Cảm nhận từ một trại sáng tác văn học nghệ thuật

14:47 05/09/2008
HỒ THẾ HÀTrại sáng tác Văn học nghệ thuật năm 2002 do Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế và Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế tổ chức từ ngày 27 - 8 - 2002 đến ngày 6 - 9 - 2002 đã thành công và để lại những trang viết giàu ấn tượng về cuộc sống và con người, đặc biệt là cuộc sống và con người Phú Thuận, Phú Vang - vùng quê có nhiều truyền thống và tiềm năng văn hoá vật chất và phi vật chất vừa trải qua một nỗi đau lớn do thiên tai gây ra.

Dự trại lần này có 15 văn nghệ sĩ đủ các chuyên ngành, nhiều nhất là chuyên ngành văn học. Qua 10 ngày tiếp cận và sống cuộc sống của nhân dân, các nhà văn đã hình thành bước đầu số lượng tác phẩm đáng ghi nhận: 5 truyện ngắn, 4 bút ký, 30 bài thơ, 1 bài nghiên cứu văn học, 8 bản nhạc (chưa kể những ghi chép và đề cương sẽ hoàn thành trong tương lai gần). Đó là con số có giá trị thông tin và giá trị văn chương thực sự.
Chủ đề ưu tiên của trại sáng tác lần này là quê hương, con người Hoà Duân - Phú Thuận nghĩa tình trên con đường làm ăn xây dựng mới, hàn gắn thiên tai và vững bước đi lên cùng khát vọng làm giàu bằng chính bàn tay và sức lực của mình.
Nhà thơ Võ Quê đã cảm xúc và ghi nhanh nét đẹp Phú Thuận qua bài thơ Đường về Phú Thuận một cách chân thành, nói lên niềm vui và tiềm năng của một vùng quê sông nước tươi xanh bằng tấm lòng của người con quê hương xứ sở Phú Vang:
Tam Giang đẹp dáng con đò
Cá cua đầy ắp sáo nò nhà em
Mừng chiều với ngọn nồm êm
Bao nhiêu du khách đón niềm vui chung
Đêm đêm ánh lửa bập bùng
Lời ca ngân vọng gởi cùng mai sau
Cũng trong cảm xúc ấy, Ngàn Thương - trên đường về lại Hoà Duân - đã phát hiện sự long lanh của màu xanh trong mắt biển và nghe được âm thanh giao hưởng của thiên nhiên: "Trời xanh trong mắt biển - Đong đầy giữa khói sương - Sáng lên mùa giao hưởng - Biển bao tình quê hương".
Nhà thơ Mai Văn Hoan càng trữ tình và lãng mạn khi mở lòng cùng cửa biển chiều hôm để "Ta mòn con mắt nhìn ra chân trời", cùng Phá Tam Giang tưởng tượng ra người tình hư ảo và thơ mộng để si mê:
Lênh đênh thì mặc lênh đênh
Khổ đau cứ việc qua ghềnh khổ đau
Chỉ cần ngồi cạnh bên nhau
Dưới thuyền nước chảy trên đầu mây bay
Tam giang đồng rộng phá dài
Ta vui cùng với bạn chài sớm hôm...

Nguyên Quân thì vo tròn thành nỗi cô đơn để tự mình trong dáng người thượng cổ chiêm ngưỡng niềm vui, nỗi buồn qua dáng người câu mực mà bất giác nhận ra năm tháng đời người: "một mình - một bóng thuyền câu - tựa lưng sóng nước - đã nhàu tháng năm" mà cảm nhận sự lênh đênh của con người:
một mình một bóng thuyền câu
lênh đênh cho tận nông sâu đời người.

