Bão nhỏ

09:10 24/05/2023

CHÂU SA

Tôi ngủ nhiều hơn từ khi thời tiết vào thu. Trong mơ, tôi thấy mình đang chạy trên cánh đồng mùa lạnh. Tôi trèo lên gò đất, nhìn ra xa và thấy một đàn chuột nối đuôi nhau bò về phía rìa cánh đồng.

Minh họa: Nguyễn Thiện Đức

Chúng chuyển động trong trật tự lặng lẽ, kéo thành hàng dài bất tận, những con đi đầu lần lượt biến mất sau lớp cỏ cao. Cảnh tượng thật lạ lẫm làm tôi cứ ngẩn ra nhìn, và khi toan nhảy theo để xem chúng đi đến đâu, tôi tỉnh giấc.

Tôi dụi mắt và đờ đẫn nhìn trần nhà một lúc trước khi ngồi dậy. Lúc này trời vẫn đang nắng sáng. Rèm cửa hơi lay động và tôi ngửi thấy mùi ngòn ngọt của đường nấu chảy theo gió đưa vào. Lúc bấy giờ, tôi mới nhớ mình đã ngủ mà quên đóng cửa ban công. Luồng không khí tươi mới bên ngoài cứ thế lọt vào căn hộ cùng gió lạnh, cùng những vệt nắng mỏng đang đung đưa trên sàn gỗ.

Cả chiều muộn tôi quẩn quanh dọn phòng và xếp lại kệ sách bằng gỗ thông, chiếm phần lớn diện tích bức tường. Đã quá lâu rồi tôi chẳng buồn dọn sách, giờ trông chúng lộn xộn chẳng theo trật tự nào. Vài cuốn chênh vênh như thể sắp rơi xuống đất. Tôi cầm khăn bông mỏng, nhẹ nhàng lau bụi ở bìa và gáy sách, rồi tỉ mỉ xếp lại từng cuốn theo ý muốn riêng. Những cuốn sách cũ hoặc ít hợp ý tôi nhất đặt ở dưới cùng, những sách ưa thích cất giấu trên các tầng cao. Tôi lau và soạn sách bằng sự cần mẫn, trìu mến. Sau cùng, tôi kê một cái ghế rồi trèo lên phủi bụi ở nóc kệ, nơi mà bấy lâu nay tôi chẳng buồn ngó đến. Trên ấy vẫn đặt chậu hương thảo chết khô từ lâu lắm, hồi mùa xuân. Tôi vụng về, không có tay trồng cây, và tự nhủ chẳng bao giờ trồng thứ cây gì nữa.

Bề mặt ghế trơn nhẵn, tôi bíu lấy kệ sách, cố vươn người đứng thẳng. Trên nóc, tiếng sột soạt khẽ vọng ra như thể có thứ gì đang chuyển động trên mặt gỗ. Tôi nhấc chậu cây lên. Một con chuột nhắt đang bò trên lá rụng, ngơ ngác như thể vừa rơi từ đâu đó xuống. Tôi hơi ngẩn người một chốc, vì căn hộ của tôi trước nay chưa có chuột bao giờ. Có lẽ thấy cửa sổ để mở, nó trèo vào, hoặc biết đâu, vừa vọt ra từ giấc mơ ban nãy.

Con chuột quá nhỏ, còn nhỏ hơn hai ngón tay tôi. Màu xám trên lông còn rất nhạt, có lẽ chỉ mới rời ổ được vài ngày. Con chuột giương đôi mắt đen sẫm nhìn tôi. Nó chưa biết sợ người.

Chuột”. Tôi lẩm bẩm, vừa lôi những chữ đó ra từ một góc xa xôi bụi bặm trong đầu. Sự xuất hiện của con vật làm tôi bối rối.

Con chuột không phải loài vật duy nhất trong phòng. Vài bận, tôi đã thấy một con nhện nâu bé tí, miệt mài giăng tơ ở gậm bàn ăn. Con nhện đó rất hay thẹn thùng. Mỗi lần thấy tôi tiến lại, nó ngay lập tức lẩn vào kẽ nứt của mặt đá. Đâu giống con chuột này, chỉ biết ngây ngốc bất động chờ tôi phán quyết. Chỉ cần một cú đập, con chuột sẽ chết ngay và tôi có thể quẳng nó ra ngoài cùng mớ rác. Tôi cúi đầu nhìn kỹ con vật nhỏ, bàn tay phủ lên mình nó mảng bóng đen âm u. Nhận thấy ác ý rõ ràng, con chuột hơi rúm lại, lùi sát mé tường, nhưng vẫn không bỏ chạy, chỉ run rẩy ngó tôi bằng đôi mắt ướt.

