Minh họa: Ngô Lan Hương
Buổi sáng tình cờ anh gặp một người bạn thân ở quán cà phê, anh ta là nhà văn hiện đang phụ trách một tờ tạp chí. Anh cho biết tạp chí của anh tổ chức đi nghỉ mát ở Cửa Lò vài ngày và khuyên Hoàng nếu không bận bịu vướng mắc gì cố gắng thu xếp đi nghỉ để thay đổi không khí. Anh còn nói thêm với Hoàng rằng:
Nằm nghỉ trên bờ như vậy được hồi lâu, Hoàng đứng lên để đi xuống biển tắm thêm một lần nữa, nhưng thật bất ngờ vừa định đi xuống biển anh sửng sốt khi nhìn thấy người phụ nữ đi trên tàu hôm trước trong bộ quần áo tằm mầu hồng da cam kẻ sọc trắng vai khoác một chiếc phao vừa mới ở biển lên, tiến về phía quán lều anh đang đứng và thấy chị không đi cùng với ai, Hoàng rất hồi hộp khi thấy mỗi lúc chị càng tiến gần đến chỗ anh, chị vừa đi vừa nhìn xuống những bước chân của mình in trên cát. Lúc bước tới lều vì bất ngờ, chị tỏ ra bối rối, lúng túng, khi nhận ra anh và sửa nhanh qua bộ áo tắm của mình. Hoàng hiểu rằng có thể chỉ một tích tắc thôi người phụ nữ ấy sẽ trấn tĩnh lại để điều chỉnh ngay cái trạng thái đó và thay thế bằng một thái độ bình thản, lạnh lùng vì không muốn tiếp xúc với những người xa lạ bằng một động tác bước qua phía khác kéo ghế ngồi, rồi nhìn thẳng ra biển không để ý tới ai. Nhưng chính trong một tích tắc ấy, cái tích tắc mà người phụ nữ bối rối và lúng túng ấy, Hoàng đã bật ra một lời chào. Lời chào đó không được chuẩn bị chỉ bảo gì của lý trí, mà chỉ bằng một sự trực cảm tức thời. Lý trí sẽ bảo ta: nên hay không nên làm điều gì. Còn trực cảm thì chỉ xui ta khiến ta hành động theo con tim. Hoàng lo rằng lời chào đó của anh sẽ là một điều thiếu tế nhị, thậm chí là sự lố bịch, chẳng khác nào đi ngoài đường gặp một cô gái đẹp xông ra chào. Nhưng người phụ nữ ấy đã tỏ ra không có gì kiêu kỳ, lạnh nhạt, chị đáp lại anh một cách vui vẻ. - Hóa ra anh cũng đến đây nghỉ? - Vâng! Tôi đến đây nghỉ cũng là sự tình cờ. - Người ta bảo hiện nay nếu không muốn đi xa thì chỉ có bãi biển này là có thể tắm được. Nhưng tôi thấy bãi biển không còn đẹp như xưa, nước biển cũng không còn trong xanh như xưa - chị nói với anh nhưng mắt lại nhìn ra xa bao quát mọi phía trên bãi biển. Hoàng kéo một cái ghế ở gần ngay đấy mời chị ngồi. Người phụ nữ để chiếc phao sang một bên, rồi ngồi xuống ghế. Hoàng cũng kéo một cái ghế ngồi bên bàn cạnh chị. Anh thấy chị không phải là một người phụ nữ đỏng đảnh, hoặc làm bộ, làm tịch, mà là một người cởi mở, thích nói chuyện. - Đêm hôm trước ở trên tàu nhìn thấy chị quen quá, trong suốt chuyến đi tôi cố nhớ, và cuối cùng đã nhớ ra là cách đây khoảng bảy, tám năm tôi đã gặp chị. Người phụ nữ thấy Hoàng nói vậy rất ngạc nhiên, chị hỏi anh: - Anh gặp tôi ở