Bạch Đằng giang trong thơ truyền thống

09:17 03/11/2017

LÊ XUÂN MINH THAO

Sông Bạch Đằng, một nhánh sông Kinh Thầy đổ ra biển nằm giữa Quảng Ninh và Hải Phòng - nơi từng diễn ra những trận đánh quân xâm lược bằng đường thủy vang dội, quyết liệt; nơi hội tụ sức mạnh và chiến công dân tộc, chảy nối các thế hệ, thời đại, trở thành biểu tượng tinh túy của non sông: “Trăm con sông đều muốn hóa Bạch Đằng” (Chế Lan Viên).

Ảnh: daophatngaynay.com

Bởi thế, chỉ nói riêng trong lịch sử văn học thời trung đại đã nhiều cây bút tên tuổi như Trần Minh Tông, Trương Hán Siêu, Nguyễn Sưởng, Nguyễn Trãi, Nguyễn Mộng Tuân… đều viết về dòng sông anh hùng này. Nhưng đầu tiên phải nói đến Trương Hán Siêu với bài Phú sông Bạch Đằng; là một áng văn tràn đầy lòng yêu nước, tráng chí chất ngất, cùng tinh thần tự hào dân tộc và hàm chứa một triết lý lịch sử sâu sắc khi nhìn nhận nguyên nhân thành công của dân tộc trong sự nghiệp đánh giặc giữ nước. Trận thủy chiến lịch sử oanh liệt trên sông Bạch Đằng được tái hiện khá rõ nét và hấp dẫn qua lời kể vô cùng nhiệt tình và hào hứng của các bô lão - những nhân chứng lịch sử (nhân vật được tác giả hư cấu):

Đây là chiến địa buổi Trùng Hưng Nhị Thánh bắt Ô Mã,
Cũng là bãi đất xưa, thuở trước, Ngô chúa phá Hoằng Thao.

Những tháng năm oanh liệt chống giặc phương Bắc của người Đại Việt ta cứ hiện dần lên rõ nét và hấp dẫn vô cùng. Tinh thần chiến đấu của quân dân thật oai hùng tương xứng với khí phách đánh giặc giữ nước của dân tộc ta qua hàng thế kỉ. Sông Bạch Đằng, chứng tích hào hùng của lịch sử gắn với hai vị vua anh minh Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông. Đặc biệt dòng sông lịch sử đã gắn liền với những chiến thắng vang dội. Năm 938, Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, giết chết tướng giặc Hoằng Thao. Một sự kiện lặp lại trong lịch sử, không hề ngẫu nhiên, bởi sau Ngô Quyền, năm 981, danh tướng Phạm Cự Lạng của vua Lê Hoàn cũng từng tiêu diệt quân Tống xâm lược ở chính nơi đây. Tròn ba trăm năm mươi năm sau (năm 1288), cũng trên dòng sông đó đã diễn ra một trận đánh hủy diệt, đã bắt sống tướng Ô Mã Nhi. “Thuyền bè muôn đội, tinh kì phấp phới,/ Hùng hổ sáu quân, giáo gươm sáng chói,/ Trận đánh được thua chửa phân/ Chiến lũy bắc nam chống đối/ Ánh nhật nguyệt chừ phải mờ/ Bầu trời đất chừ sắp đổi… (Phú sông Bạch Đằng). Đó là sự hùng hậu của thuyền bè chiến đấu “thuyền bè muôn đội”, và những lá cờ “tinh kì” tung bay phấp phới trên đỉnh mỗi con thuyền. Đó là đội quân tinh nhuệ của ta với tinh thần chiến đấu hừng hực cùng ánh sáng chói của những đao gươm “Hùng hổ sáu quân, giáo gươm sáng chói”. Và cuộc chiến đấu diễn ra trong khung cảnh ác liệt nhất khi hai bên giao chiến cân tài ngang sức, chưa phân thắng bại. Khí thế của chiến trường, cùng với khói lửa ngút trời bốc lên cao mãi, che lấp cả mặt trời, mặt trăng, khiến cho bầu trời đất dường như muốn đổi sắc. Không khí chiến trận bừng bừng báo hiệu một cuộc thủy chiến kinh thiên động địa. Thật là một đoạn văn tuyệt kỹ, hừng hực hào khí Đông A, thể hiện ý chí quyết chiến, quyết thắng của quân dân Đại Việt từ xưa chưa từng có bao giờ.

