Giáo sư Bửu Ý, tên đầy đủ là Nguyễn Phước Bửu Ý, sinh năm 1937 tại Huế. Ông vừa là nhà giáo, nhà văn, vừa là dịch giả của các tiểu thuyết nổi tiếng như Nhật kí của Anna Frank, Đứa con đi hoang trở về, Bọn làm bạc giả của André Gide, Con lừa và tôi của Juan Ramón Jiménez; Thư gửi con tin của Antoine de Saint-Exupéry… đăng trên các tạp chí Mai, Văn, Diễn đàn, Phố Văn (trước 1975).
Với khoảng thời gian sống và làm thư ký cho tạp chí Mai ở Sài Gòn từ năm 1963 đến 1967, ông là một trong những nhân chứng lịch sử quan trọng cho nền văn học đô thị miền Nam trước 1975.
* Thưa ông, ông nhận định như thế nào về tình hình hoạt động của các tờ báo, tạp chí ở Sài Gòn từ 1954 đến 1975?
Sau 1954, Sài Gòn tiếp nhận số lượng lớn dân cư từ miền Bắc vào, trong số đó nhiều người là văn nghệ sĩ, có nhạc sĩ, ca sĩ, nhà văn viết tiểu thuyết, truyện ngắn và cả những người đứng ra làm chủ nhiệm các tờ tạp chí lớn. Nhiều tờ tạp chí, báo mà ban đầu não đều là người miền Bắc như tờ Sáng tạo (1956) - tạp chí quan trọng nhất thời bấy giờ, tạp chí Văn học mà chủ bút là Phan Kim Thịnh, thư ký tòa soạn tạp chí Văn là ông Trần Phong Giao, hay tờ Bách Khoa do Huỳnh Văn Lang điều khiển, tờ tạp chí Thế kỉ hai mươi có Nguyễn Khắc Hoạch - một nhà văn, nhà báo, Giáo sư Đại học Văn Khoa - làm chủ nhiệm. Còn tôi thì làm thư ký cho tờ Mai, và cũng chỉ có tôi là người miền Trung vào, còn lại toàn người miền Bắc cả. Lúc bấy giờ ở Huế cũng có một tờ tạp chí vô cùng quan trọng, đó là tờ Đại học, tập hợp cả những cây bút nổi tiếng ở Huế lẫn Sài Gòn. Nhờ có báo chí cởi mở, nở rộ (dù chịu kiểm duyệt bởi Sở thông tin nhưng rất nhiều khi Sở thông tin kiểm duyệt chỉ cho có chứ không theo sát các tờ văn nghệ) trên một vùng đất như vậy thì nó sẵn sàng tiếp thu tư tưởng của nước ngoài, của Tây phương đến.
* Xin ông cho biết rõ hơn các tờ báo/ tạp chí trước 1975 đã tiếp thu tư tưởng phương Tây mạnh mẽ như thế nào?
Hồi đó những tờ báo miền Nam luôn luôn sẵn chực để ngợi ca và kỷ niệm những gương mặt lớn trong văn học nghệ thuật thế giới. Khi có một hiện tượng như cái chết của nhân vật lớn hay kỷ niệm ngày mất của các tiểu thuyết gia thì miền Nam luôn luôn làm những số báo về họ. Những số báo này trở lại giúp đỡ cho sinh viên rất nhiều trong học tập. Sinh viên lúc ấy đọc sách, đọc báo nhiều lắm. Không chỉ sinh viên đọc thôi mà tầng lớp đọc còn xuống cả trường trung học, ở Huế thì có trường trung học lớn như Quốc Học, Đồng Khánh. Học sinh cỡ lớp 11, 12 đã tìm đọc các tờ báo đó rồi cho nên trình độ tư tưởng, tiếp thu rất mạnh và rất bao quát. Chừng đó thôi cũng đủ thấy những tư tưởng mới sẵn dịp là nảy nở trong lòng công chúng.
Những tư tưởng mới này còn phản ánh trong nghệ thuật nữa mà đặc biệt là nhạc và họa. Hồi đó là thời cực thịnh của nhạc và họa ở miền Nam. Nếu kết nối với nữ giới và phong trào nữ quyền ở miền Nam thì lúc bấy giờ họa sĩ họ vẽ tranh thiếu nữ khỏa thân rất nhiều và đạt đến mức nghệ thuật cao. Những hiện tượng này cũng giúp cho phong trào nữ quyền lớn mạnh.
