Ba mùa thơ của Nguyễn Khoa Điềm

16:21 22/04/2013

LÊ HUỲNH LÂM  

Khi thơ như một tấm gương phản chiếu tâm hồn của tác giả, phản ánh nhận thức của người sáng tạo với cuộc sống quanh mình, chiếc bóng trong tấm gương ấy là một phần của sự thật. Đôi khi sự thật cũng chưa được diễn đạt trọn vẹn bằng ngôn ngữ của nhà thơ.

Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm - Ảnh: webold.hnue.edu.vn

Trong thế hệ làm thơ ở Huế thời chiến tranh chống Mỹ, có thể nói Nguyễn Khoa Điềm đã phần nào để lại những dòng xúc cảm trước nỗi đau của đất nước đang lâm vào một cuộc chiến khốc liệt. Cái cách ông biểu đạt trong thơ cũng như dáng vẻ bên ngoài của con người ông, trông nghiêm túc, bình dị, kiềm nén cảm xúc và khi đã bộc lộ thì rất đúng lúc.

Ông tự nhận mình có ba mùa thơ, đó là mùa kháng chiến, mùa hòa bình và mùa trở lại vườn cũ. Thật ra, đó chỉ là cách nhìn nhận theo thời gian, theo diễn tiến của xã hội và cuộc sống của tác giả. Còn trong thơ ông, tôi cảm nhận mùa nào cũng ăm ắp những trở trăn trước vận mệnh dân tộc. Trong những người làm quan lớn trở về, có thể nói Nguyễn Khoa Điềm là người sống lặng lẽ và vẫn miệt mài lao động với tư cách là một nhà thơ. Sức viết của ông như chưa hề thuyên giảm theo tuổi tác.

Những bài thơ mà ông viết vào thời kháng chiến, hầu hết vào đầu những năm 1970 cũng hội đủ nghệ thuật tu từ qua ngòi bút của một con người từng trải. Những hình ảnh trong tác phẩm của ông thật gần gũi với nỗi đau của người dân. Như một người mẹ ngồi bán hàng suốt mùa mưa, người phu xe nghiêng cốc rượu chiều, người mẹ miền núi phải địu con theo để đi làm rẫy, đi ra trận, người em gái chằm nón,… đã phần nào cho thấy một ánh nhìn của ông về phía những phận người khốn khó. Cái nhìn vào từng con người cụ thể, đã dần dần được mở rộng ra cái nhìn toàn diện về đất nước. Hồn thơ ông như đã hóa thân vào những người mẹ, người chị, hóa thân vào cuộc kháng chiến đầy máu và nước mắt để đổi lấy một mùa hòa bình.

Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở
Làm nên đất nước muôn đời


Hình tượng văn hóa trong thơ ông cũng giản đơn, gần gũi với người dân quê. Đó là hình ảnh người con gái chằm nón, trái bầu trái bí, cây tre, miếng trầu, một bến sông, những bãi vỏ hến, vỏ sò, một ngôi làng đã đổi thay. Hình ảnh người nông dân dầm sương dãi nắng được ông ví von như hạt gạo:

Hạt gạo phải một nắng hai sương, xay, giã, giần, sàng

Hay hình ảnh của trái bầu trái bí được ông so sánh với những người con của quê hương:

Lũ chúng tôi từ tay mẹ lớn lên
Còn những bí và bầu thì lớn xuống


Văn hóa Việt đã ngấm sâu trong dòng máu của người dân được diễn đạt qua thơ ông:

Hằng năm ăn đâu làm đâu
Cũng cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ

Họ gánh theo tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân
Đất Nước của nhân dân, Đất Nước của ca dao, thần thoại


Ông chuyển tải vào tác phẩm mình tầng tầng lớp lớp văn hóa của dân tộc ẩn chứa từ thời Đất là nơi chim về/ Nước là nơi Rồng ở, như hình ảnh Âu Cơ, Lạc Long Quân, Tổ Hùng Vương, Hòn Vọng Phu... được ông mô tả một cách cụ thể để hầu hết người đọc đều có thể cảm nhận.

