HỒ TRẦN
Bàn thờ nhà anh được che tấm vải đỏ xẻ chính giữa. Tấm vải cũ mèm bụi bám, chuyển qua màu sậm.
Minh họa: Nhím
Lúc tôi đang lau tấm bài vị cũng được trùm mảnh vải đỏ phía bên trái bàn thờ thì mẹ anh ở chợ về. Bà thả phịch làn đồ cúng gồm thức ăn, bông ba hoa quả chạy xộc vô: “Ôi con ơi... Đừng!” Tôi hơi chợn, quay lại thấy bộ mặt thất sắc của mẹ chồng tương lai. Không đợi tôi phản ứng, bà cầm lấy bài vị từ tay tôi đặt lại chỗ cũ, trùm ngay mảnh vải đỏ lại.
Tôi lui liền, xách làn ra giếng mở bó bông cúc rửa sạch, suy nghĩ. Lẽ nào mẹ chồng tương lai không tin mình? Lẽ nào tôi chưa được thừa nhận là thành viên trong gia đình anh nên không được phép lau bài vị và các thứ trên ban thờ? Anh đang chạy xe lên phố lấy nhẫn đính hôn. Ngót vui, tôi ngóng cổ chờ anh về. Tôi sẽ lôi anh tới góc khuất trong ngôi nhà thâm u này để có được lời giải thích về hành động của mẹ anh. Sực nhớ… sao tôi không ngó qua dòng chữ trên bài vị.
Tôi - cử nhân Hán học, thử việc được gần năm thì “dính” vào anh - trưởng phòng quản lý di sản, tuổi hơn kha khá. Đơn giản là chúng tôi sắp làm lễ đính hôn. Cưới trong năm. Tôi yêu cầu anh việc nhờ thầy xem ngày giờ... Cũng hơi bất ngờ, anh đồng ý. Hôm nay giỗ cha anh, và tôi đến phụ giúp. Mẹ anh mời gia đình bên ngoại cùng một ông cao niên trong họ; còn nội anh ở trên phố, xa nên không tiện mời.
Cũng phải đêm, về phố, tôi mới chất vấn anh.
- Là bí mật gia đình. - Anh lên giọng, mãi mới dịu lại: Bây giờ nó không hẳn bí mật nữa, nhưng với mẹ anh vẫn là bí mật.
- Tại sao cơ chứ?
- Bởi ông Tổ của anh - một trong những người có công lớn nhất trong việc đưa Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi, nhưng lại chính là người lãnh án dưới thời vua Gia Long.
Sợ hãi thoáng qua mặt tôi.
*
Anh bảo mộ của Ngài xa lắm, ở tận làng Dạ Lê. Ngài lập nên làng nên sau này con dân của làng xây lại mộ cho Ngài; còn hồi Ngài là tội phạm triều đình, bị bức tử, mộ phần chắc chẳng khác thường dân.
Sáng sớm anh dẫn tôi lên đồi Thiên An thăm mộ mẹ của Ngài. Tôi cũng muốn nhẹ lòng trước lúc chúng tôi đi xem ngày đính hôn... Mẹ Ngài nằm cách đường cái mới mở khoảng ba chục mét. Nhất sơn nhất huyệt. Hai bên ruộng đồng tiếp giáp rồi đến núi che chắn, trước có nhánh sông (nay đã khô nước); ngọn Thiên Thai như cái bình phong thơ mộng chắn khí độc. Đây là thế tả phù hữu bật, tiền đinh hậu chẫm tôi từng biết khi tiếp cận với các công trình nghiên cứu về lăng mộ vua chúa.
Chữ hiếu nặng tựa thái sơn. Ngôi nhà kiếp sau dành cho mẹ Ngài là tòa kiến trúc tuyệt tác, độc bản. Lăng gồm hai vòng tường dày ôm lấy khuôn tĩnh hình voi phục. Hai trụ cổng phía trước, trên cùng xoắn vỏ ốc thanh thoát có kỳ và lân. Kỳ tượng trương cho bố, lân tượng trưng cho mẹ Ngài. Kỳ đứng ở trên trụ phải (nhìn từ ngoài vào), lân đứng trên trụ trái. Điều khiến tôi chú ý: phía dưới ngực lân mẹ có lân con thò ra cái đầu, mặt hơi ngước vui vui. Tình mẫu tử. Tôi xem nhiều tượng lân ở các đền đài lăng tẩm, miếu mạo, lăng mộ, nhưng đây là lần đầu thấy lân mẹ cưu mang lân con với một tâm thế mênh mông giữa mây núi chập chùng.
