Cái tủ thờ

08:08 12/05/2017

ĐẶNG MINH CHÂU

Làng đang tẻ, tẻ muốn chết được. Vì chẳng có chuyện gì ồn ào để có cớ tán gẫu với nhau.

Minh họa: Phạm Đại

Đùng một cái, bà Vân chết. Đủ lời bàn tán. Mà nào có phải bà chết vì bị đánh ghen. Cũng không phải vì yêu chồng thái quá... Bà đã xấp xỉ năm mươi rồi. Nói cho chính xác, bà đúng bốn chín tuổi cái tuổi dù có mặn nồng với chồng mấy cũng không thể chết vì chồng được... Đấy là chưa nói, vì là "năm hạn” như lời sấm truyền của tổ tiên "bốn chín chưa qua, năm ba đã tới” nên bà kiêng khem đủ chuyện, trừ chuyện làm vườn...

Làng sinh động hẳn lên. Cứ như bà Vân còn sống thì chẳng biết bao giờ làng mới thoát khỏi cái cảnh gặp nhau không biết nói chuyện gì. Bây giờ đua nhau nói. Người chép miệng tỏ lòng thương, kẻ phán đoán ông Vân lấy vợ mới...

Làng hết tẻ.

Trong khi đó, ông Vân như cái bóng. Một cái bóng lúc hoàng hôn tím sậm phủ xuống làng. Làng không hiểu ông. Thấy ông khóc vợ, làng bảo: đây là tín hiệu của một cô dâu già sắp về nhà ông... Ông cay đắng nghĩ thầm: "Hóa ra người không biết khóc được tín nhiệm hơn”. Và ông cố không khóc. Cố mãi, cố mãi. Tự nhiên hôm nay ông òa khóc như trẻ con, khi nhìn ảnh vợ trên bàn thờ. Cái bàn thờ tự tay ông làm. Không xấu, không đẹp, chỉ hơi vô duyên. Vì chẳng ăn nhập gì với mấy bức tường được tô trát cẩn thận xung quanh. Khi còn sống, vợ ông vẫn ao ước có một cái tủ thờ thật đẹp. Nhưng tiền đâu? Thời giá bây giờ, rẻ nhất cũng một chỉ vàng, của đáng tội, ông bà chẳng có ly lai nào. Làm quan ngay thẳng quá, khi về hưu ông chỉ đem thân già về hầu vợ. Đã thế, ông lại xúi bà hồi hương, bỏ lại căn hộ tập thể hai buồng ở thành phố cho người ta giành giật nhau chơi. Nghe chồng thuyết phục mãi, bà lặng lẽ gật đầu, với hy vọng biết đâu cuộc sống sẽ khá hơn nhờ có đất đai để làm vườn và chăn nuôi. Đến khi vay chỗ này, mượn chỗ nọ xây được cái nhà riêng, thì nợ đã chất ngang mái. Bà bắt đầu thấy nản, nhất là khi nhìn cái nhà thông thống, chẳng có gì bày biện, nom như phòng họp của một xí nghiệp hạng ruồi. "Có nhà rồi sẽ có tất” ông an ủi vợ. Biết tính chồng, bà chỉ cười. Một hôm, nghe người ta kháo nhau giá vàng lên cao, bà chép miệng: "Giá có vàng bán mà mua cái tủ thờ...”. Ông gạt phắt: "Bà cứ nghĩ thế làm gì cho khổ”. Bà thở dài đánh thượt một cái. Và im. Hôm sau, tự nhiên bà bảo: "Nhà mình có vàng đấy!” Ông cười.