Thái Thành Thông thì nhìn quê với tâm sự người con của đất mẹ muôn đời, trong sự liên hệ với mẹ Âu Cơ nghìn xưa nước Việt mà nghĩ phận mình và nơi chôn nhau cắt rốn: " Con đường xưa vẫn thẳng - Đo năm tháng ngoằn ngoèo - Mẹ Âu Cơ thầm lặng - Đứa con nghèo, con yêu".
Nhà thơ Lê Gia Ninh dành tâm huyết của mình cho những trang tiểu thuyết mà vẫn không bỏ qua những giây phút trữ tình để đến với nàng thơ và dám ngả nghiêng cùng biển trời, đề thơ lên sóng và trăng:
 Giọng em cười dòn như nắng
Chiều thu biển đã dát vàng
Tam Giang bồng bềnh mây trắng
Anh về vẽ sóng lên trăng
Trại viết lần này có sự góp mặt của nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoà - Hội viên cao tuổi của Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế. Tác giả đã thành công với công trình dịch, khảo luận về nhà thơ Trần Đình Túc (sống ở Huế thế kỷ XIX). Ngoài ra, tác giả còn lãng mạn cùng tiếng biển trong đêm Hoà Duân qua những câu thơ ngẫu hứng, làm nên sự bất ngờ và nét riêng đáng nhớ:
Hoà Duân bốn mùa nghe biển gọi
Dương reo vi vút sóng nhạc rền
Cầm chân khách lại lòng xao xuyến
Rượu chuồn vừa chạm đã say men

Chùm thơ của nhà thơ Vĩnh Nguyên và Nguyễn Loan có thể gọi là sự suy tư, chiêm nghiệm đã chín trong xúc cảm và chạm tới ngưỡng của sự sáng tạo nghệ thuật. Thơ các anh chân chất nhưng có sức rung động trước những vấn đề thuộc về đời tư và thế sự. Nguyễn Loan rất tình và say:
Anh linh cảm ngọn gió nồm có lửa
Nắng cháy trời, nắng muốn bốc hơi
Anh ngụp lặn trăm lần không bớt nóng
Chiều không em - biển như vạc dầu sôi

Hoá ra, lửa, nóng, vạc dầu sôi... cũng chỉ là hiện thực tâm lý khi nhà thơ chờ đợi người tình không chân dung nơi viễn phương nào đó. Còn hiện thực cuộc đời thì không thiếu tiếng reo vui: "Đêm bình yên ai vẽ bức tranh quê - Dừa chải tóc bên hè trăng nghiêng gối - Gió mang tiếng nói cười mát rượi".
Và cuối cùng Nguyễn Loan lại chia sẻ với Hoà Duân - nỗi đau và nước mắt, hy vọng và đợi chờ, sự tái sinh và dự cảm: "Giữa buồn đau ràng rịt - Thơ tủi, mừng rưng rưng" và nhận ra sự chậm trễ của chính mình:
Tôi biết mình có tội
Không về kịp với người
Dẫu rằng em không dỗi
Càng đau... Hoà Duân ơi
Tôi rất thích kiểu nhìn đời đầy thận trọng và phán xét trong thơ Vĩnh Nguyên. Hiện thực và chất thơ hiện lên sau sự chiêm nghiệm và kiếm tìm, sau âu lo và hy vọng xuất phát từ hiện thực mà nhà thơ chứng nghiệm "Mình sát đất mình thấp hơn ngọn cỏ - Đôi khi vấp ngã có sao đâu". Nhưng rồi anh vẫn cứ âu lo về các trạng thái nhân thế: " Người sống đã xây lăng, người đột tử thì chưa kịp - Hỡi dương thế, việc này chắc người âm cũng biết " và bất giác nhận ra sự khởi sắc của một vùng quê:
Hơn cả bảy sắc cầu vồng
An Biền - thành phố lăng nhấp nhô trên biển
Rực rỡ vàng son tầng nhà cao rộng
Xe cúp xe con kẹt ngã tư đường
Ấy vậy mà dĩ vãng cứ hiện về như nhắc gọi một thời xa:
Lối ra biển cát lún sâu xa hút
Một mét chiều ngang vừa đẩy con thuyền
Dấu chân dẫm lên dấu chân thời du kích...
Có thể nói rằng chùm thơ ban đầu của trại sáng tác đã thực sự mang hơi thở của biển, của gió và của sóng nước mênh mang một vùng quê đầm phá đang từng bước gọi những mùa vui hứa hẹn mai sau.