Tôi đứng ngắm rất lâu mẹ con nhà lân. Anh kéo tôi tránh nắng ở chân tường bao lăng, kể:
- Lúc vua Gia Long tìm được nơi xây lăng ở đồi Thiên Thọ; Ngài vốn người gốc Nam Bộ phóng khoáng chân thành, bẩm vua:
“Tâu Bệ hạ, địa thế đây đẹp thật, nhưng đất không đẹp bằng đất mộ của mẹ hạ thần”.
Vua hỏi:
“Đất mộ mẹ của ngươi sao?”
“Tâu, đất mộ mẹ của hạ thần đào lên toàn màu vàng, không có lấy một hạt đen”.
Lúc đó có Nguyễn Phúc Đảm, em cùng cha khác mẹ với Hoàng tử Cảnh cũng đứng hầu cạnh vua.
Nguyễn Phúc Cảnh là hoàng tử An nam đầu tiên được hấp thụ tư tưởng phương Tây trong quãng thời gian làm con tin. Cảnh cùng Ngài và tướng Lê Văn Duyệt bôn ba thế giới, ủng hộ cái mới, đề nghị với Gia Long truyền ngôi cho Mỷ Đường (con của Cảnh), hơn nữa đây mới chính là cháu đích tôn, song không được chấp thuận. Số quan lại nặng lòng với Nho học quyết đưa Miên Tông Đảm lên ngôi. Thực hiện lời “rỉ tai” của Cảnh với Ngài và tướng Duyệt có nguy cơ không thành.
Lúc cùng thân tín bàn “nhân sự” truyền ngôi, vua Gia Long hướng về Ngài mà rằng:
“Xưa nay cha nợ thì đòi con chứ ai đến hỏi cháu bao giờ”.
Ngài im lặng. Sự im lặng có hai ý...
Bây giờ nghe Ngài nói về đất táng, Đảm nhân cơ hội hạ bệ đối thủ:
“Nếu đất mộ mẹ ngươi tốt vậy, sao không nhường cho vua?”
Gia Long ngoái nhìn người từng cùng mình bôn tẩu trước cuộc truy sát của quân Tây Sơn, nghi ngại.
Rất bình tĩnh, Ngài không nhìn Đảm.
“Bẩm, đất huyệt mẹ thần tốt thật song thường bị sét đánh ạ”.
Ngoài một vị quan, trên hết Ngài vẫn là bạn, là một cánh tay của vua Gia Long. Tiếng nói của Ngài rất có thể xoay chuyển ý định của vua. Đảm mới bộ cung kính cúi mình chắp tay bái vua cha, song nghiêng đầu về Ngài.
“Mẹ ngươi dân thường, còn vua là thiên tử. Trời không giáng sét vào mồ thiên tử bao giờ”.
Vua Gia Long ngẫm nghĩ, cũng không nói lại, thẳng bước. Đám hầu nín lặng theo vua về cung.
*
Tôi ngủ trong căn phòng thuê. Khá xa anh. Anh cũng trọ, chỗ rộng hơn, giường dành cho hai người. Chưa cưới nhau, có giấy kết hôn rồi, chúng tôi đã cuộc sống vợ chồng. Nhưng đêm nay tôi ngủ riêng. Có thể là một sai lầm, đúng hơn: một đêm sai lầm. Trước nhất vì tôi không ngủ được. Những khuôn mặt cứ chợp chờn. Đầu tiên là khuôn mặt của mẹ anh. (Đến giờ này tôi mới nhận diện “âm bản” khuôn mặt ấy lúc bà xộc vào và hành động chính xác là giật tấm bài vị từ tay tôi). Tiếp đến là khuôn mặt không hình dạng từ tấm bài vị bốc lên. Rồi nữa, khuôn mặt một mệ già như quả bóng bay non hơi là tà trên mặt đất. Nó dẫn tôi đến bên mộ của mẹ Ngài...
