Bao giờ mới thật sự có công trình mang tên “nhà văn Việt Nam hiện đại”

14:56 16/10/2008
NGUYỄN KHẮC PHÊ(Nhân đọc “Nhà văn Việt Nam hiện đại” - Hội Nhà văn Việt Nam xuất bản, 5-2007)Trong dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Hội Nhà văn Việt Nam (1957-2007), Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam (HNVVN) đã xuất bản công trình quan trọng “Nhà văn Việt Nam hiện đại” (NVVNHĐ), dày 1200 trang khổ lớn, tập hợp chân dung trên một ngàn nhà văn các thế hệ, từ các cụ Ngô Tất Tố, Phan Khôi… cho đến lớp nhà văn vừa được kết nạp cuối năm 2006 như Nguyễn Danh Lam, Nguyễn Vĩnh Tiến, Phan Huyền Thư…

Trong “Lời giới thiệu”, Chủ tịch HNVVN Hữu Thỉnh đã nói rõ nguyên nhân dẫn đến một số thiếu sót của cuốn sách, chủ yếu là tư liệu về một số nhà văn không đầy đủ ( có khi do “tác giả đã lãng quên nhiều chi tiết” hoặc “chính tác giả chỉ muốn nói về  mình đến mức ấy…”); đồng thời ông “ao ước” công trình này, “có thể là một gợi ý cho một cái nhìn tổng quan hoặc góp phần làm nẩy sinh những công trình nghiên cứu văn học khác nữa…”
Trên tinh thần này, xin bỏ qua các thiếu sót về biên tập hoặc do chính các nhà văn không chu đáo trong việc cung cấp tư liệu…, để tập trung vào một số mặt có ý nghĩa hơn:

1. So với công trình cùng tên, cũng do HNVVN ấn hành 10 năm trước (năm 1997), thì lần xuất bản này đầy đủ hơn về số lượng nhà văn (1155/ 786) và nhiều chân dung nhà văn (gồm ảnh, tiểu sử, quá trình công tác, sáng tác, những tác phẩm chính, các tặng thưởng và quan niệm về nghề văn) cũng được tu chỉnh hoặc chọn lọc hơn. Như vậy, nếu “khoanh vùng” trong phạm vi các nhà văn là hội viên HNVVN, thì công trình xuất bản lần này rất có ích cho các nhà nghiên cứu và những ai quan tâm đến văn học nước nhà. Tuy vậy, ở một số tác giả có quá trình “phức tạp” (như Hữu Loan, Phùng Quán, Trần Dần, Lê Đạt…) bạn đọc không thể thoả mãn với cách lược ghi, đại thể như với Phùng Quán, “quá trình học tập, công tác, sáng tác” chỉ vẻn vẹn một dòng: “Tham gia quân đội trong thời kỳ chống Pháp, sau chuyển sang làm công tác văn hoá”. Đã đành, đây là một sự chọn lựa khó khăn của Ban biên tập, nhưng vụ “Nhân văn” đã qua nửa thế kỷ (thời gian cho phép “giải mật” nhiều loại hồ sơ…), một số tác giả lại vừa được tặng “Giải thưởng Nhà nước”, thiết nghĩ Ban chấp hành HNVVN không nên tránh né một sự thật mà thiên hạ đều đã biết.

2. Trên 350 nhà văn được bổ sung trong lần in này, đương nhiên hầu hết là những nhà văn được kết nạp trong 10 năm qua. Vấn đề chính là ở những “biệt lệ” - một số ít nhà văn được bổ sung, tuy không phải là “hội viên”. Trong phần “Các nhà văn mất trước khi thành lập Hội”, bổ sung thêm nhà văn Vũ BằngLan Khai. (Thực ra, xếp Vũ Bằng vào phần này là một sự khiên cưỡng, vì ông mất năm 1984 mà HNVVN thành lập năm 1957!). Phần tiếp theo “Các nhà văn chưa hội viên hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ”, bổ sung thêm nhà thơ Ngô Kha. Trước hết, cần ghi nhận thiện ý của Ban biên tập đã bước đầu có sự nhìn nhận, đánh giá lại cống hiến của các nhà văn không (hoặc chưa) phải là hội viên HNVVN. Thực ra, danh hiệu “hội viên” chưa phải là căn cứ duy nhất để đánh giá, xếp loại nhà văn. Dễ thấy hơn cả là trường hợp nhà văn khá nổi tiếng Nguyễn Mạnh Tuấn đã không có mặt trong cuốn sách này, chỉ đơn giản là vì anh đã xin ra khỏi HNVVN, mà theo tôi được biết thì vì anh “không thích”, chứ không  phải vì bất mãn hay “bất đồng chính kiến”. (Một số ít nhà văn từng có tên trong lần xuất bản trước, nay “vắng mặt” thì lại vì những lý do ngoài văn chương).

