Bà phó giám

09:35 13/04/2009
PHẠM THỊ XUÂNTừ ngày Hoạt được đề bạt lên phó giám đốc, Mùi bắt đầu tiến hành một cuộc cách mạng trong gia đình. Nhìn vào đâu, vào cái gì, Mùi cũng chưa thấy nó xứng đáng với địa vị mới của chồng. Ngôi nhà ba gian vừa xây cách đây không lâu, bây giờ nó đã trở nên lạc hậu trong mắt Mùi. Mùi nghĩ, giá như hồi ấy mà làm theo kiểu nhà hộp thì bây giờ có phải đã lên thêm được một tầng như một số người quanh đây không.

Nhìn người ta lên nhà tầng này nhà tầng khác mà sốt ruột. Ai đời nhân viên thì nhà lầu mà xếp lại phải ở nhà trệt, nghĩ có phải nhục không? Mùi nói điều này với chồng thì bị Hoạt vặn lại:
- Thế hồi ấy ai một hai đòi xây nhà ba gian cho bằng được?
Mùi nguýt chồng một cái rõ dài:
- Thì tôi, tôi có chối gì đâu. Nhưng mình là đàn ông, lẽ ra mình phải có tầm nhìn xa trông rộng hơn chứ?
- Nhưng nhà mình thì sao nào, tôi thấy cũng tốt chán!
- Mình đừng quên là bây giờ mình đã là phó giám đốc, không phải như trước kia mà nhà cửa thế nào cũng được.
- Mình tưởng phó giám đốc là chúa rồi à?
- Không chúa nhưng cũng không phải ai muốn cũng đuợc, mình không thấy ở cơ quan mình, nhiều người học hàm học vị hơn hẳn mình mà có tranh được với mình đâu?
Hoạt không muốn đôi co với vợ, nhún vai bỏ đi.

Tuy nói với Mùi thế, nhưng Hoạt cũng tự hào về chức vụ của rmình lắm. Với người khác thì không nói làm gì, nhưng một nhân viên quèn ở văn phòng chuyên để cho người ta sai vặt như Hoạt mà leo lên đến địa vị ngày nay đâu phải là một chuyện đơn giản, dễ dàng gì. Những người trước đây từng là cấp trên của Hoạt, từng nhìn Hoạt bằng con mắt của bề trên bây giờ hẳn phải bối rối khi được Hoạt mời lên phòng phó giám đốc. Một người làm quan cả họ được nhờ, Hoạt cũng để cho vợ con thơm lây một chút chứ. Thôi thì tuỳ Mùi, cô ấy muốn làm sao thì làm.
Thế là Mùi bắt đầu chiến dịch của mình. Nền nhà trước đây chỉ tráng xi măng, Mùi thuê thợ về lát toàn gạch men loại xịn. Tiếp theo, Mùi cho quét vôi mới lại toàn bộ ngôi nhà từ màu xanh thành màu tím nhạt. Rồi Mùi xây thêm một phòng tắm với đầy đủ tiện nghi và sửa sang lại phòng vệ sinh. Mà Mùi cũng chẳng cần phải động tay động chân, chỉ cần hô một tiếng là mấy cậu nhân viên của Hoạt vui vẻ làm giúp cho bà chị. Bộ bàn chữ hát không còn hợp thời trang, Mùi đi mua một bộ xa lon đắt tiền thay vào. Rèm cửa, màn bàn thờ và một số vật dụng khác cũng được nhanh chóng thay đổi. Chỉ sau chưa đầy một tháng, Mùi đã làm căn nhà thay đổi một cách đáng nể.