Tôi trở dậy bật điện. Không muốn tới anh khẩn cầu giấc ngủ, tôi kê gối sau lưng ngồi đầu giường, đặt laptop lên đùi mở Bách khoa toàn thư Wikipedia xem lại vụ án của gần hai thế kỷ trước.
“Năm Ất Hợi 1815, người con trưởng của ông là Nguyễn Văn Thuyên cũng chính là phò mã của vua Gia Long đỗ hương cống, vốn người hâm mộ văn chương, thường làm thơ, ngâm vịnh văn thơ với những kẻ sĩ. Bấy giờ nghe người ở Thanh Hóa là Nguyễn Văn Khuê và Nguyễn Đức Nhuận có tiếng hay chữ, ông Thuyên có làm một bài thơ tặng ông, trong đó 2 câu cuối: “Thư hồi được đắc Sơn trung tể, Tá ngã kinh-luân chuyển hóa ky.” (Sơn tể phen này dù gặp gỡ/ Giúp nhau xoay đổi hội cơ này). Một số người vốn có tị hiềm với ông dựa vào hai câu cuối của bài thơ mà lập luận, suy đoán, thêu dệt thành ý phản loạn”.
- Em nghĩ chuyện đất mộ mới là nguyên nhân cốt lõi khiến Ngài bị ép tội, còn vụ án bài thơ chỉ là cái cớ, giọt nước tràn ly?
Anh khẽ gật đầu, không bình luận.
- ...và đường nứt ở mộ mẹ Ngài đây, chính là “điềm báo” cho lối ngoặt cuộc đời của Tiền quân.
Đường nứt xỏ được nắm tay vào. Anh bảo theo hồ sơ khoa học lưu ở Sở, do địa chấn... đường nứt xuất phát từ Truồi phóng tới đồi Thiên An này.
Tôi tin tâm linh hơn, song vẫn bình lặng nghe lời anh nói. Có sự ngẫu nhiên nào đường nứt lại chẻ đúng giữa khuôn tĩnh mộ mẹ Ngài, nghĩa là nứt đúng vị trí của cái đuôi con voi phục, gần tới tâm huyệt thì ngoặt. Lối nứt ngoặt đó phải chăng là sự kiện vua Tự Đức truy xét công trạng, lại chiếu giải oan cho Ngài vào năm Mậu Thìn 1868? Nên từ đó, hơn trăm năm qua đường nứt không dài và lớn thêm.
- Quá muộn! - Anh lắc đầu, nói nhỏ: Ngay cả khi lệnh giải oan được ban, thân nhân của Ngài vẫn còn run sợ. Một người đại diện đến nhận, nhận rồi biến mất tăm luôn, thân tộc họ hàng không có cơ hội xem lệnh giải oan cho ông tổ của mình. Ai cũng đinh ninh hay lệnh đó truyền tụng vẩn vơ, còn án tru di của vua Gia Long gán cho Ngài còn treo...
- Em lại nghĩ khác. Án tru di là án “ảo”. Vua Gia Long ký án nhưng mật lệnh bộ Hình không thi hành, (dĩ nhiên Ngài không được biết). Đó là nghĩa cử cao đẹp cuối cùng vua Gia Long dành cho người bạn đã tháp tùng mình tránh tử họa trước đây. Cho đến lúc Ngài buộc phải uống thuốc độc trong ngục vào năm Đinh Sửu (1817), vua Gia Long mới thấm thía nỗi đau mất người bạn quý từng “đem tâm lực ra mà gây dựng nên một dải quan hà”.
- Có lý. - Lần này anh như thốt lên, ngước nhìn trời mây - Chỉ là... nó không được sử chép. Nhưng ta cũng có thể đặt một giả thiết khác, làm gạch trung gian giữa thực và... hư.
- Anh thử xem.
