Bóng đêm

08:52 22/11/2016

MỘC MIÊN

“Trời ơi là trời, sao tôi khổ vậy trời! Mày báo tao gần ba mươi năm trời chưa đủ sao?”

Minh họa: Nhím

Tôi chưa kịp thưa chuyện với mẹ thì bà đã gào vào mặt tôi như thế. Đó là câu cửa miệng của mẹ mỗi khi bà đối mặt với tôi. Bà gào câu ấy từ khi tôi bỏ nhà chồng về. Đã hai năm nay, nội dung không đổi. Bà cứ gào, rồi lại khóc, vừa khóc vừa gào. Thỉnh thoảng phụ họa theo bà là những lời khuyên bảo hoặc chì chiết của anh chị nữa. Tôi câm lặng, lầm lũi chịu trận. Tránh mặt bà và gia đình được lúc nào hay lúc ấy. Cũng đã có lúc tôi bỏ đi đến nhà bà con ở tỉnh khác một thời gian, gọi là đi kiếm tiền nhưng cũng là đi lánh nạn. Ban đầu mới đến họ hồ hởi đón, thế nhưng khi biết chuyện thì họ cũng góp phần khuyên nên trở về nhà chồng, cứ cái điệu thuyền theo lái gái theo chồng mà ca mãi. Ở chán lại chuyển chỗ, lâu lâu mới về nhà một lần, lại đi ngay. Lần này thì mẹ nghĩ tôi hết chỗ để đi rồi, đành về đây, về nghe mẹ chửi rằng tôi là nghiệp chướng, là nợ đời của mẹ, của cả gia đình.

Chiều, mẹ chồng lên đón, riêng người đàn bà phúc hậu ấy không giận tôi. Vừa nghe tin con dâu trở về được hai hôm bà đã lại vội vàng có mặt. Trốn biệt trong gian phòng ở góc nhà được ngăn ra bằng vài tấm ván mà từ ngày tôi lấy chồng nó đã trở thành của Hà, len lén nhìn mẹ chồng đang nói, giọng bà nghèn nghẹn:

- Nghe nói con dâu vừa về, tôi lên đón về nhà để phụ nhà làm cỏ lúa, cũng sắp đến tết rồi, còn sửa soạn ăn tết nữa chứ! Bà đừng trách nó, chung quy cũng tại thằng con tôi…

Những tiếng sau thưa dần, mắt bà rơm rớm, nhìn ra ngoài kia. Nắng chiều đông như rải thảm vàng ấm áp nhưng lòng tôi lại thấy se sắt. Giá như bà đừng nhân từ thế, giá như bà từ luôn đứa con dâu này. Giá như bà cứ to tiếng, cứ nguyền rủa như một bà mẹ chồng khó tính và cay nghiệt, chắc lúc này tôi sẽ thấy dễ thở hơn.

- Thưa chị, gia đình tôi thật xấu hổ với nhà chị quá, cha mẹ sinh con trời sinh tính. Tôi đã không biết dạy con để nó làm cho chị buồn lòng.

Mẹ lại tiếp tục bài ca than thở không thể dạy được đứa con gái cứng đầu cứng cổ rồi khóc, bà khóc rấm rức. Bà xin lỗi rồi hứa sẽ đưa con gái bà về dưới. Là mẹ đã khóc, đã hứa như thế không biết bao nhiêu lần và tôi cũng đã giúp bà thất hứa không biết bao nhiêu lần trong hai năm nay...

*

Mẹ tôi là người đàn bà của bếp núc, ngoài việc nhà cửa con cái ra mẹ chẳng đi đâu cả, tiền ba cầm, đi chợ cũng ba đi, việc làng xóm họ hàng ba đứng ra lo tất, nên cuộc sống của mẹ càng khép kín, chỉ biết cung cúc tận tụy với chồng con. Hồi ông bà nội còn sống thì mẹ có thêm bổn phận làm dâu, tận hiếu với cha mẹ chồng nữa. Vậy mà hồi ấy đôi lúc tôi vẫn nghe từ miệng bà những câu chì chiết hướng về mẹ: “Đàn bà không biết đẻ con, đẻ có năm đứa con mà đã hai đứa không ra hình người”. Mỗi lần nghe cái giọng điệu ấy, mẹ lại câm lặng, cúi đầu, đi nhanh xuống bếp, lặng lẽ tiếp tục những công việc của mình. Bà to tiếng là thế, hằn học là thế, nhưng khi mẹ đi khuất rồi bà lại ôm lấy tôi và Hà khóc. Bà than, bà đã làm gì nên tội để cho cháu bà phải bị trời đày như thế? Rồi mẹ lại giấu mặt khóc. Bà khóc theo sự trưởng thành của đứa con gái tật nguyền.