Từ ngày đó, Mùi cũng bắt đầu ăn diện hơn. Mùi không ngần ngại xếp xó những bộ áo quần trước đây cô vẫn mặc đi làm, bây giờ đã trở nên quê kệch, lỗi thời trong mắt cô. Mùi đi may một loạt những bộ cánh mới, thôi thì đủ kiểu, đồ tây, đồ dài, lại có cả đồ đầm. Thật ra, ở vùng nông thôn này, chỉ một vài năm lại đây phụ nữ mới mặc váy hoặc đồ đầm. Ngay cả với Mùi , đây cũng là lần đầu tiên cô may sắm loại y phục này nhưng  bạn bè mùi ở thành phố lúc nào đi chơi cũng váy ngắn, váy dài, chẳng lẽ Mùi lại chịu thua kém? Với lại, Mùi đâu đã già. Ba mươi bảy tuổi, khi trang điểm vào, Mùi vẫn còn đẹp lắm. Nếu da Mùi mà trắng thêm một chút, thì các cô gái trẻ ở cơ quan Hoạt khó mà bì kịp. Nhắc đến các cô gái trẻ, lòng Mùi không tránh đôi chút lo ngại. Từ ngày Hoạt lên chức, Mùi thấy hình như các cô cứ vây quanh anh. Có mấy lần, có việc, Mùi đến gặp chồng tại cơ quan, không ít lần bắt gặp các cô trong phòng Hoạt. Mùi có hỏi thì Hoạt trả lời:

- Người ta đến làm việc chứ có phải đến chơi đâu mà mình thắc mắc?
Mùi nghi ngờ:
- Làm việc gì mà chỉ có mình anh với một cô trong phòng, lại anh anh em em ngọt xớt thế?
Hoạt cười:
- Mình ghen đấy à?
Mùi bĩu môi:
- Tôi mà thèm ghen, nhưng nhìn cứ thấy chướng mắt thế nào ấy!
- Thế mình bảo tôi phải là thế nào, từ chức chắc?
- Việc gì mà phải từ chức?

Thôi, thế thì Mùi cũng phải “tân trang” một chút cho chồng khỏi ham của lạ. Theo lời khuyên của cô bạn thân, Mùi mua một số mỹ phẩm cao cấp để dưỡng da. Trước khi đi làm, Mùi ngồi ở bàn trang điểm lâu hơn, chăm chút trát phấn, tô son, kẻ mày đến lúc nào vừa ý mới thôi. Của đáng tội, lúc còn con gái, Mùi cũng xinh ra phết. Chẳng thế mà không ít chàng trai lò dò đi theo xin trồng cây si. Nếu Mùi không phải được phân công về đây công tác, thì có lẽ cô đã không lấy Hoạt.
Nhưng xem ra những phương pháp trang điểm thông thường không mấy hiệu quả. Mỗi khi ra đường, Mùi có cảm giác mọi người đều đang chú ý đến cô, một bà phu nhân phó giám đốc trẻ. Mùi bắt đầu vào mỹ viện, một lần rồi nhiều lần khác. Đầu tiên, mùi đi xăm hình môi và xăm đôi mày. Mới về, chỗ xăm có sưng một chút nhưng sau mấy ngày uống kháng sinh, Mùi đã trở lại bình thường. Mùi hỏi Thuý Nga, cô con gái lớn:

- Con thấy mẹ có gì khác không?
Thuý Nga nhìn mẹ với vẻ khó chịu:
- Con thấy mẹ cứ như diễn viên hát tuồng!
Mùi bực bội:
- Con bé này, ăn nói với mẹ thế hả?
Thuý Nga tỉnh bơ:
- Thì có sao con nói thế!

Mùi không thèm nói chuyện với con nữa. Nó hãy còn là con nít, Mùi chẳng chấp nhất làm gì. Từ hôm Mùi đi xăm về, mấy cô bạn cùng cơ quan cứ trầm trồ khen đẹp và còn hỏi Mùi làm ở chỗ nào, cho họ xin địa chỉ. Tất nhiên, Mùi chẳng hẹp hòi gì mà giấu. Có điều, đã hơn hai tuần rồi mà chưa thấy cô nào đi làm đẹp. Mùi có hỏi thì cô bạn thân trả lời:
- Mình cũng muốn đi nhưng ông xã không đồng ý,  mà Mùi biết đó, chàng thuộc loại hay ghen, chưa chi đã hỏi sao độ này mình chăm chút đến thế.
Rồi cô thở dài nói thêm:
- Ông xã nhà mình đúng là ky bo. Mùi thế mà sướng, có ông chồng hết ý!
Cô khác thì bảo chưa có thời gian, có cô thì sợ tốn kém, toàn những lý do không đâu vào đâu. Mùi nhìn mấy người bạn với ánh mắt thương hại và tự hào nghĩ rằng mình là người phụ nữ đã được giải phóng hoàn toàn và đang đi đầu trong lĩnh vực thời trang ở đây.