Tôi đột nhiên dấy lên lòng thương hại. Con chuột còn bé, quá non nớt, mới rời mẹ chưa bao lâu và không cách nào phòng vệ trước cuộc đời. Có lẽ nó không hiểu vì sao mới ra đời được mươi ngày đã bị giết. Tôi nghĩ, đành tha cho nó vậy. Căn hộ của tôi không có đồ ăn dự trữ, hay bất cứ cái gì có thể nuôi sống một con vật. Mọi đồ ăn giao đến ngày hai lần đều bị tôi ăn sạch cả. Nếu có tí rác rưởi hay đồ thừa nào cũng bị tôi tống ra cửa ngay cuối ngày, trước giờ xe rác đi qua. Vậy thì cứ kệ con vật ở đấy, tự sinh tự diệt. Sớm muộn gì nó cũng phải bỏ đi, hoặc chịu đói đến chết.

Tôi quyết định để mặc con chuột.

*

Tôi luôn là kẻ lương thiện vô hại, hay nói đúng hơn, tôi ngại phiền phức. Từ bấy đến nay tôi hầu như chưa từng giết con vật nào, cũng ít khi nảy sinh ác ý với ai. Trong năm tôi yêu nhất hai mùa thu đông bởi cảm giác dễ chịu và yên tĩnh. Từ một tuần nay tôi mở cửa ban công mỗi chiều, dù chỉ là mươi phút ít ỏi để chút nắng hiu hắt lọt vào bàn ăn. Mở cửa xong, lướt qua gương gỗ để bàn, thế nào tôi cũng dừng lại ngó mình một lúc. Da dẻ nhợt nhạt thiếu nắng, vẫn vết sẹo nâu dưới cằm và hình như vừa nổi thêm vài đốm tàn nhang bên má trái. Tôi cũng như căn phòng nhiều năm không thay đổi. Chỉ giá sách với kệ giày đầy lên theo ngày tháng dù tôi chẳng mấy lúc ra ngoài. Số lượng giày dép đến giờ đã mười sáu đôi. Việc mua thêm một món đồ luôn khiến tôi vui lên trong chốc lát.

Suốt tháng mùa thu ngày nào tôi cũng sống trong tâm trạng thanh thản tuyệt vời. Tôi thường tự tỉnh lúc chín giờ sáng, đun nước pha một cốc mật ong hoặc cà phê nóng. Một tiếng sau tôi bắt đầu mở máy tính làm việc, hoặc đọc cái gì đó, hay đứng ngắm nghía gia tài hơn ba trăm cuốn sách. Chừng nào mỏi mắt thì lăn ra ngủ. Tôi chẳng thích nấu nướng gì nên chỉ gọi đồ ăn ngoài. Tôi cũng không muốn giáp mặt với người giao hàng, nên luôn dặn thức ăn đưa tới cứ việc treo trên tay nắm cửa, tôi sẽ ra lấy. Áp lực đến vào buổi chiều, giờ vứt rác. Nếu sáu giờ xe rác đi qua thì tôi đã bắt đầu hơi lo âu từ lúc năm giờ. Quả là một tình huống thách thức thần kinh. Tôi sẽ thận trọng mở hé cửa, nhoài người ra từ bao lơn, cố quẳng túi rác vào thùng xốp đựng rác chung của cả khu nhà, cạnh bể nước tầng một. Thùng xốp cách tầm tay tôi khá xa. Thường thì tôi quăng trúng. Hôm nào lỡ vất ra ngoài mới thật phiền phức. Tôi phải vội vàng mở cửa chính, lao nhanh xuống tầng trước khi hàng xóm nhìn thấy túi rác giữa lối đi và réo lên. Nắng xói đột ngột và những thanh âm người xôn xao làm tôi choáng váng muốn ngã. Thần kinh vốn yếu ớt, hoặc do trú trong nhà thiếu nắng quá lâu, một tiếng động bất ngờ hay ánh sáng mãnh liệt cũng đủ làm tôi đau đầu hàng buổi. Vứt lại rác vào thùng, tôi rút lên cầu thang, chỉ thấy nhẹ nhõm khi sau lưng sập cửa. Đôi khi tôi thấy mình giống con thú dưới lòng đất, căn phòng trở thành chốn ẩn náu yên tịnh an toàn. Thế giới bên ngoài chẳng ích gì cho tôi. Tôi có thể sống cả đời như thế, với giấc ngủ ngon mỗi đêm và mười sáu đôi giày trên kệ.

*

Khi đợt gió mùa đầu tiên thổi vào lòng thành phố, tôi lôi chăn lông ra khỏi tủ đồ. Hình như tôi đã mua cái chăn vào mùa hè năm ngoái, giữa những ngày nắng oi kinh khủng nhất. Những quyết định quái gở kiểu đó nhiều đến mức từ lâu tôi chẳng buồn phân tích chính mình nữa. Cái chăn rất nhẹ, một mặt lót lông cừu trắng, mặt kia in hình những trái cam vàng. Tôi duỗi dài người trong chăn và lơ mơ ngủ.

Tôi chỉ thiếp đi được chừng mươi phút rồi bị đánh động bởi tiếng soàn soạt bất thường. Đêm vắng, lạnh sâu, những thanh âm kỳ quái bay lơ lửng trong bóng tối. Tôi lẹ làng nhỏm dậy, lần tay tìm công tắc điện. Ánh sáng lóe lên. Một con chuột nhắt biến thoắt vào gầm tủ.