Trong mùa kháng chiến, có thể nói trường ca Mặt đường khát vọng là đỉnh cao của ông. Dù ở trong cuộc chiến tranh với những mất mát, đau thương trong từng thời khắc, nhưng có một điều, tình yêu luôn hiện hữu cùng tác giả:

Anh mong em
Sau bốn năm cô đơn khao khát
Em trở về với đôi vai ấm áp
Nghiêng vào anh như con đường anh đi, qua tháng, qua năm


Và tình yêu với ông là một điều kỳ diệu, một ân sủng không thể nào ngờ được để ông luôn tự vấn lương tâm chính mình bằng một câu hỏi:

Em mãi mãi diệu kỳ
Anh yêu em trào nước mắt
Sao mắt này, tóc này
Tâm hồn này, da thịt này
Lại có thể của anh?


Để biện giải cho sự chia cách của tình yêu trong chiến tranh, ông đã mượn một câu thơ tình của thi hào Nêruđa, và hình ảnh chiếc then cài cửa lại là một câu thơ; một hình ảnh đẹp như chưa từng có trong tình yêu, mà người đang yêu như đã đón nhận một mũi tên vàng của vị thần ái tình Eros trong thần thoại Hy Lạp đã được mã hóa ở một cõi giác linh siêu nghiệm:

Sao chúng mình còn xa nhau
“Em hãy ở trong nỗi vắng anh như một ngôi nhà”
(1)
Một ngôi nhà có câu thơ làm chiếc then cài cửa
Suốt mùa chiến tranh…


Mùa thu như một chứng nhân đã gợi hứng cho hồn thơ của ông, khi ông cảm nhận màu vàng từ một chiếc áo, sắc thu trong những buổi chiều nhìn lá rơi đã giúp ông liên tưởng đến bài thơ “Mùa Thu” của nhà thơ Eptusenco:

Bởi vì em mặc áo vàng
Tôi muốn em hãy đọc bài thơ Nga ấy
(2)
Đã rung lên như lửa cháy,
Một mùa thu chết tận xa xôi
Cho tôi sống bồi hồi
Trên chân trời rung cảm khác


Và những đêm mùa thu, trong ngôi nhà có ngọn lửa ấm, có một dáng người ngồi suy tư để nhớ về những ánh lửa Trường Sơn:

Đã mùa thu
Đêm cha quạt cho con chút lửa

Cha ngồi dáng người thượng cổ
Nhớ mười năm đốt lửa Trường Sơn


Một ngọn lửa được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, làm nên bản hùng ca bi tráng của Tổ quốc. Và khi đất nước đã hòa bình, ông vẫn khắc ghi một niềm tin vào cái thiện, vào chính nghĩa để tiếp tục chiến đấu với cái ác và sự giả trá, vô cảm dù đôi khi ông đã nản lòng, nhưng tất cả điều xấu rồi sẽ rơi xuống ngay cả sự nản lòng:

Tôi tin tưởng
Trên mặt đất này
Mọi điều ác, sự giả trá, sự vô tâm sẽ rơi xuống
Cả sự nản lòng sẽ rơi xuống


Thật hạnh phúc khi mỗi con người còn có được một ngôi vườn cũ để trở về, với nhiều người khác có thể họ không chọn hoặc không có suy nghĩ trở về. Nhưng với Nguyễn Khoa Điềm, ông đã trở về. Trở lại một mảnh vườn của tuổi thơ. Trở về để chiêm ngắm quá khứ trong veo như dòng nước sông Hương phía trước nhà. Cuộc trở về của ông ngập tràn cảm xúc như mỗi lần nghe đâu đó vang lên giai điệu “Torna a Surriento”. Có thể ẩn chứa bên trong cuộc sống của Nguyễn Khoa Điềm còn khốc liệt hơn rất nhiều. Và ông đã trở về để soi lại bóng mình sau hàng chục năm ở chốn quan trường. Ông về với “Cõi lặng”, về ngắm lại những chặng đường ông đã kinh qua và ngắm nhìn cõi lòng miên man về một tình yêu cháy bỏng đã trở thành ký ức xa xăm.