đâu? Anh có tưởng tượng ra không đấy - chị cười hóm hỉnh nhìn anh có ý như muốn bảo rằng: anh bịa ra để kiếm chuyện. - Tôi không tưởng tượng ra đâu, ngày ấy tôi đã gặp chị ở dưới Hải Phòng trong một chuyến đi nhận hàng ở nước ngoài gửi về. Chị nhíu mày, nghĩ một lát rồi xác nhận: - Cũng có thể, trước đây tôi cũng thỉnh thoảng xuống Hải Phòng nhận hàng từ Liên Xô gửi về. Nhưng tôi không nhớ ra anh. - Tất nhiên tôi không có gì đặc biệt để mà nhớ, còn chị đã xuất hiện như một hoa hậu trong cái đám người đứng đợi, ngồi chờ. Giờ đây chị có già đi chút ít, nhưng vẫn giữ được phong độ như xưa. - Anh lại tán - chị bật cười và nói với anh khi nghe những lời ngợi ca về mình. - Đúng là tôi không biết nói thế nào nên đã dùng từ “ hoa hậu” như giờ đây người ta hay nói đến. Nhưng quả thật chị đã nổi bật trong cái đám đông có vô số phụ nữ là vợ con của những người sống ở nước ngoài đi nhận hàng ăn mặc rất thời thượng hồi ấy. Người phụ nữ ngồi im, không bình luận gì về những lời nhận xét ấy, ít nhiều chắc chị cũng đã thừa nhận điều đó. Người chủ quán hỏi hai người có dùng gì không. Chị hỏi anh, anh lại hỏi chị, cuối cùng họ gọi nước dừa. - Anh đi nghỉ cùng với gia đình chứ? Chị hỏi. - Trong đoàn nghỉ mát của chúng tôi mọi người đều đi với gia đình, nhưng tôi đi một mình - Anh buồn rầu nói với chị - Thú thật, tôi cũng có gia đình, nhưng không được hạnh phúc lắm. Tôi và vợ tôi đã ly hôn. Thật ra chuyến đi nghỉ mát ở Cửa Lò này hết sức bất ngờ với tôi. Tôi chỉ biết có chuyến đi nghỉ mát này trước lúc khởi hành có nửa ngày. - Anh công tác ở ngành nào? - Tôi là bác sĩ nha khoa. Trước kia tôi làm trong một bệnh viện, nhưng tôi đã xin về mở phòng khám tư. - Phải thế chứ, vì tôi thấy anh quyết định việc đi nghỉ, dễ dàng quá khác hẳn với tôi, để chuẩn bị cho chuyến đi nghỉ này, tôi phải thu xếp cả tháng trời. Tôi làm cho một công ty thương mại nước ngoài, công việc rất bận rộn, chúng tôi có tiêu chuẩn nghỉ phép hằng năm, nhưng muốn nghỉ phải báo với công ty trước vài tuần để cho họ bố trí công việc. - Có lẽ tôi hỏi tò mò một chút. Ở trên tàu cũng như trên bãi biển tôi không thấy chị đi với ai. Chị đi nghỉ mát một mình ư? - Chẳng biết nói với anh thế nào, bởi vì điều đó vừa đúng lại vừa không đúng - giọng người phụ nữ chẳng ra buồn cũng chẳng ra vui. - Thế thì bí hiểm thật - Hoàng cười lắc đầu thay cho sự đầu hàng về một lời nói khó như câu đố. Muốn biết thêm một chút Hoàng lại hỏi - chị đã có gia đình chưa? - Anh thử đoán xem? - Chắc anh ấy đi công tác xa? - Tôi chưa có gia đình. - Nếu vậy chị là người quá kén chọn - Hoàng cười và đưa ra lời nhận xét. - Không phải đâu, tôi không hề là người quá kén chọn mà là một người quá cao số - chị kể - Hồi ra trường, làm được vài năm tôi có quen một người. Chúng tôi yêu nhau một thời gian thì anh ấy xin sang Liên Xô học thêm trên tinh thần “ vừa đi học, vừa đi cứu nhà cứu nước”, như người ta nói: Học xong anh ấy đã quyết định ở lại Liên Xô dài lâu để làm ăn không hẹn ngày về. - Không hẹn ngày về với cả tình yêu? -Hoàng hóm hỉnh hỏi. - Vâng. Anh ấy bảo tôi đợi. Tôi đã đợi mãi, nhưng anh đã không về. - Chuyện đó thật là không vui - Hoàng nói - nhưng theo tôi người như chị thì những người đàn ông phải chạy theo, chứ không phải chị chạy theo những người đàn ông. - Anh quá ưu ái đối với tôi. Tôi không cho rằng mình có khả năng thu hút đến thế. - Với người phụ nữ điều quan trọng hàng đầu là có một vẻ đẹp. Và chị là người như vậy. Tôi nói có một vẻ đẹp ở đây không chỉ có nghĩa là có một khuôn mặt đẹp, mà có phần bao quát hơn bao gồm cả dáng hình bên ngoài lẫn những gì toát ra từ bên trong. Việc chị đã đợi chờ người đàn ông ấy năm này qua năm khác không có nghĩa chị chạy theo anh ta, mà chỉ là chị chạy theo những ước mơ đẹp và những tình cảm trong sáng, thiêng liêng chân thành của lòng mình...- Hoàng nói với giọng đầy lưu loát. Anh có tính gặp những người phụ nữ đẹp mà có cảm tình thì nói năng rất trôi chảy và hứng khởi, khác hẳn khi gặp những người phụ nữ xấu anh lại nói chuyện rất vất vả do quá thận trọng để cân nhắc những lời nói, điều đó có vẻ mâu thuẫn, nhưng thực là như vậy. - Ôi anh nói hay quá, và lại vẫn ưu ái tôi. Anh uống nước dừa đi - chị mời anh và cầm cốc nước dừa của mình uống, phía trước mặt biển vẫn dồn lên những con sóng xô mạnh vào bờ. - Sau câu chuyện tình không vui ấy chị đã đóng cửa tình yêu - Hoàng hỏi chị. - Vâng tôi đã đóng cửa tình yêu nhiều năm, nói theo cách của anh. Tôi không yêu ai, đúng hơn chưa gặp ai. Nhưng gần một năm nay tôi đã gặp một người, anh ấy đã theo đuổi tôi và muốn cầu hôn với tôi. Anh ấy công tác tại một viện nghiên cứu, rồi cũng theo con đường “ vừa học, vừa làm” ở bên Liên Xô như người yêu cũ của tôi. Nhưng khác với người yêu cũ của tôi, anh ấy không ở lại lâu dài bên đó. Anh ấy có vợ nhưng hai người đã ly thân ngay với nhau sau ngày cưới ít lâu. Họ lấy nhau vì tình nghĩa hai gia đình, chứ không có tình yêu gì. Chị ta ở nhà quê. Hai người chưa có con. Anh ấy đã làm đơn ly dị hơn một chục năm qua, mãi tới cách đây một tháng chị ấy mới đồng ý ký vào đơn ly hôn. Họ đang đợi ra tòa. - Thế chị có yêu anh ấy không - Nghe chị kể, Hoàng hỏi. - Thật khó nói về tình yêu như những gì mình từng ước mơ. Cho đến lúc này tôi cần lấy một người chồng, và thấy anh ấy yêu tôi. Nếu anh ấy dứt khoát được với người vợ cũ của mình, tôi có thể đồng ý lời cầu hôn của anh ấy. - Ồ, nếu