Mất mấy phút tôi mới nhớ ra con chuột hồi trước. Nó không chết, thậm chí còn lớn lên thêm. Tôi ngồi trước tủ, rình chờ, nhưng con chuột không dám mò ra ngoài nữa. Nó biết sợ tôi, sợ ánh sáng đèn. Tôi quay lại giường, tiếp tục giấc ngủ bị quấy nhiễu.

Nhưng chừng vài hôm sau, có lẽ vì đói, con chuột lại mò ra ngoài. Tôi vốn thính ngủ nên nghe rõ mồn một tiếng động nó gây ra. Ban đầu con vật chỉ dám mon men lục thùng rác. Đêm sau nó trèo lên cả bàn ăn để nhặt vụn bánh mì. Lúc tôi bật đèn lên thì nó lại chạy biến.

Rồi có lẽ thấy tôi chẳng có hành động gì quyết liệt, con chuột bạo dạn dần. Đêm vừa xuống, nó đã mò ra, nhảy từ nóc tủ sang giá sách đánh soạt, hoặc chạy rầm rầm trên sàn nhà. Hết chạy, nó gặm chân tủ cành cạch. Nó xé các hộp giấy để đồ, cắn rách bươm lót giày của tôi. Con chuột có sức tàn phá tương đương một cơn bão nhỏ. Đồ đạc dưới đất không còn gì nguyên lành. Hễ tắt điện là nó lại mò ra, gặm nhấm thứ gì đó, mà bật đèn sáng thì tôi không ngủ nổi.

Chịu đựng phiền toái, tôi nghiến răng nguyền rủa con chuột. Đã mấy đêm tôi không tròn giấc ngủ ngon. Bị khua dậy giữa tầm ngủ sâu làm tôi phờ phạc cả người. Ban ngày tôi đờ đẫn, uống thêm mấy cốc cà phê cũng chẳng tỉnh táo bao nhiêu. Tôi không bắt nổi con chuột, dù ngày vài ba bận nhìn nó đu lên dây điện chạy qua phòng. Bốn chân con vật leo nhanh như ăn cướp. Tôi đứng dưới đất, cầm cán chổi dứ dứ, bất lực nhìn nó nhởn nhơ tung hoành.

Thật hoang đường, tôi tự nhủ, đâu ngờ có lúc đời mình lại khốn khổ vì một con chuột. Tôi đâu muốn làm hại nó, chỉ muốn hai bên lẳng lặng chung sống, chia sẻ căn phòng. Làm thế nào để nó hiểu thiện ý của tôi? Sự thông hiểu giữa người với người đã khó, nói chi tới một con vật? Hơn nữa, nhu cầu chia sẻ hay nối kết với người khác đã lịm tắt trong tôi từ lâu. Từ khi ý thức được tâm tính bản thân, tôi đã định rằng sẽ luôn một mình. Một mình, một sự thanh thản tuyệt đối. Căn phòng sau khi tôi sửa sang lại để chặn bớt thanh âm bên ngoài, trở thành thiên đường riêng giấu tôi khỏi ánh sáng cuộc đời. Không phiền nhiễu nào chạm được tới tôi. Tôi dựng lên một tiểu vũ trụ và rút mình vào đó.

Vậy mà giờ cuộc sống của tôi bị xáo đảo hết lên, chỉ vì một phút mủi lòng. Nhiều đêm bị khua dậy vì tiếng chuột chạy lạo xạo trong màng nhĩ, tôi đã ước gì nó to như một con chó cho tôi dễ dàng bắt lấy, rồi tròng dây vào cổ lôi đi. Ngay cả khi đang đờ đẫn mơ màng, tôi cũng biết mình vừa ước mong một điều bất khả. Thiếu ngủ lâu ngày, tôi thành kẻ cáu kỉnh thất thường. Sáng sớm vừa mở mắt dậy đã nhìn thấy con chuột bò loạn trên nóc tủ, tôi muốn gào toáng lên. Nhưng rốt cuộc tôi hạ giọng, hiểu rằng làm mấy việc tốn sức đó cũng vô ích thôi. Tôi quyết định tâm sự với nó. Dẫu sao, tôi cũng chẳng làm gì hơn được.

Thế là tôi ngồi xuống ghế, hướng về phía con chuột. Tôi nói căn phòng này chỉ có tôi và nó, thay vì gây phiền phức, tại sao không sống hòa hợp với nhau? Tôi kể về tuổi thơ đơn độc. Về chứng sợ hãi xã hội, về những năm dài đã sống một mình yên ổn, cho đến khi con chuột xuất hiện. Chuyện này sang chuyện khác, tôi lảm nhảm rất nhiều. Tôi nói sẽ sẵn lòng sẻ chia không gian sống, đặt mua thức ăn cho con chuột, chỉ cần nó đừng cắn phá nữa. Chúng tôi có thể dĩ hòa vi quý, chung sống hòa bình. Con chuột vẫn vắt vẻo trên nóc tủ, nhưng không bò đi ngay như mọi lần, mà mải nhìn tôi bằng đôi mắt ướt. Tôi nghĩ nó đã lây dính được phần nào tâm ý từ tôi. Có lẽ từ nay nó sẽ biết điều hơn. Tôi thực lòng hy vọng thế.