Như vậy, vấn đề đặt ra là: Những nhà văn không (hoặc chưa) phải là hội viên HVNVN, được bổ sung dựa theo tiêu chí nào? Cuốn sách ghi tên “tác giả” là “Ban chấp hành HVNVN”, như thế “tiêu chí” do “mục đích, tôn chỉ…” của “tác giả” định ra. Có thể dễ dàng thấy rõ một tiêu chí quan trọng là các nhà văn phải tham gia cách mạng và kháng chiến. Nếu quả vậy, đã đưa Vũ Bằng (mất 1984) vào sách, vì sao không đưa Hồ Chí Minh, Sóng Hồng vào? Chúng ta đều biết, hai tác giả này (và một số đồng chí khác nữa như Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ, Xuân Thuỷ) đã được đưa vào nhiều bộ từ điển văn học xuất bản trước đây. Ngay trong cuốn “Từ điển tác giả văn học Việt thế kỷ XX" do Trần Mạnh Thường biên soạn (NXB Hội Nhà văn 2003), cũng đã dành nhiều trang cho các tác giả vừa nêu. Bạn đọc cũng không hiểu vì sao lại chưa thấy Hồ Vi (tác giả “Lời quê” đã in trong “Tuyển tập thơ kháng chiến”) và Quỳnh Dao (tức Đinh Nho Diệm, tác giả tập “Tơ trăng”, trong đó có 2 câu nhiều người thuộc, từng được trích dẫn trong “Thi nhân Việt Nam”: “…Một hàng Tôn Nữ cười trong nón / Sông mở lòng ra đón bóng yêu…” Hai nhà thơ này đều mất trong kháng chiến chống Pháp. Theo Phùng Quán (Xem bài “Nhà tiên tri tầm cỡ đại đội” trong “Ba phút sự thật” - NXB Văn nghệ, 2005), thì Hồ Vi mất do vấp phải mìn trên đường đi ở Quảng Trị còn Quỳnh Dao, sau khi Tạp chí Đông Tây bị Sở Liêm phóng Pháp đình bản, đã đem vợ con về quê hoạt động trong phong trào phản đế cứu quốc ở miền Trung cho đến cách mạng tháng Tám. (Theo “Văn phẩm Quỳnh Dao” của Anh Chi, NXB Thanh Niên 1999). Nếu tôi không lầm thì hai ông không được công nhận liệt sĩ (vì không phải hy sinh khi đánh giặc), nhưng việc tham gia cách mạng và kháng chiến của hai ông là rất rõ ràng. Chẳng lẽ, “tiêu chí” để công nhận ai được đưa vào sách NVVNHĐ lại áp dụng tiêu chuẩn cấp bằng “Tổ quốc ghi công”?... Và cuốn sách còn để sót những ai nữa?...

3. Điều quan trọng hơn là cuốn sách đã mang một cái tên không xứng hợp. Vì rõ ràng là khiếm khuyết, khi cuốn sách mang tên “NVVNHĐ” mà lại không có Vũ Trọng Phụng, Khái Hưng, Phạm Duy Tốn, Hồ Biểu Chánh,… và rất nhiều nhà văn khác đã từng được khẳng định vị trí trong các bộ từ điển về văn học xuất bản trong những năm gần đây. Đó là chưa nói đến các nhà văn sống và viết ở miền Nam trước 1975, trong đó có một số tên tuổi gần đây đã được báo chí và Nhà xuất bản trong nước giới thiệu như Nguyễn Mộng Giác, Thanh Tâm Tuyền, Dương Nghiễm Mậu…
Như vậy, một là chọn cách làm “an toàn”, tránh điều ra tiếng vào, chỉ đóng khung trong phạm vi “Hội viên HNVVN”; còn nếu đã là một công trình nghiên cứu về “NVVNHĐ” và “với lòng mong mỏi được trở thành một tài liệu tham khảo cho tất cả những ai quan tâm tìm hiểu nền văn học Việt Nam hiện đại” (“Lời giới thiệu” của Chủ tịch Hội Hữu Thỉnh”) thì không thể tránh né những vấn đề phức tạp do lịch sử để lại, phải thấy rõ khuynh hướng “mở rộng” như trên là tất yếu, đồng thời là một đòi hỏi chính đáng và cấp thiết của nhiều người, nhất là khi đất nước đã thống nhất hơn ba chục năm, đang mạnh mẽ hoà nhập vào thế giới, Đảng và Nhà nước thì luôn khẳng định lập trường hoà giải hòa hợp dân tộc.