Hôm kia, hai vợ chồng Mùi đi dự tiệc ở nhà giám đốc. Vợ giám đốc chỉ hơn Mùi mấy tuổi nhưng tỏ ra sành sỏi, lịch thiệp. Khi chỉ có hai người ngồi với nhau, vợ xếp nhìn Mùi chăm chăm rồi nói:
- Lúc này, chị thấy em đẹp hẳn ra, nhưng phải chi...
Chị ta bỏ lửng câu nói, hơi mỉm cười. Mùi nôn nóng hỏi:
- Phải chi sao hả chị?
- Nói ra em đừng buồn, phải chi mắt em hai mí thì đẹp phải biết. Chỗ chị em, chị mới nói, chứ người khác thì mặc kệ họ.
- Vâng em cảm ơn chị!
Trước khi hai vợ chồng Mùi về, chị ta còn ghé tai Mùi tỉ tê:
- Dại gì mà không làm đẹp hả em, không thì khó mà giữ được các đức ông chồng!
Về nhà, Mùi cứ ngồi trước gương mãi và ngẫm thấy vợ giám đốc nói có lý. Hoạt cũng phải để ý:
- Mình làm gì mà cứ săm soi mãi thế?
Mùi nhìn chồng, thở  dài thườn thượt:
- Mắt tôi nó cứ sao sao ấy!
Hoạt không hiểu ý vợ:
- Mình bị đau mắt à?
- Không!
- Vậy thì sao?
- Tôi muốn đi phẫu thuật mắt!
Hoạt giật mình:
- Sao mà phải đi phẫu thuật?
- Không sao cả, nhưng tôi không thích mắt một mí, tôi ưa đi phẫu thuật thẩm mỹ!
Hoạt hiểu ra, thở dài ngao ngán:
-Vậy mà mình làm tôi giật cả mình. Thôi thôi, đừng thẩm mỹ thẩm miết gì nữa, Bữa nay đòi sửa mắt, hôm sau lại sửa mũi, sửa miệng... Lúc đó, liệu mình có còn là mình không?
Mùi nguýt chồng?
- Tôi không còn là tôi thì là người khác chắc? Anh lại sợ tốn tiền chứ gì? Tôi làm đẹp là vì ai, nếu không phải vì anh? Tôi mà xấu người ta cười anh chứ chẳng phải cười tôi đâu. Đáng lẽ anh phải ủng hộ tôi chứ, có đâu lại...
Hoạt đành phải xuống nước:
- Thôi thôi, tuỳ mình, mình muốn làm gì thì cứ việc, tôi không có ý kiến!
- Thế có phải hơn không?

Thế là mấy ngày sau, Mùi đến ngay cơ sở thẩm mỹ hôm trước. Nghe mấy lời tâng bốc của các cô kỹ thuật viên ở đó, Mùi càng thấy quyết định của mình là đúng đắn.
Khi Hoạt chở vợ về nhà hai đứa con gái cứ nhìn mẹ với đôi mắt nghi ngại. Người phụ nữ tóc xù đơ, mang kính đen này sao có vẻ quen quen, mà lại thân thiết với bố chúng thế. Mùi mở kính ra, con Thuý Hồng reo lên:
- Ôi mẹ phải không?
Mùi cười:
- Con làm gì mà ngạc nhiên thế?
Thuý Hồng đến gần, nhón chân sờ tóc mẹ:
- Mẹ ơi, sao tóc mẹ khác thế, mắt mẹ cũng vậy, trông lạ hoắc! Con cứ tưởng cô nào bồ bố!
Mùi lườm con, không nói gì. Con bé vẫn hồn nhiên:
- Mẹ nhắm mắt lại con coi với!
- Mùi ngạc nhiên:
- Chi vậy?
- Mắt mẹ cứ như mắt giả!
- Con bé này!
Thuý Nga thì đứng yên không nói gì. Mấy ngày nay, mẹ đi vắng, Thuý Nga phải quán xuyến toàn bộ việc nhà, nào giặt giũ, chợ búa, cơm nước. Con bé không có thời gian học bài đầy đủ, có hôm bị thầy giáo khiển trách trước lớp. Bây giờ thấy mẹ như thế, Thuý Nga chỉ muốn khóc thôi. Con bé dằn dỗi bỏ vào phòng, làm như không nghe mẹ nó gọi đến cho quà.