Có một ngày em không yêu anh
Em đi thật xa


Có thể nói hành trình thơ của Nguyễn Khoa Điềm song hành cùng cuộc sống của ông qua từng giai đoạn. Từ cái thời ở chiến khu cùng Hoàng Phủ Ngọc Tường, Trần Vàng Sao,... rồi đến thời ông làm quan ở tỉnh nhà, ở Bộ Chính trị và cuối cùng là giai đoạn ông quay về khu vườn cũ. Một cuộc chuyển động như vậy mà chất thơ trong ông vẫn thần thái trang nghiêm, vẫn tiết nhịp chậm rãi, ông gieo từng tứ thơ, từng con chữ trên cánh đồng thi ca một cách cẩn mật, để đợi mùa gặt hái. Vậy mà có những lúc ông nghĩ mình chỉ là một thứ quả non xanh:

Tôi hoảng sợ ngày bàn tay mẹ mỏi
Mình vẫn còn một thứ quả non xanh?


Tôi đang hình dung gương mặt thơ của ông, thì lại nhớ đến mấy câu của nhà thơ Xuân Sách, tạc chân dung của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm:

Một mặt đường khát vọng
Cuộc chiến tranh đi qua
Rồi trở lại ngôi nhà
Cất lên ngọn lửa ấm


Không thể nào tưởng tượng ra một chân dung thơ nào khác hơn, thôi đành mượn mấy câu của nhà thơ quá cố để kết thúc bài viết này.

Huế, 7/2012
L.H.L
(SH290/04-13)


---------
(1) Thơ của Pablô Nêruđa.  
(2) Trong bài “Mùa thu” của Eptusenco.  




 

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • HỒ HUY SƠN  

    Năm 2019, văn đàn Việt chứng kiến một cuộc chuyển giao trong đời sống văn học trẻ nước nhà. Thế hệ 8X vẫn cần mẫn viết nhưng có xu hướng trở nên lặng lẽ hơn; trong khi đó, thế hệ 9X lại đang có một sức bật không kém phần táo bạo, bất ngờ. Bài viết dưới đây nằm trong sự quan sát mang tính cá nhân, với mong muốn đưa đến người đọc những nét nổi bật trong năm qua của văn chương trẻ.

  • PHẠM PHÚ PHONG

    Trong mấy thập niên gần đây, cái tên Nguyễn Thị Thanh Xuân không còn xa lạ với độc giả trong cả nước.

  • PHAN TRỌNG HOÀNG LINH  

    Trong một tiểu luận bàn về Ngoại biên hóa trong tiến trình văn học Việt Nam đương đại, học giả Trần Đình Sử xem “ngoại biên hóa chủ yếu là phương thức tồn tại thông thường của văn học”.

  • HỒ THẾ HÀ

    Mấy mươi năm cầm bút đi kháng chiến, Hải Bằng chỉ vỏn vẹn có 1 tập thơ in chung Hát về ngọn lửa (1980) ra mắt bạn đọc.

  • LÝ HOÀI THU    

    Trong bộ tứ bình bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, xuân là bức màn thứ nhất, là khúc dạo đầu của nhịp điệu thiên nhiên. Đó vừa là không gian, vừa là thời gian để vòng tuần hoàn của sự sống tồn tại và sinh sôi.

  • LÝ HOÀI THU    

    Trong bộ tứ bình bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, xuân là bức màn thứ nhất, là khúc dạo đầu của nhịp điệu thiên nhiên. Đó vừa là không gian, vừa là thời gian để vòng tuần hoàn của sự sống tồn tại và sinh sôi. 

  • PHAN TRỌNG HOÀNG LINH  

    Trong thế hệ những nhà văn tuổi Canh Tý đương thời (sinh năm 1960), Hồ Anh Thái chiếm lĩnh một vị trí nổi bật. Càng đặc biệt hơn khi hình ảnh con chuột từng trở thành biểu tượng trung tâm trong văn chương ông. Nhân dịp Tết Nguyên đán Canh Tý (2020), hãy cùng nhìn lại cuốn tiểu thuyết được ông viết cách đây gần một thập kỷ.