vậy chị cũng yêu anh ấy. Thế thì tốt rồi - Hoàng vui vẻ nói và hỏi chị - Tại sao lần này đi nghỉ không rủ anh ấy đi cho vui? Nghe câu hỏi của Hoàng, ngập ngừng im lặng một lúc chị mới nói với anh: - Lẽ ra anh ấy đã có mặt ở bãi biển này rồi, nhưng vì có vài công việc đột xuất, nên tối nay 9 giờ anh ấy mới lên tàu đi vào đây. - Nếu tàu chạy bình thường như chuyến trước tôi với chị đi thì 6 giờ sáng mai anh ấy sẽ có mặt ở đây. Thế thì chị sắp vui rồi! - Nhưng tôi quyết định trở về Hà Nội chuyến tàu 8 giờ tối nay. Hoàng rất ngạc nhiên, không hiểu sao chị lại có một quyết định lạ lùng như thế, nên anh hỏi chị. - Tại sao chị lại có quyết định ấy? - Vì tôi không thích sự sai hẹn. - Anh ấy hẹn chị thế nào? - Như tôi đã kể với anh đấy, anh ấy chưa làm xong thủ tục ly hôn, nên tình yêu của chúng tôi vẫn ở trong tình trạng vụng trộm không thể công khai. Để tránh những điều không hay xảy ra, tôi và anh ấy không muốn đi cùng với nhau vào đây. Tôi đi chuyến tàu đêm vào trước, còn anh ấy sáng sớm hôm sau sẽ đi ô tô vào. Như vậy anh ấy chỉ đến đây sau tôi khoảng năm sáu tiếng. Nhưng cho đến chiều nay đã đúng hai ngày rồi mà anh ấy vẫn không có mặt. Lúc trưa nay, tôi gọi điện về Hà Nội hỏi mới biết được rằng sáng hôm đó anh ấy không đi ô tô vào được vì buổi chiều hôm trước họp công đoàn ở cơ quan người ta đã đề cử anh ấy vào danh sách đi họp hội nghị công đoàn cấp trên vào cả ngày hôm sau. Buổi tối về, lại nhận được điện thoại của người bạn làm việc ở một nhà xuất bản báo rằng: Tập thơ của anh ấy đã in xong. Thế là anh ấy lại nán lại thêm một ngày nữa để chờ lấy tập thơ. Anh ấy bảo rằng phải ở lại lấy tập thơ để có một món quà đặc biệt tặng tôi làm kỷ niệm cuộc đi nghỉ hè. Anh ấy lại còn nhắn thêm: Vào Cửa Lò nghỉ mát lần này, ngoài thời gian tắm biển, anh sẽ giành hết thời gian để đọc thơ của anh ấy cho tôi nghe... Khi nghe người phụ nữ kể vậy, Hoàng lạnh hết cả người. Vì từ sau vụ ly hôn ở Tòa, người anh cứ gai gai như muốn sốt mỗi khi nghe những từ “ in thơ”, “ ra tập thơ”, vì điều đó gợi cho anh nỗi khổ tâm về cái nguyên nhân oái ăm để người vợ đã bỏ anh. Ngồi im một lúc, Hoàng hỏi người phụ nữ. - Chị quyết định bỏ về như vậy, chẳng nhẽ chị lại không thích thơ? - Vấn đề tôi bỏ cuộc nghỉ mát này không phải là vấn đề tôi thích thơ hay không thích thơ, mà vấn đề là anh ấy đã không tôn trọng những sự đợi chờ, những tình cảm của tôi. Anh ấy đã không hiểu rằng chính tình yêu của tôi và anh ấy nếu biết vun đắp, biết giữ gìn, biết tôn trọng đã là thơ rồi, đâu cần phải có một tập thơ nữa mới tăng thêm sức mạnh tình yêu của anh ấy với tôi... - Ôi! Nếu vợ mình mà cũng nghĩ như chị ấy thì ta đâu có phải lìa bỏ gia đình, phải