Tối đó, Mùi nói với chồng:
- Anh Hoạt này, từ nay, vợ chồng mình cũng phải đổi cách xưng hô mới được.
Hoạt ngạc nhiên nhìn vợ, không biết cô ấy còn muốn dở trò gì. Mùi nói tiếp:
- Vợ chồng người ta già hơn mình mà lúc nào cũng anh anh em em, nghe vừa tình cảm vừa trẻ trung.... Ai như vợ chồng mình, lúc nào cũng mình mình tôi tôi, có vẻ khô khan lắm!
Hoạt cười:
- Xưng hô thế nào mà chẳng được. Với lại tôi cũng quen rồi, sợ khó sửa.
- Có gì mà khó, anh cứ nói vài lần là quen thôi mà! Thế sao anh cứ anh anh em em với người khác thì được, còn vợ thì không?
Biết vợ lại sắp nổi máu Hoạn Thư, Hoạt làm hoà:
- Ừ, thì mình muốn sao cũng được!
Mùi kêu lên:
- Lại mình rồi!
- Ừ, thì...em muốn sao cũng được!
Mùi hôn lên má chồng:
- Thế có phải là... dễ thương không?

Hoạt ngủ rồi, Mùi vẫn trằn trọc mãi. Suy nghĩ lan man, tự nhiên Mùi nghĩ đến cái tên của mình và cảm thấy bực bội. Bạn bè cô, người nào cũng có cái tên thật là kêu, nào Hồng Ngọc, Thuý Hằng, Bảo Trân... hoặc ít ra cũng là Thảo, Trang, Hà... Chỉ có cô là mang cái tên xấu nhất, Lê Thị Mùi. Khi cô nói điều này với mẹ mình thì cô nhận được câu trả lời:
- Tại hồi đó mẹ sinh hai đứa đầu mà không muôi được, khi có mang con, đi coi thầy, thầy bảo đặt tên càng khó nghe càng tốt. Đến khi sinh con ra, chẳng biết nên đặt tên gì, tiện thể sinh con năm mùi nên lấy luôn tên Mùi. Nhờ thế mà mày hay ăn chóng lớn đấy con ạ! Mà thật ra tên Mùi có gì là xấu đâu, nhiều người còn gọi tên con là Chó, Lợn cho dễ nuôi đấy!

Mùi chẳng còn biết nói sao nhưng vẫn thấy tức anh ách, nhất là lúc còn đi học, có đứa bạn quái ác gọi Mùi là Dê. Khi Mùi mách cô giáo, nó bảo tuổi Mùi chẳng phải tuổi con dê là gì. Cô giáo không biết phải nói gì nhưng cũng quất cho cậu học trò nghịch ngợm mấy roi vào mông, cu cậu la toáng lên là mình bị đánh oan.
Bây giờ, tất nhiên chẳng ai đùa ác Mùi như thế nữa. Lúc đầu, người ta gọi chị Mùi, chị Hoạt cho thân mật. Sau đó, người ta cung kính gọi Mùi là phu nhân phó giám đốc, hoặc bà phó giám đốc, rồi để cho tiện, rút lại còn “bà phó giám”. Lúc đầu, cái từ “bà phó giám” làm Mùi hơi khó chịu, nghe cứ tương tự bà thái giám, với lại Mùi đâu đã già mà lên chức bà sớm thế. Nhưng mấy nhân viên của Hoạt đã giải thích, bây giờ cái gì người ta cũng gọi tắt, nghe vừa giản tiện, lại vừa hiện đại. Họ còn dẫn ra hàng loạt ví dụ, như sữa Việt Nam thì gọi là Vina milk, cà phê Việt Nam thì gọi là Vina cà phê. Còn việc gọi Mùi bằng bà chẳng liên quan gì đến tuổi tác, đó là cách biểu lộ sự tôn trọng thôi. Mùi yên lòng, lại còn có chút hãnh diện khi được người khác gọi mình là bà phó giám.