Đã đành, trong điều kiện Việt hiện nay, việc đánh giá tác giả, tác phẩm văn học khó tránh được sự chi phối của ý thức hệ, nhưng chúng ta đều biết, văn học còn có những giá trị trường tồn, vượt qua ý thức hệ. (Đó là chưa nói đến bản thân “ý thức hệ”, theo đúng tinh thần cách mạng của C. Mác là không ngừng thay đổi và phát triển. Nếu ai không tin hoặc “sợ” nói đến điều này, xin cứ mở văn kiện Đại hội X so với đường lối của Đảng trước đây sẽ rõ). “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, hay “Chí Phèo” của Nam Cao là những bằng chứng hiển nhiên rằng: Trong một chế độ phản tiến bộ, vẫn có nhà văn viết nên những tác phẩm có giá trị lâu bền. Đã đến lúc, cần phải đặt thẳng vấn đề: Chẳng lẽ suốt 20 năm (1955-1975), những sáng tác văn học ở miền đều là thứ “vứt đi”, không đáng đếm xỉa gì đến? Dù biết đây là vấn đề “nhạy cảm” và phải cân nhắc thận trọng, nhưng nhất thiết không thể né tránh vì chúng ta từng có những bài học đau đớn, do nhận thức ấu trĩ, đã có thời muốn “vứt đi” những di sản văn hoá tiền nhân để lại, muốn “vứt đi” cả những tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng!

Thực ra, vấn đề lớn hơn, hệ trọng hơn là chuyện của các nhà văn và tầm mức một cuốn sách. Chúng ta đều biết, do những hoàn cảnh lịch sử cụ thể, bọn “ngoại bang” đã bao phen muốn vĩnh viễn chia cắt đất nước ta, hoặc ít ra cũng làm cho Việt ta yếu hèn đi. Nay, với những hy sinh lớn lao của nhân dân ta mà không một phép tính nào đo đếm được, đất nước đã thu về một mối, đã thống nhất trên ba chục năm; không lẽ chúng ta vẫn cứ muốn tự “chia cắt”, tự “gạt bỏ” người này nhóm kia với một lý do chưa hẳn đã xác đáng, để tự làm nhỏ đất nước mình lại?
Vì vậy, có thể nói công trình nghiên cứu “NVVNHĐ” vẫn đang là một “món nợ” của các nhà nghiên cứu văn học, của hai cơ quan hàng năm được Nhà nước tài trợ thực hiện các đề tài nghiên cứu là HNVVN và Viện văn học Việt Nam… đối với bạn đọc yêu văn chương.
N.K.P

(nguồn: TCSH số 221 - 07 - 2007)

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • TRẦN ĐÌNH SỬTôi có duyên làm quen với Trần Hoàng Phố đã hai chục năm rồi, kể từ ngày vào dạy chuyên đề thi pháp học ở khoa Văn Đại học Sư phạm Huế đầu những năm 80. Hồi ấy anh đã là giảng viên nhưng theo dõi chuyên đề của tổi rất đều, tôi biết anh rất quan tâm cái mới. Sau đó tôi lại tham gia Hội đồng chấm luận án tiến sĩ của anh, được biết thêm anh là một người đọc rộng, uyên bác.

  • TRẦN THUỲ MAI(Đọc tập thơ "Quê quán tôi xưa" của Trần Hoàng Phố, NXB Thuận Hoá - Huế 2002)

  • NGUYỄN KHẮC PHÊNhà văn Nguyễn Quang Hà, trong lời bạt cuốn tiểu thuyết mượn câu thơ nổi tiếng của nhà thơ Cao Bá Quát (“Trường giang như kiếm lập thiên thanh”) làm nhan đề, đã xem đây là “những kỷ niệm đầy yêu thương suốt dọc đường chiến tranh” của mình.

  • VỌNG THẢO(Về tập sách "Vì người mà tôi làm như vậy" của Hà Khánh Linh – NXB Hội Nhà văn – 2002)

  • NGUYỄN THỊ GIANG CHIF.Kafka là một trong những nhà văn lớn nhất của thế kỷ XX, một hiện tượng văn học rất phức tạp, có ảnh hưởng rộng lớn đối với tiến trình phát triển của văn học thế giới, đặc biệt là ở phương Tây.

  • YÊN CHÂU(Đọc “Gặp lại tuổi hai mươi”(*) của Kiều Anh Hương)Ngay bài thơ in đầu tập “Vùng trời thánh thiện” có hai câu đã làm tôi giật mình, làm tôi choáng ngợp:                “Những lo toan năm tháng đời thường                Như tấm áo chật choàng lên khát vọng”

  • VỌNG THẢO... " Đôi trai gái đến nhót từ trong thau ra mỗi người một con cá ngậm ngang mồm, trút bỏ áo quần, trần truồng dắt tay nhau xuống nước. Hai con cá ấy là lễ vật dâng Thần Đầm. Chúng sẽ chứng kiến cái giờ phút linh thiêng hòa nhập làm một của đôi vợ chồng mới cưới, ngay trong lòng nước... Cuộc giao phối xong, đôi trai gái mới được há miệng. Hai chú cá liền bơi đi...".