  • NGUYỄN TRỌNG TẠO

    • Để chọn được những áng thơ hay, những người thơ có tài, người ta thường mở các cuộc thi, và cuối cùng là giải thưởng được trao.

  • PHẠM XUÂN DŨNG

    Nhà thơ Tố Hữu là người xứ Huế nhưng lại có nhiều duyên nợ với Quảng Trị, nhất là đoạn đời trai trẻ, đặc biệt là với địa danh Lao Bảo.

  • TRẦN THÙY MAI  

    Đọc tập sách của Nguyễn Khoa Diệu Hà, với hơn 30 tản văn, tôi có cái cảm giác như đang ngồi trên tấm thảm thần Aladin bay về một miền mà không có xe tàu nào đưa ta đến được một miền thương nhớ đặc biệt “Ở xứ mưa không buồn”!

  • NGUYỄN QUANG THIỀU  

    Có không ít các nhà thơ lâu nay coi sứ mệnh của thơ ca không phải là viết trực diện về những gì đang xẩy ra trong đời sống con người.

  • VŨ VĂN     

    Một mùa xuân nữa lại về, mùa xuân của hòa bình, của ấm no và những đổi thay của đất nước. Nhưng đã có thời kỳ, những mùa xuân của dân tộc đến vào những lúc chiến tranh vô cùng gian khổ, trong lòng nhiều người từng sống qua những năm tháng ấy lại dâng lên niềm thương nhớ Bác, nhớ giọng nói của Người, nhớ những lời chúc Tết của Người vang lên trên loa phát thanh mỗi đêm Giao thừa.

  • ĐỖ QUYÊN  

    1.
    Du Tử Lê
    thường được xem là một trong bảy nhà thơ hàng đầu của nền văn học miền Nam Việt Nam trước năm 1975, cùng với Bùi Giáng, Vũ Hoàng Chương, Tô Thùy Yên, Thanh Tâm Tuyền, Đinh Hùng, và Nguyên Sa. Cây thơ cuối cùng ấy đã hết còn lá xanh giữa mùa thu này.

  • NGUYỄN KHẮC PHÊ    

    (Nhân đọc các tập truyện của Trần Bảo Định vừa được xuất bản)

  • LƯU KHÁNH THƠ   

    Giai đoạn giao thời ba mươi năm đầu thế kỷ XX đã chứng kiến sự thay đổi vị trí xã hội của người phụ nữ. Từ “chốn phòng the”, một số người phụ nữ có tri thức và tư tưởng tiến bộ đã mạnh dạn vươn ra ngoài xã hội, bộc lộ suy nghĩ, chủ kiến riêng và thể hiện con người cá nhân của mình.

  • PHẠM PHÚ PHONG    

    Trong vô tận (Nxb. Trẻ, 2019) là cuốn sách thứ mười ba và là tiểu thuyết thứ tư của nhà văn Vĩnh Quyền.

  • HOÀNG THỤY ANH

    “Đá”(1) là tập thơ thứ 5 của tác giả Đỗ Thành Đồng. Điểm xuyết, vấn vương một chút dáng dấp của “Rác”, “Rỗng”, “Xác”(2), nhưng thần thái của “Đá” đã khác.

  • ĐÔNG HÀ

    Mỗi dân tộc có một số phận lịch sử. Và lịch sử chưa bao giờ công bằng với dân tộc Việt chúng ta, khi trải qua hơn bốn ngàn năm, luôn phải đặt số phận con dân dưới cuộc chiến. Vì vậy, để viết nên trang sử nước nhà, không chỉ những chính sử gia, mà các nhà văn, nhà thơ, người cầm bút, không tránh chạm ngòi bút của mình vào nỗi đau của dân tộc.

  • NGUYỄN QUANG THIỀU

    Khi đọc xong bản thảo trường ca Nàng, quả thực trước đó tôi không hình dung có một trường ca như vậy được viết trong thời đại hiện nay.