sống xa con gái của ta. Nghe người phụ nữ nói, Hoàng nghĩ thầm chua chát. Nhưng nghĩ đến người đàn ông kia anh khuyên chị: - Theo tôi chị nên tha thứ cho sự lỗi hẹn ấy. - Thực ra tôi có thể tha thứ cho sự lỗi hẹn này, nếu như việc in thơ, ra những tập thơ là điều gì khó khăn, hiếm hoi như ngày xưa, nhưng giờ đây việc in thơ, ra những tập thơ không còn trở thành những sự kiện lạ nữa thì tôi không thể tha thứ cho anh ấy được. Chẳng nói đâu xa, ở cơ quan của anh ấy đã có bốn người ra được tập thơ riêng của mình. Thêm một tập thơ của anh ấy là năm. Nghe đâu chị kế toàn tài vụ kiêm thủ quỹ và anh chàng lái xe của cơ quan anh ấy cũng đang cố gắng làm thêm giờ, làm ngoài để cuối năm có tiền ra được những tập thơ của họ. Còn ông viện trưởng nữa, đã đưa cho anh ấy xem những bài thơ viết trong thời kỳ làm chỉ huy thanh niên xung phong và những bài thơ tình viết hồi mới yêu bà xã của ông, định gộp làm một tập để có thể ra mắt được vào dịp thượng thọ của mình. Như vậy việc in thơ, ra những tập thơ giờ đây đâu còn là những chuyện lạ lùng nữa, nên nhẽ ra anh ấy phải nghĩ rằng việc tôi bí mật, lén lút lẩn trốn để thực hiện cuộc đi nghỉ mát này, việc tôi đang ở bãi biển một mình đợi chờ anh là quan trọng hơn việc anh ấy đi lấy tập thơ thì mới phải. Tôi muốn anh ấy bỏ lại tập thơ để đến với tôi, anh ấy đã không làm như vậy. Nhưng tôi đoán chắc rằng một nhà thơ, một nhà văn, một nhà nghệ sĩ thực thụ họ sẽ hành động ngược lại với anh ấy. Hoàng rất muốn thay cốc nước dừa của anh ở trên bàn bằng một thứ rượu hay thứ bia nào đó để hòa vào được với tâm trạng của anh lúc này. Nhìn thấy những hộp bia Carlsberg bầy trong quầy hàng anh định gọi, nhưng vì muốn xuống biển tắm một lần nữa nên lại thôi. Anh ngồi im lặng một lúc rồi hỏi người phụ nữ: - Chị có định xuống tắm nữa không? - Thôi! Có lẽ tôi phải chuẩn bị về. - Chị vẫn quyết định về Hà Nội tối nay? - Vâng. Chỉ có điều tôi hơi ngại một chút là vì lại phải đi chuyến tàu đêm một mình. - Chị đi ra ga bằng phương tiện gì? - Tôi đã thuê tắc- xi, 7 giờ họ đón tôi. Hoàng hỏi tay thợ ảnh đứng trong quán xem hộ mấy giờ. Anh ta nói: 5 giờ 20 phút, rồi mời Hoàng và người phụ nữ ấy chụp một pô ảnh và khoe rằng: mặc dù biển không còn nắng, nhưng anh ta vẫn có thể chụp rất đẹp được. Hoàng cảm ơn anh ta hẹn lần khác. Anh quay sang nói với người phụ nữ lúc đó chị đã khoác chiếc khăn tắm lên vai chuẩn bị về. - Chị ạ, tí nữa tôi sẽ đưa chị ra ga! Người phụ nữ nghe anh nói vậy, nét mặt mừng rỡ hẳn lên nói với anh: - Anh thật tốt quá! Nếu vậy thì còn gì bằng! Chị kéo Hoàng ra xa cái quán để chỉ cho anh ngôi nhà chị nghỉ cách đó không xa, và dặn anh số phòng và tên của chị. Có điều gì khó nói, chị