"Ông không tin à?”. "Tin gì”. "Đêm qua tôi nằm mơ thấy nhà mình có vàng”. Ông lại cười và hỏi: "Ở đâu?”. "Ngoài vườn kia kìa!” Bà trả lời nghiêm túc đến mức ông nghĩ là phải chỉnh huấn ngay: "Bà này, đừng có mà mơ mộng viễn vông không khéo lại ốm đấy!”. Định phản đối, nghĩ sao, bà lại đáp: "Nói cho vui thôi mà ông!”... Nhưng từ hôm đó bà cặm cụi cuốc đất làm vườn với ý nghĩ biết đâu giấc mộng kia linh nghiệm? Chẳng phải nhiều người đã vô tình đào được vàng đó sao? Vườn nhà bà là đất mới. Mới nhất trong làng. Trước khi người phân cho ông bà nó mọc đầy cỏ dại, chẳng ai thèm để ý đến. Một phần vì nó ở cuối làng. Thứ nữa vì nó mấp mé triền đồi, cái đồi trong chiến tranh là cao điểm thường xuyên bị máy bay Mỹ tập kích... Vừa cần mẫn cuốc đất, bà vừa vui vẻ nghĩ thầm: "Không đào được vàng thì cũng đào được cỏ đi mà trồng sắn, khoai...”. Đột nhiên, lưỡi cuốc chạm phải một vật gì nghe "chát". Bà dừng tay, cúi xuống nhìn. Thấp thoáng sau búi cỏ lật ngược, ánh kim loại vàng chóe hiện lên như một ảo ảnh. Bà suýt reo lên: "Trời ơi, vàng!". Tim bà đập loạn xạ. Một ý nghĩ lướt nhanh qua đầu bà: "Lẽ nào trời đất lại phù hộ mình...". Và chính trong thời khắc đó, cái thời khắc mà bà nghĩ rằng mình đã được thần linh phù hộ, lưỡi cuốc của bà kéo giật lên, kèm theo một tiếng nổ chát chúa và ánh chớp đen thẫm của đất và rác... Lúc đó, ông đang họp tổ Đảng hưu trí ở đầu làng. Biết vợ mình ngộ nạn, ông vừa chạy về vừa khóc rống lên: "Mình ơi là mình ơi!...". Thấy ông khóc, ai cũng ngại ngùng và thương cảm. Nhưng ai cũng bảo: đấy là tín hiệu của một cô dâu già sắp về nhà ông...