Bà phó giám còn có điều không hài lòng về hai cô con gái rượu. Đành rằng đứa nào cũng ngoan, lại học giỏi nhưng không đứa nào thừa hưởng cái gien di truyền sắc đẹp của mẹ. Ngoài nước da đen ra, còn khuôn mặt, tóc tai, thậm chí dáng đi của chúng cũng giống Hoạt. Đã thế, chúng lại chẳng hề biết chưng diện. Thuý Hồng còn bé không nói, ngay cả Thuý Nga cũng thế. người ta không hiểu, cứ cho rằng Mùi chỉ lo cho bản thân mà không để ý đến các con, chứ thật ra, Mùi cũng đã sắm cho mỗi đứa một bộ đồ jean và mấy chiếc váy đắt tiền. Nhưng chẳng đứa nào chịu mặc, Mùi có nhắc thì chúng trả lời:

-Bọn con đi học, chỉ được mặc quần xanh áo trắng, mặc đồ jean hay váy đầm cô giáo lại phê bình cho.
-Thì mặc lúc đi chơi!
- Con có đi chơi đâu đâu, với lại tụi bạn con nó có mặc thế đâu. Tự dưng, một mình con....kỳ lắm!
- Sao lại kỳ, con là con của phó giám đốc, con phải khác chúng chứ?
- Con mà lên mặt, tụi nó nghỉ chơi con thì sao?
- Thì chơi với đứa khác!
- Nhưng con chỉ thích chơi với chúng!
Mùi cau mày:
- không thích mặc thì phải nói với mẹ từ đầu chứ?
- Nhưng mẹ có hỏi con đâu?
Nghe con nói thế, Mùi đành chịu. Nhớ ngày Mùi còn bé, muốn may một bộ áo quần, phải chờ có tem phiếu, rồi phải đi chầu chực nhiều lần ở cửa hàng công nghệ phẩm, mà vải vóc nào có nên hồn. Thế mà bây giờ lũ trẻ này, sung sướng không biết tận hưởng. Thôi thì tuỳ chúng vậy.

Hôm nay, cả nhà Hoạt về quê vợ ăn giỗ. Lâu rồi, Mùi mới có dịp về quê. Ngày trước, họ hàng Mùi không có ý coi trọng Hoạt vì anh chỉ là một nhân viên quèn trong khi hai cậu em rể của Mùi, một người là phó chủ tịch huyện, còn người kia là một giảng viên đại học. Mùi muốn nhân cơ hội này sẽ cho mọi người biết bây giờ chồng cô đã trở thành một nhân vật tầm cỡ không thua kém gì những người khác. Không bàn với Hoạt, cô tự ý điều cậu Quý, người lái xe của cơ quan chồng, đến đưa mọi người đi. Tất nhiên cậu này chấp hành răm rắp, mấy khi được phu nhân sếp nhờ vả đến. Mới sáu giờ sáng, cậu ta đã đánh xe đến trước cổng nhà Hoạt. Hoạt ngạc nhiên nhưng cũng chẳng nói gì.

Mùi muốn cả nhà ăn mặc diện một tý. Cô chọn cho chồng bộ vét tông màu xám, Hoạt mặc vào trông vừa lịch thiệp vừa sang trọng. Hai cô con gái, mặc hai chiếc váy jean đúng mốt. Riêng với mình, Mùi chọn đi chọn lại mãi, cuối cùng mới vừa ý với bộ váy ngắn bó đùi kẻ sọc mới may. Mặc vào rồi, mùi còn ngắm nghía mãi, không để tâm đến việc Hoạt đang sốt ruột chờ bên ngoài. Mãi đến khi Thuý Hồng vào giục, cô mới chịu bước ra.
Hoạt nhìn vợ ngần ngại một chút rồi nói:
- Em mặc thế này liệu có tiện không?
Mùi cười:
- Có gì mà không tiện hả anh?
- Chiếc váy....
Mùi hơi nhăn mặt:
Chiếc váy làm sao?
- Anh thấy nó hơi ngắn, em mặc chiếc váy hoa dài có lẽ hợp hơn.
- Chiếc váy dài em chưa ủi, với lại ở cơ quan em, người ta đều mặc thế này, vừa nữ tính vừa gọn gàng.