Ngay tối đó tôi đặt mua ngũ cốc cho con chuột. Nhưng đơn hàng còn chưa giao đến thì con chuột lại giở chứng. Một đoạn dây sạc máy tính bị cắn đứt, đong đưa ngay dưới mắt tôi. Tôi gào lên, lao về phía nó. Con chuột nhảy phắt từ bàn ăn lên tủ sách, biến ngay mất dạng. Buổi chiều, khi đơn hàng ngũ cốc đến, tôi điên tiết ném ngay xuống thùng rác.

Trở về, tôi đặt mua keo dính, bẫy chuột, thả vào trong bẫy đậu đỏ, cá khô, rồi giăng khắp nhà, nhưng nó không sa bẫy. Đồ tinh quái, tôi rủa thầm. Nó chẳng còn là con chuột nhắt run rẩy trên nóc kệ, sống chết tùy thuộc ý tôi. Giờ nó lớn thành con chuột cống to tướng, mắt, ria, mõm láo liên gian xảo. Nó chui rúc cùng khắp xó xỉnh, rồi vọt chạy qua nhà để lại những vệt nước ướt. Con chuột tha đủ rác từ đâu về rắc khắp phòng tôi. Giấy vụn, lông gà, tất rách cùng đủ thứ vỏ hạt. Ngày nào tôi cũng phải quét nhà. Thế này thì quá lắm!

Thật ra vẫn có cách để bắt được con chuột, tôi biết. Chỉ cần đóng cửa lại cho kín, cả cửa chính lẫn cửa sổ, gom toàn bộ đồ đạc cồng kềnh chất trong nhà tắm, dành ra hẳn một ngày để lùng sục, thế nào chẳng đập được nó trong một xó nào đấy. Nhưng tôi ngại phiền toái. Tôi thà chấp nhận sống chung với lũ, còn hơn là phải xáo tung cả nhà lên.

*

Một buổi sáng khi đang dọn nhà, ngoài rác rưởi con chuột tha về, tôi thấy còn có thêm một củ gì đó màu nâu to cỡ trái bóng bàn, nằm lăn lóc trên thảm. Gạt chổi qua, tôi toan hốt luôn vào túi rác. Nhưng lúc thử cầm nó lên ngắm nghía, tôi thấy củ vẫn tròn trịa nguyên vẹn, phía trên bắt đầu nhú mầm cây xanh mỡ. Nảy ý nghĩ ươm thử vào chậu gốm bỏ không, xem nó là cây gì.

Căn hộ tôi đang ở nằm trên tầng hai của một chung cư cũ. Dù phòng nào cũng có ban công trổ ra chừng thước rưỡi vuông để phơi quần áo, nhưng chẳng hiểu sao nước vẫn cứ rỏ tong tỏng xuống lối đi chung. Ban công của tôi trống trải nhất khu nhà này và vẫn còn đủ chỗ để chất thêm vài món đồ. Tôi mở cửa, gạt quần áo sang một bên rồi đặt chậu cây vào góc.

Con chuột càng ngày càng táo tợn, nó mò mặt ra cả đêm lẫn ngày. Khi tôi dọn lại kệ sách lần nữa, mới biết nó còn cắn cả những cuốn sách của tôi. Thà nó chỉ cắn tan một vài quyển. Tai ác ở chỗ mỗi quyển nó nhấm một tí ở bìa, rồi bỏ đó. Tựa như nó chỉ muốn trêu tức tôi. Có tới hơn mười cuốn bị cắn nham nhở như vậy. Tôi cầm sách trên tay, gần như phát khóc. Đến buổi trưa cơn uất của tôi còn chưa tan, thì con chuột đã trèo lên bàn ăn lúc tôi mới ăn được nửa bữa. Mặt người đối mặt chuột. Tôi đứng phắt dậy, nó lẩn xuống gậm bàn. Tôi quay đi rót nước, trở lại đã thấy con chuột bò giữa hộp cơm. Tôi trừng mắt, giậm chân, nó vẫn không sợ. Chờ đến khi tôi tiến lại, cách một tầm tay, nó mới chạy biến đi. Những hột cơm vung vãi cùng khắp.

Nhưng không rõ vì quen chịu đựng hay bởi vì giờ đã có chậu cây nên cơn giận của tôi tới lui nhanh trong thoáng chốc. Một ngày tôi đảo qua ban công mấy bận, ngắm chồi cây mập mạp non nớt, vươn lên nhọn như mũi tên xanh. Nó là cây gì, tôi chưa đoán ra được, càng không có ai quen để hỏi han. Tôi chỉ có thể làm hai việc: tưới nước và đợi chờ. Cái cây có vẻ ưa lạnh, mỗi ngày cao lên thấy rõ.

