng nhận diện và tâm thế đón nhận cái mới ít liên quan đến thế hệ. Dù thế hệ mới nhờ ưu thế tuổi tác, dễ làm quen với cái mới, cái xa lạ. Dễ làm quen thôi, chứ chưa chắc đã chấp nhận, nhất là với cái mới trong văn chương. Sự thể cả bốn thế hệ người viết nhận định về thơ tân hình thức và sáng tác hậu hiện đại giai đoạn qua, là minh chứng(1).

  • TRẦN XUÂN AN …Ngẩng đầu/Im lặng/Ai hỏi nhà/Tôi chỉ xuống chân…

  • NGUYỄN THI VÂN Kỷ niệm 150 năm ngày sinh Tagore Trong quá trình tìm kiếm các bản dịch tiếng Hà Lan của đại thi hào Rabindranath Tagore (1861-1941) trong những năm làm việc tại Hà Lan, nghiên cứu gia Liesbeth Meyer đã phát hiện một số thư trao đổi giữa Tagore với Frederik van Eeden (1860-1932) một trong những người Hà Lan đầu tiên đã giới thiệu thơ Tagore đến với xứ xở hoa tuy líp.

  • PHẠM PHÚ PHONG Đối với sự tồn tại và phát triển của một nền văn học không thể không kể đến đội ngũ những người sáng tác trẻ. Đó là lực lượng sung sức, giàu nhiệt tình và báo hiệu những năng lực mới cần được liên tục bổ sung.

  • AN-ĐRÂY ĐÊ-MEN-CHI-ÉP(Phát biểu của nhà thơ An-đrây Đê-men-chi-ép - Tổng biên tập Tạp chí “Tuổi trẻ” trong cuộc hội thảo về thơ nhân Đại hội các nhà văn trẻ Liên Xô lần thứ VIII.)

  • PHAN TUẤN ANH“Ôi, có lý và phi lý lẫn lộn vào nhau, lý trí trong điên loạn” [6,39].

  • TRẦN THIỆN ĐẠONếu như Viện Hàn lâm Thụy Điển, đầu tháng mười năm ngoái, rốt cuộc đã trao giải Nobel 2010 cho nhà văn Pêru Mario Vargas Llosa hụt biết bao nhiêu lần trước đó(1), thì nay, Viện không còn có thể vớt vát được nữa.

  • PHONG LÊ Trở ngược lại buổi đầu của nền văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa trên phạm vi toàn thế giới, ta đều thấy lực lượng viết của văn học “vô sản - cách mạng” - như tên gọi ở giai đoạn hình thành của nó, cơ bản được cấu tạo từ hai nguồn.

  • Lời người dịch: Nhà thơ Slam Lisa Martinovic đồng ý cho chúng tôi chuyển dịch bài viết ngắn này, khởi đầu giới thiệu với bạn đọc một phong trào thơ trình diễn Mỹ. Đây là một phong trào thơ được nhà thơ Marc Smith sáng lập tại Chicago.

  • TRẦN KIÊM ĐOÀNMấy tháng trước ngày cơn đại sóng thần - grand tsunami - vỡ trào quét vào vùng biển Ấn Độ vào năm 2004, tàn phá vùng duyên hải của 12 nước ven biển và giết hại 230 nghìn mạng sống, người ta chú ý đến hiện tượng thiên di của các loài động vật.

  • NGUYỄN QUÂNLà một người vẽ mà lại yêu thơ, khi đọc liên tưởng của tôi trước hết là liên tưởng của con mắt. Cái chúng ta quen gọi là hình ảnh, hình tượng thơ … với tôi trước hết là cái có thể nhìn thấy trong đầu, khi đọc thơ.

  • LÊ QUANG THÁIVăn khảo luận ít khi viết năm Mão như văn nói thông thường, chỉ vì chưa định rõ năm nào trong các năm: Ất Mão, Đinh Mão, Kỷ Mão, Tân Mão, Quý Mão. Cho nên, không thể dịch ra tiếng Anh: “Year of the cat” một cách vô tư lự được. Viết quảng cáo lớn chữ “Xuân Tân Mão, 2011” mà lại dịch một cách tùy tiện như trên hẳn là chưa ổn.