Hoạt không tranh luận thêm với vợ, lặng lẽ lên xe trước. Ba mẹ con Mùi cùng ngồi ở băng sau. Cậu lái xe vừa thấy Mùi, đã khen ngay một câu:
- Hôm nay trông bà phó giám trẻ cả chục tuổi. Bà phó giám đi với cháu Nga, cứ như là hai chị em!
Mùi chưa kịp nói gì thì Thuý Nga đã bĩu môi:
- Chú lại cho mẹ cháu đi tàu bay giấy rồi!
Hoạt cười, không nói gì. Cậu lái xe vẫn bô bô:
- Chú nói thật đấy. Vợ chú hôm kia gặp mẹ cháu ngồi nói chuyện với chú ở văn phòng cứ tưởng cô nhân viên trẻ nào mới đến xin việc, cứ vặn vẹo chú mãi. Chú đã giải thích là bà phó giám đến điều chú đi công tác, cô ấy vẫn không tin. Đến khi gặp cô Hải bên phòng kế toán, vợ chú mới chịu yên.

Không biết sự việc có như Quý nói không nhưng Mùi vẫn phổng mũi lên vì những lời nịnh dễ nghe đó. Thuý Hồng thắc mắc:
- Thế vợ chú không biết mẹ cháu à?
- Trước đây cũng có biết nhưng mấy tháng nay không gặp lại nên nhìn không ra.
- Nhìn không ra cũng phải, hồi mẹ cháu mới đi thẩm mỹ viện về, cháu cũng không nhận ra, cháu cứ tưởng cô nào bồ bố cháu cơ!
Mùi đỏ mặt khi nghe con nhắc đến thẩm mỹ viện. Cô kéo tay áo Thuý Hồng nhưng con bé không để ý đến. Nó vẫn nói chuyện với cậu lái xe:
- Mà sao thím lại vặn vẹo chú thế?
Tự nhiên, Thuý Nga nổi giận với em:
- Có vậy mà cũng không hiểu
Thuý Hồng ngạc nhiên nhìn chị?
- Hôm nay chị làm sao vậy?
- Chẳng sao cả!
Nói xong, Thuý Nga quay mặt ra ngoài không để ý đến cô em gái đang xịu mặt xuống. Không khí trở nên hơi ngột ngạt. Mùi giận con lắm, mấy bữa nay nó cứ muốn đối đầu với cô. Nhưng chẳng lẽ lại mắng con trước mặt người lạ, Mùi đành cười giả lả nói với Thuý Hồng:
- Chị con đi xe ô tô không quen nên mệåt đấy thôi!
Thuý Hồng không hiểu ý mẹ:
- Những lần trước chị đi có sao đâu?
Mùi chưa biết trả lời con thế nào thì cậu lái xe đã nhanh trí chuyển đề tài bằng cách quay sang hỏi Hoạt:
- Phó giám đốc có hay về quê không?
Hoạt lắc đầu:
Không!

Vâng, thế cũng phải, phó giám đốc còn bận bao nhiêu là việc, có thời giờ đâu mà...
Hoạt nghe lời tâng bốc kiểu này sau khi lên chức phó giám đốc cũng đã nhiều nhưng vẫn thấy bùi tai. Anh đưa mắt nhìn cậu lái xe với vẻ thương hại. Ngày trước, khi anh đang còn là một nhân viên văn phòng, anh cũng đã từng phải lấy lòng các sếp như vậy. Bây giờ, thái độ mềm mỏng của anh đã được đền đáp xứng đáng, còn những người như Quý thì dù khôn khéo đến đâu cả đời vẫn chỉ là một anh tài xế...

Chiếc xe chạy bon bon, đường nông thôn bây giờ đều đã được nâng cấp, tráng nhựa hoặc đúc bằng bê tông thay cho đường đất lổn nhổn ổ gà lúc trước. Chẳng mấy chốc, cổng xóm nhà Mùi đã hiện ra trước mắt. Hoạt bảo cậu tài xế:
- Cậu cho xe dừng lại ở ngõ có hai cột trụ đằng kia nhé!
- Đã đến nhà rồi hả phó giám đốc?
- Chưa, nhà ở gần cuối ngõ nhưng ngõ nhỏ, xe không vào được đâu.
-Vâng!

Xe vừa ngừng lại, hai đứa trẻ đã nôn nóng ra ngoài. Thuý Hồng loay hoay mãi không mở được cửa phía nó, thấy Thuý Nga đã nhảy xuống đất, Thuý Hồng quay sang phía bên kia. Vội vã, Thuý Hồng vấp phải chiếc túi du lịch dưới chân, ngã lên nệm xe. Con bé giơ tay ra phía trước, vô tình níu lấy váy mẹ kéo mạnh. Lúc đó, Mùi đã đặt một chân xuống mặt đường. Chiếc váy xẻ sau bị rách toạc một đường. Thuý Hồng sợ hãi cúi mặt trước sự bất ngờ đó. Mùi khẽ rên:
-Trời ơi, chiếc váy của tôi!