Cuộc đời của tôi lại quay về trạng thái phẳng lặng ngày trước, dù vẫn bị con chuột khuấy đảo. Tôi mặc kệ, sẻ chia không gian sống với nó. Mà cũng chẳng công bằng, bởi nó chiếm phần nhiều hơn. Nó để lại dấu vết khắp nơi. Ở đâu cũng có mảnh rác, cục phân lổn nhổn lẫn nước đái chuột. Một con chuột cống đủ làm hỗn loạn đời tôi. Nó biến thiên đường yên tĩnh của tôi thành biệt giam đọa đày. Tôi co cụm trên giường. Thậm chí cái giường cũng chẳng hoàn toàn thuộc về tôi: con chuột vẫn mò lên gặm nhấm lúc tôi vắng mặt. Vỏ trấu vung vãi trên gối nằm.

Tôi học cách chăm sóc cây. Đặt mua cả phân bón, xơ dừa, bình tưới phun sương. Đợi cái cây lớn hết, tôi chụp ảnh đưa lên mạng tìm. Kết quả trả về cho tôi cả một cánh đồng ngợp hoa tulip. Loại hoa lạ lẫm xứ lạnh từng nhìn trong tranh lịch ngày bé, bỗng dưng một ngày tôi có nó, rồi tự ươm trồng chăm bẵm ở ban công. Một tình cờ kì lạ. Tôi sờ tay lên thân cây tròn trịa, vuốt ve từng lá xanh thẫm vươn cao và khi chạm vào đầu cuống, nơi mới hé ra nụ hoa trắng dịu thì tay tôi run lên vì hân hoan. Buổi sáng biết mình sắp có một bông hoa trắng mang không khí của một ngày hội. Từ bấy ngày nào tôi cũng ghé ra ban công mấy lượt, âm ỉ ngóng chờ.

Chậu cây chớm nở vào một ngày cuối đông giá lạnh. Một ngày bình thường, không một dấu hiệu nhỏ cho tôi biết trước. Sự kiện ấy càng làm tôi phân tán chú ý với con chuột. Tôi cảm thấy, (hoặc sự thực) là hình như đã mấy ngày chuột biến mất không tăm tích. Quá nhiều việc đáng chúc mừng nên buổi tối tôi đã đặt một suất lươn nướng và uống hết nửa chai Moscato. Lần đầu sau nhiều tháng xáo động, tôi tìm lại cảm giác thanh thản tuyệt vời. Nó đã làm khổ tôi, con chuột quái quỷ ấy. Giờ nó đã chán cắn phá, đã bỏ đi, hoặc chết rồi chưa biết chừng.

Tôi lau sạch bàn, rửa ly rượu, hồi hộp chờ tulip nở bung. Ban công gió lộng. Chậu cây khuất trong góc tối, vệt trắng của cánh hoa mới hé sáng mờ trong đêm lạnh. Tôi mang chậu hoa vào nhà, đặt lên bàn ăn, ngồi rình từng phút. Nước trong bình bắt đầu réo, mùi cà phê ấm và thơm. Tôi mở lại một bản của Schubert và nghe những thanh âm đẹp đẽ tuôn khắp phòng.

Rồi tôi ngồi đó, ngắm mãi bông hoa dưới ánh sáng đèn. Tôi ngắm bằng sự kinh ngạc lạ lẫm như thể chưa từng biết tới một bông hoa nào trong suốt bao năm sống. Tôi vuốt ve bằng tay, bằng mắt, ghé mũi ngửi, đầu mũi chạm khẽ lên cánh hoa trắng ngà. Tulip là thứ hoa lâu tàn, tôi hình dung thấy niềm vui trải dài qua nhiều ngày nữa. Hoa đã nở. Chuột đã cuốn xéo. Tôi đi ngủ lúc ba giờ sáng, hơi kiệt sức, nhưng hài lòng. Ở trên bàn, ngay đó, đóa hoa đầu tiên của đời tôi.

*

Đêm, những thanh âm sục sạo mơ hồ lại xoáy vào tai tôi. Ly thủy tinh đổ bể. Tiếng chuột rúc lên từng quãng ngắn, chí chóe chạy góc này sang góc nọ. Lại con chuột chết tiệt ấy! Tôi muốn xua nó đi, nhưng quá mệt để mở nổi mắt. Đến chiều tỉnh dậy bàn ăn đã tan hoang. Bã cà phê hồi đêm vung vấy, chậu cây đổ lăn sát mép bàn. Tôi ngao ngán dựng nó lên, nhưng cây đổ gập xuống. Thân cây bầm dập những vết răng chuột cắn, bông hoa trắng rũ buồn. Sau khoảnh khắc đẹp đẽ là tai ương. Con chuột đã trở lại, càng điên cuồng phá hại sau nhiều ngày đói. Tôi không còn sức để phẫn nộ, chỉ đau đớn tự trách. Tại tôi mang chậu cây vào nhà, hoặc, xa hơn, đã dung túng con vật nhiều tháng dài. Đến giờ là quá đủ.