Trại sáng tác lần này có thế mạnh là đã tập họp được những cây viết ký và truyện ngắn chủ lực của Hội. Sự góp mặt của nhà văn Dương Thành Vũ sau nhiều năm âm thầm thức cùng trang chữ, của Nguyễn Văn Vinh sau bao tháng ngày săn tìm hoàng hôn và bình minh, của Nguyên Quân sau bao âu lo và phát hiện, bao dự định và kiếm tìm là một tái khởi động đáng mừng.
Dương Thành Vũ rất kịp thời và rất thực tiễn để có được bút ký 36 giờ trên tàu đánh bắt xa bờ. Chuyến phiêu lưu ký trên mênh mông biển nước của anh đã thực sự đưa anh đến với lòng đại dương để thấy được một cách ngoạn mục sức mạnh của con người chiếm lĩnh biển sâu, của sự giàu đẹp thiên nhiên qua bình minh hé đỏ phía chân trời và bằng cặp mắt của người đi săn biển, đôi tai của ngư thuyền, anh đã nghe được tiếng thuỳ dương reo vi vu hoà trong tiếng rì rào hải ngạn... Tác giả trở nên giàu có về tri thức biển và hải dương học để anh nhận ra sự thật giản đơn này: "Hạnh phúc đâu chỉ là những thắng lợi, nhất là thắng lợi đạt được bằng những phương cách thấp hèn trong cuộc chạy đua vô tâm giữa trường đời". Và cao hơn là một triết lý sống không cần sự cứu viện của tha nhân "Của kho không lo cũng hết". Do vậy, mà phương thức đánh bắt xa bờ của Phú Thuận là một bài học đầy hấp lực của chính quyền và nhân dân nơi đây.
Nguyễn Văn Vinh lại lần về cổ sử và nguồn cội để thao thức cùng An Dương làng mới; để biết được cách đây 450 năm "một chiếc thuyền bè cập Rú Cát, rừng Bà Nàng. Tám chàng trai vậm vạp tràn lên bờ, thấy bãi cát dọc dài hoang vắng nằm giữa đầm phá và biển đông, thuận nghề ngư phủ, họ bèn dựng lều lập ra làng Hà (tức là làng An Dương ngày nay). Tám chàng trai đó gồm các họ: Ngô, Phan, Trương Việt, Trương Phước, Nguyễn Thanh, họ Võ và hai họ Nguyễn Văn... Với cách nhập đề lịch đại chắc nịch như thế, Nguyễn Văn Vinh đã cho ta thấy truyền thống và sự khai canh lập nghiệp của An Dương là vững chắc như thế nào. Do vậy, mà Vua Khải Định đã phong tám vị ấy là "Bát tộc khai canh" vào "Nhị niên, tam nguyệt, thập bát nhật" để muôn đời còn vang vọng tình đoàn kết keo sơn: "Khai thác giang sơn đồng bát tộc - Canh tân địa bộ được Vua phong"
Và ngày nay, An Dương trở thành điểm hẹn của tình thương và sự đẹp giàu, tươi mới trên con đường lao động dựng xây.