***

Vợ mất chưa đầy tuần, ông Vân như kẻ lạc vào rừng cả tháng. Râu tóc không cạo, nhuốm bạc từng mảng. Đêm nào ông cũng ngủ chập chờn trong mộng mị. Suốt một đời đi theo cách mạng ông coi chuyện ma quỷ là sản phẩm của đầu óc phong kiến, tư sản. Thế mà bây giờ chúng cứ ám ảnh ông bằng giấc mộng kinh hoàng. Hễ ông nhắm mắt lại là hình ảnh vợ hiện lên. Tóc rối bù, mặt đầy máu, bà quờ quạng đôi tay rách bươm khắp cơ thể ông... ông rùng mình tỉnh giấc, còn nghe văng vẳng đâu đó tiếng nói mơ hồ của bà: "Cái tủ thờ, ông ơi, ông phải sắm cho tôi cái tủ thờ!" Thế là ông thức đến sáng, sau khi trở dậy thắp cho bà nén nhang... Ông đem chuyện này kể với một người bạn già cùng tổ Đảng (có dặn là không được lộ ra, nhỡ bị phê bình), người bạn khuyên ông mua hàng mã đốt cho bà. Ông nghe theo, mặc dù không tin tưởng lắm. Và quả thật, bất chấp cái tủ hàng mã cực đẹp, đêm đêm bà vẫn hiện về trong giấc ngủ của ông... Qua vài đêm thao thức, ông vỡ lẽ ra vợ mình bị bom bi sát hại chỉ vì tin vào lời báo mộng của ma quỷ. "Nhưng, nếu không tin, cũng phải cuốc đất làm vườn kia mà?" Ông đau khổ nhận ra cái nghịch lý quái ác này và bắt đầu tin rằng con người có số phận. "Nếu có số phận, sợ gì mình không tiếp tục cuốc đất cho khuây khỏa!" Ông tự nhủ. Và bất chấp sự can ngăn của người bạn già kia, hôm sau ông xách cuốc ra vườn. Vừa cắm cúi làm, ông vừa nghĩ cách vay đâu đó ít tiền, sắm cái tủ thờ bằng gỗ thật đẹp để thỏa vong linh vợ. Rồi ông sẽ nhịn ăn để trả. Một mình ông, nhu cầu thấp, lương hưu và phụ cấp gia đình liệt sĩ có thể tiết kiệm được... Mãi làm, mãi nghĩ, ông giật thót người khi nghe "sạt" một tiếng. Ông té ngửa ra sau như bị ai bất ngờ đấm mạnh vào mặt. "Chết rồi" ý nghĩ ấy lướt qua như một tia điện lạnh... Không có tiếng nổ. Ông định thần, dán mắt vào lớp đất mới cuốc lên. "Xương người!" Ông thốt lên, chân tay tự nhiên bủn rủn. Bỏ đấy, ông vào nhà hớp một ngụm nước. Nghĩ sao, ông lấy chai rượu thuốc ra làm một ngụm, rồi ngụm nữa. Chừng như đã lấy lại hồn vía và sự can đảm cần thiết, ông chậm rãi đi ra "hiện trường", thận trọng ngồi xuống, dùng cuốc cào nhẹ từng lớp đất. "Sống chết có số cả!" ông nghĩ thầm, lòng hồi hộp phân vân không biết điều gì sẽ xảy ra. Lát sau, khi từng lớp đất từ từ được xới lên, ông thấy lộ ra một hài cốt gần như còn nguyên vẹn, nằm theo tư thế nghiêng. Đang bối rối, chưa biết xử trí thế nào, ông bỗng phát hiện ra tấm thẻ bài bằng Inok nằm khuất sau khúc xương cổ. Ông gỡ lấy, đem vào nhà, lau qua quýt rồi đeo kính xem. "Hóa ra thằng phi công Mỹ"- ông lẩm bẩm - "Rắc rối đây". Ông chợt nghĩ đến việc thời gian gần đây hài cốt người Mỹ mất tích trong cuộc chiến vừa qua đã trở thành vấn đề lớn, không chỉ đối với chính phủ Mỹ, mà còn đối với chính phủ Việt Nam. Đặc biệt là đối với những người Việt Nam thích đổi lấy đô-la bằng những nắm xương mang quốc tịch Mỹ như thế này... "Mình ơi, vườn mình có vàng đấy! Phải chăng, ma quỷ đã không đánh lừa mình?"- Ông thầm nói với vợ, lòng nhói lên nỗi chua xót, ngậm ngùi. Nước mắt ông lại tứa ra, nhòe cả kính... Sau cơn xúc động bột phát, ông trở nên trầm ngâm. "Gọi ủy ban đến giao cho người ta ư? Hay là cứ để đấy cái đã?" Ông băn khoăn suy tính - "Nhưng để đấy làm gì? Mình thì làm gì được với cái thứ "vàng” ấy?...". Ông đang rối trí thì cơn mưa chiều thường thấy ở miền Trung du ập đến. Ông vụt chạy ra vườn, cào đất lấp chỗ vừa đào. Để mưa khỏi xóa mất dấu vết, ông đánh dấu cẩn thận.

Tối hôm đó, ông lên giường muộn. Từ đầu hôm ông đã biết là mình sẽ không ngủ được. Sau mấy tuần nhang thắp cho vợ, mỏi mệt quá, ông mới lên giường. Nằm một lúc, ông thiếp đi. Vợ ông lại hiện lên. Lần này tóc bà bết máu, chân tay cụt ngủn. Bà thấy lang thang phiêu bạc không có cái tủ thờ để về ở với ông... Ông bàng hoàng bật dậy, nói ú ớ như kẻ mộng du: "Mình ơi, nhà ta có vàng rồi, tôi sẽ mua cho mình cái tủ thờ như ý...". Nói xong, ông tỉnh hẳn. Biết mình nửa thức, nửa mê, ông vò đầu bức tai tấm tức khóc như một kẻ cô đơn, bất hạnh nhất trần đời... Từ đó đến sáng, ông nằm bất động trên giường, nhưng không dám nhắm mắt. Lòng ông cồn cào như nếm phải bã chuột. Ông suy tính mọi nhẽ về cũi hài cốt đang nằm ngoài vườn kia. Nó là bộ xương, nhưng chắc nó cũng cô đơn như mình - tự nhiên ông nghĩ - có điều, nó đáng giá hơn một kẻ đang sống như mình... Thằng đàn ông như mình thật vô tích sự, gần xuống lỗ rồi mà không sắm nỗi cho vợ cái tủ thờ...". Thao thức, dằn vặt mãi, cuối cùng ông vẫn chưa dám thú nhận với lòng mình điều ông toan tính...