  • VŨ NGỌC KHÁNH.(Đọc sách Phan Bội Châu- Toàn tập do Chương Thâu sưu tầm, biên soạn. Nhà xuất bản Thuận Hoá và Trung tâm Văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây- 2000)

  • VỌNG THẢO(Đọc “Quỷ trong trăng’ của Trần Thuỳ Mai)Đối với người cầm bút, trong những ý niệm thuần khiết nhất của trí tưởng tượng, mỗi người đều có những nhận thức và ám ảnh khác nhau. Riêng Trần Thuỳ Mai, ý niệm thuần khiết trong trí tưởng tượng của chị là một bến bờ xa vắng, nơi ẩn chứa những hạn cuộc huyễn hoặc và khát khao tận cùng trước giả, thật cuộc đời. Đó cũng là điều chị đã gửi gắm trong tập truyện mới: “Quỷ trong trăng” (NXB Trẻ - 2001), tác phẩm văn xuôi được giải tặng thưởng hàng năm của Liên hiệp Hội VHNT Thừa Thiên Huế.

  • NGUYỄN THỊ LÊ DUNGBao đời nay, thơ vẫn là một hằng số bí ẩn bảo lưu chất trẻ thơ trong tâm hồn con người. Nó gắn với đời sống tâm linh mà tâm linh thì không hề có tuổi, do vậy, nên dù ở chu kì sinh học nào, người ta cũng sống với thế giới thi ca bằng trái tim không đổi màu.

  • TẠ VĂN SỸĐọc tập thơ CÁT MẶN của LÊ KHÁNH MAI, NXB Hội nhà văn - Hà Nội 2001

  • LÊ THỊ MỸ ÝĐọc tập truyện ngắn "NGƯỜI ƠI" - Lê Thị Hoài - NXB Thuận Hoá 2001

  • HỒNG DIỆUVâng. Thơ của nhà thơ Nguyễn Bính (1918-1966) viết ở Huế, trong đó có thơ viết về Huế và thơ viết về những nơi khác.

  • HÀ VĂN LƯỠNGBài viết này như là một nén nhang tưởng niệm nhà văn Aitmatov vừa qua đời ngày 11-6-2008)

  • UYÊN CHÂU(Nhân đọc “Mùa lá chín” của Hồ Đắc Thiếu Anh)Những ai từng tha phương cầu thực chắc chắn sẽ thông cảm với nỗi nhớ quê hương của Hồ Đắc Thiếu Anh. Hình như nỗi nhớ ấy lúc nào cũng canh cánh bên lòng, không dứt ra được. Dẫu là một làn gió mỏng lướt qua cũng đủ rung lên sợi tơ lòng: Nghe hương gió thổi ngoài thềm / Trái tim rớm lệ trở mình nhói đau (Đêm nghiêng).

  • LGT:Rainer Maria Rilke (1875 – 1926) người Áo, sinh tại Praha, đã theo học tại Praha, Muenchen và Berlin triết học, nghệ thuật và văn chương, nhưng không hoàn tất. Từ 1897 ông phiêu lưu qua nhiều nước Âu châu: Nga, Worpswede (Ðức) (1900), Paris (1903) và những nước khác trong và sau thời thế chiến thư nhất (Thụy sĩ, Ý…). Ông mất tại dưỡng viện Val-Mont vì bệnh hoại huyết.

  • Giới thiệu tập thơ đầu tiên của anh Khúc ru tình nhà thơ Ngô Minh viết: “Toàn từng làm thơ đăng báo từ trước năm 1975. Hơn 20 năm sau Toàn mới in tập thơ đầu tay là cẩn trọng và trân trọng thơ lắm lắm”.

  • 1. Trước khi có cuộc “Đối thoại với Cánh đồng bất tận” trên báo Tuổi trẻ tháng 4. 2006, Nguyễn Ngọc Tư đã được bạn đọc biết đến với tập truyện ngắn Ngọn đèn không tắt, giải Nhất trong cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi XX (lần 2) năm 2000, được tặng thưởng dành cho tác giả trẻ của Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam năm 2000, giải B của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2001…

  • Nhân ngày 9/5 chiến thắng phát xít Đức.

  • ...Đưa người ta không đưa qua sôngSao có tiếng sóng ở trong lòng?...