Tôi buông chậu cây, đứng phắt dậy. Vẻ mặt tôi mang quyết tâm của kẻ hiếu sát. Tôi chất những món đồ vụn vặt vào tủ, khóa kín, lẳng lặng quan sát căn phòng. Mọi cái cửa đã đóng hết hồi đêm, căn phòng giờ trở thành hộp vuông không kẽ thoát. Sau đó là cuộc săn lùng. Sách rơi, chén bát vỡ, rèm cửa rung lên, tôi mặc. Cầm cán chổi trên tay, tôi khua khắp xó xỉnh, lùng sục đủ ngóc ngách đến khi con chuột cuối cùng phải ló ra. Tôi đập hụt nó ba bốn lần. Tôi thở hồng hộc vì phẫn nộ, vì cả lâu ngày không vận động. Căn phòng tan hoang như thể trong cơn động đất. Tôi nhếch miệng cười, hài lòng hả dạ khi thấy nó hèn mọn chạy tháo thân khỏi cuộc săn đuổi. Con chuột trèo lên tủ sách, rúc đầu vào mọi kẽ nứt nó tìm được rồi kẹt cứng trong một khe gỗ hở. Nó ra sức quẫy, cái đuôi lở loét kinh hoảng vẫy vùng. Tôi ngần ngừ một thoáng trước lúc tóm nghiến cái đuôi con chuột, kéo phắt ra. Nó quay lại cắn trả, những cái răng nhọn ngấm buốt người. Tôi kêu thét, vung tay rẩy mạnh con chuột vào tường, con vật bầm dập rơi xuống đất. Nước bọt dâng đầy miệng khi tôi đăm đăm nhìn nó. Tôi bỏ con chuột vào hộp giấy, đứng sát ban công, mụ mị vung tay ném cái hộp xuống thùng rác. Lần này tôi quăng trúng. Cái hộp hình chữ nhật vừa vặn đáp giữa đống rác rưởi. Gập người chênh vênh trên gờ sắt, tôi cúi người nhìn xuống, cái hộp giấy mở toang, chẳng thấy con chuột trong đó nữa. Có thể nó đã choàng tỉnh lại, hay rơi dúi vào đống rác hỗn độn, tôi không biết rõ. Nhưng nó đã rời khỏi căn hộ này.

Sau cơn xáo động, tôi vẫn còn run rẩy. Tôi loạng choạng trở vào nhà tắm, chà tay mấy lượt xà phòng và nhổ nước bọt xuống bồn rửa. Tôi nhìn mình trong gương mờ hơi nước. Đứng mãi đó, gần như bất động, chờ đợi cơn giận dữ dịu vơi, tự nhủ mình cần trở lại căn phòng riêng và đời sống cũ. Cần xếp đặt lại trật tự cuộc đời trong hôm nay, dù mu bàn tay bắt đầu sưng tấy.

Những ngày cuối đông chẳng có mặt trời, tôi dọn nhà đến tận sẩm tối. Ngoài mấy món đồ vỡ hỏng, căn phòng gần như trở lại xếp đặt thân thuộc bấy nay. Tôi hài lòng đến độ muốn hát lên thành tiếng, muốn cười với tấm gương, tôi lâm vào một trạng thái gần như hạnh phúc. Cuối cùng, tôi mở tủ bếp để tìm dao thớt, tính tự nấu cho mình bữa tối ngon lành. Mùi hôi xộc ra khiến tôi lợm họng, đâu ngờ lâu nay con chuột biến tủ bếp thành nơi ẩn trú.

Lần đầu tôi khám phá hang ổ con chuột, bụi bặm xông gay mũi, góc tủ đầy chật vải vụn và lá khô. Mấy vệt hồng lạ lùng thấp thoáng giữa khoảng không tối mờ. Tôi phải soi đèn nhìn cho rõ. Một bầy chuột con chưa mở mắt im lìm nằm trong góc ổ. Chúng đang ngủ vùi.

Tôi chăm chú nhìn ngó bầy chuột non một hồi lâu, rồi chầm chậm đóng cửa tủ lại. Thật khẽ khàng, không để chúng thức giấc. Tôi quyết định đặt đồ ăn ở ngoài, và khi đợi người giao hàng tới, tôi ngồi trên ghế, giữa nhà, dõi mắt ngắm tủ bếp đóng kín, ủ giấu bầy chuột say ngủ bên trong, thấy những yên tịnh thanh thản đang nảy trong mình. Phía cao trên ban công, bầu trời đang ngả xám. Tôi biết hôm nay mình sẽ có giấc ngủ ngon lành, khi bóng đêm buông.

C.S
(TCSH410/04-2023)

 

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • PHAN TUẤN ANH- Anh ơi lên xe đi, xe chạy suốt Bắc Nam đấy.- Có đi Vinh hả anh, bao nhiêu tiền vậy?- Ôi dào! mấy chục ngàn thôi, lên nhanh đi anh ơi.

  • HOÀNG THỊ NHƯ HUYĐiện thoại di động trong túi rung lên báo tin nhắn đến, Luân uể oải mở ra xem. Khuya rồi sao còn ai nhắn tin nhỉ? Một số máy lạ với một dòng tin lạ hiện ra: “Bạn ơi tôi không biết bạn là ai nhưng tôi muốn bạn biết tôi sắp lìa xa cuộc sống này. Tôi đang tuyệt vọng”.Đúng là đồ khùng! Đồ dở hơi!