đứng im một lúc rồi hỏi: - Đoàn của anh bao giờ về? - Tối mai, cũng đi chuyến tàu 8 giờ như chị hôm nay. - Giá như đoàn nghỉ mát của anh tối nay cũng về thì chúng ta lại cùng nhau đi trên một con tàu! - Chị cười vui vẻ nói với anh như vậy. Hai người chia tay. Chị đi về nhà, anh xuống biển. Đi tới mép biển Hoàng dừng lại nghĩ ngợi: - Hay tối nay mình sẽ đi về cũng với người phụ nữ ấy? Nhưng còn đoàn nghỉ mát thì sao? Họ mời mình với tư cách là một bác sĩ đi theo để chăm nom sức khỏe cho mọi người, bỏ về như vậy có tiện không? Nhưng một suy nghĩ khác lại thôi thúc anh: Tuy nhiên ta cũng nên lựa chọn. Ở lại đến tối mai để đi với đoàn người khỏe mạnh vui vẻ và thỏa mãn sau cuộc đi nghỉ mát trở về hay ra đi trong đêm với người phụ nữ cô đơn buồn chán trong chuyến đi nghỉ mát không thành ấy? Hoàng đứng tần ngần mãi bên mép biển mà chưa biết quyết định ra sao. Những con sóng hết lớp này đến lớp khác cứ đua nhau xô vào người anh như thúc giục rằng: Hãy trả lời đi! Hãy trả lời đi! lựa chọn điều gì? Hoàng tự nói với mình: “ Ta xuống biển bơi thêm một lần nữa đã, rồi sẽ quyết định!” và anh bơi mạnh ra biển sâu. Càng về chiều gió biển và sóng biển dường như càng trở nên mạnh mẽ hơn, dữ dội hơn... N.H.H (134/04-00)
|
TRẦN THÙY MAIỞ tuổi bốn mươi da mặt nàng vẫn trắng hồng, chưa thoáng một nếp nhăn. Ai nhìn kỹ lắm mới thấy những vết hằn bắt đầu hiện ra quanh cổ, thường được che rất khéo bởi những chuỗi hạt trang nhã. Mà đâu ai nhìn kỹ làm gì. Đứng trước một người đàn bà, dại gì không dán mắt vào vẻ đẹp mà lại đi săm soi tìm khuyết điểm.
NHẤT LÂMKinh thành Huế năm Bính Thìn, thiên hạ xôn xao vì một vụ án đại hình gây bất bình trong cả nước, và để lại cho hậu thế một nỗi tiếc thương khôn nguôi cho hai nhà chí sĩ.
XUÂN ĐÀILàng Tân Mỹ Đông nằm dưới chân núi Tịnh Hồng, trước năm 1975 là vùng của quốc gia, nói cho ngay ban ngày quốc gia điều khiển về hành chính, ban đêm “việt cộng” kiểm soát mọi mặt. Trong làng nhiều người đi lính hai phía, phía nào cũng có sĩ quan cấp tá, cấp úy và binh nhất, binh nhì…
TRẦN DUY PHIÊN1. Xuống tới biền, Lê và tôi thấy chú Phip và hai con bò đứng bên giàn cày. Chẳng chào hỏi, chúng tôi bắt tay vào việc. Tôi tiếp tục đắp bờ mương ngăn đất trồng rau với cái tum đổ nước vào sông Dakbla, còn Lê lo chỉ việc cho chú ấy.
QUỲNH VÂN"Lục bình vừa trôi vừa trổ bôngLục bình không kịp dừng để tím..."
TRÚC PHƯƠNGÔng già ngồi trên chiếc ghế bố làm bằng manh bao phía dưới bóng cây đa lão – trụ sở của Hội những người bán máu kia, sinh năm 1919, tròn 82 tuổi.
NGUYỄN THỊ THÁI Ngoài vườn có tiếng đánh sạt. Lại một chiếc tàu cau rơi. Con Vàng buồn bã đứng dậy, thất thểu đi ra. Hình như tiếng rơi khiến nó đau lòng.