Khi biết soi gương, biết chú ý đến ngoại hình của mình cũng là lúc tôi thấy mình không giống ai, nên thường thắc mắc hỏi mẹ rằng: “Mẹ ơi sao chân con cong như thế, và tại sao lại chân dài chân ngắn? Sao con không thể đứng thẳng và chạy nhảy bình thường cùng các bạn được? Tại sao em Hà cũng thế?” Mắt mẹ tối lại, khẽ nói từ khi chào đời tôi và Hà đã mang một hình hài không trọn vẹn.

Chúng tôi còi cọc, ốm yếu, suốt ngày khóc quấy. Tôi lên năm tuổi mới có thế tự di chuyển bằng đôi chân tật nguyền của mình. Với dáng đi kì quái, hai chân bạnh hai cái gối ra hai bên hông, hai bàn chân chụm lại. Nếu nhìn qua giữa hai cái chân, sẽ thấy một hình tròn. Nhưng vì một chân dài hơn và cong nhiều hơn, nên cái hình tròn ấy nó trở nên méo mó như chữ o của một đứa trẻ mới bắt đầu tập viết. Lưng chỉ là một đoạn ngắn ngủn, nên người tôi như một con bạch tuộc chỉ còn lại có bốn cái tua dài ngắn không đều nhau đang ngo ngoe mỗi lần di chuyển. Em Hà đỡ hơn ở chỗ chân chỉ cong vòng kiềng chứ không dài ngắn xiêu vẹo nên trông nó đỡ hơn. Đấy, trong năm anh chị em, bao nhiêu bất hạnh dồn hết cho hai đứa con gái chúng tôi. Mỗi lần đi ngang qua nhà, người ta sẽ thấy hai chị em tôi ngoan ngoãn ngồi ngay bậc thềm cạnh cửa ra vào hay một góc nào đó trong sân, nhìn bọn trẻ cùng trang lứa đang chơi đùa bên trong sân nhà hàng xóm mà mắt không khỏi thèm thuồng. Đã thế ba còn đặt cho tôi cái tên khai sinh là Nông Thị Đẹp. Cái tên chẳng có ý nghĩa gì với tiếng Nùng của chúng tôi, nhưng sau này đến trường, mỗi lần cái tên ấy được xướng lên là cả lớp lại được một mẻ cười ồ. Có lần, khi đang học lớp hai, một bạn đã cao giọng “Thưa cô tại sao chân bạn lại như thế ạ, sao bạn nhỏ và đen thế ạ?” Tôi cúi mặt xấu hổ, cô đến khẽ vỗ lên vai tôi và hướng về cả lớp bảo: “Cũng như hoa trong sân trường ta có nhiều màu, mỗi hoa mỗi khác, hoa nào cũng đẹp cũng đáng yêu. Bạn cũng vậy, bạn có khuôn mặt và mái tóc thật đẹp nè các em!” Từ đấy tôi tin mình đẹp, có vẻ đẹp rất riêng, các bạn cũng tin như thế. Không ai chú ý đến cái tên đối nghịch với cái vòng tròn méo mó giữa đôi chân tôi mỗi lần tôi bước đi nữa.