***

Nếu kẻ ấy không đến, chưa chắc ông Vân dám thực hiện ý đồ liều lĩnh của mình. Nhưng, hắn đã đến. Hình như có một thứ ma lực huyền bí nào đó cuốn hắn đến theo con đường chỉ riêng hắn mới biết. Ông Vân lấy làm lạ lắm. "Hay ma quỷ cũng báo mộng cho hắn?" Ông tự hỏi. Hắn còn trẻ. Trạc thằng con trai đầu của ông hy sinh hồi 1979. Nếu vòm mắt hắn không quá sâu và những tia nhìn lọt qua cái vòm ấy không bị che khuất đến mức tối sẫm, hắn sẽ là một thanh niên có khuôn mặt tuấn tú. Hắn chào hỏi ông rất lễ phép. Nói chuyện thì thưa gửi đàng hoàng. Hơn thế, hắn còn thắp cho vợ ông hai lần nhang, mỗi lần ba que, và vái bà hai lần, mỗi lần ba cái, khi mới đến và lúc ra về. Trước bàn thờ vợ ông, hắn lẩm bẩm điều gì đó như đang nói chuyện với thần linh, ông nghe không rõ. Thái độ hắn khiến ông cảm động. Đến nỗi, khi nghe hắn bày tỏ ý định muốn mua lại bộ hài cốt Mỹ, ông không dám la lối lên như cần phải thế, rằng anh nói bậy nói bạ, hài cốt nào mà mua với bán, vân vân và vân vân... ông chỉ hơi sững ra. Rồi cười. Như thế chủ quán phở bò nghe khách đòi ăn phở chó. Nhưng làm sao đánh lừa nổi hắn. Cặp mắt hắn có cái vòm như tấm lưới giăng ngang, không gì lọt qua được. Ông Vân đâm ra lúng túng khi hắn từ tốn: "Bác tưởng cháu không biết à? Đất đai làng này cũng như thân thể vợ con cháu, chỗ nào có "nốt ruồi son” cháu đều biết cả... Nói thật với bác, vườn nhà bác như ả đàn bà thích trần truồng về khuya, cháu đã theo dõi từ lâu, từ ngày bác mới về. Cháu biết thế nào cũng có ngày... (Hắn dừng lại, dò xét). Riêng chuyện vườn có bom bi là cháu không biết. Cũng may, hồi bác chưa về cháu còn đi lính, không thì...". Hắn không nói hết. Nhưng ông biết, hắn định nói gì. vợ ông đã chết thay cho những kẻ chuyên đi tìm xác chết như hắn. Nhưng phải là xác chết có phép biến hóa thành vàng kia. Tự nhiên ông muốn nhổ vào mặt hắn. Nhưng ấn tượng thiện cảm ban đầu cộng với ý nghĩ: "Hắn từng đi bộ đội, bàn tay cụt mấy ngón (mà khi hắn chắp tay vái vợ ông, ông phát hiện ra), chắc là do bị thương”, khiến ông im lặng. Ông cảm thấy nhức buốt trong tim nhớ lại cái chết thê thảm của vợ. Thấy ông im lặng, hắn bảo: "Không có gì bác phải sợ. Bác cứ tin cháu. Không phải chỉ những người cộng sản như bác mới đáng tin...". Ông vẫn im lặng. Trong lòng ông thì khác. Có gì đấy cuộn lên, nghèn nghẹn, ông rùng mình nhớ lại những giấc mơ đã qua. "Ôi cái tủ thờ!" - bỗng nhiên ông thốt lên như bị ma nhập. Hắn ngồi theo dõi ông như một nhà tướng số chuẩn bị phán cho kẻ muốn biết tiền vận mình. Song, không hiểu sao, ông Vân lại phán trước: "Anh giỏi lắm! Thôi được, tôi đồng ý để cho anh - ông dừng lại như để cân nhắc. Và nói tiếp, giọng nhỏ mà nhanh, nghe thoảng qua như hơi thở dài cố kìm xuống. Nhưng không tiền nong gì hết. Anh biết tôi cần cái gì không?!!...". Hắn mỉm cười. Nụ cười khiến vòm mắt âm u của hắn giãn ra, để lộ hàng mi như con gái. Thật kỳ cục cái khuôn mặt hắn. Mọi cái đối chọi nhau đến buồn nôn. Cảm giác này mãi về sau ông mới nhận ra. Còn lúc đó, khi hắn đến trước bàn thờ vợ ông, vái ba vái và cáo từ ra về, ông đổ gục xuống như bị ngọn gió độc quất ngang hông...