- Án dành cho Ngài chỉ là tự xử. Ngài vẫn sợ... án tru di... Đằng nào Ngài cũng chết nhưng liên lụy đến gia đình họ tộc thì dẫu chết trăm ngàn lần Ngài cũng không chuộc được nỗi đau.
Việc đầu tiên: Ngài đuổi hết vợ con, sạch bóng. (Có tài liệu cho rằng Ngài có trên chục người vợ. Chả là lúc phò Nguyễn Ánh trốn quân Tây Sơn, Ngài ghé vào đâu lấy vợ đó, mục đích nhằm che giấu thân phận).
Việc thứ hai: Ngài đốt gia phả, để nếu án tru di có giáng, thân quyến của Ngài ít nhiều có cơ may sống sót.
*
Bây giờ thì tôi hiểu vì sao anh ủng hộ ý tưởng nhờ thầy xem ngày đính hôn và “nhìn về tương lai một chút”. Ông thầy bói (kiêm thầy cúng) mà anh dẫn tôi tới vốn chú họ của anh, hậu duệ đời thứ 6 của Ngài.
Chúng tôi vào đến sân, anh đánh tiếng “chào chú” rõ to. Ông thầy bói đang mở nắp hộp bằng thép hình tròn, ngưng tay nhìn ra, cứ như mắt ông chưa hề mù.
- Vâng. Chào chú.
- Dạ, hôm nay bọn cháu tới xem ngày như đã thông tin với chú trước.
- Vâng. Mời chú và o vào nhà.
Tôi ngồi vào chiếc ghế đẩu bằng gỗ cũ, đen và bẩn, đánh tiếng kẻo tay ông loạng quạng rờ phải. Nước được rót ra ly. Ông tới góc nhà lấy chiếu trải, bày đồ bói, rồi dùng bút viết rất nhanh những chữ Hán lên tờ giấy kẻ ô, đúng chóc hàng lối. Mắt đã mù vẫn nhắm. Xong. Ông bảo: “Phiền cô ra sân hóng mát, tui có chuyện muốn bàn với chú”… Tôi đứng dậy, chả cần giả bộ vui với anh, với ông lại càng không cần thiết.
Ông nói nhỏ:
- O của chú đã có bầu, nhưng cái thai... lạ lắm. Tướng o khó sinh!
Nhưng ông lại thành thực an ủi: “Đó chỉ là… bói. Một hiện tượng áp dụng cho biết bao người cùng tuổi?”
Anh giấu biệt tôi chuyện này. Tôi không thể gỡ khuôn mặt nhạt thần sắc của anh khỏi mắt mình. Cứ như anh phát hiện một nhược điểm lớn của tôi lại không muốn nói.
Đêm kinh hoàng. Tôi đã ngủ, bỗng có người tới lay. Mà tôi đâu có dậy nổi. Người ấy mặc blu trắng đứng bên giường. Làm gì! Tôi đâu phải bệnh nhân. Tôi đang nằm trong phòng mình chứ đâu phải ở bệnh viện. (Hình ảnh trượt đi một đoạn phim trắng, rồi đến cảnh): con lân ở mộ mẹ Ngài chồm lên ngực tôi. Nó vẫn ôm đứa con dưới ngực, cứ thế nhún đạp lên thai non trong bụng tôi...
Chưa sáng hẳn, anh chạy xe tới. Tôi vẫn nằm nguyên trên giường như một bệnh nhân. Buồn. Sực nhớ câu hỏi chưa có dịp phát ra: “Họ hàng nhà anh xưng hô hay nhỉ. Ai cũng chú với nhau là sao?”
Anh chộp được câu hỏi đã soạn sẵn đáp án:
- Gia phả Ngài đã đốt, giữa anh và ông chú họ đó thứ bậc như thế nào không rõ nên ai cũng cứ phải xưng “chú” với nhau kẻo phạm thượng…
Tôi thật khó tiếp nhận lời anh. Có nỗi băn khoăn dâng lên từ ngõ ngách tâm thức. Anh là một cán bộ quản lý di sản, từng viết nhiều bài nghiên cứu giá trị sao lại không hề đả động đến góc khuất cuộc đời của ông tổ mình. Sợ hãi? Anh sợ mình là chít chắt của vị quan từng lãnh án tru di, khi anh đang ở ngay trong lòng Kinh đô một thời? Cho dù chế độ quân chủ quá vãng, anh vẫn thụt cổ trong mai rùa. Anh sợ cái ghế đang ngồi ở cơ quan quản lý di sản lung lay…
Nhìn lại anh, thật nguy hiểm, tôi thấy sao… xa lạ.