Thế nhưng khi học lớp chín, mọi sự không như vậy nữa, cái vòng tròn vốn đã không tròn ấy ngày càng méo mó thảm hại hơn. Cái tên Đẹp mỗi khi được xướng lên lại được khuyến mãi thêm vài tiếng cười rồi vỡ vào im lặng xen sự áy náy xót xa của thầy cô và bè bạn. Sắp tới là nghỉ hè và sau đó sẽ vào lớp mười, nghĩ đến lúc sẽ trở thành nữ sinh trung học, cô bạn nào cũng hồ hởi với một sự kiện mới: được mặc áo dài. Chúng nó thi nhau lên kế hoạch, nghỉ hè là sẽ đi may liền. Tôi không thể góp chuyện với các bạn được. Tôi mặc áo dài làm sao? Sẽ thật đáng thương khi nó được khoác lên cái thân thể này. Tôi lặng lẽ bước ra ngoài sân trường tìm một cái ghế đá. Cứ muốn ngồi một mình như thế khi thấy mình lạc lõng trước những câu chuyện của những đứa bạn xung quanh. Từng chùm phượng vĩ đỏ chói trên những tán lá xanh um. Chú ve núp sau một tán cây nào đó ngân lên một bản đàn réo rắt gọi hè. Tôi cũng ước mình được như các bạn, sẽ được mặc chiếc áo dài, được tự tin khoe dáng khi thả bước trên sân trường. Tôi thích đọc truyện cổ tích, thay vì tung tăng, nghịch ngợm cùng những trò chơi của các bạn. Thường ngồi ngấu nghiến những quyển truyện cổ tích mà tôi mượn được trong thư viện của trường, hết truyện cổ tích lại chuyển sang các loại sách khác nhưng vẫn cứ mê chuyện cổ tích nhất. Những câu chuyện có ông bụt bà tiên, những câu chuyện mà kết thúc thì người ở hiền sẽ gặp lành và kẻ ác sẽ gặp nguy. Những câu chuyện có những nhân vật xấu xí bỗng trở nên xinh đẹp. Rồi tôi từng mơ, một ngày nào đó sẽ có một bà tiên, đem phép màu đến biến hình hài kì quái này thành một thiếu nữ bình thường như bao cô bạn gái khác. Rồi tôi cũng sẽ có một chàng hoàng tử của riêng mình, cũng sẽ có một tình yêu thật đẹp. Tôi nghỉ học, vì gia đình khó khăn, cũng vì cái tên, vì cả việc tôi không thể mặc áo dài như các bạn.

*

Cả nhà mừng quýnh vì có người đến lấy số của tôi về xem thử có hợp với số con trai của họ không, đặng rước tôi về làm dâu của họ. Mẹ vẫn bảo, không được gì thì cũng có chốn nương thân, chết còn được ba tiếng trống. Còn như ở nhà với cha mẹ, có thọ tám mươi thì sau này chết cũng sẽ bị đưa ra đồng như một đứa con nít mới sinh mà thôi, sẽ không kèn trống gì ráo. Rồi hồn sẽ bơ vơ đói rét vì không được thờ cúng. Mà chưa chết thì ai sẽ nuôi, ở nhà con gái chẳng có quyền gì cả, có người rước thì may quá. Nhà người ta cũng khá giả thì con gái bà cũng có phần mà hưởng lúc cuối đời. Chỉ hai hôm đã có kết quả, nhà trai có đại diện qua xin cưới tôi cho anh chàng trẻ hơn tôi sáu tuổi tên là Hào. Nghe chừng anh ta mắt hơi kém, nhưng vẫn làm việc nhà và chăn bò được. Thi thoảng đi chợ tôi cũng có gặp, nhìn tướng mạo không đến nỗi, anh ta còn trẻ, ngoài chuyện đôi mắt bị kém thị lực, không có biểu hiện tật nguyền về hình hài. Chúng tôi được bạn bè sắp xếp cho gặp nhau ở một quán cà phê, anh có vẻ nhút nhát và ít nói.

- Bạn muốn uống gì? - Giọng anh ta run run, nhìn lơ đễnh.

- Cho mình sữa nóng! - Tôi nói và cố gắng khép hai cái chân lại như một cử chỉ khép nép làm duyên.

- Chủ quán ơi, cho một sữa nóng và một cà phê đen nhé! - Anh ta nói với về phía chủ quán.

Hai mươi tám tuổi, đó là lần đầu tiên có một người khác giới ngồi riêng với mình. Tôi lặng lẽ trộm nhìn anh, nghĩ có thể mình sẽ là vợ của anh nên phải nhìn thật kĩ. Anh không nói nhiều, lặng lẽ khuấy ly sữa nóng rồi đẩy về phía tôi: “Mời bạn uống!” Câu chuyện gần như chìm vào yên lặng cho đến lúc ra về. Đi bên anh tôi đủ hình dung một số mười hiện hữu trên đường, tôi thấp bé với một vòng tròn, anh mảnh khảnh liêu xiêu.

Cả làng đồn ầm lên rằng chúng tôi đã hẹn hò, vậy là tốt rồi, vun vào chứ còn gì nữa.