* Nữ quyền du nhập vào miền Nam rồi những họa sĩ mới vẽ tranh thiếu nữ khỏa thân hay những người họa sĩ này có tư tưởng cởi mở rồi, sau đó tư tưởng nữ quyền mới du nhập?
Đó là những người vừa vẽ vừa đọc sách. Họ có rất nhiều tập hội họa trên thế giới nên trước khi vẽ họ đã xem tranh. Chẳng hạn như tranh thiếu nữ hoặc thiếu nữ khỏa thân rất đẹp của Miró, Mondrian… Những họa sĩ miền Nam lúc bấy giờ xem những bức tranh này mà mê mẩn. Và những tác phẩm này không ai kiểm duyệt cả. Họ là Trịnh Công, Đinh Cường, Nguyễn Trung… Họ vẽ không thua gì họa sĩ nước ngoài.
* Việc tiếp thu tư tưởng phương Tây không dễ dàng, vì sao học sinh ở bậc trung học có được trình độ đọc cao đến vậy?
Hồi đó trong xã hội những thú vui tiêu khiển không nhiều nên học trò từ trung học như Đồng Khánh, Quốc Học đều đọc sách triết cả. Họ đọc triết học qua sách/ tạp chí dịch nhưng cũng rất giỏi tiếng Pháp. Năm 1957, tôi vừa học Đại học vừa đi dạy ở trường Quốc học Huế. Vào lớp Đệ nhị, Đệ nhất là toàn nói tiếng Pháp chứ không bao giờ nói tiếng Việt, chỉ khi tôi thấy từ nào khó quá tôi mới viết nghĩa lên bảng.
Những tờ tạp chí hay có các số đặc biệt để tưởng niệm không phải riêng Việt Nam mà còn của nước ngoài. Năm 1960, Albert Camus qua đời vì tai nạn xe hơi. Ông chết bên ấy mà làm rúng động cả bên này. Các trường cứ đem sách của ông ra giảng dạy cho sinh viên. Điều này đã khơi mở cho giới sinh viên, thanh niên hiểu biết vững vàng về những đề tài quốc tế.
Hồi đó sinh viên, học sinh Đồng Khánh, Quốc Học có cái mốt thời thượng: các tác phẩm của tác giả phương Tây vừa ra mắt trên thế giới là có mặt ở Sài Gòn và Huế liền. Chẳng hạn cô học sinh học lớp Đệ nhị trường Đồng Khánh nhét một chiếc khăn mùi soa nhỏ vào tập thơ bằng tiếng Pháp, cầm trên tay đi học. Cái mốt rất đẹp, rất dễ thương.
* Hiện sinh là một trong những tư tưởng phương Tây có ảnh hưởng lớn trên mọi mặt từ lý thuyết đến đời sống của con người miền Nam trước 1975. Thưa ông, vì sao lại có hiện tượng này?
Jean Paul Sartre rất có cảm tình với Việt Nam. Trong những năm 1960, chiến tranh Việt Nam đến thời gây cấn đến mức chịu không nổi, chính bản thân Sartre rất phẫn uất và ông là một trong những người dựng lên tòa án lương tâm thế giới để lên án chiến tranh Mỹ gây cho Việt Nam. Trong một buổi diễn thuyết, Sartre đã đặt trên sân khấu một chiếc bàn thấp, trên chiếc bàn có một cái hộp. Đến giờ diễn thuyết, hội trường đông nghẹt người, họ chen lấn nhau đến nghe vì Sartre nổi tiếng cả thế giới. Sartre bước ra và chỉ vào cái chiếc hộp: Quý vị có thấy trên bàn này có cái gì không? Đây là một cây đàn bầu và chủ nhân của cây đàn này là Việt Nam. Hiện tại, đất nước này đang bị Mỹ xâm lấn, tất cả chúng ta đứng về phía Việt Nam để lên án Mỹ vì đây là quốc gia có chính nghĩa và dũng cảm chống lại cường quốc Mỹ. Một con người vĩ đại của thế giới đã bênh vực ta trước muôn người. Sau 1975, khi ở Việt Nam có hiện tượng người dân di cứ trái phép sang châu Âu, châu Mỹ, Jean Paul Sartre đã yêu cầu Tổng thống Pháp phải tổ chức đưa dân Việt Nam di cư an toàn sang Pháp. Hai hành động của Sartre có phải mâu thuẫn? Hai hành động của Sartre đúng với chủ trương hiện sinh. Chủ nghĩa hiện sinh đưa ra khái niệm trách nhiệm, trách nhiệm với hành động của cá nhân và trách nhiệm với tự do. Hôm nay ta hành động thế này nhưng ngày mai sẽ thay đổi, điều đó chứng tỏ tôi tự do. Chủ thuyết hiện sinh vì thế dễ đi vào đời sống, hành động con người, những giá trị giữa đời. Nó không có một cái gì bảo chứng và luôn thay đổi.