Bên cạnh Trương Hán Siêu, tiếp đến Nguyễn Sưởng, một nhà thơ đời Trần chỉ với bốn câu thơ cũng đã ca ngợi đầy đủ những chiến tích trên sông:

Mồ thù như núi, cỏ cây tươi,
Sóng biển gầm vang, đá ngất trời.
Sự nghiệp Trùng Hưng ai dễ biết,
Nửa do sông núi, nửa do người.


Vẻ đẹp con sông vẫn mãi được ca ngợi bởi sự hùng vĩ, như thể tạo hóa đã sắp sẵn nơi đây thành đất hiểm, dữ dội, linh thiêng, thành chiến địa vùi chôn tham vọng ngông cuồng của bất cứ bọn xâm lược ngoại bang nào, bất kể chúng từ đâu tới. Sông Bạch Đằng trong cái nhìn thi nhân có một địa thế hùng vĩ, oai linh; mang một dáng hình đầy sức sống: cỏ cây, tươi tốt. Nguyễn Sưởng đã ngầm định một logic trong câu thơ thứ nhất này: chiến thắng năm xưa là cội nguồn của cuộc sống tươi đẹp ngày hôm nay, sức sống của hiện tại bắt nguồn từ chiến công trong quá khứ. Nhưng mặc cho thời gian, trời đất biến thiên, Bạch Đằng vẫn giữ khí chất oai hùng của mình: Sóng biển gầm vang, đá ngất trời. Tư thế của Bạch Đằng là tư thế sẵn sàng xung trận đầy thách thức. Trong lòng sông như vẫn tiềm tàng sức mạnh vô song. Ngợi ca địa thế hùng vĩ của dòng sông, cũng là cách Nguyễn Sưởng khẳng định vai trò, yếu tố địa linh trong chiến trận. Vua Trần Minh Tông về sau cũng viết bài thơ “Bạch Đằng giang” với hai câu đầu đã phát thảo được điều ấy:

Núi biếc cao vút, tua tủa như gươm giáo kéo lấy tầng mây
Thuồng luồng nuốt thủy triều, cuộn làn sóng bạc...

Địa thế hiểm trở của Bạch Đằng, có thể làm tiêu vong cuồng vọng của bất kỳ đội quân xâm lược nào, thế nhưng dòng sông cũng phải chứng kiến cảnh hưng phế của từng triều đại. Bài thơ chữ Hán “Quan Hải” (Đóng cửa biển) của Nguyễn Trãi đã gợi nhớ hiện thực đau thương của lịch sử:

Cọc gỗ lớp lớp trồng trước sóng biển
Xích sắt cũng được trầm dưới nước để phong tỏa như thế
Thuyền có bị lật mới biết rằng dân chẳng khác gì nước
Cậy vào địa thế hiểm trở cũng khó bằng mệnh trời

Quan sát thiên nhiên nơi cửa biển sắc nước bát ngát, mà suy tư về lẽ hưng vong của triều đại nhà Hồ ngắn ngủi, đồng thời cảm thán về nỗi đau uất hận của anh hùng thất thế. Việc cũ đã qua, nhưng vật chứng vẫn đang còn đó. Cọc gỗ lớp lớp trồng trước sóng biển/ Xích sắt ngầm dưới sông… như những chứng tích, rưng rưng hiển hiện trước mắt và trong tâm tưởng thi nhân, như thể một nỗi đau xót xa của lịch sử. Nguyễn Trãi thất vọng, buồn chán và còn thấp thỏm một nỗi lo lắng khi nhà Lê rơi vào rối ren. Đó là sự linh cảm đau lòng báo trước thảm họa “Lệ Chi Viên”. Nhưng Nguyễn Trãi đã phả hồn thời đại vào cảnh. Cùng ở cửa biển Thần Phù mà thiên nhiên hiện lên mỗi lúc một khác. Ấy là thiên nhiên cửa biển Thần Phù trong tâm sự nhà thơ: “Quê cũ lòng về theo cánh nhạn/ Lá thu cửa biển chiếc thuyền xiêu/ Kình phun sóng vỗ gầm Nam Bắc/ Giáo dựng non bày biếc trước sau…”. Thơ chữ Hán và chữ Nôm của Nguyễn Trãi hầu hết là những bài ngợi ca thiên nhiên, đất thiêng, người hùng, giải bày tâm sự, buồn vui ngẫm ngợi trước thời thế. Bài thơ “Thuật hứng” của Nguyễn Trãi cũng đã nói lên điều đó qua những câu thơ: “Bui một tấc lòng ưu ái cũ/ Đêm ngày cuồn cuộn nước triều đông”. Ức Trai suốt đời “bui” (chỉ có) một tấm lòng trung hiếu với dân với nước, nó mãnh liệt cuộn trào như sóng thủy triều bể đông. Ngay cả khi ông gánh chịu nỗi oan khiên ghê gớm, những đau đớn tột cùng do triều đình gây ra. Bài thơ “Hải khẩu dạ bạc hữu cảm” cũng có những dòng thơ nói lên nỗi lòng đó: “Từ biệt giang hồ mấy chục năm/ Hôm nay cửa bể buộc thuyền ngâm/ Bãi sông sóng gợn vừng trăng sáng/ Bến nước cây lồng lớp khói râm…”.