Ngày cưới tôi mưa như trút nước. Tôi mặc bộ đồ tây bình thường, bộ đồ đã được mẹ dặn cô bé thợ may chịu khó may sao cho vừa với dáng người để coi cho được một chút. Cô bạn lấy mớ lỉnh kỉnh đồ trang điểm trét lên mặt tôi đủ thứ màu bảo cho đẹp. Tôi lạy tổ tiên, thấy hình ảnh mọi người nhòa đi trong nước mắt, chẳng nhớ nổi ai đã đỡ mình đứng dậy, dìu mình ra cửa. Một cái thau nước với một chiếc khăn mới tinh để ngay trước mặt. Cô rước dâu bên nhà trai thả xuống bên cạnh cái thau ấy tờ hai mươi nghìn. Ai đó nhắc tôi cúi xuống chạm vào chiếc khăn, coi như đã làm lễ xong. Hà nhón người lên đội cái nón lá cho chị và đỡ ra ngõ. Chú rể chỉ chạm vào tay lái chiếc xe máy lấy lệ, cô dâu cũng chạm vào cái yên của chiếc xe ấy lấy lệ. Nghe tiếng của mẹ, của anh chị em, của mọi người trong họ hàng, của bạn bè đang khóc, tiếng khóc xen lẫn tiếng mưa. Rồi cả cô dâu và chú rể được nhà trai phân công chở về trong cơn mưa xối xả.

Tôi là cô con dâu thứ hai nhưng lại là người vào nhà ấy sau cùng trong ba người con dâu. Anh cả còn nhỏ hơn tôi bốn tuổi, người chị dâu nhỏ hơn sáu tuổi. Nghe chừng anh chị xưa cũng chẳng yêu đương gì cả. Cha mẹ ép mãi, chị đành chịu về đây làm dâu. Nhưng tôi thấy anh chị có phần bình yên và hạnh phúc với hai đứa con kháu khỉnh. Em dâu hãy còn trẻ lắm, đang học trung cấp thì cưới, lỡ mang bầu nên nghỉ học luôn để về sinh con. Em ấy cũng xinh đẹp như chị dâu vậy. Có lẽ thấy vợ chồng tôi thiệt thòi nên ba mẹ chồng yêu thương cô con dâu này nhất. Anh chị thì đã việc nhà nước. Hai vợ chồng em trai thì ra đồng, lên rẫy. Chồng tôi chăn bò và tôi được ưu tiên ở nhà lo việc heo qué, để ba mẹ trông ba đứa cháu.

Đêm đầu tiên ngủ bên cạnh chồng tôi hồi hộp chờ đợi, xen lẫn sự lo sợ không biết với cái cơ thể không hoàn hảo của mình chuyện ấy sẽ xảy ra như thế nào? Hai mươi tám tuổi, mình sẽ trở thành đàn bà ra sao? Anh nằm im thin thít, tôi nghe rõ từng hơi thở của anh và mình trong đêm. Thi thoảng ở hai cái phòng hai bên của anh chị và hai vợ chồng thằng em trong nhà nghe tiếng thầm thì, tiếng rục rịch, hay có tiếng của trẻ con khóc. Riêng cái giường của đôi vợ chồng mới cưới không một tiếng khẽ cựa mình. Tôi nghĩ anh ngại hay mệt gì đó, đêm đầu tiên lặng lẽ trôi qua và dù chúng tôi đắp chung chăn nhưng lại chẳng hề đụng vào nhau dù chỉ cái va chạm nơi cánh tay. Một tháng trôi qua vẫn chưa trở thành đàn bà, tôi thấy tủi cho phận mình. Ngày chồng đi chăn bò, vợ lủi thủi góc nhà xó bếp, tối về mạnh ai nấy ngủ, không chuyện trò, không riêng tư. Có hôm, tôi lấy hết can đảm xích lại gần anh, hít hà mùi cơ thể mà một tháng qua tôi đã quen nằm cạnh. Cái mùi cơ thể của một người khác giới khiến tôi khao khát. Tôi đánh bạo vòng tay qua eo của anh, áp nhẹ bầu ngực nóng bỏng của mình vào tấm lưng trần của anh, ôm anh thật chặt. Nhưng rồi, mọi cố gắng chẳng thể được. Tôi lặng lẽ giữa căn nhà đông đúc anh chị em ấy, lầm lũi chẳng biết tâm sự cùng ai. Tôi khóc, khóc mỗi khi đêm về. Và có một đêm, anh cũng khóc. Anh xin lỗi tôi, bảo cũng vì thuận lời mẹ cha; cũng vì bổn phận làm con… mà anh đã chuốc khổ vào tôi! Rồi anh khuyên tôi hãy đi tìm người khác. Anh đuổi tôi khỏi cuộc đời mình…