Phải nói thêm, trong giai đoạn miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ có một vài điều kiện thuận lợi tạo cho chủ nghĩa hiện sinh nảy nở dễ dàng. Cái thứ nhất là những người miền Bắc ồ ạt vào Nam, cái thứ hai là nhiều tạp chí/diễn đàn xuất hiện, cái thứ ba là những giáo sư nổi tiếng đã đưa triết học hiện sinh vào sâu trong đời sống xã hội. Một trong số đó gây ảnh hưởng rất mạnh cho thanh niên, sinh viên và giới học thuật là giáo sư Nguyễn Văn Trung. Ông trở về nước sau khi đi du học nước ngoài về nước. Tiếng Việt của ông lại rất giỏi làm nhiều người ngạc nhiên. Chính ông là người viết cuốn Từ điển Triết học và mang vào Việt Nam những khái niệm hiện sinh rất hay như “dấn thân”, “vong thân”, “thoát hiểm”.
* Ảnh hưởng của chủ nghĩa hiện sinh lên đời sống con người miền Nam rất sâu rộng, đặc biệt là từ các tiểu thuyết của Francoise Sagan, nhưng biểu hiện của lối sống hiện sinh có những yếu tố tiêu cực. Ông có thể cho ví dụ và lý giải thêm về những biểu hiện tiêu cực này?
Chủ nghĩa hiện sinh có những ảnh hưởng tốt nhưng đồng thời đã gây ra nhiều gãy đổ. Có rất nhiều người không đi sâu tìm hiểu chủ nghĩa hiện sinh mà hiểu từng mảng, hiểu cái vỏ bên ngoài nên họ chỉ thấy con người giữa đời đốt thời gian mà sống, sống nhanh, sống vội. Hiểu một cách hời hợt như vậy thì dễ hơn nhiều. Chính nó tạo ra đời sống hời hợt trong xã hội.
Khi châu Âu bước vào thời kỳ hậu chiến, con người cần sống một cách dễ thở thì đúng đó là mảnh đất màu mỡ cho chủ nghĩa hiện sinh. Nó sinh ra những nhà văn như Francoise Sagan. Còn tư tưởng Jean Paul Sartre gây ra đổ vỡ mang tính triết học. Cái cá nhân cảm thấy cuộc đời khó sống quá, mỗi người phải tự tạo ra cách sống sao cho dễ thở, chứ đừng bắt mình rơi vào ngõ cụt. Đó là vấn đề triết lý cốt lõi, còn bề ngoài của chủ nghĩa hiện sinh thì tạo cuộc sống tự do và nhiều hưởng thụ. Nếu chỉ nhìn mặt ngoài thì rõ ràng ta chưa hiểu chủ nghĩa hiện sinh là gì. Sartre nói Francoise Sagan đâu phải là hiện sinh, cũng đừng hiểu chủ nghĩa hiện sinh qua những nhân vật của Sagan vì đó là lối sống hỗn tạp, phóng túng. Mặt ngoài là cái dễ nắm bắt hơn cả. Ở giai đoạn miền Nam trước 75, chủ nghĩa hiện sinh cạn cợt, hời hợt rất dễ phát triển. Những chuyện yêu đương vội vàng, hối hả, chẳng tha thiết với ai, không trách nhiệm cho điều gì rất phổ biến vì cho con người cảm giác khỏe khoắn, không ràng buộc.
* Ở Sài Gòn sau 1963 xuất hiện hiện tượng 5 nhà văn nữ, các sáng tác của họ xoay quanh giới nữ, tính dục, lối sống phóng khoáng, đây có phải là do ảnh hưởng của Francoise Sagan?
Chưa có lúc nào miền Nam Việt Nam có nhà thơ và nhà văn nữ nhiều và đông đến như vậy mà đa số là người Huế như Nhã Ca, Túy Hồng, Nguyễn Thị Hoàng, Trùng Dương, Minh Đức Hoài Trinh, Ninh Bảo, chỉ có Thụy Vũ là người Sài Gòn. Hiện tượng này nói lên rằng Sài Gòn là nơi thu hút văn nghệ sĩ từ mọi miền nhất ở Việt Nam.