- Anh hèn!
Câu nói phụt khỏi miệng tôi như bị vô thức sai khiến, làm anh rụng mất hồn. Thay vì đánh tôi bằng sức mạnh “trả thù”, anh thõng tay xuống, rát rúa mặt mày. Nhưng, giá anh bợp vào má tôi rồi tuôn ra một tràng xỉ vả, còn hơn. Tôi thóp bụng. Giá đứa trẻ đang lớn dần trong tôi là một chiếc ba lô, tôi sẽ cởi phăng đặt lên giường “trả” lại anh. Tôi bước khỏi đời anh - một mẫu người hèn nhát - với tôi.
Ra đường. Chợt tôi khựng lại. Anh không còn trong tâm trí tôi, khôi hài, chính lúc đó ngôi mộ của mẹ Ngài hiện lên với tấm bia bị đục mất tước hầu. Chú lân con dưới ngực lân mẹ như chính nó đang cựa quậy trong bụng mình.
*
Non tháng trước ngày cưới, anh hẹn gặp tôi qua tin nhắn, tại nhà anh trên phố. Thực sự tôi không buồn nhớ đến cưới xin, mặc dầu cũng không nghĩ đến chuyện hủy.
Tôi sẽ không gặp anh nếu đêm trước không mơ thấy mẹ của Ngài. Bà không trực tiếp nói chuyện với tôi, chỉ là vô tình tôi nghe thấy tiếng Bà. Vẫn khung cảnh ngồi tránh nắng cùng anh dưới chân tường của lăng. Nghe tiếng gọi, tôi đứng dậy ngó lui, thấy Bà “mọc” lên từ đường nứt của mộ. “Ta chỉ ước nấm mộ đơn sơ... còn hơn cái lăng to đẹp như thế này không người hương khói”. Rồi hình Bà mỏng dần, mờ dần, là là bay đến nhập vào lân mẹ trên trụ chính của lăng...
Anh đón tôi rất thường. Thái độ ấy lại hợp. Tôi không ngồi ở giường như bao lần trước. Anh mở tủ lạnh lấy một ly nước chanh pha sẵn. Thật sẽ không ai tin, trong đầu tôi thoáng nghĩ anh bỏ thuốc mê… Tôi nhấp, đặt xuống, lại nâng lên uống cạn. Anh ngồi đối diện, đan hai tay trên mặt bàn.
- Có điều này em phải biết…
Tôi không phải nhìn, mà là quan sát anh từng chi tiết. Môi anh run run xúc động.
- Anh đã tìm ra cuốn gia phả… Nó không bị đốt. Ngẫu nhiên, mẹ anh bê cái bát nhang xuống…
Tôi nhớ rõ cái bát nhang ở ngôi nhà xưa mẹ anh tiếp quản.
- Mẹ lau chùi, cái lư hương gỗ đó mục, rã đáy, mới hay ở dưới có một thanh ngang, tròn. Nó chính là ống đựng cuốn gia phả.
Anh nói không nhanh song các câu dính chặt vào nhau, cứ như không muốn tôi xen vào.
- ...đã tính gọi ngay cho em… Suốt tuần nay anh dịch không sót chữ nào… Anh rà thân quyến… Có lẽ do Ngài quá nhiều vợ… Em ạ… thực ra… chúng ta...
- Sao?
- Thực ra… chúng ta không thể... cưới.
Tôi vẫn ngồi nhưng cảm giác hồn bật dậy.
- Nghĩa là chúng ta đã... loạn?
Tôi không chờ cái gật đầu từ anh. Muốn tan chảy và rục xuống như ngọn nến. Tôi lao ra cửa.
- ...sẽ không ai biết tội lỗi vô tình chúng ta mang đâu em! - Anh gọi với theo.