*

Tôi lại nằm cạnh anh, nhưng không thích bật đèn ngủ nữa. Tôi thích chìm hẳn vào bóng đêm. Bóng đêm giúp tôi mường tượng ra mùi rượu quyện với mùi mồ hôi quyến rũ của Thành - người đàn ông đứng tuổi từ một vùng quê nào đó phía bắc, cũng vào tận Tây Nguyên làm mướn. Cứ mỗi chiều sẫm tối, sau bữa cơm chiều và vài ba li rượu lại tìm đến căn chòi canh vườn cà phê giữa đại ngàn Tây Nguyên lộng gió, nơi tôi ở cùng một người chị tỉ tê kể chuyện đời, chuyện trên trời dưới bể. Bóng đêm giúp tôi dễ hình dung ra khuôn mặt người đàn ông ấy. Khuôn mặt người đã siết tôi vào lòng rồi mặc tôi giãy giụa, van xin, cầu cứu. Cho đến khi mệt rã người đi thì tôi cũng đã trở thành đàn bà. Tôi khóc, khuôn mặt ấy ngạc nhiên, chăm chăm nhìn tôi, rồi dãn ra. Và rồi những đêm sau đó, ông tìm mọi cách để gặp tôi, chỉ để nói những lời xin lỗi. Bóng đêm giúp tôi tưởng tượng mình được siết chặt trong vòng tay ấy một lần nữa. Bóng đêm giúp tôi che giấu cái ý nghĩ tội lỗi rằng tôi có thể có một đứa con với người đàn ông đứng tuổi ấy. Bóng đêm giúp tôi che giấu đôi tay đang tự siết lấy bờ vai và khuôn ngực đang rạo rực nóng bừng trong đêm, bên cạnh anh chồng mà vợ bỏ đi cả nửa năm trời mới được hai bên ba mẹ vợ áp tải về vẫn có thể ngủ say như chết. Ngủ trong bóng đêm được hơn một năm, tôi lại bỏ đi.

*

Cố công tìm hiểu, tôi được biết Thành đã có vợ con đề huề. Nhưng mặc kệ, tôi nhớ anh, tôi yêu anh. Tôi muốn nhìn xem giờ đây anh ấy sống như thế nào. Tôi sẽ yêu theo cách của riêng mình. Không cần phải giành giật anh từ tay người đàn bà kia, tôi chỉ cần nhìn anh một lần nữa. Chỉ nhìn thì đâu có ảnh hưởng gì đến hạnh phúc đang có của anh. Vì tôi chẳng thể cấm trái tim mình yêu anh, nhớ anh. Mà cũng chẳng ai có thể cấm tôi âm thầm yêu anh như thế. Lần mò theo địa chỉ hỏi thăm được, tôi đến tận nhà anh nơi một vùng quê hẻo lánh của xứ Thanh. Trên đường đi, tôi tự vẽ ra cho mình bao tình huống sẽ bắt gặp. Nào là anh đang tươi cười bên người vợ đảm đang xinh đẹp, hay đang ngồi nói chuyện với những đứa con đã đến tuổi trưởng thành, cũng có thể là đang ngồi lai rai cùng mấy ông bạn trước sân. Nhưng từ bên kia đường, tôi khựng lại. Tôi bị bất ngờ bởi những điều mình nhìn thấy. Thành đang di chuyển khó nhọc trên đôi nạng kẹp dưới hai cánh tay. Rồi tôi biết, vì một tai nạn anh mất đi cái chân phải, sức khỏe giảm sút. Gia cảnh nghèo túng, người vợ bao năm đầu ấp tay gối đã dắt đứa con gái bỏ đi. Anh sống một mình, đói khổ, bệnh tật và cô độc.

- Cô ra đây làm gì?

- Em ra tìm anh.

- Để làm gì? Buộc tội tôi à, tôi xin lỗi cô rồi mà.

- Em nhớ anh!

- Cô điên à? Trước tôi còn lành lặn thì đã có vợ con. Giờ cô độc thì đã tàn phế rồi, cô vẫn định yêu tôi?

- Vâng, vì anh như vậy em mới dám nói yêu anh, giờ đây chúng ta là một cặp như nhau, chúng ta cần dựa vào nhau.

Thành lặng im không nói thêm gì nữa. Anh ôm tôi vào lòng, vẫn vòng tay siết chặt, với mùi cơ thể nồng nồng ấy, chỉ có điều không quyện thêm mùi rượu nữa.