Những trận chiến ác liệt trên sông Bạch Đằng, những chiến công làm xoay chuyển trời đất, mở ra vận hội mới cho đất nước. Từ đó, dòng sông đã nghiễm nhiên hóa thành lịch sử, thành điểm tựa vững vàng cho người Đại Việt, ngay cả những phút hiểm nguy nhất. Đó cũng là niềm tự hào để trong thời kỳ ấy, khi Giang Văn Minh đi sứ sang Trung Quốc, bị vua Minh xem thường và ra vế đối: “Đồng trụ chí kim đài dĩ lục” (Cột đồng đến nay rêu đã xanh), ngay lập tức Giang Văn Minh khẳng khái đối đáp sắc bén: “Đằng Giang tự cổ huyết do hồng” (Sông Đằng tự xưa còn đỏ máu). Vế đối của Giang Văn Minh nhắc lại những chiến thắng lừng lẫy trên sông Bạch Đằng, máu giặc xâm lược phương Bắc đến nay chưa hết đỏ. Nhà Minh thấy nhục nhã đã hèn hạ sát hại ông. Chỉ bảy chữ xuất thần này đã hội tụ được cả tinh anh, linh khí non sông nước Việt.

Đặc biệt, vào giữa thế kỉ XVI một nhà thơ, nhà tiên tri số một trong lịch sử Việt Nam, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã để lại cho nhân thế những câu thơ như một lời dự báo qua bài Cự Ngao Đới Sơn:

Nước biếc ngâm núi tiên trong tận đáy,
Con rùa lớn đội được bầu ngọc mà sinh ra.
Ngoi đầu lên, đá có sức vá trời
Bấm chân xuống, sóng cuồn cuộn không dội tiếng vào đất.
Biển Đông vạn dặm đưa về nắm trong bàn tay,
Muôn năm cõi Nam đặt vững cảnh trị bình…


Chính vì đại thắng của Ngô Quyền thuở xưa, khiến cho dòng sông này trở nên gắn bó sâu sắc với Biển Đông. Nhà văn hóa Nguyễn Khắc Mai đã từng phân tích, hai câu thơ đầy tính dự báo chiến lược “Vạn dặm biển Đông phải quay về nắm lấy trong bàn tay. Làm được như vậy, mà phải làm được như vậy - làm chủ được biển Đông, thì muôn đời cõi trời, đất nước Nam này sẽ vững vàng trong cảnh thanh bình thịnh trị lớn lao!” Bài thơ trên đã viết cách đây 500 năm mà bây giờ càng đọc càng thấy rất thời sự, cụ Trạng Trình đã nhìn ra được sự quan trọng của biển Đông đối với vận mệnh của đất nước. Tầm nhìn của cụ đã vượt thời gian và không gian. Hai câu thơ đầy tính dự báo chiến lược của Nguyễn Bỉnh Khiêm càng lay động từ đáy sâu của ý chí, của tâm hồn tâm thức biển đảo của người Việt.

L.X.M.T  
(SHSDB26/09-2017)




 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • PHẠM PHÚ PHONG"Tôi ngồi nhớ lại tất cả nỗi trầm tư dài bên cạnh mớ hài cốt khô khốc của anh Hoàng. Trước mắt tôi, tất cả cuộc sống đầy những hùng tráng và bi thương vốn đã từng tồn tại trên mảnh đất rừng này, giờ đã bị xoá sạch dấu tích trong sự câm nín của lau lách. Như thế đấy có những con đường không còn ai đi nữa, những năm tháng không còn ai biết nữa, và những con người chết không còn hắt bóng vào đâu nữa...