Đứa bé trong bụng tôi đạp mạnh. Tôi gục xuống ở cổng. Tối sầm. Mặt trời sáng quắc. Quầng đỏ trong mắt. Tuyến lệ kiệt khô. Lửa. Tôi rướn người gào lên. Lửa. Anh ném cuốn gia phả vào lửa. Báu vật truyền đời cháy rực. Lửa liếm vào những dòng tên. Tôi thấy mình trong vùng lửa kia đang rướn tung đứa trẻ ra xa trước lúc lửa cháy đến dòng tên tôi tên anh lồng trong trái tim đỏ màu huyết thống.
(SHSDB27/12-2017)
NGUYỄN HỮU THÔNGChao ơi? Xin chào Thầy, lâu ngày ghê.Tôi lúng túng một hồi mới nhận ra cô Sen. Trước mắt tôi bây giờ là một thiếu phụ với nụ cười tươi, rạng rỡ, nhưng vẫn không làm phai đi trên khuôn mặt gầy những vết hằn khốn khó.
ĐOÀN LÊ Tặng anh tôi Anh làm khoa học, tôi là diễn viên nhà hát. Riêng điều đó đã không hợp nhau. Nhưng tuổi trẻ không chịu nghĩ chín chắn, chúng tôi cứ yêu nhau bất chấp mọi giông bão ở cả hai phía gia đình.
NGUYỄN NGỌC LỢITối đó bản Phiệt có buổi liên hoan văn nghệ. Cơm chiều xong Tản đưa tôi vào đó chơi. Chúng tôi đang chuẩn bị đi thì một cô đang dẹp đám cuốc xẻng trong góc lán nói vọng ra. Anh Tản mà đưa anh ấy đi thì có mà... Anh ấy đẹp trai, gái bản theo hết, mất phần đấy... Tản cười, cho theo bớt chứ một mình tôi... mệt lắm.
LÊ NGUYÊN NGỮTrong bối cảnh rạt rào gió bấc và nắng trải vàng như mật bên ngoài báo hiệu Tết sắp vê, con ngựa cũng đứng dạng bốn chân như lắng nghe câu chuyện đầy hoài niệm mà Tư Gồng bắt đầu kể tôi nghe. Giản dị vì đây là câu chuyện về chính nó, Tư Gồng trước kia đã lần khân hẹn khất với tôi chờ đến Tết Con Ngựa. Mà lúc này thì đã là cuối tháng chạp rồi.
NGUYỄN QUANG LẬPChiều ba mươi tết, Quỳ đạp xích lô ra ga, tính đón khách chuyến tàu vét rồi gửi xích lô, bắt xe đò về quê. Vừa vào sân ga, tàu chưa về đã có khách gọi, may thế. Khách là một trung niên mặt rỗ, quần bò áo thun, kính đen gọng vàng.
ĐỖ KIM CUÔNG1... Cho đến lúc sực tỉnh, tôi mới nhận ra con đường ra cánh đồng tôm và những vườn dừa dưới chân núi Đồng Bò.
HỒNG NHU Xóm phố nằm trên một khu đất trước đây là một dẫy đồi nghe nói vốn là nơi mồ mả dày đặc, phần lớn là mồ vô chủ không biết từ bao đời nay; và cũng chẳng biết nơi nào có nơi nào không, bởi vì gần như tất cả mồ mả ở đó đều đã bị thời gian mưa gió bào mòn, chẳng còn nấm ngôi gì cả.
TRẦN HẠ THÁP1*Gã nằm xuống thoải mái. Cảm giác mát lạnh của ghế đá còn rịn hơi sương buổi sớm thu giúp gã chợp mắt ngay. Công viên thành phố không chỉ là bạn đời của những ai không nhà, các tên chích choác, kẻ sống ngoài vòng luật pháp... Đây cũng là nơi khá thân quen đối với người như gã. Ít ra đã hơn bốn tháng qua, từ khi gã rời một khách sạn năm sao trong thành phố.