Hoạt và Thuý Nga quay lại, ngạc nhiên nhìn Mùi. Nhưng chỉ trong thoáng chốc, hai người đã hiểu chuyện gì đang xảy ra. Hoạt mở miệng định nói gì nhưng thấy vẻ mặt đang đờ ra một cách tội nghiệp của vợ, anh lại thôi. Thuý Nga tiến đến bên mẹ, nói nhỏ:
- Trong túi xách của con có kim chỉ, mẹ lên xe, con khâu tạm lại cho.
Ngày 25 tháng 10 năm 2003
P.T.X
(200/10-05)

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • NGUYỄN NGỌC LỢITối đó bản Phiệt có buổi liên hoan văn nghệ. Cơm chiều xong Tản đưa tôi vào đó chơi. Chúng tôi đang chuẩn bị đi thì một cô đang dẹp đám cuốc xẻng trong góc lán nói vọng ra. Anh Tản mà đưa anh ấy đi thì có mà... Anh ấy đẹp trai, gái bản theo hết, mất phần đấy... Tản cười, cho theo bớt chứ một mình tôi... mệt lắm.

  • LÊ NGUYÊN NGỮTrong bối cảnh rạt rào gió bấc và nắng trải vàng như mật bên ngoài báo hiệu Tết sắp vê, con ngựa cũng đứng dạng bốn chân như lắng nghe câu chuyện đầy hoài niệm mà Tư Gồng bắt đầu kể tôi nghe. Giản dị vì đây là câu chuyện về chính nó, Tư Gồng trước kia đã lần khân hẹn khất với tôi chờ đến Tết Con Ngựa. Mà lúc này thì đã là cuối tháng chạp rồi.

  • NGUYỄN QUANG LẬPChiều ba mươi tết, Quỳ đạp xích lô ra ga, tính đón khách chuyến tàu vét rồi gửi xích lô, bắt xe đò về quê. Vừa vào sân ga, tàu chưa về đã có khách gọi, may thế. Khách là một trung niên mặt rỗ, quần bò áo thun, kính đen gọng vàng.

  • ĐỖ KIM CUÔNG1... Cho đến lúc sực tỉnh, tôi mới nhận ra con đường ra cánh đồng tôm và những vườn dừa dưới chân núi Đồng Bò.

  • HỒNG NHU Xóm phố nằm trên một khu đất trước đây là một dẫy đồi nghe nói vốn là nơi mồ mả dày đặc, phần lớn là mồ vô chủ không biết từ bao đời nay; và cũng chẳng biết nơi nào có nơi nào không, bởi vì gần như tất cả mồ mả ở đó đều đã bị thời gian mưa gió bào mòn, chẳng còn nấm ngôi gì cả.

  • TRẦN HẠ THÁP1*Gã nằm xuống thoải mái. Cảm giác mát lạnh của ghế đá còn rịn hơi sương buổi sớm thu giúp gã chợp mắt ngay. Công viên thành phố không chỉ là bạn đời của những ai không nhà, các tên chích choác, kẻ sống ngoài vòng luật pháp... Đây cũng là nơi khá thân quen đối với người như gã. Ít ra đã hơn bốn tháng qua, từ khi gã rời một khách sạn năm sao trong thành phố.

  • THÁI KIM LAN"Làm sao biết từng nỗi đời riêngĐể yêu thương yêu cho nồng nàn”                              Trịnh Công Sơn

  • THÁI KIM LAN(tiếp theo)

  • NGUYỄN ĐẶNG MỪNGLGT: Cuộc sống cứ lao về phía trước, song những tâm hồn đa cảm thì lại hay ngoảnh nhìn về phía sau. Nước nhảy lên bờ là ánh nhìn về những ngày đã qua giữa một vùng quê bình yên của “đêm trước đổi mới”. Một bức tranh quê sống động, dung dị song ngổn ngang những cảnh đời, những cảnh tình mà chúng ta không được phép quên, bởi tư duy đổi mới của đất nước hãy còn tiếp diễn...