*

Mẹ lại gào, và gào to hơn vì lần này tôi sẽ giúp mẹ thất hứa với bà thông gia lần cuối cùng. Tôi kêu mẹ trả lễ cho người ta, mẹ tròn xoe mắt như không tin vào tai mình. Số tiền trả lễ sẽ bị phạt lên gấp đôi. Mà đó cũng đáng tội đứa con gái tật nguyền của bà gây ra lắm. Nhưng bỏ chồng rồi tôi ở nhà sao được, lại phải tốn tiền làm lễ tạ lỗi tổ tiên cho tôi nhập gia lại nữa. Rồi mẹ như chẳng đứng vững trên đôi chân của mình nữa khi nghe tôi nói sẽ đi theo Thành, người đàn ông còn một chân. Mẹ gào lên như vừa bị đánh một đòn chí mạng:

- Trời ơi là trời, sao tôi khổ thế! Con chẳng ra con, đã không nên hình người rồi lại còn bỏ chồng theo trai. Trời ơi!

- Mày đi theo ai? Theo cái thằng cụt chân vợ bỏ kia hả? Vì sao? - Ba vừa nghe ra câu chuyện, gằn giọng, mắt hằn lên những tia lửa, đỏ ngầu.

- Vì chúng con yêu nhau! - Tôi lí nhí.

- Yêu nhau, yêu nhau! Mày tưởng chỉ yêu nhau là no à? Hai người có ba cái chân, mà chân cũng không ra chân, mày cạp đất mà ăn để yêu à?

- Dẹp ngay! - Ba nói như ra lệnh. - Từ nay cấm cửa nó, không cho đi đâu hết. Không về nhà chồng thì ở đây, đã tật nguyền lại nghèo khổ còn yêu với đương, dồn chung lại ai lo?

Ba nói đến đấy rồi vơ chai rượu cạnh góc nhà đi thẳng ra ngõ. Chắc ông lại tìm ai đó uống cho quên buồn. Xưa nay mấy chuyện chồng con của chị em tôi đều để mẹ lên tiếng hết, ba ít khi can dự chuyện trong nhà. Hôm nay chắc ba hết chịu đựng nổi tính khí đứa con gái bướng bỉnh nên mới làm ầm ầm lên như thế.

Căn phòng bị khóa trái, lâu lâu lại có người vào khuyên nhủ tôi đủ điều. Hết mẹ rồi đến anh chị, đến em gái, cả cô bạn thân cũng đến tỉ tê tâm sự. Rằng thân phận mình như thế, nên an phận để già có chỗ nương nhờ. Cha mẹ đỡ phải lo lắng. Phiêu lưu làm gì khi thân tật nguyền, không sức khỏe, không nghề nghiệp... Tất cả, nói chán rồi ra, tôi im lặng. Ba thịt con gà, làm bữa cơm. Ngày mai tôi về nhà chồng. Ai cũng vui vẻ cả. Đêm, tôi ôm mẹ ngủ. Lưng mẹ gầy gầy, xương xương. Mẹ khóc. Mẹ thầm thì kể về cuộc đời mình, về cuộc hôn nhân do ông ngoại sắp đặt. Mẹ đến bên ba khi trái tim ba đã dành trọn cho người đàn bà khác. Ba là người con có hiếu, luôn nghe lời bà nội. Ba bằng lòng và mẹ an phận. Ba có trách nhiệm và mẹ biết hi sinh. Cuộc sống cứ thế trôi đi rồi mẹ chỉ còn biết hi sinh vì chồng vì con. Rồi những đứa con tật nguyền như tôi khiến mẹ lo hơn, buồn hơn để mẹ chẳng còn nhớ đến bản thân mẹ nữa. Mẹ kể nhiều, nhiều lắm về cuộc đời mẹ, về những người phụ nữ Nùng xung quanh tôi, những mảnh đời hao hao giống mẹ.