Những nhà văn nữ thì chịu ảnh hưởng trực tiếp những tư tưởng nước ngoài. Vòng tay học trò của Nguyễn Thị Hoàng sự thật đã chịu ảnh hưởng của cuốn tiểu thuyết Lolita của nhà văn Nga Nabokov. Cuốn này rất hay mà đúng là có cả tình thầy trò trong đó. Lúc ấy văn học miền Nam chịu ảnh hưởng của tiểu thuyết nước ngoài là vì được tiếp nhận đúng thời điểm. Cả sự kiện Lolita lẫn hiện tưởng Buồn ơi, chào mi đều nóng hôi hổi.
Ảnh hưởng của Francoise Sagan đối với 5 tác giả nữ ở miền Nam đúng là có, đặc biệt qua tiểu thuyết Bonjour Trisstesse. Văn chương Francoise Sagan đúng là hiện sinh nhưng đó chỉ là cái vỏ ngoài, cái hình thức chứ không phải nội dung của hiện sinh. Những nét ta gặp bên ngoài như yêu cuồng sống vội, vô trách nhiệm, tự do quá trớn, các nhà văn miền Nam dễ học tập, dễ đưa vào tiểu thuyết hơn. Nhưng nhà văn nữ viết về đề tài này còn là biểu hiện của việc con người phản ứng lại truyền thống. Giáo dục gia đình ở Huế o ép, giới hạn sự tự do của con người, đặc biệt là người nữ. Người nữ có ý thức cá nhân rất mạnh nên chọn cách Sài Gòn để bung vỡ, đòi lại tự do. Ở Huế đâu chỉ có gia đình, còn áp lực họ hàng, bà con, xã hội, không thể sống với tiếng đồn. Dù thế nào đi nữa thì vào miền Nam cũng phóng khoáng hơn. Điều này cũng lý giải vì sao số nhà văn từ Huế vào Sài Gòn nhiều đến vậy.
* Vì sao những nhà văn nữ này không tiếp thu hết nội dung hiện sinh?
Có thể vì đi sâu vào triết học nhiều khi không hiểu hết các khái niệm lớn. Họ đi tiếp thu cái mặt ngoài thì dễ hơn, còn những thắc mắc siêu hình thì khó. Tất cả ai cũng yêu đương, nhất là tuổi mới lớn. Nhà văn bày ra cảnh nhân vật khát khao yêu đương vừa dễ truyền đạt, vừa dễ tiếp thu. Nếu mà viết những nhân vật mang tầm triết học cao quá thì đã chắc gì người đọc hiểu hết. Mà quan trọng nhất vẫn là hấp dẫn được bạn đọc.
* Ông so sánh thế nào về mức độ phổ biến giữa nhà chủ thuyết hiện sinh Jean Paul Sartre và “đứa con hoang” của chủ nghĩa hiện sinh Francoise Sagan ở Sài Gòn trước 1975?
Thời điểm những năm 50, 60 ở Huế lẫn trong Nam, tác phẩm của Jean Paul Sartre có khó đọc hơn Sagan thật nhưng thanh niên vẫn đọc, có người còn đọc ngay tiếng Pháp. Thời ấy ngôn ngữ không phải rào cản đối với người đọc. Riêng tiểu thuyết của Francoise Sagan mỏng và viết dễ đọc nên hầu như ai cũng thích. Đó cũng là yếu tố phụ giúp cho sách bà bán chạy ở Pháp lẫn các nước khác. Học sinh, sinh viên học tiếng Pháp bằng sách của bà cũng nhiều. Nhưng trẻ quá thì đọc hiện sinh của Jean Paul Sartre hay Francoise Sagan cũng không tốt. Mỗi cá nhân phải tự tìm hiểu, tự có giới hạn hành động của mình, chứ không phải đọc một cuốn sách như vậy mà mình bắt chước làm theo hoàn toàn.
* Cũng như Francoise Sagan, tác phẩm hiện sinh của Simone de Beauvoir được du nhập vào miền Nam, vậy bạn đọc miền Nam tiếp nhận bà như thế nào?
Tư tưởng của Simone de Beauvoir khó tiếp thu hơn Sagan nhiều. So với Sartre, Sartre ngoài lập thuyết còn viết tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch, còn Beauvoir lập thuyết nhiều hơn, sáng tác cũng không hay bằng. Qua Simone de Beauvoir ta thấy tư tưởng nữ quyền nhiều hơn. Hằng ngày bà giao du với ông Sartre nhưng lại rất độc lập. Tôi không thể nghĩ ra tác giả nào khác ở thế kỷ XX về tư tưởng nữ quyền vượt qua vị trí của Simone de Beauvoir được.