THÁI KIM LAN"Làm sao biết từng nỗi đời riêngĐể yêu thương yêu cho nồng nàn” Trịnh Công Sơn
THÁI KIM LAN(tiếp theo)
NGUYỄN ĐẶNG MỪNGLGT: Cuộc sống cứ lao về phía trước, song những tâm hồn đa cảm thì lại hay ngoảnh nhìn về phía sau. Nước nhảy lên bờ là ánh nhìn về những ngày đã qua giữa một vùng quê bình yên của “đêm trước đổi mới”. Một bức tranh quê sống động, dung dị song ngổn ngang những cảnh đời, những cảnh tình mà chúng ta không được phép quên, bởi tư duy đổi mới của đất nước hãy còn tiếp diễn...
VĨNH NGUYÊNNgô - bạn tôi rủ tôi về làng Chẻ.Đến thành phố H.H., tôi mượn chiếc xe máy của một người quen. Tôi chở Ngô về làng An Hải Trung.
I. Nàng là nhân vật chính của vở kịch. Vở kịch đang diễn ra. Những chủ đề về tình yêu và hôn nhân, về ước mơ và sự thật, về hoài vọng và định mệnh, về sinh ly và tử biệt, v.v và v.v... đan chéo và quyện chặt vào nhau, tạo nên một trường nghĩa lơ mơ lan man đầy ảo dị mà qua đó, những nhân vật còn lại cứ tông tốc xoay xỏa quanh một nhân vật trung tâm đang chơi trò mê hoặc: nhân vật chính.
Đó là lần thứ mười Malio quay về góc phố ấy. Phố hẹp, những căn nhà mặt tiền nhấp nhô, khách sạn lấp lánh đèn chen cửa hàng tơ lụa, phòng tranh sơn mài phương Đông sát với những quán cà phê nho nhỏ bài trí kiểu Tây phương...
Năm 1966 thầy Phan Linh dạy Toán lớp 7A tại trường cấp II xã Phúc Giang. Đó là năm chiến tranh phá hoại rất ác liệt. Máy bay Mỹ cứ nhằm những tụ điểm đông người thả bom. Học sinh đến trường phải đội mũ rơm. Để tránh bom đạn trường Phúc Giang phải sơ tán về các làng, các xóm học tạm. Lớp 7A của Phan Linh sơ tán về làng Mai.
Gió từ đại dương lồng lộng thổi qua cửa sông, qua bãi cát trắng xoá rồi vỗ đập vào những tàu lá dài ngoằng của loài dừa nước, oà vỡ những thanh âm xạc xào.
Đúng sáu năm tôi không trở lại thành phố ấy dẫu rằng trong lòng tôi luôn luôn có một nỗi ham muốn trở lại, dù trong sáu năm tôi giấu kín trong lòng mình điều đó, chôn thật sâu trong suy nghĩ của mình, chẳng hề nói ra.
Chúng tôi tìm được địa điểm chốt quân khá lý tưởng. Đấy là chiếc hang đá ở lưng triền núi; hang cao rộng vừa lõm sâu vào vách núi. Cửa hang được chắn bởi tảng đá khổng lồ, rất kiên cố; dù máy bay Mỹ có phát hiện thấy cửa hang mà phóng rốc két, đánh bom tấn thì người ở trong hang vẫn chẳng hề gì! B52 có rải thảm bom thì lại càng không ăn thua.
Sau khi dọn bàn ghế xong, bà Lan chọn chiếc bàn kê sát ngoài cửa ngồi trang điểm. Từ ngày mở quán, bà đâm ra có thói quen ngồi trang điểm như thế, vừa tiện việc mời chào khách, vừa có đủ ánh sáng đầu ngày.
Chiếc váy của Tuyl Cleng va quệt không ngớt vào mấy vạt cỏ hai bên vệ đường. Những chỉ hoa văn ở riềm váy trông như hai cánh tay chạy như bay xuống đồi. Cuốn vở học trên tay cô nhịp nhàng lên xuống như chiếc quạt diễn viên múa. Mùa xuân sắp đến, trời đất như rộng rinh thêm. Những con chim trao trảo, chèo bẻo, ta li eo... cũng hót vang bên rặng rừng, vui lây theo nỗi vui của Tuyl Cleng.