Tôi trở dậy khi mẹ đang còn say ngủ. Tôi nhẹ nhàng rón rén ra khỏi phòng, với lấy cái túi xách đã chuẩn bị sẵn nơi góc nhà, ra khỏi cửa. Trời còn chưa sáng. Ngoái nhìn ngôi nhà trong đêm tối lần cuối rồi đi thẳng. Đi thật nhanh, đi như chạy. Chạy nhanh khỏi cái làng bé nhỏ ấy để đón chuyến xe sớm nhất về phố để ra bắc. Chạy được một quãng, bỗng có tiếng xe máy chạy phía sau. Xe của mẹ, tôi ù té chạy, chạy với hết sức bình sinh của mình với đôi chân tật nguyền, sợ bị mẹ bắt lại. Thế nhưng đôi chân không chịu nghe lời, nó làm sao đua với xe máy của mẹ được. Mẹ chặn trước mặt tôi, nhanh như chớp, mẹ giành lấy cái giỏ móc nó vào tay lái. Nói như ra lệnh “Lên xe mau!” Tôi chẳng kịp định thần, nghe lời mẹ như một cái máy. Khi yên vị trên xe mới hối hận vì đã lỡ leo lên. Mẹ cho xe chạy thẳng. Thôi rồi, mẹ chở đến nhà chồng. Thế là hết. Tôi cúi đầu, nhắm tịt mắt với ý nghĩ về lại căn phòng khi đêm về không bật đèn ngủ, với anh chồng không hề nói chuyện, không hề đụng chạm vào người tôi ấy. Cả đời sẽ mãi như vậy ư, chỉ cần một chỗ cho tuổi già, chỉ cần một chỗ chết để được thờ phụng thôi sao? Xuống xe đi con! Mẹ giục. Tôi luống cuống, nhìn xung quanh. Đây là ngã tư, không phải nhà chồng tôi. Mẹ giúi vào tay tôi cái túi vải màu đỏ: “Trong này là hai chỉ vàng với hơn một triệu đồng. Của mẹ dành dụm được, con cầm lấy mà phòng thân. Đi nhanh lên, kẻo ba con biết chạy ra đây kịp thì khổ!” Chiếc xe khách vừa đỗ trước mặt. Mẹ đẩy tôi lên xe, rồi quay mặt đi, mẹ khóc. Xe từ từ chuyển bánh. Bóng mẹ mờ dần trong sương sớm. Lòng tôi thắt lại, nước mắt tự trào ra như suối. Mọi người nhìn tôi không hiểu có chuyện gì. Tôi nức nở. Một chị ngồi cạnh tôi vỗ vai:

- Chắc con gái lấy chồng về thăm mẹ, giờ mẹ đưa ra xe để trở về nhà chồng nên khóc đây mà...

M.M
(TCSH333/11-2016)




 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • TRẦN CHINH VŨTầu về đến ga vào lúc ba giờ sáng. Anh như người chợt tỉnh sau một giấc ngủ chập chờn. Suốt ba mươi tiếng đồng hồ ngồi ròng rã trên tàu, trong một khoảng không gian dài hẹp, cùng với mọi tiếng động ầm ĩ.

  • NGUYỄN NGỌC PHÚKhông ai biết tung tích lão Ngư. Nghe đồn rằng: một sớm nọ, ông bõ già của nhà thờ xứ làng vạn chài ra mở cửa thì nghe tiếng trẻ con khóc oa oa từ chiếc thúng đặt ở bậc tam cấp lên xuống của nhà thờ.

  • NGUYỄN SANSinh cố kiềm chế tối đa để khỏi phải văng tục trước thái độ đầy xấc láo, ngạo mạn của ông Đi.

  • NGUYỄN THANH HIỆNNgày nay, mỗi lần nhắc đến hát bội, dân làng Lâm Thượng lại nhớ chuyện ông hương cống Duật, người soạn tuồng Cuộc hội quân ở bến Mạnh Tân, nổi tiếng một thời.

  • NHƯ BÌNHCây gạo cụt đầu làng chết câm bao năm. Thân cổ thụ xù xì hóa đá đứng lù lù trước cổng làng, lặng lẽ không đếm xỉa đến thời gian. Mùa xuân năm đó bỗng dưng bật trồi lên ba cái nhánh. Ba nhánh gạo đâm tõe lên trời rùng mình thản nhiên xòe ra những chấm lá xanh.

  • HOÀNG THÁI SƠNTổng Giám đốc Liên hiệp Xí nghiệp cao su Nam Mê Công xiết chặt tay Long:- Hẳn anh không ngờ có cuộc hội ngộ này?

  • KIM NHẤTĐám ma bà Gái thật là buồn! Ngoài một số bà con trong xóm nghèo cùng mấy đứa nhóc lượm nhôm nhựa với bà thì chẳng có ai là họ hàng thân thích.