HÀ KHÁNH LINH "Con gái PhổỞ lỗ trèo cau"
TÔ VĨNH HÀChỉ còn ít phút nữa, cái công việc căng thẳng, vừa đơn điệu vừa nặng nề của chúng tôi sẽ kết thúc: Buổi chấm thi sau cùng của một mùa tuyển sinh đầy sóng gió…
TRẦN DUY PHIÊN - Cắp vở qua bên chú Kỳ nhờ chú chỉ cho mà học! - Mẹ tôi nói. Tôi vẫn giả bộ không nghe. Những con tò he bằng đất do tôi nặn lấy chưa khô. Tôi mà bỏ đi có người phá - Nói thế mà không thủng tai ư? - Mẹ đảo mắt tìm một vật gì đó làm roi.
HOÀNG THÁI SƠN Dì Ty khép cửa rồi ngồi vào góc giường lôi tiền dưới gối ra đếm. Hai tờ hai mươi ngàn, một mới, một cũ gấp đôi gần đứt rời; hai tờ mười ngàn, một mới, một cũ dính vẩy cá; một tờ năm ngàn quăn góc; hai tờ một ngàn dính mực và âm ẩm. Sáu mươi bảy ngàn cả thảy. Đếm lần nữa: sáu mươi bảy ngàn. Rồi dì mở rương, xếp tiền vào từng ô.
NGUYỄN THANH VĂN"Làm sao em biết bia đá không đau…"
PHẠM NGỌC TUÝTất cả chỉ vì con nhỏ đó: Nó tên thật là gì, tôi không rõ. Tú gọi nó là nhỏ Mai, nó gầy và xinh. Nói rằng nó xinh, e chưa đủ. Nó ngầu, nó phá, nó là con bé nghịch như quỷ.
MẠC DO HÙNGBố nhắn tôi mời Sĩ về làng tu sửa bức tượng Thành Hoàng. Sĩ nghe tôi nói, trầm ngâm: "Cho mình thời gian suy nghĩ, Bỏ nghề lâu quá rồi, không hiểu đôi tay có còn cảm giác!"
TRÚC PHƯƠNGDừng lại nghỉ chân, chị Dần tựa lưng vào gốc cây cơm nguội râm bóng bên con đường ngoằn ngoèo dẫn lên dốc Lưng Mây. Mấy cô gái Stiêng quảy gùi đi ngược ra phố trấn chốc chốc gởi lại nụ cười tự nhiên như hoa cỏ cho người phụ nữ miền xuôi đi thăm người nhà trong trại.
LÊ GIA NINHMột danh nhân nào đó đã nói rằng: "Người đàn bà có hai lần dễ thương. Một lần trên giường cưới và một lần trên giường chết". Riêng tôi, tôi thấy mỗi tháng người đàn bà có thêm một lần dễ thương nữa. Đó là kỳ nhận lương của chồng.
QUỐC THÀNH Năm ấy lên cao nguyên thăm anh bạn, biết tôi lần đầu đến anh dẫn ra trung tâm xã coi cho biết, cũng là lúc dân đi rẫy về. Ngược chiều chúng tôi là một ông già, mắt nhìn xuống miệng cứ lẩm bẩm: "Muộn rồi, Muộn rồi". Tôi nghĩ ông vội đi đâu đó, chắc nóng lòng lắm.
ĐÀO DUY HIỆPNgày xưa có một chàng trai rất lịch sự. Anh thường có nhiều khách đến nhà chơi.
TRẦN THỊ TRƯỜNGCái tin đám ma ông S chỉ có chiếc quan tài rỗng dù dấu kín đến mấy cũng cứ lan đi. Mấy "nhà báo trẻ" cứ nhớn nha nhớn nhác muốn gặp thân nhân phỏng vấn, ghi hình nhưng nhìn thấy cái vẻ lãnh đạm của H. bác sĩ quân y, con trai ông, liền co cả lại.
NGUYỄN HỮU THÔNGChao ơi? Xin chào Thầy, lâu ngày ghê.Tôi lúng túng một hồi mới nhận ra cô Sen. Trước mắt tôi bây giờ là một thiếu phụ với nụ cười tươi, rạng rỡ, nhưng vẫn không làm phai đi trên khuôn mặt gầy những vết hằn khốn khó.