Góp phần làm nên thành công của trại viết là sự có mặt của các cây bút truyện ngắn tên tuổi. Nguyễn Đức Sĩ Tiến góp 2 truyện ngắn có nét phác thảo riêng: Điều đáng nói Bảy Sao. Cả 2 truyện đều được cấu tư, triển khai logic trên cái nền hiện thực - đạo đức để trừu xuất về những vấn đề có tính xã hội, thế sự bức xúc hiện nay. Truyện Điều đáng nói tưởng giản đơn nhưng lại là bài học có ý nghĩa cho những ai thật sự muốn mình tồn tại có ích và thật sự muốn cộng đồng, đơn vị tiến lên vì danh dự, vì lợi ích chung. Vấn đề bình đẳng, dân chủ và sự vị tha, hoà đồng trách nhiệm là điều đáng nói giữa thủ trưởng và thuộc cấp trong cơ chế hiện nay.
Truyện Bảy Sao nói về hành trình đặc biệt và đầy kỳ tích tha hoá của một con người để cuối cùng, anh ta nhận ra qui luật muôn đời là hoàn thiện nhân cách và giữ được thiên lương, nhân tính mới có chỗ đứng với tư cách là con người giữa trần thế này. Hành trình từ người - đến lưu manh, tha hoá - đến con vật - rồi trở lại làm người lương thiện của Bảy Sao là hành trình tự nhận thức một cách đáng trách, để cuối cùng, nhờ sức mạnh của lòng nhân ái và tinh thần trách nhiệm, của lòng tốt, tính thiện của con người mới cứu vớt được sự sống và danh dự cho anh: "Có lẽ chỉ có văn hoá và lao động mới có tác dụng hình thành và phát triển nhân cách cho con người". Đó là thông điệp và lời nhắc nhở của tác giả đối với mọi người qua truyện ngắn luận đề này.
Tác phẩm xuất xắc nhất của trại (theo hiện có) lần này, có lẽ là truyện ngắn Vĩ thanh màu hồng phấn của nhà văn nữ Hà Khánh Linh. Truyện đề cập đến lịch sử một con người không bình lặng mà hoàn cảnh và số phận đã đưa đẩy để ông ta trở thành một chứng nhân của chính mình cả vinh quang lẫn cay đắng. Những do dự, những lầm lẫn là có thật và nỗi đau cũng có thật để giờ đây nhà văn đã vẽ lại được cả "nỗi đau và niềm hạnh phúc" của ông, bởi vì tác giả đã nhập vào và biến nỗi niềm đau kia thành của mình để triết luận và ám ảnh, để tâm tình và san sẻ, như cách thế, để nói lên bài học cuộc đời. Truyện viết với bút pháp đa dạng, được đồng hiện theo ngôn ngữ người trần thuật pha đối thoại giữa nhà văn và nhân vật đã làm cho quá trình tiếp nhận vừa khách quan vừa chủ quan. Những trang viết có chất văn, ám ảnh người đọc: "Trong toàn bộ câu chuyện mà anh kể, tôi thấy có một chi tiết rất hay, một suy nghĩ rất nghiêm chỉnh, một sự lựa chọn rất đúng đắn, đó là khi anh mới ra tù mang theo con dao từ quê nhà vô Sài Gòn định "khử cả hai đứa" nhưng anh đã không làm điều đó vì sợ hoen ố thanh danh tù chính trị của anh. Giá như từ đó về sau, ở đâu và làm bất cứ việc gì, anh cũng luôn nhớ cái thanh danh kia. Như anh đã từng nói anh có những ngày sôi động, hào hứng và thú vị nhất của đời làm báo là dịp anh tham gia công tác trong cuộc Tổng tấn công xuân Mậu Thân 1968. Theo tôi, anh nên cộng thêm 2 năm tù chính trị của anh vào với 25 ngày đêm hào hứng, thú vị kia. Chặng đường ấy của anh sáng đẹp và hào hùng như một bài ca tuyệt vời về tình yêu quê hương, đất nước mà cái vĩ thanh của nó còn tiếp tục ngân mãi, là khi anh dập tắt ý định trừ khử kẻ tình địch và kẻ bội tình. Rất tiếc, vĩ thanh kia đã có lúc bị lịm tắt trong anh, đó là những lúc anh lui tới chỗ quán rượu, hộp đêm để dan díu với những người đàn bà buôn hương bán phấn... Nhưng dẫu sao vẫn còn may, là anh đã nghe lời các con mà không tiếp tục chung sống với Giáng Tiên, và may mắn hơn cả la, giữa Giáng Tiên và anh không hề có liên hệ huyết thống và bé Giáng Ngọc nhờ thế mà về mặt sinh học chắc sẽ phát triển bình thường".
Tác giả kết thúc truyện với những lời tâm huyết và trách nhiệm "Dũng cảm, bình tĩnh nhìn vào sự thật để cùng bàn bạc và có quyết định đúng đắn như vậy là tốt... Nếu tôi phải vẽ lúc này thì, không chỉ vẽ nỗi đau mà còn có cả niềm hạnh phúc nữa. Nhưng trước hết tôi sẽ vẽ cái vĩ thanh mà lúc nãy tôi đã đề cập, vĩ thanh màu hồng phấn"
Truyện kết thúc mà âm vang tình đời, tình người cùng những vui buồn, ân nghĩa của nó còn thấm thía trong lòng người đọc.
Trên đây là những cảm nhận ban đầu của tôi, và dĩ nhiên là chưa đầy đủ, vì những tác phẩm của các trại viên vẫn còn nằm trong những trang ghi chép và bản thảo. Hy vọng sau kết thúc trại lần này chính là điểm bắt đầu cho những dự cảm mới của các trại viên để hoàn thành phần vĩ thanh Hoà Duân - Phú Thuận của mình.
                                                                         09 - 9 - 2002
                                                                                     H.T.H