  • LÊ THỊ HƯỜNG1. Yêu con người Hoàng Phủ Ngọc Tường trong thơ, quý con người Hoàng Phủ trong văn, tôi đã nhiều lần trăn trở tìm một từ, một khái niệm thật chính xác để đặt tên cho phong cách Hoàng Phủ Ngọc Tường.

  • TRẦN THÙY MAICó lần anh Hoàng Phủ Ngọc Tường nói: tính chất của người quân tử là phải "văn chất bân bân". Văn là vẻ đẹp phát tiết ra bên ngoài, chất là sức mạnh tiềm tàng từ bên trong. Khi đọc lại những bài nghiên cứu về văn hóa – lịch sử của anh Tường, tôi lại nhớ đến ý nghĩ ấy. Nếu "văn" ở đây là nét tài hoa duyên dáng trong từng câu từng chữ đem lại cho người đọc sự hứng thú và rung cảm, thì "chất" chính là sức mạnh của vốn sống, vốn kiến thức rất quảng bác, làm giàu thêm rất nhiều cho sự hiểu biết của người đọc.

  • TRƯƠNG THỊ CÚCXuất thân từ một gia đình hoàng tộc, cử nhân Hán học, giỏi chữ Hán, thông thạo chữ  Pháp, từng làm quan dưới thời Nam triều, nhưng Ưng Bình Thúc Giạ Thị là một nhân cách độc đáo.

  • HỮU VINH Chúng ta đã thưởng thức thơ, ca Huế, ca trù, hò, tuồng của thi ông Ưng Bình Thúc Giạ Thị, một nhà thơ lừng lẫy của miền sông Hương núi Ngự. Nhưng nói đến sự nghiệp văn chương của thi ông mà không nói đến thơ chữ Hán của thi ông là một điều thiếu sót lớn.

  • ĐỖ LAI THÚYQuang Dũng nói nhiều đến mây, đặc biệt là mây trời Sơn Tây, Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm! Mây là biểu tượng của tự do, của lãng du. Mây trắng là xứ sở của tiêu dao trường cửu. Chất mây lãng tử ở Quang Dũng, một phần do thổ ngơi xứ Đoài, phần kia do văn học lãng mạn.

  • CAO XUÂN HẠOĐọc bài Nỗi đau của tiếng Việt của Hữu Đạt (H.Đ) trong tuần báo Văn nghệ số 9 (2-3-2002), tôi kinh ngạc đến nỗi không còn hiểu tại sao lại có người thấy mình có thể ngồi viết ra một bài như thế. Tôi cố sức bới óc ra nghĩ cho ra người viết là ai, tại sao mà viết, và viết để làm gì. Rõ ràng đây không phải là một người hoàn toàn không biết gì về giới ngôn ngữ học Việt . Nhưng hầu hết những điều người ấy viết ra lại hoàn toàn ngược với sự thật.

  • MAI VĂN HOAN.Tôi biết Nguyễn Duy qua bài thơ “Tre Việt ” in trên báo Văn Nghệ. Từ đó, tôi luôn theo sát thơ anh. Mở trang báo mới thấy tên anh là tôi đọc đầu tiên. Với tôi, anh là một trong những người hiếm hoi giữ được độ bền của tài năng.

  • THỦY TRIỀU SUNG HUYỀN"Đây thôn Vĩ Dạ" là một bài thơ nổi tiếng của Hàn Mặc Tử đã từng có nhiều cách hiểu, cách tiếp cận khác nhau. Đành rằng ngôn ngữ thơ ca thường hàm súc, cô đọng, đa nghĩa do đó có thể có nhiều cách tiếp cận tác phẩm.

  • NGUYỄN DƯƠNG CÔNMỗi loại hình nghệ thuật ngôn từ đều có phong cách riêng trong cư xử với đối tượng mà nó phản ánh. Chính vì thế, đề tài tiểu thuyết trong khi mang những tính chất chung có của mọi thể loại văn học, nó đồng thời mang những tính chất riêng chỉ có của thể loại tiểu thuyết.

  • VĂN TÂMNhà thơ Bằng Việt (tên thật Nguyễn Việt Bằng) tuổi Tỵ (1941) quê "xứ Đoài mây trắng lắm", là một trong những thi sĩ bẩm sinh của thơ ca Việt hiện đại.

  • THANH THẢOHoàng Phủ Ngọc Tường có tập thơ "Người hái phù dung". Hoa phù dung sớm nở tối tàn, vẫn là loài hoa hiện hữu trong một ngày.