Vài hôm sau, ông thợ mộc lừng danh ở làng bên đích thân dùng xe bò chở đến nhà ông Vân một chiếc tủ thờ không chê vào đâu được. Làng thấy ông Vân sắm cái tủ sang như vậy, kháo nhau là lâu nay ông giả nghèo, giả khổ, bây giờ vợ chết, "đổi mới tư duy” để chuẩn bị "sang sông”... Nghe làng bàn tán, ông không nói không rằng, âm thầm đau khổ. Ông chỉ lo hắn không giữ chữ "tín” như hắn nói. Hắn mà phản trắc, coi như ông đi tong. Một đời đi theo cách mạng, đến nay gần bốn mươi tuổi Đảng, lỡ vì cái tủ thờ này mà ô danh, ông thà chết còn hơn. Khốn nỗi, chuyện đã xảy ra rồi. Hắn đã mang cái xác đi biệt tăm biệt tích. Ông nhớ lại cái vòm mắt hun hút của hắn. Cái vòm mắt như có lưới giăng ngang, ông đã sa vào đó, tội nghiệp như chú ruồi sa nhện. Chỉ còn mỗi nước phó mặc cho số phận. Từ ngày vợ chết, càng ngày ông càng tin con người có số phận...

Bây giờ cái tủ thờ nằm đó, ngay ngắn, sang trọng. Dù suốt ngày nghi ngút hương khói, ông vẫn cảm thấy nó lạnh lẽo một cách ma quái. Khổ nhất là từ ngày có nó, ông còn kém ngủ hơn trước. Trước đây, trong những cơn ác mộng, ông chỉ thấy vợ. Có cái tủ rồi, ông tưởng sẽ được an giấc. Nào ngờ, vợ ông biến đi thì kẻ khác xuất hiện. Khi thì thằng phi công Mỹ không rõ hình dung. Khi thì hắn (ông không biết tên hắn), với vòm mắt sâu như vực thẳm... Thằng phi công Mỹ cười hô hố và nói với ông rành mạch như không phải trong mơ: "Trước đây chúng ta là kẻ thù không đội trời chung. Bây giờ tôi mất, ông còn có lẽ không nên căm thù nhau nữa. Nhờ tôi, ông có được cái tủ thờ đẹp đẽ cho linh hồn vợ con ông nương náu. Nhờ ông thể xác tôi được hồi hương. Thế là hòa. Chúng ta là bạn. Ông là bạn của ma quỷ. Tôi là bạn của người, ông cúng cho tôi, tôi phù hộ ông...”. Khi thằng phi công Mỹ nói những điều này, ông thấy bộ xương nó nhích nhắc, hai tay giơ lên như muốn ôm ông. Ông hoảng sợ, hét lên. Và tỉnh giấc... Cứ thế, hầu như đêm nào ông cũng thấy nó. Nhưng hình ảnh nó không khiến ông mất ăn, mất ngủ bằng hình ảnh hắn. Hắn cứ lừng lững xuất hiện trong giấc mơ của ông, ám ảnh ông bằng đôi mắt có cái vòm hun hút. Hắn cứ cười, cứ cười. Cười không biết chán! "Không phải chỉ những người Cộng sản như bác mới đáng tin...”. Đến lúc này thì ông gần như nghẹt thở. Vật vã đến điên cuồng, cơn ác mộng đẩy ông văng từ giường xuống đất. Nhờ thế, ông thoát khỏi giấc ngủ, đầu trĩu nặng và sưng vù...