(nguồn: TCSH số 164 - 10 - 2002)

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • NGUYỄN VĂN XÊ
                      hồi ký

    Buổi sáng mùa thu ngày 20-9-1940. Nơi nhà thương Nam ở Quy Hòa những bệnh nhân già yếu đang run lên vì gió lạnh từ biển thổi vào.

  • NGUYỄN KHẮC PHÊ

    Tôi đang chuẩn bị cho những trang cuối của số tạp chí này thì được tin từ thành phố Hồ Chí Minh điện ra: Bác Nguyễn Tuân đã mất! Sững sờ và xúc động quá! Tôi như không muốn tin.

  • PHAN NGỌC MINH 

    Từ lâu, tôi mong ước có một chuyến đi xem và vẽ Kinh Thành Huế. Ý tưởng ấy đã thực hiện vào Thu 1995. Lần ấy, được trên mười bức ký họa, những cơn mưa cứ kéo dài, cuối cùng, tôi đành rời Huế trong tâm trạng đầy lưu luyến.

  • TẠ QUANG SUM

    Lần lửa hơn 30 năm tôi mới về lại thăm Thầy. Ngôi nhà số 51 Hồng Bàng vẫn “ Trầm mặc cây rừng ” như ngày xưa lũ học trò chúng tôi có dịp ngang qua. Cầu thang dẫn lên căn gác nhỏ yếu ớt rung lên dưới chân mình, hay….mình run! Tôi chẳng thể nào phân định được, trong phút giây bồi hồi xao xuyến ấy.

  • NGUYỄN THỊ THỐNG

    Tôi tên là Nguyễn Thị Thống - con gái của cố họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung. Tôi rất vui mừng, xúc động và thấy rất may mắn được tới dự buổi lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của bố tôi tại thành phố Huế vừa qua do Liên hiệp các Hội VHNT Thừa Thiên Huế tổ chức. Tới dự buổi lễ này, tôi được nghe và nhớ lại những kỷ niệm về bố tôi. Những kỷ niệm không bao giờ phai mờ trong ký ức.

  • NAM NGUYÊN

    Thực ra, tôi gọi cuộc đi này là hành hương. Hành hương, nghe có vẻ cao siêu nhưng y phục xứng kỳ đức mà thôi.

  • (Lược thuật Hội thảo “Giá trị văn học Thừa Thiên Huế - những định hướng bảo tồn)

  • TRẦN THỊ KIÊN TRINH Đã không ít lần tôi được nghe những câu chuyện của các anh kể về một thời trai trẻ. Tuổi trẻ hiến dâng, tuổi trẻ xuống đường, tuổi trẻ lên rừng kháng chiến và những đêm không ngủ.

  • THANH HẢI SHO - Hôm ấy, Nha Trang đỏ nắng. Tôi cùng anh bạn nhà báo lần đến số 46 đường Yersin tìm một ông già. Đến nơi, vừa kéo chuông chủ nhà vội vàng mở cổng. Trước mắt tôi là một ông già ngoài 80, dáng người đậm, da trắng,  mang cặp kính cận bự chác mỗi bên độ nửa bàn tay… ông già ấy chính là nhà thơ Giang Nam, tác giả bài thơ “Quê hương” nổi tiếng.

  • TRẦN PHƯƠNG TRÀ Giữa năm 1967, anh Thanh Hải và tôi được điều động từ Thành ủy Huế về Ban Tuyên huấn Khu ủy Trị - Thiên - Huế. Mấy ngày đi đường, chúng tôi nói nhiều về vùng đất và con người quê hương.