  • VĨNH NGUYÊNNgô - bạn tôi rủ tôi về làng Chẻ.Đến thành phố H.H., tôi mượn chiếc xe máy của một người quen. Tôi chở Ngô về làng An Hải Trung.

  • I. Nàng là nhân vật chính của vở kịch. Vở kịch đang diễn ra. Những chủ đề về tình yêu và hôn nhân, về ước mơ và sự thật, về hoài vọng và định mệnh, về sinh ly và tử biệt, v.v và v.v... đan chéo và quyện chặt vào nhau, tạo nên một trường nghĩa lơ mơ lan man đầy ảo dị mà qua đó, những nhân vật còn lại cứ tông tốc xoay xỏa quanh một nhân vật trung tâm đang chơi trò mê hoặc: nhân vật chính.

  • Đó là lần thứ mười Malio quay về góc phố ấy. Phố hẹp, những căn nhà mặt tiền nhấp nhô, khách sạn lấp lánh đèn chen cửa hàng tơ lụa, phòng tranh sơn mài phương Đông sát với những quán cà phê nho nhỏ bài trí kiểu Tây phương...

  • Năm 1966 thầy Phan Linh dạy Toán lớp 7A tại trường cấp II xã Phúc Giang. Đó là năm chiến tranh phá hoại rất ác liệt. Máy bay Mỹ cứ nhằm những tụ điểm đông người thả bom. Học sinh đến trường phải đội mũ rơm. Để tránh bom đạn trường Phúc Giang phải sơ tán về các làng, các xóm học tạm. Lớp 7A của Phan Linh sơ tán về làng Mai.

  • Gió từ đại dương lồng lộng thổi qua cửa sông, qua bãi cát trắng xoá rồi vỗ đập vào những tàu lá dài ngoằng của loài dừa nước, oà vỡ những thanh âm xạc xào.

  • Đúng sáu năm tôi không trở lại thành phố ấy dẫu rằng trong lòng tôi luôn luôn có một nỗi ham muốn trở lại, dù trong sáu năm tôi giấu kín trong lòng mình điều đó, chôn thật sâu trong suy nghĩ của mình, chẳng hề nói ra.

  • Chúng tôi tìm được địa điểm chốt quân khá lý tưởng. Đấy là chiếc hang đá ở lưng triền núi; hang cao rộng vừa lõm sâu vào vách núi. Cửa hang được chắn bởi tảng đá khổng lồ, rất kiên cố; dù máy bay Mỹ có phát hiện thấy cửa hang mà phóng rốc két, đánh bom tấn thì người ở trong hang vẫn chẳng hề gì! B52 có rải thảm bom thì lại càng không ăn thua.

  • Sau khi dọn bàn ghế xong, bà Lan chọn chiếc bàn kê sát ngoài cửa ngồi trang điểm. Từ ngày mở quán, bà đâm ra có thói quen ngồi trang điểm như thế, vừa tiện việc mời chào khách, vừa có đủ ánh sáng đầu ngày.

  • Chiếc váy của Tuyl Cleng va quệt không ngớt vào mấy vạt cỏ hai bên vệ đường. Những chỉ hoa văn ở riềm váy trông như hai cánh tay chạy như bay xuống đồi. Cuốn vở học trên tay cô nhịp nhàng lên xuống như chiếc quạt diễn viên múa. Mùa xuân sắp đến, trời đất như rộng rinh thêm. Những con chim trao trảo, chèo bẻo, ta li eo... cũng hót vang bên rặng rừng, vui lây theo nỗi vui của Tuyl Cleng.

  • Ven Hồ Gươm ở phía lề đường bên phải, cách chân tượng vua Lê Thái Tổ ước ngoài trăm mét, luôn có một bồ đoàn. Bồ đoàn là chừng dăm tấm thảm Tầu rải sàn nhập lậu từ các tỉnh phía Bắc được các gia đình Hà Nội trung lưu ưa dùng.

  • 1Sau lần đi gặt thuê cho đồng bào dân tộc ở Vĩnh Thạnh về, tôi bị trận sốt rét nặng. Dai dẳng trở đi trở lại gần ba tháng mới khỏi. Những ngày sau đó, trong người thấy cứ nôn nao, bứt rứt.