Những giấc mơ triền miên như thế, khiến tâm thần ông bấn loạn. Người ông chỉ còn da bọc xương, ông chẳng buồn ăn uống gì. "Lẽ nào ma quỷ đã nhập vào mình? - Ông đau đớn nghĩ. Một Đảng viên kỳ cựu như mình lại là bạn của ma quỷ? Không đời nào! Mình phải thoát khỏi cái giao kèo chó chết này!”.

Sau khi đã suy nghĩ kỹ, ông xem lịch để chọn ngày.

Đúng ngày rằm, khi bắt đầu trăng lên, ông nhờ mấy đứa trẻ hàng xóm giúp ông khiêng cái tủ ra vườn, đặt cách chỗ vợ ông chết và chỗ ông đào được hài cốt thằng Mỹ một quãng bằng nhau. Bọn trẻ tưởng ông rửa tủ thật nên kéo nhau về hết. Còn lại một mình, ông lấy cỏ rác chất đầy xung quanh tủ, sau đó tưới cả lít xăng lên. Xong ông đốt ba bó nhang còn nguyên lốc, cắm vào bình hương bằng đồng trên tủ. Ông lùi lại, vái năm vái về phía vợ ông chết, miệng thì thầm: "Bà sống khôn, chết thiêng. Tôi đốt cho bà cái tủ thờ này để bà biết lòng dạ tôi ngay thẳng, không phải vì nó mà đánh mất lương tâm...” Rồi ông quay về phía hài cốt thằng Mỹ, vái một vái và nói: "Tao đốt cái tủ thờ này để mày biết không bao giờ người như tao phải chịu ơn của ma quỷ. Tao đang còn sống, tao là Người. Mày chết, vợ con mày, nếu có, chắc cũng đau khổ và cô đơn không kém tao. Dù sao, tao cũng mong mày mỉm cười nơi chín suối, mong mày gặp được vợ con tao và chung sống hòa bình dưới đó...”. Ông chưa kịp trút hết những ý nghĩ bị đè nén trong mình, thì một que nhang rơi xuống, làm bùng lên ngọn lửa dữ dội. Ông hốt hoảng dạt ra, đứng nhìn cái tủ thờ chìm trong màn lửa. Mắt ông nhòe ướt. Ông khóc. Nhức nhói mà thanh thản.

Sáng hôm sau, làng lại như bà góa thèm trai được dịp tốc váy lên. Người bảo ông điên kẻ bảo ông rồ. Làng náo nhiệt, sinh động hẳn.

Trong khi đó, sau giấc ngủ muộn, giấc ngủ có men rượu làm bạn bè, có nỗi buồn mênh mang như đầm lầy không cách gì thoát ra được, ông Vân dậy và đi ra vườn. Dưới lớp tro lạnh của cỏ rác và gỗ, ông nhìn thấy cái lư hương bằng đồng còn nguyên vẹn, nằm chơ vơ trên nền đất ướt đẫm hơi sương.

25.10.89
N.T
(TCSH42/04&05-1990)




 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • NGUYỄN CẨM HƯƠNGBước ra khỏi lớp học ngoại ngữ anh bỗng thấy đầu óc quay cuồng như muốn ngã. Dắt được chiếc xe đạp địa hình ra khỏi trung tâm, anh cố gắng đạp một cách khó nhọc trên đường phố.