  • NGUYỄN QUỐC ANHNgày ngày cuốc đất, gánh phân, cào cỏ. Ngày ngày đã diễn ra như thế, đơn điệu và buồn tẻ. Buổi tối, những đồi chè từ màu xanh chuyển sang màu xanh thẩm, những đêm đông thì đen đặc mông lung, vô tận.

  • HỒNG NHU1.Ngài thủy tổ khai canh dòng họ Âu ở Tường Niêm xuất thân là một người lính trong đạo quân Trung Nghĩa của Chúa Nguyễn Hoàng khi Chúa vào trấn thủ Thuận Quảng.

  • NGUYỄN VIỆT HÀCô đến và vẫn như mọi khi, anh đang vẽ. Trời xam xám mầu của gió mùa Đông Bắc những đợt vớt vát cuối.

  • PHAN VĂN LỢINhững ngày cuối năm 1970. Hướng chiến dịch của mùa khô mới đã được xác định. Địch sẽ huy động một lực lượng lớn các đơn vị quân chủ lực tinh nhuệ phối hợp với quân ngụy Lào, có sự chi viện tối đa hỏa lực pháo binh và không quân Mỹ để tiến hành một cuộc hành quân quy mô dọc đường Chín nhằm cắt đứt hành lang vận chuyển chiến lược của ta, sau đó sẽ nống ra đánh phá đường giao thông và các kho tàng hậu cần của tuyến đường Trường Sơn vùng Trung - Nam Lào.

  • THẠCH QUỲ1.Ở góc đường phố Lê Ngọa Triều có một quán rượu nép dưới bóng cây ngô đồng xum xuê như chiếc lọng xanh. Bên cạnh quán rượu là dãy hàng hoa. Hoa hồng, hoa cúc, hoa mi-mô-da cắm đầy trong các xô nhựa.

  • NGUYỄN NGỌC LỢIBóng chiều phủ xuống núi rừng một màu xám ảo mờ. Đã hết một ngày quần quật của đám phu đãi vàng. Lúc này trên xà lan đang diễn ra bữa cơm chiều. Đám phu ngồi bệt trên mảnh sàn nhớp nhúa, bưởng trưởng cách đó một đoạn có mâm có chiếu.

  • LÝ BIÊN CƯƠNGNgười đàn bà ấy sợ bóng tối, sợ đêm về.

  • NGUYỄN THIÊN VIỆTSau khi tốt ngiệp khoa Văn trường Đại học Tổng hợp Hà nội, tôi được phân làm biên tập viên của một tờ báo địa phương. Thế rồi khát vọng bay nhẩy và mong muốn kiếm ít vốn đã đưa tôi sang Liên Xô hợp tác lao động.

  • NGUYÊN QUÂNTheo chân những con người một thời bỏ chạy mất dép, giờ lũ lượt quay trở về với nhãn mác sang trọng Việt Kiều yêu nước và cùng lúc với sự khai mở cánh cửa hướng ra bên ngoài của nền kinh tế vốn rất cạn kiệt, trì trệ sau cuộc chiến tranh dai dẳng.

  • TÔN NỮ THANH TỊNHAnh nhìn đầu tiên của cô gái làm tôi xao xuyến. Đôi mắt long lanh, trên khuôn mặt trái xoan điểm nụ cười duyên, mái tóc đen mượt phủ ngang vai. Dáng nhẹ nhàng, thanh thoát trông như một nhành lan.

  • NGUYỄN HOÀNG ĐỨCA, không biết có phải cậu ta không, trông oách quá. Chợt cái thân hình mập ú xúng xính trong chiếc Veston ngoại lượn xoáy một vòng rất kiểu cách trên đôi giày bóng như quang dầu nơi khúc quặt góc hồ.

  • NGUYỄN CẨM HƯƠNGBỏ dép, tôi thả bộ trên cát ướt. Bàn chân chạm lên những xác cua còng, vỏ sò... có hơi kến một chút nhưng tôi được tiếp nhận sức sống dồi dào từ lòng đại dương thấm vào da thịt. Lâu lắm tôi mới lại đi trên bãi biển như thế này và hơn thế lại với một người đàn ông.

  • NGUYÊN QUÂNGã vẫn lầm bầm, cái điệu nói nuốt âm trong cổ họng càng làm tôi điên tiết. "Mẹ kiếp! đồ cơ hội!". Tôi chợt khoái trá, dù tôi biết chắc chắn rằng cái khoái trá ấy chẳng lọt đến đôi tai vểnh ngược rất khó ưa của gã nhà đò.