  • MAI VĂN HOANThời còn là sinh viên khoa Văn trường Đại học Sư phạm Vinh (1967 - 1971), chúng tôi thường gọi thầy Hoàng Ngọc Hiến là thầy Hiến. Đó là cách gọi thân mật của những học sinh vùng quê miền Trung đối với những thầy giáo trường làng. Lên đại học chúng tôi vẫn giữ nguyên thói quen ấy.

  • NGUYỄN QUANG HÀNhững ngày trên chiến khu, báo Cờ giải phóng và báo Cứu lấy quê hương ở chung trong một mái nhà, cùng ăn cùng ở cùng làm.

  • PHẠM THƯỜNG KHANH - PHẠM LINH THÀNHTheo tiếng Latinh, thuật ngữ intelligentia - trí thức chỉ những người có hiểu biết, có tri thức, tầng lớp xã hội này bao gồm những người chuyên lao động trí óc, có trình độ chuyên môn cao.

  • NGUYỄN THANH TUẤN           Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

  • NGÔ MINH Sau ba tháng kêu gọi, hơn 250 văn nghệ sĩ, trí thức và những người Việt mến mộ Phùng Quán ở Việt Nam, Hoa Kỳ, Pháp, Đức, Ba Lan, Úc, Thụy Sĩ v.v, đã nhiệt tình góp cát đá xây lăng mộ nhà thơ Phùng Quán - bà Vũ Bội Trâm ở Thủy Dương, Huế.

  • HỒ THẾ HÀHằng năm, sự kiện hân hoan và sôi động nhất của văn nghệ sĩ Huế là kết quả thẩm định và xét tặng thưởng công trình, tác phẩm VHNT xuất sắc của Liên hiệp Hội.

  • Ngày 11 tháng 10 năm 2010, đoàn Trái tim người lính (Mỹ) do tiến sĩ, bác sĩ tâm lý, nhà văn Edward Tick dẫn đầu đã đến thăm và giao lưu với Hội Nhà văn Việt Nam tại Hà Nội. Đoàn của tổ chức Trái tim người lính có nhiều người là cựu chiến binh từng tham chiến tại Việt Nam, I-Rắc; các bác sĩ, giáo viên, nhà báo, mục sư và cả học sinh trung học. Buổi gặp gỡ đã diễn ra trong tình cảm ấm áp, thông cảm, chia sẻ quá khứ, vì hiện tại và hướng tới tương lai. Chiến tranh và hòa bình được nhắc đến nhiều hơn cả trong các câu chuyện và thơ của cả bạn và ta. Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý là người được dự buổi gặp gỡ giao lưu cảm động này, anh đã có bài viết gửi Sông Hương, xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc. SH

  • LÊ TRỌNG SÂM(Kỷ niệm 60 năm thành lập Hội Liên Hiệp Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế)Dưới sự chỉ đạo của Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh Thừa Thiên và có sự giúp đỡ nhiều mặt của Chi hội Văn nghệ Liên khu 4, cuộc gặp mặt lớn của giới văn nghệ sĩ trong tỉnh tại thôn 2 làng Mỹ Lợi trong vùng căn cứ khu 3 huyện Phú Lộc vào tháng 10 năm 1950 phải được tôn vinh như là Đại hội đầu tiên, Đại hội lần thứ nhất của anh chị em văn nghệ tỉnh nhà. Nó là một cái mốc quan trọng mở ra một thời kỳ mới.

  • NGUYỄN QUANG HÀ(Kỷ niệm 60 năm thành lập Hội Liên Hiệp Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế)Chiến dịch Mậu Thân 1968 đang cần quân để đánh vào thành phố, trước tình hình ấy, chúng tôi được huy động vào quân đội, và sau những tháng tập mang vác nặng, tập leo núi, tập bắn, tập tiến nhập, chúng tôi được điều vào Bác Đô (đó là bí danh Thừa Thiên Huế lúc bấy giờ).

  • VÕ MẠNH LẬPKỷ niệm 30 năm ngày mất nhà thơ Thanh Hải (1980 - 2010)