  • NGUYỄN ĐỨC SĨ TIẾNNgười ta thường nói xem mặt đặt tên, nhưng điều này lại không đúng với thượng tá Kha. Nhìn bề ngoài, ai cũng nghĩ ông là người khô khan, thật ra ông lại là người rất đa cảm.

  • NGUYỄN THẾ TƯỜNGChấp me?Che muống! / Chấp me? Cuống sắc! / Chấp me? Sắc cạnh? / Chấp me? Hạnh bầu! / Chấp me? Hầu nhảy/Ăn cơm ai? Ăn cơm cha!Uống nước ai? Uống nước mạ!Hú ...Con mau về kẻo quạ tha đi!

  • HUỲNH THẠCH THẢO- Lành, về bảo bố mày ăn nhậu vừa vừa thôi, đừng như mấy ông mới ngấp nghé vào cấp xã đã phởn, bia ôm gái giếc có ngày...Tôi vừa vào đến cổng đã nghe tiếng mẹ sang sảng với con Lành, đứa con cậu út ở quê. Chưa hết, bà còn thêm hồi nữa nhưng nhỏ hơn, có lẽ nghe tiếng cửa mở bên ngoài.

  • NGUYỄN TRƯỜNGChiều xuống. Lúc mặt trời sắp lặn sau dãy núi phía tây cũng là lúc người ta thấy ông già xóm Chùa thường mon men tới thả câu ở cái bến sông này.

  • MÃN ĐƯỜNG HỒNGMùa Xuân lững thững về. Anh cũng lững thững đi ra phố chợ. Hai bàn tay trơ trọi của anh đút sâu vào hai túi quần rỗng trống buồn tênh. Anh mỉm cười thong dong bước đi, hòa vào dòng người nhôn nhao tất tả.

  • HỒNG NHUNói chính xác là chị dâu. Chính xác hơn, chị dâu thứ của vợ tôi. Thông thường những trường hợp như thế này, trong nhà em út chẳng ai gọi đầy đủ là chị dâu cả, mà chỉ là chị thôi. Ấy là chị Kim.

  • TRẦN DUY PHIÊN1. Chuông điện thoại reo phải lúc tôi đang tiếp ông tổ trưởng dân phố. Biết tôi ở nhà một mình, ông nói gọn mấy câu rồi từ biệt. Ba chân bốn cẳng chạy như nước rút, tôi mới với được tới máy.

  • LÊ ĐỨC QUANGMột buổi sáng sớm mùa xuân, bầu trời trong xanh thăm thẳm. Anh nắng vàng vừa rải đều khắp nơi. Gió thổi nhẹ, mơn man vào da thịt con người ta, thật mát mẻ dễ chịu làm sao. Dọc đường phố, cuối năm rồi, dòng người trở nên đông đúc và nhộn nhịp, kẻ thì lo mua sắm áo quần mới, người thì lo bánh mứt, kẻ thì mua những chậu hoa, cây cảnh, trang trí nhà cửa của mình sao cho thật đẹp. Mọi người ai cũng hối hả, vui mừng đón năm mới. Riêng lão xích lô, vẫn công việc bình thường như mọi ngày: sáng ăn qua quýt ổ bánh mì xong rồi đạp xích lô đến ngã ba gần sân ga, chờ những chuyến tàu về, mặt cố gắng hớn hở, tươi cười, đón mời khách.

  • NGUYỄN VĂN NINHTôi được cơ quan tố tụng chỉ định làm luật sư cho một bị can.Tôi xin kể ra đây, hơi dài dòng một chút, không phải bị cáo mà là cha tôi. Trong cuộc đời làm luật sư, cha tôi luôn thích nhất câu: Thưa quí tòa! Thân chủ tôi hoàn toàn vô tội! Cha tôi muốn tôi sau này mỗi khi đứng trước toà đều nói câu như vậy.

  • QUẾ HƯƠNG                                                                                                                                1. Chị đi qua, tẻ nhạt và cũ kỹ như cái áo đề mốt thơm mùi long não lấy từ hòm gỗ ủ hương kỷ niệm. Khu cư dân tôi ở thì mới toanh, chưa tròn mười. Cơ ngơi phó giám đốc xí nghiệp gỗ sực nức mùi rừng.