  • HOÀNG TRỌNG ĐỊNHPhòng giam chật chội, tối tăm...  Gần trần có một lỗ thông hơi. Bên ngoài lỗ thông hơi là bức tường tôn xám xỉn. Khe hở dài chừng 10 mét, rộng chừng 3 tấc, nằm song song và gần sát với mặt đường bên ngoài. Đứng trong phòng giam, từ lỗ thông hơi nhìn qua khe hở của bức tường, chỉ có thể thấy những bước chân người đi.

  • NGUYỄN TRƯỜNGThấy tôi ngồi chăm chú đọc thư, miệng cứ tủm tỉm cười, vợ tôi mới giả giọng, hỏi đùa:- Có việc chi thích thú mà cười một chắc rứa?- Có chuyện vui bất ngờ đấy em ạ! - Tôi vừa trả lời vừa kéo tay vợ ngồi xuống, rồi đọc lại một mạch toàn văn bốn trang thư của ba tôi từ Huế mới gửi vào.

  • VIỆT HÙNGGa H. một đêm mưa phùn ảm đạm.Khách chờ tàu nằm la liệt dọc các hành lang.Tôi bước vào phòng đợi, trong tâm trạng không vui mà cũng chẳng buồn. Tìm một chỗ ngồi bất kỳ…

  • TRẦN KIÊM ĐOÀN Ngôi nhà một thời là tổ ấm trên đồi bỗng trở thành rộng gấp đôi, gấp ba và vắng vẻ như một tòa lâu đài cổ từ khi Bé Út dọn ra khỏi nhà để lên miền Bắc học. Đứa con 18 tuổi trên đất Mỹ nầy rời nhà đi học xa thường có nghĩa là đang bước vào đời, ra khỏi vòng tay cha mẹ, thật khó lòng về lại. Những bước tiếp nối là học ra trường, kiếm việc làm, chọn nhiệm sở như cánh buồm đưa tuổi trẻ ra khơi. Bất cứ nơi nào có thể an cư lạc nghiệp trên 50 tiểu bang sẽ là nơi đất lành chim đậu. Tuổi thành niên tiêu biểu của văn hóa Âu Mỹ là tự lập, gắn liền với  vai trò chuyên môn và xã hội chứ không phải quanh quẩn với đời sống gia đình.

  • ĐỖ PHẤNĐêm rất khuya dưới chân núi H. Khó khăn lắm chúng tôi mới tìm được một con đò bằng tôn móp méo xác xơ. Chẳng hiểu ban ngày trông nó thế nào. Có lẽ đây là chiếc đò bị cấm lưu hành? Không thể có mặt ở bến vào ban ngày. Cũng là cấm làm phép. Dòng suối không có chỗ nào đủ sâu để có thể chết đuối.

  • ĐỖ KIM CUÔNGBây giờ bạn bè ít được gặp anh lang lang trên phố. Thảng hoặc dăm bữa nửa tháng, có khi hơn mới tóm được anh. Ấy là khi anh phải ra khỏi nhà đi nạp bài cho những tờ báo mà anh thường cộng tác, hoặc đi nhận nhuận bút một vài bài thơ lẻ in trên báo.

  • VŨ NAM TRỰC           Truyện ngắn

  • TRẦM NGUYÊN Ý ANHÔng Nhâm bước chầm chậm theo con đường tráng xi-măng ngoằn ngoèo trong con hẻm nhỏ. Căn nhà ông ở cuối xóm, một trệt, một lầu... mới tinh. Cánh cửa sắt đóng im ỉm. Ông ngồi bệt xuống nền xi-măng vì chân ông đã mỏi. Lẽ ra, khi mấy đứa con ông chưa bàn nhau cất lại căn nhà, ông đã có thể đẩy cánh cửa rào bằng tre và đàng hoàng bước vào nhà mình.

  • XUÂN CHUẨNĐể rồi tôi kể cho ông nghe về lai lịch cái quạt, để ông ông khỏi coi tôi là Thằng Bờm có cái quạt mo. Cái thời quạt điện quạt đá, máy lạnh mà cứ bo bo cái quạt kè, thỉnh thoảng lại đạp phành phạch như mẹ hàng cá thách lên giữa chợ. Cũng chẳng có gì li kỳ, hay mùi mẫn rơi lệ, chỉ là chuyện đời tầm phào.Hai ông trải chiếu ngồi giữa sân, nhâm nhi chén trà, ông Thân nói với đại tá Tiến về hưu như vậy khi đại tá ngỏ ý thích cái quạt kè của ông.

  • TRẦN THỊ TRƯỜNG  Bim chào đời vào lúc kém 19 phút. Trăng hạ tuần phun nhẹ màu đục của sữa vào bầu trời. Hôm sau trời lất phất mưa. Bố nói với bà ngoại trước khi đi làm: "Nếu không thấy con về thì bà giúp con cùng nhà con nuôi cháu". Câu nói ám ảnh làm trí tưởng tượng của bà ngoại nhiều lần thắt lại. Sau này nhiều khi bà ngoại sợ cả cái bóng của mình.