* Trong đời sống sinh hoạt văn nghệ lúc bấy giờ, ngoài hai nữ nhà văn hiện sinh Simone de Beauvoir và Francoise Sagan, ông còn thấy ảnh hưởng của nhà văn nữ phương Tây nào lên giới trẻ không?
Tôi còn nhớ có một nhà văn rất gần với Francoise Sagan lại sống ở miền Nam Việt Nam là Marguerite Duras. Độc giả khám phá bà qua phim ảnh trước. Khoảng năm 20 tuổi tôi đã xem phim “Barrage contre le Pacifique” chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên Đập ngăn Thái Bình Dương. Truyện và phim của bà này có những nét thơ mộng, tươi mới, cũng có cả nét táo bạo của người phụ nữ bất cần đời, không đếm xỉa đến dư luận.
Ngoài ra tôi còn xem phim Buồn ơi chào mi được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên rất nổi tiếng của Francoise Sagan. Sự xuất hiện của nữ diễn viên chính Jean Seberg gây ấn tượng mạnh vì đầu tóc của cô như con trai. Vì thế tiếp nhận Sagan qua phim ảnh cũng mạnh mẽ hơn tiểu thuyết.
Võ Bảo Trâm (thực hiện)
(SHSDB24/03-2017)
Báo Tin Tức Chúa Nhựt, 3.11.1940 mở đầu bằng mấy hàng như sau: “Hai mươi chín tháng Chín Annam (20 Octobre 1940). Thêm một ngày đáng ghi nhớ. Một người đã mất: cụ Sào Nam Phan Bội Châu”
Với giọng văn sinh động, pha chút hài hước, hình minh họa ngộ nghĩnh, phù hợp với lứa tuổi học trò: “Chuyện kể về thầy trò thời xưa”, “Những tấm lòng cao cả” hay bộ văn học teen “Cười lên đi cô ơi”… sẽ đem đến cho độc giả nhiều cung bậc cảm xúc và hoài niệm.
Trong tất cả các Ni sư Phật giáo mà tôi được biết và chịu ơn hoằng pháp vô ngôn, có lẽ người gần gũi với tôi nhất trong đời là Cố Đại Trưởng lão Ni chúng – Sư Bà Cát Tường - nguyên trụ trì chùa sư nữ Hoàng Mai ở Thủy Xuân – Huế.
LTS: Nhà thơ, nhà văn Thanh Tịnh năm 78 tuổi sức khỏe không còn như buổi thanh niên, nhưng ngòi bút của ông vẫn còn cái sung sức của một người đã từng yêu du lịch và làm nghề hướng dẫn khách du lịch toàn Đông Dương. Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc những trang hồi ký đầy lý thú của Thanh Tịnh.
NGUYỄN XUÂN HOA
Tôi không có dịp được học với thầy Phạm Kiêm Âu, người thầy nổi tiếng ở Huế, nhưng lại có cơ duyên cùng dạy ở trường nữ trung học Đồng Khánh với thầy trong các năm 1974 - 1975.
Vậy là nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh đã về cõi thiên thu giữa một sáng mùa thu Hà Nội lay phay gió mù u!...Trước khi chưa kịp được vuốt mắt, dường như đôi đồng tử của ông vẫn còn lưu giữ lại hình ảnh đau đáu về con sông Cụt quê nhà.
Với một tướng lãnh võ biền, thì mục tiêu cuộc dẹp loạn là đánh tan loạn quân, rồi ca khúc khải hoàn, ăn mừng chiến thắng.
PHÙNG TẤN ĐÔNG
“Đời của nó như thể bềnh bồng
Cái chết của nó như thể an nghỉ”
F.Jullien
(Dẫn nhập cuốn “Nuôi dưỡng đời mình - tách rời hạnh phúc” - Bửu Ý dịch, 2005)
THANH TÙNG
Hiệp định Genève ký kết, sông Bến Hải tưởng chỉ là giới tuyến tạm thời, không ngờ đã trở thành ranh giới chia cắt đất nước Việt Nam hơn 20 năm. Nỗi đau chia cắt và biết bao câu chuyện thương tâm, cảm động đã diễn ra ở đôi bờ Hiền Lương kể từ ngày ấy. Nhiều cuộc tình đẫm máu và nước mắt. Có những đôi vợ chồng chỉ ở với nhau đúng một đêm. Có người chồng Bắc vợ Nam, khi vợ được ra Bắc thì chồng lại đã vào Nam chiến đấu, đời vợ chồng như chuyện vợ chồng Ngâu.