  • PHAN VĂN LỢILTS: Cuộc làm người, khó thay! Dân tộc nào cũng sáng tạo cho mình một ĐỊA NGỤC để răn dạy con người không nguôi hướng đến cái CHÂN - THIỆN - MỸ.Nhuốm màu sắc của Liêu trai chí dị và Việt điện u linh..., câu chuyện là một phần của cuộc đời đầy ám ảnh. Vừa cuốn hút thương cảm với cái nhìn nghiêm khắc lột trần bản chất đời sống, vừa hoang mang đặt ra câu hỏi về ý nghĩa sống đích thực của con người.

  • (tiếp theo và hết)Chuyến du ngoạn địa ngục đã để lại trong tâm trí ông Thai một ấn tượng hãi hùng. Thật khủng khiếp nếu phải chịu cực hình rồi bị đày xuống đó muôn kiếp. Phải tìm cách tự cứu mình chứ chả lẽ chịu bó tay?

  • HOÀNG NHẬT TUYÊNI. Chuyện được bắt đầu bằng một quả trứng, thoạt nghe cứ tưởng chuyện cổ tích nhưng nghe rồi mới rõ, ấy là chuyện thời nay, và đúng thế, nếu tường thuật theo lối cổ điển, theo tình tự thời gian thì chuyện không thể bắt đầu bằng chỗ nào khác thích hợp hơn là từ một quả trứng- một quả trứng gà.

  • MINH ĐỨC TRIỀU TÂM ẢNHHọ là đôi bạn thân kể từ thời còn học ở đại học Sorbonne, sau đó, cùng chọn chuyên ngành khảo cổ học. Jabindu, người Népal; Robinson, người Mỹ. Thời trẻ, cả hai đều say mê công việc khô khan và vất vả của mình. Dấu chân của đôi bạn đã dẫm khắp những di tích lịch sử ở hai bờ sông Nile, sông Hằng, Trung Á, Con Đường Tơ Lụa và cả Nam Mỹ...

  • NGUYÊN QUÂNTôi đứng lại giữa vườn. Đêm mênh mông oà vỡ ánh trăng. Trăng trên thềm nhà, trăng trên ngọn lá, trên những tàng cây um tùm. “Điêu tàn, hoang vắng quá”- tôi than thầm. Hình như lâu rồi chẳng ai vun xới chăm sóc và hình như cũng lâu lắm rồi tôi mới về lại trong khu vườn đầy kỷ niệm này.

  • NGUYỄN NGỌC PHÚQuán rượu của o Tam lúc nào cũng đông khách, phần lớn là khách quen. Quán ở gần bến, thuyền câu về cập bờ chỉ nhảy ba bước đã có thể cụng bát với nhau rồi.

  • NHẤT LÂMKhông biết duyên cớ từ đâu mà cô Ngọc ở Hà Nội chạy lên Thái Nguyên rồi dừng chân dưới chân đèo Nhe mở quán qua ngày.

  • NGUYỄN NGỌC LỢI Từ đường phố chính, lối rẽ chếch trái nghiêng thoai thoải. Đoạn đường tráng nhựa được xẻ xuống giữa hai bờ đất. Phía trên, không cao lắm là những biệt thự, những kiểu dáng kiến trúc lạ mắt. Trước mỗi ngôi nhà là những khoảng sân có bồn hoa, bồn tiểu cảnh và cơ man nào là các dò lan đua nhau khoe sắc.

  • TRẦN HẠ THÁP1/ Trong một lần lên Tây nguyên đã lâu... Câu chuyện dọc đường vẫn làm tôi thao thức mãi. Đấy là lần xe hỏng. Lùi lại Quy Nhơn hoặc tiến tới thị xã Plây Ku đều phải mất nhiều tiếng đồng hồ. Bấy giờ, chỉ mới tắt mặt trời nhưng không hy vọng tiếp tục cuộc hành trình. Mọi hành khách đành phải qua đêm ở lưng chừng đèo An Khê...