  • NAM TRUNG Ông Hãnh cứ đi tới đi lui trong phòng khách nhà ông, vừa đi vừa quạu cọ lẩm bẩm: thằng Hùng nó nói vậy là nó có ý coi thường mình, nó dám trứng khôn hơn vịt. Rồi mày sẽ biết tay ông. Ông sẽ cho mày còn lâu mới được vào Đảng, ông sẽ bác tất cả những đề xuất về mày...

  • HOÀNG THÁI SƠNKhi tôi lớn lên thì nội tôi đã mất từ lâu nhưng thỉnh thoảng dân làng vẫn nhắc đến người với niềm cảm mến về những chuyện không ít ly kỳ. Ông tôi rất khoẻ, người tròn vo, đen như sừng, tục danh Cu Trắt - phương ngữ vùng quê tôi nghĩa là nhỏ và rắn chắc. Ông ham mê võ thuật, thạo côn quyền, thuở trai thường đóng vai ông địa trong đám múa lân. Đám múa năm nào hễ thiếu ông là coi như nhạt trò, dân làng chẳng ai buồn xem. Người ta đồn ông tôi tài ba lỗi lạc, như có thể đi trên lửa, nhảy qua nóc nhà, còn những thứ chui vào hậu cung đình làng mà không cần dở ngói là xoàng... Kho chuyện về ông ngày càng dày do mồm miệng dân gian thêu dệt thêm, tuy nhiên trong đó nhiều chuyện là có thật.

  • PHAN XUÂN HẬUTôi trở về quê sau mười năm xa cách. Quê tôi nằm cuối con sông Vẹn, con sông này là nhánh của sông Dinh, bắt nguồn từ dãy núi Gám, chảy qua bến Dền. Nơi đây xưa kia là kinh đô của vua Dền. Vua Dền tụ tập lực lượng chống lại nhà Trần khi đó đang trấn áp nhà Lý. Vua Dền là hậu duệ của Lý Thái Tổ, ông không chịu sự chuyên quyền của vua tôi Trần Thủ Độ bèn lập căn cứ ở miền Tây Yên Thành, tức quê tôi, và Dền là kinh thành của ông, dân quen gọi ông là vua Dền.

  • NGUYỄN VĂN VINHTết Mậu Thân năm ấy tôi tròn mười sáu tuổi. Soi gương, tôi thấy y xì một con bé tóc lơ xơ hoe nắng, xấu tệ.

  • CHÂU DIÊNĐơn vị của tôi đi bộ từ một tỉnh miền Trung, lên qua Mường Phăng thì Điện Biên đã giải phóng. Sau một tháng đi bộ nhưng gần như chạy bộ, chúng tôi được phép nghỉ lại hai ngày ở một bản, hồi đó bản này nằm khá sâu trong rừng, nhưng nay thì nó đã ở bên một nhánh đường mới làm dẫn ra phố huyện Tuần Giáo để nối vào con đường số 6 chạy tuốt lên Điện Biên Phủ.

  • NGUYỄN TRƯỜNGLàng Hạ nằm phía hạ nguồn sông La Ngà. Đất chật. Người đông. Đói nghèo thành nếp. Hồi hai bên đánh nhau, nơi đây là vùng địch hậu. Giải phóng hơn chục năm mà làng Hạ đói nghèo vẫn hoàn nghèo đói. Không ít người bỏ làng đi xa chẳng thèm ngoái cổ nhìn lại. Vậy mà hơn mười năm lại đây, nhờ vực dậy cái nghề tơ tằm truyền thống vốn có từ xưa, làng Hạ đang trở thành một làng nghề giàu có nhất nhì trong vùng. Nhà cũ lỗi thời phá đi xây mới. Đường làng bùn lầy được thay bê-tông. Trường tiểu học tranh tre nứa lá hồi nào nay lên hai tầng. Điện lưới dọc ngang khắp làng đã đẩy năng suất ươm tơ kéo sợi lên cao chưa từng thấy. Chất lượng tơ tằm đạt chuẩn xuất khẩu. Hàng bán chạy hơn cả tôm tươi. Thu nhập người dân ngày một cao.

  • LÊ TRÂMNgồi với tôi và Kh là một đôi nam nữ còn khá trẻ. Chàng thanh niên, theo lời gã, vừa mới về từ Thái Lan sau khi trúng một hợp đồng béo bở. Gã là đại diện của một công ty xuất nhập khẩu nổi tiếng ở bên ấy.

  • NGÔ TỰ LẬPCó lẽ tôi đã ngủ rất lâu trước khi bị lay dậy một cách dữ dội. Tôi cố nằm thêm, mặc dù đó không phải là thói quen của một người lính cũ. Thường thì tôi bật dậy ngay. Trước khi tôi vào lính, cha tôi, một đại tá từng trải ba cuộc chiến tranh, chỉ dặn mỗi một câu: “Hãy chồm dậy ngay tiếng còi báo động đầu tiên!”. Lời dạy của ông tôi làm theo trong suốt thời gian tại ngũ và cả khi giải ngũ. Nhưng có những lúc ta không làm chủ được mình. Tôi thấy mình đau ê ẩm và phải một lúc khá lâu sau tôi mới chậm chạp mở mắt.