“Thưởng thức là ngưỡng cửa của phê bình. Chưa bước qua ngưỡng cửa ấy mà nhảy vào cầm bút phê bình thì nhất định mắc phải những sai lầm tai hại. Không còn gì ngượng bằng đọc một bài người ta đem dẫn toàn những câu thơ dở và những câu ca dao dở mà lại đi khen là hay”. (Vũ Ngọc Phan, trích từ Hồi ký văn nghệ, tạp chí Văn Học, Hà Nội, số 4 năm 1983, trang 168).
VƯƠNG TRÍ NHÀN
I
Hè phố Hà Nội vốn khá hẹp, chỉ có điều may là ở cái thành phố đang còn lấy xe đạp làm phương tiện giao thông chủ yếu này, người đi bộ có phần ít, phía các phố không phải phố buôn bán, vỉa hè thường vắng, bởi vậy, nếu không quá bận, đi bộ lại là cái thú, người ta có thể vừa đi vừa nghỉ, thoải mái.
Gặp người thư ký của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng năm xưa, tôi có dịp biết thêm những tình tiết mới quanh câu chuyện hơn 30 năm về trước khi tiểu thuyết “Búp sen xanh” của nhà văn Sơn Tùng được tái bản lần đầu.
THẾ TƯỜNG
Ký
"Quê hương là chùm khế ngọt
cho con trèo hái cả ngày"
Một nhà báo Pháp sắp đến Việt Nam để tìm lại một di sản chiến tranh, nhưng ở một khía cạnh nhân văn của nó - đó là những con người, địa điểm từng xuất hiện trong các bức ảnh mà nữ phóng viên chiến trường nổi tiếng Catherine Leroy ghi lại trong cuộc tấn công Mậu Thân vào thành phố Huế.
Thanh Minh là bút danh chính của Nguyễn Hưu(1), người làng Yên Tập, tổng Phù Lưu, huyện Can Lộc, nay là xã Tân Lộc, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh.
LTS: Nhà văn Lan Khai tên thật là Nguyễn Đình Khải, sinh năm Bính Ngọ 1906 ở Tuyên Quang, song lại có gốc gác dòng họ Nguyễn ở Huế. Ông nổi tiếng trên văn đàn Việt Nam từ những năm 1930 - 1945, được mệnh danh là “nhà văn đường rừng”, để lại hàng trăm tác phẩm văn học, trong đó có gần 50 cuốn tiểu thuyết.
Thực tế lịch sử gần 70 năm qua đã khẳng định rằng Cách mạng Tháng 8 năm 1945 và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là kết quả của hành trình 30 năm tìm đường cứu nước của Bác Hồ và là kết quả tất yếu từ công lao to lớn của Bác chuẩn bị cho việc tiến hành cuộc cách mạng giải phóng kể từ ngày Bác về nước.
Tháng Bảy âm. Tháng cô hồn. Mồng một âm đã rả rích mưa báo hiệu cho một tháng âm u của Tiết Ngâu. Sắp rằm, tâm trí chợt như hửng ấm khi tiếp được cái giấy Hà Nội mời dự lễ khánh thành nhà bia và Khu tưởng niệm đồng bào ta bị chết đói năm 1945. Chợt nhớ, công việc này đã manh nha từ hơn mười năm trước…
LTS: Nguyễn Hưu, bút danh Thanh Minh, sinh năm 1914, quê huyện Can Lộc, hoạt động báo chí và văn học từ những năm 1934 - 1935. Ông là nhà báo, nhà thơ, dịch giả Hán - Nôm, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, nhà quản lý văn hóa văn nghệ có nhiều thành tựu và cống hiến. Ông là Hội trưởng Hội văn nghệ Hà Tĩnh đầu tiên. Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông [21.8], VHNA sẽ lần lượt đăng một số bài viết về ông.
Vùng quê nghèo chúng tôi nằm sát chân núi Hồng Lĩnh có Hàm Anh (nay là xóm 1 xã Tân Lộc) từng sản sinh ra một Tiến sĩ xuất thân Đệ nhị giáp (Hoàng giáp) (1499) đời Lê Hiến tông tên là Phan Đình Tá (1468-?)