  • JOSH GREENFELDNgười Nhật vốn nổi tiếng vì tính bài ngoại của họ, thể hiện qua nghệ thuật cắm hoa và trà lễ. Tuy nhiên cũng từ rất lâu rồi nhiều nhà văn Nhật Bản vẫn quyết liệt phấn đấu mong tìm kiếm một chỗ đứng đáng kể trên các kệ sách của các thư viện nước ngoài. Họ làm thế không chỉ vì có nhiều tiền hơn, danh tiếng hơn mà còn vì một điều rằng những ai có tác phẩm được dịch nhiều ở nước ngoài thì sẽ được trân trọng, chờ đón ở trong nước!

  • BỬU NAM            Kỷ niệm 200 năm ngày sinh của văn hào Victor Hugo (1802 - 2002)1. Người ta thường gọi Hugo là “con người đại dương”. Bởi sự vĩ đại của tư tưởng và sự mệnh mông của tình cảm của ông đối với nhân dân và nhân loại, bởi sự nghiệp đồ sộ của ông bao hàm mọi thể loại văn học và phi văn học; bởi sự đa dạng của những tài năng của ông in dấu ấn trong mọi lĩnh vực hơn hai thế kỷ qua trong nền văn học và văn hóa Pháp. Đến độ có nhà nghiên cứu cho rằng: Tất cả những vấn đề lớn của nhân loại đều hàm chứa trong các tác phẩm của Hugo như “tất cả được lồng vào tất cả”.

  • LẠI MAI HƯƠNGTiểu thuyết Những người khốn khổ có một số lượng nhân vật nữ rất đông đảo, nhưng mỗi nhân vật mang một sức sống riêng, một sinh lực riêng bởi nghệ thuật xây dựng các nhân vật này không hoàn toàn đồng nhất. Bài viết sẽ đi vào khảo sát một số nữ nhân vật tiêu biểu, bước đầu thử tìm hiểu thủ pháp xây dựng và cái nhìn của Hugo đối với loại nhân vật này.

  • PHẠM THỊ LYTôi viết những dòng này vì biết rằng giáo sư Cao Xuân Hạo sẽ không bao giờ trả lời bài viết của một tác giả như anh Phạm Quang Trung và những gì mà anh đã nêu ra trong bài "Thư ngỏ gửi Giáo sư Cao Xuân Hạo đăng trên Tạp chí Sông Hương số 155, tháng 1-2002.

  • LÝ HOÀI THU“Hoàng Hà nhớ, Hồng Hà thương” ( *) (nguyên bản: Hoàng Hà luyến, Hồng Hà tình) là tác phẩm hồi ký của bà Trần Kiếm Qua viết về lưỡng quốc tướng quân Nguyễn Sơn và đại gia đình Trung Việt của ông. Bằng sức cảm hoá của những dòng hồi ức chân thực, tác phẩm của phu nhân tướng quân đã thực sự gây xúc động mạnh mẽ trong lòng bạn đọc Việt .

  • NGUYỄN BÙI VỢICách mạng tháng Tám thành công, Phùng Quán mới 13 tuổi. Mồ côi cha từ năm 2 tuổi, cậu bé sinh ra ở làng Thuỷ Dương xứ Huế chỉ được học hết tiểu học, sáng đi học, chiều giúp mẹ chăn trâu, có năm đi ở chăn trâu cho một ông bác họ.

  • TRẦN HUYỀN SÂM Người tình là một cuốn tiểu thuyết hiện đại nổi tiếng của M.Duras. Tác phẩm đoạt giải Goncourt 1984, và đã từng gây một làn sóng xôn xao trong dư luận. Người tình được tái bản nhiều lần và được dịch ra nhiều thứ tiếng khác nhau trên thế giới. Tác phẩm cũng đã được chuyển thành kịch bản phim 1992 (qua đạo diễn Jean-Jacques Annaud).

  • ĐÀO NGỌC CHƯƠNGCho đến nay những ý kiến về phương diện thể loại của tác phẩm Chơi giữa mùa trăng của Hàn Mặc Tử vẫn chưa thống nhất. Theo Trần Thanh Mại, đó là bài văn xuôi: “Nay xin đơn cử ra đây một vài đoạn của một bài văn xuôi của Hàn để chứng tỏ thêm cái sức cảm thụ vô cùng mãnh liệt ở nơi nhà thơ lạ lùng ấy.